Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 17 tháng 12, 2024

Giới Thiệu Vài Sinh Hoạt Giáng Sinh 2024 Tại San Joe Và Kính Chuyển Tin Thế Giới Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


Giới Thiệu Sinh Hoạt Giáng Sinh 2024:
Chiều (Ca Nguyện) Thánh Ca “Emmanuel!”
Tổng Hợp với gần hàng chục ca đoàn các Giáo Xứ San Jose, cùng cất lên lời ca “Vinh Danh Thiên Chúa Trên Trời!”
Lúc 7 giờ tối Thứ Bảy, ngày 21 tháng 12/2024
Tại Nhà Thờ Chúa Ba Ngôi
2040 Nassau Dr, Ca 95122
(408) 729-0101
<!>



VTLV THÔNG BÁO TIN GIÁNG SINH

MERRY CHRISTMAS!


Kính tất cả quý vị Tiền bối, thành viên, và thân hữu VTLV,
BBT VTLV đã tạo trang Đặc Biệt dành cho Giáng Sinh 2024. Kính mời quý vị tham gia gửi bài vở thơ văn... về tham gia để chúng ta cùng nhau mừng Giáng Sinh cho rộn rã và ấm áp... Nữ văn thi sĩ Cao Mỵ Nhân và nữ ký giả kỳ cựu Kiều Mỹ Duyên, hai vị tiền bối đã "mở hàng" rồi, chúng ta còn chờ gì mà không ....vát bút lên để mừng Chúa giáng trần?


Kính mời quý vị ghé vào thưởng thức:
Trân trọng cám ơn nhị vị tiền bối Cao Mỵ Nhân và Kiều Mỹ Duyên đã gửi bài cho trang Đặc Biệt.
Kính chúc buổi tối an lành tới mọi người
BBT VTLV

Bài vở làm ơn gửi cho:


Hình Ảnh Ông Già Noel Phát Quà và Bao Lì Xì Cho Các Gia Đình Lợi Tức Thấp, Tại Thư Viện Tully, Chủ Nhật Vừa Qua:




Năm mới có gì lạ? Trình tự lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Trump, Tổng Thống Hoa Kỳ thứ 47!


(Tổng thống Donald Trump phát biểu trong Lễ nhậm chức Tổng thống lần thứ 45 tại Điện Capitol Hoa Kỳ ở Washington, ngày 20 tháng 1 năm 2017.)
-Ông Donald Trump sẽ chính thức tuyên thệ nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ vào ngày 20/1/2025, đánh dấu nhiệm kỳ thứ nhì của ông và ghi dấu một trong những cú lội ngược dòng đáng kinh ngạc nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Ngày nhậm chức, theo truyền thống, chủ yếu dành cho các nghi thức trọng thể. Một tổng thống rời khỏi Tòa Bạch Ốc, và một tổng thống khác bước vào. Tuy nhiên, ông Trump cũng cam kết sẽ ký một loạt sắc lệnh hành pháp về các vấn đề từ an ninh biên giới đến sản xuất dầu khí ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức.

Thời điểm tuyên thệ
Ông Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức, có thể dưới sự chủ trì của Chánh án Tòa án Tối cao Hoa Kỳ John Roberts, vào lúc 12 giờ trưa (giờ miền Đông Hoa Kỳ) trước tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ.
Sau đó, ông sẽ phát biểu tại lễ nhậm chức. Trong các cuộc phỏng vấn, ông cho biết bài phát biểu này sẽ mang tính khích lệ và đoàn kết, đánh dấu sự thay đổi so với bài phát biểu nhậm chức đầu tiên hồi năm 2017, khi ông mô tả một nước Mỹ đổ nát mà ông gọi là “Thảm cảnh nước Mỹ”.
Tổng thống mãn nhiệm, ông Joe Biden thuộc đảng Dân chủ, cho biết ông dự định tham dự buổi lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Trump và chứng kiến việc chuyển giao quyền lực, một hành động mà ông Trump đã không thực hiện với ông Biden bốn năm trước.
Hàng ngàn khán giả không có vé dự kiến sẽ tập trung tại trung tâm thủ đô Washington để theo dõi buổi lễ qua các màn hình lớn.

Ai được mời?
Ông Trump đã phá vỡ tiền lệ khi mời một số lãnh đạo nước ngoài tham dự lễ nhậm chức. Lịch sử cho thấy, các lãnh đạo quốc tế thường không tham dự do lo ngại về an ninh và thay vào đó phái các nhà ngoại giao thay mặt.
Tổng thống Argentina, Javier Milei, một ủng hộ viên mạnh mẽ của ông Trump, cho biết ông sẽ tham dự. Một ủng hộ viên khác của ông Trump, Thủ tướng Hungary Viktor Orban, cho biết đang cân nhắc tới dự.
Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, mặc dù đã được mời, nhưng dự kiến sẽ không tham dự.
Cuộc diễn hành tới Tòa Bạch Ốc
Sau bữa trưa với các lãnh đạo quốc hội tại Tòa nhà Quốc hội, ông Trump sẽ di chuyển xuống Đại lộ Pennsylvania trong đoàn xe diễn hành tới Tòa Bạch Ốc, được tháp tùng bởi các đơn vị quân đội, các dàn nhạc của trường học, xe diễu hành và các nhóm công dân. Tổng thống mới và khách mời của ông sẽ quan sát phần còn lại của cuộc diễu hành từ một khu vực quan sát đặc biệt.

Bắt tay vào việc
Ông Trump đã cam kết ngay trong buổi chiều sau lễ nhậm chức sẽ ký hơn hai chục sắc lệnh hành pháp, những chỉ thị không cần sự phê duyệt của Quốc hội, nhằm đảo ngược nhiều chính sách của chính quyền Biden.
Ông dự kiến sẽ ký các sắc lệnh cho phép các nhân viên di trú có thêm quyền hạn trong việc bắt giữ di dân bất hợp pháp, gửi thêm binh sĩ đến biên giới Mỹ-Mexico và tái khởi động việc xây dựng tường biên giới.
Các sắc lệnh này cũng sẽ bao gồm một chiến lược nhằm tăng sản xuất năng lượng, thực hiện cam kết của ông trong chiến dịch tranh cử.
Ông Trump cũng có thể sẽ ban hành làn sóng ân xá đầu tiên đối với các bị cáo bị kết án bởi chính quyền liên bang vì tham gia cuộc tấn công vào tòa nhà Quốc hội Mỹ hôm 6/1/2021.

Dạ vũ ăn mừng
Một loạt các buổi gala ăn mừng lễ nhậm chức sẽ được tổ chức tại các địa điểm khác nhau ở Washington vào tối hôm đó và ông Trump có thể sẽ dự một số sự kiện.
Các sự kiện chính thức này được tài trợ bởi ủy ban phụ trách lễ nhậm chức của ông Trump, do những người bạn lâu năm của ông, Steve Witkoff, một nhà phát triển bất động sản, và Kelly Loeffler, một cựu thượng nghị sĩ Mỹ, làm chủ tịch. Công ty Amazon do Jeff Bezos sáng lập và công ty Meta do Mark Zuckerberg lãnh đạo mỗi nơi đã cam kết sẽ quyên tặng 1 triệu đô la cho ủy ban này.
Các khoản quyên góp lớn cho ủy ban phải được báo cáo với Ủy ban Bầu cử Liên bang.
Ông Trump đã huy động được con số kỷ lục là 106,7 triệu đô la cho các hoạt động ăn mừng lễ nhậm chức của mình vào năm 2017.


Số phận bấp bênh, đầy lo âu của Di Dân ở Mễ Tây Cơ, Sau Khi Ông Trump Tái Đắc Cử Tổng Thống Mỹ


(Ảnh ghép của Rodrigo Oropeza & Jeff Kowalsky / AFP: Tổng thống tân cử Hoa Kỳ Donald Trump (phải) và Tổng thống Mễ Tây Cơ Claudia Sheinbaum.)
-Trang nhất của nhật báo Công giáo La Croix ra ngày 16/12/2024 chú ý đến việc kể từ khi ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ hôm 6/11, số phận của những di dân ở Mễ Tây Cơ trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết. Chủ nhân tương lai của Tòa Bạch Ốc đã cam kết sẽ trục xuất hàng triệu di dân bất hợp pháp ngay khi nhậm chức vào ngày 20/1/2025.
Vidal Berroteran, một thanh niên 21 tuổi người Venezuela, không quan tâm đến những lời đe dọa này. Đang có mặt ở một khu vực hoang vắng, cách thủ đô Mexico City của Mễ Tây Cơ 60 cây số về phía Bắc, chàng trai này đang chờ một chuyến tàu hàng sẽ đi qua trong vài tiếng đồng hồ nữa, để đu lên tàu và di chuyển đến miền Bắc Mễ Tây Cơ, rồi từ đó sẽ tìm cách vượt biên trái phép sang Hoa Kỳ.

Ông Donald Trump đã tuyên bố sẽ trục xuất gần 11 triệu di dân bất hợp pháp, nhưng Vidal nghĩ điều này là không thể, vì những người này đang làm những công việc mà người Mỹ không muốn làm. Nhiều chuyên gia cho rằng chiến dịch trục xuất hàng loạt của Trump sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ.
Giờ đây, việc cấp bách đối với di dân là đến được Mỹ trước tháng 1/2025. Nhiều cơ sở trú ẩn dành cho di dân ở Mexico City đang ngày một vắng dần. Nhiều người quyết định rời khỏi thành phố và vượt biên trái phép. Họ lo sợ những ứng dụng như CPB One, cho phép họ nộp đơn xin tị nạn tại Hoa Kỳ, sẽ biến mất, và những tin đồn về việc bị bắt giữ ở biên giới cũng khiến họ ngày càng lo lắng.
Còn ở miền Nam Mễ Tây Cơ, ít nhất 5 đoàn người di cư đã được hình thành kể từ khi họ hay tin Donald Trump sẽ trở lại Tòa Bạch Ốc. Mặc dù các cơ quan di trú Mễ Tây Cơ thường xuyên giải tán những đoàn người này, di dân vẫn quyết tâm đến được Hoa Kỳ. Tổng thống Claudia Sheinbaum đã hứa sẽ tiếp nhận lại những công dân Mễ Tây Cơ bị Hoa Thịnh Ðốn trục xuất, nhưng không nói rõ sẽ làm gì với di dân từ các quốc gia khác. Trong khi đó, Vidal vẫn tiếp tục mơ về một cuộc sống ở Mỹ.


Hồi hộp! Du học sinh Việt đánh lô tô! chờ đón chính quyền Trump với tâm trạng ‘vừa âu lo vừa hy vọng!’


(Cổng trường Đại học Harvard, nơi có nhiều sinh viên quốc tế theo học)
-Du học sinh Việt Nam thể hiện tâm trạng vừa lo lắng với chính sách di dân thắt chặt vừa hy vọng có cơ hội tốt hơn để làm việc ở Mỹ trong lúc chính quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump sắp nhậm chức vào đầu năm sau, theo tìm hiểu của VOA.
‘Nước Mỹ trước hết’
Với những chính sách di dân trong nhiệm kỳ đầu tiên vốn tìm cách hạn chế nguồn cung lao động cạnh tranh công việc với người dân Mỹ và lập trường di dân mang tính bảo thủ khi tranh cử của ông Trump, chính quyền Trump trong nhiệm kỳ sắp tới được dự đoán sẽ khiến các du học sinh quốc tế, trong đó du học sinh Việt Nam, gặp nhiều khó khăn trong tìm việc và ở lại Mỹ.
“Mối quan ngại lớn nhất của tôi là việc cản trở sinh viên và học giả quốc tế đến Hoa Kỳ,” ông Dan Berger thuộc hãng luật chuyên về di trú Green & Spiegel được Forbes dẫn lời nói trong bài báo có tiêu đề ‘Kế hoạch di dân của ông Trump làm đảo lộn sinh viên và những người xin hồ sơ di trú’ được đăng trên Forbes hôm 4/11.
“Dưới chính quyền Trump trước đây, quy trình xin thị thực đã trở nên khó khăn hơn, với thời gian xử lý hồ sơ kéo dài hơn, kiểm tra an ninh lâu hơn và nhiều câu hỏi hơn,” ông chỉ ra.
“Chính quyền Trump mới có thể sẽ tìm cách bóp chặt thị thực làm việc H-1B theo nhiều cách khác nhau, bao gồm tỷ lệ bác bỏ cao hơn, thời gian xử lý lâu hơn và đưa ra các yêu cầu về điều kiện khắt khe hơn,” giáo sư Stephen Yale-Loehr của Trường Luật Cornell, được Forbes dẫn lời nói. “Do xin thị thực H-1B là cách thức phổ biến mà sinh viên quốc tế có thể ở lại và làm việc tại Mỹ sau khi học xong, bất kỳ hạn chế nào về thị thực H-1B sẽ khiến họ thêm lo lắng, đến mức họ ít có khả năng đến Mỹ học ngay từ lúc đầu.”

Bài báo của Forbes nhắc lại chính quyền Trump nhiệm kỳ trước đã tìm cách hạn chế chương trình Optional Practical Training, hay còn được gọi là OPT, tức là Đào tạo Thực tập Tùy chọn, vốn cho phép du học sinh được ở lại Mỹ thực tập trong ngành mình học trong vòng 12 tháng trong khi chính quyền Barack Obama trước đó đã ra quy định cho phép du học sinh các ngành khoa học, kỹ thuật (STEM) được gia hạn OPT thêm 24 tháng.
Trong nhiệm kỳ đầu, chính quyền Trump từng đề xuất một số hạn chế đối với sinh viên quốc tế, trong đó có thắt chặt quy định về việc các du học sinh hết hạn giấy tờ ‘ở lại Mỹ bất hợp pháp’, giới hạn việc học tập ở Mỹ trong khung thời gian cố định.
Bộ Lao động của chính quyền Trump hồi năm 2020 cũng ra quy định yêu cầu chủ sử dụng lao động phải trả cho sinh viên nước ngoài mức lương tối thiểu bắt buộc cao đến mức họ rất khó được lọt vào thị trường lao động Mỹ.
‘Có chút lo lắng’
VOA đã hỏi chuyện anh Huy N., một du học sinh Việt Nam tốt nghiệp ngành kế toán tại Texas Christian University hồi năm 2019. Anh Huy may mắn nằm trong số 20% trúng xổ số thị thực H-1B trong số khoảng 80.000 hồ sơ mỗi năm để ở lại Mỹ làm việc trong thời gian 6 năm. Hiện tại, thị thực H-1B của anh chỉ còn hạn 1,5 năm nhưng công ty của anh đã bảo lãnh xin thẻ xanh cho anh cách nay ba tháng.

“Tôi hy vọng mình sẽ có thẻ xanh trong khoảng thời gian một năm rưỡi đó để có thể tiếp tục đi làm ở Mỹ,” Huy nói với VOA từ New York, nơi anh làm việc cho một công ty về dữ liệu có tên là Deep Data.
Anh Huy bày tỏ lo lắng dưới chính quyền mới của ông Trump, hồ sơ xin thẻ xanh của anh ‘có thể sẽ bị xét duyệt lâu hơn’ so với quy trình hiện tại là khoảng 18 tháng.
“Nếu trong vòng 18 tháng nữa mà tôi vẫn chưa có thẻ xanh (khi đó thị thực H-1B sẽ hết hạn) thì tôi cũng phải tính đến công việc của mình và giấy tờ của mình làm sao để có thể ở lại Mỹ một cách hợp pháp,” anh nói và cho biết một phương án mà anh đang tính đến là xin visa đi học lên cao học để có thêm thời gian ở lại Mỹ.
Do hồ sơ xin thẻ xanh của anh là do công ty hiện thời bảo lãnh nên trong thời gian chờ đợi có thẻ xanh, Huy không thể chuyển sang công ty khác. Một rủi ro khác là nếu bị công ty đột ngột sa thải trong lúc vẫn chưa có thẻ xanh, anh sẽ khó lòng kiếm việc ở một công ty khác và được công ty này đồng ý tiếp tục bảo lãnh thẻ xanh, anh trình bày với VOA.
“Trong thời gian sắp tới việc các công ty Mỹ tuyển dụng du học sinh quốc tế sẽ khó hơn, nhất là đối với tôi khi visa H-1B chỉ còn một năm rưỡi,” anh dự đoán.

Tuy nhiên, Huy phân tích khả năng công ty sẽ sa thải anh để tuyển dụng một công dân Mỹ thay vào chỗ anh theo chính sách ‘Nước Mỹ trên hết’ của ông Trump là khá thấp, vì, theo anh lập luận, nếu công ty anh bị buộc phải làm như vậy, họ sẽ đối phó bằng cách ‘outsourcing’, tức là giao công việc đó cho nước ngoài làm luôn thay vì phải tuyển một người Mỹ để giảm thiểu chi phí nhân sự.
Anh cho biết trong thời gian ông Trump sắp tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ hai, công ty đã khuyên là anh nên hạn chế ra khỏi nước Mỹ trong thời gian này, kể cả về Việt Nam thăm gia đình, để tránh rủi ro không được vào Mỹ trở lại, rút kinh nghiệm từ lệnh cấm vào Mỹ đối với sinh viên một số nước trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump.
Nhìn chung, khi nhiệm kỳ hai của ông Trump sắp đến, Huy N. nói anh ‘có chút lo lắng’ vì ‘có nhiều điều bất ngờ sắp tới’ nhưng anh tin rằng bản thân ‘vẫn còn nhiều cơ hội ở phía trước nếu mình thực sự có khả năng’.
Kiếm việc dễ hơn?
Khi được hỏi về kỳ vọng về nhiệm kỳ sắp tới của ông Trump, một du học sinh Việt Nam khác là anh Vương Quang Tú đã nhắc đến những chính sách được áp dụng trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông ‘có ảnh hưởng không tốt đối với những sinh viên quốc tế như chúng tôi’, chẳng hạn như có những quy định khiến các sinh viên khá khó khăn khi tìm kiếm việc làm tại Mỹ cũng như khiến các công ty khá e ngại trong việc tuyển sinh viên quốc tế vào một số vị trí mà trước đó họ từng tuyển rất nhiều.

Anh Tú, vốn học chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh, tức MBA, tại Đại học Boston, trao đổi với VOA cũng từ New York, nơi anh làm về tài chính cho một công ty công nghệ. Anh Tú ở lại Mỹ làm việc theo chương trình OPT với thời hạn 3 năm kể từ ngày anh tốt nghiệp.
Không được may mắn như anh Huy, hồi năm ngoái anh Tú có tham gia xổ số H-1B nhưng không trúng, anh cho biết sẽ tiếp tục tham gia chương trình này để có được thị thực H-1B làm việc ổn định hơn một khi OPT hết hạn.
Theo lời anh thì công ty anh đã bắt đầu bảo lãnh xin thẻ xanh cho các nhân viên là du học sinh quốc tế không trúng thị thực H-1B nhưng họ ‘chưa xác nhận gì’ với trường hợp của anh. Anh nói sẽ cố gắng thuyết phục công ty bảo lãnh thẻ xanh cho mình, ngay cả khi điều đó có nghĩa là họ sẽ chuyển anh sang chi nhánh ở một nước khác làm việc trong một thời gian.
Khác với Huy, anh Tú tỏ thái độ khá lạc quan về chính sách di trú của ông Trump. Anh cho rằng chính quyền mới của ông Trump ‘sẽ tập trung giải quyết vấn đề nhập cư bất hợp pháp’ chứ không phải các du học sinh quốc tế.
“Đa phần các du học sinh như tôi đều đến nước Mỹ và thực hiện thủ tục nhập cư, quy trình nhập cư theo cách rất cơ bản… Và đây cũng là quy trình mà tôi nghĩ chắc chắn không phải bất hợp pháp,” anh khẳng định.
Mặt khác, anh chỉ ra rằng xuyên suốt lịch sử nước Mỹ, những người nhập cư có trình độ, có tay nghề cao đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển của nước Mỹ nên anh bày tỏ hy vọng rằng sau nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump ‘sẽ thấy nên có những chính sách bảo đảm quyền lợi của nhóm người nhập cư này bởi đó cũng chính là vì lợi ích của nước Mỹ’.

Về việc chính quyền Trump sẽ ưu tiên công ăn việc làm cho người dân Mỹ, anh Tú nói rằng anh ‘không lo lắng’ vì những chương trình thị thực việc làm như H-1B trước giờ vẫn xác định đối tượng rất rõ ràng là những sinh viên quốc tế có năng lực tốt trong khi các công ty Mỹ không thể tuyển được người phù hợp trong số các công dân Mỹ.
“Tất nhiên sẽ có những ngành nghề nhất định sẽ phải chịu áp lực tuyển dụng thêm người Mỹ và sự cạnh tranh có thể tăng lên nhưng đối với đa số các ngành nghề nói chung thì tinh thần từ trước đến nay là các du học sinh đã phải cạnh tranh rất nhiều với người Mỹ nên tôi nghĩ là nếu có cam go thêm một chút nữa thì các du học sinh hoàn toàn có thể thích nghi được,” anh bày tỏ.
Đánh giá tổng quan, Tú cho rằng việc ông Trump lên làm tổng thống ‘sẽ tốt hơn cho du học sinh’ trong vấn đề tìm kiếm việc làm để ở lại Mỹ.
“Cá nhân tôi luôn nhìn nhận vấn đề theo hướng liên quan đến lợi ích kinh tế. Đối với du học sinh thì vấn đề quan tâm nhất là phải có một công việc tốt, mà các công việc tốt dành cho du học sinh chỉ có thể có nhiều khi mà nền kinh tế phát triển. Khi người dân Mỹ bầu cho ông Trump thì họ đều có mong muốn rất lớn là nền kinh tế của nước Mỹ sẽ có những thay đổi,” anh lập luận.
Anh Tú nhắc lại một bài phỏng vấn ông Trump hồi tháng 6, khi đó ông nói rằng du học sinh đến Mỹ học hành và tốt nghiệp ‘đều xứng đáng được cấp thẻ xanh để ở lại’ là tín hiệu cho thấy chính sách của ông đối với du học sinh sẽ ‘thay đổi trong nhiệm kỳ hai’.

Tuy nhiên, Tú cho biết đã cân nhắc cho trường hợp xấu nhất là kinh tế nước Mỹ đi xuống, anh không tìm được công việc hay chính sách của Trump khiến anh không thể ở lại Mỹ làm việc thì anh sẽ ‘tìm cơ hội tốt hơn ở nơi khác như châu Âu, các nước đông nam Á hay trở về Việt Nam, chứ không nhất thiết ở lại Mỹ’.
Nội các nhiều di dân
Từ Đại học Columbia, New York, một du học sinh Việt Nam đang học năm cuối ngành khoa học máy tính, cũng bày tỏ với VOA sự lạc quan về cơ hội tìm kiếm việc làm nếu kinh tế nước Mỹ đi lên trong nhiệm kỳ sắp tới của ông Trump.
“Nếu kinh tế nước Mỹ đi lên, thì nhu cầu tuyển dụng ngày càng tăng lên. Còn nếu kinh tế Mỹ đi xuống thì có mở rộng cơ hội việc làm cho sinh viên quốc tế đi nữa thì cũng không có ý nghĩa gì hết,” sinh viên, tên H., nói với VOA với điều kiện ẩn danh và cho biết theo quan sát của anh, tình hình tuyển dụng các sinh viên mới ra trường ở Mỹ ‘có vẻ khá ảm đạm’.
H. chỉ ra trong thành phần nội các mới của ông Trump có những nhân vật nổi bật là di dân đến Mỹ lập nghiệp, điển hình như tỷ phú Elon Musk hay như David Sacks, người được ông Trump chỉ định phụ trách lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và tiền ảo.
“Những người này rất ủng hộ di dân và tôi khá lạc quan về ảnh hưởng của họ đối với chính sách của ông Trump,” anh bày tỏ và cho biết công ty Tesla của tỷ phú Elon Musk và các công ty công nghệ ‘đã tuyển dụng rất nhiều người có visa H-1B’.
“Nếu mà họ cảm thấy là người nước ngoài làm việc tốt hơn trong nước tại thời điểm đó thì họ sẽ tuyển, không thì thôi.”
Anh H dự tính sẽ học tiếp lên cao học đồng thời ‘sẽ nhìn ngó xem có cơ hội ngoài thị trường việc làm hay không’.

Anh nói với VOA anh tin rằng nếu tìm việc ở Mỹ trong vòng 4 năm tới thì cơ hội của anh sẽ ‘không hề khó khăn hơn’.
“Chính sách nhập cư và chính sách việc làm của Trump đối với sinh viên quốc tế dựa trên nhu cầu của nước Mỹ tại thời điểm đó. Thời điểm Trump nên làm tổng thống năm 2016 và thời điểm bây giờ là hai nền kinh tế hoàn toàn khác nhau với nhu cầu tuyển dụng khác nhau,” anh giải thích và cho rằng yêu cầu về mức lương tối thiểu cho các sinh viên quốc tế của chính quyền Trump ‘thật sự không quá cực đoan’.
Mặc dù có thực tế là một du học sinh quốc tế có thể bị tác động bởi các chính sách di trú và việc làm của chính quyền Trump, nhưng H. cho rằng ông Trump ‘làm đúng’.
“Nếu có rất nhiều người Mỹ chật vật trong cuộc sống cá nhân của họ, họ không có nhiều công việc làm, thì mình mời những người nhập cư đến để làm những công việc của họ thì điều đó không công bằng với người Mỹ,” anh lý giải và cho rằng nếu tình hình kinh tế Mỹ tốt hơn thì chính quyền Trump ‘sẽ nới lỏng vấn đề nhập cư hơn’.
Khi được hỏi có lo ngại gì về chương trình OPT mà anh sẽ xin sắp tới hay không, du học sinh này cho rằng anh ‘chưa nghĩ đến việc này’ vì còn 6 tháng nữa mới xin OPT.
Tuy nhiên, anh nói nếu bị ảnh hưởng nặng bởi những chính sách di trú - việc làm của chính quyền Trump thì anh ‘sẽ rất buồn’ nhưng anh cho rằng điều đó ‘không có nghĩa là không tốt với người dân Mỹ’.
Theo số liệu của trang thống kê Statista, trong năm học 2022-2023 Việt Nam có 21.900 sinh viên đang theo học tại các trường đại học ở Mỹ, xếp thứ 5 sau các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Canada.


Chuyện lạ! Trump, Ngũ Giác Đài tranh cãi về các máy bay không người lái xuất hiện trên bầu trời Mỹ!


-Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump hôm 16/12 cho rằng quân đội Mỹ ‘vì lý do nào đó’ đang giữ bí mật về các chi tiết liên quan đến các máy bay không người lái bay qua bầu trời miền Đông Hoa Kỳ, nhưng Ngũ Giác Đài đã nhanh chóng bác bỏ tuyên bố của ông.
“Quân đội của chúng ta biết… có điều gì đó lạ đang xảy ra,” ông Trump nói với các phóng viên trong cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi ông tái đắc cử vào Tòa Bạch Ốc cho nhiệm kỳ bốn năm bắt đầu vào tháng tới.
Sau khi ông Trump phát biểu, Thiếu tướng Không quân Pat Ryder, phát ngôn viên của Ngũ Giác Đài tuyên bố với báo giới “không có bằng chứng nào tại thời điểm này cho thấy các báo cáo về việc phát hiện máy bay không người lái đe dọa tới an ninh quốc gia hay an toàn công cộng, hoặc có mối liên hệ với nước ngoài.”
“Chúng tôi cũng cam kết sẽ cung cấp càng nhiều thông tin càng nhanh càng tốt về vấn đề này,” ông nói.

Quân đội Mỹ có lý do để không bắn hạ các máy bay không người lái, vẫn theo lời ông Ryder. Ông đưa ra một “sự so sánh không chặt chẽ” rằng “một ngày nào đó, một chiếc xe hoặc một xe tải không được phép mà họ lại tiếp cận cổng của một căn cứ, thường là do tai nạn,” và rằng “99% là những chiếc xe đó sẽ bị từ chối cho vào mà không xảy ra sự cố gì.”
“Điều cần lưu ý là việc bay máy bay không người lái không phải là bất hợp pháp,” ông Ryder nói. “Có hàng ngàn chiếc máy bay không người lái bay xung quanh Hoa Kỳ mỗi ngày. Không có gì bất thường khi thấy máy bay không người lái trên bầu trời, cũng không phải là dấu hiệu của hoạt động xấu hoặc mối đe dọa an toàn công cộng.”
Trong suốt nhiều tuần qua, cư dân ở bang New Jersey, giáp ranh với thành phố New York, và các bang khác ở phía bắc và nam dọc theo bờ biển Đại Tây Dương đã báo cáo nhìn thấy hơn 5.000 chiếc máy bay không người lái, một con số mà các quan chức Mỹ cho rằng đã bị phóng đại quá mức.
Họ cho rằng hầu hết các máy bay không người lái bị cáo giác đó thực ra là máy bay có người lái, và rằng chưa tới 100 trong số các vụ này cần được điều tra thêm.
Mọi loại thuyết âm mưu đã được đưa ra để giải thích hiện tượng này, bao gồm việc các quốc gia nước ngoài điều khiển máy bay không người lái và triển khai các máy bay không người lái được phóng từ Iran từ một tàu mẹ đặt ngoài khơi vùng biển phía Đông Hoa Kỳ.

Trong những ngày gần đây, các quan chức thuộc cả đảng Cộng hòa và Dân chủ đã kêu gọi chính quyền Tổng thống Joe Biden cung cấp thông tin rõ ràng hơn về những gì họ biết về các máy bay không người lái này. Đại diện đảng Cộng hòa Michael Waltz của bang Florida, người sẽ trở thành cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump khi ông Trump trở lại Tòa Bạch Ốc vào ngày 20/1, nói trong chương trình ‘Face the Nation’ của CBS hôm 15/12 rằng: “Chúng ta cần làm rõ chuyện này.”

Trong cuộc họp báo kéo dài một giờ hôm 16/12, ông Trump đã đề cập đến nhiều vấn đề khác nhau.
Ông cho biết sự đón chào từ các lãnh đạo thế giới đối với ông lần này rất khác biệt so với năm 2017, sau chiến thắng tổng thống đầu tiên của ông. “Thực sự, nó hoàn toàn trái ngược với thái độ thù địch. Họ gọi cho tôi,” ông nói. “Tôi đã nói chuyện với hơn 100 quốc gia.”
Ông cho biết ông đang làm hết sức mình để ngừng cuộc chiến kéo dài gần ba năm của Nga ở Ukraine, và rằng ông sẽ tiếp tục các cuộc trò chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy về việc ngừng chiến sự.
Ông nói phần lớn Ukraine là ‘một bãi hoang tàn’ do các cuộc tấn công của Nga. “Mọi người không thể quay lại đó.”
Ông cũng chỉ trích các phương tiện truyền thông của Mỹ là ‘rất tham nhũng’ sau khi ông giành được một khoản bồi thường 15 triệu đô la trong vụ kiện phỉ báng nhắm vào đài ABC News vào cuối tuần qua. Ông cho biết sẽ khởi kiện các phương tiện truyền thông khác và các nhà báo đơn lẻ vì những gì ông cho là tường thuật sai sự thật, dù ông đã thua các vụ kiện khác liên quan đến truyền thông.
Tổng thống đắc cử cũng nhắc lại kế hoạch áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ một số đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ.
“Thuế nhập khẩu sẽ làm cho đất nước chúng ta giàu có,” ông khẳng định, mặc dù các nhà nhập khẩu là bên phải trả phí cao hơn rồi sau đó nâng giá thành để rồi túi tiền của người tiêu dùng sẽ bị tổn hao hơn.


Tin không vui, trong những ngày cuối năm! Thiếu nữ bắn chết bạn học và giáo viên tại trường ở Wisconsin


(Trường Abundant Life Christian, nơi xảy ra vụ xả súng.)
-Một thiếu nữ 15 tuổi hôm 16/12 đã nổ súng tại một trường học ở tiểu bang Wisconsin, bắn chết một bạn học và một giáo viên và làm bị thương sáu người khác trước khi tự sát bằng súng lục, cảnh sát cho biết.
Vụ nổ súng xảy ra tại một giảng đường dành cho học sinh nhiều cấp khác nhau vào khoảng trước 11 giờ sáng tại Trường Abundant Life Christian, nơi có 420 học sinh từ mẫu giáo đến lớp 12.
Thiểu nữ nổ súng là một học sinh tại trường, được cảnh sát xác định là Natalie Rupnow, còn được gọi là Samantha.
Một học sinh lớp hai, thường vào khoảng 7 hoặc 8 tuổi, đã gọi vào 911 để thông báo về vụ nổ súng tại trường, Cảnh sát trưởng Madison Shon Barnes cho biết tại một cuộc họp báo.

Hai người bị bắn chết là một học sinh ở độ tuổi thiếu niên và một giáo viên, ông Barnes nói mà không nêu tên nạn nhân.
Hai học sinh bị thương đang trong tình trạng nguy kịch với những vết thương đe dọa tính mạng, trong khi một giáo viên khác và ba học sinh khác bị thương và được tiên lượng là sẽ sống sót.
Xả súng trong trường học xảy ra thường xuyên ở Hoa Kỳ, với 322 vụ trong năm nay, theo dữ liệu của trang web K-12 School Shooting Database.
Theo số liệu này, đây là tổng số vụ cao thứ hai trong bất kỳ năm nào kể từ năm 1966 - chỉ đứng sau tổng số 349 vụ xả súng như vậy hồi năm ngoái.
Vụ xả súng hôm 16/12 là một lần hiếm hoi thủ phạm là một thiếu nữ. Các nghiên cứu cho thấy chỉ có khoảng 3% trong số tất cả các vụ xả súng hàng loạt ở Hoa Kỳ là do phụ nữ gây ra.
Hiện vẫn chưa rõ động cơ của vụ này. Ông Barnes cho biết cha mẹ của thủ phạm đang hợp tác với cuộc điều tra mà không tiết lộ chi tiết là họ đã nói những gì.


Tin Quốc Tế Đó Đây
Syria: Phương Tây Bắt Đầu "Tiếp Xúc" Trực Tiếp Với Chính Quyền Mới ở Damascus


(Hình REUTERS - Alaa Al Sukhni: Đại diện cấp cao của Liên Hiệp Âu Châu về Chính sách Đối ngoại và An ninh Kaja Kallas và đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Syria Geir Pedersen dự cuộc họp với Ngoại trưởng các nước Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Ả Rập Saudi, Iraq, Lebanon, Ai Cập, Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain, Qatar, để thảo luận về tình hình Syria sau khi chế độ Bashar al-Assad bị lật đổ. Cuộc họp diễn ra tại Aqaba, Jordan hôm 14/12/2024.)
-Sau thái độ thận trọng ban đầu, phương Tây bắt đầu liên lạc trực tiếp với chính quyền mới của Syria cho dù Hayat Tahrir Al Sham (HTS) vẫn nằm trong danh sách "các tổ chức khủng bố". Đi tiên phong là Mỹ và Anh. Đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Syria đã tiếp xúc với thủ lĩnh của HTS hôm 15/12/2024. Phái đoàn ngoại giao của Pháp sẽ đến Damascus vào ngày 17/12.
Lãnh đạo ngoại giao Liên Hiệp Âu Châu Kaja Kallas, đến Brussels (Bỉ) dự hội nghị Ngoại trưởng 27 nước thành viên, hôm nay cho biết "đại diện cao cấp của Âu Châu về Syria sẽ đến Damascus hôm nay" tiếp xúc với giới lãnh đạo mới tại Syria để thảo luận về những biện pháp cụ thể "cho phép thiết lập quan hệ với họ".

Liên Hiệp Âu Châu (EU) đã cắt đứt các kênh ngoại giao với Syria từ tháng 5/2011 để phản đối việc chính quyền Damascus đàn áp thẳng tay người biểu tình chống chế độ Bachar al-Assad.
Hôm 8/12/2024, liên minh nổi dậy Syria, đứng đầu là tổ chức Hồi giáo cực đoan HTS, đã lật đổ chế độ của Tổng thống al-Assad. Đúng một tuần sau, thủ lĩnh tổ chức này, Abu Mohammed al-Golani, tiếp đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Syria, Geir Pedersen để thảo luận về "vấn đề nhân đạo và khả năng người tị nạn Syria hồi hương". Trong 2 ngày cuối tuần, Mỹ và Anh lần lượt thông báo "đã có các cuộc tiếp xúc ngoại giao" với HTS. Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO), đã mở cửa trở lại Tòa Ðại sứ tại Syria.
Thông tín viên Jean-Jaques Hery của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) từ Brussels (thủ đô của Bỉ) cho biết hiện vẫn còn nhiều nghi vấn về những ý đồ của giới lãnh đạo mới ở Damascus:
"Hiện tại, lập trường của Liên Hiệp Âu Châu về Syria vẫn dựa trên một số những nguyên tắc cơ bản. Các phát biểu của lãnh đạo ngoại giao Âu Châu Kaja Kallas, hay của Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu, Ursula von der Leyen từ một tuần lễ qua đều nhấn mạnh Liên Hiệp Âu Châu mong muốn một tiến trình chuyển đổi dân chủ ôn hòa và bao gồm tất cả các chính đảng, các cộng đồng tôn giáo ở Syria.

Hiện giờ, theo lời một viên chức cao cấp Âu Châu hôm 13/12 tuần trước, Brussels đang chờ xem giới lãnh đạo mới ở Damascus hành xử như thế nào. HTS đến nay vẫn bị Liên Hiệp Quốc xếp trọng danh sách các tổ chức khủng bố và vì vậy vẫn bị Liên Hiệp Âu Châu trừng phạt.

Theo ông Julien Barnes-Dacey, Giám đốc đặc trách về hồ sơ Trung Đông của tổ chức tư vấn Hội Đồng Âu Châu về Quan hệ Quốc tế, thái độ chần chừ đó không có lợi cho cả Syria lẫn Brussels. Theo chuyên gia này, "có nhiều việc cần phải làm cùng với sự hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc để giúp Syria thúc đẩy tiến trình chuyển tiếp chính trị, chẳng hạn như cải thiện tình hình kinh tế, dỡ bỏ một số lệnh cấm vận trong những lĩnh vực then chốt. HTS giờ đây là lực lượng đang chiếm thế áp đảo, cần phải đối thoại với họ".
Cuối tuần qua, bà Kallas cho rằng hãy còn quá sớm để Liên Hiệp Âu Châu dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt. Trong khi Hoa Kỳ đã liên lạc trực tiếp với HTS. Liên Hiệp Âu Châu thì vẫn thận trọng loan báo là chỉ "sắp sửa" liên lạc với các giới chức ở Damascus và chỉ trong khuôn khổ "các chương trình hoạt động" chứ không phải ở cấp "chính trị"".


TASS: Các Tàu Chở Dầu của Nga Bị Hư Hại ở Eo Biển Kerch Chở 62.000 Thùng Dầu


(Hình AP: Bức ảnh, trích xuất từ video do Văn phòng Công tố Giao thông-Vận tải miền Nam của Nga công bố, cho thấy tàu chở dầu Volgoneft-212 bị bão tàn phá ở eo biển Kerch, Nga, hôm 15/12/2024.)
-Hai tàu chở dầu của Nga đã làm tràn dầu vào Eo biển Kerch sau khi bị hư hại nghiêm trọng trong cơn bão lớn hôm 15/12/2024, khi đang chở 9.200 tấn (62.000 thùng) dầu thành phẩm vào thời điểm đó, theo hãng thông tấn TASS của nhà nước Nga đưa tin.
TASS cho biết lượng nhiên liệu bị rò rỉ đang được xác định. Hãng này nói rằng tàu Volgoneft 212 đang chở khoảng 4.900 tấn dầu nhiên liệu vào thời điểm đó, và tàu Volgoneft 239 chở 4.300 tấn.
Bộ tình trạng khẩn cấp của Nga cho biết hôm 16/12 rằng cả 14 thành viên thủy thủ đoàn trên tàu Volgoneft 239 đều đã được cứu. Chiếc tàu mắc cạn cách bờ 80 mét gần cảng Taman.

Eo biển Kerch, nơi ngăn cách đất liền Nga với Crimea do Mạc Tư Khoa sáp nhập, là tuyến đường chính để xuất cảng ngũ cốc và các sản phẩm nhiên liệu của Nga.
Vụ tràn dầu có khả năng trở thành một trong những thảm họa môi trường lớn nhất ảnh hưởng đến khu vực trong những năm gần đây.
Hôm 15/12, một thành viên thủy thủ đoàn thiệt mạng sau khi tàu Volgoneft 212 bị vỡ làm đôi và mũi tàu chìm xuống biển. Mười một người khác đã được đưa đến bệnh viện địa phương.
Các hãng tin tức của nhà nước Nga trích lời phát ngôn viên Ðiện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết rằng Tổng thống Vladimir Putin hôm 15/12 đã ra lệnh cho chính phủ thành lập một nhóm công tác để giải quyết hoạt động cấp cứu và giảm thiểu tác động của vụ tràn dầu.

Mạc Tư Khoa Âm Mưu "Nga Hóa" Trẻ Em Ukraine!

-Tờ Le Monde ra ngày 16/12/2024 dành trang nhất báo động về việc bất chấp những nỗ lực của cộng đồng quốc tế, dường như không gì có thể ngăn cản Mạc Tư Khoa "Nga hóa" trẻ em Ukraine, trong bối cảnh Ðiện Cẩm Linh tìm mọi cách không cho các em trở về nước. Dù những trẻ em này sống ở các khu vực Ukraine bị quân đội Nga chiếm đóng hay đã bị đưa đến Nga, chúng bị ép phải theo học chương trình "nhồi sọ" của Mạc Tư Khoa. Những trẻ em mồ côi hay nhũng người bị tách rời khỏi cha mẹ dần biến mất khỏi các cơ sở tiếp nhận trẻ em, hoặc được các gia đình Nga nhận làm con nuôi.
Mykola Kuleba, Giám đốc tổ chức Save Ukraine, tố cáo "Nga không tôn trọng bất kỳ quy tắc quốc tế nào và không muốn hoàn trả những đứa trẻ này. Việc đưa chúng về nước trở nên ngày càng khó khăn. Các cơ quan an ninh Nga làm mọi cách để ngăn chặn". Theo ông Kuleba, đứa trẻ nào bày tỏ mong muốn trở về Ukraine thì sẽ ngay lập tức bị bắt giữ và thẩm vấn, còn tại những khu vực Ukraine bị Nga chiếm đóng, các bậc phụ huynh bày tỏ nguyện vọng đưa con trở về nhà cũng bị bắt và bỏ tù.
Kyiv đã xác định khoảng 20.000 trẻ em liên quan đến chiến dịch "di tản", vi phạm các Công ước quốc tế. Còn Mạc Tư Khoa khẳng định đã tiếp nhận 744.000 trẻ em Ukraine vì lý do "nhân đạo".

Sự việc đã trở thành vấn đề quốc tế sau khi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) cáo buộc Vladimir Putin và Maria Lvova-Belova, Ủy viên Nhân quyền Nga, phạm tội ác chiến tranh vì vai trò của họ trong việc di tản và "Nga hóa" trẻ em Ukraine.
Sau khi các tổ chức phi chính phủ chỉ trích sự thụ động của chính quyền Ukraine trong vấn đề nêu trên, đích thân Tổng thống Volodymyr Zelensky đã bắt tay vào hồ sơ này từ mùa Thu năm 2023.
Chính phủ Ukraine đã khai triển 2 sáng kiến ngoại giao. Sáng kiến đầu tiên được khai triển sau khi Qatar đứng ra làm trung gian hòa giải vào tháng 10/2023. Sáng kiến thứ hai có tên "Bring Kids Back", được khai triển vào tháng 2/2024, với sự tham gia của 41 quốc gia và Hội Đồng Âu Châu. Mặc dù vậy, những nỗ lực này vẫn chưa mang lại kết quả như mong muốn.


Na Uy Công Bố Khoản Viện Trợ 242 Triệu Mỹ Kim Cho Ukraine


(Hình REUTERS: Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store (trái) tiếp Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky tại dinh thự đại diện của chính phủ ở thủ đô Oslo ngày 13/12/2023.)
-Hôm 16/12/2024, Na Uy công bố khoản viện trợ quân sự mới trị giá 242 triệu Mỹ kim cho Ukraine, bao gồm hỗ trợ bảo đảm quyền tiếp cận các cảng Biển Đen quan trọng của quốc gia này.
"Điều cần thiết là phải bảo vệ người dân Ukraine và cơ sở hạ tầng của Ukraine khỏi các cuộc tấn công của Hạm đội Biển Đen của Nga", Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Støre cho biết trong một tuyên bố. "Điều quan trọng nữa là phải bảo vệ hoạt động xuất cảng ngũ cốc và các sản phẩm khác bằng đường biển, vốn tạo ra nguồn thu quan trọng cho Ukraine".

Khoản viện trợ này bao gồm kinh phí đào tạo binh lính Ukraine cũng như các hoạt động rà phá bom mìn.
Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Bjørn Arild Gram cho biết mìn là "mối đe dọa đáng kể" ở Biển Đen và khoản viện trợ này sẽ giúp các lực lượng Ukraine phát giác và tháo gỡ mìn gần bờ biển.
Cùng ngày 16/12, quân đội Ukraine cho biết họ đã bắn hạ 27 trong số 49 máy bay không người lái mà lực lượng Nga khai triển trong các cuộc tấn công qua đêm.
Lực lượng Không quân Ukraine cho biết rằng các vụ đánh chặn diễn ra trên không phận các vùng Cherkasy, Chernihiv, Dnipropetrovsk, Kharkiv, Khmelnytskyi và Sumy.
Theo Thống đốc Ihor Taburets của vùng Cherkasy, các mảnh vỡ từ một máy bay không người lái bị phá hủy đã làm hỏng đường dây điện, nhưng không gây ra thương vong.
Bộ Quốc phòng Nga hôm 16/12 cho biết rằng lực lượng của họ đã phá hủy 3 máy bay không người lái của Ukraine trên vùng Kursk.
(Một số thông tin trong bản tin được cung cấp bởi thông tấn xã Reuters)


Quốc Hội Đức Bỏ Phiếu Về Tín Nhiệm Thủ Tướng Olaf Scholz


(Hình REUTERS / Liesa Johannssen: Thủ tướng Đức Olaf Scholz đến dự một cuộc họp của khối Nghị sĩ đảng SPD ngày 16/12/2024.)
-Hôm 16/12/2024, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, bước cuối cùng để có thể đi đến một cuộc bầu cử Quốc hội sớm vào tháng 2/2025.
Từ thủ đô Bá Linh của Đức, thông tín viên Pascal Thibaut của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) giải thích:
"Không có đa số ở Quốc hội, Thủ tướng Olaf Scholz không còn có thể hy vọng thông qua bất cứ văn bản luật nào ở Nghị Viện. Để chấm dứt tình trạng này, Hiến pháp của Đức dự trù một phương pháp: Nếu thua trong một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, Thủ tướng có thể yêu cầu Tổng thống giải tán Quốc hội. Đây cũng là phương pháp mà Thủ tướng đảng Dân chủ Xã hội (SDP), Gerhard Schröder, sử dụng vào năm 2005.
Hơn hai tháng trước cuộc bỏ phiếu, Olaf Scholz đã bị tê liệt. Thủ tướng mất đi sự ủng hộ, và đảng SPD của ông thấp hơn 15 điểm so với đảng Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo Đức (CDU), theo các cuộc thăm dò. Chủ tịch đảng CDU, Friedrich Merz, hiện là ứng viên sáng giá cho chức Thủ tướng.

Tuy nhiên, nhà Chính trị học Julia Reuschenbach cho rằng vẫn còn quá sớm để nói về việc thay đổi lãnh đạo đất nước. Bà nói: "Tôi không loại trừ khả năng ông Olaf Scholz có thể thắng cuộc bầu cử này. Ông ta luôn bị đánh giá thấp, ví dụ như trong cuộc bầu cử năm 2021. Ba tháng trước cuộc bầu cử, đảng của ông ấy chỉ giành được 14% ủng hộ, theo các cuộc thăm dò. Ai cũng nói rằng đảng SPD đã đến hồi kết, nhưng cuối cùng, lại là đảng đến được vạch đích và ông Scholz trở thành Thủ tướng".
Đảng Xanh, hiện vẫn là đồng minh của Olaf Scholz, có thể sẽ bỏ phiếu trắng chiều nay. Chỉ có phe Dân chủ Xã hội bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng, như vậy là ông sẽ mất tín nhiệm. Kết quả sẽ chẳng có gì gây cấn. Các đảng đã chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào ngày 23/02/2025.
Đảng Xã hội và Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo sẽ phải trình bày chương trình tranh cử của họ vào ngày mai".


Pháp: Tân Thủ Tướng Bayrou Bắt Đầu Tham Vấn Các Chính Đảng Để Thành Lập Chính Phủ


(Hình AP - Abdul Saboor: Tân Thủ tướng Pháp Francois Bayrou phát biểu sau lễ bàn giao tại Điện Matignon, ở Paris, thủ đô của Pháp, ngày 13/12/2024.)
-Hôm 16/12/2024, tân Thủ tướng Pháp François Bayrou bắt đầu tham vấn các chính đảng để thành lập chính phủ, nhằm tìm kiếm một con đường cho phép ông thông qua một ngân sách mà không cần đa số ở Quốc hội, sau khi chính phủ tiền nhiệm bị bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Tân Thủ tướng Pháp cho biết ông sẽ tiếp lãnh đạo các nhóm Nghị sĩ "theo thứ tự tầm mức quan trọng" của từng đảng ở Quốc hội. Theo thứ tự này, người đầu tiên ông gặp hôm nay là Chủ tịch nhóm Dân biểu đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc, bà Marine Le Pen, cùng Chủ tịch đảng là ông Jordan Bardella. Một cách tiếp cận mà bà Le Pen hoan nghênh là "tích cực" hơn so với người tiền nhiệm Michel Barnier, đã bị các Nghị sĩ lật đổ hôm 4/12.
Nhân cuộc gặp này, bà Le Pen đã bày tỏ mong muốn cuộc thảo luận về thể thức bầu cử theo tỷ lệ, mà ông Bayrou cũng từng ủng hộ, sẽ được mở ngay sau hồ sơ ngân sách, và được kết hợp cùng với đề xuất của cánh tả cam kết không bỏ phiếu bất tín nhiệm nếu chính phủ của ông Bayrou không sử dụng điều 49.3 để thông qua các Dự luật mà không cần đưa ra bỏ phiếu ở Quốc hội.

Lần lượt trong ngày, ông Bayrou sẽ gặp lãnh đạo nhóm Nghị sĩ Đồng hành vì nền Cộng hòa của Tổng thống Macron và nhóm Nghị sĩ đảng Xã hội, trong khi đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất đã từ chối gặp Thủ tướng. Cuộc tham vấn này dự kiến sẽ kéo dài đến ngày mai.
Song song với việc tham vấn các chính đảng, tân Thủ tướng Pháp bắt đầu thành lập Nội các, được dự báo sẽ bị "thu hẹp" hơn và do các nhân vật dày dặn kinh nghiệm đảm nhiệm. Trong trước mắt, ông Bayrou đã chọn hai nhân vật thân tín là ông Nicolas Pernot, người phụ trách các dịch vụ ở Tòa Thị chính Pau, làm Chánh Văn phòng Thủ tướng và ông Pierre-Emmanuel Porthelet làm Phụ tá.
Cũng trong ngày 16/12, Quốc hội Pháp xem xét "luật đặc biệt" cho phép bộ máy hành chính tiếp tục các hoạt động Nhà nước như thu thuế và tài trợ các khoản An sinh Xã hội. Những hồ sơ gây chia rẽ nhất sẽ được đưa ra thảo luận trở lại sau kỳ nghỉ lễ cuối năm.


Pháp: Thủ Tướng Bayrou Sẽ Tại Vị Lâu Hơn Những Người Tiền Nhiệm?

-Trang nhất và bài xã luận của nhật báo Le Monde ra ngày 16/12/2024 quan tâm đến việc nước Pháp có Thủ tướng mới. Một cái tên cuối cùng đã xuất hiện hôm 13/12 vừa qua. Đó là François Bayrou, Chủ tịch đảng cánh trung MoDem.
Ông Bayrou trở thành Thủ tướng ở tuổi 73, kế nhiệm Michel Barnier, cùng tuổi, bị Quốc hội bất tín nhiệm trước đó gần chục ngày. Đối với tân Thủ tướng Pháp, việc được bổ nhiệm là một sự thăng tiến cá nhân, bởi ông Bayrou đã phải đấu tranh để thuyết phục một Tổng thống Macron do dự, lo sợ quyền lực bị đe dọa bởi những "âm mưu" của các chính đảng đối lập. Trong bối cảnh bất ổn hiện nay, niềm tin vào giới chính trị đang lung lay, và đã đến lúc "vở kịch" này phải chấm dứt.
Pháp có một Thủ tướng mới, người thứ tư trong vòng chưa đầy một năm. Tuy nhiên, không có gì khẳng định tân chủ nhân điện Matignon sẽ tại vị lâu hơn hay thành công hơn những người tiền nhiệm. François Bayrou, "người hòa giải", từ năm 2007, đã mơ về việc tập hợp cánh tả, cánh trung và cánh hữu để cùng nhau "tìm ra giải pháp". Ông sẽ phải hành động nhanh chóng nếu không muốn tiếng nói của bà Marine Le Pen của đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN) ngày càng có trọng lượng.

Một phần của cánh tả dường như đã thay đổi lập trường sau khi chính phủ của Thủ tướng Barnier bị lật đổ. Cuối tuần qua, đảng Xã hội (PS), cùng với đảng Xanh và đảng Cộng sản (PC), đã quyết định nhượng bộ đôi phần, khiến Jean-Luc Mélenchon của đảng cực tả Nước Pháp Bất khuất (LFI) bị cô lập, vì ông là ngườiduy nhất yêu cầu phế truất Macron và tổ chức bầu cử Tổng thống trước thời hạn.
Đảng PS đã tìm cách gây áp lực với Tổng thống Macron để buộc ông bổ nhiệm một Thủ tướng cánh tả, nhưng không thành công. Đảng này tuy vẫn ở phe đối lập, nhưng dường như sẽ không bỏ phiếu bất tín nhiệm tân chính phủ nếu họ không sử dụng điều 49.3. Điều này sẽ buộc François Bayrou phải nhượng bộ về chính sách thuế quan và cải cách hưu trí, hai hồ sơ quan trọng đối với phe Macron.
Cánh hữu thì vẫn tỏ ra thận trọng và miễn cưỡng. Việc họ có tham gia chính phủ hay không còn phụ thuộc vào chính sách mà tân Thủ tướng sẽ áp dụng. Ông Bayrou ngay lập tức phải chịu áp lực giống như người tiền nhiệm, nhưng với nguy cơ phải nhượng bộ nhiều hơn.
Ngay sau khi được bổ nhiệm, ông François Bayrou đã đề cập đến tình trạng nợ công và thâm hụt ngân sách, một cách để nhấn mạnh đến sự hỗn loạn của tình hình chính trị đất nước. Chính trường Pháp đã rơi vào bế tắc trong nhiều tháng qua, với một Tổng thống mà uy tín giảm sút trầm trọng, đi kèm với các Dân biểu làm hình ảnh của Quốc hội bị hoen ố, bởi những chính khách này không hiểu rằng nếu không có đa số thì nên thỏa hiệp.
Tình trạng này dẫn đến sự suy yếu cả về mặt dân chủ lẫn kinh tế. Người dân Pháp cảm thấy lo lắng, thậm chí "ngao ngán". Báo Le Monde kết luận rằng Tổng thống Macron, các Dân biểu và các chính đảng cần nhìn xa hơn lợi ích cá nhân, nếu muốn đạt được tiến bộ trong những tháng tới. Nếu không, hố sâu ngăn cách người dân với giới chính trị sẽ ngày càng lớn.


Bão Chido Tàn Phá Đảo Mayotte, Vùng Lãnh Thổ Hải Ngoại của Pháp


(Hình REUTERS - Chafion Madi: Một cậu bé ngồi gần những ngôi nhà đổ nát sau cơn bão Chido, Labattoir, Mayotte, Pháp, ngày 15/12/2024.)
-Hôm 16/12/2024, 48 tiếng đồng hồ sau khi trận bão Chido tàn phá đảo Mayotte, lãnh thổ hải ngoại của Pháp trong vùng Ấn Độ Dương, với lo ngại "hàng trăm và thậm chí là hàng ngàn người thiệt mạng", Bộ trưởng Nội vụ và Bộ tưởng đặc trách Các vùng Lãnh thổ Hải ngoại đến hiện trường.
Mayotte là tỉnh nghèo nhất của Pháp với khoảng 320.000 dân, một phần ba sống trong những điều kiện rất bấp bênh trong những khu nhà ổ chuột. Trước mắt, các giới chức y tế ở Mayotte đưa ra con số 14 người thiệt mạng, nhưng theo lãnh đạo hòn đảo này, ông François Xavier Bieuville, được thông tấn xã AFP trích dẫn, "rất khó để thẩm định một cách chính xác thiệt hại nhân mạng", vì theo truyền thống của đa số dân cư theo đạo Hồi tại đây, người chết phải được chôn cất trong vòng 24 tiếng đồng hồ.

Tất cả các khu nhà ổ chuột đều bị phá sập với sức gió có lúc lên tới hơn 220 cây số/giờ. Bão Chido thổi qua Mayotte hôm 14/12/2024 là trận bão mạnh nhất từ 90 năm nay. Hình ảnh truyền hình cho thấy đảo Mayotte "hoang tàn" với những ngôi nhà bị tốc mái, những cột điện bị đánh sập, cây cối ngổn ngang trên đường phố. Các bệnh viện tan hoang sau cơn bão. Phi trường chỉ có thể hoạt động trở lại sớm nhất là trong 10 ngày nữa.
Paris thiết lập cầu không vận từ đảo Réunion, một vùng lãnh thổ hải ngoại khác của Pháp, cách đảo Mayotte 1.400 cây số đường chim bay, để cứu trợ nạn nhân bão Chido. Khoảng 1.600 cảnh sát và hiến binh cũng được huy động để bảo đảm an ninh, tránh những vụ cướp bóc, hôi của.
Cuối ngày 16/12, Tổng thống Emmanuel Macron chủ trì một cuộc họp tại trung tâm giải quyết khủng hoảng liên bộ được đặt tại trụ sở của Bộ Nội vụ để thẩm định tình tại Mayotte.
Bão Chido và Mayotte là thách thức đầu tiên đối với tân Thủ tướng François Bayrou vào lúc ông đang chuẩn bị thành lập Nội các.


Nam Hàn: Đảng Cầm Quyền Bị Chia Rẽ Sau Khi Quốc Hội Biểu Quyết Truất Phế Tổng Thống


(Hình REUTERS / Woohae Cho: Chủ tịch Quốc hội Nam Hàn, ông Woo Won-shik công bố kết quả bỏ phiếu luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol trong phiên họp toàn thể của Quốc hội ở thủ đô Hán Thành, ngày 14/12/2024.)
-Sau khi Quốc hội Nam Hàn bỏ phiếu thông qua kiến nghị phế truất Tổng thống Yoon Suk Yeol vào cuối tuần qua, hôm 16/12/2024, Tòa Bảo Hiến nước này bắt đầu xem xét các thủ tục để cách chức Tổng thống. Trong lúc Tổng thống vẫn từ chối hợp tác điều tra, đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) của ông ngày càng bị chia rẽ.
Sáng 16/12, Chủ tịch đảng cầm quyền, ông Han Dong-hoon, đã từ chức, xem việc ban hành thiết quân luật là đi ngược lại với các giá trị của đảng. Từ Hán Thành, thông tín viên Celio Fioretti của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết cụ thể:
"Một chính đảng trở nên hoang tàn: 12 Dân biểu thuộc đảng cầm quyền đã đưa lá phiếu của mình cho phe đối lập, khiến cuộc biểu quyết tại Quốc hội hôm 14/12 đã có thể thông qua kiến nghị phế truất Tổng thống Nam Hàn. Thế nhưng, 85 Nghị sĩ vẫn đứng về phe Tổng thống, bất chấp mưu toan ban hành thiết quân luật. Bị chia rẽ nội bộ như vậy, đảng PPP nay đã trở thành giống như cái bóng của chính mình.

Ngoài Chủ tịch đảng PPP, các viên chức cao cấp khác trong đảng cũng đã thông báo ý định rời khỏi vị trí lãnh đạo.
Hôm 16/12, trong khi Tòa Bảo Hiến đã bắt đầu họp để xem xét việc phế truất Tổng thống, đảng cầm quyền không biết liệu có thể hoạt động bình thường cho cuộc bầu cử Tổng thống tiếp theo hay không.
Tòa có 6 tháng để quyết định có cách chức Tổng thống hay không. Ông Yoon Suk Yeol đã tuyên bố từ chối trình diện trước các cơ quan chức năng để bị thẩm vấn. Nếu các Thẩm phán xác nhận việc cách chức ông Yoon, một cuộc bầu cử Tổng thống mới sẽ được tổ chức. Phe đối lập đã bắt đầu chuẩn bị cho cuộc bầu cử này, với lợi thế đang dẫn trước đảng của Tổng thống, hiện đang bị chia rẽ".
Theo thông tấn xã AFP, Chánh án Tòa Bảo Hiến Nam Hàn, ông Moon Hyung-bae hứa sẽ thực hiện các thủ tục một cách "nhanh chóng và công bằng". Trong thời gian này, Thủ tướng Nam Hàn Han Duck-soo sẽ tạm thời điều hành đất nước thay ông Yoon Suk Yeol. Ông có thể giữ chức Tổng thống lâm thời trong thời hạn tối đa là 8 tháng.
Tư pháp Nam Hàn cho biết Tổng thống Yoon Suk Yeol tiếp tục từ chối các cuộc triệu tập của các cơ quan điều tra, họ có thể xin tòa án cấp lệnh bắt giữ Tổng thống.


Đài Loan Tiếp Nhận Lô Xe Tăng Abrams Đầu Tiên của Mỹ


(Ảnh AP - Ahn Young-joon, minh họa: Xe tăng M1A2 Abrams của quân đội Hoa Kỳ trong cuộc diễn tập bắn đạn thật tại Khu liên hợp Rodriguez ở Pocheon, Nam Hàn, ngày 14/8/2024.)
-Hôm 16/12/2024, Bộ Quốc phòng Đài Loan thông báo đã nhận 38 xe tăng chiến đấu Abrams từ Mỹ. Đợt tiếp nhận vũ khí này nằm trong nỗ lực của Đài Loan củng cố năng lực quân sự đối phó với khả năng xảy ra cuộc tấn công từ Trung Quốc.
Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, số xe tăng M1A2 Abrams đã đến Đài Loan vào cuối ngày 15/12 và đã được đưa về căn cứ quân sự Tân Trúc (Hsinchu), phía Nam thủ đô Đài Bắc. Hăng thông tấn Đài Loan CNA cho biết thêm, loại vũ khí mới này, được giao cho Đài Loan lần đầu tiên từ 30 năm qua, là trong khuôn khổ hợp đồng đặt mua 108 chiếc xe tăng hồi năm 2019, trị giá tộng cộng hơn 1,2 tỉ Mỹ kim. Số xe tăng còn lại sẽ được giao lần lượt trong các năm 2025 và 2026, theo lời một viên chức quân sự Đài Loan với hãng tin Pháp AFP.

Quân đội Đài Loan hiện có đến 1.000 xe tăng, loại CM Brave Tiger sản xuất trong nước, hay M60A3 do Mỹ thiết kế nhưng kỹ thuật đã lỗi thời. Đầu tháng 11/2024, Đài Loan đã nhận từ Mỹ lô rốc-kết đa nòng Himars đầu tiên, loại phi đạn được dùng trên chiến trường Ukraine.
Trong vòng năm thập niên gần đây, Hoa Kỳ đã bán cho Đài Loan nhiều loại trang thiết bị quân sự và đạn dược trị giá nhiều tỉ Mỹ kim, đặc biệt là loại chiến đấu cơ F-16 và các loại chiến hạm. Năm 2024, Đài Loan dành một khoản ngân sách kỷ lục 19 tỉ Mỹ kim cho quốc phòng. Con số này có lẽ sẽ đạt đỉnh mới trong năm 2025.
Hoa Thịnh Ðốn từ lâu là đồng minh quan trọng nhất và là nguồn cung cấp vũ khí lớn nhất cho Đài Loan. Điều này đã khiến Bắc Kinh nổi giận, vì họ vẫn xem hòn đảo này là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Hôm nay, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã có phản ứng, hối thúc Mỹ "ngừng trang bị vũ khí cho Đài Loan và hậu thuẫn các thế lực ly khai đòi độc lập ở Đài Loan". Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lâm Kiếm tuyên bố: "Ý đồ của chính quyền Đài Loan tìm cách có được nền độc lập bằng vũ lực và trợ giúp từ ngoại bang sẽ gặp thất bại" và "Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh đất nước và toàn vẹn lãnh thổ".

Không có nhận xét nào: