<!>
Mùa Xuân Nơi Đất Bắc Mùa Xuân Miền Tự Do
Rồi dặt dìu mùa Xuân theo én về
Mùa bình thường mùa vui nay đã về
Mùa Xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên…
Đó là điệu valse quen thuộc và chúng ta thường nghe mỗi khi mùa xuân về. Đó là những giai điệu da diết, nhẹ nhàng và ấm áp… của nhạc sĩ Văn Cao – một tên tuổi lớn của tân nhạc Việt Nam. Ông đã sáng tác ca khúc này năm 1976, sau 1 thời gian dài không viết tình ca do nhiều biến động của cuộc đời và thời cuộc.
Mùa xuân về, tôi thường nghe những ca khúc xuân quen thuộc từ trước năm 75 như: Xuân Này Con Không Về, Mùa Xuân Của Mẹ, Thư Xuân Trên Rừng Cao (Trịnh Lâm Ngân), Cám Ơn, Rước Xuân Về Nhà (Nhật Ngân), Mùa Xuân Lá Khô, Phút Giao Mùa, Đồn Vắng Chiều Xuân, Đám Cưới Đầu Xuân (Trần Thiện Thanh). Đó là những giai điệu bolero bất hủ có tuổi đời quá nửa thế kỷ. Tuy nhiên tôi cũng say mê giai điệu valse tươi vui của Mùa Xuân Đầu Tiên với những cảm xúc hân hoan đầy tình người của nhạc sĩ Văn Cao:
Rồi dặt dìu mùa Xuân theo én về
Mùa bình thường mùa vui nay đã về
Mùa Xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên…
Có lẽ là với nhiều người, hình tượng cánh én báo hiệu xuân về chỉ được thấy ở trong thi ca và âm nhạc. Ít người được tận mắt chứng kiến từng đàn én bay về rợp trời khi mùa xuân vừa sang. Đó là những cánh chim báo hiệu mùa xuân về được tác giả vẽ lên cùng với một khung cảnh rất đẹp:
Với khói bay trên sông,
gà đang gáy trưa bên sông
một trưa nắng cho bao tâm hồn…
Trước khi sáng tác nhạc, Văn Cao từng học trường Mỹ Thuật và là 1 họa sĩ. Ông đã vẽ tranh bằng cọ, và cũng vẽ tranh bằng âm nhạc một cách tuyệt mỹ, giống như ông đã từng làm với những ca khúc từ thuở mới đôi mươi: Thiên Thai, Trương Chi.
Trong Mùa Xuân Đầu Tiên, Văn Cao vẽ tiếp những hình ảnh rất xúc động:
Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Người mẹ nhìn đàn con nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh
Niềm vui phút giây như đang long lanh…
Sau bao bể dâu, người mẹ nay đã được nhìn con nay đã về khi chiến cuộc đã tàn. Dù ở phía nào, người mẹ của những người lính luôn đáng trân trọng. Họ đã thở dài để nhìn đàn con ra đi. Bàn tay họ quá nhỏ bé để có thể níu kéo số mệnh và những cuộc viễn chinh không hẹn ngày trở lại, nhưng bàn tay đó cũng đủ bao la rộng mở để đón người con về, dù là lành lặn hay sứt mẻ, hoặc cũng có thể chỉ là mảnh xương tàn cùng nắm đất.
Ở đoạn sau đó, ca khúc như lời kêu gọi cho sự hàn gắn, cho lòng mến thương giữa người và người sau những tang thương vừa trải qua:
Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên.
Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm.
Từ đây người biết quê người
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người.
Buồn thay, đoạn nhạc xúc động nhất trong bài hát này, đoạn nhắc về những người mẹ, những người tình khóc trên vai thành giọt lệ ấm áp sưởi ấm tâm hồn trong niềm vui sướng hội ngộ đó, và đoạn nhạc nói về lòng yêu thương con người với nhau, cũng là những đoạn nhạc đã từng bị “phê bình” nặng nề. Theo bài báo trên trang VnExpress, cho biết:
“Nhiều người cho rằng ca khúc gì mà “nghe mơ hồ rắc rối, kêu gọi tình thương một cách chung chung, thiếu tính giai cấp” (Từ đây người biết quê người… Từ đây người biết thương người… Từ đây người biết yêu người). Có ý kiến chỉ trích tính chất ủy mị, yếu đuối (nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh) của bài hát không hợp với khí thế tưng bừng trong ngày vui toàn thắng của dân tộc”.
Trở lại với bài hát. Ở đoạn cuối, nhạc sĩ Văn Cao hân hoan với một mùa xuân mới, mùa xuân của thanh bình trở lại sau khi chiến cuộc đã tàn. Giờ đây, một mùa xuân bình thường như mọi người hằng ao ước có được, nay đã về.
Giờ dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường, mùa vui nay đã về.
Mùa xuân mơ ước ấy xưa có về đâu
với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông.
Rốt cuộc, nhạc sĩ Văn Cao đã có thể lắng lòng bình an để ngắm khói bay trên sông, nghe tiếng gà trưa bình dị, gợi nên cảnh thanh bình mà ông hằng ao ước, hay là chưa?
Ca khúc Mùa Xuân Đầu Tiên có một số phận nổi trôi giống như chính tác giả. Sau khi được ra mắt, ca khúc bị soi mói từng câu chữ, bị phê bình, rồi không được thu âm. Rất lâu sau đó, Mùa Xuân Đầu Tiên mới được phổ biến trở lại, sau khi nhạc sĩ Văn Cao đã qua đời năm 1995. Như vậy là tác giả đã không thể tận mắt nhìn thấy tác phẩm tình ca cuối cùng của mình được hát.
Tiếng hát ca sĩ Thanh Thúy vào năm mới 17 tuổi đã thật sự trở thành phiên bản hay nhất của ca khúc này. Nó vừa bay bổng, vừa tha thiết và mang niềm hân hoan trong mùa xuân mới.
Đông Kha
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét