Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 16 tháng 12, 2024

Những người trẻ không kịp trẻ - Trẻ Magazine


Những người trẻ chưa kịp trẻ, ấy là thân phận của đại bộ phận thanh niên trí thức trẻ nhưng chẳng thể trẻ được bởi tóc họ sớm bạc, trán họ sớm nhăn và mỗi tì vết trong cuộc đời của họ được khắc dấu trên nếp già trước tuổi của họ mà đôi khi chính họ không nhận thấy, họ vẫn nói, cười, đi đứng và chạy đua khốc liệt với công cuộc áo cơm ngày ngày, đêm đêm. Họ là ai? Chạy Grab bây giờ đôi khi có bằng tiến sĩ Chúng tôi đánh mất tuổi trẻ
<!>
Tài, một cựu sinh viên đại học kinh tế, hiện đang là trưởng nhóm giao hàng (shipper – theo cách gọi ở Việt Nam) cho một công ty vận chuyển, chia sẻ:
– Thực sự là chúng tôi đã đánh mất tuổi trẻ, và trả giá cho nó quá đắt.
– Xin bạn nói rõ hơn về việc đánh mất tuổi trẻ của mình?
– Dạ, trong 4 năm ngồi mài đũng quần trên ghế đại học, gia đình chúng tôi phải chịu rất nhiều sức ép với mong mỏi chúng tôi sẽ có được hàm lượng tri thức, sẽ có chỗ đứng nào đó yên ổn trong xã hội. Thế rồi tuổi trẻ chúng tôi trôi qua cái vèo với những giáo trình mà cho đến bây giờ, chúng tôi phải đau đầu nhận ra rằng loại bỏ nó ra khỏi não trạng càng sớm thì càng có cơ may sống thanh thản. Và gia đình chúng tôi thì trả giá quá lớn.
– Vấn đề gia đình trả giá như thế nào, xin bạn cho biết thêm?
– Để duy trì quá trình đại học của tôi, gia đình tôi đã cắt mảnh vườn ra thành 4 mảnh và bán dần từng mảnh để gởi cho tôi ăn học. Đương nhiên tôi có làm thêm, bởi giá đất lúc đó thấp lắm, mỗi tháng gia đình gởi cho tôi 2 triệu đồng, phần tôi đi làm thêm công việc khác như phụ bàn, dạy kèm, chỉ có vậy mới đủ tồn tại trong thành phố. Khi tôi ra trường thì khu vườn chỉ còn đúng một mảnh đất dính căn nhà cũ, 3 mảnh kia phải bán cho tôi học. Cha mẹ tôi không làm được gì, bởi họ già yếu, bệnh tật. Em gái tôi vào đại học thì không còn gì để bán, vậy là tôi chạy xe ôm, rồi chạy Grab, gần đây chuyển qua làm shipper để nuôi gia đình, nuôi em ăn học.


Shipper trên đường làng
– Xin hỏi, với công việc hiện tại, thu nhập có đủ để bạn trang trải không?
– Dạ khéo ăn thì no, khéo co thì ấm thôi chị à! Bây giờ, đất đai lên giá, nếu như tôi làm công việc hiện tại thì phải là hai kiếp mới mua nổi lại một lô đất để ở. Tôi thì có căn nhà của cha mẹ để ở, vì theo phong tục, tôi con trai, tôi ở để nhang khói ông bà. Nhưng nghĩ lại, hoàn cảnh đưa đẩy mình đến chỗ phải suy nghĩ đến chuyện trọng nam khinh nữ, rồi giống như tranh đoạt nhà với em gái mình thì chả ra làm sao cả. Tôi có nói với cha mẹ rằng phần nhà đang ở sẽ là của em tôi, tôi quyết tâm khước từ mọi sự cho tiếp theo. Mà hình như cũng vì vậy, bất kỳ cô gái nào quen biết, yêu đương với tôi khi nghe tôi nói ý định nhường nhà cho em gái họ cũng đều ném cho tôi một cục lơ (tránh, không dây dưa quen biết). Thế mới thấy cuộc đời này chẳng đơn giản một chút nào!
– Cái giá trả có vẻ không thể đắt hơn. Nhưng hình như thời của tôi đi học cũng vậy, và sau bạn vài lớp cũng vậy, bạn có thấy vậy không?
– Dạ đúng rồi, trước em vài năm, thậm chí hàng chục năm, rồi sau em gần chục năm, ngay cả bây giờ, các sinh viên nghèo bao giờ cũng thiệt thòi rất nhiều mặt. Mà kinh khủng nhất là học những thứ mà trong đó 60% cần phải tẩy khỏi cái não mình thì hy vọng mới ngóc đầu lên nổi!
60% cần phải tẩy, như vậy có nhiều quá không bạn, mình hiểu bạn đang nói gì, nhưng liệu như vậy có hơi quá lời không?
– Không quá lời đâu chị ạ. Hơn 60% nữa đấy chứ, chị nghĩ đi, học đại học kinh tế như em, nhưng bây giờ không nắm rõ các thuật ngữ kinh tế của thời đại, thậm chí không hiểu, không dọ dẫm hay ước đoán được kinh tế thời đại. Hoàn toàn không thể, không biết gì cả! Trong khi đó, bây giờ trong đầu còn chứa đầy các phạm trù, các quy luật triết học Mác Lê, còn chứa đầy kinh tế chính trị Mác Lê, còn chứa đầy chủ nghĩa xã hội khoa học, còn chứa đầy xã hội học Mác Lê, còn chứa đầy các thứ có liên quan đến Mác Lê. Mà thú thực, những thứ ấy chỉ làm nặng đầu chứ không mang lại chén cơm manh áo hay sáng tạo ra một thứ gì đó cho những người nghèo khó, không có dù che bóng như em. Nên chỉ mong sao thải nó được cho nhẹ cái đầu. Mà làm sao thải ra được chứ, nó đã dán vào rồi thì muôn thuở! Khó!


Thật giả lẫn lộn, tuổi trẻ đôi khi chẳng còn thiết bằng cấp đã có

Bao giờ trở lại thanh xuân ấy?

Đó là câu hỏi được trích trong một đoạn thơ ngắn của bạn Hào, hiện đang chạy Grab và thi thoảng làm phụ hồ, bạn từng là sinh viên đại học Văn khoa với đầy ước mơ, thế rồi mọi thứ cũng quay về Grab. Nguyên văn 4 câu thơ của bạn Hào: “Mùa xuân như thể người mù chữ/ Tập tọ đánh vần trên tóc xanh/ Bao giờ trở lại thanh xuân ấy/ Ta gửi đôi lời với mong manh”.

Hỏi về hoàn cảnh ra đời mấy câu thơ, Hào kể:
– Em thì thích làm thơ, nhưng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ thành nhà thơ. Vì xứ này nhiều nhà thơ rồi, mỗi cán bộ là một nhà thơ, thêm mình vào chỉ thêm rối sự! Em viết mấy câu này khi đang ngồi chờ khách đặt chỗ trên app. Ngồi ngẫm lại tuổi trẻ mình đã trôi trong thời sinh viên, thật đáng tiếc!
– Sao lại tiếc chứ, em cũng đã là một trí thức, có lao động gì thì em cũng đã là một trí thức.
– Nếu xét trên bằng cấp thì tạm xem là vậy đi. Nhưng cái bằng cử nhân bây giờ có là gì so với tiến sĩ, mà người ta mua tiến sĩ đầy ra đó. Còn tri thức học được hả? Cái này đừng đi học, để thời gian ấy mà mày mò vừa làm kiếm tiền, vừa đọc sách, nghiên cứu. Nếu chịu làm việc, học tập một cách nghiêm túc như trong đại học thì kiến thức mình đi đến đâu rồi chị ạ! Nói thật với chị, toàn bộ kiến thức em có được là nhờ đọc sách ngoại biên, chứ sách vở chính thống thì ôi thôi, miễn bàn!
– Nhưng dẫu sao thì em cũng làm cho ba mẹ vui vì tuổi trẻ em không phung phí vì những việc vô bổ. Thế hệ trẻ bây giờ cũng nhạt lắm, em đồng ý không?
– Dạ, cái này thì em đồng ý, chí ít là em đã tạo cho ba mẹ em cái ảo giác về trí thức. Bản chất nó là vậy, chứ không thể nói khác đi được! Chẳng có gì đáng nói đâu!
– Đời sống của em hiện nay có ổn không?
– Dạ cũng tạm, qua ngày được là mừng rồi, dự tính là năm tới cưới vợ, nhưng cũng còn tùy, bạn gái có chịu đựng nổi từ đây cho đến lúc ấy với cái nghèo của mình hay không nữa. Vì hiện tại em làm ngày được ngày mất, có ngày trúng thì được tiền triệu nhưng lại có rất nhiều ngày không có gì để mua gạo. Nên đời sống bấp bênh như vậy, nguy cơ độc thân rất là cao. Bạn cùng lứa với em giờ đã vợ con đề huề, con tụi nó học lớp 6, lớp 7 rồi. Chỉ còn em sót lại là đơn thương độc mã.


Tuổi trẻ đi qua chẳng ngoảnh lại
– Kế hoạch của em năm tới có gì mới không?U.S.A.
– Chắc là cưới vợ là kế hoạch mới, lao động kiếm cơm vẫn là kế hoạch lâu dài. Bây giờ khó lắm. Mà cũng chẳng còn đất để bán cưới vợ đâu, còn có cái nhà cấp 4 thôi. Hầu hết dân nghèo mơ đại học thì chỉ có bay đất, bay nhà thôi!

Cùng cảnh ngộ với Hào, tức cùng cảnh chạy Grab, nhưng Phương có điều kiện kinh tế gia đình khá hơn, bởi cha mẹ Phương làm công việc buôn bán, mở sạp ngoài chợ, Phương chia sẻ:
– Em có khá hơn Hào, nhưng rồi cũng đầy thảm kịch chị ơi!
– Thảm kịch gì vậy em, nếu không nặng nề, xin em chia sẻ chị biết với?
– Dạ, điều kiện gia đình em khá giả, em là đứa học giỏi nhất nhà nên cũng ráng mà học lên cao học, cũng có cái bằng thạc sĩ thật chứ không phải dỏm. Nhưng chán cái là em đi làm ở đâu cũng chỉ vài tháng là bỏ việc, thấy mình không hợp với kiểu làm việc ở đó, mình có ở lại thì người ta cũng loại bỏ mình, mà mình ở lại thì chắc là điên cái đầu mất. Nên nghỉ, ra đây làm nghề chạy xe mà thanh thản. Nhưng thanh thản trong kiếm cơm, cũng có chỗ dựa gia đình, nghiệt nỗi lại có những bi kịch khác. Nếu chị muốn biết, em sẽ kể?!
– Ừ, chị cũng đang nghe đây!
– Đất đai lên giá, vậy là anh em trong nhà trở nên dòm ngó nhau. Mà em chán nhất là cảnh này, mình là thằng có nhận thức. Nên cả nửa năm nay em không ngủ ở nhà, em ăn bờ ngủ bụi, thỉnh thoảng chạy về thăm ba mẹ trong chợ một chút thôi. Mà thăm vậy cũng ngại anh em nghi kỵ mình. Đau lắm chị ơi!

Một bạn nữ khác cũng có cảnh ngộ na ná Phương. Câu chuyện bạn kể cũng vậy, nên thiết nghĩ tôi không nên đưa vào bài viết này.

Và, hình như tuổi trẻ đã trở nên đăm chiêu, già nua lúc chưa kịp trẻ. Vì cả một quãng tuổi trẻ của họ đang chấp nhận trả giá cho một điều gì đó thật mơ hồ, khó nói!

Nhiều khi không biết tuổi trẻ trả giá cho điều gì!

Không có nhận xét nào: