Biến Chuyển Thời Cuộc Đang Được Chú Ý! Trong Khi Cả Thế Giới Đang Đón Chờ “Một Mùa Giáng Sinh An Bình!” Thì: Triều Tiên can dự sâu vào vấn đề Ukraine đánh dấu ‘sự mở rộng nguy hiểm’ bùng lên của cuộc xung đột! Tổn thất đầu tiên đụng độ tại mặt trận Kursk trên đất Nga. Lính Triều Tiên chết, xác xếp thành hàng!
(Bộ trưởng Quốc phòng Nga Andrei Belousov (trái) bắt tay Bộ trưởng Quốc phòng Triều Tiên No Kwang-chol trong cuộc hội đàm song phương với Triều Tiên)
<!>
-Mười quốc gia và khối Liên hiệp Châu Âu hôm 16/12 nói sự can dự ngày càng tăng của Triều Tiên vào cuộc chiến của Nga tại Ukraine là một ‘sự mở rộng nguy hiểm’, theo tuyên bố chung do Mỹ công bố.
Triều Tiên đã điều hàng chục ngàn quân hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Nga, bao gồm tại khu vực biên giới Kursk, nơi Ukraine hôm 16/12 báo cáo rằng lực lượng của họ đã tiêu diệt hoặc làm bị thương ít nhất vài chục, có thể lên đến gần số trăm binh sĩ Triều Tiên.
“Tuyên bố trực tiếp của CHDCND Triều Tiên ủng hộ cuộc chiến xâm lược của Nga chống lại Ukraine đánh dấu một sự mở rộng nguy hiểm của cuộc xung đột, với hậu quả nghiêm trọng đối với an ninh Châu Âu và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương,” tuyên nêu rõ.
Ngoại trưởng của Australia, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và Đại diện cấp cao của Liên hiệp Châu Âu đã ký vào bản tuyên bố này.
Họ cũng bày tỏ ‘quan ngại sâu sa về bất kỳ hỗ trợ chính trị, quân sự hoặc kinh tế nào mà Nga có thể đang cung cấp cho các chương trình vũ khí bất hợp pháp của CHDCND Triều Tiên, bao gồm vũ khí hủy diệt hàng loạt.’
Triều Tiên và Nga đã tăng cường quan hệ quân sự kể từ khi Moscow phát động cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022.
Các chuyên gia cho rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un mong muốn đạt được công nghệ tiên tiến từ Moscow và học hỏi kinh nghiệm chiến đấu cho quân đội của mình.
Các quốc gia ký tên trong tuyên bố lên án ‘mạnh mẽ nhất có thể’ sự hợp tác quân sự ngày càng gia tăng giữa Nga-Triều, bao gồm ‘việc triển khai binh sĩ Triều Tiên tới Nga để chiến đấu trên chiến trường chống lại Ukraine.’
Họ nói thêm rằng việc Triều Tiên xuất khẩu phi đạn đạn đạo, đạn pháo và các thiết bị quân sự khác cho Nga, cũng như việcNga huấn luyện binh sĩ Triều Tiên liên quan tới vũ khí ‘đại diện cho sự vi phạm trắng trợn các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.’
“Chúng tôi kêu gọi CHDCND Triều Tiên lập tức chấm dứt mọi hỗ trợ cho cuộc chiến xâm lược của Nga chống lại Ukraine, bao gồm cả việc rút quân về nước,” tuyên bố nêu rõ.
Hoa Kỳ và Hàn Quốc tố cáo Triều Tiên đã gửi hơn một vạn quân sang giúp Nga, Là hành động “đổ dầu vào lửa!”
Ukraine đưa tin về tổn thất nặng nề của Triều Tiên tại mặt trận Kursk trên đất Nga.
Bức Ảnh chứng tỏ Triều Tiên hứng 'tổn thất đáng kể' trong trận chiến với Ukraine! (Xác chết xếp thành hàng!)
Bức ảnh mà Ukraine đưa ra để khẳng định binh lính Triều Tiên thiệt mạng khi chiến đấu với lực lượng Nga ở Kursk, xác chết nằm dài, không đếm hết!
(Binh sĩ Triều Tiên luyện tập bắn súng ở Triều Tiên, 11/9/2024)
-Cơ quan tình báo quân sự HUR của Ukraine cho biết hôm thứ Hai 16/12 rằng các đơn vị Triều Tiên chiến đấu cho Nga đã chịu tổn thất với ít nhất vài chục binh sĩ thiệt mạng hoặc bị thương xung quanh một số ngôi làng trên mặt trận ở khu vực Kursk của Nga vào cuối tuần vừa qua.
Tổng thống Volodymyr Zelenskyy nói hồi cuối tuần rằng Nga đã sử dụng lính Triều Tiên với số lượng lớn lần đầu tiên để tiến hành các cuộc tấn công tại khu vực Kursk ở miền nam nước Nga.
Hôm 16/12, ông đã đăng một video mà ông nói rằng nó cho thấy cảnh lính Nga cố gắng che giấu danh tính của lính Triều Tiên đã chết bằng cách đốt cháy mặt của họ!
Thông tin của HUR là lần đầu tiên Kyiv khẳng định một cách chi tiết rằng Triều Tiên phải chịu tổn thất ở quy mô như vậy. HUR cho biết thương vong xảy ra xung quanh các ngôi làng Plekhovo, Vorozhba và Martynovka ở khu vực Kursk. Nhưng thông tin của HUR không kèm theo bằng chứng.
Tại Washington, người phát ngôn của Ngũ Giác Đài, Thiếu tướng Pat Ryder, nói rằng Hoa Kỳ thấy có "dấu hiệu" là lực lượng Triều Tiên đã phải chịu thương vong nặng nề, bao gồm cả binh sĩ tử trận lẫn bị thương.
Hãng tin Reuters nói rằng không thể kiểm chứng độc lập về các số liệu này.
Điện Kremlin từ chối bình luận về lời khẳng định của Ukraine, đề nghị Reuters chuyển câu hỏi tới Bộ Quốc phòng Nga, nhưng bộ không đưa ra bình luận nào về vấn đề này.
Nga không xác nhận cũng không phủ nhận sự hiện diện của lính Triều Tiên ở bên phía họ. Bình Nhưỡng ban đầu bác bỏ các tin tức về việc triển khai quân, gọi đó là "tin giả", nhưng một quan chức Triều Tiên đã nói rằng bất kỳ cuộc triển khai nào như vậy đều là hợp pháp.
"Do bị tổn thất, các nhóm tấn công đang được bổ sung thêm lính mới, đặc biệt là từ lữ đoàn 94 độc lập của quân đội CHDCND Triều Tiên, để tiếp tục các hoạt động chiến đấu trên thực địa ở khu vực Kursk", cơ quan quân báo Ukraine viết.
Đoạn video do ông Zelenskyy đăng tải dường như cho thấy, thi thể của những người lính Triều Tiên nằm tại các vị trí mà họ đã bị bắn gục. Sau đó, đoạn video cho thấy có vẻ có những người lính đang đốt cháy một phần cơ thể của những người kia trên mặt đất phủ đầy tuyết.
"Nga không những đưa lính Triều Tiên vào tham gia các cuộc tấn công vào các vị trí của Ukraine, mà còn cố gắng che giấu tổn thất của những người này", tổng thống của Ukraine viết.
"Và giờ đây, sau những trận chiến với binh lính của chúng tôi, phía Nga thậm chí còn cố gắng ... đốt cháy mặt của những người lính Triều Tiên đã chết. Đây là một minh chứng về sự coi thường đang hiện rõ ở Nga, sự coi thường đối với bất cứ điều gì là nhân đạo", vẫn lời ông Zelenskyy.
Nga Tuyên Bố Chiếm Được 189 Làng và Thị Trấn của Ukraine Trong Năm 2024
(Hình AP: Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Ðiện Cẩm Linh ở Mạc Tư Khoa, thủ đô của Nga, ngày 21/11/2024.)
-Hôm 16/12/2024, phát biểu tại một cuộc họp với các viên chức quân sự cấp cao của Bộ Quốc phòng, Tổng thống Nga Vladimir Putin hoan nghênh đà tiến của quân đội Nga, "giải phóng" được 189 làng và thị trấn tại Ukraine, chiếm được khoảng 4.500 cây số vuông lãnh thổ nước này.
Tổng thống Nga khẳng định "Lực lượng vũ trang Liên bang Nga nắm thế chủ động chiến lược trên toàn bộ tiền tuyến. Hiện tại, tốc độ tiến quân đã tăng lên đáng kể và trung bình chiếm thêm khoảng 30 cây số vuông mỗi ngày", theo trích dẫn từ hãng thông tấn AP. Nguyên thủ quốc gia Nga cũng cho rằng 2024 là một năm "bản lề", khi nói đến các mục tiêu của "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine.
Hôm 16/12, Tổng thống Nga một lần nữa cáo buộc Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO) là "mối đe dọa" và lên án ý định của Kyiv gia nhập khối của, khẳng định nước Nga "cần có phương án chuẩn bị đối phó". Vladimir Putin cũng ca ngợi quân đội đã gia tăng sản xuất vũ khí và ông cho rằng cần phải tiếp tục sản xuất, đặc biệt là các loại vũ khí siêu thanh. Sergei Karakayev, chỉ huy lực lượng Phi đạn chiến lược của Nga hôm qua cho biết nước này sẽ tăng cường kho vũ khí đạn đạo với các hệ thống phi đạn chiến lược mới và đề ra kế hoạch phóng thử phi đạn tầm xa, để đối phó với các mối đe dọa từ bên ngoài.
Ngay sau phát biểu của nguyên thủ quốc gia Nga, Tổng thống tân cử của Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố "sẽ nói chuyện với Tổng thống Putin và Tổng thống Zelensky, vì cần phải ngăn chặn cuộc tàn sát", ở sườn đông Âu Châu.
Theo thông tấn xã AFP, lãnh thổ Ukraine rộng khoảng 600.000 cây số vuông thì nay Nga đã kiểm soát được 20%, tính cả bán đảo Crimea. Lực lượng Kyiv cố kháng cự và liên tục kêu gọi phương Tây trợ giúp. Quân đội Ukraine đã bị tiêu hao nặng nề về nguồn lực, dần dần để mất nhiều khu vực vào tay Nga, đặc biệt là kể từ mùa Thu vừa qua. Hiện quân Nga đang tập trung ở lối vào thành phố Pokrovsk, khu vực khai thác mỏ lớn và cũng là trung tâm hậu cần ở miền Đông Ukraine.
Ukraine Thừa Nhận Thực Hiện Vụ Ám Sát Một Tướng Nga ở Mạc Tư Khoa
(Ảnh REUTERS - Russian Defence Ministry, tư liệu: Trung tướng Igor Kirillov họp báo ở Mạc Tư Khoa, Nga. Ảnh trích từ video ngày 5/11/2024.)
-Tướng Igor Kirillov, chỉ huy Lực lượng Bảo vệ Nguyên tử, Sinh học và Hóa học của quân đội Nga, đã thiệt mạng mạng trong một vụ nổ ở Mạc Tư Khoa vào sáng ngày 17/12/2024. Một nguồn tin từ Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) cho biết chính Kyiv đã thực hiện vụ ám sát này.
Thông cáo của Cơ quan điều tra Nga, được thông tấn xã AFP trích dẫn, cho biết: "Một thiết bị nổ cài trong một chiếc xe trotinette, nằm ở gần lối vào một tòa nhà dân cư, đã được kích hoạt vào sáng nay trên đại lộ Ryazansky ở Mạc Tư Khoa", khi trung tướng Igor Kirillov và Phụ tá của ông đi vào tòa nhà. Cả hai đều đã thiệt mạng.
Báo Kommersant của Nga thì cho biết vụ tấn công này có thể đã được chuẩn bị nhân một cuộc họp tại Bộ Quốc phòng Nga, với sự hiện diện của Tổng thống Putin.
Tướng Kirillov là viên chức quân sự cấp cao nhất của Nga bị ám sát tại Maxtcơva kể từ đầu cuộc chiến ở Ukraine. Ðiện Cẩm Linh và Tổng thống Vladimir Putin vẫn chưa đưa ra phát biểu nào về sự việc, nhưng cựu Tổng thống Nga Dmitri Medvedev khẳng định mọi vụ tấn công nhằm "hù dọa người dân Nga, ngăn chặn bước tiến của quân đội Nga và gieo rắc nỗi sợ hãi, đều sẽ thất bại".
Một ngày trước vụ tấn công này, Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) đã đăng một thông cáo, cáo buộc tướng Kirillov phải chịu trách nhiệm vì "sử dụng vũ khí hóa học hàng loạt ở Ukraine". Theo một nguồn tin từ SBU, cung cấp cho thông tấn xã AFP, "ông Kirillov là một tội phạm chiến tranh và là một mục tiêu hoàn toàn hợp pháp", vì hành động của ông tại Ukraine.
Trong thông cáo nói trên, SBU tố cáo là kể từ đầu cuộc xâm lược Ukraine năm 2022, Nga đã thực hiện 4.800 vụ tấn công sử dụng "đạn dược hóa học", thường là các quả lựu đạn có chứa các chất độc. Hơn 2.000 binh lính Ukraine đã phải nhập viện vì nhiễm độc ở các cấp độ khác nhau. Phía Nga bác bỏ thông tin đó và thông tấn xã AFP cho biết cũng không thể kiểm chứng được.
Giữ chức chỉ huy Lực lượng Bảo vệ Nguyên tử, Sinh học và Hóa học của quân đội Nga từ năm 2017, tướng Igor Kirillov, 54 tuổi, đã bị Anh Quốc trừng phạt với cáo buộc khai triển vũ khí hóa học ở Ukraine hồi tháng 10 vừa qua.
Mỹ và Các Đồng Minh Lên Án Gay Gắt Hợp Tác Quân Sự Nga-Triều!
(Hình REUTERS - Vladimir Smirnov: Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và nhà lãnh đạo Cộng sản Bắc Hàn Kim Jong Un dự quốc yến ở Bình Nhưỡng, thủ đô của Bắc Hàn, ngày 19/6/2024.)
-Ngày 16/12/2024, Ngoại trưởng của Hoa Kỳ và 9 nước đồng minh, cùng với đại diện ngoại giao Liên Hiệp Âu Châu (EU), đã lên án sự hậu thuẫn "trực tiếp" của Cộng sản Bắc Hàn dành cho Nga trong cuộc chiến Ukraine là một hành động "mở rộng nguy hiểm" cuộc xung đột.
Trong một thông cáo chung, Ngoại trưởng các nước Anh Quốc, Gia Nã Ðại, Đức, Nam Hàn, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Tân Tây Lan, Pháp, Ý Ðại Lợi, Úc Ðại Lợi và Liên Hiệp Âu Châu hối thúc "Bắc Hàn ngưng ngay lập tức bất kỳ hình thức hỗ trợ nào đối với Nga cho cuộc chiến xâm lược Ukraine".
Thông cáo của Ngoại trưởng 10 nước và Liên Hiệp Âu Châu còn lên án việc "Bắc Hàn xuất cảng phi đạn-đạn đạo, đạn pháo, cùng nhiều thiết bị quân sự khác sang Nga để sử dụng trên chiến trường Ukraine". Các lãnh đạo ngoại giao còn bày tỏ "mối quan ngại sâu sắc" về "mọi sự hậu thuẫn chính trị, quân sự hay kinh tế mà Nga rất có thể cung cấp cho chương trình vũ khí bất hợp pháp của Bắc Hàn, kể cả vũ khí hủy diệt hàng loạt".
Thông cáo này được đưa ra vào lúc Bình Nhưỡng chi viện quân sự cho Mạc Tư Khoa, đặc biệt là đã điều hơn 10 ngàn binh sĩ sang vùng biên giới Kursk của Nga. Kyiv hôm qua, cho biết "ít nhất khoảng 30" binh sĩ Cộng sản Bắc Hàn cùng với hơn 100 binh sĩ Nga đã bị thương và thiệt mạng trong hai ngày giao tranh 14/12 và 15/12, tại vùng Kursk hiện bị quân đội Ukraine chiếm đóng một phần. Thông tin này cũng đã được phía Mỹ xác nhận.
Cùng ngày, Bộ Tài chánh Mỹ thông báo trừng phạt 9 nhân vật và 7 thực thể vì hậu thuẫn quân sự và tài chánh cho Cộng sản Bắc Hàn, đặc biệt là Golden Triangle Bank và Korea Mandal Credit Bank. Trong số những người bị nhắm đến có tướng Ri Chang Ho, chỉ huy đội quân được khai triển ở Nga. Ba "mục tiêu" khác có liên quan đến chương trình phi đạn-đạn đạo Bắc Hàn cũng bị trừng phạt, nhưng chính quyền Mỹ không nêu cụ thể "mục tiêu" nào.
Tin Quốc Tế Đó Đây:
Chính Quyền Mới của Syria Kêu Gọi Quốc Tế Dỡ Bỏ Các Trừng Phạt
(Hình AFP - Omar Haj Kadour: Lãnh đạo lực lượng Hayat Tahrir al-Sham (HTS) Abu Mohammed Al-Goulani tại Idlib, gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, 7/2/2023.)
-Trên Telegram, lãnh đạo lực lượng HTS, vừa giành được quyền kiểm soát Syria từ chế độ Bachar Al Assad, hôm 17/12/2024, đã kêu gọi dỡ bỏ trừng phạt quốc tế đối với Damascus, khẳng định sẽ "giải tán" các phe phái trong liên minh nổi dậy, để các chiến binh gia nhập hàng ngũ của Bộ Quốc phòng Syria.
Trong một bài đăng trên Telegram, được thông tấn xã AFP trích dẫn, lãnh đạo của Hayat Tahrir Al-sham (HTS), kể từ nay muốn được gọi bằng tên thật Ahmed Al-Charaa (thay vì bí danh Abu Mohammed Al-Goulani), khẳng định "Syria cần phải đoàn kết và phải có một khế ước xã hội giữa Nhà nước và toàn bộ các tôn giáo để bảo đảm công lý xã hội",
Tiếp một phái đoàn ngoại giao Anh hôm 16/12, Ahmed Al-Charaa đã bày tỏ mong muốn nâng cấp quan hệ với Luân Đôn, nhấn mạnh "các trừng phạt đối với Syria cần được dõ bỏ, để những người tị nạn có thể trở về nước". Theo số liệu từ Phủ Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR), khoảng 6,3 triệu người Syria đã rời khỏi nước do nội chiến và do đàn áp.
Do các cuộc đàn áp tàn bạo của chính quyền Al Assad từ hơn chục năm qua, Hoa Kỳ, Liên Hiệp Âu Châu (EU) và Liên Đoàn Ả Rập, cùng nhiều nước phương Tây khác, đã ban hành nhiều lệnh trừng phạt kinh tế, thương mại đối với Syria, đặc biệt là lệnh cấm vận dầu khí, khiến kinh tế nước này kiệt quệ.
Sau khi tiếp phái đoàn Anh, hôm 17/12, theo thông tấn xã AFP, chính phủ lâm thời Syria cũng đã gặp phái đoàn ngoại giao của Pháp và Đức. Đại diện của Pháp, ông Jean-François Guillaume, khẳng định Paris sẽ "đứng về phía người dân Syria", cờ Pháp đã được treo lại tại Tòa Ðại sứ của nước này ở Damascus, lần đầu tiên từ năm 2012. Phía Đức thì khẳng định sẽ hỗ trợ tiến trình chuyển tiếp ở nước này. Thủ tướng Ý Ðại Lợi Giorgia Meloni, hôm 17/12, cũng khẳng định sẵn sàng đối thoại với tân lãnh đạo Syria, nhưng vẫn cần "thận trọng", vì quá khứ thánh chiến Hồi giáo cực đoan của lực lượng HTS.
Chính quyền mới ở Damascus cũng đã cho phép các tổ chức nhân đạo hỗ trợ Syria đi qua tất cả các cửa biên giới vào nước này. Trong một thông cáo hôm 16/12, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres hoan nghênh chính phủ lâm thời Syria "cam kết bảo vệ dân thường, bao gồm cả nhân viên hoạt động nhân đạo", hứa hẹn các đợt cứu trợ nhân đạo "đầy tham vọng" cho Syria trong thời gian sắp tới.
Liên Hiệp Âu Châu Mong Muốn Tương Lai Syria "Không Có Nga và Iran"
(Hình AP / Andrew Caballero-Reynolds: Lãnh đạo ngoại giao Liên Hiệp Âu Châu Kaja Kallas trong cuộc gặp với Ngoại trưởng các nước Ả Rập để bàn về tương lai của Syria tại Aqaba, Jordan, ngày 14/12/2024.)
-Theo nhật báo Pháp Le Monde, tại Syria hôm 17/12/2024, một đại diện của Liên Hiệp Âu Châu (EU) đã gặp đại diện của tổ chức Hayat Tahrir Al-Sham (HTS) tại Bộ Ngoại giao của tân chính quyền Damascus. Ông bày tỏ mong muốn của khối 27 nước hỗ trợ tiến trình chuyển tiếp chính trị ở Syria.
Trong cuộc họp giữa Ngoại trưởng 27 nước thành viên Liên Hiệp Âu Châu tại Brussels hôm qua để bàn về tương lai của Syria, lãnh đạo ngành ngoại giao Liên Hiệp Âu Châu, bà Kaja Kallas, tuyên bố, Nga và Iran "không nên có chỗ đứng" tại Syria trong tương lai.Theo bà, Ngoại trưởng nhiều nước Âu Châu cũng bày tỏ mong muốn ban lãnh đạo mới của Syria yêu cầu Nga rút quân. Từ Brussels, thông tín viên Pierre Benazet của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường thuật:
"Tân lãnh đạo ngành ngoại giao Liên Hiệp Âu Châu Kaja Kallas đã nhanh chóng phái Ðại sứ Âu Châu đến Damascus. Đó chính là trưởng phái đoàn đại diện Liên Hiệp Âu Châu tại Syria và cho tới nay đóng ở Lebanon. Liên Hiệp Âu Châu muốn gởi nhiều thông điệp đến các nhà lãnh đạo mới ở Damascus, đặc biệt là đề nghị một tiến trình chính trị tôn trọng các nhóm thiểu số và quyền phụ nữ. Họ cũng hy vọng Syria sẽ đoạn tuyệt với những người bảo hộ cũ của chế độ.
Bà Kaja Kallas nói: "Có những nguyên tắc cơ bản mà mọi người đều đồng tình, đó là tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền, vì vậy Nga và Iran có lẽ không nên có một chỗ đứng trong tương lai của Syria. Các nhà lãnh đạo mới sẽ cần có điều kiện để rũ bỏ ảnh hưởng của Nga tại nước này. Bởi vì chính từ căn cứ quân sự ở Syria mà Nga tiến hành các hoạt động hướng tới Phi Châu và các nước láng giềng phía Nam. Đây còn là một mối bận tâm cho an ninh Âu Châu".
Đối với các Ngoại trưởng Âu Châu, Liên Hiệp Âu Châu không nên bỏ lỡ cơ hội nói chuyện với chế độ mới ở Syria nếu hy vọng vào một tiến trình chuyển tiếp có trật tự. Họ còn nhấn mạnh là đã có thể nói chuyện được với phe Taliban cho dù phải qua các bên trung gian".
Do Thái Lợi Dụng Hỗn Loạn Để Triệt Quân Đội Syria, Phá Bàn Đệm của Iran
-Syria là điểm nóng thời sự được các nhật báo Pháp ra ngày 17/12/2024 chú ý. "Kho vũ khí Syria bị phá hủy vì chiến dịch oanh kích của Do Thái", theo bài viết trên báo Le Monde. "Đục nước béo cò", Do Thái đã không bỏ lỡ cơ hội lợ dụng tình hình hỗn loạn sau khi Tổng thống Bachar Al Assad bị lật đổ.
Thực ra, Do Thái đã chuẩn bị cho kế hoạch này từ năm 2011 sau cuộc cách mạng mùa Xuân. Ngay ngày 07/12/2024, khi quân nổi dậy tiến vào Damascus và sự sụp đổ của chế độ Al Assad chỉ còn tính theo giờ, Do Thái không tuyên chiến nhưng đã mở chiến dịch "Bashan Arrow" nhắm vào Syria. Khoảng 350 drone (tương đương với toàn đội drone của Không quân Pháp) đã tấn công 2 phi trường T4 và Ble, các hệ thống phòng không, khu vực sản xuất vũ khí ở Damascus, Homs, Lattaquia, Tartus, Palmyra trên lãnh thổ Syria. Đây là một trong những loạt oanh kích có quy mô lớn nhất trong lịch sử Do Thái và triệt hạ 80% năng lực của quân đội Syria. Từng nằm trong số mạnh nhất Trung Đông, hệ thống phòng không Syria đã bị loại bỏ.
Nhà phân tích Michael Horowitz, trung tâm Le Beck, chuyên về Trung Đông, giải thích: "Do Thái muốn chuyển từ ưu thế trên không sang thế thượng phong hoàn toàn. Điều này có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc tấn công vào Iran. Trước năm 2011, quân đội Syria từng bị Do Thái coi là một trong những mối đe dọa chính. Kể cả sau nội chiến, số vũ khí hạng nặng của Syria vẫn còn đáng kể. Do Thái sợ kịch bản Libya lặp lại và những kho vũ khí này bị mất kiểm soát vì các nhóm vũ trang đánh cắp".
Nhưng Do Thái không dừng ở đó mà chiếm vùng phi quân sự do Liên Hiệp Quốc kiểm soát từ năm 1974. Đây là khu vực phân chia giữa phần cao nguyên Golan bị Nhà nước Do Thái chiếm đóng từ năm 1967 với phần còn lại do Syria kiểm soát. Các vụ tấn công tiếp diễn trong suốt tuần sau khi chế độ Bachar Al Assad lật đổ đã khiến gây bất ổn cho chính quyền vừa hình thành ở Syria và khiến người dân lại phải di tản trong khi lẽ ra phải ồ ạt trở về, theo nhận định trên trang blog của nhà phân tích quân sự, cựu sĩ quan Pháp Guillaume Ancel.
Thế Lưỡng Nan của Tân Chính Quyền ở Damascus
-Lực lượng thánh chiến HTS tìm cách lập chính quyền ở Damascus, nhưng không liên kết với các nhóm tôn giáo thiểu số hoặc với các nước phương Tây.
Trong bài "Những thế lưỡng nan của tân chính quyền ở Damascus", báo Le Monde ra ngày 17/12/2024 phân tích một số điểm, trong đó có nhân sự cấp cao trong tân chính quyền sẽ chỉ là đàn ông, thuộc hệ phái Suni và thường được điều động từ chính quyền vùng Idlib, bị hạn chế về kinh nghiệm. Chính quyền mới phải kêu gọi toàn bộ đội ngũ nhân viên của chế độ cũ với lời hứa tăng lương 300%.
Chính phủ chuyển tiếp có 11 Bộ trưởng do Thủ tướng là nhà kỹ trị Mohamed Al Bashir điều hành nhưng "không có Bộ trưởng Ngoại giao, Nội vụ hay Quốc phòng, điều này có nghĩa là những chức vụ này sẽ do chính Golani đảm nhiệm", trong khi theo nhận định của Jihad Yazigi, Tổng biên tập trang Syria Report, "Golani nên trao bớt một phần trách nhiệm vì quản lý Syria phức tạp hơn là vùng Idlib".
Tiếp theo là khó khăn về ý thức hệ, vì "HTS phải đối mặt với một xã hội đa dạng hơn so với Idlib" trong bối cảnh quan ngại về việc áp đặt luật Hồi giáo sharia. Một khó khăn khác là "bảo đảm sự tiếp nối trong tất cả cơ quan hành chính địa phương, ổn định xã hội và cung cấp dịch vụ cũng như thu thập mọi thông tin về Damascus và Syria để lập kế hoạch phát triển từ 2 đến 5 năm". Cuối cùng là nguồn tài chính để tái thiết Nhà nước, trong khi chính quyền mới dự định giảm rất nhiều loại thuế mà chế độ cũ "hút" từ người dân và tiểu thương.
Chế độ Bachar Al Assad sụp đổ cũng làm lộ rõ địa ngục trần gian trong các nhà tù. "Syria: Triều đại khát máu của Bachar Al Assad qua lời kể của các nạn nhân" được nhật báo Le Figaro thuật lại: Bắt giữ tùy tiện, tra tấn, sát hại... không có tội ác nào là không có dưới chế độ trấn áp của nhà độc tài kể từ cuộc nội chiến mùa Xuân 2011.
Pháp: Mayotte Tan Hoang Vì Bão Chido
-Trang nhất của tất cả các nhật báo Pháp ra ngày 17/12/2024 đều nói về cơn bão Chido càn quét đảo Mayotte của Pháp ngày 14/12 với sức gió lên đến 200 cây số/giờ.
"Mayotte tan nát" là ghi nhận trong phóng sự của báo Libération. Bệnh viện trên đảo lo điều tồi tệ nhất. Hệ quả "sau bão mới là điều khó khăn nhất phải trải qua". Tổ chức Solidarités International cảnh báo "phải sớm bảo đảm an toàn cho nguồn nước để tránh đại dịch". Kèm với hình ảnh đống đổ nát, báo Le Monde đưa tin "ở Mayotte, chết chóc và hoang toàn sau khi bão Chido đi qua". Khi bão ập vào, người dân trên đảo như phải đối mặt với "ngày tận thế".
Để giải đáp cho câu hỏi: "Tại sao Mayotte lại nằm giữa đường đi của bão Chido", báo Le Figaro cho biết mắt bão đã tránh đảo Madagascar và tiến vào Mayotte và quét từng khu vực trên quần đảo chỉ trong 30 phút. Còn hiện tại, "Nhà nước đối mặt với hỗn loạn ở Mayotte". Nhật báo Công giáo La Croix đánh động: "Khẩn cấp ở Mayotte".
Chính quyền tỉnh cho rằng "có đến vài trăm", thậm chí là "vài ngàn" người chết do các khu ổ chuột ở tỉnh nghèo nhất nước Pháp bị bão quét sạch. Công tác cứu trợ khẩn cấp đang được tổ chức, thiệt hại vật chất được thẩm định lên đến vài trăm triệu Euro.
Nam Hàn: Luật Sư Tổng thống Yoon Phản Bác Mọi Cáo Buộc Về "Nổi Loạn"
(Hình AFP - Handout: Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol phát biểu tại Hán Thành, Nam Hàn, ngày 14/12/2024.)
-Hôm 17/12/2024, nhóm Luật sư bào chữa cho Tổng thống bị phế truất của Nam Hàn Yoon Suk Yeol cho biết sẽ "phản bác" mọi cáo buộc "nổi loạn" nhằm vào ông Yoon sau mưu toan ban hành thiết quân luật hồi đầu tháng 12/2024.
Hãng thông tấn Nam Hàn Yonhap dẫn lời ông Seok Dong Hyeon, một trong các Luật sư biện hộ cho ông Yoon, cho biết, "Tổng thống Yoon sẽ trình bày thẳng thắn và một cách tự tin quan điểm của ông tại tòa". Cũng theo lời ông Seok Dong Hyeon, ý đồ của Tổng thống Yoon "chưa hội đủ các điều kiện cần thiết để cấu thành hành động nổi loạn". Vị Luật sư này khẳng định quyết định của Tổng thống Yoon nhằm áp đặt lệnh thiết quân luật không nhằm mục đích tiếm quyền và cũng không mang các tình tiết đặc trưng nào của một cuộc nổi loạn.
Tổng thống Yoon Suk Yeol hiện là đối tượng điều tra từ Viện Công tố cũng như từ Cơ quan Điều tra về Tham nhũng trong giới chức cấp cao của cảnh sát (CIO) và đơn vị điều tra của Bộ Quốc phòng.
Luật sư biện hộ Seok Dong Hyeon giải thích rằng nhóm bào chữa sẽ tập trung vào 3 hướng để đối phó với các cuộc điều tra nói trên, cũng như với vụ xử phế truất, cùng nhiều thủ tục tố tụng tiềm tàng khác.
Cuối cùng, Luật sư Seok Dong Hyeon cho biết Tổng thống Yoon Suk Yeol dường như từ chối cuộc thẩm vấn dự trù diễn ra tại CIO vào ngày 18/12. Ông cũng không cho biết rõ là ông Yoon có sẽ trình diện tại Viện Công tố vào thứ Bảy (21/12) theo thư triệu mời hay không.
Âu Châu Thua Mỹ và Trung Quốc Về Kỹ Thuật Cao
-Âu Châu đang bị thụt lùi về công nghiệp so với Mỹ và Trung Quốc. Đây là ghi nhận trong bài phân tích về "Âu Châu bị kẹt trong ngưỡng kỹ thuật tầm trung" của báo Le Monde ra ngày 17/12/2024.
Trí tuệ nhân tạo, pin mặt trời, pin, kỹ thuật sinh học: Từ nhiều thập niên qua, Âu Châu bị chậm trễ và đang gánh những hệ quả từ việc không dứt khoát tập trung đầu tư vào kỹ thuật của thế kỷ XX như công nghiệp xe hơi, hóa học... hiện được coi là "kỹ thuật bậc trung".
Lời cảnh báo đã được Mario Draghi, cựu Thủ tướng Ý Ðại Lợi, đánh động trong bản báo gửi lên Ủy Ban Âu Châu vào tháng 9/2024: thiếu cải cách sâu rộng, Âu Châu sẽ "từ từ suy tàn" với việc mất năng suất và sự đa dạng.
Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai Âu Châu, hiện chưa nằm trong danh sách những nước bị thiệt hại, nhưng mức thâm hụt ngân sách lớn, vẫn còn rất nhiều công việc ít cần tay nghề cao và thiếu hụt trong hệ thống giáo dục sẽ đè nặng thêm những mối đe dọa trong tương lai.
Anh Quốc: Một Người Thân Cận Với Hoàng Tử Andrew Bị Nghi Làm Gián Điệp Cho Trung Quốc
(Hình AFP / DPA / Swen Pförtner: Hoàng tử Anh Andrew thăm Đại học Georg-August ở Goettingen, miền Tây nước Đức, ngày 3/6/2014.)
-Tại Anh, Hoàng tử Andrew, Công tước xứ York, em trai của Quốc Vương Charles III, lại gây tai tiếng. Sự việc lần này liên quan đến một người bạn thân của ông, một doanh nhân Trung Quốc bị tình nghi làm gián điệp cho Bắc Kinh. Người này hiện đã bị cấm nhập cảnh vào nước Anh.
Chính giới Anh càng thêm lo ngại về nguy cơ Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng đối với các chính trị gia cấp cao của Anh. Thủ tướng Anh Keir Starmer hôm 16/12/2024, trong chuyến công du Na Uy, tuyên bố lo ngại về thách thức mà Trung Quốc đặt ra, nhưng vẫn muốn đối thoại với chính quyền Bắc Kinh.
Theo thông tấn xã AFP, phía Trung Quốc xem các cáo buộc gián điệp của Luân Đôn là "phi lý". Từ Luân Đôn, thông tín viên Sidonie Gaucher của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết thêm chi tiết:
"Công tước xứ York sẽ không đón Giáng Sinh cùng với các thành viên khác của Hoàng gia. Hoàng tử Andrew đã bị đình chỉ mọi nghĩa vụ hoàng gia vào năm 2019, sau khi bị cáo buộc tấn công tình dục trẻ vị thành niên, nhưng khi đó ông vẫn được đón Giáng Sinh trong phạm vi gia đình.
Lần này, quan hệ thân thiết giữa Hoàng tử Andrew với một doanh nhân bị tình nghi hoạt động cho chế độ Bắc Kinh là vấn đề không thể được bỏ qua. Nhưng người bạn bí ẩn gây phiền toái này là ai?
Đó là Yang Tengbo. Theo tiết lộ của báo The Guardian, công dân Trung Quốc 50 tuổi này khẳng định việc ông "thương lượng với các nhà đầu tư Trung Quốc với danh nghĩa Andrew" là vô tội. Nhà đầu tư tình nghi là gián điệp cũng đã gặp gỡ các cựu Thủ tướng David Cameron và Theresa May. Điều này khiến giới chính trị lo ngại về những ý đồ gây ảnh hưởng từ phía Bắc Kinh.
Đối với báo The Daily Telegraph, đây là một "dấu hiệu báo động" về "mối đe dọa" mà Bắc Kinh đang đặt ra vào lúc tân chính phủ thuộc Công đảng một lần nữa đang thể hiện là họ sẵn sàng hợp tác (với phía Trung Quốc)".
Thị Trưởng Đài Bắc Kêu Gọi Giảm Đối Đầu Giữa Đài Loan Với Trung Quốc
(Hình AP - ChiangYing-ying: Thị trưởng Đài Bắc, ông Tưởng Vạn An tại Đài Loan, ngày 26/11/2022.)
-Ngày 17/12/2024, tại diễn đàn Đài Bắc-Thượng Hải lần thứ 15, một sự kiện không được chính phủ Đài Loan chấp nhận, Thị trưởng Đài Bắc, ông Tưởng Vạn An, thuộc Quốc Dân Đảng, có lập trường thân Trung Quốc, đã kêu gọi giảm đối đầu giữa hai bên.
Theo hãng thông tấn AP, phát biểu trước phái đoàn viên chức Thượng Hải, ông Tưởng Vạn An khẳng định, với tư cách một Thị trưởng được dân bầu chọn, ông kỳ vọng nhiều vào một nền hòa bình, cho rằng "nên có nhiều đèn trên tàu đánh cá lúc bình minh hơn là tiếng ồn của chiến hạm và máy bay chiến đấu". Đáp lời, đại diện của Thượng Hải, phó Thị trưởng Hoa Nguyên cho rằng, "người dân tại hai bên bờ eo biển đều là một gia đình".
Hãng tin Mỹ cho biết, Đài Loan đã cấm chín phóng viên Trung Quốc tham dự cuộc họp để đáp trả các hình phạt mới khắc nghiệt nhắm vào "những thành phần ly khai cứng đầu đòi độc lập cho Đài Loan". Hội đồng các vấn đề đại lục của Đài Loan cho rằng hành động Bắc Kinh đã làm gián đoạn nghiêm trọng các cuộc trao đổi song phương vốn đã ít ỏi và khiến cư dân Đài Loan tại Trung Quốc gặp nguy hiểm.
Cuộc họp này diễn ra vào lúc Bộ Quốc phòng Đài Loan thông báo từ 16/12 đến 17/12, Trung Quốc đã điều 10 máy quân sự và 7 máy bay thường về phía Đài Loan. Bốn trong số này đã vượt qua đường trung tuyến, tức là đường biên giới không chính thức giữa Đài Loan và Trung Hoa Lục Địa.
Đối mặt với sức mạnh quân đội Trung Quốc, Đài Loan những năm gần đây đã nâng cấp năng lực phòng thủ, trang bị nhiều máy bay chiến đấu F-16, phi đạn, tàu ngầm và đại pháo tân tiến. Hôm 16/12, Đài Bắc đã nhận 38 chiếc xe tăng Abrams đầu tiên do Mỹ sản xuất trong khuôn khổ hợp đồng mua 108 xe tăng của Mỹ.
Thương Mại Mỹ-Gia Nã Ðại: Phó Thủ Tướng Freeland Từ Chức Vì Bất Đồng Với Thủ Tướng Trudeau
(Hình REUTERS - Blair Gable: Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chánh Gia Nã Ðại Chrystia Freeland trả lời báo chí tại Ottawa, Ontario, Gia Nã Ðại, ngày 30/11/2020.)
-Hôm 16/12/2024, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chánh Gia Nã Ðại, bà Chrystia Freeland đã từ chức, vào lúc bà chuẩn bị đưa ra các dự báo về tình hình tài chánh của đất nước, trong bối cảnh thâm hụt ngân sách hiện ở mức rất cao.
Phó Thủ tướng Freeland được coi là cánh tay phải của Thủ tướng Trudeau, nhưng bà lại có quan điểm trái ngược với ông về chi tiêu ngân sách. Lần này là bất đồng với Thủ tướng về giải quyết khủng hoảng thương mại với nước láng giềng Mỹ.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã dọa sẽ áp thuế 25% đối với hàng nhập cảng từ Gia Nã Ðại. Mỹ hiện giờ là đối tác thương mại lớn nhất của Gia Nã Ðại. Theo thông tấn xã AFP, 75% xuất cảng của Gia Nã Ðại là sang thị trường Hoa Kỳ. Từ Québec, thông tín viên Pascale Guéricolas của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình:
"Tình hình rối ren hiện giờ có liên quan đến tương lai của Thủ tướng. Bộ trưởng Tài chánh Chrystia Freeland không thể chấp nhận việc Thủ tướng Justin Trudeau đình chỉ việc áp một loại thuế bán hàng, được ước tính lên tới 1,2 tỉ Euro. Theo bà Freeland, chuyện này lại xảy ra vào một thời điểm tệ hại khi Gia Nã Ðại đang cần tiền để đối phó với đe dọa của Donald Trump áp thuế quan 25% lên hàng nhập cảng từ Gia Nã Ðại.
Xem biện pháp này là một mánh lới quảng cáo chính trị gây tốn kém, Chrystia Freeland đã từ chức Bộ trưởng. Đối với bà, đây là cơ hội để tránh xa một chính phủ mà điểm tín nhiệm đang rơi tự do trong các cuộc thăm dò ý kiến và để bà có thể tạo lập vị thế vào thời hậu Justin Trudeau.
Lần đầu tiên một trong các đảng đối lập, liên minh với đảng cầm quyền (đảng Tự Do) trong nhiều tháng, kêu gọi Thủ tướng từ chức. Thủ tướng Trudeau chắc chắn sẽ khó mà xoa dịu sự bất mãn, nhất là vì thâm hụt ngân sách đã vượt gần 15 tỉ Euro so với dự báo".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét