Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 12 tháng 7, 2022

ĐIỂM BÁO PHÁP QUỐC NGÀY : 12/07/2022


Dội bão lửa để Ukraina kiệt lực, Nga vẫn chưa « giải phóng » được Donbass
Lính Ukraina chạy đến nơi trú ẩn sau khi một hỏa tiễn Nga rơi xuống khu dân cư tại Kramatorsk, Donetsk ngày 07/07/2022. AP - Nariman El-Moft - Thụy My Tổng cộng 480 quả rốc-kết chỉ trong vòng hai phút rưỡi, Nga còn thả cả bom phốt-pho xuống Donetsk. Trong điều kiện như thế, chỉ có các chiến hào mới giúp tránh được cái chết. Hỏa lực áp đảo, binh lính đông gấp nhiều lần, nhưng Nga vẫn chưa « giải phóng » được toàn vùng Donbass.
<!>
Xì-căng-đan Uber tại Pháp, tranh giành ghế thủ tướng tại Anh, Cuba một năm sau cuộc biểu tình lịch sử, dân số thế giới sắp tăng lên 8 tỉ, là những đề tài được các báo Paris đề cập nhiều hôm nay, bên cạnh cuộc kháng chiến chống quân Nga xâm lược của người dân Ukraina.

La Croix hôm naychạy tựa trang bìa « TạiUkraina, quân đội đã kiệt sức ». Sau khi lực lượng Ukraina gây ngạc nhiên về sức kháng cự trong thời gian đầu, nay quân Nga đang thắng thế ở Donbass. Ở trang trong, qua bài « Trên tiền tuyến Donbass, sống sót nhờ chiến hào », đặc phái viên tờ báo cho biết quân đội Ukraina đang chuẩn bị một đợt tấn công mới. Những người lính vẫn đầy quyết tâm, nhưng họ than phiền về khoảng cách quá lớn với hỏa lực hùng hậu của Nga, và hy vọng phương Tây sẽ chuyển giao thêm vũ khí.

« 480 quả rốc-kết trong 2 phút rưỡi », biết đào hầm mới sống sót

Từ khi lực lượng Ukraina rút khỏi hai thành trì cuối cùng tại Luhansk là Severodonetsk và Lysychansk, vùng Donetsk trở thành đích nhắm hàng đầu của quân Nga tại miền đông để « giải phóng » toàn vùng Donbass. Dù hiện không có cuộc tấn công lớn nào, nhưng Nga oanh kích dữ dội vào những giới tuyến của Ukraina, biến cuộc sống thành địa ngục. Ở Siversk, lữ đoàn 80 đã tiêu diệt được 13 xe tăng Nga trong cùng một ngày, nhưng họ không ảo tưởng, quân Nga vẫn tiếp tục tiến.

Mikolai, một người lính đến từ Spirne, một ngôi làng nằm sát Luhansk đưa điện thoại cho nhà báo xem một video quay được từ chiến hào, khói đen bao trùm khắp nơi. Hôm 04/07, Nga bắn cùng lúc 12loạt rốc-kết đa nòng Grad gần vị trí của anh : « Tổng cộng 480 quả rốc-kết chỉ trong vòng hai phút rưỡi ! Tất cả đều bốc cháy, từ những cánh đồng cho đến làng mạc. Họ còn thả bom phốt-pho xuống cây cối để chúng tôi không thể tránh được các drone ».

Trong điều kiện như thế, chỉ có các chiến hào mới giúp tránh được cái chết. Nazar, một chiến sĩ khác kể : « Cách đây vài ngày, một đơn vị dân quân được gởi đến. Chúng tôi bảo họ phải đào chiến hào thật sâu. Ở đây, vũ khí tốt nhất là chiếc xẻng ». Thế nhưng chỉ có một người chịu khó đào hố cá nhân. Hôm sau khi quay lại, có 6 người chết và 14 bị thương, người duy nhất đã đào hào vẫn sống sót.

Tại Donbass, mỗi chiếc xe chỉ « thọ » được 24 giờ

Chỉ trong một ngày, 6/10 chiếc xe của đơn vị đã bị hư hại. Những xe chạy trên các đường phố Kostiantynivka, cũng như những nơi khác ở Donbass, đều chi chít những vết đạn, kính bị vỡ. Nazar nói : « Tại đây một chiếc xe hơi chỉ thọ được 24 giờ ». Nga dùng cả bom chùm đánh vào khu dân cư.

Trong giai đoạn hai này, Nga có hai lợi thế : hỏa lực mạnh hơn và đường tiếp liệu ngắn hơn, chưa kể số lượng lớn chiến xa. Theo báo cáo của Royal United Services Institute (RUSI), « Nga bắn đi 20.000 quả đạn cối 152 ly một ngày, so với Ukraina là 6.000 », cách biệt còn lớn hơn nữa đối với các giàn phóng rốc-kết và hỏa tiễn. Hai tác giả Jack Watling và Nick Reynolds giải thích, pháo binh Nga thống trị khiến các đơn vị Ukraina không thể tập hợp lực lượng để tấn công. Về binh lính, ở những vị trí quan trọng, quân Nga đông gấp 7 lần Ukraina, đánh vào thành phố bằng những nhóm 20 lính có xe bọc thép hỗ trợ.

Về phía Ukraina trông cậy vào tin tình báo và pháo tầm xa của phương Tây, nhắm vào các kho đạn, kho xăng. Trong cuộc chiến tiêu hao này, nhân sự, thiết bị và đạn dược hết sức quan trọng, chưa thể biết bên nào sẽ đạt đển ngưỡng chịu đựng.

Nướng mất nhiều quân, Nga sửa luật để nhận lính đến 60 tuổi !

Matxcơva đã tăng lương cho quân tình nguyện, hủy bỏ giới hạn tuổi để đăng lính là 40 tuổi, từ nay tất cả công dân chưa đến tuổi về hưu (61 tuổi rưỡi) đều có thể gia nhập quân đội. Trên tuyến đầu, ngày càng có nhiều quân từ các vùng Ukraina bị chiếm đóng, lính đánh thuê Wagner, quân Tchetchenya, quân dự bị theo hợp đồng.

Ukraina thì đã tổng động viên ngay từ khi vừa bị xâm lăng, nhưng trận đánh Severodonetsk-Lysychansk với những đợt pháo tàn bạo của Nga đã chôn vùi những đơn vị thiện chiến nhất. Kiev đang thiếu những chiến binh dày dạn và lính điều khiển xe bọc thép, nên khó thể tấn công quy mô.

Về vũ khí, đạn dược, Nga đang chuẩn bị hợp pháp hóa việc huy động các doanh nghiệp làm việc cho kỹ nghệ quốc phòng, tránh việc thiết quân luật hay tổng động viên chính thức. Quân đội Ukraina, thiếu thốn chiến xa và đạn pháo, đang phải tận dụng đủ loại vũ khí thời Liên Xô lẫn phương Tây. Theo RUSI, các đối tác của Ukraina cần giới hạn số chủng loại vũ khí cung cấp để bớt phức tạp khi sử dụng.

Kháng chiến quân Ukraina ở thành trì cuối tại Kherson

Tại miền nam Ukraina, đặc phái viên Le Monde tả lại « Những ngày sống sót ở vùng xám ». Dải đất rộng 2 km, dài 10 km ở Kherson là nơi hai quân đội giành giựttừng bụi cây, từng vị trí một. Ở « vùng xám » này mỗi ngày đều có những người lính ngã xuống nơi chiến hào bùn lầy. Ngôi làng nhỏ bé Novovorontsovka là phần đất cuối cùng còn trong vòng kiểm soát của chính quyền Ukraina ở Kherson, khiến Matxcơva không thể tuyên bố đã chiếm được toàn vùng và sáp nhập vào Liên bang Nga.

Đại tá Vitaly, chỉ huy thành trì cuối này cho biết trước đây Nga tập trung oanh tạc những địa điểm chiến lược, nhưng nay bắn lung tung kiểu « hên xui » để khủng bố, làm người dân sợ hãi phải ra đi. Ông là một trong những quân nhân chuyên nghiệp hiếm hoi tại đây, vốn chỉ chiếm có 3 %, đại đa số là những người dân Ukraina bình thường nay cấm súng.

Lâu nay mỗi lần tiếp xúc với tình nguyện quân là mỗi lần ngạc nhiên cho phóng viên Pháp. Dưới chiếc nón sắt ấy là ai, trẻ hay già, « ma mới » hay đã có kinh nghiệm, giàu hay nghèo ? Tại Novovorontsovka, đó là những thanh niên trí thức, nghệ sĩ… ở lứa tuổi ba mươi từng có nghề nghiệp vững chắc, giờ đây gắn bó với bộ quân phục.

« Uber Files », xì-căng-đan đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai của Macron

Các báo đều đề cập đến vụ « Uber Files », được cuộc điều tra của tổ hợp các nhà báo điều tra quốc tế tiết lộ. Hồ sơ này tố cáo các thủ thuật của Uber để tránh né quy định luật pháp các nước, và ở Pháp, tập đoàn dường như đã có thỏa thuận bí mật với ông Emmanuel Macron lúc còn là bộ trưởng Kinh tế. Le Monde dành 5 trang báo khổ lớn với nhiều chi tiết cụ thể, Libération đưa lên trang bìa và bình luận ở 4 trang trong, Les Echos tóm lược vụ này qua sáu câu hỏi.

« Uber Files » là gì ? Đó là các tài liệu nội bộ của tập đoàn Mỹ Uber gồm 124.000 e-mail, văn bản…từ 2013 đến 2017, được nhà vận động hành lang Ailen Marc MacGann trao cho nhật báo Anh The Guardian, và tờ báo chia sẻ với 42 cơ quan truyền thông các nước (trong đó có Le Monde và Radio France). Ông MacGanntừng chỉ đạo các chiến dịch lobby của Uber tại châu Âu, châu Phi và Trung Đông từ 2014 đến 2016, và nay quyết định lên tiếng vì cho rằng Uber vi phạm luật ở vài chục nước và dối gạt về lợi ích của mô hình. Hồ sơ này cáo buộc Uber dùng một số thủ đoạn « phản dân chủ » để có thể phát triển nhanh chóng như tại Anh, Pháp, Nga.

Ông Emmanuel Macron có sai phạm gì trong vụ « Uber Files » ? Theo cuộc điều tra, thì Macron đã tạo điều kiện cho việc Uber hoạt động tại Pháp, ngược với quan điểm của tổng thống và thủ tướng lúc đó là François Hollande và Manuel Valls. Le Monde cho rằng Emmanuel Macron hành động như một « đối tác » chứ không phải « người ủng hộ ». Ông đã có 17 cuộc trao đổi với ê-kíp Uber France trong vòng 18 tháng sau khi nhậm chức bộ trưởng Kinh tế Tài chính vào mùa hè 2014. Cũng theo Le Monde, Uber và Emmanuel Macron đã có một thỏa thuận : chấm dứt dịch vụ UberPop tại Pháp, đổi lại sẽ được đơn giản hóa thủ tục để có được giấy phép hành nghề.

Một chiến lược chung dường như đã được đề ra, kể cả việc Uber tự soạn ra các sửa đổi để gởi cho các dân biểu « thân hữu ». Tháng Giêng 2015, Uber France đã chuyển các điều khoản « chìa khóa trao tay » cho dân biểu đảng Xã hội Luc Belot. Trả lời Le Monde, ông Belot giải thích do ông hoàn toàn đồng ý với nội dung văn bản, tin rằng Uber sẽ giúp cải thiện được mảng dịch vụ giao thông. Tuy những sửa đổi này bị bác, nhưng vẫn là cơ sở cho một sắc lệnh được bộ trưởng Emmanuel Macron ban hành. Chính phủ vào đầu năm 2016 đã giảm thời gian đào tạo cần thiết để được cấp giấy phép hành nghề : từ 250 giờ chỉ còn 7 giờ.

« Ngạc nhiên là không có gì đáng ngạc nhiên »

Đối lập phản ứng ra sao trước hồ sơ này ? Nhiều nhân vật thuộc các khuynh hướng chính trị khác nhau đòi hỏi tổng thống phải giải thích, đòi lập « ủy ban điều tra », hoặc tố cáo « xì-căng-đan đầu tiên trong nhiệm kỳ của Emmanuel Macron ». Về phía điện Élysée cho rằng việc ông Emmanuel Macron trao đổi với các doanh nghiệp tham gia vào sự thay đổi sâu sắc ngành dịch vụ, đơn giản hóa một số thủ tục là điều tự nhiên, nằm trong khuôn khổ trách vụ của ông. Đương kim bộ trưởng Kinh tế Bruno Le Maire cũng cho rằng thời đó các nền tảng trên mạng đang là « các thị trường đầy hứa hẹn ».

Đối với một số người, vụ này chẳng có gì mới vì Uber từng chịu nhiều tai tiếng, bị nhiều nước cáo buộc không chịu cho các tài xế tư cách người làm công ăn lương. Tại Pháp, Uber cũng đã từng bị điều tra vì « lao động không khai báo » từ năm 2015. Tập đoàn công khai từ chối chấm dứt UberPop dù đã bị cảnh cáo, cho đến khi hai nhà lãnh đạo chính của Uber France bị câu lưu thì dịch vụ này mới thực sự ngưng.

Nhật báo thiên tả Libération cáo buộc một « hệ thống mafia », nhưng nhật báo kinh tế Les Echos cho rằng « điều ngạc nhiên là không có gì đáng ngạc nhiên ». Emmanuel Macron chưa bao giờ che giấu ý định mở cửa lãnh vực taxi cho cạnh tranh, và khoảng 40 cuộc trao đổi giữa Uber với Macron và ê-kíp của ông từ 2014 đến 2017 không đáng là xì-căng-đan. Emmanuel Macron cũng không thu về bất kỳ lợi ích cá nhân nào. Ngược lại, nước Pháp được lợi : giá cả hạ xuống, gây áp lực hữu ích, tạo thêm nhiều việc làm, còn việc vận động hành lang của Uber tỏ ra không có hiệu quả đáng kể. Emmanuel Macron thiếu thẳng thắn với Élysée, thủ tướng và vài đồng nhiệm trong chính phủ thời đó, nhưng chính trị là như thế.

Cuộc đua ráo riết vào Dinh thủ tướng Anh

Cũng về chính trị châu Âu, Le Figaro nói về cuộc tranh đấu kịch liệt sắp tới để kế vị ông Boris Johnson tại Anh. Đến tối thứ Hai, đã có 11 ứng cử viên nhưng danh sách vẫn chưa đóng lại. Khuôn mặt quan trọng cuối cùng tham gia vào cuộc đua là ngoại trưởng Liz Truss, từ lâu vẫn được coi là « người đàn bà thép » theo kiểu Thatcher. Những tên tuổi khác là cựu bộ trưởng Tài chính Richi Sunak hiện đang được giới cá cược cho là có hy vọng nhiều nhất. Tất cả đều hứa hẹn giảm thuế, và về vấn đề nhạy cảm là di dân, những ứng cử viên chính đều cam kết theo đuổi chính sách gởi người nhập cư bất hợp pháp sang Rwanda. Ngay cả những ứng viên tự do nhất vẫn không muốn đặt lại vấn đề Brexit.

Riêng ông Richi Sunak, 42 tuổi, đang tập trung mọi chỉ trích nhất là từ cánh hữu trong đảng. Những đồng minh của Boris Johnson tố cáo « sự phản bội » của Sunak – việc từ chức đầy kịch tính của ông này hôm thứ Ba tuần trước đã khởi đầu cho hồi kết của ông Johnson. Sunakcũng bị coi là « kẻ nói dối » : người ta phát hiện Akshata Murty, người vợ giàu có của ông đã tiết kiệm được nhiều triệu bảng Anh tiền thuế nhờ khai không thường trú ở vương quốc, tuy bà đang sống tại Luân Đôn. Bản thân Richi Sunak có thẻ xanh của Mỹ trong khi đang là bộ trưởng Tài chính. Nếu chiến thắng, ông Sunak sẽ là thủ tướng Anh đầu tiên gốc Ấn Độ.

Nhân loại sắp lên đến 8 tỉ người

Trên lãnh vực xã hội, sự kiện dân số thế giới sẽ đạt 8 tỉ người vào ngày 15/11 tớiđược các báo chú ý. La Croix nhận thấy ngưỡng 8 tỉ người đạt được trong bối cảnh khá đặc biệt, tỉ lệ gia tăng dân số chỉ tập trung vào một số ít nước. Châu Phi miền hạ Sahara sẽ có dân số tăng gấp đôi từ nay đến 2050, ngược lại, 60 quốc gia bị mất đi 1 % dân số, trước hết là Trung Quốc ngay từ 2023, và châu Âu, Bắc Mỹ.

Một mặt, dân số tăng tại các nước đang phát triển sẽ gây khó khăn cho xóa đói giảm nghèo, gia tăng di dân. Mặt khác, các nước giàu đứng trước nguy cơ về thế hệ tiếp nối. Bản đồ dân số thế giới mới cho thấy cần phải đẩy mạnh tình liên đới ra bên ngoài biên giới, vì cuối cùng, bất bình đẳng trong phát triển sẽ làm tất cả đều thiệt thòi.

Le Monde lưu ý, con người sống trên Trái Đất chưa bao giờ đông đảo như thế : tăng thêm 1 tỉ người so với cách đây không lâu là năm 2010, tăng 2 tỉ nếu so với 1998 và 5,5 tỉ so sánh với năm 1950. Lần đầu tiên trong lịch sử, Ấn Độ sẽ vượt qua mặt Trung Quốc, trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Hiện nay hai nước đều xấp xỉ 1,4 tỉdân, nhưng đến năm 2050 dân số Ấn Độ sẽ lên đến 1,668 tỉ, còn Trung Quốc 1,317 tỉ. Đó là một trận động đất không thể đảo ngược. Vào giữa thế kỷ 19, một phần ba nhân loại sống tại Hoa lục, nhưng đến năm 2100 tỉ lệ này chỉ còn 10 %.

Trả lời Le Monde, nhà xã hội học và nhân khẩu học người Ấn đang giảng dạy tại Mỹ, Alaka Basu cho rằng đông dân hơn Trung Quốc không làm Ấn Độ thay đổi. Điều quan trọng là sự khác biệt về cơ cấu lứa tuổi. Tuổi trung bình ở Ấn Độ là 28 còn Trung Quốc là 38, có nghĩa là dân số trong lứa tuổi lao động tại Ấn Độ cao hơn nhiều.

Không có nhận xét nào: