PNO - Sương sâm thành phẩm có màu xanh mát, đưa vào miệng trơn mềm như tan trên đầu lưỡi rồi trượt vào cổ họng. Những ngày tháng Năm nắng nóng đến đổ lửa, mọi người đều lười ra khỏi văn phòng máy lạnh. Tôi cũng vậy. Nhìn ra cửa kính, ngẫm cái nóng bên ngoài, tôi chợt thèm một ly sương sâm vò. Tôi nhớ cái màu xanh mướt mát, cảm giác lành lạnh trơn mềm trong miệng, vị ngọt nhẹ của đường…
<!>
Xưa, ít ai trồng cây sương sâm, càng không có người hái lá sâm đi bán kiếm tiền. Cây sâm ngày trước được xem là cây dại. Ở quê tôi, cây sương sâm mọc khắp nơi, nhưng nhiều nhất là trong các rẫy cà phê mà chủ vườn không dọn sạch cỏ. Sương sâm tươi tốt quanh năm nên khi nào muốn ăn, người ta chỉ cần ra vườn, dạo một vòng, hái lá mang vào giã giã, vò vò, lọc bỏ bã chờ đông lại là có thể thưởng thức. Tuy nhiên, do tính giải nhiệt, nên sương sâm ăn ngon nhất là vào các tháng nắng nóng.
Vào những tháng đó, khi nông nhàn, má tôi sai lũ con vào vườn hái lá sâm về. Là cây dại, sương sâm mọc chung với cỏ và dây rừng nên chỉ các anh chị lớn trong nhà biết cách phân biệt để hái, còn tôi thuộc dạng trẻ con ham chơi và vô tâm nên lần nào khi mang lá sương sâm đi rửa, má cũng loại bỏ không ít lá có hình dáng tương tự.
Sau khi rửa sạch, cắt nhỏ, má lại “chỉ huy” các anh chị lớn bỏ lá sương sâm vào cối, giã. Cái cối không to, chày cũng không to, nhưng muốn chiết lấy chất sâm trong lá, phải giã đến khi cả thân, lá, bẹ lá nhuyễn mịn. Giã như vậy, sức người lớn thì vừa, nhưng sức trẻ con thì khác nên má phải huy động cả đàn con. Đứa này giã mệt thì thay đứa khác. Thi thoảng, má đảo ngang, cối nào sâm đã ra nước, má đổ cả nước lẫn cái sang vải mùng, vắt lấy nước bỏ bã.
Món sương sâm chỉ có hai thành phần là lá sương sâm và nước, nên thời gian để sương sâm đông lại không cố định, khi khá nhanh, nhưng cũng có lúc để từ trưa đến tối vẫn không đông. Để khắc phục điều này, không biết từ bao giờ, người quê tôi mách nhau “mẹo” cạo một ít nang mực vào sương sâm, trộn đều.
Nghe có vẻ vô lý vì một thứ mọc trên rừng (Lâm Đồng), một thứ dưới biển (nang con mực), thế nhưng lại tạo nên kỳ tích: sương sâm đông nhanh, vị cũng thanh, ngon hơn hẳn.
Sau khi sương sâm thành hình, má dùng dao rạch vài đường, tách mỏng sương sâm cho vào ly rồi thêm nước đường, ít đá lạnh vào. Sương sâm thành phẩm có màu xanh mát, đưa vào miệng trơn mềm như tan trên đầu lưỡi rồi trượt vào cổ họng. Thêm vị ngọt của đường, sự mát lạnh của đá, ai cũng ghiền.
Tôi đang mơ màng thì chuông điện thoại reo, có người báo xuống nhận hàng. Nhìn tên người gửi trên gói đồ, tôi bật cười sung sướng, sao má lại biết tôi đang thèm món này, đúng lúc này? Trong gói hàng là những dây sương sâm đã được phơi khô, thêm chiếc nang mực. Tối nay, khi về đến nhà, tôi sẽ cho lá sương sâm vào máy sinh tố, cùng ít nước để xay nhuyễn, rồi lọc, và đặt trong tủ lạnh.
Vậy là trước khi đi ngủ, tôi sẽ thưởng thức ly sương sâm với tất cả vị thanh mát. Nghĩ đến đó, tôi mỉm cười, hạnh phúc ngập tràn.
Huỳnh Hằng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét