MỘT
Cách đây khoảng hai tháng, các giáo sư thuộc bộ môn Trung văn ở Khoa Ngôn ngữ Hiện đại và Cổ điển ở Đại học Houston có mời Jenny Tang đến Khoa để giới thiệu quyển tiểu thuyết đã bán được trên một triệu bản và là tác phẩm đã làm dấy lên phong trào #MeToo ở hầu khắp các quốc gia châu Á. Quyển tiểu thuyết có tên Fang Si-Chi’s First Love Paradise của nữ tác giả người Đài Loan tên Lin Yi-Han (林奕含 Lâm Dịch Hàm) và chính Jenny Tang đã dịch sang tiếng Anh từ nguyên bản tiếng Trung.
<!>
Trước buổi giới thiệu sách, tôi ra thư viện công cộng ở Houston hỏi mượn đọc trước. Trong buổi giới thiệu, tôi đã rất ngạc nhiên khi Jenny Tang cho biết quyển tiểu thuyết đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, bao gồm cả tiếng Việt. Tò mò, tôi tra thử Google xem thực hư thế nào, thì quả thực, nó đã được dịch ra tiếng Việt với tựa Tình đầu thiên đường của Phòng Tư Kỳ. Duy có điều, bản dịch chưa được xuất bản thành sách mà chỉ được đăng trên trang văn học online cá nhân có tên “Tree on Mars”.
Cũng trong buổi giới thiệu sách, tôi có hỏi Jenny Tang xem quyển tiểu thuyết có được phát hành ở Trung Hoa Lục địa không. Tôi đinh ninh câu trả lời sẽ là không bởi Đài Loan và Trung Cộng là hai quốc gia thù địch, đó là chưa kể, chủ đề về xâm hại tình dục ở công sở có vẻ rất dị ứng đối với đám cán bộ sa đọa ở các nước CS. Thế nhưng câu trả lời lại là có. Có mặt ở Trung cộng, vậy sao không có mặt ở Việt Nam, là nơi mà thị trường sách dịch sôi động vào loại nhất thế giới? Điều này thật kinh ngạc.
Tiểu thuyết Tình đầu thiên đường của Phòng Tư Kỳ được Lâm Dịch Hàm cấu trúc về ý theo hai trường ca Paradise Lost và Paradise Regained của John Milton như để phản ánh vừa chủ đề truyện vừa tình yêu văn học cổ điển cả của Âu châu lẫn Trung Quốc của hai nữ nhân vật chính trong truyện là Phòng Tư Kỳ và Lưu Di Đình. Ngay từ bé, hai cô đã như một, cùng những suy nghĩ, cùng những đam mê, lại sống cùng tầng trong một chung cư cao cấp ở Cao Hùng, tầng dưới là gia đình một thầy giáo chuyên văn tên Lý Quốc Hoa.
Lúc hai cô 13 tuổi, với gợi ý của Lý Quốc Hoa, lúc này khoảng 50, và với sự đồng ý vui vẻ của hai bà mẹ, hai cô chia nhau mỗi tuần một lần vào những ngày khác nhau mỗi cô sẽ viết một bài bình văn theo chủ đề cho sẵn và đưa đến cho Lý Quốc Hoa đánh giá và giúp sửa chữa. Hai cô rất ngưỡng mộ sự uyên bác về văn học Đông Tây kim cổ của thầy, từ Milton đến Nabokov, Dostoevsky, Eileen Chang, Lý Bạch, v.v. Việc giúp sửa bài kéo dài năm năm cho đến khi hai cô 18 và cùng chuyển lên một trường ở Đài Bắc.
Chính vào lúc dọn lên Đài Bắc này mà Phòng Tư Kỳ thố lộ cho Lưu Di Đình về quan hệ của cô với thầy Lý Quốc Hoa. Mối quan hệ phi đạo lý này đã làm Lưu Di Đình giận dỗi còn Phòng Tư Kỳ thì lâm vào trạng thái trầm cảm. Không biết bằng cách nào có thể bứt thoát bởi thầy Lý vẫn đeo bám, đêm đêm Phòng Tư Kỳ chỉ biết ôm mặt khóc trong dằn vặt đau đớn cho đến một ngày cô loạn trí, bỏ học đi lang thang và cuối cùng thì được gia đình đem vào một nhà thương điên ở Đài Trung để chữa trị.
Vừa giận vừa thương cho tình trạng của bạn, lại vừa nhung nhớ vừa hoang mang không biết chuyện gì đã thực sự xảy ra khiến bạn quẫn trí đến điên loạn, cuối năm học đó Lưu Di Đình trở về nhà ở Cao Hùng. Một hôm, Lưu Di Đình sang nhà của Phòng Tư Kỳ để nhìn lại các kỷ vật của bạn thì phát hiện ra một quyển nhật ký. Nhật ký có ghi ngày tháng, những ghi chép gốc thì bằng mực xanh, những ghi chú thêm về sau thì nằm bên lề và bằng mực đỏ, theo kiểu bình sửa văn. Trang đầu ghi, ý tưởng khá lộn xộn:
“Tôi phải viết chúng ra, mực sẽ làm cảm xúc nhạt phai bớt, nếu không, tôi sẽ điên mất. Tôi xuống lầu để đưa bài văn cho thầy Lý sửa. Thầy ấy rút thứ ấy ra, còn tôi thì bị đè miết vào bức tường. Thầy nói chín từ: “Nếu chỗ đó không được thì dùng miệng nhé?” Tôi chỉ nói bảy chữ: “Không, em không biết làm thế nào.” Thầy ấy vẫn nhồi nó vào, cố nhồi vào bên trong. Khi ấy, tôi có cảm giác như mình sắp bị dìm chết, dần dần ngạt nước mà tắt thở. Lúc sau, khi đã có thể nói chuyện được, tôi nói với thầy: “Em xin lỗi.” Tôi có cảm giác bài văn lần này tôi làm rất tệ, mặc dù đó cũng không phải bài tập của tôi. Thầy yêu cầu tôi mỗi tuần viết một bài văn rồi tới nộp cho thầy. Ngẩng lên, tôi dường như có thể nhìn xuyên qua trần nhà và thấy bóng dáng mẹ đang nấu cháo ngay trên đỉnh đầu, trong nồi cháo sôi sùng sục là một đống bằng khen và giải thưởng của tôi. Tôi cũng biết rằng khi không biết nên trả lời người lớn thế nào thì tốt nhất nên nói “Vâng ạ.” Ngày hôm ấy, qua bả vai của thầy, tôi nhìn thấy trần nhà nhấp nhô lên xuống như sóng biển nức nở cồn cào từng cơn. Thầy nói: “Đây là cách mà thầy yêu em, em hiểu chứ?” Tôi nghĩ thầm, thầy nhầm rồi, tôi không phải là một đứa trẻ con mà nhầm dương vật thành kẹo mút. Chúng tôi đều ngưỡng mộ thầy nhất, đều nói lớn lên phải kiếm một người chồng giống thầy. Những phút bông đùa, chúng tôi còn nói giỡn, ước gì thầy là chồng của chúng mình. Suy nghĩ suốt mấy ngày nay, tôi chỉ nghĩ ra một giải pháp duy nhất, tôi không thể chỉ thích thầy, tôi muốn mình yêu thầy. Người mà bạn yêu có thể thoải mái làm mọi thứ với bạn, không phải sao? Tư tưởng quả là một thứ diệu kỳ quá đỗi! Tôi của hiện tại là một chỉnh thể do tư tưởng nhào nặn thành chứ không phải chính tôi của trước kia nữa. Tôi muốn bản thân có thể yêu thầy ấy, nếu không thì tôi sẽ bị dằn vặt trong đau khổ đến chết.”
Bên cạnh những ghi chép trên là một dòng viết thêm bằng mực đỏ thẫm: “Tại sao lại nói là “em không biết làm thế nào”? Tại sao nhất định phải là tôi? Tại sao không phải bạn? Đến tận bây giờ tôi mới hiểu, toàn bộ cơ sự phát sinh cho tới ngày hôm nay đều có thể ngắn gọn quy kết thành một dòng: Thầy ấy đã cưỡng ép nhét nó vào bên trong, mà tôi lại là kẻ nói lời xin lỗi.”
Khi nhìn vào ngày tháng ghi đoạn nhật ký, Lưu Di Đình phát hiện lúc đó các cô chỉ mới mười ba tuổi. Như vậy là Phòng Tư Kỳ đã bị thầy Lý Quốc Hoa xâm hại tình dục suốt năm năm qua mà không có cách nào kêu cứu. Phần đầu tiểu thuyết Thiên đường tình đầu của Phòng Tư Kỳ với tiểu tựa Thiên đàng đã kết thúc bằng câu:
“Câu chuyện này nhất định phải được kể lại.”
(GHI CHÚ: Những đoạn nhật ký để trong ngoặc kép ở trên đã được trích từ bản dịch trên trang mạng online “Tree in Mars”)
HAI
Sau khi tham dự buổi giới thiệu sách của Jenny Tang ở Khoa về, nhất là khi biết quyển tiểu thuyết này thật ra là tự truyện của chính Lâm Dịch Hàm và cô đã tự tử ở tuổi 26, chỉ đúng ba tháng sau khi tự truyện được xuất bản, tôi đã định giới thiệu tác phẩm này trên facebook của mình nhưng rồi lại quyết định thôi vì mắt không được khỏe. Nhưng bây giờ, với sự tái xuất hiện của vụ án Lương Ngọc An khống chế và xâm hại tình dục Dạ Thảo Phương, tôi thấy mình có trách nhiệm góp phần lên tiếng.
Nhắc lại, năm 2022, khi Dạ Thảo Phương quyết định công khai tố cáo hành vi đốn mạt của Lương Ngọc An đối với cô hơn hai mươi năm về trước khi còn công tác chung ở tờ Văn Nghệ Trẻ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam và sẵn sàng từ Đức về lại Việt Nam để đối chất trước tòa, dư luận đã rất phẫn nộ, yêu cầu các cơ quan hữu trách điều tra để làm sáng tỏ vấn đề. Nhưng Lương Ngọc An, khi đó là Phó Tổng biên tập, Thư ký toà soạn báo Văn Nghệ, chỉ bị Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều ký quyết định cho thôi chức để nhận nhiệm vụ mới.
Thế rồi mới đây, chắc tưởng hơn hai năm qua đã đủ để tội ác chìm vào quên lãng, chính Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều lại ký quyết định điều động An giữ chức Phó Tổng biên tập tạp chí Nhà văn & Cuộc sống, có khả năng là để chuẩn bị cho An tiếp quản chức Tổng biên tập vì đương kim Tổng biên tập đã thông báo ý định xin nghỉ. Việc điều động có vẻ bất chấp dư luận này của Thiều dĩ nhiên không qua mắt được công chúng, và cộng đồng mạng đã lại dậy sóng phẫn nộ, phẫn nộ lần này không chỉ về An mà còn cả về Thiều.
Người đầu tiên lên tiếng phẫn nộ có lẽ là Thái Hạo, tiếp đến là Hoàng Tuấn Công, TS. Hoàng Dũng, TS. Duong Tu. Lão Tạ-Tạ Duy Anh cũng đã lên tiếng từ hai năm trước. Hẳn nhiên phải còn rất nhiều người khác nữa mà tôi chưa được hân hạnh biết trên facebook. Nhưng nhiều thế vẫn chưa đủ. Vụ án Lương Ngọc An xâm hại tình dục Dạ Thảo Phương là cực kỳ nghiêm trọng, nghiêm trọng không chỉ vì nó đã xảy ra một cách quá đỗi kinh hoàng mà còn vì sự kinh hoàng đó đã bị những người có trách nhiệm hoặc có thể giúp làm sáng tỏ đã cố tình phớt lờ đến độ có thể nghĩ đến một sự bao che.
Tội ác xâm hại tình dục này cùng với sự bao che chỉ có cơ may chấm dứt khi tất cả nhân vụ việc của Dạ Thảo Phương phải cùng lên tiếng. Những ai từng công tác ở báo Văn Nghệ Trẻ ngày ấy với Dạ Thảo Phương (trong đơn tố cáo cô có nhắc tên một số nhà văn, nhà thơ), hãy lên tiếng. Những ai từng làm việc với Lương Ngọc An, hãy lên tiếng. Những ai khác cũng hãy lên tiếng, nếu không lên tiếng tố cáo vì chưa đủ thông tin thì cũng lên tiếng đòi hỏi mọi việc phải được làm sáng tỏ. Ngay cả anh Phạm Lưu Vũ, đã gọi điện cho Thái Hạo để thuật lại thông tin từ một “người trong cuộc”, cũng cần lên tiếng.
Trong một bài viết mới đây liên quan đến viêc truyền miệng những thông tin từ những “người trong cuộc”, Dạ Thảo Phương khẳng định những thông tin đó là giả và bày tỏ mong muốn nhờ cộng đồng mạng giúp “truy tìm những bằng chứng cụ thể, có giá trị pháp lý về những tin đồn thất thiệt này, cùng tên tuổi, địa chỉ cụ thể của những kẻ phát ngôn để đưa ra pháp luật, điều này vừa là vì danh dự cá nhân tôi và người thân, vừa là để góp phần vào việc đẩy lùi tệ nạn tấn công các nạn nhân bị xâm hại tình dục nói chung.”
Nhớ lại những năm 1990, lúc tôi còn dạy học ở Khoa Ngoại Ngữ thuộc trường Cao Đẳng TP. HCM, một số giáo viên hồi hộp chờ được duyệt một suất du học một năm ở Úc. Năm đó, cô KT tin mình xứng đáng nhất. Đùng một cái, có tin đồn cô TK lên Ban Giám Hiệu nói xấu cô KT để giành suất du học về cho mình. Ai cũng hoang mang không biết tin đồn đến từ đâu, còn cô TK tự dưng bị vu oan thì ức nên khóc mấy đêm liền đến sưng cả mắt, ban ngày lên lớp dạy sinh viên phải đeo cặp kiếng đen to đùng che kín mặt.
Một hôm, tôi ngồi uống cà phê trong trường với thầy HL, thầy HL rỉ tai tôi: “Mình nghe nói… nghe nói…” Tôi lập tức chặn lại: “Anh nghe ai nói?” Thầy HL ú ớ một hồi nhưng tôi cương quyết: “Anh mà không nói ai nói thì có nghĩa chính anh nói!” Bí thế, thầy HL phải nhận là nghe vợ nói, tức cô H, cũng giáo viên trong Khoa. Tôi bèn truy tiếp: “Cô H nghe ai nói?” Cuối cùng thì lòi ra, tin đồn đã được chính cô KT tung ra đầu tiên, không biết có phải để nhằm loại trước một đối thủ tiềm năng? Dĩ nhiên cuối cùng thì cô KT vẫn được đi, vì vị chức rất rất to ở trường có đêm đã khật khưỡng đến ngồi lì ở nhà cô đến tận khuya.
Anh Phạm Lưu Vũ hãy nên làm điều đáng làm này, tức là giúp Dạ Thảo Phương “truy tìm những bằng chứng cụ thể, có giá trị pháp lý về những tin đồn thất thiệt, cùng tên tuổi, địa chỉ cụ thể của những kẻ phát ngôn để đưa ra pháp luật”. Chỉ khi mọi người cùng chung tay làm mọi thứ trong khả năng hạn hẹp của mình, ít nhất là bằng cách cùng lên tiếng, thì đơn tố cáo Lương Ngọc An xâm hại tình dục Da Thảo Phương cũng như nghi án có hay không sự bao che nhơ bẩn cho Lương Ngọc An của các vị chức sắc trong Hội Nhà văn Việt Nam, cụ thể là của Nguyễn Quang Thiều và Trần Đăng Khoa, mới được làm sáng tỏ.
“Nào, hãy làm một điều gì đó để góp phần ngăn chặn sự vô sỉ này tiếp tục loang ố”.
(GHI CHÚ: Trên đây là lời người chồng có trái tim bao dung và nhân hậu đã nói với Dạ Thảo Phương để khuyến khích cô mạnh dạn đứng ra tố cáo kẻ đã xâm hại tình dục mình những năm cô mới chập chững vào đời)
Đặng Quốc Thông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét