Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 24 tháng 1, 2023

CON TÒ HE - Tôn Nữ Thu Dung


Huế của tôi buồn lắm, một thành phố buồn nhất hành tinh,những ngày mưa bão kéo dài cả tháng úng trời úng đất không nói làm gì sao vẫn buồn cả những ngày nắng hạ chói chang và phượng đỏ rực rỡ như màu môi thiếu phụ. Thành phố lúc nào như cũng đắm chìm trong hồi ức vàng son và trong quá khứ nhạt nhòa rêu phủ...Nhưng bây giờ là mùa xuân, những hoa cúc Đại Đóa nở vàng rực trong vườn ông ngoại, Đăng Tâm nói: – Đăng Tâm thích màu vàng dễ sợ. Tôi cười: – Đó là màu bội bạc.
<!>
Đăng Tâm mím môi để lộ hai hạt gạo lún sâu hai bên khóe miệng:
– Ai nói? Màu vàng thật sự là màu cô độc kiêu sa nên dễ bị hiểu lầm là bội bạc.
Bao giờ tôi cũng chịu thua Đăng Tâm để được nhìn nụ cười cô rạng rỡ:
– Đăng Tâm nói đúng, màu cô độc kiêu sa.

Đăng Tâm đốt xong mớ giấy tiền vàng bạc dưới chân trang thờ và rải gạo muối chung quanh... Những con chim se sẻ từ đâu sà tới, ríu ra ríu rít tranh nhau nhặt gạo. Đăng Tâm luôn được bà ngoại phân công việc cúng cô hồn trong những ngày rằm, mùng 1... Ông ngoại không thích điều này vì cho rằng bà ngoại hối lộ cô hồn các đảng bằng cô cháu cưng xinh đẹp để mưu cầu lợi ích cho đại gia đình. Ông ngoại giận dữ khi bà ngoại bày cho Đăng Tâm khấn vái cầu xin cô hồn các đảng cho cả nhà mạnh khỏe, bình an... Bà ngoại phải vuốt giận bằng cách khi Đăng Tâm đi ra vườn cúng vào những chiều chạng vạng thì bị bôi lên mặt mấy vết lọ nghẹ và có tôi đi theo hộ tống.

Không một khu vườn nào ở Huế mà không có một trang thờ leo lét ngọn đèn dầu hiu hắt. Huế trải qua bao nhiêu tang thương biến động trong những cuộc chiến, bao nhiêu người chết oan chết ức, bao nhiêu đền đài đổ nát tan hoang. Nhà ông ngoại đã nhiều lần tan nát vì bom đạn nhưng lần nào ông ngoại cũng xây lại với nguyên bản cũ: Một ngôi nhà rường 3 gian 2 chái, khuất sau 1 bình phong cổ kính với chiếc hồ bán nguyệt thả sen thả súng cho cô cháu nội cưng Đăng Tâm rửa chân... Cây Ngô Đồng cao rủ bóng thỉnh thoảng rơi vài chiếc lá xuống hồ làm bầy cá quẫy lao xao.
Đăng Tâm đọc:
– Ngô Đồng nhất diệp lạc
Thiên hạ cộng tri thu.
Tôi lắc đầu:
– Ngô Đồng nhất lạc diệp
Thiên hạ cộng tri xuân.
Đăng Tâm cười:
– Tấn thông minh dễ sợ... Nhất lạc diệp... 1 chiếc lá reo vui đón mùa xuân đang tới.
Đăng Tâm luôn đem niềm vui cho người khác và cô gặt lại cho mình những mùa buồn đau.
Đăng Tâm rủ:
– Lên Điện Hòn Chén xin xăm đi Tấn. Rủ con Tò He luôn để nó chèo thuyền.Trốn đi chớ bà nội bắt Đăng Tâm vô chia bài tứ sắc bây giờ.
Tôi chọc:
– Nhưng ở nhà có nhiều tiền lì xì hơn. Và chút nữa bác Tạo sẽ dẫn anh con trai bác sĩ ở Mỹ về tới giới thiệu cho Đăng Tâm đó.
Đăng Tâm đỏ hồng hai má:
– Đăng Tâm còn nhỏ mà.
– Bác Tạo sẽ mang gạo tới để nuôi Đăng Tâm thêm vài năm nữa.
Đăng Tâm hét lên bỏ chạy vô nhà:
– Tấn còn nói nữa thì Đăng Tâm nghỉ chơi với Tấn đó.

Tôi đã nhìn thấy con bác Tạo sau mười mấy năm không gặp, anh chàng bác sĩ cao ráo đẹp trai... tôi hình dung Đăng Tâm đứng cạnh anh ta, đôi mắt phượng ngơ ngác nhìn anh ta đầy ngưỡng mộ, nụ cười xinh xắn dành cho anh ta tươi tắn dễ thương, bàn tay bé nhỏ mềm mại nằm trong tay anh ta dịu dàng tin cậy... Tôi ghét Đăng Tâm rồi. Người luôn yêu cái màu vàng phản bội. Tôi ghét cái thành phố buồn thỉu buồn thiu này làm người ta đi để mà nhớ chớ không phải là ở để mà thương…
Nhưng tôi đâu dễ dàng bỏ cuộc, Đăng Tâm là của tôi từ nhỏ, chúng tôi là anh em cô cậu, không ai có thể bắt Đăng Tâm của tôi. Tôi tìm con Tò He, con nhóc em họ khác, rất thông minh, lanh chanh như hành không muối và luôn coi tôi như thần tượng.
– Mi tìm cách chia rẻ Đăng Tâm với Phước cho tao.
Tò He le cái lưỡi dài nhọn hoắc (thỉnh thoảng nó lại biểu diễn liếm lổ mũi cho bọn tôi coi):
– Em không làm mô, bà ngoại cạo đầu em đó. Bà ngoại nói anh Phước ở Mỹ về mà hiền hậu dễ thương, chị Đăng Tâm khù khờ lấy anh nớ thì không sợ bị ăn hiếp. Mà răng anh ghét anh Phước rứa?
– Mắc chi mà tao ghét Phước, nhưng tao không thích Đăng Tâm lấy chồng.
Tò He nhìn tôi, con mắt nó đọng đầy xót xa:
– Anh thương chị Đăng Tâm hả anh? Mình bà con với nhau mà.
Tôi cáu kỉnh:
– Đồ con nít nhiều chuyện, tao không muốn Đăng Tâm lấy chồng, mà tao cũng không thèm lấy vợ.
Tò He nhíu mày thương cảm:
– Anh nói cũng đúng, ai mà thèm lấy anh!

Phản xạ của Tò He nhanh hơn con sóc nếu không nó đã bị 1 cái bạt tai, nó mở to hai con mắt nâu khờ khạo hỏi:
– Rứa răng anh không nói với chị Đăng Tâm?
– Chưa thấy ai ngu như mi, nói thì Đăng Tâm sẽ cho là tao ganh tị.
– Được rồi, em hiểu, nhưng em lấy lý do chi để chia uyên rẽ thúy trong khi anh Phước thông minh giàu có đẹp trai phong độ…
Mỗi cái đức tính của Phước mà Tò He nêu ra như một mũi dao cứa vô trái tim tôi vì tôi thấy quá chính xác, mình không thể nào bì được. Nhưng biết tẩy Tò He lậm nặng những điển tích cũ hoắc cũ huơ mà bà ngoại cứ bắt võng dưới gốc cây vãi thiều ầu ơ ngâm nga ru nó ngủ ngày xưa...
À, nếu mi muốn nghe những câu chuyện lâm ly thì sẽ được nghe những chương hồi bi ai rơi nước mắt.
– Tò He, nghe anh nói đây, anh và Đăng Tâm là thanh mai trúc mã, anh không muốn Đăng Tâm đi lấy chồng xa... chim kêu vượn hú biết nhà mình mô... Anh không muốn bọn anh biến thành uyên ương gãy cánh mõi mòn mà chết!
Tò He hứ một tiếng bắt chước y bà ngoại:
– Rứa mà anh dám nói anh không thương chị Đăng Tâm!
Rồi nó chép miệng cũng y bà ngoại:
– Thôi được, để coi.
Tôi căn dặn:
– Tò He phải hứa danh dự là không được nói với ai.
– Dĩ nhiên rồi, nói thì anh cũng chẳng bị chi mô, bà ngoại cưng anh như vàng ngọc, còn em thì bị bà ngoại cạo đầu... Ủa, nhưng mà em được lợi chi trong việc ni?
Tôi mừng rỡ, biết nó thuộc lòng văn chương thi phú, tôi đốc khứa:
– Quân tử thi ân bất cầu báo, nhưng anh sẽ biết ơn Tò He cho tới mấy kiếp luôn!
Tò He nguýt:
– Thôi thôi, nói rứa chớ em không hứa chi hết đó nghe.
Tôi nịnh nọt:
– Biết rồi, nhưng một lời em nói là Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy!
Tò He lại nguýt, con mắt có cái đuôi ngoe ngoe nguẩy nguẩy.

Bà ngoại giận điên lên khi người Phước đòi cưới là Tò He chớ không phải Đăng Tâm. Trời có sập xuống bà ngoại cũng không tin nỗi là Phước từ chối cô cháu nội cưng tiểu thơ khuê các để chọn 1 cô cháu ngoại, cũng tiểu thơ nhưng khá Lọ Lem.Cuối cùng bà ngoại chép miệng nhủ thầm: Thôi mấy cái hủ mắm treo đầu giàn ai rước hủ nào thì mừng hủ đó!
Ba má Phước khuyên lên khuyên xuống, bà con giòng họ nói tới nói lui, bạn bè bàn qua bàn lại... bởi vì nếu đặt lên cân đo đong đếm thì Tò He nhẹ hổng. Nhưng từ nhỏ tới lớn Phước đã nổi danh là con cua ngang ngạnh đâu dễ gì ai thuyết phục. Hơn thế nữa, Phước thành đạt ở Mỹ mà chịu về Viêt Nam lấy vợ con nhà đàng hoàng do gia đình chọn chứ không dính 1 cô Mỹ, cô Mễ nào đó thì cũng thiệt là đại phước, cũng làm nguôi ngoai cơn giận của cả nhà. Thế là mâm bưng quả rước, Tò He ngang xương trở thành bà bác sĩ dù chỉ mới học lớp 12. Đã nói con gái học chi cho lắm, muốn được gọi là bà bác sĩ thì cứ lấy 1 ông bác sĩ; muốn được gọi là bà giáo sư thì cứ lấy 1 ông giáo sư; muốn được gọi là bà kỹ sư thì chỉ việc lấy 1 ông cư sĩ, ủa quên, 1 ông kỹ sư!

Trong thiệp hồng không đề tên Tò He Tò Hiếc, cô là Hoàng thị Cát Tường, cái tên và con người của cô luôn đem tới niềm may mắn cho người đối diện.
Không ai biết bà ngoại đã âm thầm tự trấn an, ai cũng tưởng bà ngoại buồn giận nên không cho Tò He đến gần bà ngoại. Cho đến khi bà ngoại gọi Tò He vào phòng khóa cửa, ai cũng xanh mặt tái mày lo sợ. Tôi và Đăng Tâm túc trực ở ngoài, chỉ sợ bà ngoại... bức tử Tò He, bắt nó uống thuốc độc hay thắt cổ bằng 1 dãi lụa trắng như trong kinh điển. Nghe tôi nói, Đăng Tâm tái xanh tái mét gõ cửa dồn dập, bà ngoại nạt:
– Đứa mô ồn rứa.
– Đăng Tâm đây bà nội ơi!
– Vô biểu.
Cửa phòng mở hé, Đăng Tâm bước vô, tôi lò dò đi theo:
– Thằng quỷ nhỏ vô luôn đi, khi mô cũng tò tò đi theo con gái như cái đuôi.
Tôi vội vàng nhìn Tò He, nó vẫn tươi tắn chỉ có mấy giọt nước mắt trong veo còn trên má, tôi thở phào nhẹ nhỏm khi nhìn quanh không thấy ly thuốc độc lẫn dãi lụa nào.
Bà ngoại hỏi:
– Bọn mi cần chi mà gấp gáp rứa. Tao đang dạy con Tò He bổn phận làm dâu làm vợ. Tao không muốn về đó họ chưởi nhà mình vô phước!
Tôi lanh chanh:
– Đăng Tâm sợ bà ngoại bức tử Tò He!
– Thằng quỷ, răng mi cứ nhồi vô cái đầu con ngu nớ mấy cái điều bậy bạ?
Đăng Tâm suốt đời là 1 con nhóc khờ khạo hiền thục không giận hờn ai bao giờ:
– Con sợ thiệt mà bà nội. Rứa là bà nội tha cho Tò He cái tội giựt chồng của con.
Bà ngoại phì cười:
– Chồng mổng chổng mông.
Rồi chép miệng, bày tỏ nhân sinh quan rất hiện đại:
– Tình yêu biết răng mà nói cho ngạ! Tò He có lỗi chi mô khi cái thằng bác sĩ khù khờ nớ thương yêu và muốn rước hắn về thờ?
Tôi lại thở phào, mùa xuân này Tò He lên thuyền hoa (Đăng Tâm đã thiết kế ý tưởng đó, thuyền hoa xuất phát từ bến sông Như Ý trước nhà, xuôi về Vỹ Dạ, cập vào Cồn Hến.. ăn chè bắp rồi chụp hình cưới nhìn nắng hàng cau nắng mới lên...)
Không còn ai vét cho tôi lớp mứt gừng cháy thơm phức đáy nồi, không còn ai lột giùm tôi lớp lá bánh tét cho khỏi dơ tay... Từ khi Tò He đi theo chồng, tôi bỗng dưng mất mát quá nhiều lợi ích!
Còn Đăng Tâm, nhóc em họ làm tôi điêu đứng suốt tuổi học trò vẫn luôn là 1 con bé sống ở trên mây... Nhiều năm sau gặp lại,nó đã là 1 ni sư đáng kính nhưng tôi cũng vẫn bâng khuâng như cũ... Nếu bà ngoại còn sống, bà ngoại sẽ nạt: “Thằng quỷ, khi mô mi mới chịu lớn khôn?!”

Nhưng bà ngoại mất lâu lắm rồi, chiều nay, một mình tôi lang thang trên đồi Forest Lawn lộng gió, những ngôi mộ ẩn chìm dưới cỏ, tôi đốt một nén nhang thơm bái vọng quê nhà...
Quê nhà yêu dấu của tôi.

TÔN NỮ THU DUNG

Không có nhận xét nào: