Yêu nhau cởi áo cho nhau
Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay.
Bài ca dao quen thuộc này đã được phổ nhạc và hát lung tung phụ diễn với những màn cởi, nhất là trong các đám cưới. Cũng may là dân gian ngày xưa hiền lành, chỉ cởi toàn những thứ thuộc vòng ngoài, nếu không nhiều cô dâu sẽ bị lúng túng và nhiều chú rể có thể đứng tim vì bị những con mắt hai họ ăn cỗ trước mình. Ngày nay, tôi e rằng tình hình không yên tĩnh như vậy. Yêu nhau, lắm chuyện lắm! Tới đâu thì tới. Lúc ngoảnh mặt nhìn lại thì... con ong đã tỏ đường đi lối về. Gặp những anh chàng họ khác thì may, gặp đúng anh chàng họ Sở thì anh ta qua màn hai liền. Từ cởi qua cỡi. Cỡi đây là cỡi ngựa thiệt phóng vù vù như gió.
Yêu rồi cởi, đã đành. Không yêu cũng cởi. Chuyện này liên quan đến các ông họa sĩ, mà tôi thì nhiều bạn họa sĩ lắm, các ông ấy mà mắng mỏ thì thật phiền. Vậy phải nói ngay rằng làm nghệ thuật là nghệ thuật. Con mắt các ông ấy nghiêm túc lắm. Thật mà coi như giả. Các cô người mẫu cứ yên tâm cởi. Không cởi mới sinh chuyện!
Chuyện như thế này. Một cô người mẫu khỏa thân tới xưởng vẽ của họa sĩ làm việc. Buổi sáng, họa sĩ đang uống cà phê (Ôn Đinh Cường nì, ôn hay uống cà phê, nhưng không phải chỉ vì uống cà phê mà đích thị là cái ông họa sĩ trong chuyện này đâu!) bèn bảo cô người mẫu.
“Còn sớm chán, cô ngồi uống với tôi một ly cà phê rồi mình làm việc sau.”
Hai người đang uống cà phê, có tiếng chân đi lên thang gác, họa sĩ tái mặt vội bảo cô người mẫu.
“Cô cởi quần áo lẹ lên! Nhà tôi lên đó!”
Chẳng biết các bạn có biết tới nhiếp ảnh gia chuyên đi các thành phố lớn, kêu người ta ra đường khỏa thân cho ông chụp hình hay không? Tôi thì không nhớ được tên ông này (mà nhớ làm gì nhỉ?). Tới nơi nào ông cũng được hưởng ứng nhiệt liệt. Cần trăm người thì ngàn người đến. Cần ngàn người thì vài ngàn người đến. Bao giờ số người tới cũng nhiều hơn số người cần. Bữa ông tới thành phố Montréal này, thì trên một ngàn người đến theo tiếng gọi của nghệ thuật. Mọi người phải có mặt từ sáng sớm lúc người ta còn nằm trên giường trong một buổi sáng lạnh lẽo, tự cởi quần áo, nằm la liệt trên đường phố theo sự chỉ dẫn của ông. Tôi đã được coi những bức ảnh nghệ thuật này. Trông cứ như một bày heo bị cạo lông con ngửa tênh hênh, con chổng khu lên trời. Con đực con cái, rõ mồn một! Tiền nong gì đâu. Thích cởi thì rủ nhau ra cởi tập thể cho vui vậy thôi!
Cái tội của mấy anh đàn ông là có cặp mắt lé. Cái người đáng phải nhìn, chẳng nhìn, lại cứ thấp thỏm đi nhìn những người chẳng giây mơ rễ má gì với mình. Cặp mắt của các bà lại là cặp mắt của những người chăn dắt. Ra đường chẳng nhìn đường xá, chỉ nhìn vào cặp mắt ông chồng. Mà cặp mắt của các ông có làm gì cho cam. Họ chỉ đang giải đáp một thắc mắc về tâm lý.
Một ông than phiền với bạn.
“Kỳ lạ thật, vợ mình dù có mặc bất cứ một bộ đồ mới, kiểu lạ thế nào đi nữa thì mình cũng chẳng thấy gì khác lạ cả. Còn với những cô gái khác thì dù có mặc đồ cũ, mình cũng vẫn thấy mới lạ phải không?”
“Đúng vậy!”
“Có gì đâu! Nguyên nhân là khi ta đã biết rõ món hàng rồi thì dù có thay đổi lối gói hàng kiểu cách thế nào đi chăng nữa, ta cũng chẳng còn hồi hộp chờ mong gì thêm!”
Trong các bộ phận trên cơ thể người đàn ông, cặp mắt là bộ phận hư nhất. Nó hư là vì cái gọi là thời trang. Thời trang có cái tính sơ ý. Việc phải làm cứ lơ là không chịu làm. Quần áo để làm gì? Có tối dạ đến đâu cũng biết quần áo là để che đậy thân thể. Thời trang lại là anh tối dạ hạng nhất. Nó chẳng biết che chỗ nào, đậy chỗ nào nên lộn tùm lum lên. Các bà giận là phải. Giận nên tạo ra thời trang mới cho đã nư!
Một tối nọ, một bà không mặc gì hết trong phòng ngủ. Thấy lạ, ông chồng hỏi.
“Hôm nay bà làm sao thế, có bị bệnh tâm thần không vậy?”
Bà ưỡn người ra.
“Ông không hiểu gì về thời trang hết! Đây là mốt áo ngủ mới nhất đấy!”
Ông chồng gật gù.
“Cũng được, nhưng nếu mà đem ủi nó sơ qua một chút thì có lẽ đỡ hơn!”
Chuyện cởi có lẽ tới đây có thể chấm dứt được rồi. Vì nó đã đi tới chỗ chẳng còn gì để cởi nữa. Nhưng chuyện cởi nó lạ lắm. Hồi sau mới lắm điều hay. Nhất là khi có dính vào tí tiền. Không phải là tiền còm đâu đấy nhé. Nói ra toàn hàng triệu không. Đầu sỏ là mấy ông thày cởi. Tôi không phải là độc giả của mấy tờ báo người lớn như Playboy, Hustler...(phải nói ngay ra vậy cho bảo đảm!) nên không biết tên mấy ông chủ báo thày cởi này. Thỉnh thoảng ngó lên TV, thấy quanh mấy ông lúc nào cũng có những em bé pưng pưng thơm phức vây kín chung quanh, thấy nổi máu ghen tị. Những em bé đắt giá đó, các ông, vốn là những người tốt bụng, nên chia sẻ với mọi người với cái giá dễ chịu lắm. Năm bẩy đồng gì đó (tôi không bao giờ mua nên không biết rõ!).
Ngày xưa, khi tờ Playboy còn một mình một chợ, chẳng phải cạnh tranh với ai cả nên nghệ thuật lắm. Hình ảnh toàn loại năm chục phần trăm. Đồi núi phương bắc thì rộn rã ánh đèn flash nhưng đồng ruộng phương nam vẫn màn che trướng rủ. Đồi nào ra đồi nấy. Núi đẹp một vẻ thiên nhiên. Thần thánh có ngó mắt qua cũng vẫn thánh thiện được như thường. Thế rồi cái thế giới chúng ta đang sống càng ngày càng quá quắt lắm. Được voi đòi tiên. Mà toàn thứ tiên nguyên thủy. Đồi núi cũng phô ra mà đồng ruộng cũng đẫm ánh mặt trời. Nhức nhối con mắt lắm! Vậy mà đã yên cho đâu. Mấy em người mẫu, tháng tháng phô ra, thì cũng thế thôi. Nhàm!
Mấy ông thày cởi là những nhà sáng tạo đầy... sáng tạo. Mà còn sành tâm lý nữa. Biết tính tình mấy anh đàn ông là tính tình... khoa học. Biết cái gì thì muốn biết tới nơi tới chốn, tới tận cùng ngóc ngách của vấn đề. Thế nên, chẳng cần phải là kiều nữ, chẳng cần phải là đồng ruộng núi đồi loại xịn, cứ bà nào cô nào nổi tiếng trên báo chí là các ông tới đòi cởi cho thiên hạ coi. Chuyện nghe như chẳng dễ. Đang là những nhân vật thời sự được báo chí ngày ngày nhắc tới, dễ gì cởi. Có họa là điên. Các ông thày cởi biết là chỉ có một thứ làm cho đàn bà nổi điên được: tiền! Cái gì cũng có giá cả. Đến mấy thứ đồ cà chớn bầy bán trong cửa hàng cũng còn có giá, huống chi mấy thứ xịn. Thứ xịn có giá của thứ xịn. Bao nhiêu? Tùy. Nhưng chắc chắn có giá. Cứ đúng giá là... ngã giá!
Điển hình là em Monica, người được báo chí thổi phồng lên tuy chỉ có mỗi cái tài là thổi kèn cho ông Tổng Thống thổi kèn saxophone. Tài cán hơn thì có chị Katarina Witts, ngôi sao trượt băng nghệ thuật người Đức. Tới giá là cởi. Còn người anh hùng của nước Mỹ trong chiến tranh Irak Jessica Lynch giá bao nhiêu?
Cô binh nhì Jessica này bỗng được Bộ Quốc Phòng Mỹ bơm lên thành một anh hùng. Đầu năm 2003, Jessica được điều qua Irak, xung vào Đại Đội Bảo Trì 507. Trên lý thuyết đây là một đơn vị hậu cần ở cuối đoàn xe tiếp liệu gồm tám ngàn chiếc dài một trăm dặm, một vị trí an toàn. Cái tích tắc tạo nên một anh hùng chỉ là một tích tắc rủi ro xảy ra vào ngày 23 tháng 3 năm 2003. Đội xe có binh nhì Jesssica đã chạy lạc đường ở thị trấn Wasiryah. Họ bị phục kích và cuộc chạm súng đã diễn ra ác liệt suốt một ngày. Những người chạy đều bị bắn chết, những người chống trả bị bắt và nữ chiến sĩ Jesssica đã anh dũng chiến đấu tới giờ phút cuối cùng. Quân đội Hoa Kỳ đang nóng lòng muốn có được một anh hùng cho cuộc chiến bèn đội vòng hào quang cho Jessica, người đã chiến đấu anh dũng cho tới khi bị bắt với thương tích cùng mình. Cuộc giải thoát Jessica khỏi một bệnh viện của Irak sau đó gay cấn như một phim trinh thám là một dịp tốt để quân đội Mỹ làm ồn ào cả thế giới. Cuốn phim truyền hình Saving Jessica Lynch do đài NBC thực hiện với nữ tài tử Regan được chiếu trong dịp lễ Tạ Ơn vừa qua đã bốc tên tuổi Jesssica lên tới trời xanh. Cả thế giới ngẩn ngơ trước hình ảnh cô gái nhỏ của thị trấn Palestine nhỏ bé. Riêng mấy ông thầy cởi không ngẩn ngơ. Đầu óc họ làm việc ngay. Cởi được em này thì hốt bạc triệu dễ như lấy đồ trong túi.
Ông thày Larry Flynt, chủ báo Hustler, chớp ngay được thời cơ. Ông đã có trong tay những tấm hình Jessica trăm phần trăm. Ông mua được những tấm hình này với giá bao nhiêu? Ông lắc đầu không nói. Ông đã có ý định phổ biến những tấm hình hốt bạc này nhưng ông đã nghĩ lại thấy không nên làm hỏng hình ảnh một anh hùng của nước Mỹ, một Jeanne d’Arc thời nay!
Jessica có phải là một anh hùng không? Trong cuốn hồi ký bạc triệu I Am A Soldier, Too mới được tung ra thị trường bán đắt như tôm tươi, Jessica đã lắc đầu không nhận mình là một anh hùng. Trong một cuộc phỏng vấn truyền hình cô đã thành thật xác nhận: “Họ (quân đội Mỹ) đã lợi dụng tôi để tuyên truyền. Tôi không muốn hưởng những gì mình không làm”. Cô đã chẳng chiến đấu chiến điếc gì hết, súng của cô bị kẹt đạn ngay từ những giây phút đầu tiên của trận chiến, cô không bắn được lấy một viên đạn! Những gì cô còn nhớ được là đã sụm xuống và cầu nguyện.
Jesssica đã hiên ngang từ chối làm người hùng của nước Mỹ. Cô đúng là một người can đảm. Bạn có muốn nhìn rõ đường tơ kẽ tóc của người can đảm này thì hãy chuẩn bị tiền sẵn để mua báo Hustler. Giá bao nhiêu? Tôi không biết (đã bảo là tôi không phải độc giả của tờ báo này mà!).
Bạn tôi, ông Luân Hoán, thấy ông Larry Flynt múa cũng múa. Ông Larry lót tay bằng đô la để cởi, bạn tôi cởi bằng thứ mà bạn tôi rất giàu có: thơ!
với thân thơm suối thơm đồi
xin em dành một cõi ngồi tôi riêng
một mình tôi được ưu tiên
một mình tôi đủ thẩm quyền nhớ nhung
sẽ chạm tình dọc sống lưng
sẽ khắc thơ giữa hồng trung chánh tòa
cho em mặc sức trổ hoa
bốn mùa vĩnh viễn đều là mùa xuân
em tha hồ cởi áo quần
ngâm mình giữa cõi nhớ nhung sinh tồn
câu thơ lục bát dẫu mòn
vẫn còn thơm ngát lũng cồn nữ vương
Mà này, sao cứ nhè phụ nữ mà cởi? Xem ra bất công quá chừng chừng. Cởi các ông một chút cho vui. Nghe ra khó vui quá! Thây kệ, không vui cũng cởi. Cho có nếp có tẻ.
Nhà sắp có khách, bà vợ tay chống nạnh hất hàm hỏi ông chồng.
“Bộ ông định mặc quần đùi để tiếp khách hay sao vậy?”
Ông chồng hậm hực.
“Phải, tôi muốn mọi người đều biết bà đã nuôi tôi như thế nào!”
Bà vợ không phải tay vừa.
“Được! Nếu vậy ông hãy cởi luôn cái quần đùi ra đi, để cho họ thấy là ông có đáng để nuôi hay không!”
12/2003
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét