Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 17 tháng 12, 2024

TƯƠNG LAI NÀO CHO SYRIA? - Thế Sự Luận Đàm - Nhất Hùng

Tổng hợp những nguồn tin đáng tin cậy và nhận định của chúng tôi: -  Ngược dòng thời gian để hiểu tổng quát dẫn đến cuộc nổi dậy thành công ở Syria ngày 8/12/2024. - Tháng 3/2011, từ các cuộc nổi dậy được gọi là “Mùa Xuân Ả Rập” diễn ra trong khu vực, một số thanh niên vẽ các khẩu hiệu chống chính phủ trên tường một trường học ở thành phố Deraa miền Nam Syria. Họ bị lực lượng an ninh bắt và tra tấn tàn nhẫn. Sự việc này châm ngòi cho các cuộc biểu tình trên khắp Syria. Lực lượng chính phủ đàn áp tàn bạo, nổ súng vào dân thường. Phản kháng dâng cao, nhiều cuộc xuống đường lớn đòi Al Assad từ chức. Chính phủ đàn áp mạnh tay, nhiều nhóm đối lập hình thành tự phát và vũ trang. 
<!>
Từ biểu tình phản kháng biến thành nội chiến. Năm 2012, cuộc chiến lan tới thủ đô Damascus và Aleppo, thành phố lớn thứ hai ở Syria. Cuộc xung đột đã nhuốm màu sắc tôn giáo, điển hình là người Hồi giáo Sunni, chiếm đa số dân Syria, chống lại người thiểu số Alawite, trong đó có gia đình Tổng thống Assad. Người Alawite, có giáo lý gần hơn với người Hồi giáo Shia, tuy là thiểu số nhưng lại kiểm soát bộ máy chính phủ ở Syria. Trong xung đột còn phải kể thêm khía cạnh dân tộc như thiểu số người Kurd ở phía Đông Bắc Syria. Các thế lực khác trong khu vực cũng nhảy vào cuộc, tình hình đã hỗn loạn lại càng thêm phức tạp khi các liên minh đối đầu tranh chấp về tương lai của Syria. Các nhóm cực đoan và Jihad, trong đó có cả cái gọi là Nhà nước Hồi giáo IS và Mặt trận Nusra, cả hai đều có liên hệ với tổ chức al-Qaeda. Lực lượng IS dần chiếm ưu thế. Tuy nhiên, nhóm IS sau này bị các lực lượng liên minh quốc tế khống chế, họ thu hẹp và chỉ có khả năng tạo ra những cuộc tấn công nhỏ.

Năm 2015, Nga bắt đầu chiến dịch ném bom để cứu nguy cho chính phủ Assad, và nhất là sự hỗ trợ chiến đấu trực tiếp của lực lượng Hezbollah, một tổ chức được Iran nuôi dưỡng và ủng hộ, đã làm thay đổi tình thế có lợi cho lực lượng của Tổng thống Assad. Tháng 12, lực lượng Assad đã chiếm lại được thành phố Aleppo, nơi từng là căn cứ lớn của quân nổi dậy. Đến thời điểm này quân chính phủ Al Assad được coi như chiến thắng.
Chính quyền Al Assad càng được củng cố, họ nhận được sự hỗ trợ toàn diện của Nga với căn cứ hải quân tại Tartus và căn cứ không quân tại Hmeimim trong lãnh thổ Syria, cộng với sự chống lưng hào phóng của Iran về tiền của và vũ khí, đáng kể là sự tham gia trực tiếp chiến đấu của lực lượng Hezbollah. Với thể chế độc tài tàn bạo và trợ giúp của các thế lực ngoại bang, chính quyền Al Assad tin là sẽ vững như bàn thạch.
Nhưng sau đó xảy ra nhiều sự kiện mà chính nó là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của Al Assad.
- Ngày 28/2/2022 Nga tổng tấn công xâm lược Ukraine với cái gọi là “Chiến Dịch Đặc Biệt”, mục đích để nuốt trọn Ukraine. Putin nghĩ, chỉ trong khoảng vài tuần là hoàn thành chiến dịch nhưng đã gần 3 năm, cuộc chiến chưa kết thúc, nói chính xác là Nga đã sa lầy, đã thất bại chiến lược, chỉ đang chiếm giữ khoảng 20% lãnh thổ Ukraine nhưng trả giá quá đắt, họ đang khô máu cả kinh tế, quân sự và nhân lực. Chỉ một mặt trận này, Nga phải vét mọi nguồn nhân vật lực, còn sức đâu mà lo cho mặt trận khác.
- Ngày 7/10/2023, lực lượng Hamas bất ngờ đột kích Israel, giết chết hơn một ngàn người, bắt làm con tin hơn 240 người. Chỉ vài ngày sau, Israel trả đũa, tổng tấn công vào dải Gaza, săn lùng và tiêu diệt Hamas. Israel hạ sát được nhiều nhân vật cao cấp của Hamas và Iran, đỉnh cao là hạ sát lãnh tụ cao nhất của Hamas là Haniel ngay tại thủ đô Tehran, sau đó là thủ lĩnh Sinwar. Iran bắn hỏa tiễn qua Israel trả đũa, Israel bắn lại, ăn miếng trả miếng nhưng Iran lép vế và ở kèo dưới. Thừa thắng, Israel tấn công sang Liban, mục đích là bóp nghẹt Hezbollah, giết chết thủ lĩnh và hủy diệt hầu hết hạ tầng quân sự của Hezbollah. Trong khi đó, Iran đối diện nhiều khó khăn, từ chính trị đến quân sự, từ cấm vận bên ngoài đến nội tình chính trị trong nước nên có vẻ thúc thủ trước Israel, số phận Hamas như “cá nằm trên thớt”. Hezbollah lâm bước đường cùng, nguồn tài trợ tài chánh đến vũ khí từ Iran bị đứt đoạn. Cuối tháng 11/2024 họ chấp nhận đình chiến với Israel với mục đích duy nhất là mong tồn tại.

Hezbollah vừa ký đình chiến với Israel. Biết thời cơ đã đến, ngày 27/11/2024, cuộc tấn công chớp nhoáng của các lực lượng đối lập bắt đầu nổ ra. Ngày 29/11/2024, Aleppo thất thủ. Ngày 5/12/2024 đến ngày 6/12/2024, lần lượt các cứ điểm phòng thủ ở Hama, Erzour và Palmyra bị đánh bại. Lực lượng đối lập ngay lập tức áp sát Damascus và đến ngày 8/12/2024, Homs và Damascus sụp đổ. Assad đào tẩu qua Nga. Ngày 8/12, truyền hình nhà nước Syria phát thông điệp của lực lượng nổi dậy tại Syria, tuyên bố nhóm này đã tiến vào thủ đô Damascus. Như vậy phe đối lập chỉ mất 11 ngày để chấm dứt cuộc nội loạn kéo dài 13 năm chống lại chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.
Tính từ 7/10/2023, ngày Hamas tổng tấn công Israel đến ngày 8/12, chỉ sau 14 tháng, lịch sử Trung Đông lại một lần nữa sang trang. Quyền lực ở Syria chuyển từ nhóm thiểu số Alawite của ông Assad, một nhánh của dòng Shia, sang nhóm đa số người Ả Rập Sunni của nước này.
Cuộc nổi dậy thành công của Syria đã ảnh hưởng đến các thế lực bên ngoài:
Với Nga, các căn cứ quân sự tại Syria, bao gồm căn cứ hải quân tại Tartus và căn cứ không quân tại Hmeimim, đang đứng trước mối đe dọa. Moscow đang phải dùng tất cả nguồn lực để ứng phó với Ukraine. Thực tế cho thấy Nga không đủ khả năng đối phó cùng lúc hai mặt trận. Với quốc tế vai trò và uy tín Nga sụt giảm thảm hại. Sự kiện Syria, một lần nữa cho thấy Nga thất bại chiến lược và cả địa chính trị khi phải bó tay đứng nhìn đồng minh cốt lõi của mình đang giãy chết. Ngay lúc này có dư luận cho rằng Nga đang thương thuyết với lực lượng nổi dậy để tiếp tục có mặt tại hai căn cứ này nhưng chúng tôi tin rằng họ đang mua thời gian để không phải tháo chạy, để được rút trong danh dự và ảnh hưởng ở Trung Đông của Nga hoàn toàn phá sản khi họ mất đi đồng minh chiến lược.


Với Iran, không những vai trò của họ ở Syria bây giờ đã là con số không, họ lại mất hẳn đường tiếp vận cho lực lượng vệ tinh Hezbollah. Trục kháng chiến mà họ dày công xây dựng với bao tiền của đã gãy đã phá sản. Biết là sẽ bi quan nhưng chúng tôi cũng chẳng biết tương lai của Hamas, Hezbollah bi quan đến mức nào.
Với Trung Cộng, đặt cược lớn vào chế độ độc tài Al Assad khi vừa mới năm ngoái họ tiếp rước linh đình Al Assad, nâng cấp quan hệ lên “đối tác chiến lược toàn diện”, đầu tư hàng chục tỷ dollars…những việc làm này biểu hiện sự ấu trĩ, thiển cận chính trị. Họ trả giá rất đắt, đã mất nhiều, nhưng rồi họ sẽ lại dụ buôn bán, hai bên cùng có lợi... Tàu mà…
Với Israel, họ không những thở phào nhẹ nhõm khi trút được mối lo Hezbollah, mà lại còn “mượn gió bẻ măng”, lợi dụng lúc Syria vô chính phủ, họ hủy diệt hầu hết vũ khí hạng nặng của Syria để ngừa hậu hoạn lại còn chiếm đỉnh cao ở cao nguyên Golan của Syria để tiện bề giám sát sau này.
Với Thổ Nhĩ Kỳ, từ nay Thổ nghiễm nhiên là cường quốc khu vực, lực lượng HTS là lực lượng chính trong cuộc nổi dậy, họ hoàn toàn được Thổ nuôi dưỡng. Tuy nhiên, Thổ vẫn không thoải mái khi lực lượng người Kurd là mục tiêu Thổ muốn xóa sổ thì lại là đồng minh chí cốt của Mỹ. Biết sẽ sao đây.
Với Mỹ, giấu mặt và “tọa sơn quan hổ đấu”, họ ủng hộ lực lượng người Kurd, lực lượng này chiếm giữ phần béo bở nhất của Syria với các mỏ dầu nhiều trữ lượng ở Đông Bắc và lực lượng Syria Tự Do. Muốn đoán gì thì cũng phải nhìn vào Tổng thống đắc cử. Ông Donald Trump đã nói rõ, ông muốn tránh xa căng thẳng ở Syria khi lên nắm quyền. Ông nhấn mạnh: "Đây không phải là cuộc chiến của Mỹ. Đừng dính líu vào nó" trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social ngày 7/12.
Hoa Kỳ là cường quốc số một, là siêu cường duy nhất của thế giới, họ đủ sức mạnh để răn đe kềm chế các lực lượng, nếu thiếu Mỹ, các nhóm vũ trang tranh giành, bất mãn sẽ phát sinh nhiều hành động vượt ngoài kiểm soát, cuộc nổi dậy suốt 13 năm chống lại chính quyền của ông Bashar al-Assad có thể đã kết thúc nhưng nội chiến Syria lại có thể khởi phát và nguy nhất là lực lượng IS lại có thể tái sinh. Chúng tôi tin rằng, Mỹ sẽ lợi dụng con ngáo ộp IS để can thiệp vào nội tình Syria khi nào họ thấy cần.
Ông Trump nói thì nói thế, chứ ở nhiệm kỳ 1, khi IS trổi dậy quá mạnh, chính ông là người cho lệnh hủy diệt chúng đấy thôi. Đừng quên, trong chiến dịch tranh cử, ông Trump hàm ý rằng cuộc chiến ở Syria không phải là một trong những ưu tiên của chính phủ ông, chính quyền của ông sẻ chỉ tập trung vào chiến đấu chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS).
Chúng tôi vừa biết tin lực lượng Mỹ đang ung dung tiến vào tiếp quản một căn cứ quân sự lớn tại Syria mà Nga vừa tháo chạy.

Trở lại nội tình Syria, xét thực lực, không bên nào có khả năng đánh bại bên kia nên cách duy nhất để chấm dứt nội chiến là các bên phải ngồi xuống tìm một giải pháp chính trị. Người dân Syria tin rằng một kỷ nguyên dân chủ cho đất nước họ đang hình thành nhưng đây lại là chỉ dấu, mỗi nhóm phiến quân phải đoạt được những vị trí trong chính quyền mới, biết vị trí nào mới là tương xứng, mới khả dĩ chấp nhận?. Hay là lại phải dùng đến vũ lực để phân định thứ ngôi.
Liên minh các lực lượng nổi dậy Syria ngày 8/12 cho rằng cần 18 tháng để "thiết lập môi trường an toàn, trung lập và bình ổn" trước khi tổ chức bầu cử để người dân chọn ra lãnh đạo mới. Đây là quãng thời gian tiềm ẩn nhiều bất ổn, khi các phe phái cùng những thế lực nước ngoài hậu thuẫn họ bắt đầu "phân chia miếng bánh". Sự sụp đổ của chính quyền Assad đã mở ra một cơ hội quan trọng mà bất cứ thế lực bên ngoài nào cũng muốn lợi dụng để gia tăng ảnh hưởng cho mình. Cuộc xung đột ở Syria đang trở thành một "cuộc chiến tranh đại diện" cho các đối thủ trong khu vực.
Tuy là một chiến thắng lớn, nhanh chóng của liên minh các nhóm nổi dậy, nhưng sau khi họ đạt được mục tiêu chung, phân hóa sẽ bắt đầu. Bây giờ còn quá sớm để nói trước mọi chuyện sẽ diễn ra như thế nào nhưng chắc chắn sự hỗn loạn ở Syria sẽ xảy ra.
Chúng tôi tin rằng, chỉ có Hoa Kỳ, một siêu cường duy nhất của thế giới mới có đủ khả năng để nối kết các nhóm nổi dậy hoặc trừng phạt nếu cần. "Cây Gậy Và Củ Cà Rốt" là chiêu thức quen thuộc của Mỹ nói chung và là ngón sở trường của Tổng Thống đắc cử Donald Trump nói riêng.
Chưa bao giờ thế giới lại cần đến sự lãnh đạo của Hoa Kỳ như lúc này.

Không có nhận xét nào: