Cách đây cũng khá lâu, sau Tết vài hôm, tôi đến thư viện mượn sách thì mới biết từ nay thư viện đã có máy làm thủ tục cho mượn, thay cho các quản thủ thư viện. Khi muốn mượn sách, chỉ việc xếp những sách muốn mượn trên mặt của máy, và áp thẻ thư viện vào màn hình phía trên, rồi chạm vào các chỉ thị từ biểu tượng hình một con vật xinh xắn hiện ra trên màn hình, máy sẽ đọc mã số dán trên bìa sách và màn hình hiện ra danh sách các cuốn sách đó. Người mượn chỉ việc chạm vào dòng chữ “Xác nhận”, bảng danh sách liền được in ra. Thủ tục mượn sách thế là hoàn tất.
<!>
Thư viện cho mượn mỗi lần 10 cuốn, cho nên những khi chỉ cần một vài quyển tôi vẫn thường mượn thêm vài cuốn truyện tranh của trẻ em. Thế giới của trẻ em là một thế giới thần tiên giúp đầu óc thư giãn. Rồi thỉnh thoảng khi đi trả sách, vì vội vàng nên quên khuấy những quyển truyện tranh đã đem vào đầu giường, khi mượn tiếp các cuốn khác, liền bị con vật xinh xắn trên màn hình máy cho mượn sách cảnh cáo là còn chưa trả đủ sách (nó liệt kê ra tên những cuốn đó) và hối thúc trả đúng thời hạn.
Khi thư viện không có sẵn sách muốn mượn, chỉ việc làm thủ tục Yêu cầu. Sau đó ít lâu, khi cuốn sách đó đã được trả lại, thư viện sẽ gửi thư báo. Bấy giờ chỉ cần đem thẻ thư viện tới áp vào chiếc máy Yêu cầu sách, máy sẽ chỉ dẫn cho biết cuốn sách đang để ở kệ số mấy, hàng thứ mấy v.v. cho mình tự tới lấy.
Để giúp nhân viên thư viện, những chiếc máy này làm việc có vẻ rất đắc lực. Nhưng có lần mượn chưa đủ 10 cuốn, tôi lại đi chọn thêm vài cuốn nữa, đến lúc làm thủ tục mượn lần thứ hai thì máy lại in ra danh sách có cả những cuốn tôi vừa mới mượn và đã để vào trong túi xách. Vì sợ sẽ bị ghi là mượn 2 cuốn cùng tên, nên tôi tìm tới nhân viên thư viện, thì được giải thích rằng máy rất nhạy nên có thể đọc được mã số của cả những sách đang ở cách đó một khoảng không xa. Họ dặn hãy để các cuốn sách đã mượn vào trong chiếc giỏ đã được để khuất một chỗ sau máy để nó khỏi đọc được.
Không biết phải khen chiếc máy này là giỏi quá (vì nó rất nhạy), hay còn ngốc quá ( vì không phân biệt được sách nào đã làm thủ tục mượn, sách nào chưa).
Từ sau chiếc máy cho mượn sách, dù muốn dù không dần dần tôi đã phải làm quen với một số máy tương tự. Ví dụ như khi check in ở phi trường, bây giờ khách phải tự làm thủ tục lấy vé máy bay, hay muốn mua bảo hiểm du lịch cũng phải tự thao tác để mua bằng máy để sẵn trong phi trường.
Hàng ngày đi chợ thì từ sau đại dịch covid, máy trả tiền ở các siêu thị hay cửa hàng tiện lợi ngày càng trở nên phổ biến. Dù dùng tiền mặt hay dùng thẻ, khách hàng cũng phải tự mình thao tác trên máy, chứ nhân viên của cửa hàng không hề chạm vào thẻ hay tiền của khách.
Ở siêu thị, nhân viên của cửa hàng còn đứng quanh quẩn gần các máy tính tiền, hễ người khách nào lúng túng không biết cách thao tác thì họ liền chạy tới hướng dẫn. Nhưng ở ngân hàng thì hoàn toàn khác.
Tôi còn nhớ mãi một ngày sau khi có dịch covid đến ngân hàng, thật ngỡ ngàng khi thấy khu vực vốn có các quầy tiếp khách của ngân hàng đã bị một bức tường gỗ ngăn cách với khu vực có để các máy ATM.
Khi tôi mới đến Nhật thì máy ATM chưa ra đời. Mọi giao dịch đều được thực hiện ở quầy với nhiều ghi sê đánh số thứ tự có khi đến số 12.
Từ khi có máy ATM, quầy ngân hàng là nơi để rút các khoản tiền lớn cần con dấu hay chữ ký, gửi tiền để dành, đóng tiền thuế hay chuyển tiền nhất là gửi tiền ra nước ngoài.
Sau khi khu vực quầy ngân hàng bị đóng lại, một hôm vì cần gửi tiền ra nước ngoài tôi tìm quanh thì được người bảo vệ chỉ cho vào một căn phòng nhỏ. Trong phòng có một chiếc máy lớn và một chiếc điện thoại. Theo bảng chỉ dẫn treo trên tường, khách gọi điện thoại cho nhân viên ngân hàng – không biết là họ ở đâu và từ đâu- để được hướng dẫn các thủ tục chuyển tiền qua chiếc máy đó.
Tôi ngờ ngợ không biết nhân viên ngân hàng đang ở bên kia đầu dây điện thoại có thực sự là người hay không. Là vì bây giờ khi điện thoại tới các công ty, ngân hàng hay bất cứ cơ sở nào, phần lớn giọng nói nhận điện thoại là của máy chứ không phải là của người.
Ví dụ khi bưu kiện gửi qua bưu điện hay qua các công ty chuyển phát được đem tới nhà nhằm vào lúc người nhận đi vắng, nhân viên chuyển phát sẽ bỏ vào thùng thư một tờ phiếu để người nhận có thể liên lạc yêu cầu được phát lại vào ngày giờ mình có nhà. Người nhận sẽ gọi tới bưu điện hay công ty chuyển phát, giọng nói ở đầu dây điện thoại sẽ hướng dẫn các thủ tục như bấm hàng số bưu kiện, bấm ngày tháng và khung giờ có nhà để nhận bưu kiện v.v.. Hay khi gọi tới bất cứ công ty nào, cũng lại có giọng nói dặn bấm số tùy theo mục đích của cuộc gọi (muốn thay đổi ngày gửi kiện hàng, hay muốn hủy hợp đồng, hoặc muốn hỏi điều gì). Lại luôn luôn có một câu rào đón rằng cuộc điện đàm được ghi âm lại với mục đích “cải thiện dịch vụ”. Nhưng có thể đó là vì nhân vật gác điện thoại không phải là người nên các mẩu đối thoại đều phải được thu âm, để ví dụ như đó là một cuộc gọi để đặt hàng, thì đoạn thu âm này mới được chuyển sang khâu thực hiện nội dung của cuộc gọi ( ví dụ như đóng gói và chuyển phát hàng theo yêu cầu của khách).
Một lần khi đã hoàn tất mọi thủ tục, thì đầu dây bên kia đáp gọn lỏn “Không tìm ra gói hàng, xin gọi xác nhận”, rồi tắt máy. Lại đành đi tìm số điện thoại của công ty, rồi cũng phải chờ máy trả lời đọc vài con số, cuối cùng bấm được số để nối với nhân viên của họ, nhờ tìm thì mấy tuần sau mới được phát lại.
Tóm lại là bây giờ tiếp mình ở đầu đằng kia của điện thoại chắc hẳn hầu hết không phải là con người. Cho nên có chắc gì giọng nói của nhân viên ngân hàng đã hướng dẫn cho tôi cách chuyển tiền ra nước ngoài là giọng nói của người.
Vào ngân hàng bây giờ chỉ thấy hai ba nhân viên bảo vệ vạm vỡ đứng gác cửa hay đi quanh quẩn chăng dây cho khách xếp hàng trước các máy ATM.
Còn đâu nữa quang cảnh quen thuộc với các cô nhân viên ngân hàng khả ái và tươi tắn trong bộ đồng phục lịch sự vui vẻ ân cần chạy lại hỏi han, hướng dẫn cho khách từ cách lấy số thứ tự cho đến các loại giấy cần dùng để điền vào. Chỗ khách ngồi chờ có chiếc tivi thật lớn và các giá để nhiều loại tạp chí. Trên quầy giao dịch để nào bình hoa, nào các búp bê hay thú nhồi bông là những món quà tặng cho vị khách có những khoản giao dịch lớn. Tiếng chuông gọi và những tấm bảng ghi số thứ tự của khách đến lượt được mời tới quầy. Âm thanh nghe vừa đủ không ồn ào, hoặc vì ai cũng đang mong được nghe gọi tới số thứ tự đang cầm trong tay nên không còn cảm thấy ồn ào nữa. Sau quầy là các nhân viên hầu hết là nữ giới và phần lớn là các thiếu nữ trẻ đẹp mới ra trường vài năm. Đồng phục của mỗi ngân hàng mỗi khác, nhưng tất cả đều có màu sắc và kiểu cách thanh lịch không kém đồng phục của các nữ tiếp viên hàng không.
Họ tiếp khách rất nhã nhặn, ân cần chu đáo. Các nhân viên nam hay nữ thâm niên hơn có trọng trách hoặc giữ chức vụ cao hơn thường ngồi ở các bàn phía trong. Đôi khi họ cũng đích thân ra quầy để giải thích điều gì đó với khách hàng.
Đây là cảnh tượng vô cùng quen thuộc ở mọi ngân hàng.
Nhưng có ngờ đâu. Chỉ sau khi xảy ra đại dịch covid ít lâu, tất cả đã biến mất như một giấc mơ. Để chỉ còn lại là máy và máy...Một thế giới không hồn vô cảm.
Cách đây mấy mươi năm trước có một siêu thị của Nhật đã từng thử nghiệm dành cả một nửa diện tích cửa hàng để đặt các máy tự động bán đủ loại mặt hàng. Trong khu vực này hoàn toàn không có nhân viên của cửa hàng, cửa ra vào cũng riêng rẽ với khu bán hàng bình thường ở ngay bên cạnh. Kết quả là khu vực chỉ bán bằng máy tự động hầu như không có khách vào mua, nên sau đó đã phải dẹp bỏ.
Nhưng khi đại dịch xẩy ra, ngân hàng hầu như không có thời gian thử nghiệm, quầy giao dịch của ngân hàng biến mất thật đột ngột và khách hàng cũng phải chấp nhận như ngầm hiểu đó là biện pháp phòng chống đại dịch
Rồi mọi việc lâu ngày cũng trở thành thói quen, khách cũng quen dần, có thể là cũng không còn nhớ đồng phục của nhân viên ngân hàng trước đây màu gì hay kiểu gì.
Nhưng thật không ngờ, mới đây tôi mới biết là chiếc máy của ngân hàng có thể tự động làm sổ ngân hàng mới cho tài khoản gửi hay rút tiền thông thường, nhưng lại không thể làm sổ mới cho các tài khoản để dành tiền định kỳ. Máy hiện ra dòng chữ “Mời quý khách lên tầng hai”.
Bấy giờ tôi mới chợt nhớ ra tầng hai của ngân hàng này, đã lâu không có việc gì để lên đó. Đó là nơi làm các dịch vụ như cho vay (những khoản tiền lớn như tiền mua nhà), hay làm sổ gửi tiền để dành (cũng là những khoản tiền lớn).
Vừa lên tới nơi, một khung cảnh quen thuộc bất ngờ hiện ra trước mặt. Đúng là vẫn như trước đây, các nữ nhân viên trong đồng phục ngân hàng quanh bàn tiếp tân tiến đến niềm nở đón chào khách, hỏi thăm và mời bấm máy lấy số thứ tự. Các cô nhân viên khác ngồi sau tấm kính ngăn cách (để tránh lây nhiễm) trên chiếc quầy khá cao, đang lúi húi làm những dịch vụ cho những người khách có số thứ tự được gọi. Lại có vài cô đang quỳ xuống bên cạnh người khách ngồi chờ trong những chiếc ghế bành thoải mái để giải thích điều gì đó.
Làm xong sổ mới cho tài khoản để dành tiền định kỳ hàng tháng, và mở xem thì thấy số tiền trong tài khoản nhiều hơn tôi tưởng, và các dòng trên mấy trang đầu cuốn sổ đều ghi ngày tháng lại là hôm nay. Cô nhân viên ở cửa ghi sê số 2 vừa tiếp tôi lại đang bận tiếp người khách mới, nên tôi đưa sổ ra hỏi một trong những cô đang đứng ở quầy tiếp tân, liền được cô ân cần giải thích cặn kẽ cho tôi hiểu cách ghi...À ra thế... May là có các cô, chứ nếu mà chiếc máy ở tầng một của ngân hàng cũng làm được sổ mới này, thì một người không quen đọc những con số như tôi, biết hỏi ai đây.
Ra tới đầu cầu thang để xuống tầng một của những chiếc máy vô cảm, tôi ngoảnh nhìn lại cả tầng hai một lần nữa. Khung cảnh này tôi vẫn tiếc nhớ tưởng chừng không bao giờ gặp lại. Nhưng từ nay đã có thể yên tâm biết được là vẫn còn đó trên tầng hai này, những giao tiếp giữa người với người. Ở đây vẫn còn có các nhân viên để khi cần mình có thể tới hỏi han, nhờ hướng dẫn. Ở đây vẫn còn những hoạt cảnh quen thuộc ấm áp tình người và còn lưu giữ lại truyền thống văn hóa của một dân tộc.
Ngoài đường trời nắng ráo trở lại sau gần một tuần mưa tầm tã. Lòng tôi tràn ngập niềm vui như vừa trở về nơi chốn cũ và tìm lại được những kỷ niệm thân yêu.
Quỳnh Chi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét