Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 31 tháng 10, 2024

NHỮNG CÂY THÔNG ĐÀ LẠT - Nguyên Nhung

 Nếu không tình cờ nhận được cú phôn của người bạn cũ, tôi đã không biết là Huy giờ này cũng đang có mặt trên nước Mỹ 30 năm rồi còn gì, kể từ khi Huy rời trường mẹ Ðà Lạt, ngày ra trường anh được thuyên chuyển về một chiến trường miền Ðông, hai đứa xa nhau từ đấy. Những mối tình Ðà Lạt, như đã bị vùi chôn trong thung lũng mù sương, tự nhiên bỗng sống lại khiến lòng tôi xúc động đến ngậm ngùi. Hóa ra có những điều người ta tưởng có thể quên, mà nó vẫn còn đó, vẫn mập mờ ẩn hiện trong những cây thông, mà tôi gọi là Những Cây Thông Ðà Lạt.
<!>

Ðiều ngỡ ngàng hơn cả khi nghe người bạn kể lại, tình cờ gặp Huy trong một buổi họp mặt ở Cali, Huy đi đứng không được bình thường, hóa ra anh bị cụt bên chân phải, đã được gắn một chiếc chân giả. Ðiều này khiến thắc mắc của tôi về lá thư của chàng gần 30 năm trong phút chốc đã được giải đáp, chưa chắc Huy đã phụ bạc tôi như lá thư chàng viết về Ðà Lạt sau ngày chàng ra đơn vị. Lá thư như một vết dao cứa nát trái tim người con gái miền cao nguyên, khi hai đứa đã có một cuộc tình thật nên thơ suốt 4 năm chàng còn là một sinh viên trường Võ Bị.

Những lá thư nồng nàn bỗng nhiên bị cắt đứt một thời gian trong bao nhiêu hờn giận lo lắng, không hiểu Huy thời gian ấy ra sao khi những mặt trận càng ngày càng khốc liệt, từ chiến trường miền Trung tới chiến trường miền Nam. Khi ấy Huy là 1 đại đội trưởng, đơn vị chàng trú đóng ở vùng Long Khánh, nơi có những rừng cao su đất đỏ mà chàng bảo rằng ở đây chỉ một đoạn đường chàng có thể bay về Ðà Lạt, và cũng có thể về Sài Gòn để được gần gũi mẹ già.

Trong tôi chập chùng bao kỷ niệm của Ðà Lạt năm xưa, 4 năm có chàng ở Ðà Lạt, một thời gian hoa mộng của những chiều thứ Bảy trên đồi thông, khu rừng Ái Ân bên bờ hồ Than Thở, đã ghi lại bao nhiêu đằm thắm cuả một mối tình, chỉ có những cây thông làm chứng cho những lời hẹn thề, gắn bó. Những sáng chủ nhật Ðà Lạt nắng ấm, quanh khu Hòa Bình, ven bờ Hồ Xuân Hương mặt nước lặng lờ, Ðồi Cù bãi cỏ xanh, Lâm Viên lộng gió, nơi nào cũng có tiếng thông reo, nơi nào cũng có nắng ấm và gió lạnh, nơi nào cũng có bước chân chàng và tôi ở đó.

Vậy mà Huy đã có thể quên, khi rời xa Ðà Lạt chàng bỏ lại người yêu bé bỏng, có căn nhà gỗ xinh xinh nơi dốc hoa vàng, những cánh hoa mimosa li ti rơi kín mặt đường khuya như bài thơ chép vội vàng trong lớp học, một buổi sáng nhớ chàng đến quay quắt:

“Chỉ tại anh nên trời khuya trở gió,

Mimosa phủ kín mặt đường khuya,

Vương đầy tóc, em bắt đền anh đó,

Gỡ giùm đi, đứng cười mãi ô kìa!”

(Thơ Nhất Tuấn)

Thuở học trò những bài thơ chép đầy trang vở, tình yêu không chỉ những khi một mình một nơi yên lặng, nó còn xôn xao len lén vào lớp học. Bởi vậy, khi lá thư cuối cùng của Huy gửi về Ðà Lạt, như một cắt đứt mà chàng cho rằng chẳng qua định mệnh đã oái oăm chia lìa, để hai đứa phải xa nhau. Huy đã quen một người con gái nơi chàng trú quân, và cũng vì những giây phút yếu lòng của tuổi thanh niên, Huy đành phải chấp nhận người đàn bà ấy làm vợ, khi cô ta đã mang trong mình giọt máu của chàng.

Lá thư ấy đến Ðà Lạt một thời gian sau 3 tháng chàng bặt tin, như tiếng sét trong cơn mưa, hầu như đã tàn phá tất cả bao hình ảnh đẹp trong lòng tôi thuở ấy. Hình như những cây thông đều rũ xuống và không còn mang theo tia nắng ấm reo vui những ngày Ðà Lạt mộng mơ. Hình như cả Ðà Lạt đều hay tin tôi bị tình phụ. Hình như trong đám bạn bè đã có những nụ cười mỉa mai giấu kín trong ánh mắt. Hình như và hình như, những con đường, những bờ cỏ, những đồi thông năm xưa có dấu tích của hai đứa, bỗng một ngày trở thành những bóng đen đè nặng trong lòng người con gái ngây thơ là tôi ngày ấy.

Nỗi đau như một cơn bão đã cuốn đi tất cả niềm vui tuổi trẻ, khiến trong mắt tôi ngày ấy, hình ảnh những chàng trai Võ Bị không còn là thần tượng để ngưỡng mộ và say đắm. Tôi nguyền rủa chàng triền miên khi nghe tiếng thông reo và tiếng gió hú mỗi đêm Ðà Lạt mưa gió, gót giày tôi nghiến mạnh lên những bông mimosa vàng úa rớt đầy trên mặt đường khuya, như giày xéo lên những kỷ niệm của tôi và chàng, cho tan nát, cho mất hút đi theo lòng người bội bạc.

Tự ái của người con gái không cho phép tôi gậm nhấm hoài mối sầu vạn cổ, như câu chuyện một người con gái Ðà Lạt, cũng vì yêu mà hủy hoại mạng sống, để khi chết còn xin được chôn trên một ngọn đồi, quay đầu về hướng ngôi trường Võ Bị, nơi ngày xưa hai người đã quen nhau ở đó. Tôi yêu Huy thật nhiều nhưng không thể để con tim mềm yếu đến độ chết vì yêu. Tôi phải quên chàng như chàng đã quên tôi, tôi sẽ đi khỏi Ðà Lạt để tâm hồn khỏi gặm nhấm những nỗi sầu với tiếng thông reo trên ngọn đồi cỏ mượt, như tiếng gió lao xao lướt trên mặt hồ những sáng chủ nhật, như những cánh mimosa màu vàng rơi xuống phủ đầy mặt đường khuya.

Ðịnh mệnh đưa đẩy gia đình tôi rời Ðà Lạt cùng lúc với nỗi đau của cô con gái bị phụ tình. Căn nhà ở dốc hoa vàng để lại cho người cô, tôi xa Ðà Lạt như để vùi quên một nấm mộ tối. Mãi đến sau này sau nhiều năm, khi sắp sửa đi xa hẳn quê hương, tôi bỗng dưng ao ước được trở về Ðà Lạt, thăm căn nhà xưa, và để lần cuối nhìn lại những kỷ niệm cũ từ nhiều năm về trước, thấp thoáng vẫn thấy hình bóng người xưa trên những con đường cũ, và những cây thông Ðà Lạt…

Nguyên Nhung

Không có nhận xét nào: