Những ai chưa từng ăn thịt chuột, ắt hẳn phải rùng mình ghê tởm và lợm giọng, khi nghĩ đến hình ảnh những con chuột cống to bằng cổ chân, mình mẩy lở loét, ban đêm từng đàn chui từ những ống cống thành phố, lên mặt đường để kiếm ăn, nếu có ai đó nói đến chuyện ăn thịt chuột. Ngày xưa, đọc “Món lạ miền Nam” của ông nhà văn Vũ Bằng, nói về cái món thịt chuột, dù ông tả có hay cách mấy, hấp dẫn cách mấy tôi vẫn thấy ghê ghê. Bởi tôi sinh ra và lớn lên ở một thành phố biển, người dân ở đây ăn cá tươi quanh năm, nên không có ai biết hoặc dám ăn cái món thịt chuột và không bao giờ thấy chuột được bày bán từng chùm, từng xâu, từng lồng chuột còn sống, hay từng rổ chuột đã làm sẵn, như ở những tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Hình ảnh những con chuột cống lông đen trùi trũi, hay lở loét loang lổ trên lưng chạy từng đàn trong đêm tối, vẫn cứ làm tôi buồn nôn, ngay cả những ngày đói nhất, đói lã người ở trong tù. Nhiều anh em trong tù đã “cải thiện” bữa ăn cứu đói hàng ngày cũng nhờ bắt đươc chuột trong núi.<!>
Mỗi buổi chiều, anh em ở đội “Sơn tràng” về trại, mang theo mấy con chuột bắt được, đã làm sạch sẽ, gói trong mảnh lá chuối, tôi cứ rùng mình, lợm giọng, chảy nước giãi, lạt cả miệng, với cái màu trắng hếu của chúng.
Tuy sau đó, cái mùi thịt nướng, mùi kho mặn, mùi chiên… của thịt chuột bốc lên thơm ngạt ngào trong gió, làm cho cái dạ dày lép kẹp của tôi nôn nao, cồn cào thôi thúc đòi ăn. Tôi vẫn cứ phải nhịn thèm, quay đi chỗ khác. Năm Kỷ Mùi, 1979, là năm đói nhất dưới ánh sáng vinh quang chiến thắng của đảng Cộng sản, sau khi cưỡng chiếm được miền Nam. Đói cả nước.
Năm đó được mệnh danh là năm Củ Mì, nói lái chữ Kỷ Mùi. Một năm chỉ ăn toàn khoai mì và bột làm bằng củ mì. Bột được nắn thành cái bánh xe, mỏng te, to bằng bàn tay, luộc lên, phát cho tù mỗi buổi sáng, mỗi tù nhân hai cái để ăn cầm hơi và… để lao động vinh quang.
Tù gọi đó là “bánh xe lịch sử” thành quả của cách mạng XHCN. Năm đó, bao nhiêu lúa gạo, khoai, sắn, ngũ cốc… trong cả nước, nhà cầm quyền Cộng sản đều thu vén, vơ vét sạch, chuyển tất cả sang Trung Quốc và Liên Xô để trả nợ chi phí chiến tranh khi vay nóng để “đánh Mỹ”. Người dân bên ngoài phải ăn cả rễ cây, sâu bọ để sống qua ngày. Người tù trong trại đành chịu cái đói thảm khốc hành hạ thân xác. Năm đó, tù đói giơ xương, đi đứng vật vờ, người không ra người, ma không ra ma. Cả cái lũ công an, bộ đội đi theo canh giữ tù cũng chỉ được cấp phát một lon gạo ăn cứu đói suốt một ngày.
Những năm đầu ở trại Đá Bàn, tuy vất vả lao khổ với công việc đẵn cây, khiêng gỗ trên rừng, chúng tôi vẫn có thể kiếm thêm cái ăn cho những khẩu phần ít ỏi hàng ngày.
Thường thường là nắm rau ven đường khi đi khiêng cây. Đôi khi mớ nấm mèo (mộc nhĩ) trên thân gỗ mục sau những ngày mưa dông. Hoặc đào khoai mài (hoài sơn) trên đồi núi đá sỏi. Thỉnh thoảng cũng đánh bẫy được chồn, sóc, rắn… Có khi câu được cá lóc, cá trê dọc bờ mương…
Năm 1978, xây dựng xong trại Đá Bàn ở Khánh Hòa (trại Huấn Luyện Công An sau này) chúng tôi bị bọn Giám thị trại lừa bịp, bảo là thả cho về, chúng lại chở ra trại A.30 ở Tuy Hòa, Phú Yên để “cải tạo” tiếp. Trại A.30 chuyên về làm ruộng lúa và trồng hoa màu phụ.
Trừ đội “Sơn tràng” là đội chuyện đi rừng để đốn củi cho nhà bếp và chặt tre cho tổ “Đan lát” đan thúng, nia, rỗ rá cho công việc sàng sảy lúa gạo ra, số còn lại, mấy ngàn tù đều phải xuống ruộng để cày cấy trồng lúa. Ruộng đa phần là ruộng khô phải dùng cuốc để cuốc ruộng thay cho trâu, bò cày. Lúa trồng ba vụ một năm, nên tù cuốc đất te tua, ba trăm sáu mươi lăm ngày đều đặn, không ngơi tay. Họa hoằn, ngày 2/9 và ngày Tết mới buông cuốc được một ngày.
Từ ngày chúng tôi bị đưa ra đây, sáng vác cuốc đi, chiều vác về, lao động giữa chốn đồng không mông quạnh, đành chịu đói, không còn cách gì để “cải thiện” thêm bữa ăn như lúc ở Đá Bàn. Anh em nào cũng đói xanh xương. Mới đầu còn có chuối trồng ven đường mới trổ buồng non, tù lén bẻ trộm, người vài quả. Nhưng chuối thì chỉ có vài ba mươi cây, mà tù thì quá đông, chỉ mới vài ngày, đã bị vặt trụi, cây nào cũng chỉ còn cái cùi buồng trơ ra như cánh tay cùi. Trông buồn cười.
Lão trưởng trại tập họp tù lại, chữi té tát, vô ý thức, không biết tôn trọng, giữ gìn tài sản Xã hội Chủ nghĩa. Tù ngồi bên dưới xì xào chửi lại: Tài sản Xã Hội Chủ Nghĩa cái con bòi!
Hết chuối trái non, tù ăn qua cây chuối con. Chuối con, cây nào vừa lú lên khỏi mặt đất chừng gang tay, lập tức bị câu liêm tù cắt phăng sát gốc. Cây chuối con được xắc nhỏ trộn với khoai mì, nhét vào lon gô, nấu sền sệt giống như cháo heo, ăn chát ngắt trong miệng không ngon lành gì, nhưng cũng đỡ đói. Rồi chuối con cũng hết. Lần mò vô trại nuôi heo, lùng sục trong đống vỏ khoai mì xem có còn sót củ nào không, hay cái cùi nào còn có tí bột gom về cạo ra nấu ăn đỡ. Riết rồi mì cũng không đủ nuôi heo lấy gì còn cho tù.
Buổi trưa hè trời nắng chang chang, tù ra giữa bãi mì vừa thu hoạch mấy hôm trước, đào dế nhũi, nướng ăn. Đất khô cứng, dế nhũi đào hang sâu để ở, đào được chừng vài con, tù thở muốn hụt hơi. Ăn được con dế nhũi, tù phải đổ nhiều mồ hôi để trả giá. Nhìn anh em đội “Sơn tràng” nấu nướng thịt chuột ở dãy bếp lộ thiên, bấy giờ ai nấy đều thèm thuồng, ao ước. Cái cảm giác gớm ghiếc trước kia đã biến đi đâu mất tiêu. Quả thực cái đói đã khiến cho người ta mờ cả mắt, mờ cả lý trí, mất hết cảm giác và cảm nghĩ.
Ăn! Phải có cái gì ăn mới được. Phải có cái gì bỏ vào miệng, nhai, nuốt mới được. Trong đầu, ngoài cái ý nghĩ về ăn ra, người ta không thể nghĩ được gì khác, khi đói.
Khốn nạn, khốn khổ thay! Đã có không ít người cam lòng không nổi với cái đói mà làm những chuyện mất cả danh dự và tự cách để thỏa mãn cho cái bao tử, cho cái đói.
Cộng sản đã tận dụng cái ác này như một “độc chiêu” để sai khiến một số tù làm tay sai chỉ điểm cho chúng. Tôi buộc phải làm quen với thịt chuột để sống còn..
Tôi có người anh rể, bà con cô cậu, ở đội Sơn tràng, chuyên đánh bẫy chuột núi. Vài hôm, tôi lại thấy anh xách về một hay hai con chuột núi mập núc ních, to bằng bắp cẳng, lông mướt màu vàng thổ. Đặc biệt, chuột núi có đuôi rất dài. Dài gấp ba lần chuột đồng.
Tôi men lại gần, xin anh chia cho một ít. Anh từ chối thẳng thừng, không một chút ngần ngại. Xin đổi thuốc lào, anh vẫn lắc đầu.
– Thịt chuột rất hiếm. Tôi phải ăn để sống. Không thể chia cho cậu được.
Quả thật thịt chuột thời gian này rất quí hiếm. Lúa vừa mới mang bụng chửa, chuột đồng chưa kéo về làm hang ổ ở bờ ruộng. Cóc nhái mùa hè không có nhiều. Ló ra con nào là có vô số bàn tay giành nhau chộp lấy. Trong phạm vi vòng rào mấy chục mẫu đất tù ở, không môt sinh vật nào có thể sống sót được. Rắn, rít, thằn lằn, rắn mối, cóc nhái, dế nhũi, cào cào, châu chấu… đều bị bao tử của tù nuốt hết. Trong lúc tôi không biết làm cách nào có thể kiếm cái ăn để sống còn thì thình lình bị kỷ luật. Tôi bị qui cho cái tội “phỉ báng chế độ” vì hai câu thơ:
Tội gì không biết tội gì,
Sáng mai lãnh củ khoai mì ăn chơi!
Sau mấy ngày được Trại trưởng “giáo dục” ở Phòng Giáo dục, tôi bị điều ra Bàu Sen dưới quyền quản giáo của công an tên Dạn, ác nhất trại.
Ở A.30, bất cứ tù nhân nào nghe đến tên Lẫn, quản giáo Nhà 6 và tên Dạn, quản giáo Bàu Sen, đều phải xanh máu mặt. Hai tên này là những hung thần của A.30, đánh tù bằng những đòn ác hiểm, thâm độc nhất.
Trong cái rủi lại có cái may. Nhờ ở Bàu Sen, ngoài những đòn thù của tên Dạn đổ xuống đầu tôi thường xuyên về cân não và thân xác, tôi lại có thể “cải thiện” cái ăn ở Bàu Sen bằng những con ốc bưu bắt được ở đó. Hồi mới khai phá bàu thì ốc có nhiều, đến lúc tôi ra ở đó thì cũng đã ít dần rồi hết hẵn, sau mấy tháng tù dọn bàu thành ruộng nổi để trồng lúa.
Đội Bàu Sen chuyên về “bình ruộng” và cấy lúa trên mặt bàu, nên được ở ngoài vòng trại, cách trại chính chừng nửa cây số, để tù dễ dàng sớm khuya lo việc cầy cấy, dẫn nước từ đập Đồng Cam chảy về mương và từ mương chảy về hàng trăm mẫu ruộng khô trên cao của trại.
Cũng nhờ ở ngoài vòng trại nên có một số anh em tù của đội được tên Dạn tin cẩn cho làm “tự giác” có thể “cải thiện”. Làm “tự giác” là được quyền vác cuốc đi thăm ruộng bất cứ giờ giấc nào mà không có bộ đội hay công an theo bên cạnh canh chừng. Nhờ vậy, anh em có thể hái rau, cắm câu, đặt bẫy chuột… và chặt trộm chuối, mía để cứu đói. Tôi được xếp vào tổ 1, tổ trưởng là Nguyễn văn Cư, một trung sĩ cảnh sát đặc biệt ở đặc khu Cam Ranh, sáu lần vượt biên đều bị thất bại. Lần cuối cùng anh bị bắt ở trong hang núi lúc đang lẩn trốn. Lục soát trong người anh, công an thu được một khẩu ru lô với đầy đủ 6 viên đạn trong ổ.
Anh bị Cộng sản kết tội phản động và lãnh án 20 năm tù khổ sai. Biết tôi là thầy giáo, Cư nhờ tôi dạy anh một số câu Anh văn. Cư thầm thì tâm sự: – Nhờ anh giúp em! Em sẽ có cơ hội dùng nó sau này. Tôi biết ý định của Cư nhưng không hỏi, cứ lén dạy mỗi đêm. Bù lại, tôi được Cư giúp đỡ, gánh vác trong công việc “bình ruộng” nặng nhọc hàng ngày và chia sớt “chiến lợi phẩm” thu được của “địch” mỗi khi kiếm được.
Tôi biết ăn thịt chuột lần đầu tại Bàu Sen..
Lúc đầu thì Cư làm sẵn khi bắt được, rồi mang về cho tôi những con chuột đồng trắng hếu để tôi chế biến thành món ăn. Cầm con chuột để chặt làm tư, ướp muối ớt, chỉ có muối và ớt là gia vị độc nhất chúng tôi có, tay tôi vẫn nổi gai. Sau mấy lần, tôi bạo dạn dần, tự tay mình có thể lột da, chặt đầu chuột. Chừng hai tuần lễ tôi đã trở thành chuyên viên làm thịt chuột. Khi bắt được chuột, Cư dùng móng tay cái bẻ răng chuột trước khi bóp cho chết rồi mới giao cho tôi vì biết tôi vẫn còn sợ khi nó vùng vẫy. Làm chuột không cho vấy nước. Nói chung thịt rừng vấy nước sẽ bị tanh. Tôi lột da chuột trên những tàu lá chuối tươi và lau máu chuột bằng lá chuối khô. Tôi không thích thui chuột trong lửa rơm. Mùi khét lẹt của lông chuột cháy làm tôi muôn nôn mửa. Vả lại ăn da chuột tôi vẫn còn cảm giác ghê ghê ở miệng và nhờn nhợn ở trong cổ họng.
Cư đi kiếm thêm mấy cái lon thiếc đựng dầu ăn thăm nuôi, tù vất ra, về làm bẫy chuột. Chưa tới kỳ gặt lúa, chuột cũng chưa nhiều. Đánh bẫy bữa có, bữa không. Mùa gặt xong, đào hang chuột tha hồ, ngày nào cũng có thịt chuột. Nướng, chiên, xào với bắp chuối, kho mặn để dành… toàn là những món “sơn hào” của tù, ngon hơn cả “yến” nhà vua. Thịt chuột béo ngậy, mềm, ngọt. Xương cũng mềm. Tôi đã cảm thấy ngon miệng khi nhai thịt chuột trong miệng. Nhưng tôi không tài nào ăn được những con chuột con còn đỏ hỏn. Những anh em khác, khi đào được ổ chuột con, mừng hí hửng, bảo đó là nhân sâm. Họ nạo khoai mì sống thành bột, nấu cháo. Khi cháo đang sôi, họ thả những con chuột đỏ hỏn đó vào nồi, rồi múc chia nhau ăn, mỗi người một chén. Giữa chén cháo trắng bột mì có con chuột nhân sâm đỏ hỏn năm khoanh tròn. Vừa xì xụp húp cháo chuột vừa hể hả khen nhau. Thật là giây phút hạnh phúc đầm ấm trong tù. Chuột là cứu tinh của chúng tôi, những người tù không thăm nuôi.
Những năm kéo dài sau này, cái đói trong tù cũng bớt dần nhờ có sản phẩm tù làm ra. Lúa gạo, nông phẩm làm ra mười, tù chỉ được hưởng có một. Còn lại bao nhiêu được chở đi mất. Không biết chở đi đâu. Tù không được biết, và không được hỏi. Ban Giám thị luôn dạy rằng: Làm tùy sức, ăn tiêu tùy cầu. Đó là mục tiêu cao cả của Chủ nghĩa Xã hội. Đã hơn ba mươi hai năm xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa ở miền Nam và 60 năm ở miền Bắc, chắc hẵn Nhà nước Cộng sản Việt Nam đã thực thi được lý tưởng cao cả của Mác Lê. (Liên Xô 70 năm vẫn không làm được)
Tám mươi ba triệu con dân Việt Nam, nay, ai cũng có cơm ăn, được học hành và còn có cả… xe hơi trị giá cả trăm triệu đô để đi dạo. Đất nước Việt Nam quả thật là một Thiên đường Cộng Sản lý tưởng để cho cả thế giới dòm vào mà thèm muốn… tới chết! Tôi làm thân lưu lạc xứ người hơn 17 năm, mỗi lần đọc báo mạng Việt Nam, thấy toàn là những tin tức “hồ hởi phấn khởi” như độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc, kinh tế phát triễn vượt bực, chắp cánh bay lên trời cao, sãi tay bơi ra biển lớn… lòng cứ rộn lên như được “mặt trời chân lý chói qua tim”! Nhưng đó chỉ là ảo ảnh của người đi trong sa mạc, người Cộng Sản vẫn cứ cố tin rằng đó là ốc đảo thật. Tất cả chỉ là bánh vẽ. Chỉ là lường gạt và dối trá. Và sẽ tiếp tục dối trá cho đến khi chế độ sụp đỗ như Liên Xô.
Năm nay là năm Mậu Tý.
Giở tờ lịch mới cho con chuột đón xuân, tôi bất giác nhớ lại những miếng thịt chuột, những con chuột đồng, chuột núi đã là ân nhân của chúng tôi một thời, những người tù thời cuộc bất khả kháng dưới bàn tay bạo tàn, sắt máu của Cộng Sản, Cộng Sản Việt Nam, chúng ác độc hơn bất cứ một thứ Cộng Sản nào trong chế độ quái vật Cộng Sản sắp tiệt chủng, còn sót lại. Tôi ra tù năm 1981, đến nay đã hơn hai mươi sáu năm, mỗi khi chợt nhớ về những ngày tháng ở trong “trại cải tạo”, tôi vẫn còn rùng mình ghê sợ cho cái tàn bạo của con thú đội lốt người có tên là Cộng Sản. Và cũng không quên hương vị béo ngậy, ngọt mềm của những miếng thịt chuột, ngon hơn cả trái nhân sâm ở trên thượng giới mà Trư Bát Giới cứ thòm thèm ao ước.
Cám ơn những chú chuột núi.
Cám ơn những chú chuột đồng ân nhân.
Nguyễn Thanh Ty
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét