Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 19 tháng 12, 2024

Nó Và Tôi - Kim Oanh


(Nó và chị Kim Phượng của tôi - Miếu Phan Thanh Giản 1969)
Nó là đứa con út trong gia đình, mẹ mất sớm, anh và chị nó cũng mất trong chiến tranh. Nó được sanh ra và lớn lên ở Thầy Phó. Ba nó là ông Tổng trong làng, ông tục huyền. Nó may mắn có được người mẹ kế chăm lo và thương yêu. Sau những năm tình hình không yên ổn, gia đình nó tản cư lên Vĩnh Long sinh sống. Căn nhà được dựng lên trong khu vực của bến xe Vĩnh An, chạy xuyên tỉnh Vĩnh Long và Vĩnh Bình, bên cạnh Kho Dầu Cũ. Để có một nghề sinh sống,gia đình bác Bảy Tổng và Bác Tám là chủ xe Vĩnh An hùn với nhau mở ra một quán ăn.
<!>
Má của nó và bác Tám gái nấu hủ tíu bò kho số một. Bác Bảy trai pha cà phê tuyệt ngon, nên quán tấp nập người từ ngoài chợ vào ăn, tiếng đồn lan nhanh, làm ăn phát đạt. Quán được mở rộng, thêm những bàn bi da để thu hút giới trẻ.
Ba má tôi cất một căn đối diện, để các anh chị tôi từ làng Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm, sau khi xong bậc tiểu học lên trung học có nơi trú ngụ, nên nó thường sang nhà chơi, và từ đó nó như là người trong nhà.
Sau năm Mậu Thân 1968, ba má tôi dắt tôi và hai đứa em rời làng Trung Ngãi cũng tản cư lên Vĩnh Long, tôi bắt đầu là người Vĩnh Long. Kể từ đó nó và tôi rất thân.
Năm ấy tôi học lớp nhì trường tiểu học Long Hồ. Chân ướt chân ráo mới đến, ba má tôi bắt anh tôi đưa đón tôi hai buổi đến trường. Anh tôi ham vui đi chơi với bạn bè nên thường “bán cái” cho nó làm nhiệm vụ đưa đón tôi. Lần đầu nó bị ép buộc nhưng những lần sau thì hình như nó tình nguyện,vì mỗi hai bận đi về tôi và nó hay la cà ra ruộng bắt dế,tôi ghét cay ghét đắng mỗi khi đá dế, nó giựt tóc tôi để quay dế. Chúng tôi chui hàng rào sau trường đi hái củ sắn non của người ta. Có hôm nó bảo:
- Mày có biết tại sao ong hút mật hoa?
- Tại sao?
- Tại vì nó có mật ngọt.
Vậy là tôi tin lời, hai đứa hay ghé hái bông bụp và ngắt cái nhụy, hút mật hoa như con ong, thật tình ngọt lịm!
Chiếc xe đạp nó chở tôi đi học, không có bọt-ba-ga nên tôi thường ngồi sườn xe phía trước nó. Có lúc nó cho tôi chểm chệ trên ghi-đông, miệng tôi la báo hiệu:
- Vô, vô!
Nó hét tôi:
- Tránh vô, mày bảo vô, cho tao đụng người ta à!

Tôi thích chí mỗi khi tôi làm nó tức, nhưng nó rất đổi dễ thương, có món gì ngon, nó cũng mang sang nhà cho chị em tôi ăn, có lẽ cuộc đời nó đơn côi nên anh chị em tôi cũng là anh chị em của nó.
Nó có tài làm những chiếc xe thổ mộ bằng dây kẻm mảnh, rồi bắt con kiến dương cột vào, hai đứa khom lưng thổi, cho hai cánh con kiến xoè ra và kéo xe đi. Nó luôn làm cho tôi vui cười. Nghèo quá, đâu có tiền mua đồ chơi như bao trẻ khác. Nhiều và nhiều lắm kỷ niệm tuổi thơ.
Những đêm sau giờ học bài, chị tôi chạy Vê-lô-xô-lex, đèo nó đi mua bánh mì thịt về ăn. Trên đường về sụp ổ gà, nó té. Chị tôi không hay, về đến nhà, nó cũng chạy bộ về đến, trong tay nó chỉ còn 1 ổ bánh mì. Chị tôi hỏi:
- Còn mấy ổ nữa đâu?
- Ai bảo làm té em, em quăng hết cho mấy người khỏi ăn.
Không ai giận nó, mà chỉ bật cười vì nét giận dỗi ngây ngô của nó, ngồi một mình gậm bánh mì cho hả tức.
Thời gian trôi qua, tôi lên lớp nhất. Nó học trung học Nguyễn Trường Tộ với anh tôi. Nó là bạn của anh tôi.
Thế mà tôi chưa bao giờ gọi nó là anh. Không có ai thì chúng tôi mày tao như thế ấy. Tôi bị má tôi la hoài, má bảo tôi hổn. Phải gọi nó là anh. Một hôm...
Chát! Đó là cái tát tai nảy lửa của má tôi khi bị bắt quả tang gọi NÓ. Nó khoái chí cười, tôi trừng mắt hăm dọa. Nó càng cười lớn hơn và chạy để né tôi.
Tình thân giữa tôi và nó lớn dần, nó vẫn làm bổn phận đưa đón tôi đi học. Cách ngồi trên sườn xe đạp hình như không ổn với tôi nữa, và má tôi cũng thấy thế. Mỗi lần má bảo, tôi đáp gọn và chuồn nhanh.
- Con gái lớn rồi ý tứ nhe con.
- Dạ.
Kể từ giây phút đó tôi không còn ngồi phía trước nữa, có hôm tôi từ chối đi cùng nó về nhà sau giờ học.
- Thôi mày về đi, tao đi bộ được rồi.
- Mày bày đặt làm cao hả, lên xe nhanh.
Tôi thủng thẳng đi, nó cà rề xe theo lãi nhãi, cuối cùng biết là không từ chối được, tôi ngại ngùng. Thoát một cái, tôi đứng hai chân trên hai cánh chuồn chuồn của bánh xe phía sau nó, 2 tay vịn vai nó. Thế là ổn rồi chứ!
Ngoài giờ đi học và giờ ngủ, nhà tôi mới vắng bóng nó.
Tôi đã vào trung học, nên nó không còn đưa đón tôi. Có những lúc chúng tôi học khác buổi, nó vẫn sang nhà, ngồi ngoài hàng hiên chờ đợi. Mặt nó mừng rỡ khi thấy bóng anh em tôi đi học về.

Thời gian vụt qua nhanh, tôi lên Đệ Tứ. Tôi và Hằng, nhỏ bạn cùng lối xóm bày mưu tìm bồ cho nó.
Nó tên Sơn, thành thật mà khen, nó điển trai, nước da ngâm đen như lai, đôi mi cong vút, tạo cho đôi mắt sâu đen, mày rậm, nụ cười “ăn tiền”, hàm răng trắng tinh. Nó đẹp như tài tử xi nê của Ấn Độ.
Hằng và tôi bảo nhau “xem trong lớp mình ai xứng với nó đây?” Làm mai cho nó, chúng tôi chấm một nàng. Nhỏ này mái tóc dài đen tuyền, nước da trắng, dáng mảnh mai, viết văn giỏi, ca hay luôn đứng nhì trong lớp.
Nhỏ bạn tên Thu Thủy, so với chúng tôi nhỏ yểu điêu và ra vẻ người lớn hơn nhiều, nhỏ thích cài hoa trên tóc, Hằng và tôi lên kế hoạch làm quen giùm nó. Chúng tôi về bảo nhỏ với nó:
- Ê Sơn, tao có đứa bạn học muốn làm quen với mày.
- Làm sao bạn mày biết tao mà quen?
- Tại bạn tao đến nhà tao chơi thấy mày, nó thích.
Tôi trổ tài xạo với nó nhưng với Thủy thì chúng tôi xạo hơi nhiều đểThủy nghe êm tai hơn và tin chúng tôi hơn:
- Thủy nè, bạn anh mình học lớp sáng, ảnh muốn làm quen với Thủy. Ảnh nói Thủy dễ thương.
Thấy Thủy có ý chần chừ và ngại ngùng, Hằng tấn công tiếp:
- Mai ảnh gửi thư trong hộc bàn cho Thủy đó.
Mọi việc ổn thỏa. Thế là Hằng và tôi là bồ câu đưa thư. Thư viết lần đầu nó vụng về nhờ chị tôi tư vấn, Hằng và tôi bắt đầu đi học sớm để bỏ thư vào hộc bàn, rồi sau giờ học ra về, lén trở lại để nhận thơ.

Một thời gian khá dài..Sau giờ học Thủy hay cà rà ở trể, có hôm lại đi học sớm, có lẽ Thủy muốn biết anh chàng đó là ai. Tôi sợ chần chừ bác Năm gác cổng đóng cổng trường là khỏi ra, về trể còn bị rầy thì khổ, nên chúng tôi bảo nó:
- Ê Sơn, mày viết thơ bảo Thủy, tan học ra về liền và không được đi học sớm nhe.
Thú thật trong những bức thư tình, tôi và Hằng có xem lén, nhưng tuyệt nhiên chúng tôi chưa bao giờ xem lén thư của Thủy. Tôi còn nhớ hai câu thơ nó chép của thi sĩ nào đó, chắc chắn Thủy cũng mát lòng.
“Tóc em dài, em cài hoa thiên lý”
Miệng em cười, anh để ý anh thương”.
Úi chà! Nghe ăn tiền không chịu nổi. Tình bạn giữa hai người hình như càng đằm thắm hơn, thơ mộng hơn và cũng lãng mạn hơn.
Một ngày đẹp trời, tôi hẹn Thủy vào nhà tôi chơi, để âm thầm cho hai người gặp mặt. Trong lá thư ấy Sơn căn dặn Thủy mặc áo bà ba màu tím.
“Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh anh mến lá sân trường
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương
Anh pha mực cho vừa màu áo tím”.
Sau lần gặp nhau đó, hai người “chiụ đèn”, Hằng và tôi thất nghiệp. Hai người họ không cần chúng tôi làm bồ câu đưa thư, và cũng không còn được đọc lén thư tình của nó. Tình của họ đi đến mức độ nào tôi không còn biết nữa. Tiếc quá hả Hằng?
Năm 1972, 1973 tình hình chiến sự bắt đầu leo thang. Một số học sinh phải động viên vào quân ngũ. Sơn cũng khăn gói lên đường. Đơn vị của Sơn đóng tại Hồng Ngự.
Chúng tôi cũng bận rộn với học hành, lên năm Đệ Tam Thủy học ban B, Hằng và tôi ban A. Chúng tôi không còn khắng khít, hay trò chuyện như xưa. Tôi cũng vô tình quên đi nó. Chưa bao giờ viết cho nó một lá thư thăm hỏi đời sống chiến trường, hay động viên tinh thần nó trong lúc gian nguy.
Thật là quá sức tệ! Tôi cũng vô tình với Thủy làm sao!
******
Một trưa, khi tan học về nhà, trong khu phố ồn ào, lối xóm lăng xăng chạy tới lui. Nhà bác Bảy Tổng đông người. Chị tôi từ nhà bác bước ra nhòa nước mắt:
- Có chuyện gì vậy chị?
- Oanh ơi! Sơn chết rồi.
Hai chân tôi chôn chặt xuống mặt đường, toàn thân tôi lạnh cứng, hai hàng nước mắt tuôn đầm đìa. Tôi khóc như đứa trẻ. Không kịp vào nhà, tôi vội chạy đến nhà nó. Nó nằm trong chiếc bao nylon, gương mặt non choẹt, hiền hòa, như đang ngủ. Một giấc ngủ an bình.
Thế là hết! Tôi lặng nhìn nó, lòng xót thương, đau đớn. Tôi buột miệng nói thầm lời hát của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Sơn ơi! “Anh không chết đâu anh!”
Đó là lần đầu cũng là lần cuối cùng tôi gọi nó là ANH.
Tôi vội vã báo tin cho Thủy, hai đứa gục đầu khóc ngon lành. Thủy vào nhà Sơn, trên tay cầm bản nhạc “Anh Không Chết Đâu Anh” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh để cạnh quan tài, và xin bác Bảy được chít khăn tang. Mọi người đều sửng sốt, bác Bảy bảo “không nên vì con còn trẻ, đời còn dài, làm như thế mất duyên con gái”. Nhưng với lòng cương quyết của Thủy không ai ngăn được.Tôi cũng bàng hoàng, và ngưỡng phục mối chân tình của Thủy dành cho Sơn.
Sơn ơi! Chắc Sơn cũng vui cười nơi chín suối!? Oanh chọn bạn cho Sơn chắc chắn không lầm Sơn há!

Hôm đưa linh cữu Sơn đi, lá quốc kỳ phủ kín quan tài, có người con gái mặc chiếc áo dài trắng học trò, chít vành khăn trắng, ôm bức ảnh Sơn và bản nhạc cuộn tròn trong tay đi đầu. Tiếng hát ca sĩ Thanh Lan não nề, thương đau từ chiếc cassette vọng ra:
“….Không, anh không chết đâu anh. Chưa, anh chưa chết đâu anh...”
“... Giọt nước mắt bây giờ và còn hàng đêm cho anh cho anh...”
Không ai cầm được nước mắt, nhưng những tiếng khóc mọi người đưa tiễn Sơn, có lẽ dành cho Thủy nhiều hơn. Tôi rất ngưỡng mộ bạn mình, Thủy bình tĩnh và cương nghị rất nhiều hơn tôi nghĩ.
“Xin một lần cuối, một lần cuối cùng vẩy tay... tạm biệt nhe Sơn”. Tôi chỉ tạm biệt thôi nhé, vì Sơn còn mãi mãi khắc ghi trong lòng toàn thể gia đình tôi.
Sơn ơi, Sơn không bao giờ chết! “..Anh không chết đâu anh, anh chỉ về với mẹ mong con....”
Ngày nay, Thủy ra sao và đời sống như thế nào? 2 năm qua, tôi tình cờ gặp lại Thủy ở Vĩnh Long, trong một chuyến về họp bạn, hai đứa xúc động, nghẹn lời. Dù thời gian qua đi, mấy chục năm dài đăng đẳng, nhưng Thủy vẫn xinh, dịu hiền, điềm đạm, dễ thương. Tôi không dám khơi lại nỗi buồn xưa. Thủy tâm sự, giọng nói xúc động mừng vui lẫn nỗi buồn, tôi thảng thốt, bùi ngùi khi biết Thủy hai buổi đi làm về trong cô đơn. Tôi không dám hỏi Thủy vì sao Thủy vẫn một mình.
Thủy vẫn nhớ kỷ niệm và vẫn sống một mình lẻ loi nơi phố cũ. Thủy là dòng nước tinh anh đem bao tươi mát cho bạn bè....
Thủy ơi! Hãy mãi là một dòng nước mát, ngọt ngào luân lưu trong lòng Hằng và Oanh nhé Thủy.
Sơn ơi! Những dòng chữ này thay một nén nhang tưởng nhớ Sơn.
Thương nhớ về Sơn, Thu Thủy, Thu Hằng mãi mãi không phai.

Kim Oanh

Không có nhận xét nào: