Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 19 tháng 2, 2020

Văn Hóa Dân Tộc Việt Bị Suy Vong Dưới Chế Độ Cộng Sản - Trần Nhật Kim (Đặc San Lâm Viên)



Chưa một quốc gia nào trên thế giới, mặc dù chỉ trong một thời gian ngắn, phải chịu nhiều biến động đau thương như dân tộc Việt Nam.  Mỗi biến động xẩy ra dưới hình thức và danh xưng khác nhau, được ngụy trang bằng danh từ “Cách mạng”, mà thực chất chỉ là sự hủy diệt những điều tốt đẹp đang có, để đưa người dân tới đời sống tồi tệ hơn.  Tất cả những chiêu bài phản bội này đã gây trở ngại cho viễn ảnh loại bỏ được hoàn cảnh chậm tiến, lạc hậu để hướng tới một đời sống tốt đẹp hơn, vốn là một khát vọng của dân tộc. Những biến động “Người Việt giết Người Việt”, xuất hiện
dưới tên riêng trong mỗi giai đoạn lịch sử, nhưng để lại hậu quả vô cùng thảm khốc.<!>

Hành Động Tàn Bạo Của CS:


Khởi đầu là cuộc “Cách mạng Mùa Thu” xẩy ra vào ngày 19-8-1945, ngụy tạo dưới chiêu bài “Bài Phong Đả Thực”.  Với chính sách “Cải cách ruộng đất” rập theo khuôn mẫu của Trung cộng nên “giết lầm chứ không tha lầm”, đã tàn phá Miền Bắc Việt Nam, gây ra cái chết cho 172.008 người dân vô tội.  Ngoài ra, còn hàng triệu thân nhân của những nạn nhân bị thảm sát,  bị sua đuổi miệt thị phải sống vất vưởng ngoài lề xã hội.

Một cuộc “Cách mạng” đã phá vỡ tận cỗi rễ Hương Ước xóm làng có từ lâu đời…một quy
tắc bất thành văn thể hiện lòng yêu thương và tình đoàn kết dân tộc trước kẻ thù phương Bắc. 
Chính sách “đấu tố” đã hủy diệt nền tảng gắn bó gia đình, con tố cha vợ tố chồng...khiến miền
Bắc trở lên mất nguồn gốc văn hóa dân tộc, biến con người trở thành vô cảm, đã nẩy sinh sự
chia rẽ trong mọi tầng lớp dân chúng.




Với chính sách “Cải cách ruộng đất”, đảng CS cho đó là một thắng lợi, vì dẹp tan được những trở ngại trên đường nhuộm đỏ miền Bắc theo đúng chủ trương của CS Quốc tế, dọn đường cho ý đồ nhuộm đỏ vùng Đông Nam Á Châu.  Hậu quả tai hại của chính sách thất nhân tâm này đã gia tăng bất mãn và sự chống đối lan nhanh trong dân chúng.  Đơn cử như trường hợp cán bộ tập kết phá đồn cảnh sát gần Hồ Hoàn kiếm để giải cứu cho một số tập kết bị giam cầm… Âm vang vụ nổi dậy của dân chúng Quỳnh Lưu năm 1956 đã lan rộng từ Bắc vào Nam, khiến đảng phải nhận sai lầm về chính sách Cải cách ruộng đất.  Hai ông Trường Chinh và Hồ Viết Thắng bị mất chức.  Thả 12,000 đảng viên bị cầm tù vì quy lầm là địa chủ, cường hào.

Các đảng viên sau khi được khôi phục công quyền, đảng tịch đã trả thù các đồng chí tố sai,
khiến sự xung đột, thanh toán giữa các đảng viên ngày một lan rộng.  Tại nông thôn, các
đảng viên đi họp phải mang búa theo.  Cán bộ trở lên hoang mang, khiến uy tín của đảng
CS ngày một suy sụp.


Những Biến Động Nhằm Xóa Bỏ Văn Hóa Dân Tộc Việt


Biến động thứ nhất bộc phát mạnh mẽ sau khi “Cách mạng thành công”.  Giới trí thức miền Bắc âm thầm chống đảng từ hồi kháng chiến.  Văn nghệ sĩ tham gia kháng chiến đã chia làm hai phe, một phe gồm đảng viên và một phe không đảng viên.  Kể từ năm 1950, khi chính sách của Việt cộng thay đổi và cố vấn Tàu sang Việt Nam, các văn nghệ sĩ không đảng tịch đã ngừng sáng tác.



Sở dĩ văn nghệ sĩ không công khai chống đảng vào thời gian kháng chiến, vì dễ bị đảng gán cho tội “Việt gian phản quốc”, nhưng tình trạng tấn công nhắm vào giới lãnh đạo gia tăng từ mùa Xuân 1956.  Như trường hợp ông Hồ Đắc Liên đã tuyên bố: “Còn phải chống Pháp thì tôi còn đi với chúng (CS) khi nào độc lập rồi chúng sẽ biết tay tôi.”  Nhạc sĩ Văn Cao cũng có phản ứng: “Nay Đảng bảo phải, mai Đảng bảo sai, ai còn biết đường nào mà sáng tác.”  (1) 



Không khí chống đảng ngày một lan rộng.  Tháng 3-1956, nhà xuất bản Minh Đức cho ra ấn phẩm “Giai Phẩm 1956” gồm một số tác giả có bài viết nêu lên những thối nát của chế độ, như Phùng Quán với bài “Cái chổi quét rác rưởi”, Lê Đạt với bài “Ông bình vôi”

Trong số những bài đăng trong Giai phẩm mùa Xuân
phải kể tới bài thơ dài 500 câu với nhan đề “Nhất định thắng” của nhà thơ trẻ Trần Dần, nội
dung ghi lại hoàn cảnh sống khổ cực của gia đình tác giả và đau xót khi thấy hàng vạn người
bỏ miền Bắc di cư vào Nam, với trích đoạn:
….
Mưa đổ mãi lên người xa đất Bắc 
Ai dẫn họ đi?- Ai? – Dẫn đi đâu? – mà họ khóc mãi. 
Trời vẫn quật muôn vàn tảng gió
Bắc Nam ơi, đứt ruột chia đôi 
…… 

Tôi ở phố Sinh Từ 
Những ngày ấy bao nhiêu thương sót 
Tôi bước đi
    không thấy phố 
    không thấy nhà
    Chỉ thấy mưa sa
    trên mầu cờ đỏ.


Với bài thơ trên, tờ Giai phẩm mùa Xuân bị tịch thu.  Trần Dần bị bắt giam và bị đấu tố trước các văn nghệ sĩ trong “Hội các nhà văn” với tội “phản động”.  Trần Dần cứa cổ tự tử vì quá phẫn uất, nhưng không chết.  Sau khi “Giai Phẩm mùa Xuân” bị tịch thu, “Giai phẩm Mùa Thu” ra đời vào ngày 29-8-1956 với bài “Phê bình lãnh đạo Văn nghệ” của cụ Phan Khôi.  Để rộng đường đấu tranh rộng rãi hơn, tờ “Nhân Văn” ra đời vào ngày 15-9-1956.  Hưởng ứng phong trào đấu tranh, giới sinh viên Đại học xuất bản tờ báo chống đảng “Đất Mới”.  Tuần báo “Trăm hoa” của Nguyễn Bính cũng nghiêng về chống đảng…

Để ngăn chặn hành động chống đối của giới văn nghệ sĩ, Đảng thực hiện các thủ đoạn:

-  Ra lệnh cho mậu dịch không bán giấy in báo cho nhóm đối lập.
-  Khủng bố những người phát hành.
-  Khủng bố người đọc
-  Vận động thợ in không in.

Sau khi phá ngầm không được, Đảng chủ trương đánh phá công khai bằng cách vu khống
các văn nghệ sĩ là tay sai của địch và rêu rao báo “Nhân Văn” là gián điệp…Đảng ra lệnh cho
Ủy ban Hà Nội ký giấy đóng cửa báo Nhân Văn và tịch thu các số báo đã phát hành.

Ngày 15-12-1956, Hồ-Chí Minh ký sắc lệnh tước quyền “Tự do Ngôn luận” của báo chí.  Sắc
lệnh cũng đưa ra hình phạt tù từ 5 năm đến chung thân khổ sai, kèm theo tịch thu một phần
hay toàn bộ tài sản nếu vi phạm.  Sau khi ban hành sắc lệnh, các tờ báo như Trăm Hoa, Đất
Mới, Giai Phẩm đều bị đình bản.

Trước tình trạng chống đối, không hợp tác của giới văn nghệ sĩ, Đảng không còn cách nào
hơn là bắt đi dự lớp chỉnh huấn.  Đợt đầu đi chỉnh huấn có 304 văn nghệ sĩ, họ bị khủng bố
tinh thần để viết bản “tự kiểm thảo”.  Sau khi chỉnh huấn, các văn nghệ sĩ bị đưa đi “học tập
lao động”.  Nhẹ thì lao động ít tại nơi gần, nặng phải đầy tới nơi rừng thiêng nước độc, một
hình thức an trí.

Bốn người không chịu đi chỉnh huấn gồm: Phan Khôi, Trương Tửu, Thụy An và Nguyễn Hữu
Đang.  Đảng ra lệnh bắt giam Thụy An và Nguyễn Hữu Đang tại Hỏa Lò.  Trương Tửu bị cắt
chức giáo sư trường đại học Văn khoa, gia đình bị bao vây kinh tế.  Cụ Phan Khôi, 73 tuổi, bị
cấm giao thiệp với mọi người, cũng như không ai được tới thăm cụ.  Mặc dù bị theo rõi, cụ đã
viết tác phẩm “Nắng Chiều” gửi đến Hội Văn Nghệ để mạt sát chế độ cộng sản. 

Nhìn lại, các văn nghệ sĩ đã một thời hy sinh tuổi trẻ để theo đuổi kháng chiến chống thực dân,
mong mỏi xây dựng một xã hội tự do dân chủ, đã vô tình giúp cho Đảng cộng sản thành công,
nhưng kết quả lại bị ngược đãi, đầy ải, trù dập.  Một điều tệ hại hơn chế độ thực dân phong
kiến trước đây.


oOo


Biến động thứ hai, hiện thân của một cuộc chiến “Huynh Đệ tương tàn” vì ý thức hệ Quốc-Cộng, kéo dài trong 20 năm, gây thương tật cho hàng triệu người dân vô tội, kể cả cầm súng lẫn tay không.  Cuộc chiến Nam-Bắc chấm dứt vào ngày 30-4-1975, Đảng cộng sản nắm quyền cai trị toàn cõi Việt Nam.

Sau khi chiếm trọn miền Nam, đảng CS Hà
Nội áp dụng tại miền Nam chính sách “chuyên
chính vô sản” như đã xẩy ra tại miền Bắc vào
năm 1954, nhằm tiêu diệt văn hóa miền Nam,
mà đảng CS gọi là “Văn hóa đồi trụy”, một loại văn học theo đế quốc Mỹ.

Việc đầu tiên là đóng cửa các cơ sở sinh hoạt văn học nghệ thuật, từ các hiệu sách, các nhà
xuất bản và ra lệnh cho người dân phải thiêu hủy toàn bộ văn hóa phẩm của miền Nam cũng
như sách báo ngoại quốc.  Một loại “Văn hóa mới” ra đời, một thứ văn học hiện thực XHCN,
tuyệt đối theo đường lối của đảng CS, đã chịu ảnh hưởng sâu đậm bởi chính sách của Trung
cộng.

Sau chính sách thiêu hủy toàn bộ văn hóa phẩm miền Nam, tiếp theo là bắt tù cải tạo Quân,
Cán, Chính VNCH.  Thành phần văn nghệ sĩ với tên gọi “Biệt kích cầm bút” cũng chung số
phận tù đầy.

Mức độ tiêu diệt văn hóa miền Nam ngày một gia tăng khắp nơi với cường độ vô cùng quyết
liệt.  Vấn đề “tiêu diệt văn hóa miền Nam” trở thành ưu tiên tại các cuộc họp từ Trung ương
đến địa phương, coi đây là một nhiệm vụ cấp thiết nhất.

Tại Sài Gòn - Gia Định, từng đoàn thanh niên học sinh nam nữ diễu hành qua các phố hô to các khẩu hiệu với nội dung “Bài trừ văn hóa đồi trụy phản động” như ghi trên biểu ngữ.  Các học sinh, sinh viên thuộc thành đoàn đến từng nhà lục tìm tịch thu các văn hóa phẩm, không cần biết thuộc loại nào, giáo khoa hay nghiên cứu văn học, tiếng Việt hay ngoại ngữ, mang về Phường, Quận thiêu hủy.  Sách báo tại các thư viện cũng chịu chung số phận, kể cả các tác phẩm lưu trữ từ nhiều thế kỷ.

Báo chí nhà nước gia tăng tuyên truyền nặng tính xuyên tạc.  Lệnh cấm lưu hành sách báo 
“Phản động và Dâm ô” được đăng tải rộng rãi, kèm theo danh sách những tác phẩm được
coi là phản động.  Việc tàng trữ và lưu hành văn hóa phẩm cũng chịu áp đặt bằng những
hình luật:

Phạt tù từ 3 đến 12 năm cho những vụ:

- Tuyên truyền xuyên tạc chế độ XHCN
-  Phao tin bịa đặt gây hoang mang trong dân chúng
-  Tàng trữ, lưu hành hay tạo ra các văn hóa phẩm có nội dung chống chế độ XHCN…


oOo


Chính sách “Tiêu diệt Văn hóa dân tộc Việt” đã tái diễn, nhưng lần này không rầm rộ, ồn ào dưới danh nghĩa của đảng CS như lần trước, nhưng vô cùng tai hại vì loại bỏ toàn bộ văn hóa của dân tộc đã có từ nhiều thế kỷ.




Ngày 20-11-2017, Phó Giáo sư Tiến sĩ Bùi Hiền, nguyên Hiệu phó trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, vừa đưa ra đề xuất cải tiến chữ Việt với bộ sách gồm 2,000 trang dưới tiêu đề “Ngôn ngữ ở Việt Nam”.

Ông nại ra lý do viết theo cách viết mới sẽ tiết kiệm được tiền bạc và thời gian hơn viết theo
cách viết trước đây.  Ông cho hay: “Tôi tính toán với bản in chữ hiện nay chuyển sang chữ
mới thì tiết kiệm được 8%.  Nghĩa là, nếu cần sử dụng khoảng 100 tấn giấy thì theo chữ viết
mới sẽ tiết kiệm được 8 tấn.”

Nhưng ý định của ông Bùi Hiền xét ra “lợi bất cập hại”, vì các văn bản Hiến pháp, các nghị
định, sắc lệnh, luật Hình sự (đ. 88) đang là lợi khí của đảng, đến các tác phẩm của ông Hồ
đều phải vất vào thùng rác.  Nếu phải in lại các văn bản từ Trung Ương đến địa phương và
các tòa Đại sứ tại các nước theo kiểu chữ cải tiến sẽ tốn kém bao nhiêu.  Công trình thay
đổi chữ viết của TS. Bùi Hiền sẽ gây trở ngại cho đảng về mặt tài chính trong lúc nợ công
ngập đầu.  Trừ trường hợp đảng chấp thuận, sẽ làm áp lực nhân dân đóng góp thêm tiền
thuế.

TS. Bùi Hiền đề xuất thay đổi các phụ âm như trong bảng kèm theo đây.  Để đơn giản hóa,
ông đã ghép một số chữ có cùng âm với nhau, thí dụ như:

CH, TR (trước đây) được đổi thành C (phiên bản mới).
C, Q, K        -             -              -            K -        -
……….

Ông cũng tâm sự, đã bỏ ra 40 năm để nghiên cứu về ngôn ngữ.  Nhưng ngôn ngữ chính mà
ông đặt tâm huyết nghiên cứu là tiếng NGA, mặc dù ông chưa đưa ra kết quả nghiên cứu nào
về Nga ngữ, nên không biết công trình này đã đi đến đâu vì chưa công bố.

Như vậy, việc ông nghiên cứu tiếng Việt chỉ là phụ, khiến ai cũng hiểu ông làm cho vui, là cách tìm “thư giãn” khi tinh thần căng thẳng vì Nga ngữ.  Vì tiếng Việt không phải là công trình nghiên cứu chính, nên ông mắc nhiều sai lầm, mặc dù tiếng Việt là “Tiếng Mẹ đẻ.” 


Nhưng theo ông Nguyễn Hoàng Hân, thuộc Viện Nghiên Cứu Tài Nguyên Biển Đông (2), cho hay cách thay đổi các “Nguyên âm và Phụ âm” trong bộ chữ cái của tiếng Việt, thực ra là do “Cục ngôn Ngữ Trung Quốc” soạn thảo vào tháng 3-1998.  Văn kiện “Cải tiến mẫu tự tiếng Việt” theo âm của tiếng Trung quốc do Uông Dương trao tay cho Nguyễn Phú Trọng ngày 12-1-2017, để thực hiện việc loại bỏ ngôn ngữ Việt hầu dễ dàng Hán hóa Việt Nam (vào dịp khi ông Trọng sang Trung quốc để ký 15 văn bản gây thiệt hại cho Việt Nam). 

Việc thực hiện cải tiến mẫu chữ Việt theo âm tiếng Tàu nêu trên được Bộ Giáo dục VN cho áp dụng trong chương trình học từ lớp Một.  TS. Bùi Hiền được đảng CSVN chỉ định cho đứng tên để lấy tiếng và hưởng lợi, nhưng cũng vì hành động này TS. Bùi Hiền đã gánh đỡ cho đảng CS một phần tội phản bội dân tộc. 

Sự Khác Biệt Trong Âm Hưởng Của Mỗi Chữ

Trong thí dụ về hai chữ “Cái Cuốc và Tổ Quốc”, theo TS. Bùi Hiền C,Q=K, vì hai âm C và Q giống nhau nên viết cùng một chữ K cho giản đơn.  Có lẽ vì tiếng Việt không phải là mục tiêu chính để nghiên cứu, nên ông không hiểu nội dung hay chỉ nhắm vào hình thức bề ngoài mà bỏ qua phần cốt lõi, mà đây mới chính là “tinh hoa”, là “linh hồn” của ngôn ngữ Việt.   

Sự phân biệt cách viết như trước đây của hai danh từ trên, giúp ta không lầm lẫn về hình ảnh của mỗi chữ tượng trưng cho hai vật thể riêng biệt, có cá tính riêng biệt, một thứ thuộc về “vật chất” (hữu hình) và một về “tinh thần” (vô hình).  Khi đọc 2 chữ “Cái Cuốc”, chúng ta hình dung ra ngay hình dáng của nó và biết đó là vật thể vô tri, nhưng khi chúng ta đọc 2 chữ “Tổ Quốc”, chúng ta cảm nhận sự thiêng liêng, một cảm xúc mãnh liệt bừng cháy trong huyết quản, một nơi chúng ta gọi là “Quê hương”.  Cũng từ hai chữ “Tổ Quốc”, dù dưới bất cứ hoàn cảnh nào của đất nước, chúng ta cũng nhận ra đó là vùng đất cho chúng ta sống những ngày yêu thương hạnh phúc, một nơi chúng ta phải quyết tâm bảo vệ và chấp nhận hy sinh để bảo tồn.  “Tổ Quốc” là một biểu tượng “trừu tượng”, nên không sờ thấy được.

Cảm giác thiêng liêng về “Tổ Quốc” càng mãnh liệt hơn trong tâm tư người Việt tỵ nạn đang hiện diện khắp nơi trên địa cầu.  Chỉ có người Việt tỵ nạn CS mới cảm nhận mãnh liệt tự đáy lòng về sự thiêng liêng của Tổ Quốc - Quê Hương, mà ở bất cứ nơi nào dù có đời sống tốt đẹp hơn, đầy đủ hơn, cũng vẫn cảm thấy lạc lõng, xa lạ và tình quê hương luôn réo gọi trở về nơi quê Cha đất Tổ.

Nếu đánh đồng hai danh từ “Cuốc” trong Cái Cuốc và “Quốc” trong Tổ Quốc theo cách viết của TS Bùi Hiền: C, Q = K, chữ cải tiến không cho chúng ta cảm nhận gì đặc biệt, chúng chỉ là những “Con Chữ” (theo cách gọi của TS. Bùi Hiền – chữ = con chữ) đơn thuần là một từ ngữ, không gợi cho người đọc một ý tưởng nào.  Sự thay đổi chữ = con chữ, cũng làm người Việt trước năm 1954 tại miền Bắc và trước năm 1975 tại miền Nam, phải ngỡ ngàng về nguồn gốc của nó, và sự “nhân cách hóa” danh từ này xuất hiện từ bao giờ?  Không thấy TS. Bùi Hiền nêu ra trong công trình nghiên cứu cải tiến tiếng Việt của ông.

Ông cũng lên tiếng về các từ Nguyên âm, đơn cử như:  

Súc = Xúc,  Trâu = Châu. 

và phê bình cách phát âm các từ này, tại sao chúng phát âm giống nhau mà viết khác nhau.  Sự lầm lẫn của TS. Bùi Hiền trải dài trong công trình nghiên cứu, hay ông đã bị ảnh hưởng sâu đậm bởi “chủ thuyết duy vật”, nhìn sự vật qua lớp vỏ ngoài nên không phân biệt được phần chính yếu của các từ, mang dấu ấn riêng biệt: giữa "hữu hình” và “trừu tượng”

Cũng không thấy ông Bùi Hiền nói về các chữ ghép mà âm chữ thứ hai chỉ có nhiệm vụ làm tăng giá trị cùa chữ thứ nhất, vì bản chất của nó không mang ý nghĩa nào.  Chẳng hạn chữ Đen tuyền, Xám xịt, Vét váy…Những chữ này đã làm ngôn ngữ Việt trở lên súc tích vì có thêm nhạc điệu.

Vì ý nghĩ “giản đơn”, TS Bùi Hiền đã “bỏ quên” các dấu của tiếng Việt khi thay bằng âm của chữ, khiến tiếng Việt trở lên khô khan, ngọng ngịu…Điều này là một thiếu sót lớn, vì mỗi dấu mang thanh sắc riêng, một đặc điểm của ngôn ngữ Việt mà không quốc gia nào có.  Ngoài ra, nhờ âm của 5 dấu đã giúp tiếng Việt trở lên đặc biệt, như những nốt nhạc lên bổng xuống trầm trong ký âm pháp, giúp người nghe êm tai, hình dung được sự khác nhau giữa các từ, cũng như cảm nhận được sự sâu sắc đặc biệt của một ngôn ngữ.   




Tiếng Việt đã La Tinh hóa từ lâu, trong khi Trung Hoa cũng như Nhật Bản vẫn chưa thành công sau hàng thế kỷ cố gắng thực hiện sự chuyển hóa này.  Nói tóm lại, ngôn ngữ Việt đã định vị, không có  sự cải tiến nào có thể thay thế, thay đổi được nét tinh hoa của tiếng Việt.


Nhìn vào phần chuyển ngữ từ tiếng Việt sang loại chữ mới của TS. Bùi Hiền, chúng ta không nhận ra thứ ngôn ngữ của chính nước mình, nó coi như đến từ một “Nước Lạ” như có nhiều thứ “Lạ” xuất hiện trước đây.  Chúng ta hãy phát âm một đoạn ngắn về Luật Giáo Dục theo cách cải tiến của TS. Bùi Hiền.  Chúng ta thấy giọng đọc líu lo như phát âm tiếng Tàu.  Hơn nữa, về phương diện nghệ thuật hội họa, bản viết tiếng Việt cho ta thấy nét mềm mại, uyển chuyển của từng chữ, từng câu, khiến bài viết dễ gây cảm tình với người đọc.  Trong lúc bản chuyển ngữ sang cách cải tiến chữ Việt cho ta cảm giác khô cứng, không gây cảm giác thân thiện với người đọc.

Trở lại công trình “cải tiến tiếng Việt” của TS. Bùi Hiền, trong một buổi truyền hình với sự hiện
diện của tác giả TS. Bùi Hiền và TS. Đoàn Hương, người “cùng hội cùng thuyền” với tác giả,
đã trả lời câu hỏi của đài về đề tài “cải tiến chữ Việt”.  TS. Đoàn Hương đã trả lời: “Với tiếng
Việt cải tiến theo cách của TS. Bùi Hiền, bà sẽ cùng các cháu đi học lại từ lớp một…”  

Hay TS. Bùi Hiền theo lệnh xóa bỏ ngôn ngữ Việt như đảng cộng sản đã làm qua các biến
động kể trên, để tiếng Việt trở thành một loại ngôn ngữ “trên không chằng, dưới không rễ” hầu
dễ thao túng?

Một câu hỏi đặt ra, tại sao đảng cộng sản Hà Nội cố công xóa bỏ tiếng Việt?  Như cấm lưu
hành tác phẩm “Một cơn gió bụi” của tác giả Trần Trọng Kim, khi phát hành bộ sách “Lịch sử
Việt Nam” với nội dung xuyên tạc thiếu trung thực.  Có phải vì mục đích muốn che đậy những
hành động dã man tàn sát dân tộc của đảng trước đây.  Hay vì muốn sát nhập văn hóa dân tộc
sau các giai đoạn sát nhập đất, biển, hầu dễ dàng đưa nước Việt vào vòng nộ lệ như thỏa
ước đã ký kết tại Thành Đô, Trung quốc năm 1990?


Tiếng Việt Trên Đường Hội Nhập Văn Minh Thế Giới:


Theo lịch sử, ý đồ đô hộ các nước phía Nam được các triều đại Trung Hoa thực hiện rất sớm.  Việt Nam đã bị dưới ách đô hộ của Tàu trong 1.000 năm Bắc thuộc, khởi đầu từ năm 207 trước Công Nguyên (BC) khi Triệu Đà tiêu diệt An Dương Vương và các nước Âu Lạc.  Khi Lê Lợi khởi nghĩa tại Lam Sơn, Thanh Hóa vào năm 1418, mở đầu triều đại mới nhà Hậu Lê, đã chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc vào năm 1427.

Trong thời kỳ Bắc thuộc, chính sách đồng hóa của nhà Hán ngoài việc di dân xuống phương
Nam, cho người Hoa sống chung với người Việt, lấy vợ Việt để xóa dần huyết thống dân tộc
Việt.  Việc truyền bá văn hóa phương Bắc cho người Việt bản xứ như tư tưởng lễ giáo Phong
kiến của Trung Hoa qua Nho giáo của Khổng Tử, được Thái Thú Sĩ Nhiếp du nhập vào Việt
Nam năm 187.  Sĩ Nhiếp (137-226) và một số nhà trí thức hình thành chữ Nôm nhằm mục đích
dễ đồng hóa người Việt, nhưng chính nhờ loại chữ này đã giúp Việt Nam tách khỏi ảnh hưởng
của hệ thống Hán ngữ Trung Hoa.

Việc hội nhập văn hóa Tây phương dưới thời kỳ Pháp thuộc là nhờ sự phổ biến của chữ quốc
ngữ được La Tinh hóa do các giáo sĩ Bồ Đào Nha và Ý thực hiện, nhưng giáo sĩ Đắc Lộ
(Alexandre de Rhodes: 1591-1660) là người đã đưa quốc ngữ đến hoàn chỉnh vào năm 1651.



Việc hội nhập văn hóa Tây phương dưới thời kỳ Pháp thuộc là nhờ sự phổ biến của chữ quốc ngữ được La Tinh hóa do các giáo sĩ Bồ Đào Nha và Ý thực hiện, nhưng giáo sĩ Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes: 1591-1660) là người đã đưa quốc ngữ đến hoàn chỉnh vào năm 1651.

Cuốn từ điển Việt- Bồ La (Dictionarium Annamiticum Lusita
num et Latilum), dựa trên các ký tự của tiếng Việt xuất hiện
, đã đánh dấu sự ra đời của chữ Quốc ngữ.  Ngoài công
trình trên, tác phẩm “Phép giảng tám ngày (Catechismus)” 
viết bằng văn xuôi, có ghi lại cách phát âm bằng tiếng Việt
vào thế kỷ 17, cũng được giáo sĩ Đắc Lộ biên soạn. 

Văn hóa Tây phương ảnh hưởng ngày một sâu rộng trong
mọi tầng lớp dân chúng Việt Nam, một điều mà Nho học
chỉ là phương tiện đô hộ người bản xứ của các Vương
triều phương Bắc, vốn dành cho lớp nho sinh đã trở lên
hạn hẹp.  Ảnh hưởng văn hóa tây phương càng lan rộng khi các trường Trung và Đại học ra
đời tại Hà Nội, đã giúp Việt Nam thoát khỏi những hủ tục ràng buộc bởi Hán học sau một ngàn
năm đô hộ và nhanh chóng hội nhập vào tiến trình văn minh thế giới.


Tiếng Việt Trong Sáng:



Nhìn vào sinh hoạt thường ngày của một xã hội, chúng ta nhận ra nếp sống văn minh của quốc gia này.  Chẳng tìm đâu xa, khi thấy các bảng hiệu hay biểu ngữ treo khắp thành phố Hà Nội và thành phố “Hồ Chí Minh”, đến các văn bằng tốt nghiệp… chúng ta không khỏi ngỡ ngàng:

- Sự sai lầm có ảnh hưởng quốc tế được ghi lại trên tấm biểu ngữ đón chào các quốc gia trong
khối ASEAN năm 2010 trên đại lộ chính.   Tại sao lại viết “Well Come” mà đúng ra là “Welcome”
 ?

-  Bảng chỉ dẫn tại lối vào (Entrance Only) sao phía dưới lại ghi cấm vào (Do Not Enter).

-  Ô Mai: món ăn khoái khẩu của các thiếu nữ được chuyển ngữ thành “Umbrella Tomorrow”. 

-  Trên Bằng tốt nghiệp của ngành Dược, thay vì viết chữ PH đã thay bằng F, khiến các sinh
viên trúng tuyển không được các cơ sở tuyển dụng chấp nhận vì nghi là bằng giả…

-  Bức Xúc: là từ được sách báo xử dụng rộng rãi, nhưng không tìm ra xuất xứ, cũng không
có trong tự điển….

Ai là người phải chịu trách nhiệm trước hành động bôi nhọ bộ mặt của đất nước vốn tự hào là “đỉnh cao trí tuệ”? 

Có phải đó là lỗi của các cán bộ lãnh đạo thuộc Bộ GD-ĐT thiếu khả năng, nên các vị mang
học hàm Giáo Sư Tiến Sĩ không liên quan đến sự “Chậm tiến” này ?

Một quốc gia tự hào có nhiều Tiến sĩ nhất Đông Nam Á châu, nhưng không có một trường Đại
học nào lọt vào danh sách các trường tên tuổi quốc tế, cũng như không có công trình khoa
học nào được đăng ký và là một trong những quốc gia nghèo khó nhất.


Kết Luận


Trong thời gian hình thành chế độ XHCN tại Việt Nam, các biến động đều ẩn hiện bóng dáng của Trung cộng.  Từ trận Điện Biên Phủ vào thập niên 1950, Tướng Trần Canh là kẻ “nấp sau cánh gà” để chỉ huy đưa đến chiến thắng.  Đến câu nói: “Cố vấn Trung quốc muốn như thế…” được Hoàng Quốc Việt nhắc nhở Hồ Chí Minh trong chính sách “Cải cách ruộng đất” tắm máu người dân Việt, cũng như áp dụng chính sách “Trăm hoa đua nở” của Trung cộng để tiêu diệt văn hóa dân tộc Việt.

Từ kế hoạch chia đôi Nam Bắc năm 1954 đến cuộc chiến “Người Việt giết Người Việt” kéo dài 20 năm, đã theo đúng quy trình của CS Quốc tế và Mao Trạch Đông là “Đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng”, khiến giang sơn nước Việt được tưới bằng máu của chính người Việt…

Việt Nam bị lệ thuộc Trung cộng ngày một rõ nét, từ miếng ăn cái mặc của người dân miền
Bắc cũng đến từ Trung quốc trong thời gian chiến tranh Nam-Bắc.  Ảnh hưởng của Trung
cộng ngày càng lan rộng sau Công hàm bán nước năm 1958, khiến TC có cớ nói Hoàng Sa
– Trường sa thuộc Tàu, đến các công ty với công nhân TQ trải dài trên đất Việt.  Có phải thời
điểm thi hành những kết ước giữa hai đảng CS Tàu-Việt tại Hội nghị Thành Đô năm 1990 đã
tới hồi kết thúc ?

Sau hơn nửa thế kỷ bị lừa gạt bởi đảng cộng sản, người Việt đã nhận ra “Thiên đường XHCN
 chỉ là mùi thơm của bánh vẽ, một chiêu bài để đàn áp bóc lột, đưa dân tộc Việt vào vòng nô
lệ.

Đã tới lúc tuổi trẻ Việt Nam phải đứng dậy để dành lại đời sống tự do cho dân tộc.  Đã tới lúc
người Việt trong và ngoài nước phải đồng tâm làm lại lịch sử, như ông cha chúng ta đã làm,
để thoát khỏi sự đô hộ của kẻ thù phương Bắc, hầu đưa đất nước tới Tự Do, Thịnh vượng
và Phú cường.


Trần Nhật Kim




--------------------------------


Chú thích

Tài liệu tham khảo - 




(1)- Tác phẩm: “Trăm hoa đua nở trên đất Bắc” (Do: Mặt trận Bảo vệ Tự do Văn hóa, xuất bản tại Saigon năm 1959). 

    -  Tác giả:  Hoàng Văn Chí (1-10-1913 – 6-7-1988) bút danh Mạc Định.  Ông sinh tại Thanh Hóa, học trường Albert Sarraut, Hà Nội vào năm 1928 – 1935. Ông đậu cử nhân khoa học tại Viện Đại học Đông Dương năm 1940. 

Ông tham gia chống thực dân Pháp năm 1946 và chính thức hoạt động cho chính quyền Việt Minh năm 1949-1953, với danh nghĩa chuyên viên đúc tiền, làm giấy in bạc, chế tạo hóa chất cho quốc phòng, thiết lập hệ thống thủy điện.  Năm 1954, ông bỏ kháng chiến về thành.  Ông di cư vào Nam năm 1954.  Năm  1959, ông viết tác phẩm “Trăm hoa đua nở trên đất Bắc”.

Ông lưu trú tại Pháp năm 1960-1965.  Ông sang Hoa kỳ năm 1965, tham gia các sinh hoạt về xã hội và nghiên cứu văn học.  Ông từ trần ngày 6-7-1988 tại Tiểu bang Maryland, Hoa Kỳ. 

(2) Tác giả:  Nguyễn Hoàng Hân - Viện Nghiên Cứu Tài Nguyên Biển Đông:  Chiến lược xóa tiếng Việt trước khi sát nhập Việt Nam vào nước Tàu.

(3)- Tác phẩm: Nhân Văn Giai Phẩm và Vấn đề Nguyễn Ái Quốc, Tác giả: Thụy Khuê, NXB Tiếng Quê Hương- Virginia.

Ảnh: nguồn trên mạng Bách khoa mở (Wikipedia)

Không có nhận xét nào: