Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt tại một trạm kiểm soát ở Quảng Châu, Trung Quốc. Ảnh: EPA.Trung QuốcChiến dịch truy tìm người bệnh như thời chiến của Trung Quốc được mở rộng ra cả bên ngoài tâm dịch, gây ra sự hỗn loạn ở các trung tâm y tế, khu cách ly.Giới chức Trung Quốc hôm 13/2 tiếp tục mở rộng cuộc tìm kiếm, tập hợp những người có thể bị nhiễm virus corona trong ít nhất hai thành phố thuộc tỉnh Hồ Bắc là Hoàng Cương và Hiếu Cảm. Nhưng chiến dịch này - lần đầu được thực hiện ở Vũ Hán - đã gây ra những tình huống hỗn loạn, khiến người bệnh bị cô lập, không có đủ sự chăm sóc cần thiết. Một số trường hợp bị bỏ mặc cho đến chết.<!>
Người thân của bệnh nhân cho biết, chính quyền Vũ Hán, thành phố 11 triệu dân, đã tập hợp các bệnh nhân chưa được xét nghiệm virus corona một cách bừa bãi, đôi khi dồn họ lên xe bus mà không có các biện pháp bảo hộ nào. Những người này được đưa đến cơ sở y tế dã chiến không có đủ nhân lực cần thiết để chăm sóc họ. Khi không có nhân viên y tế giúp đỡ, nhiều bệnh nhân không qua khỏi.
Một người phụ nữ bị đưa đến trung tâm cách ly đột ngột và bị cấm mang theo thuốc trợ tim. Một người đàn ông ở trong khách sạn bệnh tình ngày càng nặng nhưng không có bác sĩ bên cạnh, cũng không được phép rời đi. Một người đàn ông khác trong trung tâm cách ly bị hôn mê 2 ngày và gia đình cho biết họ không được phép đưa đi nhập viện. Anh ta tử vong sau đó.
Chính quyền tỉnh Hồ Bắc thông báo ngày 13/2 rằng họ đã điều chỉnh cách tính ca nhiễm bệnh. Đưa các ca được chẩn đoán lâm sàng nhiễm virus dựa trên bản quét phổi cùng các triệu chứng vào số liệu ca nhiễm mới thay vì chỉ tính bằng bài xét nghiệm phức tạp trước đó. Phát ngôn viên Ủy ban Y tế Thượng Hải cho biết phương pháp chẩn đoán người nhiễm virus không thay đổi ở bất kỳ địa phương nào của Trung Quốc ngoài Hồ Bắc.
Số ca sau đó tăng đột biến, thêm gần 15.000 ca nhiễm mới và 242 ca tử vong trong một ngày. Con số tiếp tục tăng lên vào ngày 14/2 với khoảng 4.800 ca nhiễm mới và 116 người chết. Số ca nhiễm của cả tỉnh vào khoảng 52.000, làm quá tải hệ thống y tế vốn đã kiệt quệ, gây nên tình trạng thiếu giường cũng như các vật tư y tế. Trước khi những số liệu mới được thông báo, đã có rất nhiều người dân bị bỏ quên.
Một khu điều trị bệnh nhân ở Vũ Hán. Ảnh: AP.
Peng Andong (59 tuổi), ở Vũ Hán, bị sốt và viêm phổi trong nhiều ngày trước khi chính quyền yêu cầu ông đến trung tâm cách ly tạm thời vào tuần trước. Peng và gia đình được thông báo là trung tâm có bác sĩ và dụng cụ xét nghiệm để ông có thể biết được tình trạng bệnh của mình, được chữa trị theo phác đồ phù hợp. Ngày 5/2, ông bị dồn lên một chiếc xe bus đầy người bệnh, không ai có đồ bảo hộ và được chở tới một khách sạn được trưng dụng làm trung tâm cách ly.
Trong vài ngày đầu, Peng nhắn tin cho gia đình thường xuyên, cập nhật tình hình bên trong trung tâm. Con trai ông, Peng Bangze, cho biết: "Bố tôi nói mấy ngày đầu rất hỗn loạn, không có đồ ăn cũng như nhân viên y tế". Nhiều người khác cũng phàn nàn tương tự trong các bài đăng trên mạng xã hội.
Deng Chao (30 tuổi) cho biết, bác sĩ nói anh chắc chắn nhiễm virus corona nhưng anh vẫn chưa nhận được kết quả xét nghiệm để có thể nhập viện. Thay vào đó, anh được đưa tới một trung tâm cách ly tại khách sạn ở Vũ Hán trong gần một tuần. Bây giờ, anh thấy bệnh nặng hơn và khó thở hơn. Anh cho hay, bảo vệ túc trực bên ngoài khách sạn để đảm bảo bệnh nhân không chạy trốn. Nơi này cũng không có bác sĩ hay thuốc chữa bệnh. "Đây đúng là nhà tù. Đưa tôi đến bệnh viện đi, làm ơn, tôi cần được chữa trị. Không có ai chăm sóc chúng tôi ở đây hết", anh nói.
Trung tâm thể thao Vũ Hán được chuyển đổi thành bệnh viện tạm thời với 1.100 giường. Ảnh: AP.
Vũ Hán biến những địa điểm như sân vận động, triển lãm, khách sạn và trường học thành các trung tâm cách ly cho bệnh nhân có triệu chứng nhẹ. Những ca nghi nhiễm được đưa đến các khách sạn và trường học để được cách ly. Những người có tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm được đưa đến các địa điểm khác. Các trường hợp nghiêm trọng được đưa tới 2 bệnh viện mới xây để được chữa trị.
Cho dù có nhiều phàn nàn về việc thiếu nhà vệ sinh và mối lo của các chuyên gia về việc lây nhiễm chéo, một số bệnh nhân cảm thấy hài lòng với điều kiện sống, cảm thấy nhẹ nhõm vì không lây cho người thân. Một số hình ảnh tại các trung tâm tạm thời cho thấy các bệnh nhân nhảy múa, một số người chơi điện thoại, một người khác được bắt gặp đang đọc cuốn Nguồn gốc trật tự chính trị của Francis Fukuyama.
Nhưng trong đa số trường hợp, nỗ lực này của chính phủ tỏ ra thiếu trật tự và rời rạc. Tờ Xinhua cho biết, đôi khi hai hoặc ba bệnh nhân nghi nhiễm bị dồn vào một phòng. Một báo cáo khác miêu tả về cách làm việc của các nhân viên điều tra. Họ tới từng nhà, nói chuyện với hàng xóm và kiểm tra dây phơi quần áo để chắc chắn mọi hộ dân đã được tính.
Tờ Global Times đăng tải câu chuyện về một tài xế xe bus thất vọng và mệt mỏi vì phải tập hợp những người nhiễm bệnh giữa đêm. Các bệnh nhân và gia đình phàn nàn về điều kiện không đủ tốt, đặc biệt khi người bệnh cần được cách ly và chăm sóc y tế.
Ngày 8/2, Ma Xilian (59 tuổi) được thông báo mình có thể bị nhiễm nCoV dựa trên kết quả chụp phổi và một số triệu chứng khác, chỉ 2 ngày sau khi chồng bà nhập viện. Bà được yêu cầu đến ngay một trung tâm cách ly. Ma xin được về nhà để lấy thuốc trợ tim nhưng bị từ chối. Trong khách sạn nơi bà Ma ở trước khi được đưa vào bệnh viện, không hề có bác sĩ, thuốc hay nước uống. Con dâu bà bày tỏ sự phẫn nộ trên mạng xã hội: "Cảm xúc đối với con người của các người đi đâu rồi? Năng lực lãnh đạo của các người đi đâu rồi?".
Một bác sĩ với bệnh nhân bị nhiễm virus corona trong bệnh viện ở Vũ Hán, Trung Quốc hôm 13/2. Ảnh: AP.
Nhiều người cho rằng thiếu sự chăm sóc y tế khiến bệnh tình của họ nặng hơn. Với một số gia đình, điều kiện sống tệ hại đó dẫn tới tình huống xấu nhất.
Peng Bangze nhớ lại chuyến thăm hôm 8/2, sau khi anh mất liên lạc với bố cả ngày kể từ khi được chuyển lên xe bus tới khách sạn cách ly. Anh thấy bố hôn mê trong phòng bệnh một mình. Hoảng sợ, anh gọi xe cấp cứu nhưng tài xế lẫn bảo vệ không chịu giúp anh đưa bố ra xe vì sợ lây. Một giờ sau, Peng được báo bệnh viện không còn giường, anh nên về nhà và đợi.
Hai hôm sau, người thân của Peng cuối cùng cũng được bệnh viện thông báo đã sắp xếp cho một giường. Nhưng khi anh đến khách sạn để đưa bố tới bệnh viện, ông Peng đã qua đời. Các nhân viên ở khu cách ly không đưa ra lời giải thích nào. Họ khử trùng căn phòng, mang thi thể ông Peng đi hỏa táng. "Tôi không biết sao chuyện này lại xảy ra. Mới chỉ có vài ngày. Sao ông ấy đột nhiên qua đời được", anh nói.
Dịch viêm phổi cấp nCoV (Covid-19) khởi phát tại thành phố Vũ Hán và lan ra 31 tỉnh thành Trung Quốc và ít nhất 27 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Chủng virus mới được cho là bắt nguồn từ động vật hoang dã trong chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán.
Tính đến sáng 14/2, Ủy ban Y tế Hồ Bắc báo cáo thêm 116 ca tử vong, 4.823 ca lây nhiễm nCoV (bao gồm 3.095 ca chẩn đoán lâm sàng) và 690 ca bình phục. Tổng số ca nhiễm bệnh ở tỉnh Hồ Bắc đã tăng lên 51.986. Hiện toàn cầu có hơn 65.000 trường hợp nhiễm bệnh, ít nhất 1.486 ca tử vong, theo CNN.
Những ảnh hưởng toàn cầu từ cuộc khủng hoảng virus corona không có dấu hiệu chậm lại. Hôm 13/2, Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, một người đang được cách ly ở căn cứ quân sự San Antonio có kết quả dương tính với nCoV, nâng tổng số ca nhiễm bệnh ở Mỹ lên 15. Ở Nhật Bản, giới chức y tế tuyên bố ca tử vong đầu tiên vì virus ở Kanagawa, ở Yokohama. 218 hành khách, thủy thủ trên một du thuyền cũng nhiễm bệnh.
>Xem thêm:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét