Đức Giáo Hoàng: Cấp vũ khí cho Ukraine tự vệ là chính đáng về mặt đạo đức
Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô (Francis) hôm thứ Năm (15/9) cho biết việc các quốc gia cung cấp vũ khí cho Ukraine là chính đáng về mặt đạo đức để giúp nước này tự vệ trước sự xâm lược của Nga. Phát biểu với các phóng viên trên chuyến bay trở về sau chuyến đi kéo dài 3 ngày tới Kazakhstan, Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô kêu gọi Kyiv cởi mở các cuộc đối thoại cuối cùng, mặc dù điều đó có thể sẽ "khó chịu" vì điều này sẽ gây khó khăn cho phía Ukraine.
<!>
Cuộc chiến ở Ukraine do Nga xâm lược vào ngày 24/2, đã cung cấp bối cảnh cho chuyến thăm của Giáo hoàng tới Kazakhstan, nơi ông tham dự một đại hội của các nhà lãnh đạo tôn giáo từ khắp nơi trên thế giới.
Trong một cuộc họp báo dài 45 phút trên không, một phóng viên đã hỏi Đức Giáo hoàng rằng liệu việc các nước gửi vũ khí đến Ukraine có hợp lý về mặt đạo đức hay không.
"Đây là một quyết định chính trị có thể chấp nhận được về mặt đạo đức, nếu nó được thực hiện theo các điều kiện của đạo đức", Đức Giáo hoàng nói.
Đức Giáo hoàng giải thích các nguyên tắc về "Chiến tranh chính nghĩa" của Giáo hội Công giáo La Mã, cho phép sử dụng tỷ lệ vũ khí sát thương để tự vệ chống lại một quốc gia xâm lược.
"Tự vệ không chỉ là chính đáng mà còn là biểu hiện của tình yêu quê hương đất nước. Ai mà không tự bảo vệ mình, không bảo vệ cái gì thì không yêu cái đó. Những người bảo vệ cái gì thì chính là yêu cái đó", Đức Giáo hoàng nói.
Giải thích về sự khác biệt giữa việc cung cấp vũ khí cho quốc gia khác là vi phạm đạo đức hay vô đạo đức, Đức Giáo hoàng nói:"Có thể là vô đạo đức nếu có ý định kích động thêm chiến tranh, hoặc bán vũ khí hoặc bán phá giá vũ khí mà (một quốc gia) không còn cần nữa. Động cơ phần lớn là yếu tố đáp ứng tính đạo đức của hành động này".
Đức Giáo hoàng, người lần thứ hai trong chuyến công du quốc tế đã ngồi thông suốt cuộc họp báo thay vì đứng vì bệnh đau đầu gối kéo dài, đã được hỏi liệu Ukraine có nên đàm phán với quốc gia đã xâm lược mình hay không và liệu Ukraine có nên vạch "lằn ranh đỏ" tùy vào các hoạt động của Nga để có thể từ chối đàm phán hay không.
Đức Giáo hoàng nói: “Việc đối thoại với các quốc gia đã gây ra chiến tranh luôn luôn khó khăn… rất khó nhưng không nên bỏ qua”.
Đức Giáo hoàng nói: “Tôi sẽ không loại trừ đối thoại với bất kỳ thế lực nào đang có chiến tranh, ngay cả khi đó là với kẻ xâm lược. ... Đôi khi quý vị phải thực hiện những đối thoại kiểu như thế này. Điều đó rất khó chịu nhưng phải được thực hiện”, Ngài nói.
Giáo hoàng đã sử dụng từ tiếng Ý "puzza" (bốc mùi hoặc hôi thối), tương đương với từ "bịt mũi" trong tiếng Anh để mô tả làm điều gì đó mà người ta không muốn làm.
Đức Giáo hoàng nói: “Đối thoại luôn là một bước tiến về phía trước, với một bàn tay dang rộng. Bởi vì nếu không, chúng ta sẽ đóng cánh cửa hợp lý duy nhất dẫn đến hòa bình”.
“Đôi khi họ (kẻ gây hấn) không chấp nhận đối thoại. Thật đáng tiếc. Nhưng luôn cần phải đối thoại, hoặc ít nhất là đề nghị. Và điều này có lợi cho những người đề nghị”, Đức Giáo hoàng nhấn mạnh.
Ukraine phát hiện ngôi mộ tập thể của hơn 440 thi thể ở Kharkiv
Tờ Reuters đưa tin, các nhà chức trách Ukraine đã phát hiện một ngôi mộ tập thể lớn nhất từ trước đến nay của hơn 440 thi thể ở thị trấn phía đông bắc Izium, tỉnh Kharkiv, sau khi quân Nga rút quân khỏi thành phố này. Một quan chức cảnh sát khu vực cho biết, nhiều người thiệt mạng do pháo kích và các cuộc không kích.
Hàng nghìn binh sĩ Nga đã tháo chạy khỏi Izium vào cuối tuần trước sau khi chiếm đóng thành phố và sử dụng nó như một trung tâm hậu cần ở khu vực Kharkiv. Họ đã bỏ lại một lượng lớn đạn dược và vũ khí.
Ông Serhiy Bolvinov, cảnh sát trưởng điều tra vùng Kharkiv, nói với đài Sky News: “Có thể nói rằng, đây là một trong những khu chôn cất lớn nhất ở một thị trấn lớn thuộc các khu vực đã được giải phóng… 440 thi thể được chôn ở một chỗ. Một số chết vì đạn pháo ... một số chết vì không kích".
Reuters không thể xác minh ngay lập tức tuyên bố của Ukraine và không có bình luận công khai từ Nga về cáo buộc này.
Tổng thống Volodymyr Zelenskiy, người đã có chuyến thăm bất ngờ tới Izium hôm thứ Tư (14/9) để chào đón quân đội Ukraine cho biết, phát hiện này giống như những gì đã xảy ra ở Bucha, ngoại ô thủ đô Kyiv trong giai đoạn đầu của cuộc xâm lược hồi cuối tháng Hai của lực lượng Nga.
Ukraine và các đồng minh phương Tây đã cáo buộc lực lượng Nga gây ra tội ác chiến tranh ở đó. Các quan chức Ukraine cho biết hồi tháng 4, hàng chục nghìn dân thường có khả năng đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công của Nga nhắm vào cảng Mariupol, miền nam nước này.
Ông Zelenskiy nói trong một video phát biểu vào cuối ngày thứ Năm (15/9) rằng: “Nga đang để lại cái chết phía sau, ở khắp mọi nơi trên lãnh thổ Ukraine và sẽ phải chịu trách nhiệm về những hành động này".
Nga đã phủ nhận việc nhắm mục tiêu vào dân thường hoặc phạm tội ác chiến tranh.
Ukraine đạt được bước tiến nhanh chóng
Sau một tuần Ukraine đạt được những bước tiến chớp nhoáng ở phía đông bắc, các quan chức nước này cho biết các lực lượng Nga đang củng cố hệ thống phòng thủ và sẽ khó có thể duy trì tốc độ của cuộc tiến công.
Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn chưa bình luận công khai về thất bại mà lực lượng của ông phải gánh chịu trong tháng này. Các quan chức Ukraine cho biết 9.000 km vuông (3.400 dặm vuông) đã bị tái chiếm, diện tích này tương đương với đảo Síp.
Đoạn video do Reuters quay hôm 15/9 tại thị trấn phía đông Kupiansk, nơi mà lực lượng Ukraine tái chiếm vào tuần trước, cho thấy nhiều tòa nhà đã bị hư hại hoặc cháy rụi.
"Không điện, không liên lạc ... Nếu có thông tin liên lạc, chúng tôi ít nhất có thể trờ chuyện với gia đình", một người đàn ông nói.
Tuy nhiên, ông Serhiy Gaidai, thống đốc vùng Luhansk, miền đông Ukraine, cho biết đây vẫn sẽ là một trận chiến khó khăn để giành quyền kiểm soát khu vực Luhansk từ tay Nga.
Các cuộc tấn công tên lửa hàng ngày của Nga vào hôm 15/9, một ngày sau khi nước này bắn tên lửa hành trình vào một đập chứa nước gần Kryvyi Rih, quê hương của Tổng thống Zelenskiy ở miền trung Ukraine.
Phó Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Kyrylo Tymoshenko cho biết, các nhà chức trách ở Kryvyi Rih đang nỗ lực để sửa chữa thiệt hại và đến nay, mực nước con đập đang rút xuống.
Lực lượng Ukraine đã đẩy lùi ba cuộc tấn công của Nga ở phía bắc thành phố Donetsk trong bối cảnh các lực lượng Nga đã tiến hành các cuộc tấn công vào một số khu định cư trên chiến tuyến Kharkiv trong 24 giờ qua, Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết.
Reuters đã không thể xác minh các báo cáo chiến trường.
TNS Mỹ đề xuất Dự luật lưỡng đảng tuyên bố Nga là Nhà nước Bảo trợ Khủng bố
Thứ 4 (14/09) theo giờ địa phương, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham (Cộng hòa - South Carolina) và Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal (Dân chủ - Connecticut) của Mỹ đã đưa ra một dự luật lưỡng đảng chỉ định chính phủ Nga là “Nhà nước Bảo trợ Khủng bố”.
Cùng ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy mô tả Nga là một "quốc gia khủng bố" sau khi các lực lượng Nga bắn một tên lửa vào hồ chứa Karachunivske, làm vỡ hồ chứa nước này, khiến thành phố quê hương của Tổng thống - Kryvyi Rih - bị ngập lụt và buộc phải sơ tán.
“Ông Putin đã vượt qua mọi chuẩn mực văn minh trong suốt cuộc chiến ở Ukraine và trong những năm trước đó”, Thượng nghị sĩ Graham nói trong một tuyên bố.
"Ông ấy đã ra lệnh thực hiện các vụ ám sát do nhà nước bảo trợ, nhóm Wagner do Nga hỗ trợ đang khủng bố toàn thế giới, trong khi tội ác chiến tranh đang hàng ngày diễn ra ở Ukraine gây sốc cho mọi người", ông Graham nói.
Nhóm Wagner là tổ chức quân sự tư nhân; những lính đánh thuê hoạt động trong nhóm bị cáo buộc thực hiện tội ác chiến tranh ở châu Phi và Ukraine. Tổng thống Vladimir Putin luôn phủ nhận thông tin rằng nhóm Wagner là do Điện Kremlin kiểm soát.
Các thượng nghị sĩ Mỹ cho biết "Đạo luật Nga là Nhà nước Bảo trợ Khủng bố" sẽ cắt giảm mạnh xuất khẩu công nghệ và quốc phòng sang Nga, giảm đáng kể viện trợ nước ngoài và áp đặt thêm các hạn chế tài chính đối với Nga.
Đạo luật cũng sẽ loại bỏ quyền miễn trừ quốc gia của Nga trước các tòa án Mỹ, khiến chính phủ Nga phải đối mặt với các vụ kiện và các yêu cầu dân sự khác từ các nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố do nhà nước bảo trợ.
Thay đổi cuộc chơi
Ông Graham nói rằng người dân Ukraine đã yêu cầu Nga phải được chỉ định là Nhà nước Bảo trợ Khủng bố và rằng nếu được ban hành, dự luật này của Mỹ sẽ “thay đổi cuộc chơi trong cách chúng ta đối phó với những kẻ khủng bố trên toàn thế giới”.
Hôm thứ 4, ông Zelenskyy đã đến thăm một thành phố ở vùng Kharkiv mà Ukraine vừa tái chiếm. Ông cho biết các lực lượng Nga đã không để lại một ngôi nhà nào hoặc một nhà thờ nào không bị hư hại trong suốt 5 tháng chiếm đóng.
Tổng thống Ukraine cáo buộc Nga phạm tội ác diệt chủng đối với người Ukraine.
Ông Zelenskyy nói trong một video vào tối thứ 4: “Những kẻ chiếm đóng rời đi, để lại những ngôi trường thành những bãi rác, nhiều nhà thờ bị tàn phá, theo đúng nghĩa đen”. “Thế giới phải nhìn thấy sự tàn phá này, cảm nhận được nỗi đau mà Nga đã mang đến cho người Ukraine”, ông nói thêm.
“Các nhân viên thực thi pháp luật của chúng tôi đã nhận được báo cáo về những vụ giết người, tra tấn và bắt cóc bởi những kẻ chiếm đóng”, ông Zelenskyy cho biết. “Những gì thế giới nhìn thấy ở Bucha, những gì chúng ta thấy ở phần lãnh thổ bị chiếm đóng thuộc vùng Chernihiv, vùng Sumy, những gì chúng ta đang thấy ở vùng Kharkiv là bằng chứng về tội ác diệt chủng đối với người Ukraine”.
Còn theo Thượng nghị sĩ Blumenthal của Mỹ, những hành động của Nga trong những ngày và tuần qua đã cho thấy lý do tại sao nước này xứng đáng được chỉ định là Nhà nước Bảo trợ Khủng bố.
Ông Blumenthal nói: “Điều đã bộc lộ ra trong sự thành công của Ukraine trên chiến trường không chỉ là khả năng quân sự và điểm yếu của Nga, mà còn là việc ông Putin thực hiện những hành động tàn bạo dã man, tội ác diệt chủng và tội ác chiến tranh chống lại người dân Ukraine”. Ông cho rằng Nga nên được đưa vào nhóm các quốc gia cần bị cô lập.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo: ĐCSTQ không đại diện cho người dân Trung Quốc
Mới đây, cựu Ngoại trưởng Pompeo đã một lần nữa chỉ ra rằng, lời nói dối lớn nhất của chế độ Bắc Kinh là "Đảng Cộng sản Trung Quốc đại diện cho người dân Trung Quốc". Chế độ này hiểu rõ đó là một lời nói dối, bằng không, họ sẽ không chi số tiền nhiều hơn cả chi phí quốc phòng để trấn áp và giám sát người dân Trung Quốc.
Viện Nghiên cứu Hudson, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, đã thành lập "Trung tâm Trung Quốc" và cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo làm chủ tịch ủy ban cố vấn của trung tâm này. Trong một loại video tới đây, ông Pompeo sẽ "nói chuyện trực tiếp với người dân Trung Quốc về chủ đề quan hệ Mỹ - Trung".
Trong tập đầu tiên được đăng tải vào ngày 13/9, cựu Ngoại trưởng đã chỉ ra lời nói dối kể trên của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Theo Đài Á Châu Tự do (RFA), trong tập đầu tiên dài 3 phút có tiêu đề "ĐCSTQ không đại diện cho nhân dân Trung Quốc", ông Pompeo nói rằng ĐCSTQ là một tổ chức chính trị độc đảng và có một hệ tư tưởng thù địch với người dân Trung Quốc. ĐCSTQ ban đầu là một nhóm cực đoan tàn bạo, cho đến nay bản chất này cũng không thay đổi nhiều.
Ông Pompeo cũng chỉ ra rằng, người gây ra các vụ thảm sát dã man nhất trong lịch sử là cố lãnh đạo ĐCSTQ Mao Trạch Đông, mà nạn nhân chủ yếu là người dân Trung Quốc. Cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình cũng vậy, ông ta là người ra lệnh giết những người Trung Quốc đấu tranh cho dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện nay, ông Tập Cận Bình, đã và đang tiếp tục di sản của ĐCSTQ nhằm làm tê liệt nhân dân Trung Quốc.
"Đối với ĐCSTQ, người dân Trung Quốc chính là kẻ thù lớn nhất của họ", ông Pompeo nói.
Cựu Ngoại trưởng nhấn mạnh rằng, ĐCSTQ chỉ quan tâm đến quyền kiểm soát đối với người dân Trung Quốc.
"Tất cả các tương tác của tôi với các nhà lãnh đạo ĐCSTQ đã thuyết phục tôi rằng, ĐCSTQ thực sự quan tâm đến việc duy trì quyền kiểm soát đối với người dân Trung Quốc".
Ông cũng nói rằng, chế độ Bắc Kinh rất không ưa Hoa Kỳ vì họ sợ rằng người dân Trung Quốc sẽ được truyền cảm hứng từ tấm gương của nền dân chủ tự do ở Mỹ - một nền dân chủ có ảnh hưởng nhất trên thế giới.
"Tôi biết những việc làm của những người Trung Quốc dũng cảm đấu tranh cho tự do, ví như Giám mục giáo phận Hong Kong Joseph Zen Ze-kiun (Trần Nhật Quân), [doanh nhân Hong Kong] Jimmy Lai (Lê Trí Anh), vô số những người dân bình thường khác muốn truy cứu trách nhiệm của chính quyền, cùng vô số anh hùng lớn nhỏ trên khắp Trung Quốc. Họ có thể là những tín đồ của giáo hội gia đình (House church), hoặc những người thương tiếc vụ thảm sát Thiên An Môn, hoặc những người hàng ngày đều từ chối tin vào những lời dối trá của ĐCSTQ".
Ông Pompeo cũng nói rằng, lời nói dối lớn nhất mà ĐCSTQ đã tuyên truyền là nó tuyên bố đại diện cho Trung Quốc và nền văn minh Trung Hoa, trong khi ĐCSTQ biết rõ đây là một lời nói dối.
“Nếu Bắc Kinh thực sự nghĩ rằng họ đại diện cho người dân Trung Quốc, thì họ sẽ không chi số tiền nhiều hơn cả chi phí quốc phòng để đàn áp và giám sát người dân Trung Quốc. Nếu ĐCSTQ thực sự đại diện cho người dân Trung Quốc, thì ngày mai ĐCSTQ sẽ tổ chức bầu cử tự do và công bằng. Nhưng ĐCSTQ sẽ không làm điều này, bởi vì cái gọi là 'nước cộng hòa nhân dân' ấy, kỳ thực là coi chính người dân của mình là kẻ thù".
Ông Miles Yu (Dư Mậu Xuân) là Giám đốc Trung tâm Trung Quốc của Viện Nghiên cứu Hudson, ông cũng từng là cố vấn chính về chính sách Trung Quốc cho cựu Ngoại trưởng Pompeo. Tại một cuộc họp báo, ông Dư bày tỏ, "Trung tâm Trung Quốc" của Viện Nghiên cứu Hudson hy vọng sẽ có nhiều trao đổi sâu hơn với người dân Trung Quốc, vì chính phủ ĐCSTQ không đại diện cho người dân Trung Quốc. Ông cũng tin rằng, video của cựu Ngoại trưởng Pompeo sẽ có sức lan tỏa trong cộng đồng người nói tiếng Hoa thông qua các nhóm Twitter hoặc WeChat.
Pháp phô diễn sức mạnh không quân ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Pháp đã tái khẳng định vai trò của mình như một cường quốc ở Thái Bình Dương sau khi các lực lượng vũ trang Pháp hoàn thành cuộc phô diễn sức mạnh không quân đường dài.
Cuộc phô diễn lực lượng này, có mật danh Sứ mệnh Pégase 22, cho thấy một đội ngũ của Không quân Pháp bay từ Paris đến New Caledonia chỉ trong 72 giờ trên đường bay dài 16,600 km (10,315 dặm), chứng tỏ khả năng của Pháp trong việc tham chiến khi có xung đột xảy ra ở Thái Bình Dương.
Đội ngũ này gồm ba phi cơ phản lực Rafale và phi cơ yểm trợ.
Hãng thông tấn Nikkei Asia đã dẫn lời Thiếu tướng Stephane Groen — tham mưu trưởng của Không quân Pháp và Bộ Chỉ huy Các chiến dịch Trên không của Lực lượng Không quân Vũ trụ Pháp đồng thời là người chỉ huy cuộc tập trận này — cho biết, “Thực tế rằng chúng tôi đang cố gắng thể hiện sức mạnh không quân với mức độ như thế này ở khu vực Thái Bình Dương là một minh chứng cụ thể.”
“Chúng tôi là một quốc gia thuộc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nếu quý vị lấy số lượng công dân mà chúng tôi có ở khu vực Thái Bình Dương và Tây Nam Á, thì chúng tôi có hơn hai triệu người, và Vùng Đặc quyền Kinh tế của chúng tôi là khoảng 9 triệu km vuông,” ông nói.
Pháp thắt chặt mối bang giao với Ấn Độ
Sứ mệnh này cũng báo hiệu một kỷ nguyên mới về khả năng tương tác lẫn nhau ở cấp độ cao giữa Pháp và Ấn Độ. Hai nước vốn đều sử dụng phi cơ phản lực Rafale sau khi ký kết một thỏa thuận hỗ trợ hậu cần lẫn nhau vào năm 2018.
Đại sứ Pháp tại Ấn Độ Emmanuel Lenain đã tán dương cuộc tập trận này và nói rằng hoạt động này thể hiện cam kết của Pháp đối với các vùng lãnh thổ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
“Pháp là một cường quốc thành viên thuộc Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và cuộc phô diễn sức mạnh không quân đường dài đầy tham vọng này thể hiện cam kết của chúng tôi đối với khu vực này và các đối tác của chúng tôi. Lẽ dĩ nhiên, để thực hiện sứ mệnh này, chúng tôi dựa vào Ấn Độ, đối tác chiến lược hàng đầu của chúng tôi ở Á Châu,” ông Lenain nói. “Tôi chân thành cảm ơn Không quân Ấn Độ đã chào đón đội ngũ của Pháp.”
Trong một tuyên bố trên truyền thông, Đại sứ quán Pháp tại Ấn Độ nói rằng Sứ mệnh Pégase 22 là một “minh chứng hùng hồn về năng lực khai triển nhanh chóng của Pháp tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”
Họ nói: “Sứ mệnh này còn là bằng chứng cho thấy tình hình an ninh ở Âu Châu không làm suy giảm cam kết của Pháp và Âu Châu ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”
Cuộc phô diễn lực lượng của Pháp diễn ra trong bối cảnh những lo ngại nảy sinh khi Bắc Kinh thúc đẩy ảnh hưởng của họ trong khu vực.
Âu Châu tăng cường sự hiện diện ở Thái Bình Dương
Trong vài tháng qua, Đức cũng đã tham gia các cuộc tập trận chung ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với Singapore. Đồng thời, cuộc tập trận không quân quân sự Pitch Black của Úc còn có sự tham gia của một số quốc gia như Ấn Độ, Pháp, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đức, Indonesia, Singapore, Vương quốc Anh, và Nam Hàn.
Sự kiện này diễn ra sau khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố rằng tổ chức này sẽ tăng cường sự hiện diện trong khu vực để chống lại hành động gây hấn và quân sự hóa đang tiếp diễn từ phía Bắc Kinh.
“Chúng ta đã nhận thấy rằng Trung Quốc không sẵn sàng lên án hành động xâm lược của Nga. Và Bắc Kinh đã tham gia cùng Moscow để thách thức quyền của các quốc gia trong việc lựa chọn con đường riêng của họ,” ông Stoltenberg nói. “Đây là một thách thức nghiêm trọng đối với tất cả chúng ta. Và điều này càng nâng tầm quan trọng của việc chúng ta sát cánh cùng nhau để bảo vệ các giá trị của mình.”
Ông Michito Tsuruoka, giáo sư phụ tá chuyên về an ninh quốc tế và chính trị Âu Châu thuộc Đại học Keio của Nhật Bản, cho biết việc tái can dự vào khu vực này là một chiến lược tốt cho các cường quốc Âu Châu.
Trong một bài báo viết cho tạp chí The Diplomat vào năm 2021, ông lập luận rằng nếu các đồng minh khác tập trung vào các mối đe dọa và thách thức khác nhau trong các khu vực xung đột khác nhau, thì sẽ có nguy cơ lớn hơn trong việc dẫn đến “khoảng cách nhận thức lớn hơn” gây khó khăn cho việc “hợp tác cùng nhau về các vấn đề rộng lớn hơn như Trung Quốc hoặc Nga.”
Ông Tsuruoka nói: “Khoảng cách địa lý không còn có thể là một lá chắn để Âu Châu tự vệ khỏi hệ quả từ hành vi của Trung Quốc.”
Bắc Kinh tuyên bố báo cáo của IAEA về AUKUS ‘không chính xác’
Bắc Kinh đã chỉ trích cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc này vì đã đưa ra một đánh giá tích cực về tiến độ của thỏa thuận AUKUS cho đến thời điểm này.
“Trên cơ sở tham vấn và trao đổi kỹ thuật thực hiện với các bên AUKUS cho đến nay, Cơ quan này hài lòng với mức độ tiến hành thỏa thuận của họ,” theo một báo cáo từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) hôm 09/09, mà Reuters đã xem xét.
“Những cuộc tham vấn kỹ thuật như vậy sẽ tiếp tục trong tương lai gần. Cơ quan công nhận rằng AUKUS đang ở giai đoạn đầu và việc phát triển chính xác như thế nào vẫn chưa được các bên liên quan quyết định.”
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Bắc Kinh, ông Mao Ninh (Mao Ning), gọi bản báo cáo này là “không chính xác” vì cho rằng nó không đề cập đến mối lo ngại phổ biến vũ khí hạt nhân từ cộng đồng quốc tế.
Ông Mao kêu gọi một “ủy ban đặc biệt”mở cửa cho tất cả các quốc gia thành viên của IAEA để thảo luận về “các vấn đề chính trị, luật pháp, và kỹ thuật” xung quanh AUKUS trước khi gửi các khuyến nghị cho IAEA. Nếu không đạt được sự đồng thuận, các quốc gia AUKUS — Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, và Úc — không nên tiến hành thêm.
Tiến trình của AUKUS đang ổn định
Thỏa thuận AUKUS, được ký kết dưới thời Thủ tướng Úc tiền nhiệm Scott Morrison, cùng với cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden, sẽ đưa Úc trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới kiểm soát tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Hành động này sẽ làm thay đổi đáng kể cán cân quyền lực ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khi chỉ có sáu quốc gia trên thế giới được tiếp cận với tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân — Hoa Kỳ, Vương Quốc Anh, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, và Pháp.
Nhiều người coi thỏa thuận này là nhằm chống lại hành động gây hấn và quân sự hóa đang diễn ra của Bắc Kinh trong khu vực, bao gồm việc xây dựng các căn cứ ở Biển Đông, xâm nhập vào không phận Đài Loan, và hỗ trợ cho các đội tàu đánh cá bất hợp pháp.
Tuy nhiên, một số rào cản cần phải vượt qua trước khi Úc có thể trang bị những tàu ngầm này, trong đó có việc đáp ứng các biện pháp bảo vệ của IAEA vốn được thiết kế để ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân.
Thỏa thuận AUKUS rơi vào vùng xám vì các quy định của IAEA không đề cập đến việc sử dụng vật liệu hạt nhân cho động cơ hải quân.
Các nhà chức trách Úc lập luận rằng bất kỳ tàu ngầm nào về căn bản sẽ mang một hộp kín chứa lò phản ứng hạt nhân, do đó hạn chế nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân. IAEA đồng ý với quan điểm này.
Nga tuyên bố Trung Quốc ủng hộ cuộc xâm lược ở Ukraine
Giới lãnh đạo Nga đã ca ngợi sự ủng hộ từ phía Bắc Kinh trong tuần này (12-18/09), khi các nhà lãnh đạo của hai nước chuẩn bị gặp mặt trực tiếp lần đầu tiên kể từ hồi tháng Hai.
Nghị viện Nga cho biết, nhân vật quan trọng thứ ba trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ông Lật Chiến Thư (Li Zhanshu), đã công khai chấp nhận cuộc chiến ở Ukraine và bảo đảm với Nga về sự ủng hộ của Trung Quốc đối với cuộc xung đột này.
“Trung Quốc hiểu và ủng hộ Nga trong các vấn đề đại diện cho các lợi ích quan trọng của nước này, đặc biệt là trong tình hình ở Ukraine,” ông Lật nói, theo Duma Quốc gia Nga (tên gọi của Nghị viện Nga).
Trích dẫn này không được chứng thực trong tuyên bố của Trung Quốc về sự kiện trên, vốn không đề cập đến Ukraine.
Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình dự kiến sẽ gặp trực tiếp lãnh đạo Nga Vladimir Putin vào cuối tuần này trong một hội nghị thượng đỉnh khu vực ở Uzbekistan.
Lần gần đây nhất hai nhà lãnh đạo gặp nhau là vào hồi tháng Hai khi Thế vận hội Bắc Kinh khai mạc. Tại thời điểm đó, hai nhà lãnh đạo này đã tuyên bố về một mối quan hệ đối tác “không giới hạn.”
Đây cũng sẽ là lần đầu tiên ông Tập rời khỏi Trung Quốc sau hơn hai năm.
Cuộc gặp này có thể sẽ giúp ông Tập có cơ hội củng cố tầm quan trọng cá nhân của mình trước thềm Đại hội Đảng lần thứ 20 diễn ra vào tháng Mười, theo đó ông được kỳ vọng sẽ củng cố nhiệm kỳ thứ ba tại vị chưa từng có trong lịch sử. Đồng thời, cuộc gặp cũng sẽ cho phép cả hai nhà lãnh đạo thể hiện mối quan tâm chung của mình: chống lại Hoa Kỳ.
Hiệu quả quân sự kém cỏi của Nga ở Ukraine đã khiến Trung Quốc trở thành tâm điểm chú ý của quốc tế, vì ĐCSTQ luôn bảo vệ hành vi của Nga và từ chối thừa nhận tính hợp pháp của các lệnh trừng phạt quốc tế chống lại Điện Kremlin. Nỗ lực chiến tranh của Nga đã rơi xuống một mức thấp mới hồi tuần trước (05-11/09) khi các lực lượng vũ trang Nga buộc phải từ bỏ thành phố trọng điểm Izium.
Bối cảnh đó, cùng với việc ĐCSTQ không thừa nhận những bình luận của ông Lật, đã đặt ra câu hỏi về việc liệu Moscow có đang cố gắng sử dụng những ngôn từ được cho là của ông Lật để thúc đẩy mối bang giao giữa Nga và Trung Quốc trước thềm cuộc gặp này hay không.
“Về vấn đề Ukraine, chúng tôi thấy [Hoa Kỳ và NATO] đã đặt Nga vào một tình huống bất khả thi như thế nào,” ông Lật nói, theo Duma. “Và trong trường hợp này, Nga đã đưa ra một lựa chọn quan trọng và phản ứng một cách kiên quyết.”
“Chúng tôi hoàn toàn hiểu được sự cần thiết của tất cả các biện pháp mà Nga đã thực hiện nhằm bảo vệ các lợi ích quan trọng của nước này, chúng tôi đang cung cấp sự hỗ trợ của mình.”
Nếu đúng, thì những lời bình luận đó sẽ đánh dấu việc lần đầu tiên một quan chức Trung Quốc công khai tán thành “sự cần thiết” của việc Nga xâm lược hoặc thừa nhận rằng Bắc Kinh đang “hỗ trợ” cho Nga ở Ukraine.
Bắc Kinh kiên quyết từ chối lên án cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine và đã kiểm duyệt những người xem cuộc xung đột này là một “cuộc chiến.”
Theo Tân Hoa Xã, ông Lật đã bày tỏ sự sẵn sàng của Trung Quốc trong việc “tiếp tục hợp tác với Nga để ủng hộ nhau một cách vững chắc về các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi và mối quan tâm chính của nhau.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét