Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2020

Người giàu, người nghèo ... và thông điệp chính trị của “Ký sinh trùng” - Phan Đăng Phong


Bộ phim Hàn Quốc “Parasite” đình đám của đạo diễn Bong Joon Ho đã làm nên lịch sử tại giải Oscar 2020 vừa rồi. Nó là bộ phim không sử dụng tiếng Anh đầu tiên chiến thắng giải “Phim hay nhất” (Best Picture), cùng với ba giải thưởng khác là “Kịch bản gốc Xuất sắc nhất” (Best Original Screenplay), “Phim Quốc tế hay nhất” (International Feature Film) và giải “Đạo diễn Xuất sắc nhất” (Best Directing) của ông Bong Joon Ho. Khán giả Việt Nam cũng như khán giả quốc tế có vẻ rất hài lòng với kết quả này: sự thành công của “Parasite” thể hiện sự phát triển của nền điện ảnh châu Á trên trường quốc tế, của một Oscar chuyển mình từ một sân chơi bị gọi là thiếu đa dạng và “toàn da trắng” tới sự công nhận một bộ phim xứ Hàn với những giải thưởng rất uy tín.<!>
Tuy nhiên, không phải ai cũng hài lòng với chiến thắng này của “Parasite”.

Tùy cảm nhận nghệ thuật của mỗi người, có những người cho rằng có những bộ phim khác xứng đáng nhận nhiều giải thưởng hơn. Nhưng cũng có những người cảm thấy “Parasite” không xứng đáng với những sự công nhận này vì đơn giản họ không đồng ý với nội dung và thông điệp của bộ phim: một sự lên án chủ nghĩa tư bản và thể hiện những hậu quả của chủ nghĩa tân tự do (neoliberalism).

Và thật vậy, nội dung của “Parasite” không hề thân thiện với những người là con chiên ngoan đạo của chủ nghĩa tư bản hay một nền kinh tế tự do.

Những người này thường ủng hộ chủ nghĩa tân tự do như đề xuất của Ronald Reagan hay Margaret Thatcher ở thế kỉ 20 vì tin rằng chỉ có một nền kinh tế tự do lưu thông, không bị ràng buộc và chính phủ ít can thiệp như vậy mới hiệu quả với cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng và thị trường lao động. Họ tin rằng chỉ khi áp dụng một nền tư bản tân tự do, những người rất nghèo mới có cơ hội thoát nghèo bằng cách chăm chỉ lao động, và cho rằng con người chỉ mãi nghèo nếu như không chăm chỉ.

Tư tưởng theo kiểu thuyết Xã hội Darwin (Social Darwinism) này – cho rằng thuyết tiến hóa của Darwin có thể được áp dụng lên cả xã hội, rằng chỉ có những kẻ “mạnh nhất” trong xã hội mới “chiến thắng” và leo lên các tầng lớp xã hội cao hơn – không phải là mới, mà dường như theo gót tư bản và chủ nghĩa tân tự do ở bất kì đâu, thậm chí cả những nhà nước cộng sản đang mang một nền kinh tế tư bản như Trung Quốc (kinh ngạc thay, thuyết Xã hội Darwin thực chất có tầm ảnh hưởng rất lớn lên Trung Quốc và một vài nước châu Á khác). Dù là nhà nước nào và theo chế độ nào, người ta cũng phải biện minh được sự tồn tại của những người nghèo tới rất nghèo trong xã hội.

Đạo diễn Bong Joon Ho hiểu được điều đó, và đặt ra câu hỏi rằng: Nhưng như vậy có công bằng không?



Gia đình Kim. Ảnh: Vox.


Gia đình Kim trong phim không phải là những người lười biếng, và thậm chí có thể nói là không phải không có tài, nhưng họ không có cơ hội để đổi đời. Sống ở một khu ổ chuột và phải lao động bằng cách gấp hộp pizza, con cái của họ không có cơ hội đi học Đại học để kiếm được công việc tốt – dù cho, như chúng ta đã thấy khi các tình tiết trong phim được hé lộ, Ki-woo và Ki-jeong không phải là không có tiềm năng. Ki-woo dù không đi học đại học vẫn đủ thông minh để dạy gia sư cho con gái nhà Park giàu có. Ki-jeong có khả năng đồ họa và sử dụng Photoshop rất giỏi.

Cơ hội đổi đời của gia đình Kim tới theo kiểu “may mắn” (con trai Ki-woo được bạn sắp đi du học nhờ gia sư thế cho nhà Park) chứ không phải là nhờ vào bất kì một cơ hội nào mang tính thể chế hóa tới từ chính phủ hay xã hội. Giả sử như không có biến cố may mắn này, nhà Kim sẽ mãi mãi sống ở nơi ổ chuột bẩn thỉu, thấp kém, nơi mà người ta tè bậy vào và ngập lụt mỗi mùa mưa.

Dù vậy, kể cả khi gia đình Kim đã nắm bắt lấy cơ hội đổi đời, thân phận của họ vẫn chỉ là “parasite” – ký sinh trùng cho gia đình nhà Park giàu có. Khi nhà Kim đã “thâm nhập” được vào gia đình nhà Park bằng cách làm gia sư cho hai đứa con trai và con gái của họ, làm giúp việc, làm lái xe, nhà Kim nhận ra rằng mình không phải là những “ký sinh trùng” duy nhất: họ có những “ký sinh trùng” đối thủ khác, và hai bên “ký sinh trùng” quyết định đấu tranh với nhau chỉ để tranh cái vị trí “ký sinh trùng” này.

Phép ẩn dụ “ký sinh trùng” này cũng là cách suy nghĩ của một số người ủng hộ thuyết Xã hội Darwin. Họ không đồng ý với cải thiện phúc lợi xã hội vì cho rằng làm vậy sẽ biến những người nghèo thành “ký sinh trùng” thay vì ép họ làm việc. Nhưng như chúng ta đã thấy, giả sử như người bạn của Ki-woo không quyết định nhờ cậu làm gia sư thay thế, thì có làm việc tới mấy gia đình nhà Kim cũng không đổi đời được. Hơn nữa, kể cả khi gia đình Park có tận hai “ký sinh trùng”, họ vẫn không nhận ra: họ quá giàu để để ý hay thậm chí là để tâm đến số tiền đổ vào màn lừa đảo của nhà Kim và đống đồ ăn “không cánh mà bay” trong nhà.

Sự “ngây thơ” này của hai bố mẹ nhà Park thể hiện đặc quyền của họ (không phải cân nhắc, thắt chặt chi tiêu), nhưng cũng đặt ra câu hỏi rằng: Nếu gia đình Park chẳng thèm bận tâm mấy đến khoảng tài sản thừa thãi của mình, tại sao số tiền ấy lại không thể đi vào thuế, đi vào tăng cường phúc lợi xã hội cho những người giống gia đình nhà Kim để không phải đẩy họ vào con đường kiếm miếng cơm manh áo có phần tủi nhục như là lừa đảo để đi làm “ký sinh trùng” thế này?



Một cảnh trong phim “Parasite”.
Ảnh: CJ Entertainment.


Trong phim, dường như không có một tình tiết nào nhắc đến chính phủ, phúc lợi xã hội, thuế má, quan điểm chính trị. Bong Joon Ho cũng chẳng cần phải sử dụng những chủ đề đó một cách trực tiếp để thể hiện sự mục ruỗng của một xã hội nơi khoảng cách giàu nghèo là quá lớn tới mức tương phản. Nhưng điều đó cũng thể hiện rằng bạn không cần phải đồng ý với một tư tưởng chính trị nào đó để đồng ý rằng ít nhất chúng ta cũng phải có những biện pháp mang tính nhà nước, mang tính thể chế hóa để giúp đỡ những người chưa có điều kiện có cơ hội thoát nghèo – và một nền kinh tế tư bản tự do thái quá chắc chắn sẽ không phải giải pháp.

Theo nhà triết học người Pháp Michel Foucault, nhà tù và hệ thống công lý hiện đại không phải vận hành chỉ để thực thi công lý mà còn để gìn giữ quyền lực của những giai cấp cao trong xã hội. Hành động giết người của ông bố Ki-taek nhà Kim là một hành động theo kiểu “tức nước vỡ bờ” – đỉnh điểm của sự căm ghét thái độ “ngây thơ” nhà giàu của ông bố nhà Park, một hành động mà Karl Marx có thể gọi là đỉnh điểm của “xung đột giai cấp”. Ông Kim đã có thể bị cảnh sát tống vào tù vì bạo lực và ám sát ông Park, để bảo tồn “công lý” cho xã hội.

Nhưng người ta cũng có thể đặt câu hỏi rằng, nếu tống ông Kim vào tù là một hành động để bảo tồn công lý, thì công lý ở đâu cho những người “ký sinh trùng” sống dở chết dở ở trong điều kiện tồi tàn như gia đình Kim hay ông Geun-sae? Sự nghèo khổ kéo dài từ thế hệ thế này tới thế hệ khác chẳng lẽ không xứng đáng được cho là bất công bằng và nên nhận được “công lý”? Giả sử có xứng đáng đi chăng nữa, biết đổ lỗi cho ai đây? Những người được cho là gây ra sự nghèo khổ này có bao giờ bị trừng phạt nhân danh công lý không, hay cuối cùng vẫn là những người nghèo này phải đi tù đày tủi nhục? Những câu hỏi này khiến cho “Parasite” càng mang tính thời sự của nó, bởi vấn đề về công lý và chức năng của nhà tù hiện đại không chỉ là câu hỏi của riêng quốc gia nào.

Việc những người nghèo, những “ký sinh trùng” trong phim quyết định đấu tranh với nhau để làm “nô lệ” cho nhà giàu thay vì hợp sức lại, thực chất cũng là một khía cạnh triết học chính trị nữa. Nếu vận dụng lý thuyết truyền thống của Karl Marx, lẽ ra tầng lớp dưới trong xã hội phải kết hợp với nhau để chống lại giai cấp tư sản áp bức, nhưng điều đó không xảy ra trong “Parasite” – ngược lại, chúng ta thậm chí còn thấy một cuộc đấu tranh đổ máu theo đúng nghĩa đen giữa hai phía “ký sinh trùng”. Điều này có phải có nghĩa là chủ nghĩa Marx ở thời hiện đại là vô dụng?

Không hẳn. Chủ nghĩa tân Marx (neo-Marxism) và Antonio Gramsci đưa ra một câu trả lời khác: Tầng lớp thượng lưu chiến thắng trong cuộc chiến văn hóa, biến thị hiếu thượng lưu của họ thành xu hướng, trở thành “tiêu chuẩn” (giống như các mặt hàng quần áo cao cấp như Gucci được coi là “hình mẫu” của thời trang vậy), và từ đó các tầng lớp dưới sẽ không hợp sức chống lại họ nữa vì cảm thấy rằng sự tồn tại của tầng lớp thượng lưu là cần thiết cho chính họ. Trong “Parasite”, suy nghĩ sẽ làm hại gia đình Park không hề xuất hiện cho tới khoảnh khắc “tức nước vỡ bờ” của ông Kim. Kể cả vậy, đó vẫn là một trường hợp khá cực đoan và hi hữu: đối với những người nghèo như gia đình ông Kim, sự tồn tại của kẻ giàu như nhà Park là cần thiết, và vì thế không cần phải nổi dậy.

Nhưng điều đó có nghĩa là bộ phim “Parasite” cổ vũ một xã hội đi theo hướng xã hội chủ nghĩa?

Có thể, nhưng cũng không hẳn. Nhìn vào những nhà nước cộng sản như Trung Quốc cùng với tư tưởng chính trị “tinh hoa” – chỉ những “tinh hoa” của xã hội mới được nắm quyền – liệu cơ hội đổi đời có phải là bình đẳng giữa mọi người, hay sự giàu có và quyền lực sẽ mãi tập trung vào tay của một bộ phận nhỏ được gọi là “tinh hoa”? Ngược lại, ở những nước thực thi dân chủ tự do, khả năng một người trung lưu, không có nhiều sự ủng hộ tiền bạc từ nhiều công ty, tập đoàn lớn được bầu lên nắm quyền so với khả năng của một người thượng lưu, giàu có, vận động vì quyền kinh doanh của các doanh nghiệp tư nhân lớn liệu có là ngang nhau?

Thay đổi thể chế chính trị vẫn sẽ không ăn thua nếu như sự bất bình đẳng về cơ hội vẫn giữ nguyên. Điều mà những bộ phim như “Parasite” thể hiện không phải là cổ vũ một thể chế chính trị cụ thể nào, mà là thể hiện những bất cập còn tồn đọng trong xã hội – bất cập về cơ hội, về khoảng cách giàu – nghèo, về công bằng trong xã hội. Một nhà nước đi theo cộng sản có thể vẫn bất công, và một nhà nước đi theo tư bản vẫn có thể cố gắng có được bình đẳng, và ngược lại. Điều quan trọng không phải là giới tinh hoa hô hào chủ nghĩa này, chủ nghĩa kia, hay ngồi tranh luận về chính trị. Điều quan trọng cuối cùng vẫn là liệu những chính sách chính trị này, kia, có thực sự có lợi cho những nhóm người yếu thế trong xã hội hay không.


11/02/2020

Phan Đăng Phong
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi về địa chỉ bbt@luatkhoa.org

1 nhận xét:

Unknown nói...

Không ai sinh ra đã giầu sẵn... Mọi người sinh ra đều tay trắng. Từ tay trắng, cha mẹ đã cố gắng làm việc để nuôi con cái... nhưng không thể ví con cái là ký sinh trùng của cha mẹ... Người nguyên thủy, khi sinh ra thì tạo hóa (Thiên Chúa) cũng chỉ cho họ hai bàn tay, đôi chân để kiếm sống, nhưng có một giai đoạn là giai đoạn từ sơ sinh cho đến tuổi biết tự đi kiếm đồ ăn ở chung quanh... Người con trai, người đàn ông biết ra rừng hoang cầy cấy khai thác làm việc nuôi vợ con... Cứ nhìn xã hội của muôn loài sẽ thấy con vật này ăn thịt con vật khác... Con người thì ngoài việc ăn gạo lúa, cây cỏ còn biết ăn thịt các súc vật chung quanh... Còn các con cọp, con chó, rắn rít cũng tím bắt các sinh vật khác mà ăn, nhưng cũng có những sinh vật chỉ ăn cây cỏ như con voi hút nước mía...mà sống, con sóc đào rễ củ mà sống... Tóm lại, con người khi sinh ra cũng giống nhau, chỉ có 2 bàn tay, đôi chân dể lo kiếm sống... Thế cho nên trách cứ xã hội bất công thì phải chăng như vậy có quá đáng không? Thế cho nên chúng ta không nên chỉ trách xã hội mà nên tự xét mình... Có một cô con gái than thở: Bố cháu không thích đi làm, chỉ có mẹ cháu đi làm... nhưng hầu hết các đàn ông đều biết rằng đàn ông, con trai mạnh khỏe hơn đàn bà, con gái thì phải đi làm lao động kiếm tiền nuôi vợ con...
Tóm lại, không người đàn ông, con trai nào lười biếng không chịu đi làm mà được vợ con kính trọng.. và lãnh đạo được gia đình và xã hội trừ đi lừa gạt các người lao động xả thân vì họ, chiếm chính quyền xong quay lại kềm kẹp người dân như bọn cộng sản. Lê Đình Kình là dân lao động nghèo khổ xả thân tranh đấu cho "Chủ Nghĩa xã Hội-Cộng Sản" suốt 55 năm (tuổi đảng), khi về già mới biết mình bị cộng sản lợi dụng và tính ăn cướp chút tài sản nhỏ bé, ít ỏi, bắn chết... Thế cho nên, chúng ta nên nhớ một điều: "Chỉ có cha mẹ sanh con ra là biết cách làm lụng kiếm lương thực nuôi mình"...