Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2024

Âm Nhạc, Chôn mà chưa Chết- Cứ nghe nói “Bảo Tồn Văn Hóa” là tôi phì cười……- Lê Xuân Trường

Khi từng nhạc sĩ của thế hệ tân nhạc đầu tiên của Việt Nam ra đi, tôi đều buồn và thương tiếc. Nhạc sĩ Xuân Tiên là người nhạc sĩ của thế hệ nhạc sĩ đầu tiên của nền tân nhạc việt Nam nhiều tuổi nhất mới vừa ra đi; Ông thọ 102 tuổi. Bây giờ chỉ còn lại nhạc sĩ Đan Thọ và Lê Quang Anh. Sự phát triển trong giữa thế kỷ 20 từ năm 1945 cho đến năm 1975, nền Tân Nhạc Việt Nam đã góp phần tích cực cho lịch sử dân tộc, cho văn hoá Việt Nam. Không thể phủ nhận sự ra đời của những ca khúc đã chiếm lĩnh vị trí ưu thế trong cả nền âm nhạc Việt Nam, và nhất là về những đóng góp của nó đối với lịch sử, văn hoá dân tộc. 
<!>
Lịch sử Việt Nam khi đất nước bị phân chia bắt buộc phải cuốn vào cuộc chiến và gánh chịu nhiều hậu quả khốc liệt của chết chóc, ly tán, mất mát và đau buồn. Những nỗi niềm u uất buồn thảm là tâm trạng chung, đều được các nghệ sĩ có tài của thế hệ đầu tiên đem vào các tác phẩm văn chương nghệ thuật, và chỉ có các ca sĩ thời danh cũ trong miền Nam mới thể hiện tuyệt vời các bản sầu ca ấy.
Vì sao?
Vì họ đã từng sống trong giai đoạn ấy và khi họ trình diễn, thì cũng như chính họ kể lại một đoạn đời đắng cay sầu thảm của mình. Họ đã thả hồn vào bài nhạc, và người nghe cảm thấy gần gũi và được vuốt ve, vì họ cũng cảm nhận có một phần đời lạc loài của mình trong những bài hát ấy.

Mỗi dân tộc có một nền Văn Hóa riêng. Với Nghệ Thuật, mỗi dân tộc lại có những bản sắc đặc thù riêng. Khẳng định văn hóa luôn là bước tiến đầu cho sự tồn vong của mỗi dân tộc. Các trung tâm làm băng nhạc, họ luôn tung hô là họ bảo tồn văn hóa; Nhưng thật sự việc đưa sản phẩm âm nhạc đến người nghe, cũng đồng thời mang đến lợi nhuận cho nhà sản xuất, nhà kinh doanh. Âm nhạc đã được người ta khai thác nhằm mục đích lợi nhuận và không loại trừ bất cứ cách làm nào, chỉ sao cho có thể thu lợi nhiều nhất. Chính họ đã đánh mất rất nhiều những tinh hoa của văn hóa dân tộc. Âm nhạc là bức tranh của “bản sắc văn hoá dân tộc”. Âm nhạc là “một phần bản sắc” của con người. Âm nhạc là văn hoá. Âm nhạc đang được khai thác vì mục đích lợi nhuận, vậy, phải chăng văn hoá, xã hội,… trong âm nhạc chỉ còn là những biểu hiện, thể hiện “của” và “vì” mục đích lợi nhuận?
Nền âm nhạc Việt Nam chỉ có những thể loại âm nhạc dân tộc. Từ dân gian đến cung đình, từ nơi thị tứ đến thôn quê… đâu đâu tiếng hát, tiếng ca cũng được thể hiện bằng ngôn ngữ – âm điệu tiếng nói của người Việt Nam. Đầu thế kỷ 20, nền âm nhạc Việt Nam có những thay đổi lớn, đó là việc hình thành nền tân nhạc với sự ảnh hưởng từ nền âm nhạc của Phương Tây ở những yếu tố âm giai, lý thuyết âm nhạc, thể loại, hình thức, nhạc khí, cách thức thể hiện,… Với sự tiếp thu này, nền âm nhạc Việt Nam chịu sự phân hoá mạnh mẽ, thành hai hướng, hai dòng âm nhạc, hai khái niệm rõ rệt: Tân Nhạc và nhạc Dân Tộc Cổ Truyền.

Trên phương diện văn hoá, xã hội, từ bao đời nay, âm nhạc là tiếng nói của dân tộc, là kết nối con người, truyền bá tư tưởng, đời sống xã hội, phục vụ tín ngưỡng, giáo dục lòng yêu nước, tinh thần dân tộc cho con người. Âm nhạc có thể kéo mọi người về lại với nhau, với cội nguồn và hướng thiện,… Trong lịch sử và đời sống, âm nhạc mang đến cho con người những thông điệp về tinh thần yêu nước, ý chí, lòng nhân ái; là lời trao gởi của tình yêu, tình mẫu tử, thầy trò, bạn bè. Tác phẩm âm nhạc phải có tính dân tộc, có bản sắc. Có bản sắc để làm nền tảng cho sự sáng tạo – phát triển, bản sắc còn là phần “nền” cho giáo dục, cho sự phát triển bền vững của xã hội. Bởi “âm nhạc trong văn hoá – xã hội” và “xã hội, văn hoá trong âm nhạc”. Những nét riêng, bản sắc riêng của mỗi cộng đồng người, mỗi sắc tộc, quốc gia phải được xem là đồng nghĩa với chủ quyền của dân tộc, của quốc gia đó.
Những ca khúc luôn có một dĩ vãng và khi người nghe đã từng trải nghiệm sống trong giai đoạn ấy thì mối cảm thụ lại càng thêm sâu sắc. Vì thế người ta vẫn còn thích và nhớ nhiều đến nhạc xưa của miền nam Việt Nam, vì nó đã ghi dấu một giai đoạn lịch sử đau thương của đất nước, chập chờn hư ảo với đói khổ, nghèo nàn, chết chóc, chia ly... mà trong văn học vẫn chưa có tác phẩm nào có tầm, vô tư nói lên được nỗi khổ đau không thốt được bằng lời của dân tộc mà không bị vướng víu với lập trường chính trị.

Hơn 10 năm trở lại đây, nền âm nhạc Việt Nam trở nên phức tạp, trộn lẫn của hầu hết các thể loại âm nhạc trên thế giới hiện nay. Nhiều thể loại, nhiều dòng âm nhạc, xu hướng khác nhau, đan xen, kết hợp, kể cả những sáng tác, biểu diễn, thưởng thức, đều tựu chung lại trong một thể loại “ca khúc” đầy vô nghĩa, mà có thể thấy từ hang cùng ngõ hẹp, từ thành thị đến nông thôn, trong hầu khắp các chương trình văn nghệ, hệ thống truyền thông, từ trong các buổi đại nhạc hội, cho đến đám tiệc gia đình,… Những trung tâm ở Hải Ngoại cũng thế, có gì hay? Cũng a dua theo một luồng sóng vô cảm, mà đã vội quên đi tờ khai sinh lưu vong từ năm 1975. Các nhạc sĩ trong miền Nam đã bị xóa tên nhưng những di sản để lại trong nền văn học, nghệ thuật, văn hóa giáo dục với sự đóng góp của các người ấy phải là không đáng trân quí? Cái hay sẽ tồn tại bằng mọi cách và cái dở, sẽ đi vào thùng rác.
Các ca sĩ thế hệ trẻ bây giờ tự hào là được đào tạo từ Nhạc Viện nên vững về thanh nhạc và hát rất hay nhưng khi trình bày những ca khúc của nhạc sĩ miền Nam vẫn chưa lột hết được 'phần hồn' của nó. Vì thứ âm hưởng buồn não nề, thê lương, nghẹn ngào, đau đớn, tiếc nuối, ngầm chan chứa nỗi bất hạnh nhưng nó không hề toát ra nỗi uất hận người, hận đời ... Nó vẫn còn ẩn mang một khát khao vượt thoát, một sự khoan thứ cao thượng, một sự nâng niu trân trọng tất cả những gì quý giá còn lại, dù là mỏng manh nhất, trong những gì bị coi là đổ vỡ, bị coi là thất bại...

Bây giờ, âm nhạc là người người hát ca khúc, nhà nhà sáng tác ca khúc! Ca khúc mang đến cho người sáng tác, ca sĩ,… tiếng tăm, trở thành “thần tượng” và giàu có; mang đến cho nhà sản xuất lợi nhuận, thì cứ thế mà tung chưởng…”Bảo Tồn Văn Hóa”.
Thi sĩ Đỗ Trung Quân đã nói:
"Chôn không chết.
Sau 1975 ,toàn bộ nền âm nhạc miền nam nói chung Sài Gòn nói riêng được liệt kê vào loại phản động cấm phổ biến, trong đó bolero cách gọi chung một thể loại nhạc đại chúng uỷ mị không có giá trị, nấm mồ được đào và bolero cũng được chôn xuống chờ xanh cỏ…
Nhưng người miền nam trong thời chiến, trước 1975 không có thông tin để biết rằng tại Hà Nội miền bắc thập niên 1970 có một vụ án bi thương: vụ án “Toán xồm – Lộc vàng“ (xin tra google), hai chàng trai trẻ tuổi mê nhạc tiền chiến, nước ngoài, ”nhạc vàng“ của Sài Gòn dù đi hát chui cũng bị dong ra vành móng ngựa tội tuyên truyền phổ biến nhạc đồi truỵ – phản động. Toán xồm 15 năm tù. Lộc vàng 10 năm tù. Nhờ án tù cao nên hai người tù không phải đi lính, bộ đội, không phải đi qua chiến tranh. Năm 1982, mãn án tù trở về khi tới ga Hàng Cỏ, từ những chiếc cassette chiến lợi phẩm mang từ miền nam về ầm ĩ toàn những thứ “nhạc vàng uỷ mị“ thứ âm nhạc lấy đi mỗi người trên dưới 10 năm trong lao tù. Toán xồm vài năm sau đó chết trước cửa ngôi nhà cũ bị chiếm dụng của mình đúng ngày 30 tháng tư, Lộc vàng còn sống đến hôm nay, mở một quán cà phê ven Hồ Tây đêm đêm vẫn hát…nhạc vàng.
Thứ âm nhạc đã bị chôn mà không chết, mãi mồ không xanh cỏ.
Thêm 40 năm nữa , một ngày kia bỗng thấy trên truyền hình quốc gia VTV tràn ngập loại âm nhạc “uỷ mị bolero“.những cuộc thi đủ màu sắc tưng bừng diễn ra.những gương mặt ca sĩ trước đây chỉ thấy ở những chương trình hải ngoại nay nghiễm nhiên xuất hiện trên hàng ghế quyền lực lệch trời với thí sinh: BAN GIÁM KHẢO! Thứ âm nhạc “uỷ mị – bình dân –sến súa !“ ấy chiếm lĩnh sóng truyền hình hơn mọi game chơi nào khác.
Một cách tự nhiên cuộc “phục thù ngọt ngào“ không đổ máu, không có tiếng súng đạn – chỉ thí sinh – ban giám khảo và bolero: sứ mệnh hoàn tất.
những ca khúc đỏ một thời bỗng lui vào viện bảo tàng, chỉ đưa ra trong vài ngày “ giỗ chạp“.
Đấy! chết mà chưa chôn, chưa kể âm nhạc “ hường hường “ của các anh.”
Lịch sử âm nhạc Việt Nam cũng như âm nhạc thế giới đã ghi lại nhiều thành tựu trong việc tiếp nhận, giao lưu văn hoá âm nhạc như việc trước năm 1975 những bài hát là những tiếp biến từ chanson, romance, melodie,… đến từ Pháp, Hoa Kỳ ngày trước.

Nền nhạc mới Việt Nam ngày nay cũng được hình thành từ việc tiếp thu những giá trị văn hoá âm nhạc thế giới, nhưng tiếc thay nó được tiếp biến như "Râu ông nọ cắm cằm bà kia" tạo ra một nền âm nhạc hỗn loạn vô văn hóa. Những sáng tác mới, tính chất “tự do”, sáng tạo và có thể không theo bất kì một nguyên mẫu nào là điều thường có, nhưng điều mà mọi sáng tác phải có, trước nhất, là “cái riêng” trên nền tảng “cái chung” của dân tộc và thời đại.
Những tinh hoa, những niềm tự hào của Âm Nhạc Việt Nam đài truyền hình nơi đây không đài nào phát tuyến, chỉ toàn những âm nhạc nhí nhố thì là đầy dẫy. Những ca khúc từ tiền chiến cho đến năm 1975 với chất thơ trong nhạc luôn có sức hút với khán thính giả đứng tuổi. Đọng lại trong lòng khán thính giả vẫn là những ca khúc dạt dào cảm xúc. Tìm kiếm những ca khúc hay và ý nghĩa như nhạc xưa thực sự khan hiếm ở thời điểm này. Ai có một chút văn hóa âm nhạc tối thiểu cũng không khỏi nhăn mặt khó chịu, lắc đầu ngao ngán khi vô tình xem những chương trình ca nhạc vốn từng được xem là có uy tín nhưng ngày càng nhiều loại ca sĩ, ca khúc mang đầy văn hóa Hàn quốc, Trung quốc .
Những thể loại ca khúc, những chương trình văn nghệ như hiện nay liệu có phải là một kiểu “tiếp biến” hay đã “tự biến”… thay đổi nền âm nhạc Việt Nam? Trong chừng mực nào đó, văn hoá, âm nhạc, nhất là âm nhạc dân tộc không chỉ là bản sắc mà còn là nền tảng để giáo dục con người, nhân tố bảo tồn văn hoá dân tộc, là chất nối kết con người với dân tộc, với truyền thống.

Có lẽ, chẳng cần nhắc đến trách nhiệm “Bảo Tồn Văn Hóa” như những người làm thương mại nghệ thuật hay tung hô, mượn cớ dùng chữ “Đao To Búa Lớn” cho nó kêu vang. Nhiệm vụ bảo tồn, kế thừa, phát huy, phát triển,… truyền thống âm nhạc của cha ông, cần quái gì mà phải bảo tồn?

Tiền là trên hết!
Lê Xuân Trường

\

Không có nhận xét nào: