Merry Christmas and Happy New Year 2025!
Đón Mừng Năm Mới 2025! Nhìn Lại Thế Giới Năm Qua 2024: Một Năm Đầy Biến Động Qua Lăng Kính Của AFP!
-Năm 2024 đánh dấu một năm đầy biến động với hàng loạt biến chuyển lớn quan trọng trên toàn cầu. Từ các xung đột chính trị kéo dài, kỷ lục thể thao, cho đến những vấn đề kinh tế và môi trường nghiêm trọng, mọi câu chuyện trong năm nay đều góp phần tạo nên một bức tranh thế giới đầy thách thức và biến động. Dưới đây là những sự kiện đã tạo ra những dấu ấn không thể quên trong năm 2024 vừa qua, do hãng thông tấn AFP của Pháp bình chọn.
(Một tòa nhà tại miền Trung Dải Gaza bị phá hủy sau khi trúng không kích của Israel ngày 16/7/2024.)
Cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng vũ trang Hamas đã bước sang năm thứ hai và không có dấu hiệu hạ nhiệt. Không chỉ dừng lại ở biên giới Israel, trong năm 2024, xung đột đã nhanh chóng lan rộng sang Liban, nơi quân đội Israel tấn công vào các vị trí của lực lượng Hezbollah. Tính đến giữa năm 2024, chiến sự đã khiến hơn 40.000 người thiệt mạng, chủ yếu là dân thường ở Gaza và Liban. Trong khi đó, các cuộc đàm phán về ngừng bắn liên tục thất bại, khiến tình hình ngày càng căng thẳng và phức tạp hơn. Người dân Gaza đang phải đối mặt một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ với hàng triệu người bị ảnh hưởng, thiếu thốn lương thực, thuốc men và các dịch vụ y tế cơ bản. Các tổ chức quốc tế và các nước phương Tây liên tục kêu gọi chấm dứt bạo lực, nhưng dường như chưa tìm thấy lối thoát trong cuộc xung đột này. Hy vọng năm mới sẽ có giải pháp chấm dứt cuộc chiến!
(Pháo đa nòng BM-21 Grad của Nga khai hỏa nhằm vào các lực lượng Ukraine).
Xung đột Nga – Ukraina tiếp tục leo thang trong năm 2024, khi các cuộc giao tranh không có dấu hiệu giảm nhiệt. Vào tháng 8/2024, Ukraine đã phát động một cuộc tấn công bất ngờ vào vùng Kursk của Nga, nhằm mở rộng chiến dịch phản công và tạo sức ép đối với quân đội Nga. Tuy nhiên, kết quả của cuộc tấn công này không đạt được như mong đợi, khi các lực lượng Ukraine không thể chiếm được các mục tiêu quan trọng hoặc làm suy yếu đáng kể quân đội Nga. Vụ tấn công này đã làm gia tăng căng thẳng trong mối quan hệ giữa hai quốc gia, đặc biệt khi Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo các quốc gia phương Tây và các đồng minh của Ukraine - những quốc gia cung cấp vũ khí cho Kiev - rằng Moskva sẽ không ngần ngại phản ứng mạnh mẽ nếu các cuộc tấn công sử dụng vũ khí phương Tây tiếp diễn.
(Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump).
Năm 2024 cũng chứng kiến chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, vượt qua Phó Tổng thống Kamala Harris - người được kỳ vọng sẽ tiếp nối nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden. Dù chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump gặp không ít khó khăn, với hàng loạt vụ kiện pháp lý và hai lần bị ám sát hụt, nhưng ông vẫn kiên cường vượt qua mọi sóng gió. Với chiến thắng này, ông sẽ chính thức quay trở lại Tòa Bạch Ốc vào ngày 20/1/2025, đánh dấu một bước ngoặt chính trị chưa từng có trong lịch sử Mỹ.
Olympic mùa Hè 2024 tại Paris (Pháp) đã trở thành một sự kiện thể thao mang tầm quốc tế, thu hút sự chú ý và kỳ vọng lớn lao từ người dân toàn cầu. Mặc dù nước Pháp đã phải đối mặt với nhiều tranh cãi chính trị nội bộ trước và trong suốt thời gian diễn ra Thế vận hội, nhưng Paris vẫn chinh phục trái tim của hàng triệu người hâm mộ. Lễ khai mạc quy mô, được tổ chức dọc theo dòng sông Seine nổi tiếng, đã tạo nên một bức tranh đầy ấn tượng với không gian rực rỡ ánh sáng và sự kiện diễu hành đầy màu sắc, mang lại cảm xúc tuyệt vời cho cả các vận động viên và khán giả. Olympic mùa Hè 2024 đã chứng kiến nhiều kỷ lục thế giới được thiết lập, đánh dấu một mùa giải đầy ấn tượng với những màn trình diễn xuất sắc của các vận động viên.
Năm 2024 chứng kiến một làn sóng chỉ trích mạnh mẽ đối với các mạng xã hội lớn, vốn đã gây ra không ít tranh cãi trong suốt thời gian qua. Sức ép từ chính phủ và công chúng ngày càng gia tăng khi các nền tảng này bị cáo buộc không đủ nỗ lực trong việc kiểm soát nội dung cực đoan và tin giả.
(Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành ứng dụng nhắn tin Telegram, tỷ phú Pavel Durov).
Một trong những sự kiện nổi bật là vụ bắt giữ ông Pavel Durov - người sáng lập Telegram - tại Pháp. Ông Durov bị cáo buộc không kiểm soát được các thông tin cực đoan và nguy hiểm được chia sẻ trên nền tảng của mình, khiến chính phủ Pháp phải can thiệp mạnh tay. Cùng lúc đó, nền tảng X của tỷ phú Elon Musk cũng đối mặt một vụ kiện lớn và bị áp lệnh cấm hoạt động tại Brazil. Chính phủ Brazil yêu cầu ông Musk phải chịu trách nhiệm về sự lan truyền của các thông tin sai lệch và việc không tuân thủ các quy định về kiểm soát nội dung. Những vấn đề này càng làm nổi bật sự căng thẳng giữa các công ty công nghệ và các quốc gia trong việc duy trì an toàn, bảo mật thông tin trong kỷ nguyên số.
Nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2024 đối mặt một loạt thách thức ảnh hưởng đến triển vọng phục hồi. Một trong những vấn đề nổi cộm là cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài, khi thị trường bất động sản vẫn trì trệ, ảnh hưởng đến hàng triệu người dân và gây áp lực lớn lên hệ thống tài chính của quốc gia này. Bên cạnh đó, tình trạng tiêu dùng chậm lại, do nhu cầu trong nước suy yếu, đang khiến nền kinh tế thiếu động lực tăng trưởng.
(Bốc dỡ container hàng hóa tại cảng ở Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc ngày 7/9/2020).
Các biện pháp kích thích kinh tế mà Chính phủ Trung Quốc đưa ra, mặc dù liên tục được triển khai, nhưng vẫn chưa đủ mạnh để cứu vãn tình hình. Nhiều chuyên gia nhận định rằng sự phục hồi nền kinh tế Trung Quốc sẽ đòi hỏi các cải cách sâu rộng và một chiến lược dài hạn hơn để khôi phục niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Thêm vào đó, căng thẳng thương mại với Mỹ không ngừng gia tăng, với các cuộc chiến thuế quan và các biện pháp trừng phạt tiếp tục đe dọa sự ổn định của nền kinh tế toàn cầu.
Mùa Hè năm 2024 đã ghi nhận một cột mốc đáng báo động khi trở thành mùa Hè nóng nhất trong lịch sử Trái Đất. Những đợt sóng nhiệt gay gắt kéo dài, kết hợp với hạn hán và lũ lụt khủng khiếp, đã tàn phá nhiều khu vực trên thế giới. Tại Tây và Trung Phi, mùa mưa kéo dài không chỉ làm gia tăng tình trạng ngập úng mà còn gây ra thảm họa nhân đạo nghiêm trọng, khiến hàng trăm người thiệt mạng và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa, lánh nạn trong các khu tị nạn tạm thời.
(Mưa lớn gây ngập lụt do ảnh hưởng của bão Helene tại Cancun, Mexico ngày 25/9/2024.)
Cơn bão Helene, với sức tàn phá khủng khiếp, đã gây ra thiệt hại lớn ở nhiều quốc gia, trong khi các trận lũ lớn tại Tây Ban Nha cũng đã khiến hơn 200 người thiệt mạng. Các hiện tượng thời tiết cực đoan này không chỉ làm nổi bật những ảnh hưởng rõ rệt của biến đổi khí hậu mà còn làm dấy lên lo ngại toàn cầu về khả năng thích ứng với những thách thức ngày càng nghiêm trọng của thiên nhiên. Những thảm họa này nhắc nhở thế giới về sự cấp bách trong việc hành động để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và bảo vệ các cộng đồng dễ bị tổn thương.
Theo AFP, năm 2024 đánh dấu một bước chuyển mình quan trọng của thế hệ trẻ tại châu Phi, khi các phong trào và lãnh đạo trẻ ngày càng khẳng định ảnh hưởng trong chính trị và xã hội. Tại Senegal, ông Bassirou Diomaye Faye (sinh năm 1980) đã tạo nên lịch sử khi trở thành tổng thống trẻ nhất trong lịch sử quốc gia này, mở ra một chương mới với hy vọng về sự đổi mới và phát triển.
Trong khi đó, các cuộc bầu cử ở châu Âu chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của các đảng cánh hữu và các phong trào chủ nghĩa dân tộc, phản ánh sự thay đổi lớn trong bối cảnh chính trị của khu vực. Tại các quốc gia lớn như Pháp, Đức và Áo, các đảng chính trị theo xu hướng này đã thu hút được sự ủng hộ đáng kể từ cử tri, đặc biệt là trong bối cảnh những vấn đề liên quan đến di cư, an ninh và chủ quyền quốc gia ngày càng trở thành mối quan tâm lớn. Sự lên ngôi của các đảng cánh hữu đã tạo ra những biến chuyển quan trọng trong chính sách và quyết định quốc gia, đồng thời ảnh hưởng mạnh mẽ đến quan hệ giữa các quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU). Những thay đổi này không chỉ làm thay đổi cấu trúc chính trị nội bộ của từng quốc gia, mà còn gây ra những tranh cãi về tương lai của EU, đặc biệt trong các vấn đề như hội nhập và chính sách đối ngoại.
(Taylor Swift tham dự một sự kiện tại Arlington, Texas, Mỹ.)
Trong lĩnh vực giải trí, Taylor Swift tiếp tục gây tiếng vang với chuyến lưu diễn "Eras Tour", ghi dấu ấn với những màn biểu diễn ấn tượng và thu hút hàng trăm nghìn người hâm mộ trên toàn cầu. Tuy nhiên, chuyến lưu diễn của cô gặp phải một biến cố lớn khi 3 buổi biểu diễn tại Vienna (Áo) bị hủy bỏ vì một âm mưu tấn công khủng bố. Sự việc này đã khiến cộng đồng người hâm mộ và cả công chúng rúng động, gây lo ngại về an ninh trong các sự kiện âm nhạc lớn.
Merry Christmas and Happy New Year 2025!
Tuần Lễ Thứ Hai, Ông Già Noel, Tiếp Tục Tặng Quà, Mừng Giáng Sinh 2024 và Lì Xì Lấy Hên Cho Năm Mới 2025 Gần Đến! Cho Những Khách Không Nhà (Homeless)
*Hôm Qua, Tiếp Tục Sinh Hoạt Tuần Thứ Hai, Của Mùa Lễ, Ông Già Noel, Đại Diện Nhóm Mõ Nhân Ái, Mang Quà, Mang Không Khí Giáng Sinh Đến Những Mảnh Đời Khốn Khổ! (Homeless!) Bị Gạt Ra Khỏi Bên Lề Xã Hội. Cùng Nhau Vui Vẻ, Trong Không Khí Tưng Bừng Của Mùa Lễ!
-Trong bữa cơm nóng hổi, mà “đội quân” của Nhóm Mõ Nhân Ái, phục vụ bền bỉ, trên hàng chục năm nay. Hôm qua, Thứ Năm, ngày 19 tháng 12, thình lình lại có Ông Già xuất hiện, cùng sinh hoạt Giáng Sinh vui vẻ với tất cả mọi người! Ai cũng ngạc nhiên thích thú! vỗ tay, la lớn Ông Già Noel đến kìa! Hay “Santa Clause come to town!”
Việt Nam có câu “của cho, không bằng cách cho!” Nhóm Mõ Nhân Ái, coi Khách Không Nhà, như người trong Gia Đình, ngoài phục vụ, giúp đỡ nhu cầu ăn uống, cung cấp những vật dụng cần thiết, còn cố gắng, mang không khí Ngày Lễ quan trọng trong năm đến với họ. Đây là món quà Tinh Thần an ủi quý báu, không gì vật chất có thể so sánh! Nhiều người ôm Ông Già Noel tâm sự: “chỉ có Nhóm Mõ Nhân Ái, mới đối xử với chúng tôi, đầy Tình Gia Đình, Tình Người, Tình Thương, Tình Mến như thế!” Cái hay không phải một năm, mà bền bỉ đã qua đoạn đường 30 năm, riêng với Nhóm Mõ Nhân Ái, trên 10 Năm!
Sau đây là một vài hình ảnh buổi sinh hoạt Mừng Giáng Sinh hôm qua:
-Nhóm Mõ Nhân Ái và Ông Già Noel trong tư thế sẵn sàng phục vụ
-Đội quân hùng hậu, bền bỉ phục vụ, trên10 năm nay!
-Ông Già Noel còn chút lì xì, có chút tiền mặt, tiêu trong ngày Lễ.
Tin Quốc Tế Đó Đây
***
Nhiều Mong Ước Hòa Bình Cho Năm Mới 2025: Le Lói Nhiều Hy Vọng, Ngưng Bắn ở Gaza!
-Trang nhất của tờ La Croix ra ngày 19/12/2024 nói về người dân Gaza đang ngày đêm hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ đạt được lệnh ngưng bắn. Sau nhiều nỗ lực thất bại, dường như nỗ lực của Donald Trump và các cộng sự viên sẽ được đền đáp.
Tuy nhiên, quân đội Do Thái vẫn liên tục oanh kích dải đất này, gây ra nhiều nạn nhân mỗi ngày. Những cảnh tượng tan hoang khiến mạng xã hội bàng hoàng, như cảnh người dân bị bỏng nặng sau một cuộc không kích vào trường học của Liên Hiệp Quốc. Hậu quả của các cuộc tấn công được thấy rõ ở khắp mọi nơi. Nhiều tòa nhà bị phá hủy và điều kiện sống của người dân ngày càng xấu đi. Mùa Đông năm nay sẽ khắc nghiệt hơn năm 2023.
Trợ giúp nhân đạo không đủ khiến người dân bị thiếu thốn thực phẩm, thuốc men và vệ sinh. Đối với những người còn có nhà, tình hình cũng rất phức tạp vì họ không có điện và hệ thống sưởi, buộc họ phải đốt nhựa để giữ ấm.
Mặc dù vậy, một quan sát viên Gaza có mặt tại miền Nam dải đất nhận thấy giá cả trên thị trường đã giảm trong những ngày gần đây. Theo anh, "đây là dấu hiệu cho thấy sắp đạt được một lệnh ngưng bắn, và các thương nhân đang chuẩn bị nhận được một đợt viện trợ nhân đạo lớn hơn".
Báo Động Năm Mới 2025! Bộ Quốc Phòng Mỹ Cảnh Báo: Kho Vũ Khí Nguyên Tử của Trung Quốc Tăng “Gần Gấp Ba” So Với 2020!
(Ảnh AP – Mark Schiefelbein, tư liệu: Phi đạn-đạn đạo có khả năng mang đầu đạn nguyên tử DF-41 tại lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa, ngày 1/10/2019 tại Bắc Kinh.)
-Bắc Kinh liên tục phát triển kho vũ khí nguyên tử. Theo hãng tin AP, báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ công bố hôm 18/12/2024 thẩm định "tính đến giữa năm 2024 Trung Quốc sở hữu hơn 600 đầu đạn nguyên tử", cao gần gấp ba so với năm 2020. Kho vũ khí nguyên tử của Trung Quốc giờ đây "hiện đại hơn và đa dạng hơn" so với trước.
Theo Báo cáo thường niên của Hoa Kỳ về tình trạng quân sự Trung Quốc, đến năm 2030, số lượng đầu đạn nguyên tử của Trung Quốc có thể lên tới "hơn 1.000". Đồng thời, như hãng tin Mỹ ABC News ghi nhận, Trung Quốc đã đa dạng hóa các loại vũ khí răn đe, "bao gồm từ các hệ thống phi đạn tấn công với mức độ chính xác cao đến phi đạn-đạn đạo liên lục địa".
Vẫn theo nguồn tin được ABC News trích dẫn, Bắc Kinh kể từ nay có nhiều "khả năng chọn lựa tùy theo các kịch bản leo thang quân sự". Có dấu hiệu cho thấy "Trung Quốc hướng tới các chương trình phát triển một loại phi đạn liên lục địa có thể bắn tới tận Hawai, Alaska và những địa điểm khác trên lãnh thổ Hoa Kỳ ở Mỹ Châu".
Tính đa dạng trong kho vũ khí nguyên tử Trung Quốc, theo lời một viên chức Hoa Kỳ, là "điều rất khác so với những khả năng của Bắc Kinh từ trước tới nay". Ngoài ra, đà phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực kỹ thuật vũ khí nguyên tử cũng cho thấy Trung Quốc tạo điều kiện để "thực hiện điều mà ông Tập Cận Bình gọi là một sự hồi sinh" của đất nước "từ nay đến năm 2049 nhằm khuynh đảo trật tự quốc tế".
Cũng báo cáo 2024 của Bộ Quốc phòng Mỹ về tình trạng quân sự Trung Quốc lưu ý: nạn tham nhũng trong hàng ngũ quân đội Trung Quốc có thể làm "gián đoạn" mục tiêu của Bắc Kinh hiện đại hóa cỗ máy quân sự.
Chiều 18/12, phát ngôn viên Tòa Ðại sứ Trung Quốc tại Hoa Thịnh Ðốn đã lên tiếng về bản báo cáo của Ngũ Giác Đài, nhắc lại lập trường cố hữu của Bắc Kinh là vũ khí nguyên tử nằm trong chiến lược tự vệ và không khi nào Trung Quốc là bên đầu tiên sử dụng loại vũ khí này. Sáng nay phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Hoa Thịnh Ðốn ngừng đưa ra những bản báo cáo "vô trách nhiệm" như vậy.
Hy Vọng Kinh Tế Sáng Sủa hơn! Chứng Khoán Mỹ Lao Dốc Sau Khi Fed Giảm Lãi Suất, Báo Hiệu Sẽ Giảm Ít Lần Hơn Trong Năm Mới 2025!
(Hình AP/Craig Ruttle, tư liệu, tháng 3/2024: Thị trường chứng khoán New York.)
-Chứng khoán Mỹ lao dốc hôm thứ Tư (18/12/2024), với cả 3 chỉ số chính đều có mức giảm lớn nhất trong một ngày so với nhiều tháng nay, sau khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm nhưng cục khiến một số nhà đầu tư thất vọng khi đưa ra dự phóng là sẽ giảm lãi suất một cách thận trọng hơn trong năm tới.
Fed đã giảm lãi suất 25 điểm cơ bản, đưa lãi suất xuống biên độ từ 4,25% đến 4,50% và bản dự phóng kinh tế tóm tắt (SEP) của họ cho thấy họ sẽ giảm lãi suất tổng cộng 0,5 điểm phần trăm vào cuối năm 2025 do thị trường lao động vẫn tốt trong khi việc hạ lạm phát không có mấy tiến triển.
Ellen Hazen, trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại hãng F.L.Putnam Investment Management ở Wellesley, Massachusetts, nói: "Họ thực sự không có lựa chọn nào khác. Rõ ràng là nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng nóng hơn nhiều so với dự báo trước đó của họ. Và điều đó chắc chắn góp phần làm cho họ muốn tạm dừng giảm lãi suất".
Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones giảm 1.123,03 điểm, tức 2,58%, xuống còn 42.326,87, S&P 500 mất 178,45 điểm, tức 2,95%, xuống còn 5.872,16 và Nasdaq Composite mất 716,37 điểm, tức 3,56%, xuống còn 19.392,69.
Mặc dù bị giảm trong ngày 18/12, song Dow vẫn tăng gần 12,3% so với 1 năm trước, trong khi S&P tăng khoảng 23% và Nasdaq tăng mạnh tới hơn 29%, chủ yếu nhờ vào tình trạng của các công ty kỹ thuật và do giới đầu tư háo hức về trí tuệ nhân tạo, cùng với triển vọng về môi trường lãi suất thấp hơn và gần đây hơn là vì có các hy vọng vào việc chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ có các chính sách đơn giản hóa quy định, thủ tục.
Tuy nhiên, giới đầu tư cũng lo rằng một số chính sách dự kiến của ông Trump, chẳng hạn như áp thuế quan, có thể làm lạm phát tăng vọt trở lại.
Các thị trường đã đưa vào trong tính toán của họ những kỳ vọng là Fed sẽ giữ nguyên lãi suất khi cục này họp vào tháng 1/2025, đồng thời cũng dự tính rằng Fed giảm lãi suất vài lần trong năm 2025 với tổng cộng khoảng 33 điểm cơ bản (0,33 điểm phần trăm).
Lãi suất ở mức cao thường bị xem là lực cản đối với thị trường chứng khoán, trong khi lại làm tăng sức hấp dẫn của các loại tài sản ít rủi ro, đồng thời cũng hạn chế khả năng tăng trưởng về lãi của các công ty.
Ông Putin Nói Không Có Chuyện Nga Thất Bại ở Syria, và Sẽ Gặp Assad
(Hình AP: Tổng thống Nga Putin (phải) là đồng minh thân cận của ông Bashar al-Assad.)
-Hôm 19/12/2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Nga không hề thất bại ở Syria và Mạc Tư Khoa đã đưa ra đề xuất với nhà cầm quyền mới ở Damascus để duy trì các căn cứ quân sự của Nga.
Trong những phát biểu công khai đầu tiên về vấn đề này, ông Putin cho biết ông chưa gặp cựu Tổng thống Syria Bashar al-Assad kể từ khi ông ta bị lật đổ và buộc phải chạy trốn đến Mạc Tư Khoa hồi đầu tháng này, nhưng ông có dự tính làm vậy.
Trả lời câu hỏi về vấn đề này của một nhà báo Mỹ, ông Putin cho biết ông sẽ hỏi ông Assad về số phận của phóng viên Mỹ Austin Tice, người đang mất tích ở Syria, và sẵn sàng hỏi các nhà lãnh đạo mới của Syria về tung tích của Tice.
"Tôi sẽ nói thành thật với quý vị, tôi vẫn chưa gặp Tổng thống Assad kể từ khi ông ấy đến Mạc Tư Khoa. Nhưng tôi dự định làm như vậy. Tôi chắc chắn sẽ nói chuyện với ông ấy", ông Putin nói.
Ông cho biết hầu hết những người ở Syria mà Nga đã liên lạc về tương lai của hai căn cứ quân sự chính của họ ở Syria đều ủng hộ giữ lại chúng, nhưng các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra.
Nga, quốc gia đã can thiệp vào Syria vào năm 2015 và xoay chuyển cục diện của cuộc nội chiến để giúp cho ông Assad, cũng đã nói với các quốc gia khác rằng họ có thể sử dụng căn cứ Không quân và căn cứ Hải quân của Nga ở Syria để đưa viện trợ nhân đạo vào cho nước này, ông nói.
"Quý vị muốn xem mọi thứ đang xảy ra ở Syria như là thất bại, thất bại cho Nga. Tôi bảo đảm với quý vị, không phải vậy. Và tôi sẽ nói cho quý vị biết tại sao. Chúng tôi đến Syria 10 năm trước để ngăn hình thành một hang ổ khủng bố", ông Putin nói.
"Nhìn chung, chúng tôi đã đạt được mục tiêu. Không phải vô cớ mà ngày nay nhiều nước Âu Châu và Hoa Kỳ muốn thiết lập quan hệ với họ (chính quyền mới của Syria). Nếu họ là các tổ chức khủng bố, tại sao các người (phương Tây) lại đến đó? Vì vậy, điều đó có nghĩa là họ đã thay đổi".
Tổng Thống Nga Putin "Sẵn Sàng Đọ Sức" Phi Đạn Với Phương Tây Tại Ukraine
(Hình REUTERS / Maxim Shemetov: Tổng thống Vladimir Putin họp báo và trả lời người dân cuối năm tại Mạc Tư Khoa, thủ đô của Nga, ngày 19/12/2024.)
-Hôm 19/12/2024, trong cuộc họp báo tổng kết cuối năm, được truyền hình trực tiếp, Tổng thống Vladimir Putin khoa trương về nền kinh tế ổn định của Nga, ca ngợi những thành quả mà quân đội Nga đạt được tại Ukraine, và nêu lên một cuộc đọ sức về kỹ thuật vũ khí với Mỹ tại chiến trường ở sườn Đông Âu Châu.
Sự kiện được tổ chức hàng năm này là dịp để Tổng thống giải đáp các câu hỏi của người dân về các vấn đề nội bộ của Nga, nhưng các câu trả lời về vấn đề quốc tế được chú ý đặc biệt. Mở đầu cuộc họp báo, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định kinh tế Nga trên đà tăng trưởng, đạt gần 4% trong năm 2024. Nguyên thủ quốc gia Nga thừa nhận lạm phát ở mức cao "đáng báo động" (9,3%), nhưng Ngân hàng Trung ương Nga đã nỗ lực để "ổn định" nền kinh tế, "bất chấp các đe dọa từ bên ngoài".
Về chiến tranh Ukraine, ông Putin cho biết quân đội Nga đang tiến gần đến các mục tiêu của cái gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine, nhưng cũng thừa nhận là không rõ khi nào Mạc Tư Khoa có thể đẩy lùi lực lượng Ukraine ra khỏi lãnh thổ Nga ở vùng Kursk mà Ukraine đã kiểm soát được nhiều khu vực từ tháng 8 năm nay.
Lãnh đạo Nga nói thêm việc sử dụng phi đạn Oreshnik là để đáp trả việc phương Tây cho phép Kyiv sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công Nga và đe dọa sẽ tiếp tục sử dụng phi đạn này nhiều hơn nữa tấn công Ukraine, thậm chí tấn công cả những nước cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của mình.
Nguyên thủ quốc gia Nga tuyên bố "đã sẵn sàng" cho cuộc đọ sức phi đạn với Mỹ, cho biết Mạc Tư Khoa sẽ thông báo về một cuộc thử nghiệm phi đạn siêu thanh Oreshnik nhắm vào Kyiv, thách phương Tây bắn chặn phi đạn của Nga để bảo vệ thành phố này. "Hãy xem điều gì sẽ xảy ra!", ông Putin cười khẩy, theo ghi nhận của hãng thông tấn AP.
Về tình hình Syria, ông Putin nhấn mạnh Nga không hề thất bại và cho biết vẫn chưa gặp đồng minh Bachar Al Assad kể từ khi cựu lãnh đạo Syria được Mạc Tư Khoa cho tị nạn sau khi bị lực lượng nổi dậy lật đổ. Ông Putin cũng đề xuất các đối tác có thể sử dụng căn cứ Không quân và Hải quân của Nga ở Syria để hỗ trợ nhân đạo cho người dân nước này.
Hy Vọng Năm 2025!
Tổng Thống Zelensky Kêu Gọi Âu Châu "Đoàn Kết" Với Mỹ Để Cứu Lấy Ukraine
(Hình REUTERS / Johanna Geron: Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky tại thượng đỉnh Liên Hiệp Âu Châu ở Brussels, thủ đô của Bỉ, ngày 19/12/2024.)
-Hôm 19/12/2024, các lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu (EU) họp tại Brussels (Bỉ) để bàn về chiến lược của khối đối với Ukraine và Syria, trong bối cảnh Donald Trump sắp trở lại Tòa Bạch Ốc. Có mặt tại Brussels, Tổng thống Volodymyr Zelensky kêu gọi Âu Châu và Hoa Kỳ đoàn kết để "cứu lấy" Ukraine.
Tổng thống Ukraine khẳng định Kyiv sẽ gặp nhiều khó khăn nếu không có sự trợ giúp từ Hoa Thịnh Ðốn và cho biết sẽ thảo luận với Donald Trump ngay khi ông chính thức trở lại Tòa Bạch Ốc vào tháng 1 năm sau.
Vị tỉ phú Hoa Kỳ đã từng hứa sẽ chấm dứt chiến tranh Ukraine "trong vòng 24 tiếng đồng hồ", khiến Liên Hiệp Âu Châu lo ngại bị "gạt ra bên lề", và Kyiv có thể bị "ép buộc" chấp nhận một nền hòa bình do Nga và Mỹ đàm phán, theo nhận định của hãng tin AFP.
Đến Brussels từ tối 18/12 để dự một cuộc họp với Tổng Thư ký Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO), và lãnh đạo của Đức, Ý Ðại Lợi và Pháp, ông Zelensky khẳng định đây là "một cơ hội tốt để bàn về những bảo đảm an ninh cho Ukraine hôm nay và ngày mai".
Theo hãng tin Reuters, trả lời báo giới tại Brussels, phát ngôn viên của lãnh đạo ngoại giao Liên Hiệp Âu Châu, Kaja Kallaskhẳng định "vẫn còn quá sớm để thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình giữa Ukraine và Nga", và cần phải thảo luận về cách thức hỗ trợ cho Ukraine nhiều hơn. Một số nhà ngoại giao cho biết Liên Hiệp Âu Châu hứa hẹn có thể hỗ trợ Ukraine 30 tỉ Euro vào năm 2025, phần lớn là để Kyiv mua vũ thêm vũ khí.
Pháp: Nga Thao Túng Những Người Có Ảnh Hưởng Trên Mạng Xã Hội Để Tuyên Truyền
(Hình AP / Omar Havana: Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot phát biểu với báo chí trước cuộc họp các Ngoại trưởng Liên Hiệp Âu Châu tại Brussels, Bỉ, ngày 18/11/2024.)
-Hôm 18/12/2024, Ngoại trưởng từ nhiệm của Pháp Jean-Noël Barrot tố cáo Nga đang tìm cách thao túng những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội ở một số quốc gia Âu Châu, bao gồm cả Pháp. Ông cũng kêu gọi các nhà sáng tạo nội dung và người dùng mạng "hết sức cảnh giác" trước các hoạt động này.
Trong phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện, ông Jean-Noël Barrot phát biểu: "Pháp đang là mục tiêu của các hình thức can thiệp kỹ thuật số từ ngoại quốc", và "chúng tôi có bằng chứng xác nhận Nga đang cố gắng thao túng các nhà sáng tạo nội dung tại các quốc gia Âu Châu, trong đó có Pháp".
Hãng tin AFP trích lời Ngoại trưởng Pháp cho biết thêm: "Các phương thức được khai triển rất đa dạng và thay đổi thường xuyên. Các cuộc bầu cử gần đây ở Moldova hay Lỗ Ma Ni đã minh chứng cho việc các nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội, đặc biệt là trên Twitter, đang bị thao túng để làm nhiễu loạn các cuộc bầu cử".
Vì vậy, ông Barrot kêu gọi những người có ảnh hưởng trên mạng và người dùng mạng "cảnh giác cao độ" và nhấn mạnh Pháp đã tăng cường các biện pháp "để phát giác và giải quyết các hình thức can thiệp kỹ thuật số này".
Tờ Le Monde hôm 18/12 trích dẫn "một nguồn tin từ cơ quan tình báo Pháp" cho biết Mạc Tư Khoa đã liên lạc với hơn 2.000 nhà sản xuất nội dung tại Âu Châu, bao gồm Anh, Pháp, Đức, Ý Ðại Lợi và Tây Ban Nha, để thương thảo với họ về việc đăng tải các video tuyên truyền cho Nga. Các video này thường mang nội dung quảng bá cho sức mạnh quân sự của Nga, hay nguy cơ gây ra chiến tranh thế giới nếu các nước phương Tây tham chiến ở Ukraine và thậm chí tố cáo Kyiv có các hành động bài người da đen.
Vẫn theo báo Le Monde, "khoảng 20 người trong số họ, trong đó có 9 người Pháp, được cho là đã đồng ý tham gia" vào các hoạt động tuyên truyền cho Nga. Những người này đều là người nổi tiếng với hàng ngàn, thậm chí hàng triệu người theo dõi trên mạng Tiktok và Instagram.
Cựu Tổng Thống Pháp Nicolas Sarkozy Bị Y Án 1 Năm Tù Giam
(Ảnh AFP - Bertrand Guay, tư liệu: Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy (giữa) tới tòa án Paris trong một phiên xử vụ án "Bigmalion" liên quan đến gian lận tài chánh trong tranh cử Tổng thống, ngày 14/2/2024.)
-Lần đầu tiên trong nền Đệ ngũ Cộng hòa, một cựu Tổng thống Pháp bị kết án tù giam và cũng chưa bao giờ một cựu Tổng thống Pháp kiện nhà nước Pháp ra trước Tòa án Nhân quyền Âu Châu.
Theo hãng tin AFP, trong phiên xử hôm 18/12/2024 về vụ mang tên "Paul Bismuth", Tòa Phá án ra phán quyết giữ nguyên bản án Tòa Phúc thẩm đã tuyên hồi tháng 5/2023 đối với cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy.
Với các tội danh "tham nhũng, lợi dụng chức vụ để trục lợi", ông Sarkozy bị kết án 3 năm tù, trong đó có 1 năm tù giam và bị tước quyền tranh cử trong 3 năm
Phản ứng đầu tiên của cựu Tổng thống Pháp sau phán quyết của Tòa Phá án hôm 18/12 là cho biết sẽ tuân thủ phán quyết của Tòa, nhưng đồng thời khẳng định "hoàn toàn vô tội". Ông cũng chuẩn bị đệ đơn kiện tiếp lên Tòa án Nhân quyền Âu Châu.
Trong một vài ngày nữa, cựu Tổng thống Sarkozy, 69 tuổi, sẽ phải đeo vòng điện tử giám sát trong thời gian thi hành án tù giam, không được quyền ra ngoại quốc, mất các quyền tranh cử, bầu cử trong ba năm, và không được hành nghề Luật sư.
Ông Nicolas Sarkozy giữ chức Tổng thống Pháp trong nhiệm kỳ từ 2007-2012. Trong vụ án "Paul Bismuth", ông bị cáo buộc lạm dụng ảnh hưởng, hứa hẹn cất nhắc một vị Thẩm phán để đổi lấy "một số thông tin trong nghi án nhận tiền của cố lãnh đạo Libya Kadhafi qua trung gian gia đình nhà tỉ phú Bettencourt để tài trợ cho chương trình vận động tranh cử Tổng thống của ông hồi 2007".
Chính vì hồ sơ phức tạp này, Nicolas Sarkozy đã dùng tên giả "Paul Bismuth" liên lạc với Thierry Herzog Luật sư bào chữa cho ông. Những liên lạc điện thoại giữa Luật sư Thierry Herzog và thân chủ Sarkozy/ Bismuth đã bị nhân viên điều tra "nghe trộm".
Vị Thẩm phán được cho là đã được ông hứa hẹn cất nhắc đã không nhận được phần thưởng như mong muốn..., nhưng theo pháp luật, đây bị coi là một vụ án tham nhũng. Vụ xử đã kéo dài từ nhiều năm qua.
Ngoài vụ án nói trên, cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy còn gặp nhiều rắc rối với pháp luật mà vụ án Bettencourt sẽ là hồi kế tiếp.
Tổng Thống Pháp Đến Thị Sát Đảo Mayotte Sau Cơn Bão Chido
(Hình AFP / Ludovic Marin: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong chuyến thị sát đảo Mayotte, lãnh thổ hải ngoại của Pháp tại Ấn Độ Dương, bị bão Chido tàn phá nặng nề, ngày 19/12/2024.)
-Sáng 19/12/2024, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đến đảo Mayotte, năm ngày sau khi bão Chido tàn phá gần như toàn bộ vùng lãnh thổ hải ngoại này của Pháp, để đánh giá mức độ thiệt hại và bày tỏ sự ủng hộ với người dân địa phương.
Máy bay của Tổng thống đã hạ cánh lúc 10 giờ 10 giờ địa phương, chở theo khoảng 20 Bác sĩ, y tá, nhân viên hậu cần và nhân viên an ninh dân sự, cùng với bốn tấn hàng hóa gồm thực phẩm, thuốc men và vật tư y tế.
Sau khi thị sát từ trên không khu vực bị ảnh hưởng, ông Macron đã đến thăm bệnh viện trung tâm Mamoudzou (CHM) và sau đó tiếp xúc với các nhân viên cấp cứu tại một khu vực bị tàn phá.
Theo thông cáo từ Điện Elysee, Tổng thống Pháp dự kiến sẽ công bố "quốc tang" và bắt đầu phác thảo kế hoạch tái thiết khu vực này trong thời gian tới. Ngoài ra, chính phủ đã ban hành một Nghị định để bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, như thực phẩm, đồ dùng vệ sinh cơ bản, vật liệu xây dựng, ở mức giá của ngày 13/12, ngay trước khi cơn bão xảy ra.
Hãng tin AFP nhắc lại Chido là cơn bão mạnh nhất từng đổ bộ vào Mayotte trong 90 năm qua, với sức gió lên tới 220 cây số/giờ, tàn phá vùng lãnh thổ hải ngoại nghèo nhất của nước Pháp. Theo số liệu tạm thời, đã có 31 người thiệt mạng và khoảng 1.400 người bị thương, nhưng nhà chức trách lo ngại con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều.
Lần đầu tiên, Paris đã phải ban bố tình trạng "thảm họa thiên nhiên đặc biệt", cho phép chính quyền địa phương và trung ương phản ứng nhanh chóng và hiệu quả hơn, đồng thời đơn giản hóa một số thủ tục hành chính để khai triển các biện pháp khẩn cấp
.
Pháp: Bản Án Cao Nhất Đối Với Người Chồng Đánh Thuốc Mê Vợ, Cho Người Lạ Hiếp Dâm
(Hình REUTERS - Manon Cruz: Bà Gisele Pelicot, nạn nhân bị chồng đánh thuốc mê, cho người lạ hiếp dâm tại Mazan, đến tòa án Avignon, Pháp, ngày 19/12/2024.)
-Sau 4 tháng xét xử, sáng 19/12/2024, Tòa Hình sự Vaucluse ở Avignon của Pháp đã tuyên án 20 năm tù đối với ông Dominique Pelicot vì tội "hiếp dâm nghiêm trọng" và các bản án từ 3 năm tù đến 15 năm tù đối với 51 đồng phạm khác. Trong gần một thập kỷ, ông Pelicot đã dùng thuốc an thần để gây mê và cưỡng hiếp vợ mình, bà Gisèle, đồng thời cho những người đàn ông khác cưỡng hiếp bà.
Bản án dành cho Dominique Pelicot là mức án cao nhất có thể được đưa ra theo luật hình sự của Pháp, theo hãng thông tấn AP. Ông bị tuyên có tội về tất cả các cáo buộc được đưa ra. Hiện 72 tuổi, ông có thể sẽ phải ngồi tù suốt quãng đời còn lại. Luật sư của ông Pelicot cho biết không loại trừ khả năng kháng án.
Tòa cũng tuyên bố "có tội" đối với toàn bộ hơn 50 đồng phạm từ 27 đến 74 tuổi, được ông Pelicot "chiêu mộ" trên mạng, để hiếp dâm vợ. Theo thông tấn xã AFP, mức án thấp nhất đối với các đồng phạm này là 3 năm tù, trong đó có 2 năm tù treo, mức án nặng nhất là 15 năm tù, dành cho ông Romain V, đã đến cưỡng hiếp bà Gisèle Mazan 6 lần.
Những người con của nạn nhân Gisèle Pelicot bày tỏ thất vọng về các bản án nói trên và cho rằng tòa "xử nhẹ".
Vụ án được coi là lịch sử, gây chấn động tại Pháp và quốc tế, vì nạn nhân đã từ chối xử kín, nêu ra thực trạng bạo lực tình dục ở Pháp. Bà Gisèle Pelicot từ một nạn nhân vô danh trở thành biểu tượng nữ quyền, kêu gọi phụ nữ "đừng giữ im lặng nữa" mà hãy để cho những kẻ tấn công phải xấu hổ, chứ không phải nạn nhân xấu hổ. Tại Pháp, có hơn 200.000 vụ tấn công tình dục được ghi nhận mỗi năm.
Trung Quốc Cáo Buộc Mỹ Tấn Công Mạng và Đánh Cắp Bí Mật Thương Mại
(Ảnh AP - Mark Schiefelbein, minh họa: Tại triển lãm về kỹ thuật thông tin tại Bắc Kinh ngày 26/4/2018.)
-Hôm 18/12/2024, Trung Quốc khẳng định đã phát giác và giải quyết hai vụ tấn công mạng của Hoa Kỳ nhắm vào các công ty kỹ thuật Trung Quốc để "đánh cắp bí mật thương mại" kể từ tháng 5/2023.
Trung tâm Kỹ thuật Ứng phó Khẩn cấp Mạng điện toán Quốc gia Trung Quốc (CNCERT) cho biết một đơn vị chuyên thiết kế và nghiên cứu vật liệu và một công ty kỹ thuật cao trong lĩnh vực năng lượng thông minh và thông tin kỹ thuật số "nghi ngờ đã bị một cơ quan tình báo Hoa Kỳ tấn công", nhưng không nêu rõ tên cơ quan.
Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, kẻ tấn công đã lợi dụng lỗ hổng trong hệ thống bảo mật tài liệu điện tử để xâm nhập vào máy chủ của công ty và phát tán virus tới hơn 270 thiết bị. Virus này đã kiểm soát các thiết bị và đánh cắp các bí mật thương mại. Báo cáo của trung tâm này cũng ghi nhận 2.950 vụ vi phạm an ninh dữ liệu, bao gồm nhiều vụ xuyên biên giới, và cảnh báo về nhiều lỗ hổng trong các nhu liệu điện toán như Adobe Illustrator, Android, v.v....
Theo trung tâm nói trên, trước đó, một vụ tấn công khác đã diễn ra vào tháng 5/2023. Kẻ tấn công đã khai thác lỗ hổng trong nhu liệu điện toán Microsoft Exchange để xâm nhập vào hệ thống email của một doanh nghiệp kỹ thuật cao và kiểm soát hơn 30 thiết bị khác để lấy trộm các bí mật thương mại.
Hãng tin Reuters nhắc lại, sau nhiều năm bị các chính phủ phương Tây cáo buộc thực hiện các cuộc tấn công mạng và gián điệp công nghiệp, trong hai năm qua, một số tổ chức và cơ quan chính phủ Trung Quốc đã không ít lần tố ngược lại Hoa Kỳ và các đồng minh có những hành vi tương tự.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét