Sau chiến thắng ở Lương Hòa, đơn vị tôi di chuyển về Rạch Kiến để dưỡng quân. Lúc ở Tiểu đoàn 2, tôi đã 29 tuổi, có vợ và 2 con. Trong khi đó, các sĩ quan khác ở Tiểu đoàn như các thiếu úy Miên, Tỵ, Liêu (K19 ĐL), tuổi mới 23, 24. Họ còn quá trẻ, lại độc thân nữa, nên rất bay bướm. Các sĩ quan này đánh giặc rất giỏi, những khi về phép, họ ăn chơi thỏa thích để bù vào những ngày chiến đấu gian khổ. Chúng tôi về Rạch Kiến đúng vào dịp nghỉ hè, nên Tiểu đoàn tôi tạm đóng quân tại một ngôi trường. Các thiếu nữ tại đây đều xinh xắn, mũi dọc dừa, làn da trắng mịn, và môi hồng thắm. Các em gái hậu phương này tự nhiên và dễ thương vô cùng!
<!>
Sau mỗi chiến thắng, các em thường đi cùng phái đoàn của quận đến ủy lạo các chiến sĩ, mang theo quà bánh và trái cây tặng chúng tôi với tình cảm chân thành. Vì vậy các sĩ quan trong tiểu đoàn, mỗi người đều nhận được một cặp khăn trắng có thêu tên của người em gái hậu phương, và tên của người sĩ quan mà họ quý mến.
Lần đó, tôi nhận được cặp khăn trắng của một em gái hậu phương tên là Mai. Mai là nữ sinh của trường Trung Học trong quận lỵ. Mở gói quà ra, thấy tên tôi và tên nàng thêu ở góc khăn, tôi cảm thấy hơi bối rối, ngỡ ngàng; nhưng sau đó cũng lấy lại bình tĩnh, nghĩ rằng mình đã có vợ, 2 con, nên không dám phiêu lưu vào cuộc tình, mà tôi biết chắc sẽ đầy dẫy những phiền toái, nhức đầu loại nầy.
Tôi vẫn thường nghe thiên hạ bảo rằng, tặng nhau khăn trắng hay đem lại nhiều nỗi bất hạnh, chia ly, vì “mouchoir” là khăn để dùng lau nước mắt! Vì cũng hơi tin dị đoan, nên tôi không dùng khăn này, mà chỉ xếp lại dưới đáy ba lô, như một kỷ niệm. Tôi cũng chẳng mường tượng ra Mai là cô nữ sinh nào trong hàng trăm cô nữ sinh trường Trung học quận đã ra đón mừng chúng tôi sau chiến thắng Lương Hòa nữa.
Một hôm, tôi còn nhớ rõ, đó là một chiều Chúa nhật, tôi đang nằm võng, dưới tàn lá xanh tươi của vườn cây trái mênh mông nơi trang trại của ông Tư Sanh, một điền chủ nổi tiếng hào phóng trong quận lỵ. Chúng tôi chọn nơi này đặt bộ chỉ huy tiểu đoàn vì trang trại của ông Tư có lũy tre dầy bao bọc, và 3 dẫy nhà ngói xây rất chắc chắn. Hơn nữa, ông bà Tư đều có cảm tình với Quân đội Quốc gia.
Tôi đang lơ đãng lật xem mấy trang đầu tờ tạp chí một anh bạn vừa đi phép mang về, thì có tiếng người lính gác bên ngoài vọng vào:
- Thiếu úy Bích có khách!
Tôi ngồi bật dậy, sửa lại quần áo cho thẳng thắn. Từ ngoài cổng, một thiếu nữ tha thướt trong chiếc áo dài mầu hồng phấn, tay cắp nón, đang bước về phía tôi. Nàng xách theo một chiếc giỏ, bên trong đựng trái cây. Tôi đứng hẳn dậy, vừa lúc cô thiếu nữ dừng lại, cách tôi chừng vài mét. Nàng lên tiếng trước:
- Em là... Mai. Có phải... thiếu úy Bích không?
- Vâng. Cô là người tặng tôi cặp khăn tay, phải không?
Nàng bẽn lẽn cúi đầu, trao cho tôi chiếc giỏ đựng trái cây:
- Có mấy thứ trái cây mới hái ở vườn nhà, em đem tặng thiếu úy.
Tôi đỡ lấy giỏ trái cây. Mùi thơm ngào ngạt của cam chín, hay mùi thơm quyến rũ của thứ nước hoa đắt tiền từ mái tóc dài đen nhánh của nàng phảng phất trong không gian. Tôi kéo chiếc ghế đẩu gần đó, mời nàng ngồi. Bây giờ, thì tôi nhớ ra nàng rồi.
Mai là một thiếu nữ đẹp, khuôn mặt trái soan, đôi mắt đen huyền, mũi dọc dừa, hai má lúm đồng tiền, nốt ruồi duyên nơi khóe miệng và nụ cười khả ái. Chính nốt ruồi duyên nơi khóe miệng bên trái khiến tôi nhận ra nàng ngay. Hôm tiểu đoàn tôi chiến thắng trở về, được phái đoàn quân dân chính và các nữ sinh ra đón mừng, 1 số nữ sinh choàng hoa cho chúng tôi. Người con gái kiễng chân, choàng hoa vào cổ tôi. Tôi nhìn xuống, và chỉ biết đó là một khuôn mặt trong sáng, nụ cười xinh tươi, với nốt ruồi nho nhỏ nơi khóe miệng. Mái tóc đen óng của nàng để xõa, chảy xuống hai bờ vai thon. Tôi nói:
- Cám ơn cô. Vườn nhà cô có rộng như vườn nhà ông bà Tư không?
Nàng đáp:
- Dạ, vườn nhà em nhỏ hơn. Ba má và em ở trên quận. Vườn nhà có dì út trông coi, lâu lâu tụi em xuống chơi một lần.
Mai là con gái lớn trong gia đình. Nàng có hai em gái và một em trai. Cha mẹ nàng trông coi một tiệm thuốc tây trong quận. Năm nay, Mai vừa tròn 18 tuổi, đang học lớp đệ tứ trường Trung học quận.
Tôi biết, Mai có cảm tình với tôi ngay từ hôm đầu tiên choàng vòng hoa chiến thắng ở sân cờ quận lỵ. Tôi nghĩ, nàng đã hỏi thăm, biết tên tôi, và thêu hai chiếc khăn, tặng tôi, như một lời nhắn gửi ân tình. Thú thật, gặp một nàng thiếu nữ mơn mởn như thế, lòng tôi cũng giao động, xao xuyến chút đỉnh. Nhưng nhớ đến bổn phận của mình đối với vợ con, tôi nhẹ nhàng hỏi Mai:
- Cô Mai đã thấy hình gia đình tôi chưa nhỉ?
Vừa nói, tôi vừa lôi từ túi quần sau ra chiếc ví. Nhìn ánh mắt ngỡ ngàng của Mai, tôi biết nàng không được vui cho lắm. Tôi rút tấm hình vợ tôi chụp với 2 cháu gái, đưa cho nàng:
- Đây là nhà tôi, và 2 cháu bé.
Mai nhìn bức hình một lúc, rồi trao lại cho tôi:
- Vợ của thiếu úy đẹp lắm!
Rồi nàng tiếp:
- Em biết thiếu úy có vợ con rồi chứ. Nhưng...
Mai ngưng lại, ngập ngừng. Tôi hiểu nàng muốn nói gì. Tôi nói:
- Cô Mai, tôi hiểu. Tôi cám ơn lòng quý mến cô dành cho tôi. Tôi cám ơn cô đã tặng cho tôi 2 chiếc khăn tay, thêu tuyệt đẹp. Tôi giữ 2 chiếc khăn cô cho thật kỹ. Cặp khăn đó theo tôi trên mỗi bước đường hành quân.
Tôi biết Mai muốn gì. Nàng muốn tôi đáp lại tình yêu nàng dành cho tôi. Ở vào trường hợp tôi, một số đồng đội có thể đã chụp lấy cơ hội... Nhưng riêng tôi, tôi không muốn những xúc động nhất thời dẫn đến những hậu quả khiến tôi phải ân hận sau này, cho nên tôi hướng câu chuyện ra phía khác. Tôi hỏi thăm Mai về gia đình nàng, về việc học ở trường, về dự định tương lai của nàng...
Chiều đã dần xuống, Mai trao cho tôi mảnh giấy ghi địa chỉ nhà nàng, mời tôi bữa nào rảnh ghé thăm, vì “ba má em cũng mong gặp thiếu úy lắm”.
Tôi đỡ lấy mảnh giấy, bỏ vào túi áo trên. Mai kiễng chân, hai tay vuốt lên cổ áo trận của tôi, nhẹ nhàng nói:
- Em sửa lại cổ áo cho thiếu úy. Nó bị nhăn rồi!
Những ngón tay mềm mại của nàng cố tình dừng lại thật lâu trên cổ tôi. Nếu lúc ấy, tôi vòng tay qua, tôi tin chắc Mai sẽ ôm chặt lấy tôi rồi.Nhưng tôi chỉ nhẹ nhàng nắm bàn tay nàng, gỡ ra khỏi cổ tôi, và dịu dàng đáp:
- Cám ơn Mai.Anh sẽ ghé thăm em và ba má khi có dịp.
Tôi tiễn Mai ra tận cổng. Nhìn theo bóng nàng khuất dần trong ánh nắng của một buổi chiều sắp hết, lòng tôi dâng lên một nỗi ngậm ngùi mơ hồ...
Là thiếu nữ mang hai giòng máu Hoa – Việt (ông nội Mai người Hoa, mẹ nàng là người địa phương), Mai có vẻ đẹp mặn mà, nước da trắng, mịn màng. Trên khuôn mặt trái soan, đôi mắt nàng trong sáng và nụ cười tươi, là hai nét độc đáo làm xao xuyến lòng người.
Một hôm, Mai và vài cô bạn ghé thăm các sĩ quan trong tiểu đoàn. Thấy tôi ngồi dựa gốc cây xem thư và mấy tấm ảnh vợ tôi mới gửi, Mai đến bên tôi, nhẹ nhàng hỏi:
- Chắc thiếu úy thương vợ và nhớ con lắm phải không?
Tôi mỉm cười:
- Lẽ dĩ nhiên, anh nhớ và thương vợ con rất nhiều. Nhưng cũng có cảm tình với người em gái hậu phương nữa!
Mai không nói gì hết, nguýt tôi một cái thật dài như thầm trách móc. Tôi biết Mai đã thầm yêu tôi từ lần đầu tiên trong bữa tiệc khao quân của tiểu đoàn, nhưng tôi vẫn giữ một khoảng cách vừa đủ, không quyết liệt lắm, để khỏi làm lòng tự ái của Mai bị tổn thương.
Một buổi chiều, sau khi họp tại Bộ chỉ huy Tiểu đoàn, tôi đi bộ ra phố quận để mua tập giấy viết thư và hộp kem đánh răng. Tình cờ lại gặp Mai khi nàng vừa ở tiệm sách bên kia đường bước ra... Tôi ngập ngừng mời Mai đi ăn kem vì hôm ấy là chiều mùa hạ, tiết trời oi bức. Mai nhìn tôi, ánh mắt nàng thoáng chút ngạc nhiên, rồi gật đầu, ngoan ngoãn đi bên tôi về phía cuối phố. Cả quận lỵ, chỉ có một quán kem, là tiệm Thùy Dương này thôi. Kem ở đây tương đối cũng khá ngon.
Tiệm Thùy Dương trang trí đặc biệt. Căn phố lầu đúc xây chắc chắn. Nguyên tầng dưới rộng, thêm cả hàng hiên bên cạnh bày bàn ghế cho khách ngồi. Trong không gian yên tĩnh của buổi chiều hè, chúng tôi chọn một bàn dưới giàn hoa tỏa bóng mát. Buổi chiều thật êm đềm. Chúng tôi có thể nghe tiếng nhạc êm dịu từ bên trong nhà vọng ra. Mai gọi ly kem moka và tôi kêu ly kem dứa. Nàng nhìn tôi bằng ánh mắt thật âu yếm, đôi mắt huyền mở to, chờ xem tôi muốn nói gì. Tôi hồi hộp nhìn Mai, nói thật chậm:
- Anh đã có vợ và 2 con. Mai có biết không?
Mai nhìn tôi không chớp mắt, tôi không thấy sự ngạc nhiên trong ánh mắt đó mà chỉ thấy sự buồn bã xen lẫn đau đớn. Mai mím chặt môi, hai giọt nước mắt từ từ lăn trên gò má. Tôi lấy chiếc khăn trong túi thấm nhẹ trên đôi má hồng xinh đẹp, rồi đưa khăn cho nàng giữ để lau nước mắt. Mai cúi đầu yên lặng. Ngón tay trỏ của của nàng xoa nhẹ lên những giọt nước đá còn đọng phía ngoài ly kem. Không khí chung quanh chúng tôi thật nặng nề. Tôi bối rối không biết phải giải thích ra sao để Mai hiểu rõ tình trạng khó xử của tôi. Tôi thích làm choMai vui và lại càng không muốn nàng thất vọng, đau buồn, nhưng bản tính tôi vốn nhát gái, và lại thêm bổn phận gia đinh, vợ con ràng buộc, nên không dám đi sâu thêm vào liên hệ tình cảm không lối thoát này.
Mai ngó xuống ra chiều suy nghĩ, môi nàng vẫn mím chặt, như để ngăn cho khỏi bật ra tiếng khóc. Rồi bất chợt, Mai nhìn thẳng vào mặt tôi, nghiêng người qua, vít cổ tôi xuống, say sưa đặt trên môi tôi một nụ hôn nồng nàn. Cũng may vào giờ đó, quán vắng không có khách; chỉ có tôi và Mai ngồi nơi hàng hiên mà thôi; nên chắc chắn, không ai nhìn thấy cử chỉ âu yếm, thật nồng nàn, và bất ngờ của Mai. Nàng thì thầm bên tai tôi:
- Nụ hôn đầu đời, em để dành tặng cho anh đó!
Tôi không kịp phản ứng. Nụ hôn đầu đời Mai trao dâng khiến tôi ngây ngất.Nước mắt nàng thấm ướt gò má tôi. Một cảm giác sung sướng lạ thường! Tôi đưa tay vuốt nhẹ những giọt nước mắt âm ấm còn đọng lại trên mặt tôi. Mai thở dài xót xa. Dường như tôi cảm thấy tiếng lòng nàng thổn thức. Nàng gục đầu lên vai tôi, khóc sướt mướt. Giọng nàng lẫn trong những tiếng nức nở:
- Nếu anh không yêu em, thì chẳng thà em từ giã anh, rồi tới một tu viện nào đó. Chứ em chẳng còn thiết tha đến cuộc sống phù du này nữa đâu.
Tôi đưa nhẹ ngón tay lên môi Mai, ra hiệu cho nàng không được nói thêm nữa. Tôi vuốt những sợi tóc còn vương nơi trán Mai. Tôi an ủi nàng và giải thích cho Mai hiểu là gánh nặng gia đình, và trách nhiệm với vợ con không cho phép tôi tính những chuyện gì lâu dài với nàng được. Nàng ngước mắt nhìn tôi rồi bất thần hỏi:
- Thế em có đẹp như vợ anh không?
Tôi trả lời ngay, không một chút do dự:
- Em là hoa khôi của trường quận; làm sao không đẹp cho được! Theo anh nghĩ, Tạo Hóa đã ban cho mỗi người phụ nữ một vẻ đẹp khác nhau. Làm sao anh có thể so sánh em với vợ anh được?
Đôi mày lá liễu xinh đẹp hơi cau lại, thoáng một chút hờn dỗi:
- Bộ anh chê em sao?
Tôi đáp:
- Mai ạ, không phải vậy đâu. Em là bông hoa xinh đẹp đáng yêu đáng quý! Anh đâu có xứng với em. Anh lớn hơn Mai đến gần một con giáp cơ mà. Anh muốn coi Mai như người em gái út của anh, để anh cưng chiều, và cũng để cho vơi đi nỗi cô đơn trong những ngày dài sống xa gia đình vợ con.
Mai nắm tay tôi, tha thiết:
- Em đâu có đòi hỏi gì nhiều nơi anh? Anh thấy thiếu tá X., trung úy K., thiếu úy T. đó. Các cô giáo trường quận, và cô nữ hộ sinh ở bệnh viện thương mấy ông đó. Họ săn sóc, cưng chiều mấy ông như vợ chồng, mỗi lần đơn vị hành quân trở về, có ai nói ra nói vô, hay cấm cản gì đâu. Em chỉ muốn được anh thương em, như mấy ông thương các cô đó thôi. Em có đòi anh phải cưới em đâu mà sợ?
Tôi giật mình, không ngờ Mai yêu tôi đến độ sẵn sàng dâng hiến, mà không đòi hỏi điều kiện gì hết. Tôi ngồi thẳng người trên ghế, dịu dàng nói với Mai:
- Em có biết không, hôm tiễn anh ra đơn vị tác chiến, vợ anh nắm tay anh bịn rịn “Đừng vui thú với bạn bè mà quên em và 2 con, nghe anh!” Anh đã hứa với vợ anh là anh không yêu ai ngoài vợ con anh, Mai ạ! Anh mong Mai hiểu cho lòng anh.
Nàng nhìn sâu vào đôi mắt tôi, giọng nàng ướt sũng nỗi buồn:
- Theo em, tình yêu không có biên giới và tuổi tác như anh nghĩ đâu! Em cho rằng trong tình yêu, cần phải có sự thông cảm giữa hai tâm hồn yêu nhau, phải không, thưa anh? Nhưng thôi, em đã nói được hết nỗi lòng em dành cho anh. Anh không nhận, em cũng đành chịu vậy thôi...
Đột nhiên, nàng nói “đã tới giờ về rồi”. Tôi đứng dậy, ra quầy trả tiền và đưa nàng về nhà. Đêm đó, tôi thao thức, trằn trọc mãi mà không sao ngủ được, phần thì phải lo kiểm soát vũ khí, đạn dược, chuẩn bị cho cuộc hành quân diệt Cộng sáng hôm sau, phần vì phản ứng của Mai lúc ban chiều khiến tôi thật sự ngạc nhiên. Mai yêu tôi tha thiết đến độ ấy sao?
Tôi định có dịp viết thư giải thích cặn kẽ cho Mai hiểu “CẢM TÌNH” của tôi dành cho nàng; chứ không phải “TÌNH YÊU”. 3 tuần lễ sau, tôi nhận được một gói quà và lá thư của Mai viết thăm tôi:
“Anh yêu mến,
Em đang ngồi trong lớp học viết thư nầy cho anh đây. Mấy tuần nay, em luôn nghĩ về anh và không biết giờ nầy anh của em đang lội bùn hành quân nơi vùng lửa đạn hay đang làm gì? Có còn nhớ đến em không? Qua khung cửa lớp học, em đang ngắm những đám mây trắng trôi hững hờ. Em muốn theo mây hiện về để mỉm cười với anh và nếu:
“Thầy giáo có hỏi, sao người học trò không thuộc bài.
Thì em sẽ trả lời, vì mải đọc tên người yêu...”
(thơ Nguyên Sa).
Em nhớ ngày em gặp anh và các sĩ quan tiểu đoàn trong bữa tiệc khao quân, anh và các bạn hữu tới hỏi thăm về các sinh hoạt nhà trường; cốt để làm quen với em, rồi em nhìn anh e thẹn trả lời...anh còn nhớ không?
Em gửi cho anh những trang thư màu tím, màu của nhớ nhung... Thư nầy chưa gửi đi, mà em đã mong thư anh rồi. Anh nhớ viết thư cho em nhé, để chúng mình cùng nhớ nhau. Em nhớ đến anh nhiều, nỗi nhớ làm em quay quắt, khó ngủ. Em sẽ ấp chiếc khăn tay của anh vào ngực em, cho đầy nhớ nhung; vì đêm qua, hương anh tỏa ngát giấc mơ em. Em biết anh đã có vợ và hai con từ lâu (xin lỗi anh vì em đã điều tra về anh) nhưng em hứa với lòng mình, là sẽ không bao giờ yêu anh. Nhiều lần, em tự nhủ, giữa em và anh chỉ có tình bạn hay tình anh chiến sĩ với người em gái hậu phương mà thôi. Em cũng cố gắng giữ gìn, để cho anh không bao giờ bị đặt vào thế khó xử. Ngoài ra, em cũng biết anh là con người đạo đức, hiền lành, một người chồng luôn luôn thương yêu vợ, và cũng là người cha gương mẫu nữa.
Em hiểu, anh đã có người vợ giỏi giang, xinh đẹp, và hết lòng yêu thương anh. Anh đã có những đứa con ngoan ngoãn, xinh đẹp trong căn nhà êm ấm mà anh đã từng xây đắp theo mộng ước.
Em mừng cho anh, nhưng anh yêu ơi! Em cảm thấy đau xót nhiều lắm, anh ạ! Em cũng biết, không bao giờ anh dám làm điều gì thất nhân tâm hoặc thất đức cả. Do đó, em không muốn để lộ tình cảm của mình cho anh biết đâu, nhưng em không cầm được nước mắt, em đang khóc đây! Anh có biết không? Em muốn được một lần nói với anh một câu đơn giản nhất “Em yêu anh”. Em thèm được tựa vào lòng anh một lần để được mơn trớn, yêu thương như bao cặp tình nhân chung quanh chúng ta vậy. Thú thực với anh, em không được phép làm điều đó đâu, vì em không muốn vượt ra khỏi vòng lễ giáo gia đình, và cũng không muốn làm cho Cha Mẹ em đau khổ vì bị mang tai tiếng... Hơn nữa, ngoài anh ra, còn có vợ anh và con anh nữa. Em không muốn vợ anh buồn lòng về em. Em nhận thấy, dường như tất cả những người con gái tên Mai đều bị vướng vào vòng khổ lụy yêu đương, kể cả cô Mai trong chuyện “Nửa Chừng Xuân” của nhà văn Khái Hưng lẫn cô Mai ngoài đời, là em đây...”
Tôi bàng hoàng khi đọc thư của Mai. Rồi mở vội gói quà ra xem. Bên trong là một cặp kính mát hiệu “Ray Ban” làm tại Hoa Kỳ, với những hàng chữ ghi trên một tấm thiệp nhỏ màu hồng:
“Mến tặng anh món quà kỷ niệm, để nhớ em, nhớ chiều mưa nơi quận lỵ nhỏ bé mà anh đang đóng quân, nhớ những ngày vui ngắn chóng qua, trước khi chúng mình xa nhau. Sau buổi chia ly, em đi học. Trời mưa rả rích thật là buồn. Em đứng tại sân trường bơ vơ, anh có biết không? Và nếu là ở phi trường, thì ai sẽ tiễn ai đây? Vì chúng mình đều là những người ra đi. Con đường đầy hoa thơm cỏ dại.
Vời trông anh mãi mãi không nguôi.
Tái Bút: Lòng ao ước của em bây giờ là xin anh cứ coi em như người em gái của anh và em sẽ coi anh như người anh lớn trong gia đình em vậy...
Thân mến,
Em MAI”.
Tôi biết Mai đã cố gắng dứt khoát, và nàng đã hiểu những gì tôi nói hôm gặp nhau ở quán kem Thùy Dương. Cả nàng và tôi đều không muốn đi sâu thêm, và rồi sẽ bị vướng mắc vào những hệ lụy tình cảm không có lối thoát. Từ đó trở đi, tôi chỉ coi Mai như một người em gái, không hơn không kém. Rồi dòng đời cứ lặng lẽ trôi, tôi vẫn làm nhiệm vu của người chiến binh trong thời ly loạn.
Vài tháng sau khi nhận bức thư, tôi dẫn thiếu úy Tuấn (gốc người miền Nam), anh chàng sĩ quan độc thân, đến nhà Mai, giới thiệu hai người với nhau. 4 tháng sau buổi chiều hai người quen nhau, tôi đi dự đám cưới Mai, người em gái hậu phương ngày nào với thiếu úy Tuấn, người bạn thân của tôi.
Một ngày, tôi từ đơn vị đóng quân về phép thăm vợ con. Sau bữa cơm chiều với gia đình, tôi kéo ghế ra hàng hiên ngồi hóng mát, thả hồn vào dĩ vãng, đôi mắt đăm chiêu nhìn về xa xăm của kỷ niệm xưa. Kể từ ngày Mai, người em gái hậu phương của một thời, người tình của những tháng ngày trận mạc, đi lấy chồng, tôi cũng dần dần quên đi những kỷ niệm êm đẹp với nàng. Vì thương yêu tôi, vợ tôi chỉ nhắc khéo:
- Anh đang nghĩ tới “cố nhân” hay sao mà tư lự thế? Hãy để cho người ta vui với duyên mới đi, nghe anh!
Câu nói của Vân, vợ tôi, đem tôi về với thực tại. Tôi biết tôi còn có gánh nặng với gia đình là vợ tôi, các con tôi, mà tôi có nhiệm vụ phải săn sóc, thương yêu và đùm bọc.
Vũ Ngọc Bích
(Trích trong Hồi Ký Vui Buồn Đời Quân Ngũ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét