Ukraina: Zelensky hy vọng đàm phán đình chiến sau khi Trump nhậm chức TT Mỹ Dự thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu tại Bruxelles, Bỉ, ngày 19/12/2024, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã bày tỏ hy vọng thảo luận với các nước châu Âu về khả năng đi đến đình chiến với Nga trong năm 2025 sau khi ông Donald Trump chính thức nhậm chức tổng thống Mỹ. Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky họp báo tại Bruxelles hôm 19/12/2024. AP - Geert Vanden Wijngaert Thu Hằng Trả lời họp báo bên lề thượng đỉnh, ông Zelensky tỏ ra lạc quan về chính sách có thể được tân tổng thống Mỹ, vẫn được coi là khó lường, thông qua. Đặc phái viên RFI Daniel Vallot tường trình từ Bruxelles :
<!>
« Khi được một nhà báo hỏi về việc ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng, ông Volodymyr Zelensky tìm lại bản năng diễn xuất của mình : « Tôi có thể nói gì với ông ấy ? Chào mừng Donald ! ». Sau đó, ông trở lại với vẻ nghiêm túc, nói rằng sẵn sàng thuyết phục ông Donald Trump duy trì viện trợ của Mỹ cho Ukraina.
Ông Zelensky phát biểu : « Tổng thống Trump là một người mạnh mẽ và tôi thật sự muốn ông ấy sát cánh với chúng tôi, điều này rất quan trọng. Tôi hy vọng ông ấy sẽ hiểu tôi bởi vì cả hai chúng tôi đều là con người, dù quá khứ có khác nhau, chính trị hay doanh nhân. Và tôi nghĩ rằng chúng tôi có chung cảm xúc và có cùng giá trị. Tôi hy vọng như vậy ! »
Trong mắt tổng thống Ukraina, ông Vladimir Putin lại hoàn toàn ngược lại, bị ông Zelensky coi là một lãnh đạo chuyên quyền nguy hiểm cho Ukraina, cho châu Âu và Hoa Kỳ. Ông Zelensky nói : « Tôi nghĩ ông ấy (Putin) bị điên và thậm chí chính ông ấy cũng nghĩ là ông ấy điên ! Đúng thế ! Ông ấy thích giết người… chính vì thế mà ông ấy là người nguy hiểm ».
Ở Bruxelles, tổng thống Volodymyr Zelensky đã thảo luận về những bảo đảm an ninh mà các nước châu Âu có thể cam kết trong trường hợp ngừng bắn với Nga. Nhưng ông nhấn mạnh đến một điểm: Không có hỗ trợ của Mỹ, những bảo đảm đó sẽ không đủ ».
Trong cuộc họp với tổng thống Zelensky, Liên Hiệp Châu Âu tái khẳng định một nền hòa bình công bằng cho Ukraina nhưng « không phải bằng bất kỳ giá nào », đồng thời lên án Bắc Triều Tiên hỗ trợ quân sự cho cuộc chiến do Nga phát động.
Trong khi đó, ông Olaf Scholz, thủ tướng Đức từ nhiệm, đã điện đàm với tổng thống tân cử Mỹ về tình hình Ukraina. Theo thông cáo ngày 19/12 của chính phủ Đức, được AFP trích dẫn, hai nhà lãnh đạo cho rằng cuộc chiến do Nga phát động nhắm vào Ukraina « kéo dài quá lâu » và « cần phải nhanh chóng tìm cách hướng tới một nền hòa bình công bằng, bình đẳng và lâu dài ».
Quan chức ngoại giao Mỹ đến Syria gặp chính quyền mới ở Damas
Ngày 20/12/2024, lần đầu tiên một phái đoàn ngoại giao Mỹ đã đến văn phòng của Ahmed Al Sharaa, chỉ huy lực lượng Hayat Tahrir al Sham (HTS) và hiện là lãnh đạo chính quyền mới ở Damas sau khi lật đổ tổng thống Bachar Al Assad. Mục tiêu của phái đoàn là thúc đẩy HTS thống nhất đất nước sau 13 năm nội chiến đẫm máu trong bối cảnh tổ chức này khẳng định đã cắt đứt với thánh chiến Hồi Giáo và vận động cộng đồng quốc tế viện trợ nhân đạo khẩn cấp cho Syria.
Lá cờ của phe nổi dậy được treo ở thủ đô Damas,Syria ngày 20/12/2024. AP - Leo Correa
Thu Hằng
Bộ Ngoại Giao Mỹ cho biết, không chỉ làm việc với chính quyền mới ở Damas, phái đoàn còn gặp các đại diện xã hội dân sự để thảo luận về « tầm nhìn của họ đối với tương lai đất nước Syria, cũng như cách thức mà Mỹ có thể hỗ trợ họ ».
Theo AFP, đây là phái đoàn ngoại giao chính thức đầu tiên của Mỹ đến Damas từ khi xảy ra nội chiến năm 2011. Trong phái đoàn có ông Roger Carstens, phụ trách thu thập thông tin về những công dân Mỹ mất tích ở Syria, như nhà báo Austin Tice, bị bắt cóc vào tháng 08/2012. Như vậy, Hoa Kỳ tiếp bước các nước Pháp, Đức, Anh và Liên Hiệp Quốc cử đặc sứ đến Damas.
Chế độ Bashar al-Assad sụp đổ ngày 08/12 đã chấm dứt một nửa thế kỷ gia đình trị và trấn áp. Tuy nhiên, tân chính quyền cũng làm dấy lên nhiều lo ngại về tôn trọng nhân quyền, về tình cảnh của các cộng đồng thiểu số trong một đất nước bị phân chia và về tương lai của các vùng tự trị Kurdistan ở miền bắc Syria.
Ngày 19/12, vài trăm người đã biểu tình trên quảng trường Omeyyades ở Damas để bảo vệ dân chủ và quyền của phụ nữ trong một nước Syria mới, theo ghi nhận qua phóng sự của đặc phái viên RFI Julien Boileau và Oriane Verdier :
« Một thanh niên đưa ra lời kêu gọi giao lưu và gặp gỡ giữa đám đông, vì ở đây, ai cũng có những quan ngại riêng. Thanh niên này nói : « Tôi tên là Ahmad Youssef, tôi là giám đốc đài phát thanh SHam FM. Tôi đến đây bởi vì chính quyền mới đã đóng cửa đài phát thanh của chúng tôi. Dưới chế độ cũ, không một cơ quan truyền thông nào được tự do, thế mà bây giờ họ cáo buộc chúng tôi là đài phát thanh của chế độ và 60 người bị thất nghiệp mà không có lý do chính đáng ».
Còn Sana Warhou đến bảo vệ quyền của mình. Cô cho biết : « Chúng tôi đã trải qua những ngày bất trắc. Những phát biểu gần đây của chính quyền rất mơ hồ về vai trò của phụ nữ trong việc tái thiết đất nước. Chúng tôi đến đây để nhắc lại rằng trao quyền cho phụ nữ là điều quan trọng ».
Đứng hơi xa đám đông một chút, Abdel Hafez Chelbak và các con gái có chung niềm vui với người biểu tình, nhưng lại không đồng tình với đòi hỏi về một chính phủ phi tôn giáo. Ông nói : « Tôi nghĩ là đạo Hồi có thể bảo đảm quyền và tự do cho nhân loại. Chính nhà tiên tri Mohammad nói rằng tất cả mọi người phải được tôn trọng và được tự do ngôn luận ».
Xung quanh quảng trường là những thanh niên mặc quân phục, mũ trùm đầu và súng AK trên tay. Nói chuyện dễ dàng hơn khi không có micro, nhưng những thành viên này của HTS không muốn bị đưa lên truyền thông với súng cầm trong tay. Một người trong số này nói : « Người ta coi chúng tôi là những kẻ khủng bố. Chúng tôi ở đây chỉ để bảo vệ người dân ».
Chiến tranh: Nhiều người dân Ukraina lo ngại về nhiệm kỳ tổng thống Trump
Chỉ còn một tháng nữa là đến ngày Donald Trump chính thức trở lại Nhà Trắng. Liệu tổng thống tương lai của Mỹ có cách để sớm chấm dứt chiến tranh Ukraina mà không khiến Ukraina nhượng bộ Vladimir Putin về lãnh thổ ?
Tổng thống Volodymyr Zelensky và ứng cử viên tổng thống Cộng Hòa Donald Trump tại New York, Hoa Kỳ, ngày 27/09/2024. AP - Julia Demaree Nikhinson
Thùy Dương
Theo ghi nhận hôm nay 20/12/2024 của thông tín viên Emmanuelle Chaze từ Kiev, lo ngại là tâm lý chung của nhiều người dân Ukraina:
Về nhiệm kỳ sắp tới của Donald Trump, một bộ phận người dân Ukraina lo ngại về ngôn từ mà tổng thống đắc cử Mỹ sử dụng, về việc ông muốn « chấm dứt chiến tranh trong vòng 24 giờ ». Mặc dù người dân Ukraina muốn được sống trong hòa bình, vấn đề ngừng bắn và nhượng bộ lãnh thổ vẫn gây chia rẽ trong xã hội. Vào năm 2022, hơn 80% số người đươc hỏi từ chối mọi khả năng nhượng bộ về lãnh thổ, đến cuối năm nay tỉ lệ này đã giảm xuống chỉ còn hơn 50%. Chúng tôi ghi nhận người dân Ukraina cảm thấy mệt mỏi, gần 3 năm sau khi Nga bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược.
Người dân Ukraina cũng đã thất vọng về một số sự chậm trễ của Mỹ và về việc Washington giao các thiết bị quân sự muộn so với những gì họ hứa. Nhưng người dân Ukraina biết rằng cho đến nay Hoa Kỳ vẫn là đối tác quân sự quan trọng nhất của họ Mỹ đã giao hoặc đã hứa cung cấp hơn 60 tỷ đô la thiết bị quân sự cho Ukraina.
Nga ồ ạt oanh kích Ukraina bằng tên lửa tầm xa
Về tình hình chiến sự, hôm nay, 20/12, AFP cho biết nhiều tên lửa đạn đạo đã được phóng từ Nga sang lãnh thổ Ukraina. Nhiều vụ nổ xảy ra ở Kiev, khiến ít nhất 2 người bị thương. Nhà chức trách cũng ghi nhận các vụ oanh kích của Nga bằng tên lửa nhắm đến thành phố Kherson, miền nam, khiến ít nhất 1 người chết và 6 người bị thương. Một số thành phố và làng mạc khác của Ukraina cũng bị oanh kích.
Về phía Nga, quân đội hôm nay 20/12/2024 thông báo đã oanh kích Kiev để đáp trả vụ Ukraina hôm thứ Tư 18/12 dùng các tên lửa của phương Tây bắn vào một nhà máy của Nga, điều Matxcơva vẫn xem là « một lằn ranh đỏ » không được vượt qua. Trong thông cáo, quân đội Nga cho biết đã tiến hành một đợt oanh kích với các vũ khí tầm xa có độ chính xác cao nhắm vào trung tâm kiểm tra giám sát của Cơ quan An ninh Ukraina SBU, văn phòng nghiên cứu Loutch, có trụ sở tại Kiev, chuyên thiết kế và chế tạo các hệ thống hỏa tiễn Neptune. Quân đội Nga khẳng định « đã nhắm trúng mọi mục tiêu ».
Pháp : Tân thủ tướng Bayrou hy vọng lập được nội các mới vào cuối tuần
Gần một tuần sau khi được tổng thống Pháp Emmanuel Macron chỉ định và giao nhiệm vụ thành lập chính phủ mới, và sau khi tham vấn các chính đảng, tân thủ tướng François Bayrou, thuộc đảng cánh trung Modem, hôm qua, 19/12/2024 đã đề nghị các đảng, trừ hai đảng cực hữu và cực tả, tham gia nội các mới.
Thủ tướng Pháp François Bayrou trên đài truyền hình France 2 tối 19/12/2024. AFP - VALENTINE CHAPUIS
Thùy Dương
Thủ tướng Pháp đưa ra lời kêu gọi nói trên trong cuộc họp hôm qua tại điện Matignon với chủ tịch Hạ Viện, chủ tịch Thượng Viện và lãnh đạo các đảng, nhưng không có sự tham gia của đại diện đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN) và đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (LFI). Theo Le Monde, thủ tướng Bayrou kêu gọi các đảng đưa ra ý kiến muộn nhất là 14 giờ hôm nay 20/12. Cho đến trưa hôm nay, vẫn theo Le Monde, đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa vẫn tạm thời giữ quyết định không tham gia chính phủ và đòi thủ tướng cung cấp thông tin rõ hơn về chương trình hành động trước khi quyết định chính thức về việc tham gia nội các.
Tối hôm qua, trên đài truyền hình công France 2, thủ tướng Pháp François Bayrou hy vọng có thể công bố thành phần chính phủ mới vào cuối tuần này, hay ít ra là trước kỳ nghỉ lễ Giáng Sinh và Năm Mới, đồng thời sẽ thông qua ngân sách năm tới vào giữa tháng 02/2025.
Vị thủ tướng 73 tuổi còn khẳng định sẽ không dùng đến điều 49.3 để thông qua các dự luật mà không cần đưa ra biểu quyết tại Quốc Hội, trừ khi dự thảo ngân sách bị các phe đối lập « chặn hoàn toàn ». Ông François Bayrou mong muốn có càng nhiều thảo luận càng tốt và kêu gọi các đảng đối lập chấp nhận thảo luận và không lật đổ chính phủ.
Về một hồ sơ quan trọng khác là luật cải cách hưu trí, đã được thông qua hồi năm 2023. Trả lời câu hỏi liệu có một giải pháp khác với biện pháp nâng tuổi nghỉ hưu lên 64 tuổi, vốn bị các phe đối lập phản đối, thủ tướng Pháp Bayrou hướng tới giải pháp tính tuổi về hưu dựa trên số điểm tích lũy tính theo số năm làm việc, nhưng ông cũng lưu ý đến vấn đề tài chính. Chiều qua, thủ tướng Bayrou đã đề nghị các chính đảng và các nghiệp đoàn mở lại một cuộc thảo luận về cải tổ hưu trí trong vòng 9 tháng, « nhưng không đình chỉ » việc thi hànhluật cải tổ hưu trí 2023, bởi vì theo thủ tướng, « khi đã đình chỉ thì dĩ nhiên là sẽ không bao giờ áp dụng trở lại ».
Hội nghị hòa bình cho Miến Điện: ASEAN kêu gọi tổ chức bầu cử bao gồm mọi lực lượng
Khủng hoảng Miến Điện là tâm điểm của hai hội nghị riêng biệt tổ chức tại Thái Lan. Cuộc họp đầu tiên diễn ra hôm qua 19/12/2024 quy tụ đại diện tập đoàn quân sự Miến Điện và 5 nước láng giềng (Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, Lào, Thái Lan). Sự kiện thứ hai diễn ra ngày 20/12 giữa các nước thành viên ASEAN.
Đại diện của Bangladesh, ông Touhid Hossaintham, dự cuộc họp 6 bên tại Bangkok, Thái Lan, hôm 19/12/2024, bàn về khủng hoảng Miến Điện. AP
Thu Hằng
Họp báo ngày 20/12 sau cuộc họp với các đồng nhiệm Đông Nam Á và quan chức cấp cao của ASEAN, ngoại trưởng Thái Lan Maris Sangiampongsa cho biết : « Nếu có bầu cử, ASEAN muốn có một tiến trình bao gồm tất cả các bên có liên quan (ở Miến Điện) ».
Trước đó, trong buổi « tham vấn không chính thức » với 5 nước láng giềng ngày 19/12 tại Bangkok, ngoại trưởng Miến Điện Than Swe, do tập đoàn quân sự bổ nhiệm, đã trình bày kế hoạch bầu cử dự kiến vào năm 2025. Tuy nhiên, hiện chưa có ngày cụ thể hoặc bất kỳ chi tiết nào, dù Miến Điện khẳng định « đã có những tiến bộ hướng đến tổ chức bầu cử ».
Ngoại trưởng Thái Lan cho biết năm nước láng giềng của Miến Điện cũng yêu cầu là « cuộc bầu cử phải bao gồm các lực lượng trong nước liên quan ». Họ cũng ủng hộ bản « đồng thuận 5 điểm » của ASEAN để giải quyết cuộc xung đột từ năm 2021 sau khi tập đoàn quân sự của tướng Min Aung Hlang đảo chính. Tuy nhiên, cho đến nay, kế hoạch đó của ASEAN không đạt được kết quả.
Về phía Trung Quốc, theo Reuters, trong thông cáo ngày 20/12, thứ trưởng Ngoại Giao Tôn Vệ Đông (Sun Weidong) kêu gọi ủng hộ tiến trình hòa bình tại Miến Điện, giải quyết bất đồng thông qua đối thoại và tham vấn. Nước láng giềng Trung Quốc cũng bị tác động vì cuộc nội chiến ở Miến Điện và tình trạng tội phạm gia tăng ở khu vực biên giới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét