Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đánh giá cao cơ hội được đóng góp vào tiến trình chuẩn bị đang được triển khai cho Đối thoại Nhân quyền Liên minh châu Âu – Việt Nam lần thứ chín sắp tới, dự kiến sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 17 tháng Hai năm 2020.
Tóm tắt : Chính quyền Việt Nam tiếp tục hạn chế tất cả các quyền dân sự và chính trị cơ bản, trong đó có quyền tự do ngôn luận, nhóm họp, lập hội và quyền tự do thực hành tín ngưỡng và tôn giáo. Bất kể một tổ chức hay nhóm nào bị coi là có nguy cơ đối với sự độc tôn quyền lực của Đảng Cộng sản đều bị chính quyền cấm thành lập và hoạt động. Nhà cầm quyền chặn đường truy cập tới các trang mạng và yêu cầu các công ty viễn thông và/hoặc mạng xã hội phải gỡ bỏ các nội dung bị coi là nhạy cảm về chính trị.<!>
Những người lên tiếng phê phán chế độ độc đảng phải đối mặt với nguy cơ bị công an đe dọa, sách nhiễu, cản trở việc đi lại, bị hành hung thân thể, câu lưu, bắt giữ và tù giam. Công an giam giữ các nhà hoạt động chính trị hàng tháng trời mà không cho tiếp xúc với luật sư và thẩm vấn họ thô bạo. Các tòa án do đảng kiểm soát kết án tù các nhà hoạt động và blogger dựa trên các cáo buộc ngụy tạo về an ninh quốc gia.
Hồ sơ nhân quyền tồi tệ của Việt Nam đã khiến nhiều thành viên trong Nghị viện châu Âu lên tiếng bày tỏ quan ngại. Thật đáng tiếc là chính quyền Việt Nam vẫn tiếp tục chính sách đàn áp, với việc thực thi bộ luật an ninh mạng nhiều vấn đề vào tháng Giêng năm ngoái và có thêm các đợt bắt giữ những người bị cho là lên tiếng phê phán chính quyền.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khuyến nghị rằng, xét hiện trạng nhân quyền tồi tệ ở Việt Nam, trong đợt đối thoại này EU nên tập trung vào năm lĩnh vực cần ưu tiên như sau: 1) những người đang bị tù hoặc tạm giam vì lý do chính trị; 2) tình trạng đè nén các quyền tự do ngôn luận, nhóm họp, lập hội và đi lại; 3) đè nén quyền tự do thông tin; 4) đè nén quyền tự do thực hành tôn giáo; và 5) nạn công an bạo hành.
1. Những người đang bị tù hoặc tạm giam vì lý do chính trị
Việt Nam thường sử dụng các điều khoản có ngôn ngữ mơ hồ và có thể diễn giải tùy tiện trong bộ luật hình sự để xử tù các nhà hoạt động chính trị và tôn giáo. Các điều khoản đó bao gồm “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (điều 109); “phá hoại khối đoàn kết dân tộc” (điều 116); “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” (điều 117), và “phá rối an ninh” (điều 118). Việt Nam cũng sử dụng các điều khoản khác trong bộ luật hình sự để đối phó với những người vận động nhân quyền, như “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” (điều 331) và “gây rối trật tự công cộng” (điều 318).
Trong năm 2019, chính quyền Việt Nam đã kết án và bỏ tù ít nhất là 30 blogger và nhà hoạt động nhân quyền theo các điều luật hà khắc khác nhau, trong đó có Nguyễn Ngọc Ánh (6 năm), Nguyễn Năng Tĩnh (11 năm) và Phạm Văn Điệp (9 năm).
Bộ luật Tố tụng Hình sự Việt Nam có quy định rằng viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao có thể quyết định tạm giam nghi can phạm các tội về an ninh quốc gia cho đến khi kết thúc điều tra (điều 173, khoản 5), và có thể không cho can phạm tiếp xúc với người bào chữa cho đến khi kết thúc điều tra (điều 74). Trên thực tế, điều này có nghĩa là những người bị tình nghi phạm các tội về an ninh quốc gia có thể bị công an giam, giữ mà không được tiếp xúc với luật sư với thời hạn tùy ý chính quyền. Ví dụ như, Phạm Chí Dũng, một nhà báo độc lập, đã bị giam chờ xét xử từ khi bị bắt vào tháng Mười một năm 2019 và bị cáo buộc tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam,” rất nhiều khả năng là do ông đã tiếp cận các nghị viên châu Âu. Vụ bắt giữ ông đã gây ra làn sóng phẫn nộ ở nghị viện, khiến chính chủ tịch Sassoli phải lên tiếng về vụ việc này, nhưng đại sứ Việt Nam tại EU đã biện minh cho vụ bắt giữ ông Dũng và so sánh việc hạn chế quyền tự do biểu đạt của Việt Nam với các quy định hiện hành ở Châu Âu. Tháng Mười hai, công an từ chối yêu cầu bào chữa cho Phạm Chí Dũng của các luật sư Đặng Đình Mạnh và Nguyễn Văn Miếng, lấy lý do là luật sư bào chữa chỉ được tham gia tố tụng sau khi hoàn tất điều tra.
EU cần, cả khi họp riêng và công khai, kêu gọi chính quyền Việt Nam:
Ngay lập tức phóng thích toàn bộ những người đang bị giam, giữ vì lý do chính trị, bao gồm những người bị giam, giữ vì đã thực thi các quyền dân sự và chính trị cơ bản.
Hủy bỏ hoặc sửa đổi các điều 109, 116, 117, 118 và 331 của Bộ luật Hình sự cho phù hợp với các nghĩa vụ theo Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR)
Hủy bỏ hoặc sửa đổi các điều 74 và 173 của Bộ luật Tố tụng Hình sự và cho phép tất cả những người bị tạm giam vì bất cứ hành vi gì bị tình nghi, kể cả các tội danh về an ninh quốc gia, được lập tức tiếp xúc với nguồn trợ giúp pháp lý ngay khi bị bắt.
Với vai trò là một biện pháp xây dựng lòng tin tức thì, cho phép gia đình, chuyên gia tư vấn pháp luật, các nhà quan sát bên ngoài từ EU và các nhóm nhân quyền và nhân đạo quốc tế được tiếp xúc với những người đang bị giam, giữ.
Related Content
EU cũng cần kêu gọi phóng thích khẩn cấp những người bị giam, giữ vì lý do chính trị đang gặp vấn đề về sức khỏe để họ được điều trị y tế thích hợp. Tháng Mười năm 2019, ông Đoàn Đình Nam, 68 tuổi, qua đời trong tù vì bị bệnh. Ông bị bắt từ năm 2012 vì tham gia một nhóm tôn giáo không được chính quyền công nhận, và bị kết án 16 năm tù. Một số trường hợp khẩn cấp nhất cần phóng thích ngay lập tức gồm có:
Nhà hoạt động tôn giáo Ngô Hào, 72 tuổi, đã bị Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Yên xử có tội hồi tháng Chín năm 2013 với tội danh lật đổ theo điều 79 của bộ luật hình sự năm 1999 và kết án 15 năm tù giam. Nhà cầm quyền cáo buộc ông tội tiến hành “hoạt động nhằm thay đổi chế độ chính trị với hệ thống đa nguyên đa đảng, đồng thời vận động cho tự do tôn giáo ở Việt Nam.” Được biết sức khỏe của ông Ngô Hào hiện rất kém, ông mắc các bệnh như cao huyết áp, loét dạ dày và cholesterol cao. Ông đã bị mù hẳn một bên mắt và thị lực của bên mắt còn lại đang giảm sút nhanh.
Nhà vận động dân chủ Hồ Đức Hòa, 46 tuổi, bị Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội xử có tội lật đổ theo điều 79 của bộ luật hình sự năm 1999 và kết án 13 năm tù giam vào tháng Giêng năm 2013. Là một thành viên sáng lập của Quỹ Phát triển Con người Vinh, Hồ Đức Hòa và các cộng sự của ông giúp gây quỹ cấp học bổng cho các sinh viên và học sinh trung học nghèo nhưng học giỏi, để giúp các em tiếp tục học tập. Ông thường xuyên tham gia các hoạt động tình nguyện ở các vùng địa phương ở Vinh trong các dự án cho người nghèo và người khuyết tật. Công an bắt Hồ Đức Hòa vào tháng Bảy năm 2011 vì tham gia Việt Tân, một đảng chính trị hải ngoại bị cấm ở Việt Nam. Tháng Mười hai năm 2019, trong một lần thăm nuôi, Hồ Đức Hòa nói với người em trai rằng sức khỏe mình đã suy sụp và các bác sĩ trong trại nghi anh có thể bị ung thư gan.
Nhà vận động dân chủ Nguyễn Trung Tôn, 48 tuổi, bị Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội xử có tội lật đổ theo điều 79 của bộ luật hình sự năm 1999 và kết án 12 năm tù giam vào tháng Tư năm 2018. Ông bị cáo buộc là thành viên của Hội Anh em Dân chủ, một nhóm do nhà hoạt động nổi tiếng Nguyễn Văn Đài thành lập để vận động cho các quyền chính trị và dân sự cơ bản. Nguyễn Trung Tôn bị thương nặng ở đầu gối, hậu quả của việc bị côn đồ được chính quyền bảo trợ bắt cóc và đánh đập dã man hồi tháng Hai năm 2017.
Nhà vận động quyền lợi đất đai và cựu tù nhân chính trị Nguyễn Văn Túc, 54 tuổi, bị Tòa án Nhân dân Tỉnh Thái Bình xử có tội lật đổ theo điều 79 của bộ luật hình sự năm 1999 và kết án 13 năm tù giam vào tháng Tư năm 2018. Ông bị cáo buộc là thành viên của Hội Anh em Dân chủ, một nhóm do nhà hoạt động nổi tiếng Nguyễn Văn Đài thành lập để vận động cho các quyền chính trị và dân sự cơ bản. Trước đó Nguyễn Văn Túc đã phải thi hành bản án bốn năm tù từ 2008 đến 2012 vì phê phán chính quyền. Được biết ông gặp nhiều vấn đề về sức khỏe, như bị bệnh tim và viêm giác mạc.
Các nhà hoạt động khác được biết cũng đang gặp các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe gồm có Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Văn Túc, Trương Minh Đức và Hoàng Đức Bình. Tình trạng sức khỏe bất ổn của họ càng làm tăng thêm tính cấp thiết của việc EU cần kêu gọi Việt Nam phóng thích ngay lập tức những tù nhân đang bị giam giữ một cách bất công nói trên.
2. Đè nén các quyền tự do ngôn luận, lập hội, nhóm họp và đi lại
Việt Nam tiếp tục ngăn cấm việc thành lập và hoạt động của các công đoàn, tổ chức nhân quyền và đảng phái chính trị độc lập. Các nhà tổ chức công đoàn độc lập phải đối mặt với nạn sách nhiễu, đe dọa và trả thù.
Tháng Sáu năm 2019, Việt Nam phê chuẩn Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về thương lượng tập thể và quyền tổ chức. Tháng Mười một, Quốc Hội Việt Nam thông qua luật lao động sửa đổi, sẽ có hiệu lực từ tháng Giêng năm 2021. Tuy nhiên, ngôn ngữ của bộ luật sửa đổi khá mơ hồ. Trong đó không nói rõ về công đoàn độc lập mà chỉ gọi là “tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.” Điều 172 quy định rằng một tổ chức của người lao động chỉ “được thành lập và hoạt động hợp pháp” nếu được “cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký.” Trên thực tế, điều này có nghĩa là công đoàn chỉ được coi là hợp pháp nếu được chính quyền cho phép thành lập.
Điều 173 cũng có nội dung bất cập với quy định rằng lãnh đạo công đoàn không được là người đã có tiền án về “các tội an ninh quốc gia,” trong số các tội danh khác quy định tại Bộ luật hình sự. Xét bối cảnh Việt Nam, điều luật này rất có vấn đề vì các tội danh liên quan được nêu trong điều 173 thường là các tội danh điển hình được sử dụng để kết tội những người bảo vệ nhân quyền, bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động về quyền lợi đất đai và vì người lao động. Trên thực tế, quy định này đã loại bỏ rất nhiều nhà bảo vệ nhân quyền và bảo vệ quyền lợi của người lao động quan trọng khỏi vị trí lãnh đạo công đoàn, và làm suy yếu nặng nề khả năng tổ chức của người lao động. Các nhà hoạt động vì quyền lợi của người lao động độc lập như Hoàng Đức Bình và Trương Minh Đức đang phải thụ án tù nhiều năm.
Các tòa án do Đảng Cộng sản chỉ đạo trừng phạt nặng nề những người bị kết tội có liên quan tới các nhóm hay đảng phái chính trị bị Đảng Cộng sản Việt Nam coi là mối nguy với địa vị độc tôn quyền lực của mình. Tháng Mười một năm 2019, Châu Văn Khảm, một công dân Australia, và các cộng sự Nguyễn Văn Viễn và Trần Văn Quyền, bị kết án lần lượt là 12, 11 và 10 năm tù, vì tham gia đảng chính trị hải ngoại Việt Tân bị đặt ngoài vòng pháp luật ở Việt Nam.
Nhà cầm quyền quy định các cuộc tụ tập đông người phải xin phép trước và thường xuyên từ chối cấp phép cho các cuộc mít tinh, tuần hành hay biểu tình bị coi là không hợp ý về chính trị. Tháng Sáu năm 2019, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã xử có tội và kết án tám năm tù đối với Trương Hữu Lộc vì tham gia và phân phát thức ăn trong một cuộc biểu tình đông người hồi tháng Sáu năm 2018.
Các nhà hoạt động và blogger thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ bị hành hung dưới tay của các nhân viên công quyền hoặc côn đồ ra tay dường như có sự phối hợp với chính quyền và được miễn trừ trách nhiệm. Tháng Bảy năm 2019 một nhóm các nhà hoạt động bị tấn công ở tỉnh Nghệ An khi họ đang trên đường tới một trại giam ở địa phương để bày tỏ sự ủng hộ đối với các tù nhân chính trị trong trại đang tuyệt thực để phản đối ngược đãi. Khi các nhà hoạt động gần tới trại giam, một đám đông người mặc thường phục tấn công họ bằng gậy và mũ bảo hiểm, đập điện thoại và cướp tài sản của họ. Nhiều người trong nhóm đã bị thương, trong đó có blogger nổi tiếng Huỳnh Ngọc Chênh và vợ ông, nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Thúy Hạnh.
Công an thường khống chế tại gia hoặc câu lưu các nhà hoạt động nhằm ngăn cản họ không cho tham dự các buổi họp mặt, biểu tình hay các phiên tòa xử các nhà hoạt động bè bạn.
Tháng Chín năm 2019, các nhân viên an ninh ngăn cản luật sư Đặng Đình Mạnh không cho rời khỏi nhà đi gặp phái đoàn Đức ở Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng Giêng năm 2020, các nhà hoạt động trong đó có Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, Huỳnh Ngọc Chênh và Nguyễn Thúy Hạnh cho biết nhân viên an ninh ngăn cản họ không cho rời nhà trong thời gian có vụ xô xát về đất đai ở Đồng Tâm.
Công an cũng cản trở những người vận động nhân quyền không cho ra nước ngoài, đôi khi viện những lý do mơ hồ về an ninh quốc gia. Tháng Ba, công an cấm không cho vợ tù nhân chính trị Nguyễn Bắc Truyển, bà Bùi Kim Phượng rời Việt Nam để đi Singapore. Tháng Sáu, nhà hoạt động môi trường Cao Vĩnh Thịnh bị cấm xuất cảnh Việt Nam để đi Thái Lan. Tháng Mười một, công ăn ngăn không cho Linh mục Nguyễn Đình Thục xuất cảnh đi Tokyo. Tháng Mười hai, chính quyền từ chối cấp hộ chiếu cho cựu tù nhân chính trị Lê Công Định.
Trong những năm gần đây, số lượng các vụ chính quyền trưng thu đất đai cho các dự án kinh tế mà không đền bù thỏa đáng đang gia tăng. Cụm từ “dân oan” trong những năm gần gây đã thành thuật ngữ phổ biến dùng để chỉ những người bị nhà cầm quyền ép buộc phải rời bỏ mảnh đất họ sinh sống, cho thấy vấn nạn này đã lan rộng thế nào. Mối bất hòa giữa những người dân và các cơ quan chính quyền đang tìm cách di dời họ khỏi khu nhà hoặc đất sinh sống có thể sẽ trầm trọng hơn trong những năm sắp tới. Mới đây, vào ngày mồng 9 tháng Giêng, một vụ bạo lực đã xảy ra ở Đồng Tâm, một xã thuộc huyện Mỹ Đức ở Hà Nội, giữa công an và những người hoạt động vì quyền lợi đất đai phản đối việc trưng thu đất đai ở địa phương. Thông tin cho biết đã có vài người bị chết.
EU cần, cả khi họp riêng và công khai, kêu gọi chính quyền Việt Nam:
Ngay lập tức công nhận các công đoàn độc lập và có các bước bảo đảm cho các công đoàn độc lập được hoạt động không có sự can thiệp của chính quyền.
Phê chuẩn và nghiêm túc thực thi Công ước ILO số 87 (Tự do Lập hội và Bảo vệ Quyền được lập hội).
Sửa đổi hoặc hủy bỏ các điều luật hình sự số 109, 117 và 118 đang cản trở việc thực thi các quyền đã được bảo đảm trong Công ước ILO Số 87 và trong ICCPR;
Bảo đảm rằng các học giả và các nhà hoạt động xã hội dân sự độc lập thực sự được tham gia các Nhóm Cố vấn Trong nước (DAGs) dự trù trong Hiệp ước Thương mại Tự do EU-Việt Nam và bảo đảm rằng họ có thể thực hiện vai trò của mình một cách tự do và không sợ bị bạo hành, bắt giữ hay đe dọa;
Chấm dứt ngay lập tức nạn côn đồ được chính quyền dung túng.
Chấm dứt ngay lập tức việc cản trở đi lại của các blogger và các nhà hoạt động nhân quyền cả ở trong nước, và khi xuất, nhập cảnh.
Đưa các quy định pháp luật điều chỉnh việc tụ tập nơi công cộng và biểu tình, trong đó có Nghị định 38/2005 cho phù hợp với các quyền tự do nhóm họp và lập hội được ghi trong điều 21 và 22 của công ước ICCPR.
Giải quyết các khiếu kiện về đất đai và tham nhũng của quan chức địa phương mà không dùng đến bạo lực quá mức cần thiết hay vi phạm nhân quyền, bằng cách tăng cường hệ thống pháp luật và tính độc lập của ngành tư pháp và cung cấp các dịch vụ pháp lý đến tận người dân nghèo ở các vùng nông thôn.
Cho cá nhân người dân có quyền tự do và ôn hòa lập hội với những người khác có cùng quan điểm, dù những quan điểm của họ có đi ngược lại với các quan điểm chính trị và tư tưởng đã được Đảng và chính phủ thông qua.
Tiến hành một cuộc điều tra minh bạch và khách quan về vụ xung đột ngày mồng 9 tháng Giêng ở Đồng Tâm và quy trách nhiệm đối với những người sử dụng bạo lực.
Cho phép các nhà báo trong nước và quốc tế, các nhà ngoại giao, chuyên gia các cơ quan Liên Hiệp Quốc và những người quan sát vô tư khác được tiếp cận ngay lập tức và không bị cản trở tới khu vực Đồng Tâm để đánh giá sự việc đã xảy ra và giám sát việc điều tra của chính quyền Việt Nam về vụ việc này.
3. Đè nén quyền tự do thông tin
Chính quyền Việt Nam tiếp tục cấm mọi hoạt động của các kênh báo chí tư nhân và độc lập. Chính quyền kiểm soát chặt chẽ các kênh truyền thanh, truyền hình và ấn phẩm. Có sẵn các tội danh hình sự để áp dụng cho những ai phát tán các tài liệu bị coi là chống chính quyền, gây hại tới an ninh quốc gia, tiết lộ bí mật quốc gia hay tuyên truyền các ý tưởng “phản động.” Nhà cầm quyền chặn đường truy cập các trang mạng nhạy cảm về chính trị và thường xuyên tìm cách đóng các blog, hay yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ internet gỡ bỏ các nội dung hoặc tài khoản mạng xã hội mà chính quyền tùy tiện cho là không chấp nhận được về mặt chính trị.
Tháng Giêng năm 2019, bộ luật an ninh mạng đầy vấn đề của Việt Nam bắt đầu có hiệu lực. Bộ luật quá mơ hồ và lỏng lẻo này trao cho nhà cầm quyền khả năng tùy tiện kiểm duyệt ngôn luận tự do và buộc các nhà cung cấp dịch vụ phải gỡ bỏ các nội dung trái ý chính quyền trong vòng 24 tiếng từ khi nhận được yêu cầu. Ít nhất đã có 25 người bị xử có tội và kết án tù vì thể hiện ý kiến phê phán chính quyền trên mạng internet theo các điều luật hình sự nêu trên.
EU cần, cả khi họp riêng và công khai, kêu gọi chính quyền Việt Nam:
Xây dựng luật báo chí cho phù hợp với điều 19 của công ước ICCPR.
Cho phép xuất bản các tờ báo và tạp chí tư nhân, độc lập và không bị kiểm duyệt.
Gỡ bỏ chặn lọc, theo dõi, và các hạn chế khác về sử dụng Internet, và trả tự do cho những người bị tù giam hoặc bị tạm giữ vì đã phát tán quan điểm của mình trên mạng Internet một cách ôn hòa.
Sửa đổi Luật An ninh mạng cho phù hợp với các tiêu chuẩn về nhân quyền quốc tế, trong đó có ICCPR.
Bảo đảm rằng mọi văn bản dưới luật liên quan tới Luật An ninh mạng phải phù hợp với các tiêu chuẩn về nhân quyền quốc tế, trong đó có ICCPR.
4. Đè nén quyền tự do thực hành tôn giáo
Chính quyền Việt Nam hạn chế các hoạt động thực hành tôn giáo bằng các quy phạm pháp luật, các quy định về đăng ký, sách nhiễu và theo dõi. Các tổ chức tôn giáo bị quy định phải được sự phê chuẩn và đăng ký với chính quyền, đồng thời phải hoạt động dưới các ban trị sự do nhà nước quản lý. Dù nhà cầm quyền cho phép nhiều nhà thờ, chùa chiền trong hệ thống kiểm soát của nhà nước được tổ chức thờ phượng, cúng lễ nhưng vẫn cấm các hoạt động tôn giáo bị họ tùy tiện cho là đi ngược với “lợi ích quốc gia,” “trật tự xã hội,” hay “khối đoàn kết dân tộc.” Chính quyền dán nhãn “tà đạo” đối với Tin lành Đề Ga, Công giáo Hà Mòn, Pháp Luân Công và vài nhóm tôn giáo khác.
Công an Việt Nam giám sát, và đôi khi dùng vũ lực đàn áp đối với các nhóm tôn giáo hoạt động bên ngoài hệ thống do nhà nước kiểm soát. Các nhóm tôn giáo không được công nhận phải liên tục đối mặt với nguy cơ bị theo dõi, bị sách nhiễu và đe dọa và các tín đồ của họ có thể bị đấu tố trước đông người, bị buộc từ bỏ đạo, bị giam giữ, thẩm vấn, tra tấn và bỏ tù.
Tháng Ba năm 2019, các nhân viên an ninh ngăn cản tín đồ Phật giáo Hòa Hảo độc lập tập trung ở Chợ Mới, tỉnh Long An để kỷ niệm ngày mất của người sáng lập đạo Huỳnh Phú Sổ, và họ cũng cản trở không cho kỷ niệm ngày khai đạo vào tháng Sáu năm 2019. Tháng Tư năm 2019, công an tỉnh Điện Biên đưa tin rằng đã thuyết phục được “163 hộ với 1.006 người từ bỏ tà đạo ‘Giê Sùa.’”
Tháng Năm năm 2019, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ đã công bố phúc trình, trong đó Việt Nam bị xếp hạng là một “Quốc gia Cần Quan tâm Đặc biệt.”
Tháng Giêng năm 2020, Linh mục Nguyễn Đình Thục cho biết công an đe dọa các linh mục địa phương và gây sức ép để họ không cho ông dâng lễ ở Đồng Nai vào tháng Tám năm 2019, ở Bình Dương vào tháng Mười một năm 2019, và ở Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng Giêng năm 2020.
Những người Thượng ở Tây Nguyên bị theo dõi liên tục và chịu nhiều hình thức đe dọa, bị đấu tố trước đông người, bị bắt giữ tùy tiện và ngược đãi khi bị lực lượng an ninh giam giữ. Trong lúc bị bắt giữ, họ bị nhà cầm quyền chất vấn về các hoạt động tôn giáo và chính trị, và có kế hoạch trốn khỏi Việt Nam hay không. Tháng Ba năm 2019, một tòa án ở tỉnh Gia Lai đưa Ksor Ruk ra xét xử vì theo một chi phái Tin Lành Dega không được chính quyền công nhận và kết án ông 10 năm tù. Từ năm 2005 đến năm 2011 Ksor Ruk đã phải thụ án sáu năm tù cũng với tội danh đó. Tháng Tám, Rah Lan Hip bị chính tòa án đó kết án bảy năm tù, cũng vì tham gia đạo Tin Lành Dega.
EU cần, cả khi họp riêng và công khai, kêu gọi chính quyền Việt Nam:
Cho phép tất cả các tổ chức tôn giáo độc lâp được tự do tiến hành các hoạt động tôn giáo và tự quản lý. Các cơ sở thờ tự, dòng tu không muốn gia nhập một tổ chức tôn giáo chính thống với ban trị sự do chính quyền phê chuẩn phải được cho phép hoạt động độc lập.
Chấm dứt sách nhiễu, bắt buộc từ bỏ đạo, bắt bớ, truy tố, bỏ tù và ngược đãi người dân vì họ là tín đồ của các tôn giáo không vừa ý nhà nước, và phóng thích tất cả những người đang bị giam giữ vì đã ôn hòa thực thi quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng, ngôn luận, nhóm họp và lập hội.
Chấm dứt mọi đối sách ngăn chặn người Thượng và những công dân Việt Nam khác rời khỏi đất nước và không trừng phạt những người hồi hương.
Bảo đảm rằng mọi quy phạm pháp luật quốc gia liên quan tới tôn giáo được ban hành sao cho phù hợp với công pháp quốc tế về nhân quyền, trong đó có Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) mà cả Việt Nam và EU đã tham gia ký kết. Sửa đổi mọi điều luật trong nước có nội dung xâm phạm quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng, ngôn luận, lập hội và nhóm họp ôn hòa, trái với ICCPR.
Cho phép những quan sát viên bên ngoài, bao gồm các cơ quan của Liên hiệp quốc, các tổ chức phi chính phủ quan tâm tới nhân quyền, và các nhà ngoại giao nước ngoài, được đi lại không bị cản trở hay kèm cặp tới Tây Nguyên, kể cả tới các thôn xã có người Thượng mới đi tị nạn nước ngoài. Bảo đảm rằng những người nói chuyện hoặc giao tiếp với những quan sát viên bên ngoài đó không bị trả đũa hay trừng phạt dưới bất kỳ hình thức nào.
5. Công an bạo hành
Trên khắp các vùng miền, công an Việt Nam đã và đang bạo hành những người bị giam giữ, dẫn đến cái chết trong một số trường hợp. Trong nhiều vụ nói trên, nạn nhân tử vong chỉ bị câu lưu vì những lỗi nhỏ. Một số người sống sót cho biết họ bị đánh đập để buộc nhận tội, đôi khi về những hành vi họ đã tuyên bố không hề thực hiện.
Tháng Ba năm 2019, Nguyễn Văn Tuấn, 42 tuổi, bị bắt vì tình nghi tham gia một vụ đánh bạc. Chưa đầy một tuần sau đó, ông chết vì chấn thương não nghiêm trọng trong khi bị công an giam giữ ở tỉnh Nghệ An. Cũng có các vết bầm tím trên cánh tay phải. Một công an nói rằng nạn nhân “tự đập đầu, người vào tường.” Kết quả điều tra về cái chết của ông, nếu có, chưa được công bố.
Tháng Chín năm 2019, Đặng Thanh Tùng, 26 tuổi, chết trong khi bị công an giam giữ ở tỉnh Hà Nam. Anh bị bắt trong tháng Chín vì bị nghi liên quan đến vụ môi giới mại dâm vị thành niên. Công an tuyên bố rằng Đặng Thanh Tùng chết do bị bệnh, nhưng vợ anh, Nguyễn Thị Lan, nói với một phóng viên rằng có nhiều vết bầm tím trên cơ thể nạn nhân. Chị viết rằng đã nhìn thấy các vết bầm trên ngực, lưng, tay, đùi và mông. Mồm anh cũng bị sưng và có máu. Chị cũng cho biết rằng công an cố ngăn cản chị không cho chụp ảnh các vết bầm trên cơ thể chồng.
Tháng Mười một năm 2019, một tòa án cấp cao ở Thành phố Hồ Chí Minh xử lần thứ ba phúc thẩm vụ kháng cáo của hai cựu cán bộ công an Huỳnh Ngọc Tòng và Phạm Thanh Bình. Hai người bị cáo buộc dùng nhục hình và gây ra cái chết của Nguyễn Tuấn Thanh trong khi giam giữ hồi tháng Mười một năm 2012. Tháng Năm năm 2016, Tòa án Nhân dân Tỉnh Đồng Tháp kết luận có tội và kết án Huỳnh Ngọc Tòng 18 tháng và Phạm Thanh Bình 11 tháng 11 ngày tù giam. Theo báo Dân Trí, cả hai bị cáo đều khai chính họ bị dùng nhục hình và ép nhận tội. Tòa án quyết định hủy bản án và yêu cầu điều tra lại.
Tháng Chín năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký thông qua một lộ trình quy định rằng mọi cuộc hỏi cung đều phải ghi âm hoặc ghi hình trên toàn quốc, bắt đầu từ ngày mồng 1 tháng Giêng năm 2020. Tuy nhiên, vào tháng Mười hai năm 2019, Bộ Công an công bố hoãn thực hiện lộ trình trên, viện dẫn lý do thiếu thiết bị ghi âm ghi hình và cán bộ điều tra chưa được tập huấn đầy đủ. Chưa rõ khi nào thì kế hoạch nói trên sẽ có hiệu lực.
EU cần, cả khi họp riêng và công khai, kêu gọi chính quyền Việt Nam:
Điều tra mọi khiếu tố về tra tấn và các hình thức ngược đãi khác trong khi giam giữ, và bảo đảm rằng mọi công an có liên quan phải bị kỷ luật hoặc truy tố tương xứng, bất kể họ ở cấp nào.
Các quan chức cấp cao trong chính quyền và các lãnh đạo cấp cao nhất trong ngành công an cần đưa ra thông điệp rõ ràng và dứt khoát dưới nhiều hình thức như văn bản công khai, thông tư nội bộ và các biện pháp cụ thể, rằng việc tra tấn, đánh đập hay bất kỳ hình thức ngược đãi nào trong khi giam giữ cũng không thể chấp nhận được, và sẽ bị trừng phạt.
Thành lập một ủy ban độc lập về khiếu tố đối với ngành công an để tiếp nhận những khiếu nại của người dân, và giám sát các cơ quan “thanh tra nội bộ” hay “giám sát trách nhiệm nghề nghiệp” của công an. Ủy ban này cần phải là pháp nhân có chức năng pháp lý có thể truy tố hoặc áp đặt kỷ luật nếu các cơ quan thanh tra nội bộ hay giám sát trách nhiệm nghề nghiệp như Thanh tra Bộ Công an không làm được việc đó trong các sự vụ đã có thông tin khiếu tố đáng tin cậy.
Ngay lập tức yêu cầu ngành công an phải ghi hình mọi cuộc hỏi cung để phòng ngừa việc tra tấn và ngược đãi. Không cho sử dụng các lời nhận tội trong khi giam giữ làm bằng chứng tại tòa trừ khi lời nhận tội đó, cùng tất cả các cuộc hỏi cung, đều được ghi hình, và xuất trình tại tòa.
Sửa đổi Bộ Luật Tố tụng Hình sự để tạo điều kiện cho luật sư hay người trợ giúp pháp lý có mặt ngay sau khi bắt giữ hay tạm giam để:
Luật sư hay người trợ giúp pháp lý được phép gặp riêng thân chủ, không có sự hiện diên của công an và không bị ghi âm hay ghi hình, và không hạn chế thời gian.
Luật sư hay người trợ giúp pháp lý phải có mặt tại tất cả các buổi lấy cung giữa công an và nghi can, và được khuyên nghi can về quyền không phải trả lời các câu hỏi cung của công an tại bất kỳ thời điểm nào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét