Thống đốc Gavin Newsom ký một đạo luật vào năm ngoái công bố Tết Nguyên đán là một ngày lễ của tiểu bang California, một cách để “thừa nhận sự đa dạng và ý nghĩa văn hóa mà người Mỹ gốc Á mang đến cho California,” ông nói trong thông điệp ký ban hành luật.
<!>
New York Times dẫn lời dân biểu tiểu bang, ông Evan Low, người đề xuất dự luật, nói Tết Nguyên đán là một trong những ngày lễ quan trọng nhất ở Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc và các nước châu Á khác, và là một trong những ngày lễ được ăn mừng rộng rãi nhất đối với người Mỹ gốc Á.
Nhưng việc chỉ định ở California phần lớn mang tính biểu tượng, bởi vì luật được ban hành không biến ngày lễ này thành ngày nghỉ có lương cho nhân viên tiểu bang. Ông Low đã giảm bớt đề nghị của mình vào năm ngoái sau khi các nhà phân tích của tiểu bang ước tính việc tạo thêm một ngày nghỉ có lương cho nhân viên tiểu bang sẽ khiến tiểu bang phải trả khoảng 80 triệu đô la một năm cho tiền làm thêm giờ và mất năng suất. Ở California hiện có 11 ngày lễ của tiểu bang là ngày nghỉ có lương và 4 ngày lễ của tiểu bang không phải là ngày nghỉ có lương, trong đó có Tết Nguyên đán.
New York Times dẫn lời ông Manjusha P. Kulkarni, giám đốc điều hành AAPI Equity Alliance ở Los Angeles, nói việc kỷ niệm Tết Nguyên đán ở California rất có ý nghĩa, đặc biệt là trong bối cảnh làn sóng thù hận và bạo lực đối với người Mỹ gốc Á leo thang kể từ khi đại dịch bắt đầu. Ông Kulkarni là một trong ba nhà hoạt động đồng sáng lập Stop AAPI Hate, một liên minh theo dõi và ứng phó với các sự cố thù hận, bạo lực và phân biệt đối xử đối với người Mỹ gốc Á và người dân các đảo Thái Bình Dương ở Hoa Kỳ.
“Mặc dù nó mang tính biểu tượng, nhưng tính biểu tượng vẫn quan trọng,” ông Kulkarni nói với New York Times.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, người Mỹ gốc Á chiếm 17% dân số California, tỷ lệ cao nhất so với bất kỳ tiểu bang nào khác ngoài Hawaii. Ba mươi phần trăm trong số 22 triệu người Mỹ gốc Á ở Mỹ cư trú tại California.
Theo New York Times, trong nhiều thập niên, Học khu Thống nhất San Francisco đã cho học sinh nghỉ Tết Nguyên đán.
“Tôi hy vọng rằng các khu vực pháp lý khác sẽ tuân theo tinh thần của tiểu bang và coi đây là ngày nghỉ chính thức,” dân biểu Low nói với New York Times.
Một nỗ lực tương tự đang được tiến hành ở cấp quốc gia. Dân biểu Grace Meng, một đảng viên Dân chủ từ New York, đã đưa ra một dự luật vào năm ngoái, đề nghị đưa Tết Nguyên đán trở thành ngày lễ thứ 12 của liên bang.
Dự luật của bà Meng, được 44 người đồng bảo trợ, bị đình trệ, nhưng phát ngôn viên của bà cho biết bà dự định giới thiệu lại vào ngày 20/1.
NPR dẫn lời dân biểu Meng nói rằng: “Với việc người Mỹ gốc Á là dân số tăng nhanh nhất ở nước ta và với sự phổ biến của ngày lễ tiếp tục tăng, việc biến Tết Nguyên đán thành một ngày lễ liên bang là điều hợp lý.”
Ngày 22/1 năm nay, người châu Á và cộng đồng người châu Á hải ngoại bắt đầu lễ mừng năm mới bằng cách tôn vinh tổ tiên, ăn những món ăn đặc biệt, xem pháo bông đón Tết Nguyên đán mà người Việt gọi là năm con Mèo còn Trung Quốc gọi là năm con Thỏ.
(Nguồn NYT/NPR)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét