Từ ngày có chiếc Ipad chị như lơ lửng trên mây, nhích con chuột đưa hình lên chợ PhayBúc, trong tíc tắc hình ảnh bay xa vạn dặm bên kia tần sóng điện tử, bên kia đại dương, bên kia chân trời, bạn bè nhận được ngay.Cảnh này làm chị liên tưởng đến phim "Star Trek" theo chân mấy gã GI du nhập vào miền Nam VN thập niên 60, anh chàng "tai lừa" trong phim bước vào dàn phóng, nhấn nút là bay đến địa điễm đã ấn định tức thì. Giờ thì mấy tấm hình, kèm theo chú thích của chị cũng rứa, chị ngồi yên một chỗ chả cần nhúc nhích, tiện lợi, nhàn hạ hơn anh chàng tai lừa kia nhiều, vài phút sau bạn bè đáp lời, hình đẹp, người cũng đẹp, hay quá, tuyệt vời... những lời khen tặng ngắn nhưng có giá trị bao la mang cho chị niềm vui cả ngày lẫn đêm.
12 giờ đêm bên Mỹ, bên nớ là sáng, trưa, chiều... ở châu Á, châu Úc, châu Âu, chỉ thiếu châu Phi là đủ 5 châu, chị vào chợ PhayBúc lần cuối và bước vào giấc ngủ với lời bình ngọt mật của các bạn.
Bạn bè trên chợ này không rủ cũng tới, ghé vào hộp thư điện tử của gia chủ xin phép làm bạn là chủ okê liền, đã lên đây là "bốn bể giai huynh đệ", già trẻ lớn bé, nam nữ gì chủ nhà cũng gật đầu cho có số lượng đáng gờm.
Nhìn cái ô "bạn bè" bên trái trang nhà là biết chủ quán thuộc loại nào, số lượng bạn ở đây đếm không xuể, từ vài chục đến cả trăm, nói là bạn chứ chưa chắc gia chủ biết hết họ là ai.
Từ mấy tấm hình bắt mắt trên ô bạn bè này mà có người xin làm bạn với chủ quán với chủ đích là kết bạn với "ai kia" bên ô bạn bè của gia chủ, sau đó họ "nghỉ chơi" chủ quán vì lý do gì chỉ có người trong cuộc mới biết.
Qua sông rồi quên đò là rứa, đã là "chợ" thì mọi trao đổi đều có chủ ý, chợ PhayBúc không ngoại lệ nên chơi rồi nghỉ chơi cũng chả chết ai, tuy nhiên không hẳn ai cũng "quên đò" như ai kia nên chợ vẫn đông, vui như Tết.
Có người làm thống kê, sau bao nhiêu ngày tháng "mở quán", tính đến bi giờ quán của mình có đến cả trăm, cả ngàn khách đẩy cửa bước vào, tính ra mình có tay làm ăn, quán mình đông hơn tiệm của các bạn trong chợ Phay, đó cũng là thước đo sự thành công của chủ quán.
Chị hao hao ai kia, hãnh diện ngầm, tự mãn công khai, rồi tự thú:
- Mình mới liệng một tấm hình lên là có mười mấy đứa nhấn nút "lai" (like), chả bù bà bạn, đưa hình lên, hình của bà đứng chơ vơ giữa trời, giữa chợ phây phây ra đó mà chả có ma nào "chỏ mõ còm men".
******
Cư dân chợ này nam nữ đủ mọi lứa tuổi, chủ đề phong phú từ cây kiểng hoa lá cành cho đến văn học nghệ thuật, viết lách, làm thơ, làm bếp, ca nhạc.... ai thấy hạp thì nhào vô họp chợ, trước lạ sau quen, vì thế vòng tròn bằng hữu trởnên không biên giới.
Đã là bạn bè cứ đẩy cửa bước vào, quán chả cần đánh mật mã, hình ảnh trong quán được xếp theo thứ tự thời gian, vì vậy có người tìm ra bạn cũ, người yêu đầu đời, người yêu cuối đời...
Từ chợ PhayBúc họ rủ nhau ra phố làm tiệc tái ngộ, ra mắt lần đầu, tiệc mừng sinh nhật... hàng hóa ở chợ này phong phú đến bất ngờ.
Chị đàng hoàng hơn, không dính đến mấy vụ tình cảm lăng nhăng, văn chương hoa lá cành chơi với đời, kết bạn tâm giao đó đây cho tuổi già bớt trống vắng.
Thực đơn quán của chị đơn giản, món chính là hình của chị, nhân vật chính và gia đình, vợ chồng con cháu, nhích ra xa tí xíu là bên nội, chú, bác, các cô đều được chị đưa vào quán.
Bên ngoại dị ứng chợ ảo, hỏng chịu chơi, hỏng chịu đưa mặt ra cho người ta dòm, chị không ép, mặc kệ đám cù lần, đám gà mờ, cho chúng nó vào chuồng ngủ sớm.
Thời này mà không vào chợ PhayBúc là phí đời, người ta mở quán rầm rộ không tốn 1 xu teng lại được "chiêm ngưỡng miễn phí", vậy mà chúng nó không dám chơi.
Sinh nhật, đám hỏi, đám cưới, lễ ra trường ĐH, hội ngộ bạn cũ... quán của chị xập xình đèn hoa vui chơi liên tục, tết Tây tết Ta đúng là vui như tết, phóng sự ảnh thật sống động tràn ngập quán chị.
Món phụ quán của chị thay đổi hàng ngày cho đúng khẩu vị của khách tùy theo "thời tiết" trên chợ ảo hôm đó như những bài thuốc trên mạng ca ngợi quả chanh, táo, cam, gừng... có tác dụng thần diệu cho sức khoẻ, chị lấy nguyên xi bổn chính từ kho tồn trữ rồi đưa vào quán của mình.
Có món của bạn bè gửi vào hộp thư điện tử của chị, chị "bưng nguyên tô" đưa vào quán, đồng thời chuyển đến bạn bè vài chục người mà chị đã có sẵn danh sách.
Món phụ thiên hình vạn trạng, có cả bí quyết làm bếp, nấu ăn, bài thuốc cây lá cỏ trị bá bệnh, làm đẹp, văn học, âm nhạc thế giới, nhạc chuyên đề, mẹo vặt từ trong bếp ra đến xa lộ, xe hơi, khoa học kỹ thuật, du lịch..., món ăn tinh thần vô thưởng vô phạt, không gây ngộ độc, chỉ gây ngộ nhận năm thì mười họa thôi.
Nhưng có món chưa kịp thưởng thức đã nghe hết hồn, như "tin động trời", "cần chuyển khẩn đến nhiều người", thầy bà Chúa Phật gì cũng có trong mấy cái tin chấn động vịt cồ này.
Có người khó tính dũa chị te tua, mặt chị méo xẹo, ông xã chị diễu:
- Ai biểu ở không làm chuyện ruồi bu, lo cho con cháu mệt phờ râu còn đèo bồng mở quán ăn chơi, ăn phải "thứ độc" nên mới ra nông nỗi.
Chị phân bua:
- Tại trong "bản gốc" người ta dặn mình chuyển thì mình cứ sao y bổn chính, mình có thêm bớt chi đâu mà thiên hạ la ó như rứa.
Ông xã chị cười mỉm:
- Cái này ông bà mình gọi là, thấy người ta ăn khoai vác mai đi đào, mà bà đào phải lựu đạn cay nên khó thở chút xíu đó thôi.
Nhận xét của ông xã làm chị suy tư, nhưng chị không xao lòng, vì chị biết có người đọc thư của chị không sót một chữ, có người đồng cảm với chị, bằng chứng là quán chị không ế ẩm như ai kia.
Để đáp lại tấm thịnh tình của khách, chị cố gắng trau dồi món chính, đôi khi kẹt hàng chị đưa đại hình con chó cưng lên đại diện cho chị, rồi chị tự chụp hình bên luống cà chua vừa ra trái sau hè, hình gì cũng được miễn có chị trong đó là đạt yêu cầu.
Cả tuần nay đại gia đình không có hình ảnh mới, chị đành lấy hình đám cưới của mình cách đây gần nửa thế kỷ đưa vào quán "thế mạng", vậy mà hay, khách của chị khen không tiếc lời, trẻ đẹp mê hồn...
Tiện tay chị đưa tiếp hình nội ngoại ba má bên chồng lên luôn, hình đen trắng người xưa cảnh cũ trông nghệ thuật chi đâu..., dân chơi đồ cổ sẽ phục sát đất cho mà xem.
Thế mà, ô hay, sao khách lặng tịt thế này, chỉ có con cháu trong nhà hỏi, ông này bà nọ là ông cố bà sơ... của ai?
Chị nghĩ mãi không tìm ra nguyên nhân khiến "khách hàng ngoại tộc" im hơi lặng tiếng mộtcách đáng ngại như rứa, số lượng khách quán chị tuột dốc thảm hại, nghe chị than, ông xã chị gỡ rối cho chị nhẹ lòng:
- Dễ hiểu thôi, ông bà nhà mình mắc mớ gì đến thiên hạ mà đem ra khoe, họa chăng là vua Bảo Đại hay ai đó nổi danh, cứ nhìn hình đen trắng các cụ đã ra người thiên cổ, khách dị đoan thấy cõi âm ty mờ ảo mà nổi gai óc làm răng họ dám lên tiếng, vì thế họ tàng hình là thượng sách.
Chị như tỉnh ngộ, đồ cổ quí hiếm cũng tùy loại, cổ vật có giá trị đâu hẳn với tất cả mọi người, nhãn quan của chị làm sao bắt người ta "nhò" y như chị được, chị trẻ trung viết tắt viết ngoáy vài chữ thì được, nhưng bắt khách vào vai "xi nhờ" mà vẫn trẻ như chị là thất sách đấy.
Hôm chị ốm nằm bẹp dí, khách réo inh ỏi, chị, cô, dì, bác... ở mô sao quán đóng cửa im re vậy.
Chị lồm cồm ngồi lên trả lời, ốm rùi!
Cả chục khách chen nhau viết, chúc bác, chị, cô, dì chóng bình phục, em, con, cháu nhớ chị, bác, cô, dì lắm.
Mấy câu vu vơ đó như thần dược khiến chị bớt mệt, xuống bếp nấu cháo, uống thuốc, chiều tối khoẻ re, ra chợ mở cửa quán, 1, 2, 3, khách kéo ghế ngồi vào quán, có đứa đùa, Bà già phẻ?
Chị đeo kiếng, quơ quào bàn phiếm, cảm ơn, đở rùi!
Quán của chị lại rộn ràng, hôm nay chị thiếu món chính, mặt mày méo xẹo làm răng dám chụp hình, không sao, khách của chị tự động bày hàng, họ tặng chị hoa trái, thức ăn... chúc chị sớm bình phục để tiếp tục cuộc vui.
Đến khuya có đứa gửi hình cái đèn "măn xông" (đèn Manchon) và dặn dò, phia rồi bà già ngủ cho phẻ, con để đèn cho bà thấy đường "đi tè".
Chị cười cảm động thầm nghĩ, chồng con chưa chắc chú ý đến mình như rứa, chợ ảo vậy mà tình cảm chán.
*****
Hôm nay sinh nhật 1 năm chị mở quán, khách đến đông nghẹt, cả chục bó hoa đủ loại, những lời chúc mừng làm chị ngẫn ngơ cả ngày, chị "ngồi đồng" trong chợ, chờ đợi khách thứ mấy chục bước vào quán của chị, đến giờ cơm trưa chị xuống bếp nấu ăn và không quên để cái Ipad bên cạnh.
Mỗi lần có tiếng chuông báo trên máy có khách vào quán, chị nhảy vào máy xem ai, gần đúng ngọ, có khách vào, khách mới lạ hoắc, chả xưng tên lại tặng chị một rừng hoa.
Đây rồi hình ông xã, giời ạ bữa ni ông mò vào quán tặng quà nữa, chị nghĩ không sai, gần đèn thì sáng, rồi đây ông sẽ mê, sẽ nghiện chợ PhayBúc như chị, mà có khi nào ông xã mở quán cạnh tranh với chị không, hãy đợi đấy.
Cuối tuần con cháu tụ tập nhà chị như thông lệ, chiều nay chị sẽ tuyên bố cho chúng nó biết bạn bè khắp 4 Châu, nam nữ đủ mọi lứa tuổi đông vui, vừa thổi 1 cây nến kỷ niệm bổn tiệm của chị làm ăn khấm khá, chị không hao 1 xu teng nào mà còn được khối người yêu mến.
Thằng cu Tý, đứa giỏi tiếng Việt nhất trong bầy cháu của chị vì mẹ nó dạy Việt ngữ hàng tuần ở nhà thờ, thế nào cũng phục lăn bà nội nó thích ứng ngon lành với thế giới ảo, chợ ảo trên mạng điện tử cho mà xem.
Vừa bước vào nhà mặt thằng cu Tý nhăn nhó khó chịu, chị chưa kịp hỏi thì tía nó nói nhỏ với chị:
- Cu Tý giận bà nội lắm, từ lớp học ở nhà thờ nó đòi về nhà chứ không chịu ghé nhà nội, má liệu mà giải thích với nó về cái quán gió mưa gì đó trên PhayBúc của má đó.
Thằng con làm chị ngạc nhiên, thằng cháu khiến chị cụt hứng, người dưng khác họ ủng hộ chị cả năm nay, sao con cháu lại khó chịu, bụt nhà không thiêng là vậy.
Đang hoang mang suy tư, cu Tý lù lù bước tới, mặt mày thểu não:
- Con chào bà nội, bữa nay mấy đứa bạn cho con xem trang PhayBúc của nội, con buồn quá không ngờ...
Không để thằng nhóc dứt lời, chị thanh minh:
- Cả nhà biết bà nội có trang PhayBúc cả năm nay, sao con lại không ngờ rồi buồn phiền nội điều chi?
Cu Tý như nuốt cục giận xuống cổ, ngập ngừng:
- Nội mở trang PhayBúc cũng bình thường thôi, điều đáng nói là nội kết bạn tùm lum, mấy đứa trong lớp Việt ngữ của con cũng là bạn ngang hàng với nội, chúng nó cứ "du, mi" với nội.
Chị giật mình:
- Đứa nào lếu láo rứa?
Cu Tý nhăn như khỉ ăn ớt:
- Thằng Tèo cháu bà bạn của nội đó, nó còn rủ thêm vài đứa trong lớp Việt ngữ vào quán của nội, chúng nó cố tình viết "tiếng Việt ruồi nhặng" trêu nội, thế mà nội trả lời cũng "ruồi bu" y chang chúng nó.
Thằng nhóc làm chị đăm chiêu, chị ấp úng:
- Ruồi nhặng, ruồi bu chỗ nào?
Cu Tý sổ lòng:
- Nội từng nói như nhật báo Việt Báo, "tiếng Việt còn, người Việt còn", nội khuyến khích con cháu học tiếng Việt, vậy mà nội viết trên PhayBúc "thui rùi, hay wá, ko sao, đang 8... "toàn những từ ngữ làm thui chột tiếngViệt. Tụi con cố gắng viết,đọc tiếng Việt cho chuẩn, cho ra tiếng Mẹ Đẻ để hãnh diện với người Mỹ, để duy trì văn hóa VN, còn nội thì... có đứa xiên xỏ nói nội "mù chữ" nên viết tiếng Việt trật lất. Còn mấy tấm hình gia đình, có tấm nào nội đưa tấm đó lên quán của nội, từ con cháu tới họ hàng bên nội không chừa một ai, nhìn vào cứ như cái gì ấy, nhăng nhích lắm đấy. Đành rằng gia đình mình không phải danh gia vọng tộc gì, nhưng nội cũng nên tôn trọng con cháu, hình nào có thể chia sẻ, hình nào phải giữ riêng cho gia đình.
Dứt lời cu Tý tức tối bỏ đi ra sân, chị ngẩn ngơ thẫn thờ, sự thẫn thờ khác hẳn cảm giác ngày đầu mở quán, cái ngẩn ngơ dạo đó khiến chị lơ lửng trên mây, giờ thì chị thất thần tự vấn, quán của chị ruồi nhặng tùm lum vậy sao?
Cu Tý làm chị mất hứng ngày sinh nhật bổn tiệm của chị vừa tròn năm, đang làm ăn khấm khá, thằng nhóc lại thụi chị một cú chóng mặt, con dâu của chị chắc cũng cùng phe với thằng cháu, nhưng đám con cháu còn lại thì sao?
Khách đến quán của chị người dưng nhiều hơn người nhà, trong đám đó có cả mấy thằng nhóc con cháu bạn già của chị mà chúng nó giả danh làm bạn ngang hàng với chị mới chua, ông xã của chị sẽ nghĩ sao về chị!
Tiễn con cháu ra cửa, chị buồn hiu tâm sự với ông xã:
- Cứ tưởng là tiệc, ai ngờ con cháu nghĩ mình tệ đến thế, thôi dẹp tiệm cho xong.
Ông xã chị an ủi:
- Bà đừng nghĩ ngợi chi cho phiền, đi ngủ một giấc sáng mai sẽ đâu vào đó.
Chị thắc mắc:
- Đâu vào đấy là sao, tiếp tục hay đóng cửa quán?
Ông xã chị ỡm ờ:
- Mai sẽ biết.
Chị vào phòng ngủ, mở máy, quán vẫn đông khách mừng "thôi nôi" bổn tiệm của chị, chị căng mắt đọc hết ý kiến của khách xem đứa nào là bạn của cu Tý vào đây "chơi ngang hàng" xưng mày tao với chị.
Chịu thua, chúng nó lấy bí danh biết đâu mà mò, câu cú na ná như nhau đại loại "đang tám, hay wá, túm lại, ko bít, rùi thui..."
May mà chúng nó chưa xưng hô "cậu cậu tớ tớ" với chị, ngày nào có đứa xưng hô như rứa coi như chị bật gốc Cộng Hòa và biến thành cán cộng ngon ơ.
Tối nay có khách mới xưng tên "Cúm con", hắn dán hình cái miệng nhe răng cọp cười với chị, và viết như ri:
"Con chào bà, biết bà ở tuổi "xi nhờ" nhưng rất năng động, hội nhập với xã hội đương đại, ứng dụng kỹ thuật vi tính khá nhuyễn..., con thán phục bà lắm. Trang PhayBúc của bà đầy đủ hình ảnh, đa dạng từ du lịch tới âm nhạc nấu bếp... lớn nhỏ gì vào đọc cũng được, duy chỉ có một điều bà làm con thắc mắc. Bà viết tiếng Việt sai bét, cô giáo dạy văn của con cũng nói như rứa, mà toàn những chữ dễ ợt, bà có thể giải thích cho con biết tại sao bà lại viết như vậy được không?"
Đọc đến đây chị thất kinh hồn vía, chỉ cho ông xã xem, giọng run run:
- Đứa nào mà hỏi hóc búa rứa, người ta viết sao tui "sao y bổn chánh" chứ có thêm thắt chi đâu mà thắc mắc, mà ông đừng nói là thằng cu Tý hay mấy thằng ranh con bạn của nó nói sóc óc tui nhe!
Ông xã chị lắc đầu:
- Chịu thua, làm sao biết đứa nào núp dưới bí danh đó, tại sao bà "sao y" làm chi cho sinh chuyện, cứ tiếng mẹ đẻ mà viết, chữ biết thì cứ viết trọn chữ, viết "bít" làm chi bi chừ mới bí lối á khẩu với tụi con nít.
Thằng nhãi làm chị nghĩ ngợi, ông xã chị nói đúng, ngày mai chị sẽ không đóng cửa tiệm mà trang trí lại nội thất, hình ảnh tuyển chọn không bạ đâu cũng đưa lên quán, chữ Việt viết "nguyên con" không cắt xén, ngọng nghịu.
Chị mơ màng đi vào giấc mộng, mấy thằng ranh con, chúng mày xem đây, bà nội thằng cu Tý văn chương một bụng làm sao viết trật tiếng Việt được, lâu nay bà vờ viết sai tiếng Việt để kiểm tra trình độ chúng mày đó thôi.
Ngày mai đâu sẽ vào đấy, giã từ văn nói viết ngọng, liệu hồn đấy, từ nay bà sẽ viết như văn sĩ thứ thiệt, đệm thêm điển tích, ca dao tục ngữ cho chúng mày biết tay, đố đứa nào dám chê bà nội thằng cu Tý mù chữ nhé.
******
Giao thừa năm nay quán chị mở cửa đến sáng, kèm hình gia đình 3 thế hệ của chị mặc quốc phục đón giao thừa, nhạc xuân làm nền, liễng câu đối cổ truyền, bánh mứt, cành Mai, phong pháo... đúng điệu Tết Ta.
Chợ tết PhayBúc vang tiếng pháo tống tiễn năm cũ, thanh pháo đại vừa nổ làm banh xác mấy từ ngữ ngọng nghịu tối nghĩa, hú hồn chị đã hoàn lương, ai biểu già mà dại chạy theo chữ nghĩa vớ vẩn mới ra nông nổi.
Trước thềm năm Ất Mùi chị chúc bạn bè chợ PhayBúc, bằng hữu đó đây
Một nămAN KHANG THỊNH VƯỢNG, SỨC KHỎE DỒI DÀO, TÀI LỘC song toàn.
Mấy thằng nhóc, liệu mà dịch mấy từ này cho chuẩn qua tiếng Mỹ đấy.
Đoàn Thị
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét