Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2022

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :28/09/2022


Đường ống Nord Stream:Liên Âu cảnh cáo mọi tấn công nhắm vào cơ sở hạ tầng Cảnh mặt biển sủi bọt ở ngoài khơi bờ biển đảo Bornholm (Đan Mạch), ghi nhận ngày 27/09/2022, sau nhiều vụ rò rỉ bất thường trên hai đường ống dưới Biển Baltic dẫn khí từ Nga sang Đức. © Danish Defence Command via AP Thu Hằng Liên Hiệp Châu Âu ra thông cáo ngày 28/09/2022 cảnh cáo mọi cuộc tấn công nhắm vào những cơ sở hạ tầng năng lượng và sẽ đưa ra « biện pháp đáp trả nghiêm khắc và đoàn kết ». Theo Bruxelles, « tất cả những thông tin có được đều cho thấy các vụ rò rỉ là kết quả của một hành động có chủ đích ».
<!>
Trước đó, sau buổi thảo luận vào tối 27/09, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen và thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen đều nhắc đến « một hành động phá hoại », « nhiều vụ nổ đã xảy ra ». Theo một số đoạn video, có thể nhìn thấy nước biển sủi bọt trong đường kính từ 200 m đến 1 km quanh ba khu vực rò rỉ được xác định từ thứ Hai 26/09 ở ngoài khơi đảo Dornholm của Đan Mạch, nằm ở phía nam Thụy Điển và Ba Lan.

Còn theo người đứng đầu ngành ngoại giao châu Âu Josep Borrell, « những sự cố đó không phải là trùng hợp ngẫu nhiên và tác động đến tất cả chúng ta ». Liên Hiệp Châu Âu « hỗ trợ mọi cuộc điều tra để đưa ra ánh sáng chuyện xảy ra và tại sao ».

Ngoại trưởng Antony Blinken khẳng định Mỹ ủng hộ nỗ lực điều tra của Liên Hiệp Châu Âu. Phát biểu với báo chí ngày 27/09, ông trấn an rằng « những vụ rò rỉ này sẽ không tác động đáng kể đến năng lượng » ở châu Âu. Thực vậy, cả hai đường ống dẫn khí Nord Stream 1 và 2 đều không hoạt động do phương Tây trừng phạt Nga xâm chiếm Ukraina, nhưng chứa đầy khí.

Về phần NATO, tổng thư ký Jens Stoltenberg cũng thể hiện quan ngại về các vụ rò rỉ từ hai đường ống dẫn khí nối Nga với Đức đi qua biển Baltic. Theo AFP, ông gặp bộ trưởng Quốc Phòng Đan Mạch ngày 28/09 để nắm bắt tình hình.

Hàn Quốc lập phái đoàn đại diện thường trực bên cạnh NATO


Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (P) gặp tổng thống Hàn Quốc Suk Yeol Yoon tại Hội Nghị Thượng Đỉnh NATO ở Madrid (Tây Ban Nha) ngày 30/06/2022. © nato.int
Trần Công
Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thông báo đã chấp thuận yêu cầu thành lập văn phòng đại diện của Hàn Quốc.

Ngày 27/09/2022 (giờ Hàn Quốc), NATO thông báo trên trang web của mình rằng: "Chúng tôi đã quyết định chấp nhận yêu cầu của chính phủ Hàn Quốc về việc chỉ định đại sứ quán Hàn Quốc tại Bỉ làm phái đoàn đại diện thường trực bên cạnh Liên Minh Bắc Đại Tây Dương - NATO."

NATO cho biết: "Đây là một bước quan trọng để tăng cường hợp tác với Hàn Quốc" và "NATO và Hàn Quốc đã phát triển mối quan hệ hợp tác bền chặt dựa trên các giá trị chung kể từ năm 2005". Thông báo ghi thêm: "Với Hàn Quốc, đối thoại chính trị và hợp tác thực tế đang diễn ra trong các lĩnh vực bao gồm không phổ biến vũ khí hạt nhân, phòng thủ mạng, chống khủng bố và cứu trợ thảm họa... Hàn Quốc thực sự là một đối tác tích cực của NATO."

Trong khi đó, vào ngày 28/092022, bộ Ngoại Giao Hàn Quốc cho biết ông Kim Geon – người đứng đầu Trụ Sở Đàm Phán Hòa Bình Bán Đảo Triều Tiên đã tham dự hội nghị NATO mở rộng (NAC+4), và có báo cáo về vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Ông Kim cũng giải thích về phương án phản ứng của chính quyền với chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên, và đưa ra lộ trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên thông qua ngoại giao và đối thoại.

Cuộc họp lần này của NATO có 36 quốc gia tham dự, bao gồm 30 quốc gia thành viên, Thụy Điển, Phần Lan và 4 đối tác Châu Á – Thái Bình Dương bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và New Zealand.

Ai Cập khách hàng lớn nhất của ngành công nghiệp quốc phòng Pháp

Tiêm kích Rafale của tập đoàn Dassault bay biểu diễn trong Triển lãm Hàng Không Paris, Bourget, ngoại ô đông bắc Paris, Pháp, ngày 18/06/2019. AP - Francois Mori
Chi Phương
Theo một báo cáo được công bố hôm 27/09/2022, Pháp đã xuất khẩu 30 chiến đấu cơ Rafale cho Ai Cập vào năm 2021. Khu vực Trung và Cận Đông trở thành điểm đến hàng đầu cho mặt hàng vũ khí Pháp vào năm ngoái.

Với đơn đặt hàng vũ khí lên đến 4,5 tỷ euro, Ai Cập trở thành khách hàng số một của ngành công nghiệp sản xuất vũ khí, khí tài Pháp vào năm 2021, theo AFP. Bộ trưởng Quân Lực Pháp, ông Sébastien Lecornu cho biết « với tổng số đơn đặt hàng trị giá lên đến 11,7 tỷ euro vào năm 2021, đây là lần thứ ba, giá trị xuất khẩu vũ khí Pháp đạt mức cao kỷ lục. »

Trong năm 2022, Pháp cũng đã nhận được đơn đặt hàng lớn của Ả Rập Xê Út : 80 chiến đấu cơ Rafale. Các đơn đặt hàng của Cận Đông và Trung Đông chiếm đến 40 % trong tổng giá trị xuất khẩu vũ khí. Tại châu Âu, trong năm vừa qua, Pháp cũng đã xuất khẩu các loại vũ khí như máy bay trực thăng và hệ thống ra-đa và tên lửa địa đối không cho Serbia, đại bác Cezar cho CH Séc, cũng như là các chiến đấu cơ Dasault cho Hy Lạp và Croitia.

Theo báo cáo do Nghị Viện Pháp công bố, « những căng thẳng địa chính trị gia tăng và khủng hoảng ở Ukraina đã góp phần duy trì mức chi tiêu cao về quân sự, tăng cường nhu cầu an ninh của các nước châu Âu ». Báo cáo cũng cho biết Đức và các quốc gia Bắc Âu như Đan Mạch và Na Uy hay Ba Lan đã thông báo gia tăng chi tiêu quốc phòng.

Pháp là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ ba thế giới, đứng sau Hoa Kỳ và Nga.

Hàn Quốc trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 8 trên thế giới


Xe tăng K2 của quân đội Hàn Quốc vận động và bắn trình diễn tại Triển Lãm Quốc Phòng Hàn Quốc ở trường bắn quân sự Pocheon, Hàn Quốc, ngày 20/09/2022. AP - Lee Jin-man
Thu Hằng
Hàn Quốc hiện là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 8 trên thế giới, theo thống kê của Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế (SIPRI), có trụ sở tại Stockholm, Thụy Điển, trong khi năm 2000 Hàn Quốc chỉ đứng hàng thứ 31. Chính quyền Seoul không giấu tham vọng lọt vào Top 5, hiện gồm các nước Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức.

Năm 2022 trở thành năm thành công nhất của ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc, đặc biệt với hợp đồng vũ khí trị giá gần 14 tỉ đô la ký với Ba Lan, gồm 48 chiến đấu cơ FA-50 của tập đoàn Korea Aerospace Industries (KAI), vài trăm xe tăng K2 của tập đoàn Hyundai Rotem và súng cối tự hành K9 của công ty Hanwha Defense. Trước đó, cũng trong năm 2022, Seoul đã giao hệ thống phòng không Cheongung cho Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất trị giá 3,6 tỉ đô la, cung cấp súng cối K9 cho Ai Cập theo hợp đồng trị giá 1,7 tỉ đô la.

Theo nhật báo kinh tế Pháp Les Echos ngày 28/09, trong vòng 10 năm, khối lượng vũ khí xuất khẩu của Hàn Quốc đã tăng gấp 10 lần. Năm 2012, quốc gia Đông Á này chỉ xuất khẩu khoảng 3 tỉ đô la thiết bị quân sự, con số này đã tăng lên gần 20 tỉ đô la trong năm 2022, nhờ vào chiến lược phối hợp giữa Nhà nước và các đại tập đoàn quốc phòng.

Hàn Quốc hiện cũng cạnh tranh với các tập đoàn phương Tây trên nhiều thị trường, như Philippines, New Zealand, Thái Lan, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Senegal, nhờ vào « khả năng sản xuất thiết bị quân sự công nghệ trung bình nhưng lại có chất lượng cao với giá cả cạnh tranh », theo nhận định của chuyên gia Richard Bitzinger, trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam tại Singapore.

Ông Richard Bitzinger nhắc lại : « Hàn Quốc coi sản xuất vũ khí trở thành một chiến lược công nghiệp mũi nhọn. Họ duy trì mức kinh phí quân sự cao, dành nhiều quỹ lớn cho nghiên cứu và phát triển, đồng thời hỗ trợ mạnh mẽ xuất khẩu trong lĩnh vực này ».

Chiến lược này có từ thời tổng thống Moon Jae In và được người kế nhiệm Yoon Suk Yeol tiếp tục. Nằm cạnh nước láng giềng Trung Quốc ngày càng hiếu chiến và một Bắc Triều Tiên khó lường, Hàn Quốc tìm cách phòng thủ bằng cách tự chủ công nghiệp và tăng cường các mối quan hệ đối tác quân sự trên quy mô quốc tế.

Trưng cầu dân ý gia nhập Nga: Bắc Kinh kêu gọi tôn trọng "toàn vẹn lãnh thổ"


Ảnh minh họa: Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc tham dự phiên họp của Hội Đồng Nhân Quyền ở Genève, Thụy Sĩ, ngày 12/09/2022. REUTERS - DENIS BALIBOUSE
Anh Vũ
« Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước phải được tôn trọng », đó là lập trường được đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc cũng như phát ngôn viên bộ Ngoại Giao ở Bắc Kinh nhắc lại hôm 27/09/2022, khi đề cập đến việc Matxcơva tổ chức các cuộc « trưng cầu dân ý » nhằm sáp nhập các vùng đất ly khai mà họ đang kiểm soát tại Ukraina và Nga.

Tuyên bố trên thể hiện sự khó xử của Trung Quốc trước những động thái phiêu lưu liều lĩnh của Nga tại Ukraina.

Thông tín viên Stéphane Lagarde tại Bắc Kinh cho biết thêm thông tin:

Tính cách ngông nghênh của Vladimir Putin đặt chính quyền Trung Quốc vào thế khó xử và thái độ khó chịu này được thể hiện qua các phát ngôn lặp đi lặp lại của ngoại giao Trung Quốc về vấn đề chủ quyền của các quốc gia. Thông điệp này đã được chủ tịch Trung Quốc đưa ra với người đồng cấp Nga bên lề hội nghị Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải cách đây 10 ngày.

Vẫn là điều như vậy đã được nhắc lại tại New York cuối tuần qua, trong cuộc gặp giữa ngoại trưởng Trung Quốc và đồng nhiệm Ukraina nhưng Matxcơva tiếp tục phớt lờ. Thông điệp trên đã được báo chí nhấn mạnh từ hôm thứ Tư tuần trước và hôm qua tại Bắc Kinh được phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc nhắc lại.

Đó là cách để nói rằng Trung Quốc sẽ không công nhận kết quả các cuộc trưng cầu dân ý, như đã từng không công nhận vụ sáp nhập Crimée hồi năm 2014, hay nền độc lập của các nước Cộng Hòa ly khai tuyên bố cách đây 7 tháng.

Với Bắc Kinh, nguyên tắc về chủ quyền này là bất di bất dịch. Cần biết rằng Trung Quốc tự nhận đang đấu tranh với chủ trương ly khai ở nhiều nơi như Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương và Nội Mông. Chính quyền Trung Quốc cũng thấy đáng sợ đe dọa hạt nhân của Kremlin. Vấn đề đang gây lúng túng cho « Nhà nước đảng » Trung Quốc khi chỉ còn 3 tuần nữa sẽ có sự thay đổi trong ban lãnh đạo tại Đại hội lần thứ 20 của đảng Cộng sản vào tháng tới.

Tại Mỹ, kế hoạch xóa một phần nợ cho sinh viên tốn 400 tỷ đô la


Ảnh minh họa: Trường đại hoc Harvard tại thành phố Cambridge, bang Massachusetts (Hoa Kỳ). AP Photo/Charles Krupa
Chi Phương
Quyết định của tổng thống Joe Biden xóa một phần nợ sinh viên tiếp tục gây tranh cãi tại Hoa Kỳ, vì tốn kém đến 400 tỷ đô la. Phe đối lập thuộc đảng Cộng Hòa cho rằng số tiền khổng lồ này có thể được sử dụng một cách hiệu quả hơn.

Từ Washington, thông tín viên RFI Guillaume Naudin tường trình :

400 tỷ đô la, thậm chí có thể nhiều hơn một chút, theo ước tính hôm 26/09 của tiểu ban ngân sách của Quốc Hội Hoa Kỳ, một cơ cấu lưỡng đảng, chuyên tính toán chi phí về chính sách công. Tuy nhiên đây không phải là đánh giá duy nhất được đưa ra. Một tổ chức khác, vốn công khai phản đối lựa chọn của Joe Biden, ước tính con số này có thể cao hơn, lên đến 600 tỷ đô la.

Tổng thống Hoa Kỳ đã quyết định xóa 20.000 đô la tiền nợ cho những sinh viên nhận được học bổng và xóa 10.000 đô la tiền nợ cho những sinh viên có thu nhập hàng năm thấp hơn 125.000 đô la. Quyết định này có lợi cho những người nghèo nhất, đặc biệt là những người da đen và người nói tiếng Tây Ban Nha.

Khoảng hơn 40 triệu người được hưởng lợi từ quyết định này, nhưng hiện vẫn chưa rõ khi nào và với điều kiện nào thì quyết định xóa nợ mới bắt đầu được thực thi. Chính quyền Biden, trong khi còn tranh cãi về số tiền được đưa ra, vẫn chưa công bố con số cụ thể mà chỉ giải thích rằng chi phí hỗ trợ này, dù vẫn còn mơ hồ, sẽ được dàn trải trong vài năm.

Các chính trị gia thuộc phe đối lập - đảng Cộng Hòa - lên án quyết định quá đà này về ngân sách cũng như về thuế, vì tổng số tiền chi xóa nợ vượt quá khoản tiết kiệm có được nhờ luật giảm lạm phát mà Nhà Trắng đã khoe khoang, vừa được ban hành gần đây.

Trên hết, phe Cộng Hòa xem quyết định này là một sự bất công đối với những người phải nộp thuế chỉ để góp phần vào việc trả nợ. Giới chức của một số bang bảo thủ dự tính tiến hành các thủ tục kiện.

Đồng nhân dân tệ xuống thấp kỷ lục so với đôla Mỹ


Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc xuống thấp mức thấp kỷ lục so với đồng đôla Mỹ đang tăng mạnh.

Đồng nhân dân tệ giao dịch quốc tế giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi có dữ liệu lần đầu tiên vào năm 2011.

Trong khi đó, hôm thứ Tư (28/9), các chỉ số thị trường chứng khoán lớn trên toàn châu Á đều giảm mạnh.

Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 3,4% khi chốt phiên, chỉ số Nikkei của Nhật Bản giảm1,5% và Kospi của Hàn Quốc giảm 2,4% vào cuối ngày.

Nhiều nhà đầu tư xem đồng USD là nơi an toàn để đầu tư tiền của họ trong những thời điểm khó khăn.

Điều đó đã giúp nâng cao giá trị của nó so với các đồng tiền khác, bao gồm cả bảng Anh - đã đạt mức thấp nhất mọi thời đại so với đồng đô la Mỹ vào thứ Hai.

Cũng trong ngày thứ Tư, đồng USD đạt mức cao nhất trong 20 năm so với một nhóm các đồng tiền hàng đầu thế giới được theo dõi chặt chẽ.

Sự trượt giá của đồng nhân dân tệ là một ví dụ khác về việc tiền tệ suy yếu do đồng USD mạnh.

Nó cũng phản ánh những cách thức rất khác nhau mà Trung Quốc và Hoa Kỳ đang thực hiện để đối phó với các vấn đề kinh tế ở trong nước.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã nới lỏng lãi suất để phục hồi tăng trưởng trong nền kinh tế vốn bị tàn phá bởi các đợt phong tỏa Covid, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang tích cực đi theo hướng ngược lại khi cố gắng kiểm soát lạm phát.

Joseph Capurso, người đứng đầu bộ phận kinh tế quốc tế và bền vững tại Commonwealth Bank of Australia, nói với BBC rằng sự khác biệt như vậy hoàn toàn không phải là vấn đề.

Việc giảm giá trị của đồng tiền thực sự có thể hữu ích cho các nhà xuất khẩu ở Trung Quốc, ông nói, bởi vì nó sẽ làm cho hàng hóa của họ rẻ hơn và do đó có thể làm tăng nhu cầu.

Xuất khẩu chỉ chiếm 20% nền kinh tế Trung Quốc trong những ngày này, vì vậy đồng nhân dân tệ yếu sẽ không thể xoay chuyển tình trạng suy yếu cơ bản trong nước chủ yếu do chiến lược zero-Covid của Bắc Kinh và cuộc khủng hoảng địa ốc gây ra, ông Capurso nói.

Đồng tiền yếu hơn cũng có thể dẫn đến việc các nhà đầu tư rút tiền ra khỏi đất nước và sự bất ổn trên thị trường tài chính - điều mà các quan chức Trung Quốc sẽ muốn tránh khi Đại hội Đảng Cộng sản sắp diễn ra vào tháng tới.

Đồng Nhân dân tệ giảm đã gây ra sự suy yếu đối với các đồng tiền khác của các nền kinh tế phát triển trong khu vực, bao gồm đồng đôla Úc và đôla Singapore cũng như đồng won của Hàn Quốc.

Trong quá khứ, Washington đã cáo buộc Trung Quốc cố tình phá giá đồng tiền của mình để giữ hàng hóa xuất khẩu rẻ và hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trở nên đắt đỏ.

Trong khi đồng USD mạnh đã làm chao đảo thị trường thế giới, điều đó khó có thể ngăn cản Fed tiếp tục tăng lãi suất.

Tính đến hôm 27/09, đồng ringgit của Malaysia đã mất giá bốn ngày liên tiếp so với giá đôla Mỹ và tụt xuống mức 4,6112 ăn một USD.

Tính từ đầu năm tới nay, đa số các đồng tiền trên thế giới đều mất giá so với USD: đồng yen Nhật giảm 25,65%, euro 18,31%, và Nhân dân tệ của TQ giảm 12,78%, đôla Úc 11,87%.
Tuy thế, sự kiện đồng bảng Anh sụt giá đột ngột gần đây gây lo ngại về nguy cơ “lây lan” sang các đồng tiền khác.

Không có nhận xét nào: