Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 16 tháng 12, 2024

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :16/12/2024 - Loan My


Syria : Phương Tây bắt đầu « tiếp xúc » trực tiếp với chính quyền mới ở Damas
Sau thái độ thận trọng ban đầu, phương Tây bắt đầu liên lạc trực tiếp với chính quyền mới của Syria cho dù Hayat Tahrir Al Sham - HTS vẫn nằm trong danh sách "các tổ chức khủng bố". Đi tiên phong là Mỹ và Anh. Đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Syria đã tiếp xúc với thủ lĩnh của HTS hôm Chủ Nhật 15/12/2024. Phái đoàn ngoại giao của Pháp sẽ đến Damas vào ngày mai 17/12/2024.
<!>
Đại diện cấp cao của Liên Hiệp Châu Âu về Chính sách Đối ngoại và An ninh Kaja Kallas và đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Syria Geir Pedersen dự cuộc họp với ngoại trưởng các nước Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordani, Ả Rập Xê Út, Irak, Liban, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain, Qatar, để thảo luận về tình hình Syria sau khi chế độ Bashar al-Assad bị lật đổ. Cuộc họp diễn ra tại Aqaba, Jordani hôm 14/12/2024. REUTERS - Alaa Al Sukhni
Thanh Hà
Lãnh đạo ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu Kaja Kallas, đến Bruxelles dự hội nghị ngoại trưởng 27 nước thành viên, hôm nay cho biết « đại diện cao cấp của châu Âu về Syria sẽ đến Damas hôm nay» tiếp xúc với giới lãnh đạo mới tại Syria để thảo luận về những biện pháp cụ thể « cho phép thiết lập quan hệ với họ ».

Liên Hiệp Châu Âu đã cắt đứt các kênh ngoại giao với Syria từ tháng 5/2011 để phản đối việc chính quyền Damas đàn áp thẳng tay người biểu tình chống chế độ Bachar al-Assad.

Hôm 08/12/2024, liên minh nổi dậy Syria, đứng đầu là tổ chức Hồi Giáo cực đoan HTS, đã lật đổ chế độ của tổng thống al-Assad. Đúng một tuần sau, thủ lĩnh tổ chức này, Abu Mohammed al-Golani, tiếp đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Syria, Geir Pedersen để thảo luận về « vấn đề nhân đạo và khả năng người tị nạn Syria hồi hương ». Trong hai ngày cuối tuần Mỹ và Anh lần lượt thông báo « đã có các cuộc tiếp xúc ngoại giao » với HTS. Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên NATO, đã mở cửa trở lại đại sứ quán tại Syria.

Thông tín viên RFI Jean-Jaques Hery từ Bruxelles cho biết hiện vẫn còn nhiều nghi vấn về những ý đồ của giới lãnh đạo mới ở Damas :

« Hiện tại, lập trường của Liên Âu về Syria vẫn dựa trên một số những nguyên tắc cơ bản. Các phát biểu của lãnh đạo ngoại giao châu Âu Kaja Kallas, hay của chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Ursula von der Leyen từ một tuần lễ qua đều nhấn mạnh Liên Âu mong muốn một tiến trình chuyển đổi dân chủ ôn hòa và bao gồm tất cả các chính đảng, các cộng đồng tôn giáo ở Syria.

Hiện giờ, theo lời một quan chức cao cấp châu Âu hôm thứ Sáu tuần trước, Bruxelles đang chờ xem giới lãnh đạo mới ở Damas hành xử như thế nào. HTS đến nay vẫn bị Liên Hiệp Quốc xếp trọng danh sách các tổ chức khủng bố và do vậy vẫn bị Liên Âu trừng phạt.

Theo ông Julien Barnes-Dacey, giám đốc đặc trách về hồ sơ Trung Đông của tổ chức tư vấn Hội Đồng Châu Âu về Quan hệ Quốc tế, thái độ chần chừ đó không có lợi cho cả Syria lẫn Bruxelles. Theo chuyên gia này, "có nhiều việc cần phải làm cùng với sự hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc để giúp Syria thúc đẩy tiến trình chuyển tiếp chính trị, chẳng hạn như cải thiện tình hình kinh tế, dỡ bỏ một số lệnh cấm vận trong những lĩnh vực then chốt. HTS giờ đây là lực lượng đang chiếm thế áp đảo, cần phải đối thoại với họ".

Cuối tuần qua, bà Kallas cho rằng hãy còn quá sớm để Liên Âu dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt. Trong khi Hoa Kỳ đã liên lạc trực tiếp với HTS. Liên Âu thì vẫn thận trọng loan báo là chỉ "sắp sửa" liên lạc với các giới chức ở Damas và chỉ trong khuôn khổ "các chương trình hoạt động" chứ không phải ở cấp "chính trị"».

Pháp: Tân thủ tướng Bayrou bắt đầu tham vấn các chính đảng để thành lập chính phủ

Tân thủ tướng Pháp François Bayrou hôm nay, 16/12/2024, bắt đầu tham vấn các chính đảng để thành lập chính phủ, nhằm tìm kiếm một con đường cho phép ông thông qua một ngân sách mà không cần đa số ở Quốc Hội, sau khi chính phủ tiền nhiệm bị bỏ phiếu bất tín nhiệm.


Tân thủ tướng Pháp Francois Bayrou phát biểu sau lễ bàn giao tại Điện Matignon, ở Paris, Pháp, ngày 13/12/2024. AP - Abdul Saboor
Minh Anh
Tân thủ tướng Pháp cho biết ông sẽ tiếp lãnh đạo các nhóm nghị sĩ « theo thứ tự tầm mức quan trọng » của từng đảng ở Quốc Hội. Theo thứ tự này, người đầu tiên ông gặp hôm nay là chủ tịch nhóm dân biểu đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc, bà Marine Le Pen, cùng chủ tịch đảng là ông Jordan Bardella. Một cách tiếp cận mà bà Le Pen hoan nghênh là « tích cực » hơn so với người tiền nhiệm Michel Barnier, đã bị các nghị sĩ lật đổ hôm 04/12.

Nhân cuộc gặp này, bà Le Pen đã bày tỏ mong muốn cuộc thảo luận về thể thức bầu cử theo tỷ lệ, mà ông Bayrou cũng từng ủng hộ, sẽ được mở ngay sau hồ sơ ngân sách, và được kết hợp cùng với đề xuất của cánh tả cam kết không bỏ phiếu bất tín nhiệm nếu chính phủ của ông Bayrou không sử dụng điều 49.3 để thông qua các dự luật mà không cần đưa ra bỏ phiếu ở Quốc Hội.

Lần lượt trong ngày, ông Bayrou sẽ gặp lãnh đạo nhóm nghị sĩ Đồng hành vì nền Cộng hòa của tổng thống Macron và nhóm nghị sĩ đảng Xã hội, trong khi đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất đã từ chối gặp thủ tướng. Cuộc tham vấn này dự kiến sẽ kéo dài đến ngày mai.

Song song với việc tham vấn các chính đảng, tân thủ tướng Pháp bắt đầu thành lập nội các, được dự báo sẽ bị « thu hẹp » hơn và do các nhân vật dày dặn kinh nghiệm đảm nhiệm. Trong trước mắt, ông Bayrou đã chọn hai nhân vật thân tín là ông Nicolas Pernot, người phụ trách các dịch vụ ở tòa thị chính Pau, làm chánh văn phòng thủ tướng và ông Pierre-Emmanuel Porthelet làm trợ lý.

Cũng trong ngày hôm nay, Quốc Hội Pháp xem xét « luật đặc biệt » cho phép bộ máy hành chính tiếp tục các hoạt động Nhà nước như thu thuế và tài trợ các khoản An sinh Xã hội. Những hồ sơ gây chia rẽ nhất sẽ được đưa ra thảo luận trở lại sau kỳ nghỉ lễ cuối năm.

Bão Chido tàn phá đảo Mayotte, vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp

Hôm nay, 16/12/2024, 48 giờ sau khi trận bão Chido tàn phá đảo Mayotte, lãnh thổ hải ngoại của Pháp trong vùng Ấn Độ Dương, với lo ngại « hàng trăm và thậm chí là hàng ngàn người thiệt mạng », bộ trưởng Nội Vụ và bộ tưởng đặc trách Các Vùng Lãnh Thổ Hải Ngoại đến hiện trường.


Một cậu bé ngồi gần những ngôi nhà đổ nát sau cơn bão Chido, Labattoir, Mayotte, Pháp, ngày 15/12/2024. REUTERS - Chafion Madi
Thanh Hà
Mayotte là tỉnh nghèo nhất của Pháp với khoảng 320.000 dân, 1/3 sống trong những điều kiện rất bấp bênh trong những khu nhà ổ chuột. Trước mắt, các giới chức y tế ở Mayotte đưa ra con số 14 người thiệt mạng, nhưng theo lãnh đạo hòn đảo này, ông François Xavier Bieuville, được AFP trích dẫn, « rất khó để thẩm định một cách chính xác thiệt hại nhân mạng », vì theo truyền thống của đa số dân cư theo đạo Hồi tại đây, người chết phải được chôn cất trong vòng 24 giờ.

Tất cả các khu nhà ổ chuột đều bị phá sập với sức gió có lúc lên tới hơn 220 km/ giờ. Bão Chido thổi qua Mayotte hôm thứ Bảy 14/12/2024 là trận bão mạnh nhất từ 90 năm nay. Hình ảnh truyền hình cho thấy đảo Mayotte « hoang tàn » với những ngôi nhà bị tốc mái, những cột điện bị đánh sập, cây cối ngổn ngang trên đường phố. Các bệnh viện tan hoang sau cơn bão. Sân bay chỉ có thể hoạt động trở lại sớm nhất là trong 10 ngày nữa.

Paris thiết lập cầu không vận từ đảo Réunion, một vùng lãnh thổ hải ngoại khác của Pháp, cách đảo Mayotte 1.400 km đường chim bay, để cứu trợ nạn nhân bão Chido. Khoảng 1.600 cảnh sát và hiến binh cũng được huy động để bảo đảm an ninh, tránh những vụ cướp bóc, hôi của.

Cuối ngày hôm nay, tổng thống Emmanuel Macron chủ trì một cuộc họp tại trung tâm giải quyết khủng hoảng liên bộ được đặt tại trụ sở của bộ Nội Vụ để thẩm định tình tại Mayotte.

Bão Chido và Mayotte là thách thức đầu tiên đối với tân thủ tướng François Bayrou vào lúc ông đang chuẩn bị thành lập nội các.

Hàn Quốc: Đảng cầm quyền bị chia rẽ sau khi Quốc Hội biểu quyết truất phế tổng thống

Sau khi Quốc Hội Hàn Quốc bỏ phiếu thông qua kiến nghị phế truất tổng thống Yoon Suk Yeol vào cuối tuần qua, hôm nay, 16/12/2024, Tòa Bảo Hiến nước này bắt đầu xem xét các thủ tục để cách chức tổng thống. Trong lúc tổng thống vẫn từ chối hợp tác điều tra, đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) của ông ngày càng bị chia rẽ. Sáng nay, chủ tịch đảng cầm quyền, ông Han Dong-hoon, đã từ chức, xem việc ban hành thiết quân luật là đi ngược lại với các giá trị của đảng.


Chủ tịch Quốc Hội Hàn Quốc Woo Won-shik công bố kết quả bỏ phiếu luận tội tổng thống Yoon Suk Yeol trong phiên họp toàn thể của Quốc Hội ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 14/12/2024. via REUTERS - Woohae Cho
Chi Phương
Từ Seoul, thông tín viên Celio Fioretti cho biết cụ thể :

“Một chính đảng trở nên hoang tàn: 12 dân biểu thuộc đảng cầm quyền đã đưa lá phiếu của mình cho phe đối lập, khiến cuộc biểu quyết tại Quốc Hội hôm thứ Bảy đã có thể thông qua kiến nghị phế truất tổng thống Hàn Quốc. Thế nhưng, 85 nghị sĩ vẫn đứng về phe tổng thống, bất chấp mưu toan ban hành thiết quân luật. Bị chia rẽ nội bộ như vậy, đảng PPP nay đã trở thành giống như cái bóng của chính mình.

Ngoài chủ tịch đảng PPP, các quan chức cao cấp khác trong đảng cũng đã thông báo ý định rời khỏi vị trí lãnh đạo.

Hôm nay, trong khi Tòa Bảo Hiến đã bắt đầu họp để xem xét việc phế truất tổng thống, đảng cầm quyền không biết liệu có thể hoạt động bình thường cho cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo hay không.

Tòa có sáu tháng để quyết định có cách chức tổng thống hay không. Ông Yoon Suk Yeol đã tuyên bố từ chối trình diện trước các cơ quan chức năng để bị thẩm vấn. Nếu các thẩm phán xác nhận việc cách chức ông Yoon, một cuộc bầu cử tổng thống mới sẽ được tổ chức. Phe đối lập đã bắt đầu chuẩn bị cho cuộc bầu cử này, với lợi thế đang dẫn trước đảng của tổng thống, hiện đang bị chia rẽ.”

Theo AFP, chánh án Tòa Bảo Hiến Hàn Quốc Moon Hyung-bae hứa sẽ thực hiện các thủ tục một cách “nhanh chóng và công bằng”. Trong thời gian này, thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo sẽ tạm thời điều hành đất nước thay ông Yoon Suk Yeol. Ông có thể giữ chức tổng thống lâm thời trong thời hạn tối đa là 8 tháng.

Tư pháp Hàn Quốc cho biết tổng thống Yoon Suk Yeol tiếp tục từ chối các cuộc triệu tập của các cơ quan điều tra, họ có thể xin tòa án cấp lệnh bắt giữ tổng thống.

Đài Loan tiếp nhận lô xe tăng Abrams đầu tiên của Mỹ

Bộ Quốc Phòng Đài Loan, hôm nay, 16/12/2024, thông báo đã nhận 38 xe tăng chiến đấu Abrams từ Mỹ. Đợt tiếp nhận vũ khí này nằm trong nỗ lực của Đài Loan củng cố năng lực quân sự đối phó với khả năng xảy ra cuộc tấn công từ Trung Quốc.
 

Ảnh minh họa: Xe tăng M1A2 Abrams của quân đội Hoa Kỳ trong cuộc diễn tập bắn đạn thật tại Khu liên hợp Rodriguez ở Pocheon, Hàn Quốc, ngày 14/08/2024. AP - Ahn Young-joon
Minh Anh
Theo bộ Quốc Phòng Đài Loan, số xe tăng M1A2 Abrams đã đến Đài Loan vào cuối ngày hôm qua và đã được đưa về căn cứ quân sự Tân Trúc (Hsinchu), phía nam thủ đô Đài Bắc. Hăng thông tấn Đài Loan CNA cho biết thêm, loại vũ khí mới này, được giao cho Đài Loan lần đầu tiên từ 30 năm qua, là trong khuôn khổ hợp đồng đặt mua 108 chiếc xe tăng hồi năm 2019, trị giá tộng cộng hơn 1,2 tỷ đô la. Số xe tăng còn lại sẽ được giao lần lượt trong các năm 2025 và 2026, theo lời một quan chức quân sự Đài Loan với hãng tin Pháp AFP.

Quân đội Đài Loan hiện có đến 1.000 xe tăng, loại CM Brave Tiger sản xuất trong nước, hay M60A3 do Mỹ thiết kế nhưng công nghệ đã lỗi thời. Đầu tháng 11/2024, Đài Loan đã nhận từ Mỹ lô rốc-kết đa nòng Himars đầu tiên , loại tên lửa được dùng trên chiến trường Ukraina.

Trong vòng năm thập niên gần đây, Hoa Kỳ đã bán cho Đài Loan nhiều loại trang thiết bị quân sự và đạn dược trị giá nhiều tỷ đô la, đặc biệt là loại chiến đấu cơ F-16 và các loại tầu chiến. Năm 2024, Đài Loan dành một khoản ngân sách kỷ lục 19 tỷ đô la cho quốc phòng. Con số này có lẽ sẽ đạt đỉnh mới trong năm 2025.

Washington từ lâu là đồng minh quan trọng nhất và là nguồn cung cấp vũ khí lớn nhất cho Đài Loan. Điều này đã khiến Bắc Kinh nổi giận, vì họ vẫn xem hòn đảo này là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Hôm nay, bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã có phản ứng, hối thúc Mỹ « ngừng trang bị vũ khí cho Đài Loan và hậu thuẫn các thế lực ly khai đòi độc lập ở Đài Loan ». Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Lâm Kiếm tuyên bố : « Ý đồ của chính quyền Đài Loan tìm cách có được nền độc lập bằng vũ lực và trợ giúp từ ngoại bang sẽ gặp thất bại » và «Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh đất nước và toàn vẹn lãnh thổ ».

Không có nhận xét nào: