Khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của Tổng thống Donald Trump
Người Trung Quốc xâm nhập khu nghỉ dưỡng của Tổng thống Trump bị kết án 6 tháng tù Vào ngày 14/2, bà Lu Jing, 56 tuổi, công dân Trung Quốc thứ hai bị bắt vì xâm nhập vào khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của Tổng thống Trump năm 2019, đã bị kết án sáu tháng tù với tội danh chống lại việc bị bắt giữ, theo Reuters. Bồi thẩm đoàn hôm 12/2 đã bỏ tội xâm nhập của bà Lu nhưng kết án bà này về hành vi chống lại sự bắt giữ của cảnh sát, do bà đã giơ tay thành nắm đấm, khoanh tay và la hét khi bị bắt. Trước đó, vào tháng 3/2019, cô Yujing Zhang, 33 tuổi, quốc tịch Trung Quốc cũng bị bắt vì xâm nhập vào khu nghỉ dưỡng của Tổng thống Trump. Cô Zhang sau đó bị kết án tám tháng tù vì tội nói dối và tội xâm nhập.
<!>
<!>
Binh sĩ và cảnh sát vũ trang Trung Quốc bị nhiễm COVID-19, hàng ngàn người bị cách ly
Epoch Times ngày 13/2 đăng tin, COVID-19 đang lây truyền giữa các thành viên của quân đội và cảnh sát vũ trang Trung Quốc, với hàng ngàn người bị cách ly để ngăn chặn sự lây lan thêm, theo Trung tâm Thông tin Nhân quyền và Dân chủ (ICHRD) có trụ sở tại Hồng Kông.
Theo ICHRD, 10 binh sĩ trong Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) và 15 sĩ quan cảnh sát vũ trang đã thử nghiệm dương tính với COVID-19 tại tỉnh Hồ Bắc. ICHRD, tổ chức giám sát các hành vi vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc, thường lấy thông tin từ những quan chức cấp cao trong chính quyền Trung Quốc cho biết thêm, 1.500 binh sĩ và 1.000 cảnh sát vũ trang đang bị cách ly
Các trường hợp nhiễm virus liên quan đến cảnh sát vũ trang Trung Quốc và quân đội có thể không được đưa vào số liệu chính thức. Theo báo cáo ngày 4/2 của ICHRD, chính quyền Trung Quốc đã ban hành một tài liệu bí mật nói rằng các đơn vị quân đội không phải báo cáo các trường hợp nhiễm bệnh bởi họ xác định thông tin đó là “bí mật quân sự.”
Sự bùng phát virus corona mới leo thang bắt đầu ở Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc ở miền trung Trung Quốc. Cơ quan y tế Vũ Hán cho biết họ nghi ngờ chủng COVID-19 có nguồn gốc từ một khu chợ ẩm ướt địa phương nơi các động vật hoang dã, như nhím và rắn, được bày bán, mặc dù các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu về nguồn gốc virus và đã đặt câu hỏi cho các quan chức.
Các binh sĩ và sĩ quan bị nhiễm bệnh đang được điều trị tại ba bệnh viện: một bệnh viện quân đội PLA ở thành phố Hàm Dương, tỉnh Hồ Bắc; một bệnh viện cho quân đoàn không quân Trung Quốc, ở thị trấn Hiếu Cảm, cũng ở Hồ Bắc; và một bệnh viện cho Bộ Tư lệnh Nhà hát Trung ương PLA tại thành phố Vũ Hán. Một nhân viên giấu tên tại bệnh viện Hàm Dương đã xác nhận với ICHRD rằng có cảnh sát vũ trang bị nhiễm virus đang nhập viện tại đây.
Tại các bệnh viện ở Hiếu Cảm và Vũ Hán, khoảng 20 người thân của quân nhân Trung Quốc cũng phải nhập viện, vì nghi ngờ nhiễm virus, tổ chức này báo cáo. Các biện pháp kiểm dịch cũng được áp dụng tại các đơn vị khác trong PLA.
Tổ chức này cũng đã biết được rằng một người lính Trung Quốc thuộc Lực lượng tàu ngầm của Hải quân PLA, bị nhiễm virus và 300 binh sĩ của Hải quân PLA đã bị cách ly. Lực lượng tàu ngầm đóng tại thành phố Tam Á, thuộc tỉnh đảo Hải Nam. Vì sự bùng phát, lực lượng tàu ngầm đã phải hoãn lại một chương trình huấn luyện được cho là bắt đầu trong tháng này.
Tại Hải Nam, Bệnh viện 301 PLA địa phương đã chuẩn bị để kiểm tra 3.000 binh sĩ về virus, đặc biệt là những người trong lực lượng tàu ngầm gần đây đã ở trên biển để huấn luyện, theo trung tâm. Tổ chức này trước đây đã báo cáo về các trường hợp nhiễm trùng cá nhân trong cảnh sát vũ trang và quân đội Trung Quốc.
Vào ngày 30/1, trung tâm đã báo cáo rằng một thành viên của một đơn vị cảnh sát vũ trang di động sống trong khu nhà ở trại ở Hồ Bắc đã xét nghiệm dương tính với virus này; 300 cảnh sát vũ trang từ đơn vị đó đã bị cách ly. Trại nằm ở Panlong, gần quận Hoàng Phố ở Vũ Hán.
Ngoài ra, một sĩ quan quân đội trong một đơn vị trên không ở thị trấn Hiếu Cảm đã xét nghiệm dương tính với virus vào ngày 25/1, theo trung tâm. Một ngày sau, 200 binh sĩ đang hoạt động ở Hiếu Cảm bị cô lập tại một địa điểm tập kết máy bay quân sự không sử dụng.
Bắc Kinh tuyên truyền Mỹ là thủ phạm gây ra dịch virus corona
Chính quyền Trung Quốc đang muốn thông qua tuyên truyền để đánh lạc hướng sự tập trung của người dân vào việc Bắc Kinh bất lực trước sự bùng phát dịch virus corona. Thay vì nhận trách nhiệm, họ đổ lỗi cho phương Tây. Nhà cầm quyền Trung Quốc đang thực hiện chiến thuật này bằng mọi cách có thể, từ việc sử dụng người phát ngôn của chính phủ cho tới các giáo viên trong trường học, theo Bitter Winter.
Trang Bitter Winter cho hay, mục tiêu của lực lượng cầm quyền Trung Quốc trong chiến dịch tuyên truyền này là khiến người dân tin rằng virus corona (COVID-19) chính là một loại vũ khí được Mỹ tạo ra và phát tán để hãm hại người Trung Quốc. Những luận điệu theo chiều hướng này đang được các cơ quan truyền thông Trung Quốc lan truyền trên internet.
Ngày 3/2/2020, bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tuyên bố trong một cuộc họp báo thường lệ rằng, chính phủ Hoa Kỳ chưa bao giờ giúp đỡ gì cho Trung Quốc kể từ khi dịch COVID-19 bắt đầu. Thay vào đó, Mỹ là nước đầu tiên sơ tán nhân viên ngoại giao và cấm công dân Trung Quốc nhập cảnh. “Họ tiếp tục tạo và phát tán thông tin gây hoang mang”, bà Hoa nói thêm.
Ngày 26/1, cổng thông tin quân sự trực tuyến của Trung Quốc, trang Xilu.com, đã cho đăng một bài viết tuyên bố rằng chủng mới của virus corona là “một vũ khí sinh hóa do Mỹ sản xuất để nhắm vào Trung Quốc”.
“Chủ nghĩa đế quốc chưa bao giờ ngừng tấn công, phá hủy và [muốn] tiêu diệt Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc đang phát triển nhanh đến mức chủ nghĩa đế quốc [buộc phải] xé bỏ mặt nạ đạo đức giả và hành động công khai [chống lại Trung Quốc]”, bài báo trên Xilu.com viết. Theo Bitter Winter, đây rõ ràng là một cách lèo lái nhắm khiến người dân Trung Quốc chuyển dịch sự bất mãn với những yếu kém của chính phủ trong phòng chống dịch sang căm thù các thế lực thù địch.
Nhân viên y tế Hồng Kông đang đẩy cáng một bệnh nhân nghi mắc virus COVID-19 (ảnh chụp màn hình/Bitter Winter).
Bitter Winter nhìn nhận, không có gì lạ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang chỉ tay để người dân nhìn về phía “lực lượng thù địch phương Tây” trong khi khủng hoảng diễn ra. Tờ báo có trụ sở ở Ý cho hay, sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền, các tuyên truyền bôi nhọ phương Tây ở Trung Quốc đã gia tăng đáng kể về mức độ tùy tiện và tần xuất. Một khuôn mẫu dễ nhận thấy trong những tuyên truyền dạng này là, phương Tây và Hoa Kỳ là căn nguyên làm phát sinh các vấn đề ở Trung Quốc.
Các bài viết chống Mỹ và phương Tây cũng được chính phủ Trung Quốc cho tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng trong thời gian diễn ra các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông. Ngày 29/11/2019, tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, cho đăng một bài bình luận với tiêu đề “Mỹ không được phép can thiệp vào các vấn đề [ở đặc khu] Hồng Kông của Trung Quốc”, với nội dung cáo buộc Mỹ đang chống lưng cho “các cuộc bạo động ở Hồng Kông” và những “những kẻ ưa bạo lực” ở Hồng Kông.
Trong cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, các cơ quan truyền thông của ĐCSTQ đã cố gắng khai thác chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa yêu nước trong các tuyên truyền của họ để khiến người dân Trung Quốc thêm căm ghét Hoa Kỳ và vì thế sẽ không để ý tới các vấn đề của nhà cầm quyền. Theo Bitter Winter, các tuyên truyền này đều hướng vào việc miêu tả Trung Quốc bị Mỹ bắt nạt khi nhất quyết không chấp nhận lùi bước trong các cuộc đàm phán với Washington.
Các tuyên truyền này đã cho thấy ngay tác dụng. Lãnh đạo một trạm kiểm tra xe cơ giới ở Liên Vân Cảng, một địa khu hành chính phía đông tỉnh Giang Tô, đã yêu cầu nhân viên của mình ngừng sử dụng hoặc mua hàng hóa của Mỹ “để thể hiện lòng trung thành và lòng yêu nước” và “giúp Trung Quốc chiến thắng trong cuộc thương chiến”, đồng thời đe dọa rằng nếu ai không thực hiện việc này sẽ bị sa thải.
“Toàn bộ thế giới, bao gồm cả Mỹ, vô cùng ngạc nhiên trước công nghệ 5G của Trung Quốc. Vì vậy, xuất phát từ lý do không muốn thừa nhận Trung Quốc mạnh hơn, Mỹ đã tiến hành các kế hoạch bạo động dân sự ở Trung Quốc, ví như các cuộc bạo loạn ở Hồng Kông, để ngăn chặn nền kinh tế chúng ta phát triển”, một giáo sư đại học Trung Quốc, người mới nhận được lời mời công tác vào tháng 12/2019 để giảng dạy về tư tưởng và chính trị, nói với các sinh viên của mình về cuộc biểu tình Hồng Kông.
Những tuyên truyền tương tự cũng được “triển khai” trong các trường tiểu học, trung học trên khắp Trung Quốc. “Căm thù phương Tây” là những gì mà trẻ em và thanh niên Trung Quốc được học từ giáo viên và các cơ quan truyền thông nội địa.
Một tiết học môn sinh ở một trường trung học thuộc tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. (ảnh chụp màn hình/Bitter Winter)
Một học sinh cấp hai ở thành phố Cám Châu, tỉnh Giang Tây, kể với Bitter Winter rằng cô giáo dạy sinh học của em này nói Tổng thống Trump là “bàn tay đen phía sau các cuộc bạo loạn ở Hồng Kông”. Sau đó cô giáo nói về dịch virus corona và hỏi các học sinh rằng nếu như có thể thì các em muốn ông Trump mắc phải những bệnh nào?, các học sinh đã thi nhau liệt kê các loại bệnh mà chúng muốn Tổng thống Mỹ mắc phải như viêm màng não, bạch hầu, bệnh dại, em học sinh cấp hai này cho biết.
“Bây giờ chúng cháu rất ghét Trump”, em học sinh cấp hai, được Bitter Winter dẫn lời, nói. “Khi tên của ông ấy được nhắc tới trong lớp, các học sinh đều thể hiện sự căm phẫn. Mong rằng ông ta sẽ sặc nước mà chết khi dùng bữa”.
(Nguồn ảnh thumb: ảnh chụp màn hình Youtube/TODAY)
Ai Cập xác nhận trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên
Vào ngày 14/2, Ai Cập đã xác nhận trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên ở nước này và cho biết người bị nhiễm virus là người nước ngoài, hiện đã được đưa vào bệnh viện cách ly, theo Reuters.
WHO Ai Cập cho biết trên Twitter rằng người bị nhiễm virus đã không có bất kỳ triệu chứng nào và đang trong tình trạng ổn định, nhưng không cung cấp quốc tịch của người này, hoặc bất kỳ chi tiết nào khác.
Philippines dỡ bỏ lệnh cấm vì COVID-19 đối với du khách Đài Loan
Hôm 14/2, các quan chức chính phủ Philippines cho biết, nước này đã dỡ bỏ lệnh cấm du lịch đối với du khách đến từ Đài Loan, trong nỗ lực kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19, theo Reuters.
Bộ Ngoại giao Đài Loan hoan nghênh quyết định này, và cho biết Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã liệt kê Đài Loan là một phần thuộc Trung Quốc nên khiến cho cộng đồng quốc tế hiểu lầm, coi hòn đảo có tình hình dịch bệnh giống như Trung Quốc, trong khi hòn đảo hiện chỉ có 18 trường hợp nhiễm virus.
WHO cần phải nhận ra rằng Đài Loan không thuộc Trung Quốc, và sửa đổi, Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết.
Maduro cảnh báo sẽ bắt giữ lãnh đạo phe đối lập Juan Guaidó
Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro hôm 14/2 nói rằng chính quyền của ông chưa bắt giữ lãnh đạo phe đối lập Juan Guaidó bởi vì tòa án không có lệnh, nhưng Maduro cảnh báo rằng: “Điều này sẽ xảy ra”, theo AP.Maduro đưa ra lời cảnh báo trong một cuộc họp với báo chí quốc tế ba ngày sau khi Guaidó trở về từ chuyến công du đến Hoa Kỳ và Châu Âu, bất chấp lệnh của tòa án cấm ông rời khỏi Venezuela.
Dân Thái Lan ra tòa để phản đối đập thủy điện hạ lưu sông Mê Kông của Lào
Hôm 14/2, dân làng dọc sông Mê Kông đã yêu cầu một tòa án ở Bangkok hoãn việc mua điện của Thái Lan từ một đập thủy điện ở Lào, mà họ nói đã làm tổn hại sinh kế của họ kể từ khi nó bắt đầu hoạt động vào năm 2019, theo Reuters.
Đập Xayaburi với công suất 1.285 megawatt, được tài trợ bởi các công ty và ngân hàng Thái Lan, là đập thủy điện đầu tiên ở hạ lưu sông Mê Kông ở Lào và bán 90% năng lượng cho Thái Lan.
“Chúng tôi muốn một biện pháp tạm thời để giảm tốc độ mua điện trong thỏa thuận ban đầu. Chúng tôi tin rằng nếu việc mua bị chậm lại, thì việc sản xuất điện sẽ dừng lại”, Rattanamanee Polkla, một luật sư đại diện cho cộng đồng Mekong nói với các phóng viên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét