Nobel Vật lý vinh danh các nghiên cứu cơ bản về trí tuệ nhân tạoHôm nay, 08/10/2024, Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển hôm nay, 08/10/2024, thông báo giải Nobel Vật lý 2024 được trao tặng cho hai nhà khoa học, Geoffrey Hinton, người Anh-Canada và John Hopfield, người Mỹ vì những công trình nghiên cứu trong « học tự động », được sử dụng cho phát triển trí tuệ nhân tạo. Hai giáo sư về vật lý, John Hopfield (T) tại đại học Princeton và Geoffrey Hinton tại đại học Toronto, vừa đoạt giải Nobel vật lý ngày 08/10/2024. AP Minh Anh
Theo AFP, trong thông cáo, hội đồng khoa học Thụy Điển nêu rõ, « hai khôi nguyên của giải Nobel năm nay đã sử dụng các công cụ vật lý để phát triển những phương pháp là nền tảng cơ bản cho các hệ thống học tự động ngày nay ».
John Hopfield, 91 tuổi và là giáo sư tại trường đại học Princeton danh tiếng, và Geoffrey Hinton, 76 tuổi, giáo sư trường đại học Toronto ở Canada, đã được tặng thưởng vì « những khám phá và phát minh cơ bản, cho phép học tự động nhờ vào những hệ thần kinh nhân tạo ».
Lấy cảm hứng từ hệ thần kinh nhân loại, hai nhà khoa học này đã bắt đầu nghiên cứu về hệ thần kinh nhân tạo từ những năm 1980.
Trước giới báo chí, chủ tịch Ủy ban Nobel Vật lý, bà Ellen Moons, nêu rõ, « hai khôi nguyên 2024 đã sử dụng các khái niệm cơ bản của vật lý thống kê để thiết kế hệ thần kinh nhân tạo vận hành giống như những bộ nhớ kết hợp và tìm kiếm các mẫu trong các tập dữ liệu lớn ».
Hệ thống thần kinh nhân tạo này đã được dùng để thúc đẩy nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực khác nhau như vật lý hạt, khoa học vật liệu và thiên văn.
Pháp: Thủ tướng Michel Barnier đối mặt với kiến nghị bất tín nhiệm đầu tiên
Chiều hôm nay, 08/10/2024, tân thủ tướng Michel Barnier, được bổ nhiệm cách nay hơn một tháng, đối mặt với kiến nghị bất tín nhiệm đầu tiên. Kiến nghị này được liên minh cánh tả đưa ra một tuần sau khi thủ tướng Barnier trình bày cương lĩnh hành động của tân chính phủ trước Quốc Hội hôm 01/10.
Thủ tướng Pháp Michel Barnier tại Quốc Hội, Paris, Pháp, ngày 01/10/2024. © Sarah Meyssonnier / Reuters
Trọng Thành
Theo AFP, vào lúc 16h30, lãnh đạo đảng Xã Hội Olivier Faure, đại diện cho liên minh Mặt Trận Bình Dân Mới (NUPES), gồm 4 đảng phái cánh tả và cực tả, có bài phát biểu để thuyết phục Hạ Viện ủng hộ việc bất tín nhiệm thủ tướng Barnier. Trả lời AFP, lãnh đạo đảng Xã Hội cho biết ‘‘đây sẽ là thời khắc của sự thật, để xem những ai sẽ chống lại chính phủ, và những ai không’’.
Lãnh đạo đảng Xã Hội Pháp lên án tân thủ tướng chống lại Mặt Trận Bình Dân Mới, liên minh về đầu trong cuộc bầu cử Hạ Viện ngày 07/07/2024, và đặc biệt là ‘‘phản lại Mặt Trận Cộng Hòa và lá phiếu của cử tri’’. ‘‘Mặt Trận Cộng Hòa’’ do các đảng phái lập ra trước vòng hai cuộc bầu cử để ngăn chặn các ứng viên của đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc đắc cử dân biểu.
Theo giới quan sát, kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ của liên minh cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới hoàn toàn không có cơ may được thông qua, do đảng cực hữu không ủng hộ lật đổ chính phủ vào thời điểm hiện tại. Nếu toàn bộ 192 dân biểu cánh tả bỏ phiếu thuận, cùng một số nghị sĩ độc lập thuộc nhóm LIOT, kiến nghị này vẫn còn xa mới đạt được đa số quá bán cần thiết tại Quốc Hội, tức 289 phiếu.
Theo dân biểu cực hữu Sébastien Chenu, phó chủ tịch đảng Tập hợp Dân tộc, đảng này chờ đợi thông báo cụ thể về ngân sách trong năm tài chính tới, mà thủ tướng Barnier có kế hoạch trình trước Quốc Hội ngày thứ Năm 10/10, để đưa ra quyết định có bất tín nhiệm tân chính phủ hay không.
AFP lưu ý là, một số dân biểu phe tả trong liên minh Đồng hành vì nền Cộng hòa (EPR) của tổng thống, với 99 dân biểu, cũng có thể bỏ phiếu bất tín nhiệm, do chính sách ngả mạnh sang hữu của tân chính phủ. Dân biểu Oliver Falorni, được coi là thuộc phe tả của đảng cánh trung MoDem, thuộc liên minh ủng hộ tổng thống, cho biết vấn đề bất tín nhiệm ‘‘sẽ nhanh chóng được đặt ra’’ ngay sau khi thủ tướng Barnier thông báo về ngân sách năm 2025.
Việt Nam và Pháp nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện
Hôm qua, 07/10/2024, trong ngày thứ hai của chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp, tổng bí thư, chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm và tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Quyết định nâng cấp quan hệ song phương được đưa ra trong chuyến thăm chính thức Pháp đầu tiên của nguyên thủ quốc gia Việt Nam từ 22 năm nay.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (P) bắt tay chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm trong cuộc họp báo chung tại Điện Élysee, Paris, Pháp, ngày 07/10/2024. AFP - TERESA SUAREZ
Trọng Thành
Pháp trở thành nước thứ 8 và là nước đầu tiên của Liên Hiệp Châu Âu có quan hệ cấp Đối tác Chiến lược Toàn diện với Việt Nam.
Tuyên bố chung của lãnh đạo hai bên nhấn mạnh trước hết đến việc ‘‘làm sâu sắc hơn hợp tác chính trị trước những thách thức quốc tế’’, cụ thể là thúc đẩy quan hệ song phương trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng bình đẳng, chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của mỗi bên.
Trong phần ‘‘hợp tác chính trị’’, hai bên cam kết ‘‘duy trì trao đổi và tiếp xúc cấp cao thông qua tất cả các kênh giữa chính quyền Pháp với Đảng Cộng Sản, chính phủ, Quốc Hội và chính quyền địa phương Việt Nam’’.
Hợp tác an ninh - quốc phòng là một trụ cột của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt – Pháp. Hai bên cam kết sớm tổ chức ‘‘Đối thoại chiến lược an ninh - quốc phòng’’, ‘‘tạo động lực mới cho hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng thông qua nghiên cứu, đề xuất và triển khai các dự án mang tính cơ cấu’’. ‘‘Việt Nam sẽ tạo thuận lợi cho các tàu quân sự của Pháp cập cảng Việt Nam…., nhằm phát triển hợp tác và trao đổi chuyên môn giữa hải quân và lực lượng cảnh sát biển hai nước’’.
Về Biển Đông, vùng biển mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền với khoảng 90% diện tích, Pháp và Việt Nam ‘‘phản đối mạnh mẽ mọi hình thức đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trái với luật pháp quốc tế’’, ‘‘tái khẳng định cam kết duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông’’, ‘‘tôn trọng đầy đủ Công ước Liên Hiệp Quốc năm 1982 về Luật biển’’.
Hai bên cũng ‘‘nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được một nền hòa bình toàn diện, công bằng và bền vững tại Ukraina, phù hợp với luật pháp quốc tế và trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hiệp Quốc’’.
Trong cuộc họp báo chung với lãnh đạo Việt Nam Tô Lâm, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ca ngợi ‘‘thành công ngoạn mục của Việt Nam (về kinh tế) mang lại các cơ hội mới cho nhiều dự án chung trong các lĩnh vực hàng không, cơ sở hạ tầng, y tế, quốc phòng, nông nghiệp và năng lượng’’.
Theo Thông Tấn Xã Việt Nam, ngày hôm qua, trong buổi gặp chủ tịch Quốc Hội Pháp, Yaël Braun-Pivet, tổng bí thư, chủ tịch nước Tô Lâm đã đề nghị Quốc Hội Pháp sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam – Liên Âu (EVIPA), nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư của hai nước cũng như của Liên Âu.
Nga cho biết vẫn duy trì ‘‘đường dây nóng’’ với Mỹ và NATO để giảm "nguy cơ hạt nhân"
Hôm nay, 08/10/2024, Nga cho biết vẫn duy trì ‘‘đường dây nóng’’ với Mỹ và liên minh quân sự NATO để giảm nguy cơ khủng hoảng hạt nhân trong bối cảnh Matxcơva và phương Tây đang trong giai đoạn đối đầu nghiêm trọng nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh.
Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì một cuộc họp của Hội Đồng An Ninh, bàn về răn đe hạt nhân, điện Kremlin, Matxcơva, Nga, ngày 25/09/2024. AP - Alexander Kazakov
Trọng Thành
‘‘Đường dây nóng’’ Mỹ-Nga, kênh liên lạc trực tiếp giữa lãnh đạo hai nước, đã được lập ra vào năm 1963, để giảm bớt những nhận định sai lầm về đối phương, từng gây ra ‘‘khủng hoảng tên lửa Cuba’’ năm 1962. Đường dây nóng đã được sử dụng nhiều lần trong các cuộc khủng hoảng lớn, như Chiến tranh Sáu ngày ở Cận Đông năm 1967, cuộc tấn công Afghanistan của Liên Xô năm 1979, các cuộc tấn công của Al-Qaida nhắm vào Mỹ ngày 11/09/2001 và cuộc tấn công Irak của Hoa Kỳ năm 2003.
Theo Reuters, cuộc chiến Nga xâm lược Ukraina, kéo dài hơn 2 năm rưỡi, đang bước vào giai đoạn mà giới lãnh đạo Nga cho là nguy hiểm nhất khi các lực lượng Nga tiến sâu hơn vào đất Ukraina, và Mỹ đang cân nhắc cho phép Kiev dùng tên lửa phương Tây tấn công vào các mục tiêu trên đất Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin, hôm 12/09, cảnh báo việc phương Tây bật đèn xanh cho hành động này đồng nghĩa với ‘‘NATO, Hoa Kỳ và các nước châu Âu trực tiếp tham chiến ở Ukraina’’.
Trả lời hãng thông tấn nhà nước Nga RIA hôm nay, thứ trưởng Ngoại Giao Nga Alexander Grushko, phụ trách quan hệ với châu Âu và NATO, cho biết Matxcơva nhận thấy NATO đang gia tăng vai trò của vũ khí hạt nhân trong chiến lược của mình, và thông báo là Nga đang cập nhật học thuyết hạt nhân để gửi đi một tín hiệu ‘‘khiến các đối thủ không ảo tưởng về mức độ sẵn sàng của Nga trong việc đảm bảo an ninh quốc gia bằng mọi phương tiện có sẵn’’. Tổng thống Nga chủ trương hạ thấp ‘‘ngưỡng’’ sử dụng vũ khí hạt nhân đáp trả một cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường.
Ukraina tấn công cảng dầu lớn nhất ở bán đảo Criméei
Ukraina dùng tên lửa tầm xa oanh kích vào cảng dầu lớn nhất ở bán đảo Crimée rạng sáng hôm qua, 07/10/2024. Theo hãng thông tấn Nga Ria Novosti, hiện tại đám cháy rộng khoảng 2.500 m² vẫn chưa được khống chế. Hơn 1.000 dân sống xung quanh cảng này đã được sơ tán. Phía Nga thừa nhận kho dầu ở thành phố cảng Féodossia bốc cháy, nhưng không chỉ ra nguyên nhân.
Thông tín viên Emmanuelle Chaze tường trình từ Kiev :
‘‘Trong những ngày gần đây, việc Nga giành được thêm một số lãnh thổ ở miền đông Ukraina, đáng chú ý là việc chiếm được Vuhledar, căn cứ chiến lược của Kiev cách Pokrovsk 50 km về phía nam, cũng như các bước tiến xa hơn ở miền nam Ukraina, cho thấy Nga giành thêm lãnh thổ chỉ ớ mức tối thiểu nhưng liên tục. Quân đội Ukraina gặp rất nhiều khó khăn trong việc đẩy lùi quân xâm lược có lợi thế về quân số, đặc biệt là ở các chiến tuyến miền đông.
Nhưng chiến trường không chỉ giới hạn ở miền đông Ukraina, Kiev không chỉ tăng cường các hoạt động trên bộ trên đất Nga như ở tỉnh biên giới Kursk, nơi Ukraina tuyên bố kiểm soát khoảng một trăm phường xã, mà còn tấn công vào nhiều kho đạn, nhà máy lọc dầu và căn cứ không quân ở sâu trong đất Nga, cũng như tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng.
Vào đêm Chủ nhật rạng sáng thứ Hai, Kiev đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công vào kho cảng dầu “lớn nhất” của Crimée ở bến cảng Feodosia, một nguồn cung của quân đội Nga. Kể từ đầu năm đến nay, Ukraina đã tăng cường các cuộc tấn công kiểu này trên lãnh thổ Nga với vũ khí tự chế và bằng tên lửa tầm xa nhắm vào các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, với hy vọng có thể làm gián đoạn việc tiếp tế và các cơ sở hậu cần của quân đội Nga, hiện đang chiếm đóng trái phép gần một phần tư lãnh thổ Ukraina.’’
Hàn Quốc tố cáo Bắc Triều Tiên gửi quân đến Ukraina
Tân bộ trưởng Quốc Phòng Hàn Quốc hôm nay, 08/10/2024, tuyên bố Bắc Triều Tiên có thể đã điều quân đến Ukraina, hỗ trợ cuộc chiến xâm lược của Nga. Phát biểu này được đưa ra vài ngày sau khi truyền thông Ukraina loan báo có sáu sĩ quan Bắc Triều Tiên thiệt mạng gần Donetsk trong một cuộc oanh kích bằng tên lửa.
Ảnh do Bắc Triều Tiên công bố: Lễ chuyển giao 250 bệ phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân cho các đơn vị quân đội ở tiền tuyến, Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên, ngày 04/08/2024. AP
Minh Anh
Từ Seoul, thông tín viên đài RFI, Célio Fioretti tường thuật :
« Theo tuyên bố của lãnh đạo bộ Quốc Phòng Hàn Quốc, có thể Bắc Triều Tiên đã điều nhiều thành viên lực lượng chính quy đến Ukraina để hỗ trợ Nga. Trước đó, nhiều tin đồn đã loan truyền về việc Bắc Triều Tiên điều một đơn vị công binh đến vùng lãnh thổ Ukraina bị chiếm đóng để giúp tái thiết những vùng này.
Vào tuần trước, tình báo Ukraina tiết lộ rằng dường như sáu sĩ quan Bắc Triều Tiên bị thiệt mạng và ba người khác bị thương trong một cuộc không kích bằng tên lửa. Có thể số quân nhân này có mặt ở gần Donetsk để quan sát các chiến dịch quân sự Nga.
Đây có thể là một bằng chứng mới về hợp tác quân sự mà Nga và Bắc Triều Tiên đã ký kết một hiệp ước phòng thủ chung vào tháng 6/2024. Chế độ Bắc Triều Tiên dường như đã cung cấp khoảng ba triệu đạn pháo cho Nga trong suốt năm qua.
Dù vậy, Nga và Bắc Triều Tiên chưa bao giờ xác nhận những thông tin trên, phủ nhận sự hiện vũ khí và binh sĩ Bắc Triều Tiên trên chiến trường Ukraina. Trả lời chất vấn, Lầu Năm Góc tuyên bố số lính Bắc Triều Tiên này có nguy cơ trở thành bia đỡ đạn cho Vladimir Putin. »
Miến Điện lần đầu tiên từ 3 năm nay cử đại diện dự thượng đỉnh ASEAN
AFP dẫn nguồn ngoại giao hôm nay, 08/10/2024, cho biết lần đầu tiên kể từ cuộc đảo chính năm 2021, chính quyền quân sự Miến Điện sẽ cử đại diện đến dự thượng đỉnh Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á -ASEAN.
Thư ký thường trực bộ Ngoại Giao Miến Điện Aung Kyaw Moe (T) và các quan chức ngoại giao cao cấp của các thành viên ASEAN chụp ảnh kỷ niệm nhân khai mạc Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 57 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Viêng Chăn, Lào, ngày 25/07/2024. REUTERS - Chalinee Thirasupa
Anh Vũ
Sau cuộc đảo chính lật đổ chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi năm 2021, Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á đã quyết định tẩy chay, không mời lãnh đạo chính quyền quân sự Miến Điện dự thượng đỉnh ASEAN hàng năm.
Kỳ thượng đỉnh ASEAN năm nay được tổ chức tại Vientian, Lào bắt đầu từ ngày mai 09/10. Đặc biệt gần đây, chính quyền Miến Điện bị suy yếu về mọi mặt, kinh tế, chính trị.
Từ ba năm nay, Miến Điện đang lún sâu thêm vào khủng hoảng với các cuộc xung đột vũ trang bùng lên dữ dội giữa các nhóm sắc tộc thiểu số nổi dậy với quân đội chính phủ. Chính quyền quân sự Miến Điện vẫn phớt lờ các đề nghị của ASEAN nhằm tháo gỡ khủng hoảng. Vào lúc gặp khó khăn chính quyền quân sự có thể xem xét lại lập trường của mình, một nhà ngoại giao tại hội nghị cho AFP biết.
Lần đầu tiên từ ba năm qua, Miến Điện chấp nhận cử một « đại diện phi chính trị », điều kiện duy nhất được ASEAN chấp nhận tại các kỳ họp thượng đỉnh bởi vì các tướng lĩnh nắm quyền bị tẩy chay từ kỳ họp tháng 10/2021.
Các phóng viên AFP quan sát thấy có thư ký thường trực bộ Ngoại Giao Miến Điện Aung Kyaw Moe, hôm nay đã dự cuộc họp các ngoại trưởng ASEAN.
Quyết định cử đại diện tham dự thượng đỉnh ASEAN được đưa ra hai tuần sau khi được chính quyền quân sự Miến Điện bất ngờ mời các nhóm vũ trang đối kháng chấm dứt giao tranh để đối thoại hòa bình. Tuy nhiên các nhóm vũ trang được AFP hỏi, cho biết đã bác bỏ đề nghị đó.
Theo Liên Hiệp Quốc vào tháng 9, cuộc xung đột tại Miến Điện đã làm ít nhất 5.300 thường dân bị chết, hơn 3,3 triệu người phải di dời và hơn một nửa dân số sống dưới mức nghèo khổ.
Các cuộc thảo luậnvề khủng hoảng Miến Điện diễn ra vào đầu tháng 10 tại Jakarta theo sáng kiến của Indonesia, với sự tham gia của đại diện ASEAN, Liên Hiệp Châu Âu và Liên Hiệp Quốc, cũng như phe đối lập ở Miến Điện.
Trung Quốc, một trong số ít nước ủng hộ Miến Điện trên trường quốc tế, cũng mong muốn đạt được một thỏa thuận nhằm chấm dứt xung đột đang hoành hành ngay sát biên giới, đồng thời cam kết không can thiệp vào “công việc nội bộ” của nước này.
Trung Quốc, cũng như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc, sẽ tham gia các cuộc họp song phương ASEAN+1 (ASEAN với các đối tác), dự kiến diễn ra vào thứ Năm và thứ Sáu tuần này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét