Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 29 tháng 9, 2022

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT : 29/09/2022

Điện Kremlin nói ông Putin sẽ chủ trì buổi lễ sáp nhập lãnh thổ Ukraine vào Nga Tổng thống Vladimir Putin sẽ tổ chức lễ ký kết tại Điện Kremlin vào thứ Sáu để sáp nhập các vùng lãnh thổ của Ukraine vào Nga, người phát ngôn của ông cho biết. Các quan chức do Nga hậu thuẫn tại 4 khu vực của Ukraine cho biết các cuộc trưng cầu dân ý cho thấy đa số người dân đã bỏ phiếu ủng hộ Nga, trong khi đó Ukraine và phương Tây cáo buộc những cuộc bỏ phiếu này là “giả”. Điện Kremlin cho biết ông Putin sẽ có bài phát biểu quan trọng vào thứ Sáu sau lễ ký kết tại Điện Kremlin và sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo của các khu vực Ukraine do Moscow chỉ định.
<!>
Chính quyền 4 tỉnh Ukraine do Nga cài đặt hôm thứ Tư đã chính thức đề nghị ông Putin sáp nhập các tỉnh này vào Nga.

“Kết quả đã rõ ràng. Chào mừng các bạn trở về nhà, về với nước Nga!”, Dmitry Medvedev, cựu Tổng thống và từng là phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cho biết trên Telegram.

Các nhà chức trách do Nga hậu thuẫn tuyên bố đã tiến hành các cuộc trưng cầu dân ý trong 5 ngày ở các vùng phía đông và nam Ukraine, chiếm khoảng 15% lãnh thổ đất nước.

Nhiều người dân chạy trốn khỏi các khu vực do Nga dự tính sáp nhập trong những ngày gần đây đã kể về việc trông thấy người dân bị giới chức lưu động buộc phải đánh dấu các lá phiếu trên đường phố trước họng súng. Đoạn phim được quay cho thấy các quan chức do Nga cài đặt mang các thùng phiếu từ nhà này sang nhà khác, đi cùng với những người đàn ông có vũ trang.

“Họ có thể thông báo bất cứ điều gì họ muốn. Không ai bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu này ngoại trừ một vài người đã đổi phe. Họ đi từ nhà này sang nhà khác nhưng không ai ra ngoài”, Lyubomir Boyko, 43 tuổi, đến từ Golo Pristan, một ngôi làng ở Kherson do Nga chiếm đóng cho biết.

Nga cho biết việc bỏ phiếu là tự nguyện, phù hợp với luật pháp quốc tế và tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu rất cao. Các cuộc trưng cầu dân ý và khái niệm sáp nhập đã bị Liên Hợp Quốc bác bỏ.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong những ngày tới sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế lên Moscow để đáp lại động thái sáp nhập.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price nói với các phóng viên: “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các đồng minh và đối tác để gây áp lực lớn hơn nữa đối với Nga cũng như các cá nhân và thực thể đang hỗ trợ nỗ lực chiếm đất của nước này”.

Người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết các biện pháp này sẽ bao gồm các hình phạt đối với các cá nhân và thực thể cả trong và ngoài nước Nga ủng hộ việc sáp nhập.

Các đồng minh đang làm mất lòng ông Putin


Các đồng minh truyền thống của Mát-xcơ-va ở Trung Á đang âm thầm thực hiện các động thái có khả năng làm mất lòng nhà lãnh đạo Nga, theo Aljazera.

Tổng thống Kazakhstan – ông Kassym-Jomart Tokayev, từng phát biểu với câu châm ngôn nổi tiếng: “Mối quan hệ tốt với các nước láng giềng chính là sự bảo đảm an toàn”.

Tuy nhiên, những gì ông đang làm có thể làm căng thẳng nghiêm trọng mối quan hệ của Kazakhstan với nước láng giềng hùng mạnh Nga.

Ông Tokayev đã chỉ thị cho chính phủ của mình giúp đỡ hàng chục nghìn người Nga tràn vào đất nước của ông, vì cuộc huy động quân sự hỗn loạn và quy mô lớn cho cuộc chiến ở Ukraina.

Bộ Nội vụ Kazakhstan cho biết, gần 100.000 người Nga đã tới Kazakhstan kể từ ngày 21 tháng 9, khi Tổng thống Nga Putin tuyên bố điều động.

Ông Tokayev nói: “Phần lớn họ phải ra đi vì tình thế vô vọng. Chúng tôi phải chăm sóc và bảo đảm an toàn cho họ”.

Những người Hồi giáo ở Trung Á là nguồn lao động lớn di cư đến Nga trong nhiều thập niên trước đây. Đã có những báo cáo tiêu cực về chủ nghĩa bài ngoại ở Nga, cũng như những lời phàn nàn về hoạt động của cảnh sát Nga đối với họ.

Ngược lại Trung Á cũng là nơi sinh sống của rất nhiều người dân tộc Nga, những người có cha ông của họ đã từng di cư tới đây vào thời liên bang Xô Viết.

Hôm thứ Hai, Bộ Ngoại giao Kazakhstan cho biết, họ sẽ không công nhận “cuộc trưng cầu dân ý” ở các khu vực Ukraina bị chiếm đóng.

Vào tháng 6 vừa qua, Tổng thống Tokayev đã thản nhiên nói với Tổng thống Nga Putin rằng, chính phủ của ông sẽ không tuân theo Mát-xcơ-va trong việc công nhận “nền độc lập” của các tổ chức ly khai ở Donetsk và Luhansk của Ukraina.

Bộ Nội vụ Kazakhstan cho biết, họ sẽ chỉ dẫn độ những người Nga bị đưa vào danh sách truy nã quốc tế.

Ông Marat Akhmetzhanov, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết: “Việc tìm kiếm người Nga được tiến hành bởi các Văn phòng tuyển quân, là không có căn cứ để dẫn độ”.

Số lượng người Nga đến Kazakhstan đang tăng lên theo từng giờ. Kazakhstan cho phép người Nga đi qua biên giới của mình mà không cần hộ chiếu nước ngoài. Chủ yếu họ đến qua đường biên giới trên đất liền trải dài 7.644 km.

Theo các nhà hoạt động giám sát biên giới, hàng nghìn ô tô và xe buýt đã bị mắc kẹt tại 10 cửa khẩu biên giới, và thời gian chờ đợi tăng lên từ ba giờ thành ba ngày.

Vé máy bay là thứ không thể có được. Các khách sạn, ký túc xá và nhà nghỉ tư nhân ở miền bắc Kazakhstan chật cứng đến mức, chủ một rạp chiếu phim ở thành phố biên giới Oral đã gây xôn xao, khi ông cho những người Nga vô gia cư ngủ miễn phí trong khuôn viên.

Mặc dù Kazakhstan có tỷ lệ dân số gốc Nga lớn nhất ở Trung Á, hầu hết những người mới đến đều coi đây là nơi trú ẩn tạm thời, cho đến khi họ tìm được vé máy bay đến các quốc gia khác.

Các lệnh trừng phạt của phương Tây đã hạn chế số lượng các hãng hàng không ở Nga, khiến giá vé tăng chóng mặt.

Quan chức phụ trách vấn đề di cư – Aslan Atalykov cho biết: “Khả năng người Nga sử dụng các sân bay của chúng tôi để di dời, là một trong những lý do khiến người nhập cư đến rất đông”.

Trang web Orda.kz đưa tin, trích dẫn dữ liệu của Bộ Nội vụ Kazakhstan, cho biết, hai phần ba trong số 100.000 người mới đến đã rời đi, và chỉ khoảng 8.000 người nhận được mã số thuế cần thiết để mở tài khoản ngân hàng hoặc nhận giấy phép cư trú tạm thời.

Một số người chạy đến Uzbekistan, quốc gia đông dân nhất Trung Á nằm ở phía nam Kazakhstan – và tuyệt vọng tìm kiếm chỗ ở.

Nhưng các nhà chức trách Uzbekistan đã thận trọng hơn nhiều so với người Kazakhstan.

Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev không ủng hộ hay phản đối chiến tranh. Ông đã sa thải ngoại trưởng Abdulaziz Komilov, vì hồi tháng 3, ông này từng nói rằng Tashkent không công nhận các tổ chức ly khai. Nhưng cuối cùng, không quốc gia Trung Á nào công nhận các nước cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk và Luhansk.

Sự im lặng của Uzbekistan do lo ngại rằng Nga có thể trục xuất ít nhất hai triệu người di cư lao động Uzbekistan đang làm việc tại nước này.

Điện Kremlin thường dùng đến việc giam giữ và trục xuất hàng loạt người di cư lao động từ các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, như một công cụ để gây sức ép với chính phủ của họ.

Các quan chức phụ trách di cư Kyrgyzstan không báo cáo số lượng người Nga nhập cảnh vào quốc gia của họ sau ngày 21 tháng 9, nhưng một nhóm có tên ‘Chào mừng đến với Kyrgyzstan’ trên Telegram, có số thành viên tăng lên nhanh chóng và tự hào có hàng nghìn thành viên.

Ủy Ban Châu Âu đề xuất áp giá trần đối với dầu hỏa Nga


Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen trả lời truyền thông về khủng hoảng Ukraina, Bruxelles, ngày 28/09/2022. REUTERS - YVES HERMAN
Phan Minh
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen hôm qua, 28/09/2022, thông báo đã đề xuất với các nước thành viên Liên Hiệp châu Âu (EU) áp giá trần đối với dầu hỏa của Nga. Bà cũng đề nghị ban hành các hạn chế mới đối với trao đổi thương mại với Nga, sau khi Matxcơva tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý nhằm sáp nhập các vùng phía đông và phía nam Ukraina. Các biện pháp mới vẫn cần phải được 27 nước thành viên Liên Âu nhất trí thông qua.

Trong cuộc họp báo chung với lãnh đạo ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu Josep Borrell, bà Von der Leyen tuyên bố : "Chúng tôi không chấp nhận các cuộc trưng cầu dân ý giả hiệu và bất kỳ hình thức sáp nhập nào ở Ukraina. Và chúng tôi quyết tâm buộc điện Kremlin phải trả giá cho sự leo thang mới này".

Bà Von der Leyen nói thêm: "Chúng tôi biết rằng một số nước đang phát triển vẫn cần nguồn cung dầu của Nga với giá thấp. Đây là lý do G7 đã chấp nhận nguyên tắc áp giá trần đối với dầu hỏa Nga cung cấp cho các nước thứ ba. Điều này một mặt sẽ khiến Nga bị giảm thu nhập và mặt khác vẫn duy trì sự ổn định của thị trường năng lượng toàn cầu".

Theo AFP, bà Von der Leyen cũng nhắc lại Liên Âu đã quyết định cấm các nước thành viên mua dầu của Nga và vận chuyển bằng đường biển từ ngày 05/12, đồng thời Ủy Ban Châu Âu cũng đã đề xuất các lệnh cấm mới đối với việc nhập khẩu các sản phẩm của Nga trị giá tổng cộng 7 tỷ euro và mở rộng danh sách các sản phẩm không còn được xuất khẩu sang Nga.

Viện trợ mới của Mỹ cho Ukraina
Về phần Hoa Kỳ, Lầu Năm Góc hôm qua công bố một đợt viện trợ quân sự mới trị giá 1,1 tỷ đô la cho Ukraina. Khoản viện trợ mới này của Mỹ nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraina trong trung và dài hạn, bao gồm 18 hệ thống pháo Himars, 150 xe bọc thép "Humvees", 150 xe chở vũ khí, các radar và hệ thống phòng thủ chống drone.

Chiến đấu cơ Phần Lanthao dượt trên đường cao tốc trước mối đe dọa từ Nga
.

Chiến đấu cơ F/A Hornet hạ cánh trên đường cao tốc ở Jousta, Phần Lan, 28/09/2022. REUTERS - JANIS LAIZANS
Lần đầu tiên Phần Lan đóng các tuyến đường cao tốc quan trọng trong 5 ngày để các chiến đấu cơ phản lực thao dượt hạ cánh và cất cánh. Cuộc tập luyện trên các tuyến đường bộ là nhằm giúp cho Không Quân Phần Lan có thể nhanh chóng phân tán chiến đấu cơ trên toàn quốc để bảo vệ phi đội.

Nga ngưng cấp hộ chiếucho các công dân đã bị động viên


Một người cầm hộ chiếu Nga tại cửa khẩu Vaalimaa giữa Nga và Phần Lan, ngày 23/09/2022. REUTERS - JANIS LAIZANS
Thanh Hà
Càng lúc càng khó ra khỏi nước Nga. Để ngăn chận người Nga trốn lệnh động viên, chính quyền Matxcơva hôm 28/09/2022 thông báo « ngưng cấp hộ chiếu quốc tế cho tất cả các công dân đã bị gọi đi nghĩa vụ quân sự hay đã được lệnh động viên ».

Công dân Nga cần có hộ chiếu quốc tế để được nhập cảnh vào nhiều quốc gia trên thế giới. Nhưng riêng với một số nước lân cận như Armenia, Belarus, Kazakhstan hay Khirghizistan thì chỉ cần chứng minh thư là đủ.

Hãng tin Pháp AFP nhắc lại lệnh cấm vừa ban hành hôm 28/9 được đưa ra vào lúc người dân Nga trong tuổi đi lính hối hả tìm đường ra nước ngoài, tránh bị điều sang chiến trường Ukraina. Điều khiến các công dân Nga lo ngại hơn cả là một số quốc gia lân cận đã đóng hẳn các cửa khẩu.

Hàng chục ngàn người Nga đã chạy trốn lệnh « động viên lính dự bị », chủ yếu tìm đường sang Gruzia, Khazakhstan và Mông Cổ bằng đường bộ. Tình trạng gây lo ngại cho chính quyền Nga đến nỗi, cách đây hai ngày, nhân viên an ninh Nga ra tận biên giới với Gruzia để kiểm tra giấy tờ những người muốn xuất ngoại.

Tuần trước, khi thông báo lệnh « động viên bán phần », tổng thống Vladimir Putin nói rõ chỉ huy động những ai « có kinh nghiệm chiến đấu » nhưng trên thực tế, AFP ghi nhận, cả người già, hay sinh viên… đều bị gọi đi lính. Theo giới quan sát, Matxcơva huy động một lực lượng đông hơn nhiều so với con số 300.000 quân như bộ Quốc Phòng đã thông báo.

Cơ quan biên phong châu Âu Frontex thẩm định đã có khoảng 66.000 công dân Nga nhập cảnh vào Liên Hiệp Châu Âu trong tuần lễ từ ngày 19 đến 25/09/2022. Con số này cao hơn 30 % so với môt tuần lễ trước đó. Chỉ riêng Phần Lan, có đường biên giới chung với Nga 1.300 km, đã đón nhận thêm 30.000 công dân Nga. Estonia, Litva, Latvia và Ba Lan từ ngày 19/09/2022 đã bắt đầu hạn chế việc đón nhận các công dân Nga.

Theo số liệu của Frontex, từ khi chiến tranh Ukraina khai mào cuối tháng 2/2022, đã có hơn 1,3 triệu công dân Nga nhập cảnh vào Liên Âu bằng đường bộ. Trong chiều ngược lại, cũng đã có hơn 1,2 triệu người Nga đã trở về nước, cũng qua các đường biên giới trên bộ.

Tổng thống Iran lên tiếng về cái chết của Mahsa Amini


Tổng thống Iran Ebrahim Raïssi trong một cuộc họp của chính phủ, Teheran, Iran, ngày 28/09/2022. © AFP
Phan Minh
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi hôm qua 28/09/2022 cho biết ông và người dân Iran rất « đau buồn » về cái chết của Mahsa Amini, cô gái bị cảnh sát « đạo đức » bắt giữ vì trùm khăn choàng đầu không đúng quy cách. Tuy nhiên, tổng thống Raisi cũng nhấn mạnh rằng mọi hành động nổi loạn « sẽ không được dung thứ », trong bối cảnh phong trào biểu tình phản kháng sau cái chết của Mahsa Amini vẫn tiếp diễn.

Từ Teheran, thông tín viên Siavosh Ghazi tường trình :

Đây là phản ứng chính thức đầu tiên của tổng thống Raisi về cái chết của Mahsa Amini. Ông cho biết đã gọi cho cha của Mahsa Amini để khẳng định sẽ có một cuộc điều tra minh bạch về cái chết của con gái ông. Tổng thống Iran nói kết quả điều tra sẽ được bác sỹ pháp y công bố trong vài ngày tới. Đồng thời, ông kêu gọi mở một cuộc tranh luận về hành động của cảnh sát đạo đức.

Tổng thống Raisi nói : "Bày tỏ chính kiến của mình không có nghĩa là gây rối. Có sự khác biệt giữa một mặt là bày tỏ sự bất bình, chỉ trích và mặt khác là gây rối. Chúng ta phải tạo điều kiện để mọi người có thể bày tỏ quan điểm về các vấn đề khác nhau. Không có gì sai khi chỉ trích, đôi khi điều đó có thể làm cho mọi việc trở nên tốt hơn, nhưng đồng thời phải ngăn chặn tình trạng bất ổn trong xã hội."

Bài phát biểu của tổng thống Iran được đưa ra khi chính quyền dường như đã giành lại quyền kiểm soát tình hình sau 12 ngày biểu tình phản kháng, mà theo báo chí đã khiến 60 người chết, trong đó có 10 cảnh sát.

Không có nhận xét nào: