Vợ chồng bác sĩ quân y Vĩnh Chánh
Ai trong chúng ta khi vào trong nhà tù lớn nhỏ của cộng sản mà lại không nhiều lần ngân nga, hát nho nhỏ trong miệng những bản nhạc quen thuộc, hay đôi khi chỉ ư e những âm điệu bỗng đến khi nhớ về người thân. Đôi khi, lợi dụng lúc được thăm nuôi, tình trạng chung có phần cởi mở đôi chút, từng nhóm nhỏ tù nhân ngồi xoay tròn bên nhau, chia nhau chút quà, san sẻ niềm vui được thương yêu, ca hát nho nhỏ cho nhau nghe. Đa số những bản nhạc thuộc loại tình cảm, mà CS kêu là nhạc vàng, cấm đoán vì chúng cho là đồi trụy, phản cách mạng.
<!>
Đặc biệt có nhiều bạn tù rất tài hoa, không những hát hay, giọng hát rất tình cảm mà lại còn thuộc lời của nhiều bản nhạc, thường tự động thay phiên nhau trình diễn với cả tấm lòng, như thầm muốn gởi lời ca tiếng hát đến cho người mình yêu thương ở nơi xa. Trong những bản nhạc diễn tả tâm trạng buồn như thương nhớ người yêu, những kỷ niệm của đôi lứa, hoặc về thất tình, lo sợ mất người yêu, thường được hát nhiều là những bản như “Tôi Đưa Em Sang Sông”, “Sang Ngang”, “Kỷ Vật Cho Em”, “Tình Ca Người Mất Trí”, “Mùa Xuân Không Còn Nữa”…
Ai cũng biết trong trại tù luôn có những antennes rình rập, sẵn sàng bán linh hồn mình để mong được cho về sớm. Chuyện ca hát trong trại tù không thể nào kín đáo dù xẩy ra trong góc độ nhỏ của từng nhóm nhỏ, thường trong chiều tối trước giờ đi ngủ, nên có trường hợp vài bạn tù hay hát hoặc hát hay được quản giáo “mời” lên làm việc. Cho dù có bị cảnh cáo nặng nhẹ như thế nào, họ tỏ vẻ e dè đôi chút trong vài tuần ban đầu, nhưng với thời gian họ từ từ ca hát lại, riêng cho mình rồi cho nhóm - y như trước. Rõ ràng tinh thần tự do và văn nghệ luôn song song với nhau, khó mà giết chết được cả hai, cho dù trong tù tội hay bị cấm đoán. Không biết những bạn tù thích hát đó có thuộc thành phần tâm lý chiến, chiến tranh chính trị hay chỉ là những chàng không quân lãng mạn, nhưng khi chuyển trại, họ thường bị phân loại đi chung với nhau.
Một bạn tù phạm kỷ luật, bị nhốt trong thùng connext nằm trong khu vực chỉ huy của trại. Anh ta không la hét, anh không chửi rủa, nhưng anh ta cũng không câm lặng. Anh hát. Và hát. Hát rất nhiều bản nhạc tình toàn là những tình ca từng nổi tiếng của Miền Nam, kể cả những bản nhạc về lính. Ban ngày anh im lặng. Nhưng khi trời bắt đầu tối, anh lên giọng hát. Tiếng anh hát vang xa trong cả trại, bay vút lên không gian, rồi tỏa ra như một thôi thúc bất tận trong lòng cả mấy trăm tù nhân – mặc những tiếng la mắng của bọn lính cảnh vệ, và tiếng dộng vào vách sắt thùng connext. Các bạn tù nằm nghe anh hát mà lòng đau đớn, ngưỡng mộ tinh thần bất khuất của anh xử dụng tiếng hát của một kẻ sĩ chống đối với kẻ dữ. Tiếng hát của anh yếu dần sau đêm thứ tư và sau đó tắt hẳn. Chúng tôi không biết anh sống chết hay bị chuyển đi nơi khác.
Giữa những thiếu thốn vật chất, những dằn vặt thương nhớ vợ con, những đày ải cơ cực của lao động, người tù thường bày tỏ tâm tình bằng cách làm thơ hay sáng tác nhạc. Trong những bạn tù tôi quen không có bạn nào đủ trình độ để sáng tác thơ nhạc như trường hợp thi sĩ Nguyễn Chí Thiện sáng tác tập thơ Hoa Địa Ngục, hay thi sĩ Tô Thùy Yên sáng tác bài thơ “Tháng Chạp Buồn” trong tù (nhờ nhà văn Phạm Tín An Ninh thuộc nằm lòng nên ghi viết lại toàn bộ sau khi đi tù về). Với đa số còn lại, tù nhân thường hướng đến niềm tin tín ngưỡng của mình để sống sót. Chính những lúc ấy, lòng tôi thôi thúc đọc kinh cầu nguyện cho vợ mình, cho người thân của mình, cho mình sống sót trong chốn lao tù vô vọng. Để nhớ lại những tiếng chuông quen thuộc của nhà thờ Phủ Cam, những lần đi lễ cùng gia đình, nhất là lễ bằng tiếng Latin tại Đan Viện Thiên An với giọng hát trầm trầm của các cha, các thầy ca tụng Thiên Chúa vang lên trong ngôi nhà thờ đá, giữa tiếng thông reo bên ngoài của núi rừng. Và nhớ tiếng hát đặc biệt thánh thiện của ca đoàn “gia đình trị” của anh Lê Văn Danh, sau này tốt nghiệp khóa 2 Y Khoa Huế, trong đó người cha vừa là nhạc trưởng vừa chơi đờn organ, bà mẹ giọng ca chính, các anh em trai hát bè nam, các chị em gái, bè nữ, tại nhà thờ Phan Xi Cô, Huế.
Chúng tôi, 3 bạn tù nằm gần nhau, gồm Hoàng Văn Tân (RIP, 2016), Hồ Xuân Tịnh (Orange County) và tôi nằm giữa, cùng rủ nhau đọc kinh mỗi tối, sau tiếng gọi nhắc nhở hay thúc cùi chỏ của bạn Tân với câu “huynh, đọc kinh với đệ” đều đặng lập lại mỗi đêm cho đến lúc chuyển trại. Thỉnh thoảng chúng tôi còn ư e trong miệng bản nhạc Sao Biển vì không thể thuộc hết lời, ngoài mấy câu “Lạy Mẹ là ngôi sao sáng, soi lối cho con lúc vượt biển thế gian – Lạy Mẹ là ngôi sao sáng, soi lối cho con lúc về nơi phúc nhàn – Sống chết con trông chờ, bao nhiêu sức hộ phụ, lòng Mẹ sẵn sàng mà đoái đến con, giúp con đưa con về tới bến. Đưa con tới Thiên Đàng...” Về sau, khi chòng chành trên tàu vượt biên, tôi lại hát thầm “Thân lạy Nữ Vương, Mẹ thấu tình con, sóng va tư bề, thuyền con sắp chìm, hầu theo nước xuôi dòng…”
Sau nhiều tháng lắng nghe các bạn tù hát, tôi bỗng nhận thấy chưa nghe mấy ai huýt gió bất cứ bản nhạc nào. Trong thời trung học và sau này đại học, tôi thường xuyên tụ tập huýt gió có lẽ vì hồi đó chưa quen hát hoặc vì mở miệng hát thì bị chê đè, nên tiếng huýt gió của tôi có phần tiến triển và mạnh dần.Bấy giờ huýt sáo được cho là cao bồi nhưng không vì vậy mà tôi bỏ cuộc mà tiếp tục huýt. Khi vào lính, lại huýt nhiều hơn vì huýt gió có vẻ làm tăng tính phong trần của một chàng trai hoa dù mũ đỏ - tôi nghĩ như vậy. Tại Hải Ngoại, tôi chỉ thấy duy nhất ca sĩ Elvis Phương có huýt gió trong vài bản nhạc. Sau vài tháng quen thuộc trong tù cải tạo, tôi bắt đầu huýt gió, nhẹ nhàng, nho nhỏ, cho chính mình nghe, và có thể cho vài bạn tù gần gũi. Cứ như vậy, đôi khi ngồi một mình, trong khi lao động, giữa những lúc nghỉ lao động, trong nỗi nhớ nhà, tôi lại huýt gió những bản tình ca. Có vẻ vì giữa núi rừng và thiên nhiên, tiếng huýt gió – nhất là với nhạc huýt gió trong phim cao bồi của tài tử Clint Eastwood, và trong phim Cầu Sông Kwai, hay trong phim “The Longest Day” – của tôi có phần quyến rũ chăng, nên các bạn tù cũng dễ dãi có lời khen. Vả lại, vì không lời, nên cảnh vệ đi theo canh tù cũng khó hiểu bài gì, và antennes cũng khó kết tội và báo cáo.
Trong những bài thuộc loại thánh ca, ngoài bài Sao Biển mà tôi thường huýt gió bất kể khi nào, tôi còn huýt gió các bài Trên Con Đường Về Quê Mà Vắng Bóng Mẹ, Năm Xưa Trên Cây Sồi, Kìa Bà Nào, Ave Maria, Cao Cung Lên.. Đặc biệt trong 2 lần Giáng Sinh ở trại tù và 1 lần Giáng Sinh trong nhà tù Chí Hòa, tôi cũng nhớ đến hiện thực và dâng lời cầu nguyện của mình bằng cách huýt gió các bài Mon Beau Sapin, Hang Belem (đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa) và bài Đêm Thánh Vô Cùng (Silent Night) cùng với Bài Thánh Ca Buồn – mà tôi cho là hay nhất trong các bản nhạc vừa đạo vừa đời.
Đức tin Công Giáo đã giúp tôi vững mạnh tinh thần để sống vững qua thời chinh chiến, qua thời tù cải tạo, cũng như vượt qua những trần ai lúc vượt biên và những năm tháng làm lại cuộc đời tại nước người, đến tận bây giờ và hy vọng mãi về sau. Những thánh ca quan trọng không kém khi hợp lực đưa tâm hồn hướng về Chúa. Và những gì tôi không thực hiện được bằng giọng hát của mình, tôi đã huýt gió để đưa khúc ca thoáng theo trời xanh.
“Ngài đã giúp tôi bước tiếp dù từng vấp ngã
Ngài cho tôi hy vọng dù đã từng thất vọng
Ngài cho tôi ánh sáng khi tôi đang bước trong bóng tối
Ngài giúp tôi sống lạc quan dù trong mọi hoàn cảnh bi quan.”
Cuối cuộc đời thì tiếng huýt gió của tôi, nhất là những khi ngồi bên nhau trong xe, là một trong những tài năng mà vợ tôi có thể thưởng thức và góp lời khuyến khích. Mong có ngày tôi sẽ huýt cho bạn nghe.
Vĩnh Chánh,
Tháng 12, 2022
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét