Hiệp định thương mại tự do sẽ mở rộng cửa thị trường Liên Hiệp Châu Âu (EU) cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là nông sản. Nhưng vấn đề là các doanh nghiệp và nông gia Việt Nam có đáp ứng được các tiêu chuẩn rất gắt gao của các nước châu Âu hay không. Trong cuộc họp toàn thể ngày 12/02/2020 tại Strasbourg, Nghị Viện Châu Âu đã thông qua Hiệp định tự do thương mại Việt Nam – Liên Hiệp Châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – Liên Hiệp Châu Âu (EVIPA), vốn đã được hai bên chính thức ký kết ngày 30/06/2019.
<!>
Được Nghị Viện Châu Âu phê chuẩn, EVFTA sẽ có hiệu lực một tháng sau khi hai bên thông báo cho nhau đã kết thúc quá trình thủ tục về pháp lý. Riêng hiệp định EVIPA thì cần phải được Quốc Hội của từng nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu thông qua.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU tại Đông Nam Á, chỉ sau Singapore, với kim ngạch trao đổi mậu dịch lên đến 50 tỷ euro/năm về hàng hóa và 4 tỷ euro về dịch vụ. EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới và là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, tuy vậy, thị phần xuất khẩu của Việt Nam sang EU hiện mới chỉ chiếm khoảng 2%.
Ngay sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, 65% hàng xuất khẩu của EU sang Việt Nam sẽ được miễn thuế ngay lập tức, phần còn lại sẽ dần dần được miễn thuế hết trong vòng 10 năm. Ở chiều ngược lại, 71% thuế quan hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được loại bỏ ngay, trong khi số còn lại sẽ được loại bỏ dần trong 7 năm. Tuy nhiên, riêng về nông phẩm, xuất khẩu miễn thuế các mặt hàng "nhạy cảm " của Việt Nam như gạo, tỏi và trứng sẽ bị hạn chế. Về các chỉ dẫn địa lí đối với sản phẩm, 169 mặt hàng đặc trưng của EU sẽ được bảo vệ tại Việt Nam. Ngược lại, 39 sản phẩm của Việt Nam sẽ được bảo vệ tại EU.
Nhưng để tận dụng được hiệp định EVFTA để chinh phục thị trường EU, nông dân, doanh nghiệp Việt Nam sẽ buộc phải phải tập trung đầu tư nâng cao chất lượng để đáp ứng những tiêu chuẩn gắt gao của thị trường này. Thị trường EU là một trong những thị trường có yêu cầu chất lượng, kỹ thuật cao nhất thế giới hiện nay. Đặc biệt với nông sản, thủy sản, EU không chỉ đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm, dư lượng hóa chất mà còn chú trọng đến yếu tố môi trường, phát triển bền vững, an sinh động vật. Trong khi đó, việc kiểm soát sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất trong sản xuất nông nghiệp của Việt Nam còn có nhiều vấn đề.
Chính vì vậy, theo giáo sư Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, chuyên gia nông nghiệp, nghe tin hiệp định EVFTA sắp được phê chuẩn, nông dân lẫn doanh nghiệp Việt Nam vừa mừng, vừa lo:
" Các doanh nghiệp phấn khởi, người nông dân lại càng phấn khởi hơn, bởi vì đây là dịp để xuất khẩu hàng của Việt Nam sang châu Âu với một cái giá phải chăng, đồng thời được ưu tiên. Nhưng bà con nông dân mình cũng rất lo, và các doanh nghiệp Việt Nam thì càng lo hơn, bởi vì mình không thể sản xuất như từ trước đến giờ, vốn đã quen sử dụng rất nhiều phân bón. Từ chỗ sử dụng nhiều phân bón như thế, sâu bệnh lại càng được "quyến rũ" để tấn công các nông sản của mình, từ hạt lúa cho đến trái cây các loại.
Tôi đã nói chuyện với nhiều doanh nghiệp, và cũng đã xuống nông thôn nói chuyện với bà con nông dân, để nói là không thể nào tiếp tục sản xuất như trước. Trước đây thì chúng ta cố gắng làm thế nào để có năng suất tốt để bán đi, còn bây giờ, tăng năng suất là một chuyện, nhưng làm sao phải sản xuất được sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm mới là vấn đề khó.
Tôi có nói với bà con nông dân là tôi đã tiếp xúc rất nhiều khách hàng bên Âu châu sang Việt Nam làm việc. Họ đều nói rất mừng là châu Âu dừng nhập khẩu từ Campuchia và từ Myanmar, cho nên Việt Nam được mời vào hiệp định thương mại tự do này. Nhưng tất cả các khách hàng của châu Âu đều biết là sản phẩm của Việt Nam chứa rất nhiều hóa chất, nhất là những hóa chất cấm mới nhất của châu Âu, thành ra Việt Nam đừng có tưởng muốn xuất cái gì là xuất.
Bà con nông dân nghe như vậy thì họ rất lo, bởi vì tập quán từ 40 năm nay là đã quen bón rất nhiều phân để có năng suất cao, nhưng bón phân thì rất mất cân đối, phần lớn là chỉ bón phân đạm. Đất của đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và đất của Việt Nam nói chung khi chỉ được bón phần lớn là phân đạm, thì các chất khác phải được cung cấp cho cây trồng, cho nên cây trồng phải hút các chất khác từ trong đất ra. Năm này sang năm kia thì những chất khác đó, nhất là những chất dư lượng, không còn nữa, dẫn đến hiện tượng đất bị "chai". Bà con nông dân càng bón nhiều phân đạm, thì càng thấy là sâu bệnh xuất hiện rất nhiều, cho nên họ lại phải sử dụng rất nhiều thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là sử dụng nhiều loại kháng sinh, là những chất mà các nước khác trên thế giới không muốn hiện diện, tồn dư trên nông sản của họ.
Ở Việt Nam bây giờ chúng tôi đang dấy lên một phong trào để bà con nông dân hiểu cách bón phân thế nào nhằm khôi phục tình trạng nguyên thủy của đất của mình, tức là làm cho nó không chai như hiện nay nữa. Muốn như thế thì không được sử dụng phân hóa học, và từ đó thì sẽ không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các chất kháng sinh. Bà con nông dân phải từ bỏ tập quán "ghiền" chất hóa học, chuyển sang một phương pháp mới, sử dụng các loại phân vi sinh, phân sinh học.
Bà con nông dân nay đã ý thức được vấn đề này. Vấn đề bây giờ là phải sử dụng những phân vi sinh nào có hiệu quả nhất, mà ít tốn kém nhất, đem đến giá thành sản xuất thấp hơn, và các loài sâu bệnh cũng sẽ không còn nữa, để mà bà con nông dân không sử dụng nhiều chất hóa học trên đồng ruộng".
Hàng xuất khẩu sang EU còn phải đáp ứng quy tắc về xuất xứ. Vấn đề là nguồn nguyên liệu cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện nay chủ yếu được nhập từ Trung Quốc và ASEAN. Nếu không đảm bảo được quy tắc xuất xứ, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU chỉ được hưởng mức thuế đãi ngộ tối huệ quốc chứ không phải là mức thuế suất 0% trong EVFTA. Mặt khác, theo giáo sư Võ Tòng Xuân, các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải thay đổi cách làm việc, không thể tiếp tục thu mua nguyên liệu nông sản mà không quan tâm đến khả năng truy được nguồn gốc:
"Đây là một thách thức rất lớn đối với bà con nông dân Việt Nam, đồng thời là một thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam, thường thường là mua nguyên liệu từ nông dân một cách trôi nổi, thông qua các trung gian, mà không có việc kiểm soát ngay tại đồng ruộng, và vì thế không thể truy nguyên nguồn gốc nguyên liệu mà mình sử dụng.
Về mặt khoa học, chúng tôi cùng với các chuyên viên của bộ Nông Nghiệp phải hết sức ráo riết, một mặt khuyến cáo các doanh nghiệp phải hợp tác, liên kết với bà con nông dân để nắm được nguồn gốc của nguyên liệu đưa vào dây chuyền chế biến sản phẩm. Đồng thời chúng tôi nói bà con nông dân cũng phải hợp tác với nhau để làm theo những quy trình khoa học do các nhà khoa học đưa ra, từ việc sử dụng các phân bón vi sinh, phân bón sinh học, cho đến việc quản lý đồng ruộng, giảm bớt áp lực của sâu bệnh."
Theo giáo sư Võ Tòng Xuân, sau khi gặp khách hàng châu Âu, biết được là họ sẵn sàng mua bao nhiêu khối lượng sản phẩm, doanh nghiệp mới trở về vùng nguyên liệu của mình để ký hợp đồng với nông dân và phải kết hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp địa phương, để giúp nông dân, từ khâu đưa giống mới về, cho đến xác định quy trình kỹ thuật, bón loại phân nào, bón lúc nào, liều lượng bao nhiêu. Nhưng nông dân cũng phải liên kết với nhau :
" Nông dân bây giờ phải là những nông dân đổi mới, phải liên kết với nhau thành các hợp tác xã, để có những diện tích lớn và doanh nghiệp có thể vào để giúp họ canh tác có hiệu quả cao hơn và với giá thành giảm đi. Từ đó, nông dân sẽ giàu hơn và doanh nghiệp thì bảo đảm có nguyên liệu rất tốt, có thể truy nguyên được nguồn gốc. Doanh nghiệp không thể tiếp tục làm việc theo kiểu ký hợp đồng rồi đi mất tiêu, đợi đến lúc có sản phẩm rồi mới lại thu mua.
Có nhiều doanh nghiệp cũng nói là họ không có lực lượng cán bộ kỹ thuật để theo sát bà con nông dân, can thiệp để bảo đảm đồng lúa, vườn cây ăn trái đó sạch các loại côn trùng bệnh. Như vậy họ phải hợp đồng với một số thương lái, khuyến khích các thương lái này không chỉ thu mua một cách đơn thuần, mà cũng phải quản lý bà con nông dân và cũng phải ký hợp đồng với doanh nghiệp để làm hợp tác xã cung ứng nguyên liệu cho doanh nghiệp. Các thương lái bây giờ cũng phải tập hợp lại để hướng dẫn cho bà con nông dân, để làm trọn nhiệm vụ của một hợp tác xã cung ứng nguyên liệu cho doanh nghiệp. Đây là kế hoạch sẽ được thực hiện rõ nét hơn trong vòng vài tháng tới đây, khi các khách hàng từ châu Âu qua tìm sản phẩm. Có thể là trong quá trình gặp nhau, họ sẽ bàn bạc, để các doanh nghiệp Việt Nam nắm được nhu cầu về một sản phẩm nào đó. Kế đến các doanh nghiệp này sẽ xuống đồng ruộng, ở các tỉnh, các huyện, để bàn cụ thể kế hoạch sản xuất nguyên liệu ".
Như vậy, theo giáo sư Võ Tòng Xuân, doanh nghiệp đóng một vai trò rất quan trọng trong quá trình đổi mới này. Trước đây lãnh đạo các cấp từ trung ương cho đến địa phương đều hô hào là nông dân trồng cây gì, nuôi con gì, mà không cần biết có ai mua hay không. Còn bây giờ, các doanh nghiệp nắm được đầu ra như thế nào, rồi từ đó mới tổ chức lại cho nông dân sản xuất theo đúng kế hoạch đề ra. Nếu Nhà nước nhiệt tình giúp nông dân và doanh nghiệp hoạt động, thì hành trình của nông sản xuất khẩu sang châu Âu sẽ rất suôn sẻ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét