Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 19 tháng 12, 2024

ĐIỂM BÁO PHÁP QUỐC NGÀY 19/12/2024 - Loan My


Liên Hiệp Châu Âu và tương lai bất định của Ukraina Những thách thức mà Donald Trump sẽ phải đối mặt khi trở lại Nhà Trắng, chiến tranh Ukraina, cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy bị xử y án tù là những chủ đề được các tờ báo Pháp quan tâm hôm nay, 19/12/2024. Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump phát biểu tại tư dinh Mar-a-Lago ở Palm Beach, bang Florida, Hoa Kỳ, ngày 16/12/2024. © Brian Snyder / Reuters Phan Minh Trang nhất của nhật báo Le Monde quan tâm đến những nước cờ trên trường quốc tế mà Donald Trump sẽ phải nghĩ tới trong một tháng nữa. 
<!>
Chuẩn bị trở lại Nhà Trắng vào 20/01/2025, nhà tỷ phú đối mặt với hai cuộc khủng hoảng lớn trên thế giới. Xung đột ở Ukraina và tình hình hỗn loạn ở Trung Đông, với dải Gaza vẫn bị quân đội Israel chiếm đóng. Trong chiến dịch tranh cử vừa qua, Donald Trump đã tuyên bố muốn đạt được hòa bình trên thế giới. Mặc dù vấn đề nhập cư vẫn là hồ sơ quan trọng nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông, chủ nhân tương lai của Nhà Trắng cũng rất chú trọng đến tình hình trên hai chiến trường nêu trên, vốn phức tạp hơn những gì ông tưởng.

Tờ báo nhận định Donald Trump dường như sẽ áp dụng cách tiếp cận thực dụng đối với hai cuộc khủng hoảng này. Ông cho rằng hồ sơ Trung Đông dễ giải quyết hơn chiến tranh Ukraina. Trong những cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Châu Âu, nhà tỷ phú đã tỏ rõ tham vọng của ông. Thay vì tìm cách đạt được một giải pháp đa phương củng cố an ninh Châu Âu, dường như Donald Trump chỉ muốn « đóng băng » cuộc xung đột. Hơn nữa, tổng thống đắc cử Mỹ dường như bị choáng ngợp trước tổn thất của Nga ở Ukraina, ước tính lên đến 600.000 người bỏ mạng hay bị thương, và ông định dùng con số này để thuyết phục tổng thống Nga Vladimir Putin chấm dứt xung đột.

Donald Trump cũng đã phản đối việc Ukraina dùng vũ khí của Mỹ tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, hành động được chính quyền Biden bật đèn xanh. Theo nhà tỷ phú, quyết định này đã làm trầm trọng thêm tình hình, dẫn đến việc Nga huy động thêm binh sĩ Bắc Triều Tiên. Không hẳn là vậy, vì Washington đã bật đèn xanh cho Kiev sử dụng tên lửa ATACMS để đáp trả việc điện Kremlin điều lính Bắc Triều Tiên ra chiến trường. Donald Trump cũng nhấn mạnh các lệnh trừng phạt Nga không hiệu quả như mong đợi, trong bối cảnh Matxcơva sử dụng « hạm đội ma » để lách trừng phạt và tiếp tục xuất khẩu dầu mỏ.

Về hồ sơ Trung Đông, Donald Trump muốn chấm dứt nhanh chóng xung đột ở Gaza và thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Israel với các quốc gia Ả Rập, thông qua thỏa thuận Abraham, được ký kết dưới thời chính quyền Trump I vào năm 2020. Ông cũng không thực sự ủng hộ giải pháp hai Nhà nước cho xung đột Israel - Palestine, coi đây là vấn đề thứ yếu. Cuối cùng, Donald Trump khẳng định phải gây sức ép tối đa với Iran, đang rơi vào thế yếu.

Tương lai bất định của Ukraina


Tờ La Croix dành bài xã luận nói về việc các quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu (EU) đang gia tăng thảo luận về tình hình ở Ukraina, trong bối cảnh nước này đang gặp nhiều khó khăn trên chiến trường khi đối đầu với một quân đội Nga bền bỉ. Việc Donald Trump trở lại Nhà Trắng cũng là sự kiện Liên Âu quan tâm.

La Croix nhận định nếu đàm phán hòa bình, tiến trình này sẽ ảnh hưởng đến an ninh của toàn bộ Châu Âu. Vốn đang tìm mọi cách khôi phục vòng ảnh hưởng của Nga ở Châu Âu, tổng thống Vladimir Putin đang cố ép chính quyền Kiev chấp nhận một « quy chế trung lập », nhằm tách rời Ukraina khỏi phương Tây và buộc nước này chịu sự ảnh hưởng của Kremlin.

Trong khi đó, các quốc gia Châu Âu, bao gồm Pháp, Đức, Ý, Ba Lan, Tây Ban Nha, Anh Quốc, cùng với đại diện ngoại giao cấp cao của Liên Âu, vẫn thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Ukraina. Ngày 12/12, họ đã tái khẳng định cam kết hỗ trợ Ukraina gia nhập Liên Âu và Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO). Nhật báo Công Giáo kết luận thông điệp của Liên Âu không chỉ gửi đến Matxcơva mà còn cả Washington, vì sự ủng hộ của Hoa Kỳ vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Ngoài những tuyên bố sáo rỗng, Châu Âu và Ukraina cần thấy được những hành động cụ thể.

Mục đích của Ukraina khi triệt hạ sĩ quan cao cấp Nga
Vẫn về Ukraina, nhật báo kinh tế Les Echos có bài viết nói về mục đích của chính quyền Kiev khi triệt hạ những sĩ quan cao cấp của Nga.

Tướng Igor Kirillov là sĩ quan cao cấp nhất của Nga bị ám sát kể từ khi nổ ra chiến tranh Ukraina. Tuy nhiên, vụ ám sát của ông không phải là trường hợp duy nhất. Ngày 12/12, Mikhail Shatsky, một chuyên gia vũ khí Nga, đã bị giết trong một khu rừng gần Matxcơva. Một tháng trước đó, hôm 13/11, sĩ quan Valery Trankovsky bỏ mạng trong một vụ nổ xe ở bán đảo Crimée.

Chính quyền Ukraina đã nhận trách nhiệm về những vụ ám sát này, coi đây là phản ứng cần thiết đối với cuộc chiến. Một chuyên gia quân sự Ukraina giải thích « những chiến dịch này không chỉ là hành động trả thù, mà còn là vấn đề sinh tồn đối với đất nước, bởi tất cả những tên tội phạm chiến tranh này vẫn liên tục phạm tội diệt chủng người dân Ukraina ».

Gruzia cùng chung số phận với Belarus ?
Vẫn trong khu vực, bài xã luận của Le Monde chú ý đến việc Vladimir Putin muốn tái lập vòng ảnh hưởng của Nga trong không gian hậu Xô Viết. Điều này đang diễn ra ở Gruzia, nơi chính phủ đàn áp mạnh mẽ phong trào ủng hộ tiến trình gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, đẩy khối này vào tình thế khó xử.

Ngày 17/12, thủ tướng Gruzia, Irakli Kobakhidze, đã cám ơn « năm quốc gia » thành viên Liên Âu ủng hộ chính phủ của ông, đang đối mặt với làn sóng biểu tình ủng hộ việc gia nhập EU, đã kéo dài ba tuần. Những quốc gia này là Hungary, Slovakia, Ý, Tây Ban Nha và Rumani. Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ có Hungary và Slovakia ủng hộ chính quyền Gruzia, trong khi ba nước còn lại cáo buộc Tbilisi phát tán thông tin sai lệch và lên án chính quyền Gruzia đàn áp người dân.

Khối Liên Âu đang « toát mồ hôi » với tình hình ở Gruzia kể từ cuộc bầu cử bị cáo buộc gian lận hôm 26/10, giúp đảng thân Nga duy trì quyền lực. Người dân Gruzia, muốn gia nhập EU, tiếp tục biểu tình, mặc dù bị đàn áp thẳng tay.

Le Monde nhận định việc ứng viên thân Nga, Mikheïl Kavelashvili, hôm 14/12, trở thành tổng thống Gruzia đã cho thấy chính quyền Tbilisi dường như muốn cắt đứt quan hệ với Liên Âu. Tổng thống mãn nhiệm Salomé Zourabichvili, ủng hộ phong trào biểu tình, muốn tiếp tục tại vị cho đến khi tổ chức cuộc bầu cử mới.

Tờ báo kết luận các quốc gia Liên Âu cần phải thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ hơn đối với phe đối lập ở Gruzia và trừng phạt những thế lực ủng hộ đàn áp. Nếu không, Gruzia có thể sẽ chịu chung số phận với Belarus - trở thành vệ tinh của Nga.

Pháp : Cựu tổng thống Sarkozy bị xử y án

 
Trang nhất và bài xã luận của tờ Le Figaro nói về việc chưa bao giờ ở Pháp, một cựu tổng thống lại kiện ngành tư pháp của đất nước mình. Nicolas Sarkozy, khẳng định ông « hoàn toàn vô tội », đã yêu cầu Tòa án Nhân quyền Châu Âu mang lại công lý cho ông. Cựu chủ nhân điện Elysée vừa bị xử y án 3 năm tù, trong đó có 1 năm tù giam, thi hành án bằng cách đeo vòng điện tử, vì tội tham nhũng và lạm dụng quyền hành. Đây là bản án chưa từng có đối với một cựu tổng thống Pháp. Trước đó, cố tổng thống Jacques Chirac từng bị kết án 2 năm tù treo vào năm 2011.

Sau 12 năm xét xử, Nicolas Sarkozy đã thua trong cuộc chiến pháp lý này. Nhật báo thiên hữu đặt câu hỏi, đây là thất bại của cá nhân ông Sarkozy hay của cả một hệ thống tư pháp, đã vi phạm các quyền cơ bản ? Những phương pháp nghe lén các cuộc trao đổi giữa một luật sư và thân chủ giờ đây đã bị cấm.

Kể từ khi rời khỏi điện Elysée, Nicolas Sarkozy đã phải đối mặt với một cuộc chiến pháp lý kéo dài. Nhật báo thiên hữu kết luận phán quyết vừa rồi của tư pháp không chỉ khiến hình ảnh của riêng Nicolas Sarkozy bị hoen ố, mà còn ảnh hưởng đến cả nước Pháp.

Pháp : Vụ án hiếp dâm ở Mazan gây xôn xao
Vẫn tại Pháp, tờ Libération dành trang nhất và bài xã luận chú ý đến phiên tòa gây chấn động cả nước, xét xử vụ hiếp dâm bà Gisèle Pelicot ở Mazan, đông nam Pháp. Phiên tòa này mang tính lịch sử vì đây là lần đầu tiên 51 người đàn ông cùng bị xét xử vì tội hiếp dâm một người phụ nữ. Phiên tòa mang tính lịch sử vì đã khiến cả thế giới bàng hoàng và đã thay đổi cách nhìn nhận về nhiều vấn đề.

Việc Dominique Pelicot đánh thuốc mê và « tạo điều kiện » cho 50 người khác hiếp dâm vợ mình, khiến mọi người hiểu rằng hiếp dâm không phụ thuộc vào giai cấp xã hội, độ tuổi hay màu da. Phiên tòa này cũng mang tính lịch sử vì đã chứng kiến sức mạnh và ý chí kiên cường của Gisèle, đặc biệt khi bà yêu cầu cho phát những video ghi lại cảnh bà bị hiếp dâm cho công chúng xem. Bà cũng đã phải đương đầu với những luật sư của các bị cáo tìm mọi cách đảo ngược tình thế tại phiên tòa. Tờ báo kết luận Gisèle sẽ mãi mãi được ghi nhớ trong lịch sử, không phải như một nạn nhân, mà với tư cách một nhà đấu tranh kiên cường.

Le lói hy vong ngưng bắn ở Gaza


Nhìn sang Trung Đông, trang nhất của tờ La Croix nói về người dân Gaza đang ngày đêm hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ đạt được lệnh ngưng bắn. Sau nhiều nỗ lực thất bại, dường như nỗ lực của Donald Trump và các cộng sự viên sẽ được đền đáp.

Tuy nhiên, quân đội Israel vẫn liên tục oanh kích dải đất này, gây ra nhiều nạn nhân mỗi ngày. Những cảnh tượng tan hoang khiến mạng xã hội bàng hoàng, như cảnh người dân bị bỏng nặng sau một cuộc không kích vào trường học của Liên Hiệp Quốc. Hậu quả của các cuộc tấn công được thấy rõ ở khắp mọi nơi. Nhiều tòa nhà bị phá hủy và điều kiện sống của người dân ngày càng xấu đi. Mùa đông năm nay sẽ khắc nghiệt hơn năm ngoái.

Trợ giúp nhân đạo không đủ khiến người dân bị thiếu thốn thực phẩm, thuốc men và vệ sinh. Đối với những người còn có nhà, tình hình cũng rất phức tạp vì họ không có điện và hệ thống sưởi, buộc họ phải đốt nhựa để giữ ấm.

Mặc dù vậy, một quan sát viên Gaza có mặt tại miền nam dải đất nhận thấy giá cả trên thị trường đã giảm trong những ngày gần đây. Theo anh, « đây là dấu hiệu cho thấy sắp đạt được một lệnh ngưng bắn, và các thương nhân đang chuẩn bị nhận được một đợt viện trợ nhân đạo lớn hơn ».

Không có nhận xét nào: