AI Trung Quốc – mối nguy cơ với an ninh quốc gia và kinh tế Mỹ - Fox News đưa tin, một tổ chức vận động hỗ trợ công nghệ gần đây đã đưa ra một báo cáo, cảnh báo rằng các mối đe dọa từ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) của Trung Quốc và mô hình nguồn mở của nó đang gia tăng, và có thể gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia và kinh tế của Mỹ. Báo cáo do American Edge Project công bố nêu rõ: “Trung Quốc đang nhanh chóng xây dựng hệ sinh thái nguồn mở của riêng mình để thay thế công nghệ Mỹ, đồng thời sử dụng nó như một ‘con ngựa thành Troia’ để tích hợp các giá trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào cơ sở hạ tầng toàn cầu.”
<!>
Báo cáo nhấn mạnh: “Tiến bộ của Trung Quốc vừa đáng chú ý vừa đáng lo ngại. Các công cụ AI nguồn mở mà nước này đã phát triển đã vượt trội so với các mô hình phương Tây về các tiêu chuẩn quan trọng trong khi vận hành với chi phí thấp hơn đáng kể, thúc đẩy việc áp dụng trên toàn thế giới. Thông qua ‘Sáng kiến Vành đai và Con đường’ (BRI) và ‘Con đường Tơ lụa Kỹ thuật số’ (DSR), với sự bao phủ hơn 155 quốc gia trên bốn châu lục, Trung Quốc đang xuất khẩu công nghệ của mình ra toàn cầu, làm gia tăng sự phụ thuộc của thế giới vào Trung Quốc, phá vỡ các chuẩn mực dân chủ và đe dọa vị thế lãnh đạo của Mỹ cũng như an ninh toàn cầu.”
Báo cáo trình bày chi tiết cách các mô hình AI của Trung Quốc kiểm duyệt các sự kiện lịch sử để làm mờ nhạt hồ sơ xấu của mình, phủ nhận hoặc hạ thấp các hành vi vi phạm nhân quyền cũng như lọc những lời chỉ trích đối với các nhà lãnh đạo chính trị của Trung Quốc.
“Trung Quốc đang thực hiện kế hoạch trị giá 1.400 tỷ USD để biến các hệ thống nguồn mở trở thành cốt lõi trong chiến lược trí tuệ nhân tạo của mình, nhằm thống trị công nghệ toàn cầu vào năm 2030.” Báo cáo cho biết: “Khác với nhiều công ty tập trung vào việc tính phí các mô hình trí tuệ nhân tạo độc quyền như các công ty phương Tây, Trung Quốc đang tích cực thúc đẩy các lựa chọn thay thế miễn phí và chi phí thấp để thúc đẩy việc áp dụng toàn cầu nhanh chóng.”
Báo cáo cho biết thêm: “Thông qua việc cung cấp miễn phí phần lớn công nghệ AI, Bắc Kinh đặt mục tiêu nhúng các hệ thống và tiêu chuẩn của mình vào cốt lõi của mạng lưới tài chính, sản xuất và truyền thông toàn cầu. Thông qua hành động phối hợp của chính phủ và ngành, Trung Quốc đang nỗ lực định hình lại bố cục công nghệ toàn cầu, đồng thời cài cắm các giá trị và cơ chế kiểm soát của ĐCSTQ vào các hệ thống quan trọng trên toàn cầu.”
Báo cáo cũng đề cập rằng ĐCSTQ đang “dốc toàn lực” để thúc đẩy triển khai trí tuệ nhân tạo, trong khi Mỹ đang mắc kẹt trong việc ưu tiên quản lý trí tuệ nhân tạo.
Báo cáo cho biết: “Trong khi Chính phủ Mỹ và Châu Âu tập trung vào việc quản lý AI, thì Trung Quốc đang ráo riết đẩy các hệ thống AI của mình ra thị trường toàn cầu”. Đồng thời cho biết thêm: “Chiến lược này tương tự như thành công của Trung Quốc với công nghệ 5G vào thời điểm đó. Khi đó, Thông qua việc định giá mạnh mẽ và triển khai nhanh chóng, Huawei đã chiếm được thị phần trước khi phương Tây kịp phản ứng một cách hiệu quả. Ngày nay, trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, chỉ riêng Alibaba Cloud đã tung ra hơn 100 mô hình nguồn mở bằng 29 ngôn ngữ và đang nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường toàn cầu, trong khi các công ty phương Tây phải đối mặt với những yêu cầu quản lý giám sát ngày càng phức tạp.”
Báo cáo so sánh sự khác biệt giữa Trung Quốc và Mỹ trong việc thúc đẩy các mô hình trí tuệ nhân tạo và đề xuất các khuyến nghị chính sách nhằm “duy trì vai trò lãnh đạo của Mỹ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo”, bao gồm cả việc nắm bắt “các cơ hội lịch sử để đảm bảo sự lãnh đạo lâu dài của Mỹ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo”, và tránh “đơn phương hạn chế xuất khẩu và sử dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo của Mỹ”.
Ông Doug Kelly, Giám đốc điều hành của American Edge Project, nói với Fox News: “Nếu Mỹ không dẫn đầu trong cuộc cạnh tranh toàn cầu về công nghệ AI nguồn mở và nguồn đóng, hệ thống độc tài của Trung Quốc sẽ quyết định tương lai. Các nhà hoạch định chính sách ở Washington không được cho phép điều này xảy ra.”
Báo cáo kết luận: “Sự dẫn đầu của Trung Quốc trong phát triển trí tuệ nhân tạo toàn cầu sẽ gây ra những ảnh hưởng sâu rộng.”
Trung tâm An ninh Mỹ Mới (Center for aNew American Security) cảnh báo trong báo cáo: “Một hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo không bị kiểm soát do Bắc Kinh thống trị sẽ gây ra một đòn lớn cho Mỹ và thậm chí cả nhân loại nói chung. Nếu công nghệ trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc được sử dụng trên toàn cầu, việc nước này công khai phớt lờ các thỏa thuận quốc tế cũng sẽ lan rộng theo.”
Bạn đang sao chép nội dung của Trí Thức VN. Nếu là cá nhân sử dụng, vui lòng ghi rõ nguồn trithucvn2.net. Nếu là website, kênh truyền thông, vui lòng chỉ sử dụng nội dung khi có sự cho phép của Trí Thức VN.
Matxcơva lên án Ukraina oanh kích sâu cả nghìn km vào lãnh thổ Nga
Ngày 22/11/2024, bộ Quốc Phòng Nga cho biết hệ thống phòng không của nước này đã bắn hạ 42 drone của Ukraina tấn công 5 vùng của Nga, gần biên giới. Một ngày trước đó, drone của Ukraina cũng đã gây thiệt hại cho nhiều tòa nhà cao tầng ở thành phố Kazan, vùng Tatarstan, cách chiến tuyến đến 1.000 km.
Theo thông tin được bộ Quốc Phòng Nga đăng trên Telegram ngày 22/12 và được Reuters trích dẫn, có 20 drone Ukraina đã bị bắn hạ ở vùng Oryol, 8 drone ở các vùng Rostov và Briansk, 5 ở vùng Kursk và 1 ở vùng Krasnodar. Thống đốc vùng Oryol cho biết vụ tấn công đã gây hỏa hoạn cho một cơ sở xăng dầu ở làng Stalnoi Kon nhưng đã nhanh chóng bị khống chế. Đây là tuần thứ hai liên tiếp các cơ sở nhiên liệu ở Oryol bị tấn công.
Trước đó một ngày, thành phố Kazan, nước Cộng Hòa Tatarstan thuộc Liên bang Nga, cách chiến tuyến đến 1.000 km, cũng trong tình trạng báo động vì bị nhiều drone của Ukraina tấn công. Nhiều khu vực bị cháy, người dân Kazan đã phải sơ tán nhưng chính quyền không nêu con số cụ thể. Nhà lãnh đạo Kazan lên án « vụ tấn công ồ ạt bằng drone », « nếu như trước đây chỉ nhắm vào các cơ sở công nghiệp thì giờ đây kẻ thù nhắm đến thường dân vào sáng sớm ».
Bộ Quốc Phòng Nga cho biết 6 drone đã bị vô hiệu hóa hoặc bị phá hủy nhưng không nêu tổng số drone hoặc những thiết bị này có trúng mục tiêu hay không. Nhiều video được đăng trên mạng xã hội và truyền thông Nga cho thấy một số drone đã đâm vào nhiều tòa nhà cao tầng và gây ra những cột lửa lớn. AFP chưa kiểm chứng được những hình ảnh đó.
Cùng lúc, theo AFP, Nga cũng phải đối mặt với hàng loạt âm mưu phóng hỏa nhắm vào các ngân hàng, trung tâm thương mại, bưu điện và các tòa nhà của chính phủ trong 3 ngày gần đây. Khoảng 20 trường hợp đã được thống kê do nhiều cá nhân tiến hành như ném chất nổ nhỏ hoặc pháo hoa vào các tòa nhà công từ hôm 20/12. Theo truyền thông Nga ngày 22/12, trích thông tin ẩn danh từ lực lượng an ninh, những người này được những kẻ lừa đảo trực tuyến trên mạng tuyển dụng và trả thù lao. Chính quyền Kiev chưa lên tiếng về những vụ này.
Phía chính phủ của tổng thống Joe Biden tiếp tục khẳng định sự ủng hộ không lay chuyển với Ukraina. Ngày 21/12, giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ CIA Bill Burns đã đến Kiev và gặp tổng thống Ukraina. Thông tin được chính ông Zelensky đăng trên mạng X với giải thích « thường thì những cuộc gặp như này không được công bố » nhưng « nên công khai » vì đây là chuyến công du cuối cùng của ông Burns trong tư cách là giám đốc CIA. Ông Zelensky đã « bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc vì những hỗ trợ » của ông Burns và « chúc ông điều tốt đẹp nhất ».
Syria bổ nhiệm hai nhân vật thân cận của HTS làm ngoại trưởng và bộ trưởng Quốc Phòng để nối lại quan hệ với quốc tế
Gần một tuần sau khi thủ tướng lâm thời của Syria được bổ nhiệm, hôm qua, 21/12/2022, chính quyền mới ở Damas đã bổ nhiệm bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng. Hai vị trí do những người thân cận của HTS nắm giữ, đặc biệt quan trọng trong giai đoạn chuyển giao quyền lực ở Syria khi Damas muốn thiết lập lại quan hệ với các nước phương Tây và cố gắng kiểm soát an ninh của đất nước.
Trong thông cáo từ chính quyền Syria được AFP trích dẫn, ông Assaad Hassan al-Chibani vừa được bổ nhiệm chức ngoại trưởng, đã tham gia vào cuộc ‘Cách mạng Syria’ vào năm 2011 đặc biệt là việc thành lập tổ chức ‘Chính phủ cứu nguy’ (Gouvernement du Salut) vào năm 2017 tại vùng Idleb. Tổ chức này chuyên cung cấp các dịch vụ cơ bản cho những người dân bị các cơ quan của Nhà nước do Assad bỏ rơi. Hoạt động như một chính phủ, tổ chức này cũng có các bộ và chính quyền riêng. Theo AFP, phần lớn các bộ trưởng mới trong chính phủ hiện nay của Syria đều đến từ tổ chức này.
Thông tín viên Paul Khalifeh, từ Beirut, cho biết thêm thông tin :
« Việc bổ nhiệm ông Assaad Hassan al-Chibani vào chức ngoại trưởng và ông Marhaf al-Qasra vào chức bộ trưởng Quốc Phòng cho thấy nhóm HTS muốn nắm giữ các vị trí chủ chốt trong ngoại giao và an ninh. Cả hai đều dưới 40 tuổi và đều là những người thân cận với nhóm (Hayaat Tahrir al-Sham – HTS).
Ông Assaad Hassan al-Chibani đến từ Hasssaké, ở miền đông bắc Syria. Tốt nghiệp ngành ngôn ngữ và văn học Anh tại khoa Nghệ thuật à Văn học tại trường Đại học Damas, ông Al-Chibani đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức chính quyền do lực lượng nổi dậy thiết lập ở vùng Idleb. Khi phụ trách về việc viện trợ nhân đạo ở khu vực do phe nổi dậy kiểm soát, ông Al Chibani đã có thể xây dựng mối quan hệ với các cơ quan của Liên Hiệp Quốc và các nhà ngoại giao nước ngoài.
Còn ông Marhaf al-Qasra, được đào tạo ngành kỹ sư sinh học, đến từ phía bắc của tỉnh miền trung Damas. Với vị trí chỉ huy quân sự của HTS, ông đóng vai trò quan trọng trong các cuộc tấn công chớp nhoáng, được phát động từ ngày 27/11, khiến chế độ Bachar Al Assad sụp đổ 12 ngày sau đó. Nhiệm vụ của Al Qasra khá tế nhị vì phải tập hợp tất cả các nhóm nổi dậy trong quân đội mới của Syria. »
Một nguồn tin đã cho Reuters biết việc bổ nhiệm này là để đáp ứng mong muốn của « người dân Syria nối lại quan hệ với quốc tế, đem lại hòa bình và ổn định ». Hôm qua, Qatar cũng như một số nước phương tây khác đã cho mở lại sứ quán tại Syria, bị đóng cửa vì cuộc nội chiến trong 13 năm qua.
Trung Quốc cảnh báo Hoa Kỳ “đùa với lửa” vì tiếp tục hỗ trợ hàng trăm triệu đô la cho Đài Loan
Hôm nay, 22/12/2024, chính phủ Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo Hoa Kỳ “đừng đùa với lửa”, vì Washington, một ngày đước đó, đã phê duyệt 571 triệu đô la để hỗ trợ đào tạo quân sự cho Đài Loan.
Trong thông cáo, Nhà Trắng không cung cấp thông tin chi tiết về gói viện trợ mới trị giá hơn 571 triệu đô la. Đây là gói viện trợ thứ ba cho Đài Loan, theo AP, sau khoản 567 triệu đô là và 345 triệu đô la được công bố vào tháng 9 và tháng 7 năm ngoái.
Ngoài khoản hỗ trợ nói trên, bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, hôm 20/12, cũng đã phê duyệt 295 triệu đô la hợp đồng bán các trang thiết bị quân sự cho Đài Loan, gồm các thiết bị chỉ huy, kiểm soát, truyền thông và hiện đại hóa máy tính. Đáng chú ý nhất là các bệ súng MK 75-76mm, có khả năng “ứng phó với các đe dọa hiện tại và tương lai bằng cách cung cấp khả năng phòng thủ trên không và trên biển” cho Đài Loan, theo như trích dẫn từ Taipei Times.
Tại Đài Bắc, Bộ Quốc Phòng hôm qua đã cảm ơn Hoa Kỳ vì “cam kết an ninh vững chắc của mình đối với Đài Loan”, tiếp tục thực hiện chính sách “bình thường hóa” việc bán vũ khí cho Đài Loan, giúp hòn đảo tăng cường khả năng tự vệ.
Trước thông tin trên, trong một thông cáo được Tân Hoa Xã đăng tải hôm nay, bộ Ngoại Giao Trung Quốc bày tỏ “kiên quyết phản đối hành động này” và cho rằng hành động của Nhà Trắng “xâm phạm nghiêm trọng đến chủ quyền và lợi ích an ninh” của Trung Quốc. Bắc Kinh cũng kêu gọi Hoa Kỳ ngừng cung cấp vũ khí cho Đài Loan và khẳng định “động thái nguy hiểm này, làm suy yếu hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan”, “gửi đi một tín hiệu lệch lạc cho lực lượng ly khai đòi độc lập tại hòn đảo”.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hòn đảo 23 triệu dân, và khẳng định có thể chiếm hòn đảo bằng vũ lực nếu cần thiết. Hoa Kỳ không chính thức công nhận Đài Loan về mặt ngoại giao, nhưng lại là đồng minh chiến lược và là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của hòn đảo tự trị này. Các giao dịch bán và hỗ trợ quân sự được cho là để giúp Đài Loan tự vệ trước một Trung Quốc hung hăng.
Sau vụ tấn công vào chợ Giáng Sinh, chính phủ Đức bị chỉ trích “bất lực”
Vụ « xe điên » tấn công vào chợ Giáng Sinh ở Magdeburg, không chỉ gây chấn động nước Đức, mà còn khiến chính phủ Đức bị chất vấn và chỉ trích nặng nề. Tại sao chính quyền đã nắm được nhiều manh mối rằng nghi phạm từ nhiều năm qua đã có những hành vi cực đoan đáng lo ngại, bài Hồi Giáo, ủng hộ phe cực hữu, nhưng lại không có hành động gì ngăn chặn ?
Theo AFP, nghi phạm được xác định là Taleb Jawad al-Abdulmohse từ nhiều năm đã liên tục lên án nước Đức không có chính sách bảo vệ những người Ả Rập Xê Út phải trốn khỏi nước vì chế độ Hồi Giáo hà khắc, nhưng lại dang rộng tay chào đón những kẻ Hồi Giáo cực đoan từ các nước khác. Trong một bài đăng trên mạng xã hội X, ông Taleb từng đe dọa nước Đức phải trả giá : « Liệu có con đường nào mang lại công lý cho nước Đức, mà không cần phải làm nổ tung sứ quán Đức hay tàn sát ngẫu nhiên công dân Đức hay không ? » Người đàn ông trên 50 tuổi này, cũng từng bị phạt vì « gây rối trật tự công cộng và đe dọa phạm tội ».
Ngay cả trong cộng đồng người Ả Rập Xê Út sống lưu vong ở Đức, vị bác sĩ Taleb cũng rất đáng sợ. Bà Mina, Ahadi, chủ tịch Hội đồng Trung ương những người Hồi Giáo cũ, cho biết: « Chúng tôi biết rõ về anh ta, anh ta đã khủng bố chúng tôi trong nhiều năm », và gọi ông Taleb là « kẻ tâm thần » theo phe cực hữu, không chỉ « căm ghét người Hồi giáo », mà cả những người không có cùng lòng căm thù như ông ấy. Trang Die Welt hôm nay cho biết cảnh sát Đức đã lập « hồ sơ đánh giá rủi ro » về Taleb nhưng lại kết luận là ông Taleb không gây ra mối nguy hiểm đặc biệt nào.
Trong bối cảnh nước Đức đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử lập pháp vào tháng Hai tới, theo AFP, phe đối lập với thủ tướng, lãnh đạo cực hữu, Alice Weidel nhân vụ việc này đã mạnh mẽ chỉ trích « sự kém cỏi của chính quyền, gây ra nỗi kinh hoàng tại Magdeburg, khiến người ta không nói nên lời ». Đảng đối lập BSW, thuộc phe cực tả thì yêu cầu chính phủ giải thích « tại sao nhiều cảnh báo lại bị phớt lờ ».
Trang nhất nhật báo Bild của Đức nêu ra một mùa « Giáng sinh đầy nước mắt », và đặt câu hỏi lớn : « Warum - Tại sao? ». Tại sao cơ quan mật vụ Ả Rập Xê Út đã gửi cảnh báo cho Đức về hồ sơ cực đoan của Taleb Jawad al-Abdulmohse nhưng lại bị phớt lờ. Tại sao Đức lại cấp tị nạn cho một người như vậy, bỏ qua hồ sơ của Taleb, trong khi theo dõi cẩn thận những công dân khác. Tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung, được Courrier International trích dẫn, thì khẳng định rằng động cơ gây án của hung thủ là một ẩn số, và các biện pháp bảo đảm an ninh cũng vậy.
Nhật báo kinh tế Đức Handelsblatt thì có phần kiềm chế, cho rằng « chính quyền đáng lẽ ra phải cảnh giác hơn… Nhưng một người từng theo đạo Hồi, muốn trả thù nước Đức vì quá khoan dung với người Hồi Giáo, đây là trường hợp đầu tiên. Ngay cả một nước cảnh giác cũng không thể chắc chắn bảo đảm được an ninh ». Tờ báo liệt kê ra « những sự điên rồ chết người », và các mối đe dọa với nền dân chủ : Chủ nghĩa Hồi Giáo, chủ nghĩa đế quốc Nga, và cả những nền tảng trực tuyến kích động hận thù, chia rẽ. Cuộc tấn công ở Magdeburg, không phải là một hành động khủng bố Hồi Giáo, mà « đại diện cho một xu hướng khác không kém phần nguy hiểm ».
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét