Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 9 tháng 10, 2024

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :09/10/2024 - Nam Giang



Giải Nobel Hóa Học được trao cho ba nhà khoa học nghiên cứu về protein – cấu trúc của sự sống Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển sáng nay, 09/10/2024, đã công bố giải Nobel Hóa Học năm nay trao cho ba nhà khoa học David Baker, Demis Hassabis và John Jumper, nhằm vinh danh những nghiên cứu về protein – những cấu trúc tạo lên sự sống. Nobel Hóa Học 2024 : Ba nhà hoa học được vinh danh, từ trái sang phải : David Baker, Demis Hassabis và John Jumper. © The Nobel Prize / X Chi Phương Theo thông cáo của ban tổ chức giải, nhà khoa học David Baker, thuộc đại học Washington, đã được vinh danh vì đã làm ra “điều không tưởng”, xây dựng các loại protein hoàn toàn mới, “những cấu trúc của sự sống”. Ông Baker chia sẻ giải này với hai nhà khoa học khác là Demis Hassabis và John M. Jumper, làm việc tại Google Deepmind (Anh Quốc), vì các dự đoán cấu trúc protein thông qua “trí tuệ nhân tạo”.
'
<!>
Heiner Linke, Chủ tịch Ủy ban Nobel Hóa học khẳng định trong thông cáo là “những khám phá này mở ra những tiềm năng to lớn”.

Protein thường bao gồm 20 loại axit amin khác nhau, có thể được mô tả như những “khối xây dựng sự sống”. Năm 2003, nhà khoa học người Mỹ David Baker đã thiết kế thành công một loại protein mới, không giống bất kỳ loại protein nào khác. Kể từ đó, nhóm nghiên cứu của ông đã tạo ra nhiều loại protein mới khác nhau, một số đã được sử dụng trong dược phẩm, vác-xin, vật liệu nano và cảm biến nhỏ.

Khám phá thứ hai liên quan đến việc dự đoán cấu trúc protein. Trong protein, các axit amin được liên kết với nhau thành những chuỗi dài, gấp lại, để tạo thành cấu trúc ba chiều, quyết định chức năng của protein.

Từ những năm 1970, các nhà nghiên cứu đã cố gắng dự đoán cấu trúc protein từ trình tự axit amin, nhưng điều này không hề dễ dàng. Tuy nhiên, vào năm 2020, Demis Hassabis và John Jumper đã giới thiệu một mô đun AI có tên là AlphaFold2, cho phép dự đoán cấu trúc 3 chiều của hầu như tất cả 200 triệu protein đã được xác định. Cho đến nay, AlphaFold2 đã được hơn hai triệu người từ 190 quốc gia sử dụng. Ủy ban trao giải Nobel nhấn mạnh rằng các nhà nghiên cứu này đã giải quyết được “một vấn đề tồn tại 50 năm”.

Thông cáo của Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển kết luận rằng “sự sống không thể tồn tại nếu không có protein, và giờ, chúng ta có thể dự đoán cấu trúc của protein và xây dựng thiết kế của riêng mình, mang lại lợi ích to lớn cho loài người”.

Vào ngày mai, tuần lễ trao giải của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển sẽ tiếp tục với giải Nobel về văn học. Giải Nobel hòa bình sẽ được trao vào thứ Sáu. Mỗi giải Nobel trị giá khoảng 1 triệu đô la, đến từ di sản của người sáng lập giải thưởng Alfred Nobel. Những người đoạt giải sẽ được mời đến nhận giải vào ngày 10/12, ngày kỷ niệm ngày mất của nhà khoa học người Thụy Điện.

Chiến tranh Ukraina : TT Zelensky dự thượng đỉnh Ukraina-Đông Nam Âu
Thượng đỉnh Ukraina - Đông Nam Âu được tổ chức vào hôm nay 09/10/2024 tại Dubrovnik, Croitia, nhằm tái khẳng định « sự ủng hộ của vùng Balkan dành cho nhân dân Ukraina » và viện trợ quân sự cho Ukraina chống Nga xâm lược.


Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky trả lời báo chí tại Riga-Litva. Ảnh minh họa chụp ngày 11/01/2024. © GINTS IVUSKANS / AFP
Thùy Dương
Tham dự thượng đỉnh có tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky và nguyên thủ quốc gia, thủ tướng hoặc ngoại trưởng của 12 nước khu vực Đông Nam Âu, gồm Albania, Bosnia-Herzegovina, Bulgari, Hy Lạp, Kosovo, Moldova, Montenegro, Bắc Macedonia, Rumani, Serbia, Slovenia và Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo dự kiến, các thỏa thuận hợp tác quân sự mới sẽ được công bố tại thượng đỉnh lần này.

Liên quan đến nước chủ nhà Croatia, thủ tướng Andrej Plenkovic cam kết đất nước ông sẽ thể hiện « tình đoàn kết với Ukraina, trong đó có quân sự ». Có thể Croitia và Ukraina sẽ ký kết một thỏa thuận hợp tác dài hạn, dựa vào kinh nghiệm rà phá bom mìn sau chiến tranh những năm 1990 và về việc xét xử tội ác chiến tranh. Trong 2 năm qua, Croatia đã viện trợ 300 triệu euro cho Ukraina, chủ yếu là viện trợ quân sự.

Kharkiv : 2 người chết, 30 người bị thương vì bom bay của Nga
Đây là lần đầu tiên tổng thống Ukraina Zelensky đến Croatia, vào lúc các lực lượng Ukraina đang gặp nhiều khó khăn ở mặt trận miền đông đất nước, thiếu cả binh sĩ và vũ khí. Tối hôm qua 08/10, chính quyền vùng Kharkiv thông báo một cuộc tấn công của Nga đã khiến 2 người chết, 30 người bị thương. Từ một tháng nay, vùng miền đông bắc Ukraina, cách biên giới Nga khoảng 30 km, liên tục bị các lực lượng Nga oanh kích, nhất là với bom bay.

Từ Kiev, thông tín viên Emmanuelle Chaze gửi về bài tường trình :

« Một lần nữa, cư dân của khu bình dân và công nghiệp Saltivka ở Kharkiv lại bị bỏ bom. Vào hôm qua, thứ Ba, 6 quả bom bay, mỗi quả mang vài trăm kg chất nổ, đã rơi xuống một tòa nhà và một công viên gần đó. Sau trận oanh tạc và sau khi được cứu hộ, người dân vẫn còn chấn động.

Một người kể lại : « Chúng tôi đang ở ngay phía sau nhà, tôi và con tôi đang đi bộ thì nghe thấy tiếng gì đó trên trời. Tôi nắm lấy tay con tôi và cùng chạy về phía nhà mình. Chúng tôi ngồi sụp xuống, và tôi dang tay ra bảo vệ con, và rồi chúng tôi nghe thấy tiếng nổ ».

Một người khác kể lại : « Nó rơi xuống chỗ cách nhà tôi dường như chưa đến 100m! Chỉ một chút nữa thôi là quả bom sẽ lao thẳng qua cửa sổ nhà chúng tôi. Thật là khủng khiếp ».

Người thứ ba cho biết : « Chúng tôi đang ở trong phòng khách thì quả bom rớt xuống. Chúng tôi vừa trở về từ đám tang chồng tôi. Căn hộ đã từng bị phá hủy và chúng tôi đã sửa lại nhà. Mọi thứ đều bị hư hại. Con tôi đã thoát chết, cách cháu chưa đầy 1m có 1 khối kim loại khổng lồ đã làm vỡ nát cửa sổ nhà tôi và rớt xuống ngay trước mặt cháu ».

Những người khác thì kém may mắn hơn. Có 2 người cao tuổi đang đi dạo trong công viên đã thiệt mạng trong vụ thả bom này. Tại Kharkiv, cũng như phần còn lại của Ukraina, các cuộc oanh tạc nhắm vào cư dân không ngớt chút nào. Chính vì lẽ đó chính quyền Kiev liên tục đòi được cung cấp nhiều phương tiện hơn để bảo đảm khả năng phòng không của Ukraina. Đây sẽ là một chủ đề được thảo luận vào cuối tuần tại thượng đỉnh Ramstein ở Đức, nơi lần đầu tiên quy tụ lãnh đạo của các nước đồng minh của Ukraina.

Hội nghị thượng đỉnh lần này được tổ chức mà không có sự hiện diện của tổng thống Mỹ. Joe Biden sẽ phải ở lại Washington do bão Milton ».

Israel : Không tự loại bỏ Hezbollah, Liban sẽ bị Israel “phá hủy” giống như dải Gaza

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm qua 08/10/2024 dọa là Liban sẽ bị “tàn phá” giống như dải Gaza nếu nước này không chịu loại bỏ phong trào Hezbollah.


Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu họp báo tại Phòng Báo Chí của phủ thủ tướng ở Jerusalem. Ảnh ngày 04/09/2024. AP - Abir Sultan
Thùy Dương
Theo AFP, trong một video đăng tải hôm qua, thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu kêu gọi người dân Liban “giải phóng đất nước khỏi Hezbollah”, nếu không Liban sẽ hứng chịu “sự tàn phá và những nỗi đau” như những gì họ trông thấy ở dải Gaza.

Theo thủ tướng Netanyahu, Israel đã tiêu diệt được người thay thế thủ lĩnh Hezbollah, Nasrallah. Cũng trong ngày hôm qua, quân đội Israel thông báo đã trừ khử Suhail Hussein Husseini, chỉ huy thành trì của Hezbollah trong một đợt oanh kích khu vực ngoại ô Beyrouth.

Về phía Hezbollah, phong trào Hồi giáo hệ phái Shia của Liban dọa sẽ đẩy mạnh oanh kích đáp trả nếu Israel tiếp tục đánh bom Liban.

Từ Beyrouth, thông tín viên Paul Khalifeh gửi về bài tường trình :

« Các trận giao tranh trên bộ diễn ra không ngừng nghỉ trong suốt buổi đêm, cũng như các đợt nã pháo vào nhau và các vụ không kích.

Phong trào Hezbollah rạng sáng hôm nay thông báo đã đẩy lùi hai đợt xâm nhập của quân đội Israel ở khu vực biên giới phía đông và tây.

Hezbollah, tiếp tục pháo kích các địa phương vùng biên của Israel cũng như miền bắc Israel. Các vụ pháo kích dồn dập nhất diễn ra hôm qua với 100 rốc-két nhắm vào thành phố Haifa của Israel, cách biên giới 40 km.

Về phần mình, không quân Israel tiếp tục các cuộc oanh tạc ban đêm, vốn đã trở thành thường nhật, nhắm vào vùng ngoại ô phía nam thủ đô Beyrouth của Liban.

Hãng thông tấn quốc gia nói đến « sự phá hủy ồ ạt » sau một loạt vụ oanh kích nhắm vào nhiều khu phố, làm sụp đổ ít nhất 4 tòa nhà dân cư.

Các vụ oanh kích tập trung ở khu bắc đồng bằng phía đông của Bekaa. Cũng giống như miền nam Liban, cư dân khu vực này đang ồ ạt sơ tán.

Trong bản tổng kết được công bố tối hôm qua, thứ Ba, bộ Y Tế Liban cho biết các vụ oanh tạc của Israel trước đó một hôm đã khiến trên khắp cả nước có 36 người chết và 150 người bị thương ».

Biển Đông : Manila tố cáo tàu Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu Philippines gần Scarborough

Hôm qua, 08/10/2024, Philippines tố cáo hải cảnh Trung Quốc dùng vòi rồng, tấn công vào tàu tiếp liệu cho ngư dân của nước này tại bãi cạn Scarborough, Biển Đông. Bắc Kinh khẳng định đó chỉ là “biện pháp” áp dụng đối với các tàu xâm nhập vào khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Vụ việc diễn ra vào lúc ASEAN họp thượng đỉnh tại Lào, và căng thẳng tại Biển Đông là một trong những chủ đề thảo luận chính.


Ảnh tư liệu do tuần duyên Philippines công bố : Tàu của cảnh sát biển Trung Quốc « bắn » vòi rồng vào tàu của Cục Thủy Sản và Tài Nguyên nước Philippines, gần bãi cạn Scarborough, Biển Đông, ngày 09/12/2023. AP
Chi Phương
Trong một thông cáo được Reuters trích dẫn, Cục Thủy sản và Tài nguyên nước (BFAR) của Philippines cho biết 3 tàu tuần duyên và một tàu hải quân Trung Quốc đã theo dõi và đến gần 2 tàu Philippines (BRP Datu Cabaylo và BRP Datu Sanday ) đang tiếp tế như thường lệ cho ngư dân gần bãi cạn Scarborough, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của nước này hôm 08/10/2024. Các tàu của Trung Quốc đã cố “cản trở nhiệm vụ”, phun vòi rồng ngăn cản hoạt động của các tàu của Philippines, “nhưng không tiếp cận được” các tàu của Philippines. Phía Manilla đã lên án hành động “nguy hiểm” của Bắc Kinh.

Người phát ngôn của Hải quân Philippines, phó đô đốc Roy Vincent Trinidad, trả lời báo giới, cũng cho biết 190 tàu Trung Quốc hiện diện trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, bao gồm 28 tàu tuần tra, tàu của cảnh sát biển và Hải quân Trung Quốc gần bãi cạn Second Thomas, Sabina và Scarborough.

Về phía Bắc Kinh, phát ngôn viên của cảnh sát biển Trung Quốc, ngay lập tức đã ra tuyên bố, “kêu gọi Philippines chấm dứt các hành vi vi phạm” chủ quyền, “xâm phạm lãnh thổ nước này ở bãi cạn Scarborough, và phản ứng của Bắc Kinh chỉ là “biện pháp kiểm soát”.

Vụ việc xảy ra cùng ngày khi Philippines bắt đầu cuộc thao dượt hải quân Sama Sama 2024, với sự tham gia của Canada, Úc, Nhật Bản, Pháp và Hoa Kỳ, với các tàu BRP Jose Rizal (FF-150), BRP Waray (LC-288), BRP Nestor Reinoso (PC 380), HMCS Vancouver (FFH-331), USS Howard (DDG-83), và nhiều máy bay tuần tra và tìm kiếm cứu nạn do Hoa Kỳ và Nhật Bản điều đến.

Bãi cạn Scarborough, được đặt theo tên một con tàu Anh mắc cạn tại khu vực này gần ba thế kỷ trước, là một trong những điểm nóng về tranh chấp chủ quyền và quyền đánh bắt cá ở biển Đông (biển Tây theo cách gọi của Philippines).

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, gây tranh chấp với Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam.


Hội nghị cấp cao thường niên của ASEAN khai mạc: Miến Điện và Biển Đông là trọng tâm

Hội nghị cấp cao lần thứ 44 của ASEAN khai mạc hôm nay, 09/10/2024, tại Vientiane, Lào, nước chủ tịch luân phiên của khối. Miến Điện và Biển Đông là các chủ đề trọng tâm của các cuộc họp thượng đỉnh ASEAN, ASEAN +1 (ASEAN với các đối tác), hội nghị Đông Á... kéo dài trong ba ngày.


Khai mạc Hội Nghị Cấp Cao ASEAN lần thứ 44 tại thủ đô Vientiane- Lào. Ảnh ngày 09/10/2024 AP - Sakchai Lalit
Trọng Thành
Theo AFP, trong bài diễn văn khai mạc, thủ tướng Lào Sonexay Siphandone bày tỏ hy vọng là đợt hội nghị cấp cao năm nay là một ‘‘cơ hội lớn’’ giúp cho việc tăng cường ổn định và hòa bình tại khu vực. Thủ tướng Lào cho biết ASEAN sẽ thúc đẩy các thảo luận để ‘‘tăng cường hợp tác giữa các thành viên của khối với các đối tác khác’’. Tham gia hội nghị ASEAN cấp cao mở rộng năm nay có thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (Li Qiang), ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, hay thủ tướng Nhật Shigeru Ishiba….

Nội chiến ở Miến Điện bùng lên từ năm 2021, khiến hơn 5.000 người chết, hơn 3 triệu người phải sơ tán, nổi lên như thách thức số một với ASEAN. Việc ASEAN chấp thuận để tập đoàn quân sự Miến Điện cử một đại diện cấp thấp (hay ‘‘đại diện phi chính trị’’, theo cách gọi của ASEAN) tham dự hội nghị lần đầu tiên từ hơn 3 năm nay hé mở hy vọng viễn cảnh tìm ra giải pháp cho xung đột.

Tuy nhiên, trong cuộc họp báo hôm qua, thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ Dan Kritenbrink, phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, lưu ý là cho đến nay ‘’gần như không có có bất cứ tiến triển nào’’ trong việc thực thi Đồng Thuận 5 điểm, được ASEAN đưa ra từ đầu năm 2020, nhằm giải quyết xung đột tại Miến Điện. Thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ nhấn mạnh là Washington sẽ tiếp tục ‘‘ủng hộ những nỗ lực của ASEAN và của cộng đồng quốc tế nhằm duy trì áp lực buộc tập đoàn quân sự thực hiện các bước cần thiết, như giảm bạo lực, thả tù nhân chính trị, đồng thời gia tăng viện trợ nhân đạo và thúc đẩy đối thoại với phe đối lập dân chủ’’.

Trả lời hãng tin Mỹ AP, bà Lina Alexandra, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Indonesia cho biết cơ hội đạt được đột phá trong hồ sơ Miến Điện là rất mong manh, và việc ASEAN chấp nhận mời một nhà ngoại giao cấp cao của tập đoàn quân sự (thư ký thường trực bộ Ngoại Giao Aung Kyaw Moe), có thể là một dấu hiệu cho thấy ‘‘ASEAN đang bị buộc phải thỏa hiệp’’, xác nhận ‘‘sự mệt mỏi về phía ASEAN’’ trong hồ sơ này.

Về Biển Đông, theo đài Nhật NHK, ASEAN đang chuẩn bị một tuyên bố của chủ tịch khối, kêu gọi các bên kiềm chế. Bản dự thảo tuyên bố, mà NHK có được, nêu bật quan ngại của một số quốc gia về các hoạt động ‘‘gây nguy hiểm’’ tại khu vực, và kêu gọi ‘‘tránh các hoạt động có thể làm phức tạp hơn tình hình’’.

Căng thẳng ở Biển Đông gia tăng đặc biệt với các đối đầu giữa Trung Quốc và Philippines tại nhiều địa điểm trong vùng đặc quyền kinh tế Philippines, mà Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền, trong những tháng gần đây. Đầu tháng 10 vừa qua, Việt Nam cũng vừa tố cáo các hành động bạo lực hiếm có của Trung Quốc nhắm vào ngư dân Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa.

Trong cuộc họp báo hôm qua, thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ Dan Kritenbrink đã lên án ‘‘một số bước leo thang và hành xử vô trách nhiệm’’ của Trung Quốc tại vùng biển này, đồng thời cho biết Hoa Kỳ đang tiếp tục nỗ lực đối thoại ở cấp cao nhất với Trung Quốc, để bảo vệ lợi ích của Mỹ và các đồng minh, và ‘‘quản lý có trách nhiệm các cạnh tranh với Trung Quốc’’.

Bắc Triều Tiên cắt đứt mọi tuyến đường bộ và đường sắt nối với Hàn Quốc

Hãng tin Hàn Quốc Yonhap trích dẫn hãng tin Nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA, cho biết quân đội Bắc Triều Tiên thông báo dự kiến cắt hoàn toàn mọi tuyến đường bộ và đường sắt dẫn sang Hàn Quốc kể từ hôm nay 09/10/2024.


Lãnh tụ Bắc Triều Tiên, Kim Jong Un phát biểu tại Bình Nhưỡng ngày 09/09/2024. Ảnh do hãng KCNA cung cấp. © Korea News Service via AP
Thùy Dương
Bộ Tổng Tham mưu quân đội Nhân dân Bắc Triều Tiên khẳng định : “Một dự án sẽ được triển khai vào ngày 09/10 để cắt đứt hoàn toàn các tuyến đường bộ và đường sắt kết nối” với Hàn Quốc và “củng cố các khu vực của chúng ta với các công trình phòng thủ vững chắc”, đồng thời lưu ý rằng biện pháp này sẽ dẫn đến “sự chia cắt hoàn toàn” lãnh thổ Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc. Đối với quân đội Bắc Triều Tiên, đây là một biện pháp tự vệ nhằm răn đe Hàn Quốc, kẻ thù phía nam, gây chiến tranh và bảo vệ an ninh của Bắc Triều Tiên.

Quân đội Bắc Triều Tiên cũng cho biết đã gửi một tin nhắn điện thoại cho quân đội Mỹ ở Hàn Quốc vào lúc 9h45 sáng nay để ngăn ngừa phán đoán sai lệch hoặc xung đột chẳng may xảy ra liên quan đến dự án mới này.

Về phía Hàn Quốc, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết không phát hiện bất kỳ công trình xây dựng nào quân đội Bắc Triều Tiên khởi công gần biên giới vào sáng hôm nay 09/10. Tuy nhiên, JSC cảnh báo sẽ không để yên trước bất kỳ hành động nào của Bình Nhưỡng tìm cách đơn phương thay đổi hiện trạng.

Trong khi đó, theo trang mạng của Mỹ chuyên về Bắc Triều Tiên, 38 North (Vĩ tuyến 38 độ Bắc), Bắc Triều Tiên dường như đã cải tạo sân bay Uiju, tỉnh Bắc Bình Nhưỡng, thành một cơ sở quân sự. Những hình ảnh do vệ tinh thương mại Planet Labs của Mỹ chụp ngày 04/10 vừa qua cho thấy có khoảng 30 oanh tạc cơ tầm trung Ilyushin Il-28 trong khu vực bảo trì của sân bay.

Bắc Triều Tiên họp bàn sửa đổi Hiến Pháp
Quốc Hội Bắc Triều Tiên cũng đã họp bàn về sửa đổi Hiến Pháp nhưng không tiết lộ chi tiết, cũng không nêu rõ có bỏ các điều khoản liên quan đến thống nhất đất nước hay chỉ định biên giới lãnh thổ mới theo lệnh của lãnh đạo Kim Jong Un hay không.
Bình Nhưỡng bổ nhiệm bộ trưởng Quốc Phòng mới
AFP hôm nay cho biết Bình Nhưỡng đã chỉ định tướng No Kwang Chol làm bộ trưởng Quốc Phòng thay cho Kang Sun Nam. Tướng No Kwang Chol từng giữ chức bộ trưởng Quốc Phòng giai đoạn 2018-2019 và đã tháp tùng lãnh đạo Kim Jong Un sang Singapour năm 2018 và sang Việt Nam năm 2019 để thảo luận với tổng thống Mỹ Donald Trump.

Không có nhận xét nào: