Hiện tượng và tác Động của “Ngày 30 Tháng Tư” Năm 1975 tới nay, sau 50 năm ròng rã, vẫn bao hàm nhiều ngộ nhận cần sửa sai và định hướng lại.
I. Những Ngộ Nhận Căn Bản Về Hiện tượng “Ngày 30 Tháng Tư”: Trước hết, ngày 30 Tháng Tư năm 1975 không phải là ngày vui của toàn dân Việt, dù ông Võ Văn Kiệt có nhận định “…ngày 30 tháng 4, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn”; dù trong buổi lễ tiếp thu Sài Gòn, Tướng Trần Văn Trà, Chủ tịch Ủy ban Quân quản, đã phát biểu một cách bâng quơ trước mặt Tổng Thống chớp nhoáng Dương Văn Minh: “Trong cuộc chiến đấu lâu dài này không có ai là kẻ thắng, ai là kẻ bại.
Toàn quân và toàn dân Việt Nam là người chiến thắng…”; dù cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp lần đầu tiên gặp bại tướng Nguyễn Hữu Có cũng đã cầm tay mà nói: “Chào mi, ta với mi lúc trước hai đứa hai chiến tuyến, nhưng nay ta đã là hai anh em”.[1]
1. Lịch Sử Đã Cho Thấy Rõ Thực Trạng “Ngày 30 Tháng Tư”: Toàn Quân Và Toàn Dân Việt Nam Không Hề Chiến Thắng
Chỉ vài ngày, vài tháng sau “ngày giải phóng” [sic], đã phát động một hiện tượng “đổi đời” khốn khổ, khốn nạn nhất cho “toàn quân và toàn dân” miền Nam trong dòng lịch sử hiện đại. “Anh Em”, “toàn quân và toàn dân Việt Nam” chỉ là những xảo ngôn, dối trá, “nói-dối-như-vẹm”.[2]
Đương nhiên, đối với kẻ bên kia chiến tuyến, khi là thành phần thua trận, kẻ thắng chỉ cần gọi họ là “ngụy”, là tội phạm lý tưởng, họ sẽ bị vơ vét của cải, cướp đoạt nhà cửa, đánh tư sản, rồi từng đợt, từng đợt đi “cải tạo”, nghĩa là “được” cải huấn tù đày, “được” tra tấn, hành hạ chục năm này sang chục năm khác, liên tiếp, theo khuôn khổ Gulag Cộng Sản Quốc Tế.[3] CSVN tước đoạt nhân phẩm, tài sản và sức sống của người dân thất thế một cách tàn nhẫn, dã man. Họ độc ác, khốn nạn hơn lũ mật thám thực dân Pháp đối với dân bản xứ, thời thuộc địa. Chỉ vì CSVN mặc cảm bất tài và tham lam đã tìm mọi cách củng cố vị thế độc đảng, độc tôn, để ngoài họ ra không còn ai được quyền quản trị đất nước, dù sau họ là phá sản, là tự hủy.
Kể cả cái gọi là Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam thành lập từ năm 1960, dưới hình thức một “Lực lượng Việt Cộng Miền Nam” trá hình cũng không hề “chiến thắng”. Họ bị “thất sủng”, các lãnh tụ của “Mặt Trận” cũng bị thủ tiêu, hoặc đi “cải tạo” như kẻ thù phản động. Đồng chí hôm trước, kẻ thù hôm sau.
Kể cả “đồng bào” của người cộng sản cũng không hề “chiến thắng”. Điển hình là đồng báo đói khổ Miền Bắc từ 1954 tới 1975, dù được tuyên truyền tung hô là “dân làm chủ”, bất cứ lúc nào “họ” cũng sống trên đe dưới búa và dưới lưỡi liềm sát cổ. Kể cả gần 90 triệu người dân hôm nay cũng không hề “chiến thắng”. Cũng như ông cha họ trước kia, người dân Việt ngày nay vẫn là thứ dân oan, tiếp tục bị cướp bóc, thổ phỉ, sách nhiễu, hành hạ bởi lũ đảng phiệt đội lốt mafia/tài phiệt đỏ, ác với dân, hèn với giặc-lạ. Nhất là khi CSVN hạ mình để Hán Cộng tùy tiện lấn đất, chiếm đảo, cắt rừng; tùy tiện phóng uế gây ô nhiễm Tây Nguyên, sông ngòi; tùy tiện phá hoại sinh lực dân nghèo bằng đủ loại thực phẩn chế biến độc hại, rẻ tiền.
Kể cả giới trí thức cộng sản cũng không hề “chiến thắng”. Trước kia, tự coi là “hèn” nên không được trọng dụng bằng “cục phân”[sic] bởi đám lãnh tụ CSVN, lũ lượt ăn phải đũa Mao.[4] Ngày nay kẻ sĩ dù “đổi đời” vẫn mất giá đến độ “phi thường”; bất cứ lúc nào cũng có thể bị ghép đủ thứ tội, từ phản động, phản đảng, tới phản quốc. Nhà cầm quyền Hà Nội thừa thắng xông lên đem công an và xã hội đen thẳng tay hành hạ, phá phách, đổ phân người vào nơi trú ngụ các “đồng chí” ly khai như Hoàng Minh Chính, Nguyễn Khoa Điềm; nơi trú ngụ các các nhà dân chủ, các nhà tu hành “phản động” vì không chịu đổi đời thành “cha-quốc-doanh”, thành “sư-quốc-doanh”. Gần đây, họ cũng “xử lý” như vậy đối với thành phần bất đồng chính kiến, như gia đình nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn, Huỳnh Thục Vy.
2. Đích Thực Ngày 30 Tháng Tư” Năm 1975 Là “Ngày-Quốc-Hận” Cho Toàn Dân Việt; Còn CSVN Là Kẻ “Thua Cuộc”:
Thật vậy, ngày 30 Tháng Tư năm 1975 không xứng đáng được coi là một thành thích vẻ vang cho CSVN để họ tự xét là “Bên Thắng Cuộc”. Trái lại, ngày đó chỉ đáng nhớ là ngày chiếm đoạt Sài Gòn của “Bên Thắng Trận”, nhờ vào súng đạn và quân nhu Trung Cộng cho vay với lãi cắt cổ, trong khi bên thua trận là VNCH lại bị đổng minh Hoa Kỳ trong chiến lược “be bờ”[5] bỏ rơi cái một. Rõ rệt, vì l úc đó, hệ thống đầu tư kỹ nghệ -quân sự Hoa Kỳ (industrial-military complex) đã giảm thu, nên tìm mọi cách phủi tay bằng cách “Việt Nam hoá chiến tranh Việt Nam” (War Vietnamization) để đổi hướng đầu cơ vào thị trường sản xuất rẻ, “made in China”.
Nay sau 50 năm nhì nhằng lỗ hơn lời, Hoa Kỳ đã thấy “hố to” và đương tìm đường tháo lui. Trước sau vẫn là một: “quyền lợi quốc gia Hoa Kỳ trên hết”. Đó là mệnh lệnh bất di bất dịch của con buôn và người kinh doanh. Chỉ khác một điều, Hoa Kỳ là thương gia khá chân chính, vì còn biết sợ luật pháp và biết kết sinh với luân lý chân chính [corporate integrity] trong khi Tàu Cộng Main China [khác với Tàu Đài Loan, Tàu Singapore, Tàu Hồng Kông] lại là thứ “gian thương made in China” thứ tả-pín-lù, thi đua văng mạng, chết sống mặc bay.
Vậy, thành ngữ “Thắng Cuộc” của CSVN ngày Sài Gòn thất thủ không những ngạo mạn, tự mãn, mà còn vang vọng một hậu ý man khai, lừa đảo, và tự lừa đảo, theo đúng truyền thống hoả mù cộng sản quốc tế.
Có lẽ nhà báo Huy Đức cũng thấy rõ như vậy, nên dù có khai sinh cuốn sách song tập trong năm 2012 & 2013 với cái tên tiền chế là Bên Thắng Cuộc,[6] ông ta đã vội vàng cảnh cáo ngay trong lời giới thiệu sách, như để tránh một sự lầm lẫn lịch sử đáng tiếc:
“Cuốn sách bắt đầu từ ngày 30-4-1975, ngày nhiều người tin là miền Bắc đã giải phóng miền Nam. Nhiều người thận trọng nhìn lại suốt hơn ba mươi năm, giật mình với cảm giác bên được giải phóng hóa ra lại là miền Bắc. Hãy để cho các nhà kinh tế chính trị học và các nhà xã hội học nghiên cứu kỹ hơn hiện tượng lịch sử này. Cuốn sách của tôi đơn giản chỉ bắt đầu kể những gì đã xảy ra ở Sài Gòn, ở Việt Nam sau ngày 30-4: cải tạo; đánh tư sản; đổi tiền… Cuốn sách của tôi cũng nói về hai cuộc chiến tranh cuối thập niên 1970, một với Khmer Đỏ và một với người Trung Quốc. Cuốn sách của tôi cũng nói về làn sóng vượt biên sau năm 1975, nói về sự “đồng khởi” của nông dân, của các tiểu chủ, tiểu thương để giành lấy cái quyền được tự lo lấy cơm ăn áo mặc.”
Còn nhà văn cộng sản ly khai Dương Thu Hương, nổi tiếng với những tác phẩm như Thiên Ðường Mù, Bên Kia Bờ Ảo Vọng, Khải Hoàn Môn, thì trước đây đã phân minh rõ ráng:
”Lần thứ nhất khi đội quân chiến thắng vào Sài Gòn năm 1975, trong khi tất cà mọi người trong đội quân chúng tôi đều hớn hở cười thì tôi lại khóc… Vào Nam tôi mới hiểu rằng, chế độ ngoài Bắc là chế độ man rợ vì nó chọc mù mắt con người, bịt lỗ tai con người. Trong khi đó ở miền Nam người ta có thể nghe bất cứ thứ đài nào, Pháp, Anh, Mỹ… nếu người ta muốn. Ðó mới là chế độ của nền văn minh. Và thật chua chát khi nền văn minh đã thua chế độ man rợ. Ðó là sự hàm hồ và lầm lẫn của lịch sử. Ðó là bài học đắt giá và nhầm lẫn lớn nhất mà dân tộc Việt Nam phạm phải.”[7]
Ngày Đại Tang. Honneur à nos Soldats morts pour la Liberté
Thật ra CSVN đã “thua cuộc” khi bước vào Sài Gòn, vì kể từ lúc đó, họ không còn cơ hội lừa dân mãi; không còn lý do đòi hỏi ở dân sự hy sinh trường kỳ như trước. Họ đã tự lột mặt nạ để trở thành những tên hung thần man rợ, ác với dân, hèn với giặc khi bó tay và cúi đầu đành mất ranh giới, mất biển, mất rừng, mất đảo cho Tàu Cộng để trả nợ quân sự chu kỳ, và nhất là để giữ lấy “Đảng-Ta”.
CSVN đã “thua cuộc” vì bất lực quản trị đất nước khi luẩn quẩn ôm ấp phe đảng chia năm xẻ bẩy, rình rập thanh toán lẫn nhau; khi thao túng tham nhũng quốc doanh, chia trác gia đình trị tới độ tắc nghẹn. Trong suốt 50 năm tự hào “thống nhất & độc lập” giả tạo, CSVN đã công khai tự duy bất tài khai mở sáng tạo, với những kế hoạch không tưởng, man khai, bán đứng thị trường theo hướng xã hội chủ nghĩa; in giấy bạc giả, thu lấy “dollars”; với đống văn bằng hàng mã [dùng để đốt hương hoả] và những bộ óc teo mòn, bịt bùng, rỗng tuếch. CSVN còn bất lực ngay trong cuộc sống hằng ngày gìn giữ văn hoá đạo người; bất lực duy trì luân lý, phẩm giá, hạnh phúc và danh dự dân tộc, khi nhà cầm quyền Hà Nội và bè lũ cán cùn chỉ đủ kế “xoá đói giảm nghèo” bằng cách bán lao động, bán con thành dâu nước ngoài; xuất cảng đồ “đểu” hay xuất cảnh cán bộ chuyên viên ăn cắp vặt, để cả Đông Nam Á phải treo bảng “Cấm Người Việt” lai vãng.
LAO ĐỘNG QUỐC NGOẠI. STOP CSVN ĂN CẮP
Như thế ngày 30 Tháng Tư Năm 1975 Không Phải Là Ngày Vui Lịch Sử Việt Nam, Mà Đích Thực Là “Ngày-Quốc-Hận” Cho Toàn Dân Việt vậy.
II. Những Hiệu Ứng Tiếp Nối Của “Ngày 30 Tháng Tư”
Sau Ngày Quốc Hận 30 Tháng Tư, cả nước Việt Nam đã trở thành một nhà tù lớn với rất nhiều nhà tù nhỏ, kể cả những nhà tù cá nhân thi hành tại chỗ, dưới mắt “Đảng-Ta” hạch sách, làm tiền và hành tội. Dưới mãnh lực toàn trị của hơn 5 triệu cán bộ và lãnh chúa CSVN, người dân có ba cách phản ứng:
· Tỵ nạn nước ngoài với hy vọng khôi phục danh dự và quyền làm người;
· Tỵ nạn trong nước với thế cam phận, vô cảm;
· Tranh đấu trong nước với hy vọng bật lửa đại nghĩa.
1. Liên hệ trực tiếp với thời điểm kết thúc tiền đồn trận tuyến ý thức hệ, từng đợt từng đợt người Việt đã “bỏ phiếu chống cộng” bằng chân, bằng thuyền, trong cảnh phiêu lưu tỵ nạn chưa từng thấy trước đây: cho tới nay, gần 4 triệu người Việt đã bỏ nước thoát cộng, bỏ lại tất cả để thoát hiểm.
HAND OF HOPE MONUMENT @ TƯỢNG ĐÀI “BÀN TAY HY VỌNG”
Tượng đài ‘Bàn Tay Hy Vọng/Hand of Hope” [đúc bằng ciment cốt sắt/béton armé, cao 8 ft, cột móng sâu 8 ft] do LS Lưu Nguyễn Đạt, kiêm hoạ sĩ, điêu khắc gia, tạo dựng và tặng Trại TQLC Camp Pendleton, San Clemente, California vào đúng Ngày Độc Lập July 4, 1975. Tượng đài ‘Bàn Tay Hy Vọng/Hand of Hope” tiêu biểu cam kết của người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản và hậu duệ đứng dậy khởi phát tự do và thịnh vượng tại Hoa Kỳ và trên Thế Giới Tự Do.
Đối với người viết, cũng là tác giả điêu khắc “Bàn Tay Hy Vọng/Hand of Hope”[8] thực hiện và tặng trại Thủy Quân Lục Chiến Camp Pendleton, San Clemente, California vào đúng Ngày Độc Lập July 4, 1975, thì cuộc ra đi của người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản có rất nhiều ý nghĩa chính:
1. Tỏ rõ lập trường của những người Việt tự trọng, khao khát tự do và tôn trọng giá trị nhân phẩm, nên không thể sống chung với con người cộng sản phi nhân, phi nghĩa.
2. Nuôi dưỡng “hy vọng” sắt đá khôi phục danh dự và quyền làm người.
3. Đó cũng là chí hướng tạo dựng lại một không gian an toàn, vượt tiến cho hậu duệ, qua biểu tượng “Bàn Tay Hy Vọng” dựng trên xứ người với những đứa trẻ tụ hợp “đứng thẳng” và sẵn sàng “bay ra khỏi bàn tay” cưu mang.
4. Nên chỉ bằng đường lối thẳng thắn, vươn cao và khởi tiến, người Việt Tỵ Nạn mới chắp nối cho họ, cho con em họ cái thế đứng vững vàng làm người tử tế, mạch lạc để trở thành những công dân tiến bộ, thành công xứng đáng với cuộc sống mới mà người tỵ nạn đã chọn với giá dấn thân hy sinh tột đỉnh.
Mời Quý Vị đọc toàn Bài Đính Hậu
(See Attachment)
LƯU NGUYỄN ĐẠT, PhD, LLB/JD, LLM
Michigan State University, Howard Law School
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét