Mỹ : Thêm một khoản chi viện quân sự mới cho Ukraina Ảnh tư liệu : Xe tăng Bradley của Hoa Kỳ được triển khai ở Garkalne, Latvia ngày 08/02/2017. REUTERS - Ints Kalnins Minh Anh - Hoa Kỳ ngày 19/01/2023 thông báo một gói hỗ trợ quân sự mới cho Ukraina, trị giá 2,5 tỷ đô la, chủ yếu bao gồm hàng trăm xe bọc thép các loại khác nhau, nhưng không có xe tăng hạng nặng Abrams. Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky hôm nay, 20/01/2023, lên tiếng cảm ơn Hoa Kỳ, nguồn hậu thuẫn quân sự hàng đầu cho Kiev trong cuộc chiến chống quân Nga xâm lược.Khoản viện trợ mới này bao gồm 59 xe tăng Bradley, bổ sung cho đợt cung cấp 50 xe bọc thép hạng nhẹ đã được thông báo ngày 06/01, và 90 xe bọc thép chở quân Stryker. Trong thông cáo, bộ Quốc Phòng Mỹ nêu rõ, đợt chi viện mới này sẽ « trang bị cho Ukraina có được hai lữ đoàn xe thiết giáp ».
<!>
Quân đội Mỹ sẽ cung cấp thêm cho Ukraina 53 xe bọc thép chống mìn (MRAP) và 350 loại xe chở quân Humvee nổi tiếng M998.
Cho đến nay, Mỹ vẫn viện dẫn vấn đề bảo trì và đào tạo, để từ chối cung cấp cho Ukraina xe tăng hạng nặng Abrams.
Ngoài ra, Washington cũng sẽ cung cấp tên lửa cho các hệ thống phòng không NASAMS và HIMARS đã giao cho Ukraina và 8 hệ thống phòng không tầm ngắn Avenger – những loại vũ khí được lắp đặt trên những phương tiện di chuyển cùng nhịp với bộ binh – và hàng ngàn loại đạn dược khác nhau.
Theo AFP, với gói chi viện bổ sung này, tính đến nay Hoa Kỳ đã hỗ trợ tổng cộng 26,7 tỷ đô la quân sự cho Ukraina kể từ khi chiến tranh bùng nổ ngày 24/02/2022.
Thông báo được đưa ra một ngày trước khi bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin, dẫn đầu một phái đoàn đến Ramsteinhọp bàn với các đồng minh trong việc tiếp tục phối hợp hỗ trợ quân sự cho Ukraina.
Các đồng minh Ukraina họp tại Ramstein, Đức đặt điều kiện giao xe tăng Leopard
Xe tăng Leopard 2 của quân đội Đức trong một lần huấn luyện tại căn cứ Munster, Đức ngày 28/09/2011. AP - Michael Sohn
Minh Anh
Hôm nay, 20/01/2023, những nước hậu thuẫn quân sự cho Ukraina có cuộc họp quan trọng, mang tính quyết định, tại căn cứ quân sự Mỹ ở Ramstein, miền tây nước Đức : Đó là thảo luận về việc cung cấp các loại vũ khí hạng nặng mà Ukraina đã đề nghị từ nhiều tháng qua như các hệ thống tên lửa tầm xa hay xe tăng hạng nặng. Vấn đề này vốn gây chia rẽ phương Tây, một phần vì nước Đức do dự.
Từ Berlin, thông tín viên đài RFI Nathalie Versieux giải thích :
« Đích thân tân bộ trưởng Quốc Phòng, Boris Pistorius, một chuyên gia về an ninh nội địa chứ không phải là quân sự, sẽ là người dẫn đầu phái đoàn Đức. Nhất là, ông mới nhậm chức từ hôm qua (19/01), do vậy, phạm vi hành động của ông sẽ rất hạn hẹp. Pistorius sẽ áp dụng từng chữ một những hướng dẫn mà ông nhận được từ phủ thủ tướng.
Hơn bao giờ hết, chính Olaf Scholz là người có trong tay bộ hồ sơ về việc cung cấp các vũ khí tấn công cho Ukraina. Đảng Xanh trong liên minh cầm quyền tỏ ra ủng hộ. Scholz dường như có chút thay đổi về hồ sơ này. Giờ ông sẵn sàng giao xe tăng Leopard như Kiev đòi hỏi, nhưng với điều kiện Mỹ phải giao xe tăng Abrams.
Thế nhưng, Hoa Kỳ chưa mấy sẵn lòng cung cấp cho Ukraina loại xe tăng chiến đấu có hỏa lực mạnh này. Có hai lý do giải thích cho sự miễn cưỡng này của Đức : Mối lo cuộc xung đột sa lầy nhưng còn có nỗi sợ Nga sẽ chiếm được một trong số những thiết bị cực kỳ tinh vi đó. »
AFP cho biết, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, Charles Michel, sau cuộc gặp với tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, tại Kiev hôm qua, 19/01/2023, tuyên bố, « chiến xa phải được gởi đến cho Ukraina ». Theo ông, « Liên Hiệp Châu Âu thấu hiểu thông điệp của Ukraina, rằng đất nước cần nhiều hơn nữa các hệ thống phòng không và đại pháo, cũng như là đạn dược ». Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu khẳng định, phương Tây « ý thức » được rằng « những tuần sắp tới sẽ mang tính quyết định cho bước tiếp theo » trong cuộc chiến chống Nga.
11 nước châu Âu kêu gọi tăng viện trợ quân sự giúp Ukraina đánh đuổi quân xâm lược Nga
Bộ trưởng Quốc Phòng Estonia Hanno Pevkur tại doanh trại quân sự Tapa, Estonia ngày 19/01/2023. AP - Pavel Golovkin
Trọng Thành
Hôm qua, 19/01/2023, 11 quốc gia châu Âu ra ‘‘Cam kết Tallinn’’, thông báo nhiều khoản viện trợ quân sự mới giúp Ukraina, và kêu gọi đẩy mạnh hỗ trợ quốc phòng giúp Kiev sớm đánh bật quân xâm lược Nga. ‘‘Cam kết Tallinn’’ được đưa ra một ngày trước cuộc họp của các bộ trưởng Quốc Phòng khoảng 50 quốc gia họp tại Đức hôm nay 20/01, để bàn việc tăng cường hỗ trợ Kiev.
Bộ trưởng Quốc Phòng Estonia, Anh, Ba Lan, Latvia và Litva, cùng đại diện các nước Đan Mạch, Cộng hòa Séc, Hà Lan và Slovakia họp tại Tallinn, thủ đô Estonia ngày hôm qua. Sau cuộc họp, đại diện 9 quốc gia nói trên cùng Đức và Tây Ban Nha đã ra bản ‘‘Cam kết Tallinn’’. Hỗ trợ Ukraina ‘‘chuyển từ kháng cự sang trục xuất các lực lượng Nga ra khỏi lãnh thổ Ukraina’’ là mục tiêu chính.
Cam kết Tallinn nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu này, cần huy động ‘‘các viện trợ chưa từng có, bao gồm xe tăng chiến đấu chủ lực, pháo hạng nặng, hệ thống phòng không, đạn dược và xe chiến đấu bộ binh’’cho Ukraina. Bẩy trong số 11 quốc gia ký tên đã nêu ra các đóng góp cụ thể.
Anh đưa ra nhiều cam kết, trong đó có việc cung cấp cho Kiev một chi đội xe tăng hạng nặng Challenger 2, pháo tự hành AS90 155 ly, hàng trăm xe bọc thép, hàng chục máy bay không người lái, hàng trăm hỏa tiễn tối tân bao gồm tên lửa GMLRS, 100.000 đạn pháo. Estonia hỗ trợ pháo 155 ly H-70 và 122 ly D-30, súng chống tăng Carl-Gustaf M2. Ba Lan tặng Ukraina 42 xe chiến đấu bộ binh cùng lựu pháo 155 mm KRAB...
Cho đến nay, các nước đồng minh vẫn ngần ngại trong việc cung cấp cho Kiev các hệ thống tên lửa có tầm bắn xa hơn 100 km, giúp Ukraina có thể tấn công các hệ thống hậu cần quân sự của Nga, đặc biệt là các kho đạn. Theo AFP, ngày hôm qua, điện Kremlin một lần nữa tuyên bố, việc cung cấp các vũ khí tầm xa hơn cho Ukraina ‘‘sẽ khiến xung đột leo thang’’.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ công du Cận Đông
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan trong cuộc họp tại Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ ngày 12/12/2022. AFP - BRENDAN SMIALOWSKI
Trọng Thành
Hôm qua, 19/01/2023, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jack Sullivan gặp thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Jerusalem. Jack Sullivan là giới chức Mỹ cao cấp nhất đến Israel, kể từ khi Netanyahu lập được chính phủ mới.
Một trong những mục tiêu chính của chuyến đi của cố vấn an ninh quốc gia Mỹ là thuyết phục chính quyền Netanyahu không có các biện pháp đơn phương làm gia tăng căng thẳng với người Palestine, và chôn vùi viễn cảnh thành lập một Nhà nước Palestine trong tương lai. Hiện tại nhiều thành viên trong tân chính phủ Israel công khai phủ nhận quyền tồn tại của một Nhà nước Palestine.
Thông tín viên Sami Boukhelifa tường trình từ Jérusalem :
Israel và Hoa Kỳ là các đồng minh gắn bó, nhưng hai bên không đồng ý về mọi thứ. Tại Washington, chính quyền Joe Biden vẫn tin tưởng vào giải pháp hai Nhà nước. Hai Nhà nước sống cạnh nhau, một Nhà nước Palestine và một Nhà nước Israel. Đây cũng là một quan điểm được sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế.
Nhưng trong tân chính phủ của Israel, một số người đã chôn vùi giải pháp hai Nhà nước này, và đã từ lâu. Các bộ trưởng xuất thân từ phe cực hữu là những người theo lập trường công khai sát nhập các vùng lãnh thổ Palestine. Họ liên tục đưa ra các tuyên bố, để khẳng định chủ quyền của Israel trên toàn bộ lãnh thổ Palestine.
Các vấn đề an ninh khu vực cũng không cho phép tái hòa giải Nhà nước Do Thái và Nhà Trắng. Ở đây cũng có hai quan điểm trái ngược. Israel ủng hộ hành động vũ trang chống Iran, quốc gia mà họ cáo buộc muốn sở hữu vũ khí hạt nhân. Để làm được điều này, Israel cần sự hỗ trợ của cường quốc quân sự hàng đầu thế giới. Tuy nhiên trong hiện tại Nhà Trắng bác bỏ ý tưởng dấn sâu vào một cuộc xung đột mới ở Trung Đông.
Vẫn còn một vấn đề được hai bên nhất trí. Đó là các Thỏa thuận Abraham và việc bình thường hóa quan hệ với các nước Ả Rập. Israel muốn hòa bình với Ả Rập Xê Út và đang trông cậy vào sự trung gian của Mỹ để đạt được điều đó.
Về phía Ả Rập Xê Út, ngoại trưởng Fayçal ben Farhane trong một thông điệp trên Twitter hôm nay, 20/01, cảnh báo sẽ không bình thường hóa quan hệ với Israel, nếu Israel không công nhận một Nhà nước Palestine độc lập.
Pháp : Tổng thống Macron giới thiệu dự luật chương trình quân sự 2024-2030
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại căn cứ không quân Mont-de-Marsan, Pháp ngày 20/01/2023. AP - Bob Edme
Anh Vũ
Hôm nay, 20/01/2023, tổng thống Pháp Emmanuel Macron công bố những định hướng chính cải cách quân đội thông qua một dự luật mới về chương trình quân sự từ năm 2024-2030. Động thái này cho thấy quân đội Pháp đang cần phải hiện đại hóa mạnh hơn trong bối cảnh chiến tranh trở lại châu Âu từ cuộc xâm lược Ukraina của Nga.
Theo AFP, tại căn cứ không quân Mont-de-Marsan, Landes, ở tây nam nước Pháp, trong buổi gặp gỡ chúc mừng năm mới quân đội theo truyền thống, tổng thống Pháp đã giới thiệu những đường hướng cơ bản của dự luật mới về chương trình hiện đại hóa quân đội Pháp, sẽ được trình trước Quốc Hội vào tháng Ba tới đây.
Khi cuộc chiến tranh tại Ukraina nổ ra, rà soát lại khả năng quốc phòng, Paris nhận thấy quân đội Pháp bộc lộ nhiều yếu điểm trong trang bị quân sự cũng như năng lực tác chiến.
Chương trình mới lần này dự tính Pháp tăng chi phí quân sự lên 400 tỷ euro cho giai đoạn 2024-2030. Sau nhiều năm cắt giảm chi phí quân sự liên tục, Pháp đã thông qua bộ luật chương trình quân sự của Pháp 2019-2025 với ngân sách 295 tỷ euro.
Bộ luật mới sẽ tiếp tục các nỗ lực hiện đại hóa khả năng răn đe hạt nhân của đất nước mà trong năm 2023 Pháp chi một khoản 5,6 tỷ euro.
Phủ tổng thống Pháp nhấn mạnh, vùng lãnh thổ hải ngoại, đặc biệt trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương, khu vực đang là mục tiêu nhắm tới của Trung Quốc, cũng sẽ được luật mới quan tâm tăng cường đầu tư về phương diện năng lực và quân số để cải thiện khả năng bảo vệ chủ quyền và lợi ích của Pháp.
Pháp dự tính tăng cường các phương tiện phòng thủ đất đối không, các loại drone và khả năng tấn công xa. Luật về chương trình quân sự mới ấn định mục tiêu « có được chu trình sản xuất tối ưu để đáp ứng các nhu cầu chiến tranh », trên phương diện đạn dược khí tài cũng như để « đáp ứng nhanh chóng sự mong đợi của đối tác », ví dụ như Ukraina, theo phủ tổng thống Pháp. Ngoài ra, ông Emmanuel Macron trong chiến dịch tranh cử tổng thống đã hứa tăng gấp đối số lượng quân dự bị của Pháp, hiện đang ở số lượng 40 nghìn người.
Tóm lại, dự luật chương trình quân sự này nhằm thích ứng với các nguy cơ xung đột lớn giữa các nước, trong bối cảnh địa chính trị ngày càng căng thẳng trên thế giới, theo phủ tổng thống Pháp.
Covid: Trung Quốc tuyên bố đang ở đỉnh dịch, siết chặt kiểm soát thông tin
Bệnh nhân trong một khoa cấp cứu tại một bệnh viện ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh chụp vào tháng 01/2023. AP - Andy Wong
Trọng Thành
Hai ngày trước dịp Năm Mới cổ truyền, chính quyền Bắc Kinh khẳng định Trung Quốc đang ở đỉnh dịch. Cơ quan kiểm duyệt Trung Quốc phát động chiến dịch siết chặt kiểm soát thông tin liên quan đến đại dịch Covid trong dịp lễ hội mùa xuân Quý Mão 2023.
Theo Reuters, phó chủ tịch Trung Quốc phụ trách chống dịch, bà Tôn Xuân Lan (Sun Chunlan), hôm qua 19/01/2022, tuyên bố ‘‘dịch bệnh bùng phát trên toàn quốc, nhưng mức độ không nghiêm trọng’’. Phó thủ tướng Trung Quốc trấn an là ‘‘số lượng bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch tiếp tục giảm’’. Tuyên bố của phó thủ tướng Tôn Xuân Lan được đưa ra sau khi công ty độc lập chuyên về dữ liệu y tế Airfinity, có trụ sở tại Anh, cũng dự báo Trung Quốc đang đi vào đỉnh dịch.
Tuy nhiên, đối với công ty dữ liệu y tế Anh quốc, tình hình là nghiêm trọng hơn nhiều. Theo Airfinity, đỉnh dịch sẽ kéo dài khoảng hai tuần lễ trong dịp Tết Nguyên đán (cho đến cuối tháng 1/2023), với ước tính 62 triệu ca nhiễm mới. Số lượng người chết một ngày có thể lên đến 36.000 người. Trước đó, cũng công ty dữ liệu y tế nói trên đưa ra con số 600.000 người Trung Quốc chết vì Covid, kể từ khi Bắc Kinh từ bỏ chính sách Zero Covid, cao gấp 10 lần con số mà chính quyền Trung Quốc đưa ra.
Ngày 18/01, Bắc Kinh thông báo chương trình siết chặt kiểm duyệt, kéo dài đến cuối tháng 2/2023. Một trong các mục tiêu chính là xóa bỏ mọi thông tin trái ngược với quan điểm chính thống về đại dịch.
Thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình từ Bắc Kinh :
‘Không gì có thể làm mất vui vào dịp Tết Nguyên đán bình thường đầu tiên kể từ đầu đại dịch cách nay 3 năm. Ít ai có thể than phiền. Cả một đội ngũ nhân viên trong ngành kiểm duyệt Trung Quốc làm việc liên tục trong kỳ nghỉ Tết, với nhiệm vụ loại bỏ mọi ‘‘tình cảm tiêu cực’’, như điều mà cơ quan phụ trách kiểm duyệt vừa xác định trong một thông báo.
Thông báo của ngành kiểm duyệt Trung Quốc được đưa ra sau khi chính quyền Bắc Kinh từ bỏ chính sách Zero Covid, và làn sóng dịch bệnh bùng lên tiếp theo việc dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt. Kể từ làn sóng dịch đầu tiên trên quy mô toàn quốc, Bắc Kinh đã kiểm soát chặt việc thông tin về tình trạng các bệnh viện quá tải, dược phẩm cạn kiệt và đặc biệt là số người chết có liên quan đến chứng viêm phổi cấp do virus.
Phải nhiều tuần lễ, cơ quan y tế Trung Quốc mới công bố số liệu về 60.000 người chết do Covid kể từ ngày 8/12/2022. Cơ quan phụ trách tường lửa cũng theo dõi chặt các mạng xã hội, vào thời điểm diễn ra mục Mừng xuân nhân dịp năm mới cổ truyền trên Đài truyền hình Nhà nước Trung Quốc. Chương trình có đông khán giả theo dõi nhất thế giới, pha trộn các tiết mục giải trí với tuyên truyền. Chương trình này cũng là đối tượng châm biếm của nhiều dân mạng Trung Quốc’.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét