(Nhà văn Đỗ Trường)
Đầu năm 2022, tôi bất ngờ đọc được bài viết “Níu Một Đời, Giữ Một Thời” của tác giả Ban Mai, một nhà văn trẻ trong nước. Cô đang là giáo sư giảng dạy về Khoa Học Công Nghệ và Hợp Tác Quốc Tế tại Trường Đại Học Qui Nhơn Mở đầu bài viết, tác giả đã vẽ lại bức tranh đen tối, kinh hoàng sau ngày 30.4.75: “…phần lớn người Miền Nam làm việc cho chính phủ Cộng Hòa đều bị tập trung cải tạo. Cuộc sống của nhiều gia đình đảo lộn. Vì sau khi đổi đời, họ bị thất nghiệp, nhiều người lâm vào cùng quẫn. Cảnh quan thành phố tiêu điều xơ xác, thiếu lúa gạo khiến dân phải ăn độn bo bo và mì sợi. Trầm trọng hơn nữa: Sự xơ xác tinh thần của trí thức Miền Nam không còn được tự do trình bày suy nghĩ, không còn được tự do hấp thu tri thức nhân loại.
<!>
Thay vào đó là những đợt học tập chính trị triền miên, theo một định hướng duy nhất: Chủ nghĩa Marx. Tất cả sách báo, văn học nghệ thuật bị tịch thu tiêu hủy, nền văn chương Miền Nam hoàn toàn bị bôi xóa. Giống như thời man rợ của Tần Thủy Hoàng năm 210 trước công nguyên…
Bắt đầu sau năm 1975, những thế hệ sinh ra và lớn lên ở Việt Nam không hề biết đã từng có một nền văn học nghệ thuật Miền Nam vô cùng giá trị với nhiều thể loại “trăm hoa đua nở”, đề cao tự do, dân chủ, với ý thức khai phóng, nhân bản, theo kịp trào lưu thế giới…”
Và tác giả cho biết sự tình cờ được may mắn tiếp cận với dòng văn chương miền Nam:
“Mùa hạ năm 2010, tôi tình cờ đọc bài viết của nhà thơ Du Tử Lê giới thiệu về tác phẩm “Những cơn mưa mùa Đông” của tác giả Lữ Quỳnh do nxb Thư Ấn Quán ở Mỹ xuất bản, thời gian này tôi đang tìm hiểu dòng văn chương Miền Nam nên liên hệ, ngay lập tức nhà văn Trần Hoài Thư và Lữ Quỳnh trả lời, tôi biết họ từ ngày ấy.
Bắt đầu từ đó, tôi tìm đọc dòng văn chương Miền Nam Việt Nam do nxb Thư Ấn Quán phát hành, vì ngày xưa trước năm 1975 tôi còn quá nhỏ chưa hiểu biết gì, tôi sinh ra và lớn lên ở Quy Nhơn, thuộc Miền Nam Việt Nam vì vậy tôi không muốn văn chương Miền Nam bị thất lạc và bôi xoá, tôi cần phải tìm hiểu và phổ biến lại cho thế hệ trẻ ở trong nước biết.
Thật may mắn, mùa thu năm 2011 nhà thơ Vũ Trọng Quang từ Sài Gòn photo cho tôi trọn bộ “Văn Miền Nam” (4 tập) và 2 tập “Thơ Miền Nam thời chiến” do Thư Ấn Quán phát hành năm 2009. Cuốn sách mới nhất tôi được Trần Hoài Thư tặng là cuốn “Những tạp chí Văn học Miền Nam” do ông sưu tầm và nhận định in năm 2018, ông đã sưu tầm được 15 tạp chí đã từng xuất bản ở Miền Nam Việt Nam gồm các tạp chí: Ý thức, Bách khoa, Văn, Sáng tạo, Khởi hành, Vấn đề, Trình bày, Thời tập, Hiện đại, Văn nghệ, Nghệ thuật, Mai, Văn học, Văn hóa nguyệt san, Tình thương.
Nhờ ông, tôi có được một cái nhìn khái quát về diện mạo nền văn chương Miền Nam Việt Nam mà hiện nay ở trong nước đã không còn nữa.
Nếu không có ông, làm sao tôi biết 462 tác giả trong 2 tập “Thơ Miền Nam trong thời chiến”, mà phần nhiều là những người lính cầm bút đã chết, đó là “những trang thơ được sưu tập từ một thời kỳ đen tối của quê hương, khởi điểm bằng lệnh tổng động viên và chấm dứt bằng ngày 30 tháng 4 năm 1975. Tập sách này là một nguồn tài liệu giúp cho những nhà phê bình văn học, những người nghiên cứu văn học sử, và những ai chưa có dịp tiếp cận với nền văn chương Miền Nam trong thời chiến tranh để họ có cái nhìn rõ và đúng đắn hơn về một dòng văn chương tình tự, tự do, khai phóng, sáng tạo và nhân bản”.
Cuối bài, tác giả có nhiều lạc quan về cái nhìn của một một số trí thức trẻ trong nước và kêu gọi sự tiếp tay của mọi người trong trách nhiệm “bảo tồn và chia sẻ Văn Học Miền Nam cho đời sau”.
“Bên trong nước, mấy năm gần đây có một bạn trẻ Nguyễn Trường Trung Huy ở Sài Gòn cũng dày công sưu tầm Văn học Miền Nam và bộ sưu tập của bạn ngày một đồ sộ đáng cho ta kinh ngạc, đó là một kỳ công. Tôi tin rằng, trên đất nước Việt Nam này có nhiều người thầm lặng âm thầm tìm kiếm, lưu giữ một nền văn chương nhân bản mà ta tưởng rằng đã chết sau năm 1975. Ngày nay, giới nghiên cứu văn học trong nước đang ngày càng tìm kiếm để nghiên cứu, mới đây trong một đề thi luận văn bậc trung học phổ thông, có một giáo viên đã đem bài thơ “Ta về” của Tô Thùy Yên cho học sinh bình giảng, với những câu thơ đầy tính nhân văn: “Ta về như lá rơi về cội/Bếp lửa nhân quần ấm tối nay/Chút rượu hồng đây xin rưới xuống/Giải oan cho cuộc biển dâu này”. Tuy đây chỉ mới là một hành động đơn lẻ nhưng đó là một tín hiệu vui.
Tôi tin rằng, sẽ không còn bao lâu nữa dòng Văn chương Miền Nam (1954-1975) sẽ được đưa vào giảng dạy chính thức trong nhà trường, nó xứng đáng được trả về với đúng vị trí của nó trong tiến trình phát triển văn học Việt Nam hiện đại, không ai và không một thể chế nào có thể bôi xóa một thời đại lịch sử của nước nhà. Giữ gìn, bảo tồn và chia xẻ Văn học Miền Nam cho đời sau là trách nhiệm của chúng ta, của tôi và các bạn những người yêu tiếng Việt, những người yêu văn chương Việt Nam.”
Đọc bài viết của tác giả Ban Mai, tôi bỗng nghĩ ngay đến một người khác, mà diện mạo của ông trong lĩnh vực này lúc nào cũng sáng lên trong suy nghĩ và hy vọng của tôi: Nhà văn Đỗ Trường
Đỗ Trường người Nam Định, tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm năm 1980. Sau thời gian theo học Khoa Anh Ngữ tại Đại học Ngoại Ngữ Hà Nội, năm 1987 ông nghỉ học, đi buôn rồi theo lao động xuất khẩu sang CHDC Đức. Sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ, ông ở lại và cùng cả gia đình định cư tại thành phố Leipzip, CHLB Đức. Tác phẩm đầu tay là tập truyện “Không Bao Giờ Thành Sẹo” do Vipen xuất bản 2013. Sau đó là “Về Miền Ký Ức” (tạp bút),“Đất Nước Với Những Đường Cong”, “Không Thể Sống Trong Im Lặng”, “Từ Hộ Chiếu Buồn Đến Đau Thương Hành” (xuất bản năm 2019, là một tác phẩm đặc biệt nói về những khổ nạn mà chính quyền CS Việt nam đã hành xử đối với ông, vì những bài viết của ông), và mới nhất là “Men Còn Đọng Lại Đáy Vò”,viết về một số tác giả tiêu biểu, những người lính cầm bút miền Nam (Nhân Ảnh xuất bản năm 2022.) Ngoài ra, là một loạt các truyện ngắn, tùy bút, ký sự, biên khảo được độc giả khắp nơi đón nhận khá nồng nhiệt.
Sự nghiệp văn chương chưa dày lắm, nhưng tên tuổi ông đã nổi bật cả trong lẫn ngoài nước, bởi các bài nghiên cứu khá tường tận, với những nhận định một cách khá công tâm, sâu sắc, tinh tế về nền văn học miền Nam, đặc biệt qua những tác giả vốn là những người lính cầm bút trong và sau cuộc chiến.
Lần đầu tiên tôi biết và đặc biệt lưu ý tới Đỗ Trường, cách nay hơn mười năm, khi đọc được bài viết “Những Giải Văn Học Không Có Thật”. Ông phê phán (có thể gọi là lên án) Hội Nhà Văn Việt Nam tại Hà Nội đã trao giải thưởng cho tác phẩm Dị Hương của một tác giả trong nước:
“Ngắc ngứ mãi, rồi tôi cũng đọc xong truyện ngắn Dị Hương của Sương Nguyệt Minh. Quả thật, ngoài những pha làm tình mang dáng dấp từ truyện Đồi Thông Hai Mộ, Gia Long Nguyễn Ánh hiện lên đậm tính lục lâm thảo khấu với giọng văn kiếm hiệp phương Bắc. Còn lại tôi không tìm được điều gì khác tác giả muốn chuyển tải đến người đọc.”
Để rồi ông nhận định thêm về “hiện tượng” đa số các cây bút trong nước lúc ấy:
“Trong khi viết về chiến tranh, các cây bút trong nước thật sự chưa có cái nhìn công bằng với những người quân, cán của VNCH. Họ vẫn hiện lên đầy rẫy ở các tác phẩm với những hình ảnh méo mó, với những tên gọi xếch mé. Gần đây nhất tôi mới thấy các cây viết trong nước ca ngợi một người lính VNCH, vì anh có công cùng với người lính Mỹ cất giữ cuốn nhật ký Đặng Thùy Trâm, để hôm nay chúng ta mang ra phát động tuyên truyền. Chúng ta hãy bình tâm đọc lại những vần thơ của nhà thơ Trần Trung Đạo, anh là một thuyền nhân. Cũng viết về người lính, nhưng anh không phân biệt đâu lính VNCH, hay là anh bộ đội…..”
Sau này, qua nhiều bài giới thiệu, nhận định, phê bình về một số tác giả và tác phẩm miền Nam của ông, tôi dần dà có nhiều thiện cảm và đánh giá cao về khả năng văn chương, đặc biệt ý thức về một nền văn học mà cá nhân ông trước đây chưa từng biết qua, và chắc chắn khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đã từng bị đầu độc đó là loại “văn chương phản động”, “văn chương đồi trụy” mà sau tháng 4 /1975 chính quyền Cộng Sản tìm mọi cách hủy diệt, nhưng không thể.
Ông nghiên cứu và viết khá nhiều về những tác giả, tác phẩm miền Nam. Một số tôi đã đọc được:
Trần Trung Đạo – Tiếng Vọng Từ Bên Kia Đại Dương
Luân Hoán – Người Kể Chuyện Bằng Thư
Vũ Hữu Định – Đường Đi Không Đến
Vũ Hoàng Chương – Lạc Loài Trong Cõi Nhân Sinh
Đinh Hùng – Con Đường Thi Ca Độc Đạo
Hòa Thượng Thích Như Điển – Chân Dung Một Nhà Văn
Du Tử Lê – Đời Lưu Vong Chưa Tận Tuyệt Với Linh Hồn
Phạm Tín An Ninh – Con Đường Giải Oan Cho Một Cuộc Bể Dâu
Cao Xuân Huy – Người Vẫn Không Thể Thoát Ra Khỏi Cuộc Chiến
Tô Thùy Yên – Tiếng Thơ Lầm Than Hào Kiệt Từ Một Thời Khủng Khiếp, Một Vận Phân Ly
Nguyễn Đức Sơn – Chập Chờn Trong Cõi Hư Vô
Thảo Trường – Những Mảng Ghép Của Chiến Tranh
Duyên Anh – Từ Cảm Xúc Cho Đến Tận Cùng Của Con Chữ
Trần Hoài Thư – Người Ngồi Vá Lại Những Linh Hồn…
Trần Hoài Thư Với Những Vần Thơ Lúc Nửa Đêm
Nguyễn Bắc Sơn – Một Đặc Phẩm Của Thi Ca Miền Nam
Phạm Ngọc Lư – Người Vẫn Giữ Lửa Cho Văn Học Miền Nam
Tùy Anh – Từ tháng Tư buồn đến nỗi đau biệt xứ
Phan Nhật Nam – Hè Vẫn Còn Đỏ Lửa
Nguyễn Tất Nhiên – Một Trường Thiên Kịch Bản Bi Ai
Cao Đăng Khánh – “Lửa Ngoài Giới Hạn” Chúng Không Tạ Từ
Nguyễn Nho Sa Mạc – Một Ngôi Sao Xẹt Qua Bầu Trời Thi Ca
Lữ Quỳnh – Chiếc Cán Cân Của Văn Học Miền Nam
Song Vũ – Người Vẫn Chưa Thể Bước Ra Khỏi Cuộc Chiến
Trạch Gầm – Một Giọng Thơ Độc Đáo
Cung Trầm Tưởng – Từ Chuyện Tình Lãng Mạn Đến Hồn Thơ (Thế Sự) Lưu Đày
Đặc biệt, trong bài“Văn Học Miền Nam - Một Góc Nhìn” được viết ngày 16.11.2021, nhà văn Đỗ Trường đã có cái nhìn rất sâu sắc về Văn Học Miền Nam, đặc biệt hai khía cạnh Hiện Thực và Nhân Bản. Xin trích đoạn một số tiêu biểu:
…tuy bị bức tử, song cũng như âm nhạc, sức sống của nền văn học ấy vẫn mãnh liệt lắm. Nó không chỉ âm thầm đi sâu vào lòng người ở ngay đó, mà còn sinh sôi nảy nở ngoài cương thổ, nơi có mấy triệu người Việt nữa kìa!
…có được sức sống lâu dài ấy, cũng bởi Văn học miền Nam chứa đựng những giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo. Hai giá trị cơ bản của văn học này, dường như ta rất ít gặp ở những tác phẩm ngoài Bắc trong cùng giai đoạn chiến tranh 1954-1975, bởi tính tuyên truyền đã bóp nghẹt những giá trị ấy. Dù miền Bắc có rất nhiều nhà văn tài năng
…dù bị đánh tráo khái niệm, hay khoác cho một chiếc áo, một tên gọi mới, thì thực chất Văn học miền Nam không hề bị méo mó, đổi thay. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ đi sâu vào cái giá trị hiện thực, và nhân đạo của Văn học miền Nam (trong chiến tranh) dưới ngòi bút của những nhà văn người lính mà thôi.
…Có thể nói, chiến tranh tuy tàn khốc, nhưng đã sản sinh ra một loạt các nhà văn, nhà thơ tài năng xuất thân từ những người lính: Dương Nghiễm Mậu, Thế Uyên, Thảo Trường, Tô Thùy Yên, Lữ Quỳnh, Trần Hoài Thư, Luân Hoán, Phan Nhật Nam, Nguyên Vũ, Nguyễn Bắc Sơn, Linh Phương, Trần Dzạ Lữ… Những tác phẩm còn nguyên mùi khói thuốc, vang tiếng đạn bom của họ như một luồn gió mới làm thức tỉnh, và giải tỏa sự bế tắc của Văn thơ miền Nam đang gà gật lúc đó. Và những tác phẩm ấy gắn liền với hiện thực của xã hội, sự tàn khốc chiến tranh, cũng như thân phận người lính.
…Có thể nói, những nhà văn miền Nam (1954-1975) không chịu ảnh hưởng, chi phối bởi bất kể thế lực, đảng phái nào. Cái tôi, và tự do tư tưởng, sáng tạo của họ đã được coi trọng, phát triển. Với tư tưởng như vậy, nên nền Văn học miền Nam được hình thành bởi những giá trị hiện thực, và nhân đạo là điều hiển nhiên. Với tôi đó chính là một nền văn học đích thực.
…Nếu không có thơ văn đích thực, thì chúng ta và các thế hệ sau này chắc chắn sẽ không hiểu sự thật về bản chất của cuộc chiến này, cũng như tâm trạng người lính với những năm tháng tang thương đó. Văn học như một chiếc cầu nối lịch sử đến với con người vậy. Và chính những nhà văn người lính đã nối những nhịp cầu ấy. Thật vậy, giữa sự sống và chết rất mỏng manh nơi chiến trường, vậy mà ta vẫn thấy tính nhân bản của con người chợt hiện lên…Và cái tình người ấy, dường như xuyên suốt trang thơ của người lính.
Trong bài “Phạm Ngọc Lư -, Người Vẫn Giữ Lửa Cho Nền Văn Học Miền Nam”, (khi đang ngồi đọc Văn thơ miền Nam 1954-1975, tác giả chợt nhớ đến nhà thơ Phạm Ngọc Lư, sống trong nước, gốc giáo chức (theo lệnh động viên nhập ngũ vào khóa 5/68 Sĩ quan trừ bị Thủ Đức, nhưng chỉ một thời gian ngắn, được biệt phái trở lại ngành giáo dục), sau 1975 dù phải sống đời lang bạt khốn cùng, nhưng vẫn tiếp tục sáng tác những bài thơ (hành) đầy khí khái miền Nam, nhà văn Đỗ Trường đã viết:
“…Từ độ“đất trời dị biệt, gió mây bất đồng” thì nền Văn học miền Nam bị khai tử. Và tròn bốn mươi năm, tưởng chừng nó cũng đã chìm vào lãng quên. Nhưng nhìn lại, dường như dòng văn học ấy vẫn nảy nở, âm thầm chảy trong lòng đất Việt. Có thể nói, ngay sau biến cố 1975 dòng chảy đó tự chẻ ra như những nhánh sông luân lạc… rồi tìm về, tụ lại đó đây. Tuy chưa thể cháy lên, nhưng nó đã cùng với những nhà thơ, nhà văn hải ngoại làm ấm lại phần nào cho nền Văn học miền Nam.
Nếu được phép đi tìm những khuôn mặt cho Văn học miền Nam còn ở lại trong nước, chắc chắn thi sĩ tôi nghĩ đến trước nhất phải là Phạm Ngọc Lư. Tuy viết không nhiều, nhưng cốt cách Con Người cũng như hồn vía văn thơ của ông trong một cái xã hội dối trá lọc lừa, không phải ai cũng giữ được.”
Không chỉ viết về những tác giả, tác phẩm của Văn Học Miền Nam, nhà văn Đỗ Trường cũng đã viết về một số nhà văn nhà thơ tiêu biểu miền Bắc. Ông ca ngợi tài năng, sự thành công và cả thái độ “phản tỉnh”của họ, nhưng cũng đã thẳng thắn phê phán những trường hợp sai lầm, tiêu cực:
-Trong bài “Vài Suy Nghĩ Về Hậu Báo Văn Nghệ Và Nỗi Buồn Chiến Tranh Của Nguyên Ngọc” có một đoạn nhà văn Đỗ Trường viết:
“Đọc “Hậu Báo Văn Nghệ Và Nỗi Buồn Chiến Tranh” của nhà văn Nguyên Ngọc, tuy rất khoái, nhưng tôi cảm thấy còn chút lăn tăn. Bởi, không chỉ Nguyên Ngọc, mà một số nhà văn trong nước vẫn còn luyến tiếc cái Trường viết văn Nguyễn Du. Một cái trường, dường như có tác dụng hợp thức hóa bằng cấp cho các bác vừa từ chiến trường trở về thì đúng hơn. Chứ các bác đã thừa biết, có cái trường quái nào đào tạo được nhà văn, nhà thơ đâu. Do vậy, không những giải tán cái trường này, mà các bác nên giải tán luôn cái Hội nhà văn, cái Văn Nghệ Quân Đội, cũng như các trường báo chí tuyên truyền, trường luật pháp cùng các đoàn, trường nghệ thuật quân đội đỡ gánh nặng thuế má của người dân
Tôi đồng ý với Nguyên Ngọc về sự đánh giá cao Nỗi Buồn Chiến Tranh của Bảo Ninh. Tuy nhiên, cuốn sách này còn không ít những đoạn Bảo Ninh lên gân, và bốc phét hơi bị nghĩa lộ, chứ không toàn bích như Nguyên Ngọc đã viết
Cách nay vừa tròn hai mươi năm(1993), tôi có về Hà Nội, gặp được ông em họ vừa ở tù ra vì can tội là lính thám kích, quân đội VNCH. Tôi có đưa cho hắn cuốn Nỗi Buồn Chiến Tranh. Đọc xong, hắn bảo, ông Bảo Ninh viết hoàn toàn sai về người lính VNCH. Như câu chuyện bốn người lính thám kích bị bắt, tác giả viết một cách không đúng sự thật. Từ cách mô tả hành động đến thuật lại những mẩu đối thoại của những người lính thám kích này.
Lính thám kích được chọn, hầu hết còn trẻ, gan dạ và có bản lãnh. Họ không thể nào quá hèn hạ, van xin như Bảo Ninh kể. Nếu có xin tha đi nữa, thì cách nói và những lời nói ấy, nhất định không phải của họ. Điều này hắn khẳng định không thể có. Người lính thám kích đã được giáo dục về nhân cách, ngay sau khi đã được tuyển chọn. Trong nhiệm vụ đặc biệt, những toán thám kích cần phải tránh nổ súng, tránh bị phát hiện, trừ trường hợp, tự vệ, bất khả kháng. Cho nên, không thể có trường hợp phát hiện, bắt ba cô gái, rồi dẫn đi nhởn nhơ như vậy, để nhóm của Kiên tóm được. Hơn nữa, trong trường hợp đã bị bắt, trước sự sống chết, không thằng nào ngu xuẩn, nói giọng trêu cợt: Ba nhỏ đó trình quý anh, tụi này làm thịt cúng hà bá rồi… Mấy nhỏ la khóc quá trời..
Hắn cũng cho rằng, cuốn truyện còn nhiều cảnh tưởng tượng quá mức, như trường hợp, một đám lính, làm thịt con xà niêng, nhưng sau khi cạo lông mới phát hiện ra đó là một người đàn bà.
Tôi viết lại lời hắn theo trí nhớ của mình. Và còn nhiều lời nặng nề khác của hắn về Nỗi Buồn Chiến Tranh, nhưng tôi xin phép không chép ra đây. Hắn ra người thiên cổ đã lâu. Vài dòng như một chút tưởng niệm đến hắn và những người lính cả hai miền Nam-Bắc đã hy sinh trong cuộc chiến vừa qua.”
Trong bài “Hữu Loan - Tài Năng Và Sự Mâu Thuẫn Trong Tư Tưởng Cũng Như Thi Ca”,(viết nhân 10 năm ngày mất của thi sĩ Hữu Loan), nhà văn Đỗ Trường đã đưa ra một vài chi tiết mà gần như hầu hết trong chúng ta chưa được biết về tác giả bài thơ nổi tiếng “Màu Tím Hoa Sim” này:
“Khó hiểu, và bất ngờ hơn nữa, trong cùng một thời điểm Hữu Loan viết bài ngợi ca: Chế Độ Ta, khác hẳn với sự châm biếm, đả kích ở bài: Cũng Những Thằng Nịnh Hót. Sự mâu thuẫn, nhức nhối này, làm cho người đọc một cảm giác “Cây gỗ vuông chành chạnh” Hữu Loan, dường như còn một khuôn mặt khác nữa:
“…Chế độ ta
Đến đâu
Mặt trời theo
Đến đấy
Chế độ ta
Đã dạy
Cho mặt trời
Công bình…
Chế độ ta
Đã dạy
Cho mặt trời
Công bình…
Chế độ ta
Không còn hành khất
Không còn người ăn sương
Nhân loại cần lao
Lớp lớp
Lên đường
Mặc áo muôn màu
Hát muôn thứ tiếng
Tay nắm tay thân mến
“Ta giữ hòa bình
Cho chế độ ta đây…”
Có thể nói, Hữu Loan có cái nhìn méo mó về Hà Nội và Saigon, cũng như cuộc di cư của hơn một triệu đồng bào miền Bắc (sau1954), khi ông viết bài Đêm vào tháng 5/1956. Quả thực, dưới cái tư tưởng, quan điểm phiến diện như vậy của Hữu Loan, Hà Nội trước kia, và Saigon hôm nay (1956), hiện lên trong thơ như một thứ ung nhọt, giang mai cùng mã tấu. Sự đĩ điếm, bỉ ổi ấy, càng rõ nét hơn dưới phép so sánh của ông: “Đêm Hà Nội/ Ngày nay/ Như em nhỏ nằm tròn/ Ru trong nôi chế độ”. Cái khía cạnh, và sự ru ngủ này, trong thơ Hữu Loan, dường như ít được các nhà nghiên cứu, và phê bình nhắc đến:
“…Hốt hoảng gọi nhau
Không kịp vớ áo quần
Những đêm Hà Nội ngày xưa
Lõa lồ
Mình đầy ung độc
Đã xuống tàu đêm
Vào Sài Gòn
Tất cả
Những đêm Sài Gòn
Ngày nay
Đêm giang mai
Tẩu mã
Đang mưng
Cấp cứu gấp vạn lần
Những đêm xưa Hà Nội
“10$ 1 cốc cà-phê
100$ 1 con gái…”
Quảng cáo đóng đầy
Ngực đêm
Như áo ngủ Sài Gòn
Đêm Hà Nội
Ngày nay
Như em nhỏ nằm tròn
Ru trong nôi chế độ
Những đèn dài đại lộ
Như những tràng hoa đêm
Nở long lanh
Trong giấc ngủ
Bình yên”
Sau 1954, những thi sĩ, nhà văn cùng thời như, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, hay Nguyễn Tuân… đều phải đảo bút, úp mặt quay lưng vì cuộc sống là điều dễ hiểu. Song với Hữu Loan một nhà thơ thẳng thắn, và can trường là một điều thật khó lý giải. Do vậy, cần lắm một sự nghiên cứu của các bậc tiền bối từ trong nước ra đến hải ngoại, để làm sáng tỏ một cách chân thật nhất về nhà thơ tài năng, đáng kính Hữu Loan.
Và một trong nhiều trường hợp thay đổi tư duy ngược lại: nhà thơ Đinh Thị Thu Vân (trong Hội Văn Nghệ Long An)
“…ngay từ những ngày đầu cầm bút Đinh Thị Thu Vân đã hồ hởi, reo vui: “Tháng Tư ơi xin đẹp mãi tâm hồn.”. Và Ba mươi tháng Tư đến, nhà thơ như cởi bỏ dĩ vãng, gột rửa được tâm hồn. Lời tự thú ấy đã được Đinh Thị Thu Vân viết thành thi phẩm: Nếu không có ngày Ba mươi tháng Tư, rất đồng điệu với khí thế hừng hực của những ngày sau 30-4-1975. Quả thực, nó chẳng khác gì một bản kiểm thảo trước chi bộ đảng đoàn vậy
“…Nếu không có ngày Ba mươi tháng Tư
Em giờ vẫn như thuở nào, sợ tay mình lấm đất
Sẽ không biết tự khuyên mình những lời nghiêm khắc nhất
Không một lần dám sống hy sinh
Và giữa dòng người cuộc sống gấp bon chen
Em đâu biết tin ai một điều gì tuyệt đối
Em sẽ đến với tình yêu bằng nửa trái tim yếu đuối
Còn nửa tim kia đành giữ lại… để nghi ngờ
—-
Sẽ… rất nhiều, anh hiểu phải không anh
Ngày tháng trước em là con ốc nhỏ
Con ốc đa nghi cuộn mình trong lớp vỏ
Sống vô tình mà ngỡ sống thông minh…”
Nếu “Nếu không có ngày Ba mươi tháng Tư” là lời tự thú, để rũ bỏ quá khứ, gột rửa tâm hồn, thì đến với “Saigon Đau” lại là sự tìm về dĩ vãng, trong cái tiếc nuối và nỗi đau mất mát của Đinh Thị Thu Vân. Có thể nói, “Saigon Đau” là bài thơ tiêu biểu, và rõ nét nhất cái mâu thuẫn tư tưởng trên những trang viết của Đinh Thị Thu Vân. Và nó cũng là một trong những bài thơ viết về thế sự xã hội hay nhất, mà tôi được đọc. Thật vậy, nỗi đau và sự luyến tiếc đó, dường như không phải của riêng nhà thơ, mà nó đưa đến, và nhận được sự đồng cảm của rất nhiều người. Vẫn những lời thơ tự sự, Saigon Đau như một mũi khoan xoáy vào lòng người đọc. Nhất là những kẻ buộc phải rời xa quê. Ta hãy đọc lại những trích đoạn có lời thơ dân dã, song rất đẹp dưới đây để thấy rõ, (và so sánh) cái mâu thuẫn tư tưởng, cũng như cái tôi, và chất trữ tình trong thơ thế sự xã hội của Đinh Thị Thu Vân:
“em yêu Sài Gòn, vì nơi đó có một người đau
một người mất những vàng son quá khứ…
Sài Gòn của anh
một thời Công Lý
một thời Tự Do
Sài Gòn của một thời Thương xá
em bước qua, ngơ ngẩn mắt quê mùa…
không có tình yêu, Sài Gòn như đất trống
như câu thơ lạc vận chẳng neo hồn!
không giữ lại dáng hình xưa được nữa
Sài Gòn đau ngơ ngác buổi em về
anh ở đâu những ngày cây lá đổ
có đợi chờ bàn tay nắm sẻ chia?…”
-Một vài nhận xét về Đỗ Trường từ những nhà văn thành danh trong và ngoài nước:
-Trong bài viết về tác phẩm “Từ Hộ Chiếu Buồn Đến Đau Thương Hành” của tác giả Đỗ Trường, nhà thơ Trần Trung Đạo đã có nhận xét:
“Nhà văn Đỗ Trường cảm nhận giá trị văn chương và hoàn cảnh của tác phẩm bằng trái tim trong sáng hơn là tình cảm riêng tư, quen biết trước. Anh không viết theo cách “mặc áo thụng vái nhau”. Cảm xúc dâng lên sau khi đọc một bài thơ, một truyện ngắn anh bắt gặp đâu đó, và như thế anh ngồi xuống viết. Anh có thể không biết và cũng không quá cần phải biết ngay tác giả của bài thơ, bài văn mà anh đang phân tích là ai, tầm cỡ nào, còn sống hay đã chết, miền Nam hay miền Bắc, Cộng Sản hay Quốc Gia.
Trong không gian mênh mông không hố hầm ngăn cách của tâm hồn anh, họ là những con người có trái tim Việt Nam như anh và cùng rung một nhịp xót xa hay hy vọng với anh.
Với nhà văn Đỗ Trường, giá trị của tác phẩm làm nên tên tuổi chứ không phải tên tuổi làm nên giá trị tác phẩm”.
-Trong bài viết “Thân Phận Bút Mực Trong Con Chữ Đỗ Trường”, nhà văn Trần Mạnh Hảo đã có những nhận xét khá độc đáo:
“Đỗ Trường viết văn bí mật như người đi vào một thành phố bị chiếm. Chao ôi, những trang giấy trắng này đã bị sự dối trá chiếm đóng từ muôn nơi, trong đó có quê hương của ông tàn tạ những chân trời. Ông hân hoan trao sự thật lòng mình cho trang giấy như người vợ đêm tân hôn trao cho chồng sự trinh trắng cả tâm hồn và thể xác…”
-Đặc biệt và mãnh liệt hơn, trong bài viết ngày 28.8.2017, dưới cái tựa: “Đỗ Trường – Kẻ Không Khoan Nhượng Với “Bầy Sâu Đang Khiêng Nước Việt Đi Chôn”, được đăng trên RFA, nhà văn Võ Thị Hảo sau khi nhận định về tài năng và khí tiết của Đỗ Trường, đã kết luận như sau:
“Người Việt ở Đức và mọi nơi trên thế giới rất cần thêm những người viết mang nhân cách chính trực như Đỗ Trường. Ngay tại Đức quốc, ai ngờ lại quá hiếm hoi những người viết như vậy. Chúng ta cần biết bao những người dám nói và viết lên sự thật để tẩy rửa sự tanh tưởi của những cơ hội và nhạt đạo tâm hồn.
Không cần nổi danh, Đỗ Trường viết vậy là chỉ để tự cứu rỗi chính mình. Nhưng nhân cách viết da diết vì sự thật và cộng đồng ấy đã cần mẫn ngày ngày gắng gỏi cho một sự nghiệp lớn và vì thế anh thành danh ngoài mong muốn.
Bằng những gắng gỏi, góp gió thành bão của mỗi người, sẽ tới một ngày, Việt Nam…”
- LỜI KẾT:
Bài viết này, ngoài việc giới thiệu đến độc giả diện mạo đặc biệt đáng quí của một nhà văn sinh ra và lớn lên từ miền Bắc trong giai đoạn chiến tranh, cũng để thay cho lời cám ơn gởi đến nhà văn Đỗ Trường, người đã “chuyên chở văn học miền Nam, đặc biệt những người lính cầm bút miền Nam, vượt qua vũng lầy của cuộc chiến” do chế độ CS man rợ đã cố tình hủy diệt sau tháng 4.1975, để mang đến cho mọi người Việt Nam, đặc biệt những thế hệ hậu sinh trong nước, giá trị đích thực và vĩnh cữu của nó.
Bắc Âu, 23.6.2022
Phạm Tín An Ninh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét