Thủ tướng Canada Trudeau đối mặt với áp lực từ chức ngày càng tăng từ nội bộ đảngThủ tướng Canada Justin Trudeau đang phải chịu áp lực ngày càng tăng từ chính các nhà lập pháp trong nội bộ đảng, buộc ông từ chức và để người khác tiếp quản.
<!>
Đảng Tự do cầm quyền của Thủ tướng Trudeau phải đối mặt với nguy cơ thất bại trong cuộc bầu cử tiếp theo sau hơn chín năm tại vị trong bối cảnh cử tri mệt mỏi cũng như tức giận về giá cả cao và cuộc khủng hoảng nhà ở.
Tập đoàn Phát thanh Truyền hình Canada (CBC) cho biết hơn 50 thành viên quốc hội của Đảng Tự do từ Ontario – tỉnh đông dân nhất trong số 10 tỉnh và là thành trì chính của đảng – đã tổ chức một cuộc thảo luận qua điện thoại vào thứ Bảy (21/12) và đồng ý rằng ông Trudeau phải từ chức.
“Không còn cách nào khác ngoài việc thay đổi lãnh đạo ngay bây giờ“, nhà lập pháp của Đảng Tự do Chandra Arya, người trung thành lâu năm của ông Trudeau, nói với CBC vào Chủ Nhật (22/12). Tính đến thứ Sáu tuần trước (20/12), chỉ có 18 nhà lập pháp công khai yêu cầu ông Trudeau từ chức.
Tuần trước, ông Trudeau đã phải chịu hai đòn giáng mạnh: Bộ trưởng Tài chính Chrystia Freeland từ chức trong bối cảnh tranh cãi với thủ tướng về chính sách chi tiêu, và tất cả các đảng đối lập tuyên bố sẽ đoàn kết để lật đổ chính phủ thiểu số của Đảng Tự do.
Nếu ông Trudeau từ chức và Đảng Tự do có thời gian để chọn một nhà lãnh đạo thường trực mới, thì những ứng cử viên có khả năng bao gồm: Cựu Bộ trưởng Tài chính Chrystia Freeland, Ngoại trưởng Melanie Joly, Bộ trưởng Đổi mới Francois-Philippe Champagne và cựu thống đốc ngân hàng trung ương Mark Carney.
Tuy nhiên, ông Trudeau không có ý định rời đi sớm. Tờ Globe and Mail, trích dẫn một nguồn tin của Đảng Tự do, cho biết ông Trudeau sẽ dành Giáng sinh với gia đình trước khi đi nghỉ trượt tuyết ở tỉnh British Columbia thuộc Thái Bình Dương.
Một nguồn tin của Đảng Tự do nói với Reuters tuần trước rằng ông Trudeau sẽ cân nhắc tương lai của mình vào dịp Giáng sinh và Năm mới.
Các đảng đối lập cho rằng trong bối cảnh những ngày tháng của ông Trudeau rõ ràng đang được đếm ngược, và chính quyền Hoa Kỳ sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump đang hứa sẽ áp dụng mức thuế quan tàn khốc 25% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Canada, nên đất nước này cần một cuộc bầu cử ngay bây giờ để thành lập một chính phủ ổn định.
Các cuộc thăm dò cho thấy Đảng Tự do sẽ bị Đảng Bảo thủ cánh hữu đối lập, chính thức đè bẹp trong một cuộc bầu cử.
Đảng Tự do đã phát hành một quảng cáo vào cuối tuần, lưu ý rằng nếu Đảng Bảo thủ thắng cử, họ sẽ cắt giảm chi tiêu công. Quảng cáo chính trị này không nhắc đến tên ông Trudeau một lần nào.
Các lựa chọn của ông Trudeau bao gồm việc ở lại cho đến khi gần như chắc chắn thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, có thể là vào tháng Ba, hoặc từ chức ngay vào tháng Một tới để Đảng Tự do có thể chỉ định một nhà lãnh đạo tạm thời hoặc cũng có thể kết thúc nhiệm kỳ hiện tại của quốc hội để Đảng Tự do có thêm thời gian chọn một nhà lãnh đạo mới và chuẩn bị cho cuộc bầu cử tiếp theo.
Lãnh đạo Greenland: Hòn đảo “không phải để bán”
Lãnh đạo Greenland tuyên bố hòn đảo không phải để bán, sau khi Tổng thống đắc cử Trump cho rằng Mỹ nên mua nơi này vì an ninh quốc gia.
“Greenland là của chúng tôi, không phải thứ đem ra bán và không bao giờ bị bán. Chúng tôi sẽ không để thua trong cuộc đấu tranh lâu dài cho tự do”, ông Mute Egede, lãnh đạo đảo Greenland, lãnh thổ tự trị thuộc Đan Mạch, cho biết ngày 23/12.
Tuyên bố được ông Egede đưa ra sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ cần sở hữu Greenland vì an ninh quốc gia và hòa bình thế giới. “Việc Mỹ sở hữu và kiểm soát Greenland là yêu cầu cấp bách”, ông Trump viết trong thông báo về việc đề cử doanh nhân Ken Howery làm đại sứ Mỹ tại Đan Mạch.
Nghị sĩ Đan Mạch từ đảng Bảo thủ đối lập Rasmus Jarlov cùng ngày cũng nói chính phủ nước này phải thể hiện rõ quan điểm rằng kiểm soát đảo Greenland không phải chuyện có thể mang ra thảo luận hay đàm phán. “Cần phải ngăn cản bất cứ hoạt động nào của Mỹ nhằm kiểm soát lãnh thổ thuộc Đan Mạch”, ông Jarlov nói.
Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Trump cũng từng nhiều lần đề cập ý tưởng mua lại Greenland, hòn đảo lớn nhất thế giới. Ông nghiêm túc bình luận về viễn cảnh này vào năm 2019, cho rằng chính phủ Đan Mạch cũng muốn “chốt kèo” bất động sản đắt giá với Mỹ để giảm gánh nặng ngân sách. Điều này đã châm ngòi căng thẳng ngoại giao giữa Washington và Copenhagen.
Thủ phủ Nuuk của đảo Greenland gần với New York, Mỹ, hơn là thủ đô Copenhagen của Đan Mạch. Hòn đảo có trữ lượng khoáng sản, dầu mỏ và khí đốt tự nhiên dồi dào, nhưng nền kinh tế ở Greenland hiện phụ thuộc chủ yếu vào nghề cá cũng như trợ cấp hàng năm từ chính phủ Đan Mạch.
Mỹ có căn cứ phòng thủ tên lửa Pituffik ở phía tây Greenland nên hòn đảo có tầm quan trọng chiến lược với quân đội cũng như hệ thống cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo của Mỹ. Khi ông Trump đề cập việc mua Greenland trong nhiệm kỳ đầu tiên, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen đã tuyên bố không bao giờ bán hòn đảo và chỉ trích ông Trump “vô lý”.
Tổng thống Panama Mulino phản pháo ý tưởng của Tổng thống Trump về việc đòi lại kênh đào
Tổng thống Panama José Raúl Mulino đã phản hồi ý tưởng của Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump rằng chính quyền mới của ông có thể sẽ cố gắng đòi lại quyền kiểm soát Kênh đào Panama.
Sau khi ông Trump nói vào Chủ Nhật (22/12) rằng Hoa Kỳ “đã ngu ngốc trao đi” và hiện đang “bị lừa” tại tuyến đường thủy này, Tổng thống Panama José Raúl Mulino theo quan điểm bảo thủ đã công bố một video trên mạng xã hội X (tên mới của Twitter) tuyên bố rằng “mỗi mét vuông của kênh đào đều thuộc về Panama và sẽ tiếp tục thuộc về” đất nước của ông.
Không nhắc đến tên Trump, nhưng ông Mulino đã nói về phàn nàn của tổng thống tân cử Hoa Kỳ về việc tăng phí đối với tàu thuyền qua kênh đào. Ông giải thích rằng các khoản phí đó được các chuyên gia đưa ra và họ đã tính đến chi phí hoạt động và các yếu tố cung cầu.
“Thuế quan không được thiết lập theo ý thích nhất thời“, ông Mulino cho biết. Ông cũng lưu ý rằng Panama đã mở rộng kênh đào trong những năm qua để tăng lưu lượng tàu thuyền “theo sáng kiến của riêng mình” và nói thêm rằng việc tăng phí vận chuyển giúp chi trả cho các cải tiến.
“Người dân Panama có thể có quan điểm khác nhau về nhiều vấn đề. Nhưng khi nói đến kênh đào của chúng tôi và chủ quyền của chúng tôi, thì tất cả chúng tôi sẽ đoàn kết dưới lá cờ Panama“, ông Mulino khẳng định.
Sau đó, ông Trump đã viết trang mạng xã hội Truth Social để đáp trả, tuyên bố rằng: “Chúng ta sẽ xem xét về điều đó!” Ông cũng đăng một bức ảnh về một lá cờ Hoa Kỳ được cắm trên khu vực kênh đào với dòng chữ “Chào mừng đến với Kênh đào Hoa Kỳ!“
Theo Reuters, sau khi ông Trump đe doạ đòi lại Kênh đào Panama, Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum theo quan điểm cánh tả cấp tiến hôm thứ Hai (23/12) cũng đã bày tỏ sự ủng hộ đối với chính phủ Panama.
“Thật vậy, Kênh đào Panama thuộc về người Panama“, bà Sheinbaum nói trong cuộc họp báo buổi sáng thường kỳ.
Trước đó, ông Trump đã đề cập đến kênh đào trong một bài đăng dài trên Truth Social vào thứ Sáu (20/12), trong đó ông phàn nàn rất nhiều về khoản phí đánh vào các tàu của Hoa Kỳ đi qua Kênh đào Panama. Phí qua Kênh đào Panama có thể dao động từ ba đến sáu con số tùy thuộc vào kích thước của tàu và lượng hàng hóa mà tàu chở, với những tàu lớn nhất có thể bị thu phí tới 500.000 USD.
Hoa Kỳ đã xây dựng Kênh đào Panama vào đầu những năm 1900 khi tìm cách tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của tàu thương mại và tàu quân sự giữa các bờ biển của mình. Washington đã từ bỏ quyền kiểm soát tuyến đường thủy này và trao lại cho Panama vào ngày 31 tháng 12 năm 1999, theo một hiệp ước do Tổng thống Jimmy Carter ký kết vào năm 1977.
Bạn đang sao chép nội dung của Trí Thức VN. Nếu là cá nhân sử dụng, vui lòng ghi rõ nguồn trithucvn2.net. Nếu là website, kênh truyền thông, vui lòng chỉ sử dụng nội dung khi có sự cho phép của Trí Thức VN.
Giới chức Mỹ lo ngại vì UAV Trung Quốc được dùng rộng rãi tại Mỹ
Máy bay không người lái (UAV) đang là một mặt trận khác trong cạnh tranh kinh tế và công nghệ Mỹ-Trung. Do hiện tại ngày càng nhiều người Mỹ dựa vào UAV từ Trung Quốc, khiến giới chức Mỹ lo ngại đó là hiểm họa gián điệp, ngoài ra giá thành thấp của UAV Trung Quốc đe dọa thương mại cho các nhà sản xuất Mỹ.
Một dự luật quốc phòng được Quốc hội Mỹ thông qua ngày 18/12, bao gồm một điều khoản cấm 2 công ty Trung Quốc – DJI và Autel Robotics – bán UAV mới ở Mỹ nếu kiểm tra cho thấy họ gây “rủi ro không thể chấp nhận được” đối với an ninh quốc gia Mỹ. Trước đó, Quốc hội Mỹ đã cấm các cơ quan liên bang mua UAV nội địa của Trung Quốc, một số bang cũng cấm các dự án công quỹ sử dụng hoặc mua UAV của Trung Quốc (trừ một số trường hợp ngoại lệ).
Phụ thuộc vào UAV Trung Quốc
UAV được sử dụng rộng rãi ở Mỹ và thậm chí đã trở thành một phần trong cuộc sống và công việc của nhiều người, từ thực thi pháp luật đến làm bản đồ và sản xuất phim Mỹ. Việc sử dụng rộng rãi UAV tại Mỹ có phần nguyên nhân quan trọng là vì UAV do Trung Quốc sản xuất có giá rẻ, mà nếu chỉ với UAV giá cao do Mỹ sản xuất thì rất khó được dùng rộng rãi.
Một nông dân ở Bắc Carolina cho biết, từ năm 2019 ông đã sử dụng UAV do Trung Quốc sản xuất để bón phân cho cây trồng và theo dõi sức khỏe cây trồng. Một máy UAV gieo hạt có giá 35.000 USD, trong khi máy phun sương mặt đất truyền thống có giá lên tới 250.000 USD. Sau trận siêu bão Helen vào tháng 9 năm nay, người nông dân này làm tình nguyện viên đã sử dụng UAV để giúp tìm kiếm những người bị mắc kẹt. Trong đêm đầu tiên, ông và đồng đội đã tìm thấy 150 người bị mắc kẹt. Đối với những người không thể được giải cứu ngay lập tức, họ sử dụng UAV để gửi hàng tiếp tế cho những người này.
Lo ngại từ giới nghị sĩ
Chính sự phụ thuộc vào UAV Trung Quốc của đông đảo người dân Mỹ đã khiến các nhà lập pháp Mỹ lo lắng.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Rick Scott của Florida đã thúc đẩy Quốc hội hạn chế các cơ quan liên bang mua UAV do Trung Quốc sản xuất, những hạn chế được đưa vào dự luật quốc phòng do Tổng thống Biden ký năm ngoái. Ông Scott đã so sánh UAV do Trung Quốc sản xuất với sự kiện khinh khí cầu do thám, nói rằng nó có thể thu thập dữ liệu trên khắp nước Mỹ, gây rủi ro cho các căn cứ quân sự, cơ sở hạ tầng quan trọng và tài nguyên thiên nhiên.
Dân biểu Cộng hòa Elise Stefanik – người được Tổng thống đắc cử Trump đề cử làm đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, cho biết: “Thật vô trách nhiệm về mặt chiến lược khi để Trung Quốc trở thành nhà máy sản xuất UAV của chúng ta”.
Nhưng CEO Michael Robbins của nhóm vận động UAV AUVSI phản đối lệnh cấm ngay lập tức, nói rằng cần đầu tư để hỗ trợ doanh nghiệp Mỹ sản xuất UAV, giúp họ bắt kịp các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc về năng lực và chi phí.
Trong hai công ty UAV của Trung Quốc mà Mỹ đang điều tra, DJI Innovation chiếm phần lớn thị phần UAV toàn cầu và là công ty dẫn đầu thị trường Mỹ. Mặc dù DJI không sản xuất UAV quân sự, nhưng UAV của họ thậm chí còn được cả hai bên sử dụng trên chiến trường Ukraine.
Tại Mỹ, UAV của DJI được sử dụng bởi những người làm nhiệm vụ phản ứng nhanh tìm nạn nhân thảm họa, nhân viên lập bản đồ để khảo sát đường xá và tiện ích, nhân viên kiểm soát muỗi để bắt các nhóm ấu trùng, và các nhà làm phim dùng để quay phim từ trên không. Cảnh sát sử dụng chúng để giúp ngăn chặn tội phạm và tìm kiếm người mất tích.
Tên lửa SpaceX Falcon phóng lần thứ 130 trong năm nay, mang 30 vệ tinh vào quỹ đạo
Vào thứ Bảy (21/12), công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh phóng vệ tinh tập thể Bandwagon-2 bằng phương tiện phóng Falcon 9, đưa 30 vệ tinh vào quỹ đạo có độ nghiêng trung bình được xác định trước.
Chuỗi nhiệm vụ phóng “ghép chung” Bandwagon do SpaceX thực hiện được thiết kế để phóng chung các vệ tinh nhỏ vào quỹ đạo có độ nghiêng trung bình. Lần phóng hôm thứ Bảy là lần thứ hai trong chuỗi nhiệm vụ của Bandwagon, lần đầu tiên đã phóng 11 vệ tinh vào tháng Tư.
Theo Space News, Falcon 9 cất cánh từ Căn cứ Lực lượng Không gian Vandenberg (Vandenberg Space Force Base) ở California lúc 3:34 sáng (giờ địa phương) vào Thứ Bảy (6:34 miền đông nước Mỹ, ET), thực hiện sứ mệnh Bandwagon-2. Giai đoạn đầu tiên của Falcon 9 quay trở lại bãi phóng 8 phút 15 giây sau khi cất cánh, trong khi giai đoạn thứ hai vừa hoàn thành quá trình đốt nhiên liệu.
Các vệ tinh được sứ mệnh Bandwagon-2 mang theo bao gồm các vệ tinh trinh sát của quân đội Hàn Quốc cũng như các vệ tinh của các khách hàng khác. Những khách hàng này là Arrow Science and Technology, Exolaunch, HawkEye 360, Maverick Space Systems, Sidus Space, Tomorrow Companies Inc., True Anomaly và Think Orbital.
Space News cho biết, đây là lần phóng thứ 130 của tên lửa SpaceX Falcon vào năm 2024, vượt xa con số 96 lần phóng trong năm 2023. SpaceX lên kế hoạch phóng thêm một số lần nữa trước cuối năm nay, bao gồm cả sứ mệnh vệ tinh Starlink dự kiến được phóng vào thứ Hai (23/12). Tên lửa Falcon 9 sẽ một lần nữa phô diễn sức mạnh trong lần phóng vào ngày 23/12, mang theo 21 vệ tinh Starlink.
Bà Gwynne Shotwell, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành SpaceX, cho biết tại một sự kiện ở Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ngày 17/12 rằng số lần phóng dự kiến sẽ đạt 136 lần trong năm 2024.
Bà cũng cho biết SpaceX sẽ một lần nữa nâng cao mục tiêu năm 2025, nhắm tới 175 hoặc 180 lần phóng.
“Chúng tôi chỉ đơn giản là không ngừng thử thách giới hạn của mình,” bà nói.
Ngoài nhiệm vụ Bandwagon, SpaceX còn có loạt nhiệm vụ phóng vệ tinh tập thể Transpoter. Không giống như sứ mệnh Bandwagon, sứ mệnh Transpoter phóng các vệ tinh vào quỹ đạo có độ nghiêng cao.
Đến nay, SpaceX đã tiến hành 11 lần phóng tàu Transporter. Lần phóng đầu tiên là vào tháng 1/2021, đưa 143 vệ tinh vào quỹ đạo đã xác định trước. Kỷ lục phóng duy nhất này vẫn còn tồn tại cho đến nay.
SpaceX cho biết họ đang cung cấp các sứ mệnh tới quỹ đạo có độ nghiêng trung bình do nhu cầu cao. Công ty cho biết họ sẽ thực hiện hai sứ mệnh Bandwagon trong năm nay và hai sứ mệnh nữa vào năm tới.
Pavel Durov công bố Telegram lần đầu có lãi; Elon Musk gửi lời khen
Nhà đồng sáng lập kiêm CEO của Telegram, ông Pavel Durov mới đây đã công ty của doanh nhân người Nga này lần đầu có lãi sau ba năm kiếm tiền. Thành công bước đầu này của ông Durov và Telegram đã nhận được lời khen của tỷ phú Elon Musk.
Ông Durov đã công bố tin tức Telegram lần đầu có lãi trong bài đăng trên X hôm thứ Hai (23/12). Trong khi mô tả năm 2024 là một “năm rất thành công”, ông Durov giải thích rằng ứng dụng nhắn tin Telegram tập trung vào quyền riêng tư đã kiếm được hơn 1 tỷ USD doanh thu trong năm nay và “chúng tôi đang kết thúc năm với hơn 500 triệu USD tiền mặt dự trữ, không bao gồm tài sản tiền điện tử”.
Sự tăng trưởng tài chính của công ty được cho là nhờ vào sự gia tăng số lượng người đăng ký Telegram Premium và hiệu suất quảng cáo mạnh mẽ.
“Đây là một năm rất thành công đối với Telegram. Lần đầu chúng tôi có lãi sau ba năm kiếm tiền”, ông Durov tuyên bố.
Theo ông Durov, số lượng người đăng ký gói cao cấp đã tăng gấp ba lần vào năm 2024, vượt quá 12 triệu và doanh thu quảng cáo tăng đáng kể, góp phần vào cột mốc này. CEO của Telegram cho biết công ty cũng đã nỗ lực giảm bớt các nghĩa vụ tài chính của mình.
“Trong bốn năm qua, Telegram đã phát hành khoảng 2 tỷ USD nợ. Chúng tôi đã trả một phần đáng kể trong số đó vào mùa thu năm nay, tận dụng mức giá ưu đãi cho trái phiếu Telegram”, ông Durov cho biết, đồng thời nói thêm rằng vẫn còn nhiều việc phải làm để duy trì và phát huy tiến triển này.
Sự phổ biến của Telegram tiếp tục tăng lên khi ứng dụng này duy trì các dịch vụ miễn phí cho người dùng. Hồi tháng Bảy, ông Durov thông báo rằng ứng dụng nhắn tin Telegram đã đạt 950 triệu người dùng đang hoạt động và đặt mục tiêu vượt qua một tỷ vào cuối năm.
“Làm tốt lắm,” ông Musk phản hồi dưới bài đăng của ông Durov.
Bất chấp những thành tựu của công ty, ông Durov đã phải đối mặt với những thách thức pháp lý nghiêm trọng trong năm nay. Hồi tháng Tám, ông đã bị bắt giữ sau khi vừa mới xuống một sân bay ở Paris, Pháp và được tại ngoại sau vài ngày. Ông phải đối mặt với 12 cáo buộc hình sự, bao gồm cả tội đồng lõa trong việc phát tán nội dung khiêu dâm trẻ em, buôn bán ma túy và rửa tiền.
Các công tố viên Pháp tuyên bố rằng các quy tắc kiểm duyệt lỏng lẻo của Telegram đã tạo điều kiện cho tội phạm phát triển tràn lan trên nền tảng này.
Lần đầu tiên ông Durov ra hầu tòa tại Pháp là vào hồi đầu tháng Mười Hai này. Ông Durov là công dân Nga, và cũng có quốc tịch của Pháp, UAE, và Saint Kitts và Nevis. Ông đã từ chối bình luận về vụ việc với các phóng viên. Tuy nhiên, ông đã phủ nhận mọi hành vi sai trái
Bình luận về vụ bắt giữ ông Durov hồi tháng Tám, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov đã nhấn mạnh sự vô lý khi buộc các doanh nhân phải chịu trách nhiệm về việc các tội phạm thực hiện thông qua mạng lưới của mình. Việc truy tố ông Durov vì những tội này cũng giống như việc chính phủ Pháp bắt giữ những người đứng đầu hãng xe ô tô nổi tiếng của Pháp như Renault hoặc Citroen vì “những kẻ khủng bố cũng sử dụng ô tô [của các hãng đó]”, ông Peskov lập luận.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét