Trở về Đồng Đế vừa đúng một ngày, chưa kịp hít thở lại không khí kỷ luật của quân trường, thì có lệnh chuẩn bị cho chuyến công tác kế tiếp. Lần này mới đúng là chiến dịch giải thích Hiệp Định Paris. Vì vậy, chúng tôi chỉ có đủ thời gian để lục, soạn chiếc rương trên giường, rồi cuối tuần khoác bộ đồ tiểu lễ ra Quân Y Viện Nguyễn Huệ thăm các bạn không may bị trọng thương trong tai nạn giao thông hy hữu giữa L19 và xe GMC, ở dốc Lương Sơn, Xã Chợ Lầu, quận Hòa Đa, Bình Thuận hôm 19- 01- 1973.
<!>
Hiệp Định Paris! Hy vọng mong manh của một nền hòa bình chân chính. Một thiệt thòi của miền Nam về mặt chính trị lẫn quân sự, nhưng Sài Gòn vẫn phải nghiến răng chấp nhận. Vì vậy, công việc chính của những người Lính quân trường trong công tác lần này; ngoài việc giải thích nội dung của Hiệp Định cho đồng bào nông thôn được rõ, chúng tôi sẽ là thành phần trừ bị, phụ giúp giữ gìn an ninh xã, ấp; để các lực lượng địa phương quân tung hết khả năng vào việc thanh toán mục tiêu, diệt địch hoặc tháo cờ, giữ Dân, giữ Đất. Tóm lại là không để phần đất tự do nào rơi vào tay địch.
Ngay lúc này, từ Bến Hải tới Cà Mau, vẫn còn giao tranh đẫm máu tại nhiều nơi. Ngày nào trên các đài phát thanh Sài Gòn và đài Quân Đội cũng dồn dập tin tức chiến sự, đặc biệt là tại vùng Cửa Việt ngoài Quân Khu 1. Lo thì có lo, nhưng trong lòng chúng tôi vẫn vui, vì ít ra ai nấy cũng đều có dịp “du lịch miễn phí“!
Quốc Lộ 1, đoạn từ Nha Trang ngược bắc, chạy song song với đường xe lửa xuyên Việt, làm tăng thêm tưởng tượng về một chuyến hành trình thật thú vị cho những ai có óc phiêu lưu đây đó. Nhưng từ lâu, chuyến tàu Nam- Bắc đã không còn! Tà vẹt và đường sắt nằm chơ vơ trên ụ đất trông thật thảm hại làm sao! Chiến tranh đã làm những con đường hầm- như đoạn xuyên qua đèo Rù Rì- trở thành những thạch động mốc meo, ẩm thấp đến… lạnh lùng.
Rời Đồng Đế chưa bao lâu, chỉ vừa xong điếu thuốc là đã thấy Ninh Hòa. Vùng đất một thời vang danh không chỉ với việc bình định Chiêm Thành, mở mang bờ cõi ở thế kỷ 17 ( Dưới thời của Chúa Nguyễn Phúc Tân ), mà Ninh Hòa còn là ngã ba huyết mạch nối biển đông với rừng núi cao nguyên. Tại đây Quốc Lộ 21 chạy suốt 160km qua Dục Mỹ, vượt đèo Khánh Dương để lên Ban Mê Thuột. Ninh Hòa còn là xứ sở của cây trái bốn mùa, đặc biệt là thanh long, và thắng cảnh thiên nhiên tại đầm Nha Phu, với màu xanh hùng vĩ của rừng núi ban ngày và ghe chài ban đêm chong đèn như đom đóm.
Khi đoàn công voa chạy đến vùng Đại Lãnh, thì mọi người lại dồn mắt qua một bên để trầm trồ, ngây ngất với biển xanh, cát trắng, từ mé nước xoải dài đến tận đường xe chạy. Bãi cát trắng phau, dài khoảng hơn một cây số đang nằm phơi mình đón nhận bóng mát của những hàng dương cao, rậm cùng với bọt sóng đang từng cơn uể oải tràn lên bờ.
Như để tăng thêm vẻ đẹp của thiên nhiên, ngoài khơi biển Đại Lãnh là hai hòn đảo nhô cao trên mặt nước; trông đường bệ và sừng sững như hai pháo đài , để canh phòng cho bờ biển tuyệt đẹp vào bậc nhất của Việt Nam, cũng có thể là của cả Đông Nam Á Châu không chừng.
- Sao không thấy ai mở nhà hàng hay khách sạn ở đây hết vậy?! Một bạn hỏi lớn trong tiếng gió.
- Để bị tụi nó phá sập hả? Đang thời chiến. An ninh không bảo đảm. Ai dám làm ăn chứ!?
Có tiếng đáp lại rồi tiếp theo ngay sau đó:
- Không thấy nhà ga xe lửa còn bị bỏ hoang hay sao?!
Ai đó hỏi ngược lại, nhưng không có tiếng trả lời. Mọi người chỉ im lặng ngoái lại nhìn bức tranh tuyệt mỹ của thiên nhiên vừa khuất sau cua quẹo, rồi chuyển tầm mắt lên hướng núi, khi đoàn GMC chuẩn bị leo đèo Cả. Nơi đó có núi Đá Bia, cao khoảng 700 mét, nằm sát chân đèo, cũng là nơi Vua Lê Thánh Tôn cho cắm cờ và khắc chữ vào bia đá, để kỷ niệm cuộc nam tiến sau khi bình định Chiêm Thành và mở mang lãnh thổ vào năm 1471.
Anh bạn khi nãy đã nói đúng! Chiến tranh có mặt khắp nơi. Ngay cả trên đoạn đèo 12km này cũng đầy dẫy dấu vết của những lần giao tranh, phục kích, hay đắp mô trước đây. Từ trên cao nhìn xuống, sóng nước Vũng Rô như ôm lấy núi rừng của dãy Trường Sơn cận duyên. Núi nghiêng sườn dốc như muốn lấn qua mặt lộ. Còn biển thì lùa sóng, tung bọt trắng xóa lên ghềnh đá sát bên đường, tạo cảm giác như có thể xòe tay hứng được những giọt nước mong manh đang theo gió thốc lên theo đà xe chạy.
Nơi nào là điểm nóng lịch sử của ngày 16-02-1965, ngày mà một viên phi công trực thăng Mỹ đã tình cờ khám phá chiếc tàu Trung cộng dài chừng 40 mét- ngụy trang khéo đến mức, mới đầu anh bạn đồng minh tưởng mình hoa mắt, khi nhìn thấy “một hòn đảo nhỏ“ - từ từ trôi trong vịnh Vũng Rô?
Thật tội nghiệp cho Quân Đội miền Nam lúc bấy giờ! Trong khi đa số đơn vị tác chiến, kể cả Tổng Trừ Bị của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa còn ôm Garant M1, Carbine M1 và M2, Tiểu Liên Thompson, Trung Liên Bar, hay Đại Liên 30; thì con tàu không có bảng số của Trung Cộng đã mang trong khoang hơn 100 tấn vũ khí, đạn dược và chất nổ, đặc biệt là các loại vũ khí cá nhân tối tân nhứt lúc đó như AK47, AK50, B40, B41…v/v…Phải cần đến một lực lượng đặc nhiệm bao gồm Không Quân, Hải Quân, Lực Lượng Đặc Biệt và Người Nhái mới đẩy lui quân địch trên bờ và đánh chìm chiếc tàu trước khi trục vớt toàn bộ chiến lợi phẩm.
Qua khỏi Vũng Rô, đoàn xe rời ven biển, vào đồng bằng duyên hải và cứ thế chạy lên hướng bắc. Trên xe là những trao đổi không ngớt về cảnh đẹp vừa qua. Câu chuyện về thắng cảnh chưa dứt, thì đã thấy chiếc cầu trên sông Đà Rằng và thành phố Tuy Hòa, tỉnh lỵ của Phú Yên, một tỉnh nhỏ nhưng có thể gọi là vựa lúa của chốn khô cằn vì cánh đồng Tuy Hòa vốn rộng lớn nhứt miền Trung Phần Nam Việt.
Đà Rằng! Con sông có nguồn nước cuồn cuộn từ cao nguyên Kontum, khi về xuôi thì lại uể oải, len lỏi qua vùng hạ lưu bằng phẳng để từ tốn đổ vào Nam Hải. Sông không sâu nhưng bờ cát rộng, vì vậy Đà Rằng là nơi có chiếc cầu xa lộ dài hơn một cây số của quốc lộ 1. Chiếc cầu trên quốc lộ này là thành tích kiến tạo của Công Binh Việt Nam mới đây!
Tuy Hòa khiêm nhường trải ngang từ quốc lộ ra biển, không mang sắc thái kiêu sa hay có nhiều thắng cảnh ngoạn mục như Nha Trang. Nhưng tỉnh lỵ của Phú Yên cũng không thiếu di tích lịch sử của văn minh Chiêm Quốc, đặc biệt là tháp Chàm trên núi Nhạn sát Quốc Lộ 1; chưa kể Tỉnh Lộ số 7 nối miền biển với Pleiku và các tỉnh trên cao nguyên qua ngã Cheo Reo, tỉnh lỵ của Phú Bổn, mới thành lập năm 1962, cách Tuy Hòa chừng 120 Km.
Quốc Lộ 1 từ đoạn này lượn vòng lên hướng tây, với một bên là đất hoang, đồi trọc, xóm làng thưa thớt, còn phía đông là những đụn cát hoang sơ sát biển và chạy dài lên phía bắc. Lại cảnh trời, nước lao xao với hương biển mặn ngập tràn trong gió. Khung cảnh gần giống như đoạn Vũng Rô ở phía nam, với sóng xô bờ đá, tung bọt lên sát mặt lộ.
Đây cũng là nét độc đáo của vùng biển Phú Yên với các đầm, vịnh, cùng bán đảo nằm ở hai đầu nam, bắc. Lần này cảnh vật có vẻ vừa hùng vĩ, vừa nên thơ khi đá núi và biển nước chỉ cách nhau có một mặt lộ rộng chừng hơn mười mét, còn ngoài khơi là một bán đảo hình vòng cung đang vươn mình tắm nắng.
- Đây là chỗ nào mà đẹp quá vậy?!
- Quận Sông Cầu! Không thấy tấm bảng bên đường đó sao!? Mình vừa qua Vũng Chao. Bây giờ đang tới Vịnh Xuân Đài. Phía trước còn nhiều cảnh đẹp hơn nữa.
- Sao mày có vẻ rành khu này quá vậy Khanh?
- Quê ngoại của tao ở Tuy An. Tao qua lại con đường này từ hồi mới biết đi lận. Sao lại không rành?!
Đoàn xe dừng tại quận lỵ để nghỉ trưa, sau khi đã vượt đúng 200 cây số. Đường xá vắng ngắt. Thỉnh thoảng mới có xe Lam hay một quân xa chậm chạp lướt qua. Lính rải dài hai bên đường. Thấp thoáng có vài ba bóng người từ trong nhà dân nhìn ra. Không khí tĩnh lặng, mang nét tiêu biểu của vùng quê đang ngái ngủ.
- Đẹp quá! Không khác miền lục tỉnh chút nào cả!
- Đúng đó! Y hệt như ở quê tao!
- Quê mày ở đâu?
- Thủ Thừa.
Đẹp thật! Nếu không có hương biển đâu đây và thấp thoáng bóng núi ẩn hiện xa xa, thì nơi đây phải là thôn xóm nào đó ở miền châu thổ sông Cửu Long, hay một xứ quê rợp bóng dừa của bất cứ vùng nào trong miền tây Nam Phần. Nắng le lói xuyên qua kẽ lá của hai hàng dừa chụm đầu che mát cả một đoạn đường dài trên quốc lộ. Không khí êm ả, thơ mộng đến mức chỉ muốn gối đầu trên ba lô, rồi nằm ngay trên mặt nhựa để…làm thơ!
Sông Cầu là đây! Vùng đất mang tên của một con sông đẹp và hiền hòa. Nơi này cũng là "vườn địa đàng" của một thời phồn thịnh, với sự tọa lạc của Tòa Công Sứ Pháp vào năm 1889. Trước đó, Vũng Rô đã đi vào lịch sử nước nhà khi Viên Ngoại Nguyễn Tri Phương đón tiếp phái viên của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Edmund Robert và thủy thủ đoàn của tàu Peacock vào năm 1832.
Ai ra xứ Huế
Nhớ ghé Sông Cầu
Mua cao, mua trầu…
Dừa Sông Cầu, củi lửa Sông Mao…
Vần điệu của thi sĩ Kiên Giang đã nói lên gần hết những nét đặc trưng của nơi này! Nơi đây cũng đã có lần đón vua Bảo Đại về thăm trước đây và hôm nay đang là trạm dừng chân của những người lính quân trường trên đường ra Bình Định.
Tâm trạng lâng lâng kéo dài cho đến lúc đoàn xe GMC bắt đầu leo đèo Cù Mông, ngọn đèo có con dốc thăm thẳm nơi hướng Nam và những cua quẹo hiểm trở trên đỉnh. Đèo không cao, chỉ 245 mét so với mặt biển, và không dài, chỉ có 6Km! Nhưng tại ranh giới của Bình Định và Phú Yên này, cũng là nơi địch thường hay phục kích các đoàn quân xa, hay chận đón xe cộ các loại, trước khi được sư đoàn Bạch Mã của Đại Hàn góp phần bảo vệ và gìn giữ an ninh.
Lại một thoáng cảm hoài khi nghĩ đến đoàn quân của nhà Hậu Lê ( 1427-1789 ) thời nam tiến! Người lính chân đất ngày xưa đã bỏ ra bao nhiêu thời gian để vượt đoạn đường tráng nhựa của ngày nay? Ai là người đã dẫn đội quân tiên phong phá rừng, xẻ lối để con cháu về sau tiếp tục cuộc nam chinh và mở mang bờ cõi!?
Còn đang trải lòng theo tưởng tượng và mơ màng về lịch sử nước nhà thì xe đã đổ hết đèo Cù Mông hồi nào không hay. Bình Định đây rồi! Bình Định của Tam Kiệt và Nhạc Võ Tây Sơn- mà nổi bật hơn hết là Song Thủ Đả Thập Nhị Cỗ- cùng với không biết bao nhiêu câu chuyện về văn hóa, con người, cũng như lịch sử đang đón chào đoàn thanh niên chiến dịch trong màu nắng trong lành của buổi chiều vào xuân.
Thoáng mơ màng khi nãy đã nhường chỗ cho sự rộn ràng khi đoàn xe quẹo phải tại ngã ba tỉnh lộ 440 để chạy thẳng về hướng biển. Đoạn đường chừng 10km chỉ vừa đủ để mọi người lóng ngóng nhìn hai bên đường. Chưa kịp quen mắt với cảnh vật thì đoàn xe đã dừng lại ngay một ngã ba. Xuống xe. Tập họp và điểm danh xong, chúng tôi nhìn nhau... chờ đợi.
- Chỗ này là chỗ nào?
- Ghềnh Ráng!
- Sao mày biết!?
- Thì bọn mình đang đứng ngay trước Trường Tiểu Học đây nè!
- Chỗ này thuộc Quận Nhơn Bình.
Người tài xế Quân Vận vừa đi ngang qua, nói vọng lại. Rồi chỉ tay về phía con lộ chạy vòng lên hướng bắc, anh tiếp lời:
- Quy Nhơn ở ngoài kia, còn khoảng 3, 4 cây số nữa.
Một lát sau, mấy trăm “con cá Alpha“ lần lượt vác sac marin đi vào bên trong, rồi tập trung ngoài sân trường. Chiều đang dần xuống. Trường tan từ lâu. Hay có thể đã đóng cửa để nghỉ Tết không chừng! Không có diễn văn. Chỉ vài lời chào đón của một sĩ quan đại diện Tiểu Khu. Ông nói đại khái về tình hình an ninh của tỉnh Bình Định, về Chi Khu Nhơn Bình và Ghềnh Ráng.
Sau đó, sĩ quan cán bộ của quân trường gặp gỡ và bàn bạc với một số giới chức của Tiểu Khu, rồi các khóa sinh “chức sắc“ được gọi đến gặp sĩ quan cán bộ để phân công nhận phòng ốc nghỉ ngơi. Một ngày dang nắng đủ để thấm mệt, nhưng cơm chiều bằng gạo sấy và thịt ba lát của ration C thật ngon miệng làm sao! Có lệnh cấm trại, nhưng cổng trường vẫn rộng mở. Nhiệm vụ canh gác và an ninh do lính cơ hữu của Chi Khu Nhơn Bình đảm nhiệm, nên toàn thể quý vị “Alpha“ thoải mái ra vào.
Ngoại trừ những ai mỏi mệt vì 6,7 tiếng "tắm" nắng trên đoạn đường 250km đang nằm ngồi dật dựa trong phòng lớp; đa số còn lại tản bộ ngoài sân hay tụm năm, tụm ba tán chuyện, hoặc thả mắt qua mái ngói; nhìn về phía những triền núi đang sậm màu, như để thu hết quang cảnh chung quanh ngôi trường trước khi trời vào tối.
- Ê "Mọt sách"! Theo tụi tao dạo một vòng bên ngoài không?
- Tao không có hứng. Chiều tối rồi! Sáng mai đi.
Đám bạn không khách sáo, lôi nhau lũi nhanh ra cổng. Một ngày sắp tàn. Một ngày mai hòa bình đang dần đến. Còn hôm nay, ngày đầu đi chiến dịch đợt II đúng là một ngày du lịch miễn phí!
oOo
Sáng dậy thấy uể oải, lừ đừ, mọi người có vẻ khá lề mề. Nhưng các sĩ quan cán bộ của Tiểu Đoàn Khóa Sinh đều thông cảm nên rất du di về giờ giấc và kỷ luật, bởi lẽ ai nấy cũng đã quá quen với chuyện ngủ nướng trong những ngày sống ngoài vòng kỷ luật của quân trường suốt mấy tháng qua. Tập họp. Điểm danh như thông lệ. Không có thông báo gì mới mẻ, ngoại trừ có tin là cơm chiều sẽ do Tiểu Khu khoản đãi.
- Phải vậy mới được chứ! Nhiều tiếng reo vui sau khi nghe vị sĩ quan, đại diện của Tiểu Khu Bình Định nói xong.
- Ừ! Ít ra cũng phải chơi đẹp như Đại Tá Ngô Tấn Nghĩa của tỉnh Bình Thuận mới được.
- Như vậy thì từ bây giờ cho tới chiều thì mình làm gì?
- Tìm cách ra Quy Nhơn gởi tiền trả nợ cho câu lạc bộ của Chi Khu Hòa Đa. Lâm Hoài Nam khẳng khái nói. Tụi mình phải giữ lời hứa mới với họ.
- Được thôi! Nhưng cà phê cà pháo trước đã. Đứa nào muốn ra ngắm biển thì theo tao!
Kiệt “mã tấu“ nói xong là vọt ngay ra phía cổng.
Café Thanh Thủy mang dáng dấp của một quán bar thời quân đội Mỹ còn hiện diện. Chỉ mới một, hai năm nên cách bày biện và trang trí vẫn còn nguyên không khí Hippie phản chiến, với bông hoa màu sắc trừu tượng và poster dán đầy trên tường. Quán có hai dãy bàn con nối nhau chạy tít ra phía sau. Cửa trước sát đường lộ, cửa sau nằm ngay bãi biển. Nắng sáng len qua cửa dọi chéo lên tường, để lại một vệt dài trên lối đi. Nhạc từ nhà trên vọng xuống đều đặn. Những bài hát thời trang quen thuộc của Pháp, Mỹ, Việt, nghe hoài không thấy chán.
Cả nhóm năm mạng trầm ngâm nhìn trời, ngắm biển. Sóng nhẹ đang vỗ bờ. Cát mang màu vàng thật đậm. Không phải bãi tắm là cái chắc vì rác rến đầy dẫy. Nhưng không sao! Đằng nào thì cũng là trời xanh, nắng hồng, với gió mát luồn sâu vào quán từ cả hai phía trước, sau; cùng với cà phê đậm đà, âm nhạc quen thuộc, đủ để tạo nên giây phút thoải mái của một buổi sáng đầu tiên nơi vùng đất nổi tiếng về nhiều mặt.
- Thôi! Mình đi. Lâm Hoài Nam bất chợt đứng dậy.
- Đi đâu!?
- Ra Quy Nhơn.
Nam vừa nói vừa ra quầy trả tiền. Cả đám lần lượt bước theo. Ngoài đường xe cộ qua lại thưa thớt. Không thấy xe Lam đâu cả. Đa số là xe nhà binh. Một vài nhóm mang bê rê xanh của Đồng Đế cũng đa cà rà trên lề.
- Không lẽ chờ xe hoài hay sao?! Hoàng “nhảy dù“ sốt ruột hỏi.
- Vậy thì lội bộ cho chắc ăn.
- Ê “Mọt sách“! Thiệt hay giỡn chơi vậy cha nội! Anh chàng Kiệt “mã tấu“ nhăn nhó.
- Hòn Khô còn leo được, nhằm nhò gì mấy cây số đường nhựa chớ! Cùng lắm thì "giựt ngón tay cái lên"! Thế nào cũng gặp người tốt bụng!
- “Mọt Sách“nói đúng! Mình vừa đi vừa xin quá giang …
Hoàng "nhảy dù" nói xong là rảo chân bước đi ngay.
Năm chiếc mũ xanh thả bộ trên lòng đường, thỉnh thoảng ngoái đầu lại để ra hiệu quá giang khi có xe nhà binh lướt qua. Đã đi được một quãng khá xa mà vẫn chưa có chiếc nào dừng lại. Không sao! Thời gian còn dài, cứ tà tà rồi cũng tới phố Quy Nhơn thôi. Lại thêm một đoạn nữa, mới thấy bóng dáng một chiếc Jeep đang trờ tới. Lần này cả năm tên bảo nhau đứng thành hàng ngay ngắn, chứ không lè phè vừa bước, vừa đưa tay ra hiệu.
Năm ngón cái đồng loạt giơ lên một cách từ tốn. Chiếc "Jeep lùn" rề rề cặp sát lề rồi ngừng hẳn. Mấy Alpha Đồng Đế lom khom nhìn vào xe, chưa kịp nói gì thì lật đật dội lại, thẳng người chào kính. Người tài xế có vẻ hài lòng, nhưng ông chỉ khẽ gật đầu rồi vừa kéo cặp kiếng mát xuống mũi, vừa hỏi:
- Mấy cậu tính ra phố phải không?
- Dạ phải. Lâm Hoài Nam nhanh miệng trả lời. Nếu tiện thì xin Thiếu Tá cho quá giang vào thị xã.
- Lên xe đi!
Nói xong là ông đẩy cặp kiếng trở lên mắt rồi sang số, lại chỉ gật đầu khi cả đám cám ơn và phóng lên xe. Chiếc "Jeep lùn" từ tốn lăn bánh.
Sau vài câu hỏi han thì không khí cởi mở hơn. Thiếu Tá Vân cho biết ông xuất thân Khóa 5 Trường Võ Khoa Thủ Đức, lận đận trên đường binh nghiệp nên “… Bạn bè có người đã lên tướng còn mình lẹt đẹt quan Tư. Nghĩ cũng buồn! Nhưng bù lại thì đang hưởng nhàn trong phòng 4 của Tiểu Khu... ‘’
Đoạn đường ngắn, nên chỉ thêm vài câu hỏi han và chúc lành của Thiếu Tá Vân, là xe đã dừng ngay trước cổng Bưu Điện Quy Nhơn theo lời yêu cầu của chúng tôi. Vẫn là cái gật đầu để nhận tiếng cám ơn của đám đàn em và sau lời chúc lành, là Thiếu Tá Vân cho xe vọt ngay. Chỉ vài phút sau, chúng tôi gởi xong mandat trả nợ cho vợ chồng người chủ câu lạc bộ của Chi Khu Hòa Đa trong Bình Thuận. Kể ra thì họ cũng tốt bụng thật! Dám cho lính quân trường ăn uống ghi sổ đến ngày cuối, mà không sợ bị quỵt tiền.
- Bây giờ đi đâu cho hết giờ đây!?
- Đi đâu cũng được!
- Hay là mình ra phố đi!
- Trời đất! Đây là phố rồi cha nội. Ra vô cái nỗi gì nữa chứ!?
- Vậy thì cứ nhắm hướng đi đại cho rồi.
Rốt cuộc, cả đám kéo nhau đi về hướng chợ. Chỉ còn một tuần nữa là Tết đến, nên phố xá nườm nượp người qua lại. Lòng vòng để nhìn người và ngoạn cảnh chưa bao lâu là thấy đói, nên chúng tôi tấp ngay vào một quán ăn gần công viên của thị xã. Bữa cơm ngon miệng vừa xong là đã ồn ào tiếng bàn tán cho chương trình còn lại trong ngày.
- Tạt qua công viên Gia Long một chút đi.
- Chi vậy?
- Tao muốn thử phá trận thế của mấy tay cờ tướng.
Cả đám dồn mắt qua Hoàng “nhảy dù“. Anh bạn này đi bãi xa, đêm về ngủ gật; vừa leo lên là té từ trên GMC xuống đường mà chỉ mẻ răng và xây xát nhẹ, nên hưởng biệt danh này trong lúc còn đang trong thời gian huấn nhục.
- Không lẽ lại vào quán cà phê nữa sao?! Hoàng nhà ta vừa vuốt lại bê rê vừa tiếp lời.
- Hay là chui vào xi nê đi! Mình còn mấy tiếng nữa lận. Miễn sao về kịp giờ đi ăn trong Tiểu Khu là được rồi.
- Ra biển coi có gì lạ hay không! Xi nê có gì hay mà coi chứ!?
- Ê Khanh ‘’ca nô‘’ ! Mày ở miệt ngoài này. Có biết thắng cảnh nào của Quy Nhơn không?
- Trại cùi Quy Hòa nghe nói có bãi biển rất đẹp, nhưng tao chưa biết Quy Hòa ở đâu!
- Thôi! Mình về là vừa. Chiều còn qua Tiểu Khu ăn tiệc khoản đãi nữa!
- Vậy thì tao qua bên kia thử phá vài trận cờ thế. Đứa nào muốn về Ghềnh Ráng thì cứ đi trước.
Hoàng ‘’nhảy dù‘’ nói xong là bước nhanh ra cửa, thái độ cương quyết. Cả đám lật đật theo sau, nhưng rồi chúng tôi vẫn xớ rớ trên vỉa hè, định bàn tiếp chương trình thì có một giọng nói từ sau vọng tới:
- Mấy anh có muốn đi thăm Quy Hòa không ?
Chưa có ai trả lời thì một quân nhân từ trong quán đã bước ra đứng kề bên, chìa tay bắt từng người rồi tiếp:
-Tôi có mặt lúc tiếp đón các anh chiều hôm qua. Nếu ai muốn vào Quy Hòa đi thì theo tôi. Không thì cũng cứ leo lên xe. Tôi đưa về. Vào Quy Hòa cũng phải đi qua Ghềnh Ráng thôi.
Cả nhóm còn đang lưỡng lự và bất ngờ, thì người lính tự giới thiệu:
-Tôi tên Hạnh, ban 5 Chi Khu Nhơn Bình. Tôi có dư chút thì giờ. Vậy nếu mấy anh thích thì theo tôi vào thăm nơi ở của thi sĩ Hàn Mặc Tử.
-Tôi đi!
Tôi nói xong là phóng ngay lên xe. Lần này thì coi bộ ai nấy đã xiêu lòng, nên không ai còn khách sáo. Chiếc Jeep quay đầu hướng về Ghềnh Ráng trong tiếng cười vui. Cả năm tên thay nhau hỏi han anh Hạnh liên tục về những gì mọi người muốn biết về Quy Nhơn và Bình Định.
- Đẹp quá!
Tiếng súyt xoa của tôi làm cả nhóm nhoài người nhìn qua hướng tay tôi chỉ, khi chiếc Jeep bắt đầu leo một đoạn đường đèo. Thung lũng phía dưới, vách đá kề bên, xa xa là mấy dãy núi chạy mờ mờ. Phía sau lưng là những khóm nhà của Ghềnh Ráng và tỉnh lộ 440 thì như sợi chỉ xám vắt ngang nền nâu nhạt của đất biển. Núi không cao, đèo không dốc gắt, nhưng toàn cảnh trông đẹp mắt như đoạn đường lên Bảo Lộc, hay lúc mới vượt đèo Prenn trên Đà Lạt.
-Núi này tên gì vậy anh Hạnh? Tôi chợt hỏi.
-Tôi không rõ lắm. Hình như là Xuân Vân hay núi Sơn gì đó!
-Vậy mình đặt tên cho con đường này đi. Coi như là kỷ niệm buổi du lịch bất ngờ này. Có tiếng ai đó đề nghị.
- Đúng đó! Cả đám còn lại lao nhao.
- Gọi là Đèo Sơn được không?
- Tên nghe khô khan quá!
- Ê! ‘’Mọt sách ‘’! Mày đọc nhiều. Chọn một tên gì đi.
- Đèo Hạnh Ngộ! Tụi bây thấy sao?! Vừa ghép tên anh Hạnh, vừa kỷ niệm một ngày vui hiếm có. Nghe được không?
- Hay lắm! Đúng là hạnh ngộ.
Cả đám vỗ tay giòn dã sau câu nói của tôi.
Đoạn đèo không dài. Quy Hòa chỉ cách Ghềnh Ráng chừng hơn một cây số. Xe đổ dốc để vào một khu lòng chảo rộng lớn, với thôn xóm và ruộng vườn phì nhiêu, màu mỡ. Khung cảnh như bức tranh thơ với ba bên là núi non bao bọc chung quanh, chỉ chừa hướng Đông cho đất ruộng xanh thắm hòa với màu vàng tươi của cát biển. Xe chạy vòng một nghĩa trang khá ngăn nắp, nằm ngay trước ngôi làng. Nghĩa Trang Quân Đội tỉnh Bình Định!
- Mình vào đây xem chỗ ở của Hàn Mặc Tử cái đã.
Anh Hạnh nói nhanh, rồi dừng xe trước ngôi nhà hai gian có một khoảng sân nhỏ trồng vài loại hoa kiểng. Một người từ phía sân sau bước ra chào đón chúng tôi. Anh Hạnh giới thiệu người đàn ông trung niên với chúng tôi, rồi thoải mái bước vào bên trong, vừa đi vừa nói:
- Căn nhà và cả khu làng này đã một thời là nơi du lịch của Quy Nhơn. Nay thì đóng cửa không tiếp du khách. Anh Ba đây là cháu của thi sĩ Hàn Mặc Tử. Anh được gia đình cắt cử về sống ngay trong làng để gìn giữ căn nhà mà Hàn Mặc Tử đã sống và sáng tác trước khi vào chữa trị tại bệnh viện ngoài kia.
Nhà nhỏ, gọn gàng, ngăn nắp với một bàn con và hai chiếc ghế. Trên bàn có một bình trà và một ngọn đèn dầu. Kề bên, sát vách che nhà bếp phía sau, là một chiếc giường lót chiếu. Gối, mùng xếp gọn đặt trên phía đầu nằm. Tường, vách trống trơn. Có thể những di vật của thi sĩ đã được mang đi cất giữ nơi nào không biết, hoặc ông chỉ sống đơn sơ và giản dị như vậy không chừng. Cuộc thăm viếng ngắn ngủi nhưng đủ làm mọi người cảm khái. Không ai nói với ai lời nào khi chúng tôi đi một vòng, rồi trở ra sân trong tâm trạng bùi ngùi, tưởng tiếc một tiền bối đã lìa đời quá sớm.
Người bà con của thi sĩ từ đầu tới cuối không nói gì với chúng tôi, nhưng ông có vẻ rất thân thiết với anh Hạnh. Dường như anh Hạnh thường xuyên mang những thứ cần thiết cho sinh hoạt hằng ngày tới cho cư dân trong làng, vì có nhiều người đi qua đã dừng lại chào hỏi anh rất nồng hậu. Khi chúng tôi lên xe để vào trại cùi Quy Hòa, thì vài người còn nhắn anh mua dùm cho mấy món vật dụng gì đó.
Con đường vào làng đã đẹp, nhưng vào khu biệt lập của trại cùi Quy Hòa còn đẹp hơn. Từ cổng chạy vào khu vực hành chánh là một con đường dài, rợp mát. Hàng dương cao, rậm, đan vòm bên trên làm mọi người bất giác liên tưởng đến đoạn đường mùa thu tuyệt đẹp trong phim Le Docteur Zhivago.
Nhà cửa trong khu vực trung tâm của trại mang dấu ấn khá đậm nét của thời gian. Đó đây là những loáng thoáng rêu phong và loang lổ trên tường vôi bạc màu. Không khí thật lắng trầm, mặc dù chỉ mới quá ngọ không lâu. Tiếng sóng xa xa, tiếng rì rào của vòm lá càng làm tăng thêm vẻ tịch mịch của khu vườn trước tòa nhà văn phòng hành chánh.
Chúng tôi vừa xuống xe, thì bà Mẹ Bề Trên của trại Quy Hòa cũng từ trong bước ra tươi cười chào đón. Bà cũng có vẻ thân quen với anh Hạnh. Bà nói chuyện gì đó với anh rồi mới quay sang chúng tôi vồn vã mời dạo một vòng cho biết sinh hoạt của toàn trại.
Bà vừa đi, vừa nói:
- Lâu nay chúng tôi không tiếp khách. Thỉnh thoảng mới có một phái đoàn từ Sài Gòn ra thăm, hay có đại diện của hội Hồng Thập Tự mang tặng phẩm, đa số là thuốc men, đến biếu. Quy Hòa gần như là một nơi cách biệt với thế giới bên ngoài. Chúng tôi cùng bệnh nhân tự túc về nhiều mặt trong đời sống và sinh hoạt hằng ngày.
Bà chỉ trỏ, giải thích mọi thứ. Không ai hỏi han, hay nói lời nào. Chỉ là những nụ cười cảm thông khi gặp gỡ những bệnh nhân cùng gia đình của họ tại những ngôi nhà nhỏ do trại cấp phát. Một vài người trông khá bình thường, đa số còn lại đều mang dấu ấn của căn bệnh trầm kha thật đáng tội nghiệp. Chúng tôi chỉ đi một vòng cho có lệ. Phần thì không muốn làm phiền người nữ tu tốt bụng, phần khác là không chịu được cảnh trạng đang mục kích, nên chúng tôi xin ghé vào thăm nguyện đường cổ kính và bé nhỏ của trại.
Nơi tựa nương tinh thần của những người bất hạnh nằm im lìm như say ngủ. Ánh sáng từ cửa chính rọi vào làm ấm lại khoảng không gian tịch mịch, lạnh lùng, với chỉ một ngọn nến trên thiên tòa. Vài lời kinh khấn vội. Vài ánh mắt lướt qua khung cảnh đơn sơ nhưng trang trọng của những ảnh tượng đó đây, càng làm cho cõi lòng thêm bùi ngùi thương cảm cho phần số hẩm hiu của những người đang chịu khổ đau vì bạo bệnh.
Bà Mẹ Bề Trên từ giả chúng tôi ngay trước cửa nhà nguyện, kèm theo lời chúc lành cho những ngày dấn thân sắp tới. Bà không quên nhắc anh Hạnh đưa chúng tôi ra ngắm bãi biển- mà theo lời Bà- thì đó là một thiên đàng hạ giới, một ‘’nguồn ủi an cho những tâm hồn khổ đau vì tật bệnh!’’.
Quả đúng như vậy! Bãi cát mịn, màu vàng nhạt, chạy dài mút tầm mắt với những ngọn dừa hòa vào hàng dương xanh mướt, làm tăng thêm nét hài hòa của cảnh trí thiên nhiên. Trời xanh, nắng trong, gió rì rào, cây lá lao xao. Giá như được xoài người nằm nghe hòa tấu khúc của trời, đất, biển và thiếp đi một giấc trưa không mộng mị, thì quả là hạnh phúc thật tuyệt vời! Tiếc thay, mọi người đã phải quay trở vào để lên xe ra về trong niềm lưu luyến thật sâu đậm.
Anh Hạnh không trở về lối cũ để xuống Ghềnh Ráng, mà cho xe vòng lên Chi Khu Nhơn Bình.
- Đã tới đây mà không ghé thăm mộ Hàn Mặc Tử thì uổng lắm!
Chỉ thêm vài câu chuyện là xe đậu ngay trong sân Chi Khu. Anh Hạnh chỉ tay qua phía bên kia hàng rào kẽm gai, nơi có một ngôi mộ màu trắng.
- Hàn Mặc Tử nằm bên kia. Mấy anh qua đó trước. Tôi vào gặp "sếp" một chút, rồi sẽ qua bên đó ngay!
Anh Hạnh nói xong là đi vào trong doanh trại. Chúng tôi cũng bước qua phần mộ. Một vài quân nhân dơ tay vẫy. Vài nụ cười tươi tắn thay cho câu chào. Không ai hỏi han gì đến chúng tôi. Chỉ vài chục bước là cả nhóm đối diện với một khóm hàng rào kẽm gai. Bên trong là mộ chí của người thi sĩ tài hoa mệnh yểu. Màu thời gian đã hằn nét trên nền sơn trắng đã lem lấm dấu rêu. Hai tượng thiên thần trên bia mộ bị sứt mẻ vài nơi trên đôi cánh. Phanxicô Nguyễn Trọng Trí về nước Chúa từ lâu, nhưng vẫn để lại trong lòng khách mộ điệu và làng thơ miền Nam Việt Nam một niềm tưởng tiếc khôn nguôi.
Đám hậu sinh thẫn thờ trước khung cảnh vừa nên thơ lại vừa hữu tình của khu vực chung quanh ngôi mộ. Nếu như không có vòng rào kẽm gai, không có đồn trại vốn mang dấu ấn binh đao ở kề bên, thì nơi đây đúng là chốn gợi hồn thơ. Thi sĩ nằm đây tha hồ nghe sóng biển rì rào và gió núi mời trăng. Mờ mờ trong sương khói là bán đảo Quy Nhơn và đầm Thị Nại. Ngay dưới chân núi là bãi biển Ghềnh Ráng. Nắng đẹp, trời xanh. Gió mát rượi đủ làm tăng thêm sảng khoái cho những hơi thuốc lắng sâu trong buồng phổi. Chúng tôi chỉ biết nhìn biển, núi, trời, mây và đón gió mơn man để tận hưởng hạnh phúc lâng lâng rất khó diễn đạt thành lời.
-Thi sĩ Quách Tấn và gia đình bốc mộ từ trong nghĩa trang Quy Hòa năm 1959, rồi mang ra đây cải táng. Chánh phủ thời đó rất trân trọng tài năng của Hàn Mặc Tử nên mới cho phép chôn tại đây.
Anh Hạnh vừa nói vừa vượt qua hàng rào kẽm gai đến bên chúng tôi. Chỉ tay qua phía Chi Khu, anh nói tiếp:
- Nơi này là khu quân sự. Chi Khu Nhơn Bình là mắt thần canh giữ toàn khu vực phía đông nam của thành phố và bờ biển Quy Nhơn. An ninh số một! Nếu không có chiến tranh, thì nơi này rất lý tưởng để xây dinh thự, hay trung tâm du lịch hảo hạng. Tiếc thay...!
Anh bỏ lửng câu nói. Sau đó chỉ đứng im lặng thả khói. Cuộc vui rồi cũng đến lúc tàn. Cả nhóm bịn rịn nhìn quanh khóm núi. Thêm vài lời kinh thầm nguyện cho linh hồn Phanxicô. Thêm vài ánh mắt lướt nhanh trên ngôi mộ để ghi nhận và lưu trữ hình ảnh của một chốn nên thơ, hữu tình. Không ai nói lời nào khi theo anh Hạnh leo lên xe. Gió bỗng dưng trở lạnh nhưng không ai buồn kéo cao cổ áo.
Con đường xuống đèo bỗng dưng thật ngắn ngủi, dù anh Hạnh cố tình thả dốc thật chậm. Chia tay với người quân nhân vui tính, tốt bụng, mà cảm thấy bồi hồi như thể xa lìa một người bạn thân thiết từ lâu. Chúng tôi hẹn nhau một cơ duyên nào đó cho dịp tương phùng trong tương lai mặc dù vẫn biết khó lòng gặp lại.
Chỉ mới ngày thứ nhì đặt chân lên đất Quy Nhơn nhưng trong lòng mọi người đã thắm đậm kỷ niệm khó phai của một mùa xuân hạnh ngộ. Quy Nhơn, Ghềnh Ráng, Quy Hòa chắc chắn sẽ là những hình ảnh ấm lòng mỗi khi nhớ lại mùa xuân chiến dịch của năm nào!
HUY VĂN
( Để nhớ Đồng Đội quân trường và Công Tác Chiến Tranh Chính Trị của Mùa Xuân chiến dịch 1973 tại Bình Định )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét