Quan điểm của ông Trump và Nga về tương lai của Syria Hôm thứ Hai (16/12), Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẽ “nắm giữ chìa khóa” cho tương lai của Syria sau khi chính quyền Bashar al-Assad bị lật đổ bởi lực lượng nổi dậy Syria do Ankara hậu thuẫn vào đầu tháng này. Trong khi đó, Nga tuyên bố tương lai của Syria phải do chính người dân Syria định đoạt. Donald Trump: Thổ Nhĩ Kỳ “nắm giữ chìa khóa” cho tương lai của Syria Theo Reuters, khi được báo giới đặt câu hỏi về sự hậu thuẫn của Ankara đối với lực lượng nổi dậy Syria, ông Trump nhận định: “Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành một cuộc tiếp quản [Syria] không chính thức nhưng ít tổn thất về nhân mạng”, tại một buổi họp báo ở tư dinh của ông tại Palm Beach, Florida.
Ông Trump không tiếc lời ca ngợi sức mạnh quân đội Thổ Nhĩ Kỳ — một “lực lượng quân đội hùng mạnh” khi “chưa hề bị [suy suyển] sức mạnh bởi khói lửa chiến tranh”.
Nhắc lại về lịch sử xa xưa khi vùng đất Syria từng nằm dưới quyền cai quản của đế chế Ottoman, ông Trump nhìn nhận rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã tái lập ảnh hưởng trên vùng lãnh thổ này một lần nữa. Ông Trump nhận định: “Họ đã mong muốn điều này suốt hàng ngàn năm, và giờ đây ông ấy [Erdogan] đã có được nó, và những nhóm người đó hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Thổ Nhĩ Kỳ – và điều đó không có gì đáng lo ngại”.
Kể từ khi chính quyền Assad bị lật đổ, Washington và Ankara đã tiến hành các cuộc đàm phán nhằm đối phó với nguy cơ các phần tử Nhà nước Hồi giáo (IS) trỗi dậy trở lại tại Syria. Washington hiện vẫn duy trì khoảng 900 binh sĩ đồn trú tại miền Đông Syria.
Khi được báo giới đặt câu hỏi về số phận của các binh sĩ này, ông Trump không đưa ra câu trả lời rõ ràng. Thay vào đó, ông Trump bày tỏ lòng tin tưởng của ông vào sức mạnh quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ và mối quan hệ “tốt đẹp” giữa ông và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan.
“Ông Erdogan là người mà tôi có mối quan hệ rất tốt đẹp… Ông ấy đã xây dựng được một quân đội mạnh mẽ và hùng hậu,” ông Trump phát biểu.
Lập trường của Nga về tương lai của Syria
Cũng theo Reuters, hôm thứ Hai (16/12) Bộ Ngoại giao Nga khẳng định mạnh mẽ rằng tương lai của Syria phải do chính người dân Syria quyết định cũng như kêu gọi thành lập một chính quyền “bao gồm mọi thành phần”, thông qua “đối thoại toàn diện giữa những người dân Syria”, bảo đảm lợi ích của các nhóm sắc tộc và tôn giáo khác nhau.
“Đối với Nga, điều quan trọng là tương lai của Syria phải do chính người dân đất nước Syria định đoạt. Chúng tôi tin rằng con đường để đưa tình hình Syria trở lại ổn định và bền vững phải dựa trên một cuộc đối thoại toàn diện giữa người dân Syria, hướng đến sự hòa hợp dân tộc và tiến trình giải quyết chính trị đầy phức tạp,” tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh.
Moskva tái khẳng định bang giao hữu nghị lâu đời giữa Nga với Syria, nhấn mạnh rằng các cộng đồng Hồi giáo và Thiên Chúa giáo vẫn chung sống hòa bình trên mảnh đất Syria từ bao đời này, đặc biệt là Tòa Thượng phụ Chính Thống Giáo Hy Lạp ở Antioch và tất cả vùng phía Đông, vốn có quan hệ mật thiết với Chính Thống Giáo Nga.
“Chúng tôi tin rằng bang giao hữu nghị và tôn trọng lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, vốn đã tồn tại hàng thập kỷ, sẽ tiếp tục phát triển một cách tích cực và bền vững,” tuyên bố cho hay.
Hiện điện Kremlin vẫn chưa đưa ra quyết định sau cùng về số phận các căn cứ quân sự của Nga tại Syria. Tuy nhiên, các báo cáo cho thấy Nga hiện vẫn đang duy trì liên lạc với những lãnh đạo mới nắm quyền điều hành Syria cũng như tiến hành rút quân khỏi các vị trí tiền tuyến ở miền Bắc Syria và một số cứ điểm trên dãy núi Alawite, nhưng vẫn duy trì 2 căn cứ quân sự quan trọng chiến lược tại Syria.
Cựu Tổng thống Syria Bashar al-Assad, hiện đang sống tị nạn tại Nga, đã đưa ra tuyên bố đầu tiên với ngoại giới kể từ khi ông bị lật đổ, rằng ông đã được di tản khỏi căn cứ Hmeimim vào ngày 8 tháng 12 khi căn cứ này bị tấn công bằng máy bay không người lái, sau khi rời khỏi thủ đô Damascus vào buổi sáng cùng ngày trong bối cảnh lực lượng nổi dậy Syria áp sát thủ đô
Ông Putin: Lãnh đạo phương Tây nghĩ họ là đại diện của Chúa trên Trái Đất
Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ trích các quốc gia phương Tây tiếp tục hành động như thể họ là đại diện của Chúa trên Trái Đất bằng cách cố gắng duy trì sự thống trị toàn cầu của mình thông qua việc áp đặt các luật lệ hai mặt.
Hôm thứ Hai (16/12), phát biểu tại cuộc họp với các quan chức hàng đầu của Bộ Quốc phòng Nga, Tổng thống Putin lưu ý rằng tình hình chính trị và quân sự trên thế giới vẫn rất phức tạp và bất ổn, bằng cách dẫn chứng tình trạng đổ máu ở Trung Đông và các khu vực khác trên thế giới.
Vị Tổng thống Nga cáo buộc chính quyền Mỹ hiện tại cũng như hầu hết các chính phủ phương Tây khác, vẫn đang cố gắng duy trì quyền bá chủ toàn cầu của họ và buộc cộng đồng quốc tế phải tuân theo “cái gọi là luật lệ” của họ, những luật lệ liên tục thay đổi và bị bóp méo theo cách có lợi cho phương Tây.
Tổng thống Putin lên án: “Trên thực tế, chỉ có một quy tắc ổn định: không có quy tắc nào dành cho những người tạo ra quy tắc, dành cho những người tự coi mình là người đứng đầu toàn thế giới, những người tự coi mình là đại diện của Chúa trên Trái Đất, mặc dù bản thân họ không tin vào Chúa.”
Nhà lãnh đạo Nga chỉ trích, những nước từ chối tuân theo luật lệ của phương Tây sẽ phải đối mặt với các cuộc chiến tranh hỗn hợp và “chính sách ngăn chặn”, như đã được thực hiện đối với Nga.
Nhà lãnh đạo Nga giải thích: “Trong nỗ lực làm suy yếu đất nước chúng ta, gây ra thất bại chiến lược cho chúng ta, Hoa Kỳ tiếp tục cung cấp vũ khí và tiền bạc cho chế độ cầm quyền bất hợp pháp trên thực tế ở Kiev, gửi lính đánh thuê và cố vấn quân sự và do đó khuyến khích leo thang xung đột hơn nữa.”
Tổng thống Putin cũng cáo buộc rằng phương Tây đang gieo rắc nỗi sợ hãi cho người dân của mình bằng cách cố ý khiêu khích Nga và đẩy Nga đến “ranh giới đỏ” và sau đó lợi dụng phản ứng của Moskva để khiến người dân của họ thêm sợ hãi.
Tổng thống Nga cảnh báo, việc phương Tây tiếp tục hỗ trợ Ukraine cũng như việc NATO tiếp tục mở rộng và triển khai vũ khí gần biên giới Nga đang đẩy Moskva đến điểm cuối cùng sẽ không còn sự lựa chọn nào khác, ngoài việc phải trả đũa.
Nhà lãnh đạo Nga lưu ý, Nga đã và đang thực hiện các biện pháp bổ sung để đảm bảo an ninh của mình và các đồng minh, chẳng hạn như cập nhật học thuyết hạt nhân và trang bị vũ khí hiện đại cho quân đội, hải quân, các lực lượng hạt nhân chiến lược.
Hồi tháng Mười Một, Nga đã chính thức sửa đổi học thuyết hạt nhân, hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân. Theo học thuyết hạt nhân của Nga, Moskva có quyền triển khai kho vũ khí hạt nhân của mình để chống lại một cuộc tấn công hạt nhân hoặc một tấn công thông thường gây ra “mối đe dọa nghiêm trọng đối với chủ quyền và/hoặc sự toàn vẹn lãnh thổ của mình.”
Học thuyết hạt nhân sửa đổi của Nga cũng cảnh báo rằng một cuộc tấn công chống lại Nga được tiến hành bởi một quốc gia nước ngoài không có vũ khí hủy diệt, nhưng được một cường quốc hạt nhân hậu thuẫn, sẽ được coi là cuộc tấn công chung do cả hai quốc gia này thực hiện.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét