Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2020

ĐIỂM BÁO PHÁP QUỐC :22/02/2020 Ái tình thầm kín có chỗ trong ''Thời của các trò chính trị hạ đẳng''?

image.png

Ông Benjamin Griveaux trong buổi lễ bàn giao nhiệm vụ phát ngôn viên chính phủ cho người kế nhiệm, bà Sibeth Ndiaye (T), Paris, 01/04/2020. Thomas SAMSON / AFP

Trọng Thành
Virus corona mới tiếp tục hoành hành tại Trung Quốc, đe dọa thế giới, ám ảnh nước Pháp, dĩ nhiên là chủ đề không thể vắng trên các tuần báo Pháp, tuần thứ ba của tháng 2/2020. Tuy nhiên, một cuộc khủng hoảng chính trị trong nước đột ngột làm lu mờ hàng loạt chủ đề nóng bỏng. Ứng cử viên vào chức thị trưởng Paris, của đảng cầm quyền, rút khỏi võ đài. Lý do: Một clip nóng bị tung lên mạng.
<!>

''Cú đánh dưới thắt lưng'' gây ra một làn sóng phẫn nộ trong đông đảo chính giới, nhưng cũng đặt ra nhiều câu hỏi đầy thách thức về vị trí mong manh của cái riêng tư, thầm kín trong kỷ nguyên công nghệ số, kỷ nguyên mạng xã hội. Vụ ứng cử viên Benjamin Griveaux - người thân cận với tổng thống Macron - bị clip nóng, về một quan hệ thầm kín ngoài hôn nhân, hạ gục, được nhiều người coi là một biến cố chưa từng có trên chính trường nước Pháp. Nhà triết học Pháp Michel Ofray cảnh báo : những kẻ tấn công vào thế giới riêng tư của các cá nhân đang mở đường cho một chế độ toàn trị, nơi mọi ranh giới giữa cái công và cái riêng tư, thầm kín bị xóa bỏ.

Cuộc tình thoáng qua và ''cú đánh dưới thắt lưng''

Tuần báo L’Obs chạy tựa lớn ''Thời của các trò bẩn trong chính trị''. ''Cái riêng tư thầm kín, cuộc chiến thế kỷ'' là tựa trang bìa của Le Point. Le Point đứng hẳn về phía nạn nhân, hoặc các nạn nhân tiềm tàng, với hàng tít nhỏ: ''Làm thế nào (còn có thể) bảo vệ được những bí mật của mình ?''.


L’Obs có bài điểm lại nguồn cơn câu chuyện đã dẫn đến tuần lễ chấn động truyền thông Pháp, đưa ngôi sao đang lên của đảng cầm quyền, từng là quốc vụ khanh phụ trách nhiều bộ quan trọng, rớt đài. Ngày 17/05/2018, ông Benjamin – lúc đó là người phát ngôn chính phủ - trong thời gian công cán ở tỉnh, vào giờ nghỉ đã có các trao đổi video nóng qua mạng xã hội với một nữ sinh viên 27 tuổi (cô Alexandra de Taddeo), vừa làm quen. Vào thời điểm đó, ông Griveaux đã lập gia đình, có hai con. Gần hai năm sau, người phát đi clip nóng năm nào, đã trở thành nạn nhân, khi bạn tình (một nghệ sĩ Nga) của tình nhân cũ tung clip lên mạng.

''Bàng hoàng và ghê tởm''

image.png


Những dòng đầu tiên trong bài nhận định của nhà báo Natacha Tatu, trên l’Obs, với tựa đề ''Những kẻ đồng lõa'', tóm lược rõ một tâm trạng chung : ''Bàng hoàng và ghê tởm, chúng ta đã bị ném vào vũng bùn lầy lội của những trò chính trị bẩn thỉu. Người Pháp - vốn thường nhắm mắt làm ngơ trước những cuộc phiêu lưu tình ái của giới lãnh đạo chính trị, được xem như là có thể chấp nhận được, chừng nào không phạm pháp – đã trở thành các khán giả bất đắc dĩ của vụ Griveaux. Họ cảm thấy rất rõ rằng là, với vụ này, một bức tường ngăn đã sụp đổ. Bức tường, mà phép lịch sử, sự liêm sỉ, tình cảm tôn trọng… đã từng khiến người ta e ngại, đã bị phá sập''. Với sức mạnh ngày càng gia tăng của các mạng xã hội, những xâm phạm nhắm vào đời sống riêng tư thầm kín tăng vọt, không có luật lệ nào trên thế giới mạng có thể thay đổi được tình hình này.

Theo nhà báo Natachu Tatu, vụ Griveaux nói lên nhiều điều về nước Pháp, về người Pháp, về sự khốc liệt của xã hội hiện nay. Trong cuộc chiến mới, trên ''các đấu trường mang tên Facebook, Twitter'', ''mọi đòn đánh đều được phép'', ai cũng có thể ''hạ sát'' đối phương, và ai cũng có thể ''bị hạ sát''. Đây cũng là cái thời mà các phản kháng ngày càng trở nên triệt để hơn : từ đốt sách, đâm đổ cửa vào một trụ sở bộ, treo hình đầu tổng thống trên một ngọn giáo… việc tung clip nóng một thành viên có thế lực của đảng cầm quyền chỉ là một bước tiếp theo.

Tuy nhiên, theo nhà báo L’Obs, trong vụ này hay các vụ tương tự trước đây, trong hiện tại không có vấn đề ''Mỹ hóa'' đời sống chính trị Pháp. Lý do là: trong chính giới Pháp, không có ai lên tiếng bất bình về sự không chung thủy của Benjamin Griveaux, không ai lên lớp về đạo đức như ở Hoa Kỳ, nơi lập trường chính trị thấm đẫm ''tư tưởng tôn giáo khắc kỷ''. Không một ai lên tiếng đòi Benjamin Griveaux từ chức, cho dù chính trị gia này ít được thiện cảm.

Hai người làm rung chuyển phủ tổng thống Pháp
image.png


Quyết định rút khỏi võ đài của ứng cử viên thị trưởng Paris không phải do bị gây áp lực trên báo chí, hay trong xã hội, như trường hợp nước Anh. Ông Griveaux cũng không hề là nạn nhân của một mưu đồ chính trị lớn. Benjamin Griveaux chỉ là nạn nhân duy nhất của hành động nhẹ dạ của bản thân, và nạn nhân của một nhóm các phần tử cực đoan trên mạng Twitter.

Nhà báo L’Obs lưu ý đây chính là điều đáng lo ngại nhất trong vụ này. L’Obs chỉ ra hai phần tử chính, một nghệ sĩ phản kháng người Nga có tính cách hết sức khác thường (tị nạn chính trị tại Pháp) và một luật sư theo quan điểm cực tả cuồng nhiệt, không kể người thứ ba, một phụ nữ - bạn gái của nghệ sĩ Nga và người nhận clip nóng của chính trị gia Pháp Benjamin Griveaux – mà vai trò hiện chưa được xác định rõ ràng. Chỉ với ba người, họ đã thành công trong việc biến một chuyện, lẽ ra chỉ gây ra điều tiếng trong phạm vi hẹp, trở thành thành ''một trái bom chùm''. Đòn tấn công ấy ''đã làm rung chuyển phủ tổng thống Pháp''.

Gia đình gương mẫu bị lật mặt nạ

image.png


Trả lời phỏng vấn L’Obs, nhà xã hội học Vincent Tiberj nhận xét từ một góc nhìn khác.Theo vị chuyên gia về các ứng xử trong tranh cử chính trị này, thì chính việc các chính trị gia có xu hướng ngày càng đặt đời sống cá nhân của mình vào vị trí trung tâm trong chính trị đã khuyến khích những phản ứng thái quá, như một hình thức phản kháng trả đũa tương xứng. Benjamin Griveaux vốn bị coi là người có quan hệ ít gần gũi, ít lắng nghe dân chúng. Để cải thiện tình hình, chính trị gia trẻ tuổi này đã cố gắng xây dựng hình ảnh về mình như là một người cha, một người chồng tốt trên nhiều chương trình truyền hình, tạp chí… Nhà xã hội học đặt câu hỏi: ông Griveaux bị tấn công tại đúng địa hạt này, giả sử một ứng cử viên chức thị trưởng Paris khác, như nhà toán học Cédric Villani, nếu có bị tấn công bằng một thủ đoạn tương tự, thì hiệu ứng chắc cũng sẽ rất khác.

Sự sụp đổ của thần tượng ''sát gái''

Nhà xã hội học Vincent Tiberj cũng nhấn mạnh đến phong trào chống lại một truyền thống bắt rễ sâu tại Pháp, đề cao những chính trị gia nam giới có nhiều bạn tình nữ, đề cao những người có sức quyến rũ với người khác giới, và cả tính không chung thủy. Cuộc sống hai mặt trong hôn nhân của những nhân vật nổi tiếng như François Mitterrand, các cuộc chinh phục phụ nữ của cố tổng thống Pháp, trong một thời gian dài đã được ngưỡng mộ. Vụ bê bối tình dục - liên quan đến chính trị gia nổi tiếng đảng Xã Hội Dominique Strauss-Kahn (biệt danh là DSK), nổi tiếng là ''sát gái'', bị phát lộ - đã mở ra một thời kỳ mới, mà vị thế thống trị của nam giới tưởng như bất khả xâm phạm bị thách thức, bị thách thức. Bản thân Benjamin Griveaux không nổi tiếng với tư cách một kẻ ''sát gái'', nhưng rõ ràng là ông Benjamin Griveaux đã bị cuốn vào vòng xoáy của phong trào chống lại sự thống trị của nam giới trong đời sống tình ái, tình dục.

Vẫn trên L’Obs có bài phỏng vấn chuyên gia về kỹ thuật số Fabrice Epelboin, đặc biệt nhấn mạnh đến vụ việc này cho thấy giới nắm quyền dễ tổn thương như thế nào, và giới chính trị Pháp ''đã kém sẵn sàng cho các cuộc chiến mới trong thế giới công nghệ số''.

''Griveauxgate'', nạn nhân của công nghệ số
image.png


Vụ Griveaux rớt đài do clip nóng cũng là chủ đề chính của tuần báo Le Point. Le Point có bài xã luận ''Địa chính trị của vấn đề clip nóng'', đặt ''vụ Griveauxgate'' trong bối cảnh chung. Giờ đây, với một điện thoại di động trong tay, mỗi người có thể chụp được các ảnh trên màn hình, hay các dữ liệu về đời sống riêng tư của người khác, để dễ dàng phổ biến trên các mạng xã hội. Toàn bộ hành tinh đang đứng trước cuộc đảo lộn vô cùng lớn lao, với các hệ quả khó lường, với sự bành trướng mạnh mẽ của các công nghệ số, của cuộc chạy đua trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, phụ thuộc vào việc khai thác dữ liệu về các cá nhân. Theo, ủy viên châu Âu về thị trường nội địa, ông Thierry Breton, dữ liệu về các hoạt động của con người ''cứ 18 tháng lại tăng gấp đôi''. Khó có ai có thể nằm bên lề cuộc thay đổi lớn về công nghệ số này.

''Cỗ máy chém thời 2.0'': ''Chủ nghĩa toàn trị phương Tây''

Trở lại với vụ Griveaux, Le Point có bài nhận định chính của nhà triết học Michel Onfray, mang tựa đề cùng với tựa chung của tuần báo : ''Cái riêng tư thầm kín : Cuộc chiến của thế kỷ''.Nhà triết học Pháp cảnh báo những kẻ tấn công vào thế giới thầm kín, riêng tư, phần sâu thẳm trong mỗi cá nhân chính là mở đường cho việc thiết lập một chế độ toàn trị, nơi mọi ranh giới giữa cái công, cái tư và cái riêng tư bị xóa bỏ. Michel Onfray nhắc lại điểm chung của các chế độ toàn trị kiểu cũ, của chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa Mác-Lênin, chủ nghĩa Mao, trước đây, hay các chế độ toàn trị kiểu mới, đang hình thành tại phương Tây, có mục tiêu chung là ''lột trần cá nhân'', để phán xử cái phần riêng tư, sâu thẳm của mỗi con người.

Nhà triết học dùng từ ''cỗ máy chém thời 2.0'' để mệnh danh đòn đánh hèn hạ, tiêu diệt chính trị gia Benjamin Griveaux. Michel Onfray nhấn mạnh là vụ Griveaux sở dĩ xảy ra là do những sự lên ngôi của những tham vọng tiêu cực trong đời sống chính trị hiện tại, cùng với các thói xấu lâu đời, như lòng hận thù, ghen tuông, khinh bỉ người khác. Michel Ofray đặt câu hỏi nghệ sĩ Nga Piotr Pavlensky, thủ phạm vụ tung clip nóng, từng được biết đến như một kẻ hành hung bằng dao, khiến hai người bị thương, có thực sự là một nghệ sĩ ? Và vụ tung clip rất có thể là một hành động đầy toan tính về chính trị, khi luật sư Juan Branco, người trợ giúp cho nghệ sĩ Nga, từng là luật sư của lãnh đạo cực tả Jean-Luc Mélanchon, và Le Point được biết là chính nghệ sĩ Nga này đã từng tham khảo ý kiến của luật sư trước khi tung clip lên mạng.

Chỉ còn cách ''yêu trong bóng tối ?''

Cũng Le Point đăng tải ý kiến của triết gia Bernard-Henri Lévy, nhấn mạnh đến tính chất nguy hiểm của vụ Griveaux, không chỉ nhắm vào một cá nhân, mà còn phá hoại một cuộc bầu cử, và làm rúng động cả nền dân chủ, nhân danh sự minh bạch, chống lại thói đạo đức giả.

Những ai quan tâm hơn đến những cội nguồn lịch sử của không gian riêng tư, của những mối quan hệ phức tạp giữa các riêng tư thầm kín ở mỗi cá nhân với thể chế gia đình hiện đại, trong nhiều xã hội phương Tây, từ Pháp, Anh đến Mỹ, mỗi xã hội với những đặc điểm riêng, có thể đọc bài viết của nhà văn Pascal Bruckner trên Le Point, mang tựa đề ''Những kẻ thực thi công lý vì đức hạnh''. Nhà văn Pháp nhấn mạnh là Benjamin Griveaux đã phạm tội bất cẩn, vào cái thời mà đời sống riêng tư thầm kín của giới cầm quyền bị săm soi từ khắp nơi, nhân danh nỗi giận của dân chúng. Trong hoàn cảnh hiện nay, tốt hơn hết là học cách ''yêu trong bóng tối''.

55 giờ nước Pháp hút hồn vào vụ Griveaux
image.png


Khác với L’Obs và Le Point, L’Express nhìn vụ Griveaux với con mắt chê trách, và ít nhiều giễu cợt. Mục ''Cái nhìn của L’Express'' có bài ''Trong thời gian ấy, Trái đất vẫn quay…''.

L’Express nhận xét, ''trong gần 55 giờ đồng hồ, nước Pháp nín thở : Giữa thời điểm Griveaux từ bỏ cuộc đua vào ghế thị trưởng Paris…'' cho đến khi có người thay thế. ''Người ta giải thích với công chúng là tương lai của nền dân chủ lâm nguy. Sự độc tài của các mạng xã hội, sự biến mất của đời sống riêng tư, cái chết về chính trị của một con người: vụ Griveaux đã biến thành một một phiên toà lớn, về chính trị và công nghệ số…''. Từ các triết gia, chính trị gia đến chuyên gia về công nghệ số, về truyền thông, luật gia… đưa ra biết bao ý kiến, thường là thông minh, và đôi khi xuất sắc. Vụ Griveaux đã thu hút gần như toàn bộ sự chú ý công luận, trong thời gian này, trong lúc nhiều biến cố khác quan trọng hơn đã bị bỏ qua.




L’Express nhắc đến nguy cơ đại dịch Covid-19 đối với toàn cầu, dịch đang hoành hành tại Trung Quốc, hay cuộc đối đầu quyết liệt Mỹ - Trung, tại hội nghị an ninh quốc tế ở Munich, nơi ngoại trưởng Mỹ và đồng nhiệm Trung Quốc không che giấu những căng thẳng gia tăng trong quan hệ song phương, và gọi nhau là ''kẻ ăn cắp'' và ''đồ dối trá''. L’Express thừa nhận là việc tung clip nóng nói trên rõ ràng là một sự xâm phạm bỉ ổi đến đời sống riêng tư, việc đi sâu thông tin về vụ việc cho phép làm sáng tỏ vấn đề, nhưng tuần báo Pháp cũng đặt câu hỏi, phải chăng sự tập trung chú ý quá mức đến vụ việc này có nguy cơ đe dọa chính các nền dân chủ, bởi với hành động như vậy, chúng ta đã cản trở mình nhìn ra và dự đoán trước được những biến động lớn của thế giới hiện nay ?

Không có nhận xét nào: