Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2022

Lá thư Hoa Thịnh Đốn: - Vị Tướng Tham Mưu Trưởng Sau Cùng Của Ông Trump - Nguyễn Minh Tâm (dịch)


Bài tường thuật tỉ mỉ về việc Ngũ Giác Đài phải vất vả bảo vệ an ninh cho Hoa Kỳ như thế nào trước những đe dọa do chính Tổng Tư Lệnh Quân Lực- ông Donald J. Trump- gây ra? Tính khí bốc đồng, cẩu thả, của ông Trump khiến cho các vị tướng làm việc với ông phải vận dụng mọi phương cách để bảo vệ an ninh quốc gia không để Hoa Kỳ dính líu đến những cuộc chiến tranh phi lý, hay Tổng thống Trump sử dụng quân đội vào những mục đích sai trái, như đàn áp biểu tình để dành quyền cai trị. Mùa hè năm 2017, sau khi làm việc tại Bạch Cung chưa được nửa năm, Tổng thống Donald J. Trump sang Paris dự Lễ Độc Lập của nước Pháp, ngày 14 tháng Bảy, còn gọi là ngày Phá Ngục Bastille. 
<!>
Buổi lễ được Tổng thống nước Pháp Emmanuel Macron tổ chức hết sức long trọng và ngoạn mục. Ông Macron cho biểu diễn một cuộc duyệt binh vĩ đại, kỷ niệm 100 năm ngày nước Mỹ tham gia vào Thế Chiến Thứ Nhất. Đoàn xe tăng tối tân rầm rộ lăn bánh trên đại lộ Champ-Elysees, cùng lúc đó máy bay phản lực gầm thét trên trời, biểu diễn những màn nhào lộn tuyệt vời. Cuộc biểu diễn hình như cố tình được thực hiện để lôi cuốn sự chú ý của ông Trump- một người xuất thân trong ngành truyền hình, ưa thích phô trương. Quả thực ông Trump rất khoái khi ngồi xem màn biểu diễn của quân đội Pháp. Một vị tướng người Pháp nói nhỏ với một tướng Mỹ tham dự buổi diễn binh: “Liệu các ông sang năm có làm màn biểu diễn đẹp như chúng tôi hay không?”.

Trở về Hoa Thịnh Đốn, ông Trump nhất định sẽ yêu cầu các ông tướng Mỹ phải làm một cuộc duyệt binh vĩ đại như vậy vào dịp Lễ Độc Lập Hoa Kỳ 4 tháng Bảy. Ông Trump hết sức ngạc nhiên khi thấy các vị tướng lãnh Mỹ đều tỏ ra khó chịu, không muốn thực hiện cuộc biểu diễn quân lực lớn như vậy. Bộ trưởng Quốc Phòng lúc đó là tướng James Mattis thú nhận: “Nghe ông ta nói điều này, tôi thấy đắng trong miệng như đang ngậm acid.”. Các ông tướng phải tìm cách thuyết phục Tổng thống 45 Donald Trump nên bỏ ý định đó bởi vì một cuộc duyệt binh, diễn hành như vậy sẽ hao tốn hàng triệu đô la, và làm hư nát đường phố thủ đô Hoa Thịnh Đốn.

Nhưng thực ra, sự xung khắc giữa ông Trump với các tướng lãnh không phải chỉ liên quan đến vấn đề tốn tiền, hay tính chất thực dụng của vấn đề, mà sự xung đột giữa đôi bên còn xảy ra rất nhiều lần, từ việc rút quân ra khỏi Afghanistan đến vấn đề phải đối phó ra sao trước mối đe dọa về vũ khí nguyên tử của Bắc Triều Tiên, của Iran. Sự khác biệt cũng là vì đôi bên có những suy nghĩ khác nhau về những giá trị tinh thần của Hoa Kỳ, cũng như có ý kiến khác nhau về một sự kiện. Chẳng hạn như khi ông Trump bày tỏ quan điểm của ông về Ngày Lễ Độc Lập của Hoa Kỳ đối với tướng John Kelly, Chánh Văn Phòng cho Tổng thống, hay với tướng James Mattis, một tướng Thủy Quân Lục Chiến. Ông Trump nói: “Này các ông Tướng, Tôi thật tình không muốn trông thấy những người lính què quặt có mặt trong đoàn binh sĩ đi duyệt binh. Trông không đẹp mắt chút nào.”. Ông giải thích thêm rằng trong buổi duyệt binh của Pháp có sự xuất hiện của một số thương phế binh, những người phải ngồi trên xe lăn, cụt mất chân tay, bỏ lại nơi chiến trường.

Tướng John Kelly không thể nào tin vào điều ông vừa mới nghe từ miệng của Tổng thống. Ông nói với ông Trump: “Họ là những người anh hùng. Trong xã hội của chúng ta chỉ có một nhóm anh hùng hơn những người thương binh đó là những người đang nằm ở nghĩa trang Arlington.”. Tướng Kelly chưa nói với ông Trump rằng con trai của ông, Trung Úy Robert Kelly đã tử trận khi chiến đấu ở Afghanistan, và được chôn ở nghĩa trang Arlington.

Ông Trump nhắc lại: “Tôi không muốn trông thấy những thương phế binh trong đoàn duyệt binh. Đối với tôi coi không được đẹp mắt.”.

Đề tài tổ chức duyệt binh trong ngày Lễ Độc Lập Hoa Kỳ lại được đem ra bàn trong một phiên họp ở Oval Office - Văn Phòng Tổng Thống, trong đó có ông Trump, ông Kelly và ông Paul Selva, một vị tướng Không Quân, Phó Chủ Tịch Bộ Tổng Tham Mưu. Trước khi ra khỏi phiên họp, tướng John Kelly nói đùa với ông Trump: “Thôi kỳ này giao cho tướng Selva phụ trách tổ chức duyệt binh trong dịp Lễ Độc Lập.”. Ông Trump không hiểu đó chỉ là câu châm biếm, nói đùa cho vui. Ông Trump quay sang hỏi tướng Selva: “Ông thấy thế nào? Mình có nên tổ chức duyệt binh thật là vĩ đại hơn của Pháp không?”. Thay vì nói cho xuôi tai để Tổng thống nghe rồi quên đi, ông Selva thẳng thắn trình bày cho ông Trump rõ: “Tôi không lớn lên ở Hoa Kỳ. Thực ra, tôi sinh ra và lớn lên ở Bồ Đào Nha, và nước Bồ Đào Nha là nước có chế độ độc tài. Duyệt binh chỉ mang ý nghĩa làm cho thiên hạ thấy mình có rất nhiều súng đạn. Ở nước này chúng ta không làm như vậy. Chúng ta không phải là nước độc tài.”.

Mặc dù đã được tướng Selva giải thích rõ như vậy, nhưng ông Trump vẫn chưa hiểu. Ông hỏi lại: “Như vậy là ông không thích tổ chức duyệt binh lớn hay sao?”. Ông Selva trả lời: “Không. Chỉ có chế độ độc tài mới làm việc đó.”.

Bốn năm dưới triều đại Tổng thống của ông Trump, là những năm đầy bất ổn với những cơn thịnh nộ của Tổng thống, những trận bão táp trên twitter viết vào lúc khuya, và nhiều lần ông đuổi cổ, hay sa thải cộng sự viên cao cấp một cách bất ngờ. Trước hết, phải nhớ rằng ông Trump hồi trẻ là một kẻ trốn lính, không thi hành nghĩa vụ quân sự với lý do có gai mọc trong xương - bone spurs-. Lúc đầu, ông tỏ ra say mê với chức vụ Tổng Tư Lệnh Quân Lực dành cho một Tổng thống, cũng như ông thích làm việc với các viên tướng trong hội đồng an ninh quốc gia. Nhưng rồi, tuần trăng mật giữa ông Trump với các ông tướng, mà ông thường gọi là “my generals” chỉ diễn ra rất ngắn. Ông còn tuyên bố với tác giả bài báo này ông cảm thấy chua cay với các cộng sự viên trong hội đồng an ninh. Ông nói thẳng ra: “Họ là những kẻ bất tài. Sau khi khám phá ra điều này, tôi không còn trông cậy vào họ nữa. Tôi chỉ tin các ông tướng, và đô đốc hiện đang ở trong quân đội mà thôi.”.

Thực ra, các ông tướng là những quân nhân. Họ sống với kỷ cương, kinh nghiệm, và tiêu chuẩn rất cao. Họ không phải là loại người chỉ biết trung thành một cách mù quáng. Có một lần ông Trump đã nổi giận và nói với tướng John Kelly như sau: “Tại sao mấy ông tướng cà chớn -(fucking generals) không làm giống như mấy ông tướng nước Đức?”. Câu so sánh này nói hết quan niệm của ông Trump đối với các tướng lãnh trong quân đội. Ông ta muốn các ông Tướng phải tuyệt đối trung thành với ông giống như các ông tướng nước Đức trung thành với Hitler, thời Đức Quốc Xã.

Ông Kelly hỏi lại: “Ông tướng nào vậy?”

Ông Trump trả lời: “Thì các ông tướng Đức trong thời Đệ Nhị Thế Chiến đó.”

Ông Kelly nói thêm: “Ông có biết rằng các ông Tướng đó đã ba lần định giết Hitler, song đều giết hụt, và họ phải bỏ cuộc?”.

Dĩ nhiên ông Trump không hề biết điều này. Vì thế ông trả lời: “Không, không,không. Họ hết sức trung thành với ông ta.”. Theo cái nhìn về lịch sử của ông ta, các tướng lĩnh trong chế độ Đức Quốc Xã- Third Reich- luôn luôn thần phục và tuân lệnh Hitler. Đó chính là khuôn mẫu mà ông Trump muốn các tướng lãnh Mỹ phải làm đối với ông. Ông Kelly nói với ông Trump rằng không đời nào có tướng lãnh Mỹ thần phục theo kiểu đó. Nhưng Tổng thống Donald Trump nhất định muốn thử lòng các ông tướng Mỹ.

Đến cuối năm 2018, ông Trump muốn tự mình chọn ông tướng Tham Mưu Trưởng liên quân. Ông cảm thấy chán nản với tướng Joseph Dunford, một vị tướng thuộc binh chủng Thủy Quân Lục Chiến do Tổng Thống Barack Obama bổ nhiệm. Ông này làm việc chặt chẽ với Bộ trưởng Quốc Phòng Mattis để kìm hãm những ý tưởng quái đản của ông Trump. Dù sao đi nữa thì tướng Dunford cũng là người có nhiều thâm niên quân vụ nhất. Tạm thời ông Trump cứ giữ ông Dunford ở chức vụ Tham Mưu Trưởng liên quân cho dễ làm việc. Từ nhiều tháng trước, David Urban, một tay vận động hành lang, trước đây phụ trách vận động tranh cử cho ông Trump ở Pennsylvania, tìm cách thuyết phục giới thân tín với ông Trump nên thay thế tướng Dunford bằng một Tham Mưu Trưởng khác có cùng lập trường với Tổng thống, đừng quá thân cận với tướng Mattis. Trước đây, tướng Mattis từng là xếp của hai tướng Kelly và Dunford.

Ứng viên được tướng Mattis, Bộ trưởng Quốc Phòng đề cử thay thế tướng Dunford là ông David Goldfein, một vị tướng Không Quân, từng lái chiến đấu cơ F-16, bị bắn rơi trên chiến trường Balkan, nhưng đã phóng mình thoát ra ngoài được, không để địch quân bắt. Từ trước đến nay, chưa bao giờ có chuyện Tổng thống từ chối lời đề cử của Bộ Trưởng Quốc Phòng, nhưng người ta đồn rằng ông Trump từ chối lời đề cử của tướng Mattis vì cho rằng một lời đề cử chưa đủ để ông chọn lựa. Tuy nhiên hai ứng viên khác bên Bộ Binh được đề cử đều từ chối không nhận lời ra làm việc với ông Trump. Đầu tiên là tướng Curtis Scaparrotti, Tư Lệnh Bộ Chỉ Huy Liên Minh NATO. Ông này nói với sĩ quan tham mưu của mình: “Tôi hết nhiệt tình để làm Tham Mưu Trưởng cho ông Trump.”. Tướng thứ hai là ông Joseph Votel làm Tư Lệnh Bộ chỉ huy Central Command. Ông từ chối ra làm Tham Mưu Trưởng, và nói với các bạn đồng sự rằng ông không hợp khi làm việc với tướng Mattis.

Ông Urban trước đây từng là khóa sinh trong Học Viện Quân Sự West Point cùng với Bộ trưởng Ngoại Giao Mike Pompeo, ông vẫn có cảm tình với binh chủng Bộ Binh. Ông đề nghị ông Trump nên chọn tướng Mark Milley, Tham Mưu Trưởng Bộ Binh. Tướng Milley lúc đó được 60 tuổi, và là con trai của một sĩ quan Hải Quân từng phục vụ trong Sư Đoàn 4 Thủy Quân Lục Chiến, tham dự trận đánh ở Iwo Jima. Ông Milley lớn lên ở ngoại ô Boston, khi theo học ở trường đại học Princeton, ông ở trong đội bóng khúc côn cầu- hockey. Là một sĩ quan Bộ Binh, ông từng chỉ huy quân đội Mỹ ở Afghanistan và Iraq, làm tư lệnh sư đoàn 10 Mountain Division, trông nom tổng quát Sư Đoàn Bộ Binh. Là một sinh viên say mê môn Lịch Sử, ông thường mang về phòng hàng chồng sách lịch sử về Thế Chiến Thứ Hai để nghiên cứu. Ông quyết định không tham gia vào ủy ban an ninh quốc gia của ông Trump trong hai năm đầu, bởi vì ở đó đa số gồm các sĩ quan trong binh chủng Thủy Quân Lục Chiến. Ông David Urban giải thích với ông Trump rằng Tổng thống sẽ cảm thấy dễ chịu hơn nếu mời được ông Milley làm Tham Mưu Trưởng, bởi vì ông Milley rất dễ mến, và không quá cứng đầu. Hơn nữa ông này lại tốt nghiệp từ trường đại học Princeton, trong nhóm Ivy League- Đại Học Tháp Ngà nổi tiếng- điều mà ông Trump ưa thích.

Trước đó, chính tướng Milley đã gây được cảm tình với ông Trump khi ông làm Tham Mưu Trưởng binh chủng Bộ Binh. Theo lời kể lại của sĩ quan cao cấp trong Bộ Binh: Khi trình bày điều gì cho Tổng thống nghe ông Milley thường đi thẳng vào vấn đề, nói những điểm làm cho Tổng thống khoái nghe, và ông kết luận bằng một câu thật ngọt ngào: “Thưa Tổng thống, ngành Bộ Binh của chúng tôi sẵn sàng phục vụ ngài, bởi vì ngài là Tổng Tư Lệnh Quân Lực Hoa Kỳ.”. Lối nói chuyện, cách trình bày của ông làm ông Trump rất thích. Giống như ông Trump, tướng Milley không mấy thích lối chỉ huy của tướng Mattis- ông này nổi tiếng với huyền thoại danh xưng Chó Điên- Mad Dog-. Theo ông Milley thì tướng Mattis thích nắm quyền kiểm soát, ông ta là người độc đoán.

Về phía tướng Mattis, ông cho rằng tướng Milley không nên làm cái trò vận động hành lang để được chọn làm Tham Mưu Trưởng Liên Quân. Tướng Milley nhớ có lần tướng Mattis đã chặn ông ở hành lang, và cự nự: “Ông không nên đi vận động để làm Tham Mưu Trưởng. Ông có làm cái việc đó hay không?”. Tướng Milley nói với mọi người rằng ông đã trả lời thẳng với tướng Mattis: “Tôi không hề làm cái trò vận động tồi bại đó.”. Cuối cùng, tướng Milley phải đi tìm tướng Dunford để phân trần: “Này ông, tướng Mattis cho rằng tôi đã đi vận động để được thay thế ông. Tôi xin được nói thẳng với ông rằng tôi không hề làm cái việc tồi tệ đó.”. Ông cũng còn đi năn nỉ với David Urban xin đừng tiếp tục vận động với Tổng thống cử tôi làm Tổng Tham Mưu trưởng.

Vào tháng 11 năm 2018, một ngày trước khi tướng Milley có cuộc hẹn để được Tổng thống Trump phỏng vấn, ông và tướng Mattis lại có một cuộc chạm trán gay go ở Ngũ Giác Đài. Sau này tướng Milley kể lại cho các bạn đồng liêu rằng tướng Mattis yêu cầu tướng Milley nói với ông Trump rằng ông muốn xin đi làm Tư Lệnh Bộ Chỉ Huy ở Âu châu hơn là làm Tham Mưu Trưởng liên quân. Tướng Milley trả lời rằng ông sẽ không nói ra lời yêu cầu này. Trái lại, ông sẽ chờ xem Tổng thống muốn ông làm gì. Kể từ đó, hai vị tướng không còn nhìn mặt nhau nữa.

Khi đến Bạch Cung để gặp Tổng thống, tướng Milley được tướng Kelly tiếp. Hai ông cùng đều ở tâm trạng không vui, rối trí. Tướng Milley hỏi ý tướng Kelly: “Ông nghĩ sao về việc này?”. Tướng Kelly nói: “Ông nên nhận lời đi làm Tư Lệnh ở Âu châu thì hơn. Hãy tìm cách ra khỏi cái thủ đô Hoa Thịnh Đốn khốn nạn này.”. Ông Kelly nói thêm: “Tình hình ở Bạch Cung thối um như một hố phân, hãy tránh xa nó đi, càng xa càng tốt.”.

Tại Oval Office- Văn phòng làm việc của Tổng thống, ông Trump đi thẳng vào vấn đề. Ông nói ông đang suy nghĩ về việc đề cử tướng Milley làm Tham Mưu Trưởng Liên Quân Hoa Kỳ- Chairman of the Joint Chiefs- Khi ông Trump đề nghị điều này, tướng Milley trả lời: “Tôi sẽ làm bất cứ việc gì Tổng thống muốn tôi làm.”.

Qua ngày hôm sau, hai ông cùng thảo luận về tình hình thế giới. Ngay lập tức, hai người có nhiều điểm bất đồng. Về tình hình ở Afghanistan, theo tướng Milley nếu rút quân hết như ông Trump muốn, ông sợ rằng sẽ có nhiều vấn đề mới nghiêm trọng xảy ra ngay sau đó. Tướng Milley cũng công khai phản đối chủ trương cấm người chuyển giới- transgender- gia nhập quân đội, như ý của ông Trump.

Ông Trump nói: Ông Mattis nói ông có lập trường mềm yếu về vấn đề người chuyển giới. Điều này đúng không?”

Tướng Milley trả lời ngay: “Không, tôi không mềm yếu gì cả. Tôi chủ trương không quan tâm đến việc cá nhân nào ngủ với ai, làm tình với người nào. Đó là chuyện riêng của họ.”.

Ngoài ra, còn có nhiều điểm bất đồng khác nữa. Nhưng cuối cùng tướng Milley hứa với ông Trump: “Thưa Tổng thống. Ông là người chọn quyết định. Tôi chỉ xin đảm bảo với ông rằng tôi sẽ trình ông những lời góp ý thành thật nhất của tôi, và tôi cũng sẽ không để lộ những điều đó cho các tờ báo như tờ Washington Post biết để họ làm tin. Tôi sẽ cho Tổng thống câu trả lời lương thiện nhất về tất cả những điều ông hỏi. Và Tổng thống là người chọn quyết định. Miễn là những quyết định đó hợp pháp, tôi sẽ làm hết mình để ủng hộ Tổng thống.”.

As long as they’re legal tạm dịch là miễn là những điều Tổng thống quyết định là hợp pháp. Tuy nói là như vậy, song không hiểu ông Trump có thấu hiểu ý nghĩa của câu nói này hay không lại là một chuyện khác. Quyết định bổ nhiệm tướng Milley làm Tham Mưu Trưởng liên quân có lẽ là cơ hội duy nhất để ông Trump trả đũa tướng Mattis, Bộ trưởng Quốc Phòng. Bởi vì ông Trump chịu không nổi thái độ bướng bỉnh cứng đầu của tướng Mattis. Ông tướng này không mấy tuân phục và kính nể ông Trump, và ông Mattis cũng không đồng ý với việc chọn tướng Milley.

Chiều tối ngày 7 tháng 12, ông Trump tuyên bố ông sẽ tiết lộ một quyết định nhân sự quan trọng trong bộ Tổng Tham Mưu vào ngày hôm sau. Đó là ngày có trận thi đấu bóng bầu dục-football- giữa hai đội football của hai binh chủng: Lục Quân và Hải Quân ở Philadelphia. Tướng Dunford biết trước đây là ngày ông sẽ bị quê mặt, bêu xấu trước công chúng. Qua ngày hôm sau, tướng Dunford đứng nói chuyện với tướng Milley tại vận động trường trong lúc chờ Tổng thống đến khai mạc trận thi đấu football. Lúc đó, ông David Urban, kẻ vận động hành lang, thân tín của ông Trump, đến ôm lấy ông Milley và nói nhỏ: “Chúng ta đã làm xong việc rồi. Tổng thống ưng ý lắm.” Ông ta nói đi nói lại hai ba lần: “We did it.”.

Việc bổ nhiệm tướng Milley làm Tham Mưu Trưởng Liên Quân không phải là tin lớn nhất trong ngày hôm đó. Khi trực thăng chở ông Trump đến sân vận động, ông tung ra một tin sốt dẻo khác, làm mọi người phải ngạc nhiên. Ông nói cho các ký giả biết: “Tướng John Kelly sẽ rời khỏi giữ chức vụ Chánh Văn Phòng cho Tổng thống vào cuối năm nay.”. Ông Kelly đã nắm chức Chánh Văn Phòng được 17 tháng, một chức vụ mà ông gọi “một việc làm tồi tệ nhất thế giới” (The worst fucking job in the world).

Đối với ông Trump, quyết định cho ông Kelly nghỉ việc là một khúc quanh quan trọng. Thay vì đặt một người cứng rắn, sáng suốt làm Chánh Văn Phòng ở Bạch Cung, một người có can đảm dám “say NO” với Tổng thống để can gián ông. Từ nay ông Trump chỉ muốn dùng những người thuộc loại “bảo vâng gọi dạ, hay “YES man” để ông dễ sai bảo. Một tuần lễ sau, ông Kelly cố gắng khuyên can Tổng thống đừng chọn ông Mick Mulvaney làm Chánh Văn Phòng thay thế cho ông. Ông Mulvaney trước đây là một dân biểu ở tiểu bang South Carolina, sau đó, được mời vào làm Giám Đốc Ngân Sách trong nội các ông Trump. Ông Kelly nói thẳng với ông Trump: “Tôi chẳng thiết làm việc với ông nữa đâu. Nhưng tôi khuyên ông đừng chọn loại người chỉ biết vâng lời ông một cách ngoan ngoãn.”. Ông Trump trả lời ông Kelly rằng: “Tôi muốn chọn người dễ bảo, nghe lời tôi. Một loại YES-man”.

Hơn một tuần sau, tướng Mattis cũng rời khỏi chức Bộ trưởng Quốc Phòng để phản đối lệnh rút quân Mỹ ra khỏi Syria một cách bất ngờ của ông Trump, ngay sau khi ông vừa mới đi họp với các nước đồng minh đang chiến đấu tại đây. Đây là lần đầu tiên kể từ bốn thập niên qua, một bộ trưởng quan trọng trong Nội Các từ chức vì bất đồng ý kiến với Tổng thống, liên quan đến an ninh quốc gia.

Một nhóm bốn nhân vật quan trọng mệnh danh là “tứ trụ triều đình” lo việc kìm hãm, khuyên ông Trump đừng làm những quyết định bốc đồng coi như tan rã, không còn nữa. Bốn nhân vật đó gồm bốn ông tướng Mỹ: Kelly, Mattis, Dunford, và cả cố vấn an ninh quốc gia, tướng H.R. McMaster, cũng như ông Rex Tillerson, Bộ trưởng Ngoại Giao. Họ đóng vai trò giữ gìn khuôn khổ, mực thước cho những việc làm của ông Trump trong trách nhiệm của một Tổng thống. Ông Trump hy vọng sẽ thay thế bốn nhân vật này bằng những người dễ bảo hơn. Như tướng Mattis mô tả, ông Trump muốn vét cạn ao nước tù ở Hoa Thịnh Đốn.

Ngày 2 tháng Giêng năm 2019, ông Kelly gửi một lá thư tạm biệt đến nhân viên làm việc trong Bạch Cung. Ông nói có những người ông nhớ nhiều lắm bởi vì họ là những người “làm việc vô vị lợi, nhằm phục vụ dân chúng Mỹ. Họ phải ngập lội trong vũng bùn lầy của lũ chó lợn. Trong lúc đó, có một số người khác bỏ qua những bi hài kịch hàng ngày chỉ để phục vụ đất nước chung. Họ là những người làm việc có đạo đức, lương tri, và luôn luôn sẵn sàng nói thẳng với cấp trên những điều CẦN PHẢI NÓI.

Sáng ngày hôm đó, ông Mulvaney đến trình diện ở Bạch Cung để bắt đầu làm Chánh Văn Phòng cho Tổng thống. Ông ngỏ lời chào mọi người và nói: “Bây giờ ông John Kelly đã ra đi, chúng ta sẽ bắt đầu làm việc với cung cách khác. Chúng ta phải giúp Tổng thống làm một Tổng thống theo đúng nghĩa của nó.”.

Đến mùa thu năm 2019, tức là gần một năm sau khi được ông Trump bổ nhiệm làm Tham Mưu Trưởng liên quân, tướng Milley mới thực sự tiếp thu vai trò của tướng Dunford. Tướng Milley ngồi họp với ông Trump và một số nhân vật lãnh đạo trong Quốc Hội về vấn đề khủng hoảng đang xảy ra trong vùng Trung Đông. Một lần nữa, ông Trump ra lệnh phải rút hết quân Mỹ ra khỏi Syria.Việc này gây chấn động, kinh ngạc cho nhóm người Kurd, đồng minh của Mỹ ở trong vùng. Quyết định của Tổng thống hầu như giao trọn quyền kiểm soát lãnh thổ cho chính phủ Syria, và lực lượng quân sự Nga. Hạ Viện Hoa Kỳ lúc đó đang khởi sự đòi luận tội đòi truất phế ông Trump về tội ông dùng viện trợ quân sự, 400 triệu đô la, để ép chính phủ Ukraine phải điều tra đối thủ của ông trong đảng Dân Chủ. Nhưng các dân biểu cũng thảo ra một bản nghị quyết quở trách hành động rút quân của ông Trump. Có đến hai phần ba Dân Biểu bỏ phiếu tán thành quyết định khiển trách này.

Ngay tại phiên họp, bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ Viên đã chỉ thẳng vào mặt ông Trump về nghị quyết được đa số Dân Biểu bỏ phiếu chấp thuận. Ông Trump cũng trả đũa một cách mai mỉa: “Congratulations!” “Cũng tốt thôi.”. Ông tỏ ra tức giận hơn khi Thượng Nghị Sĩ Chuck Summer đọc lớn lời cảnh cáo của tướng Mattis trước khi ông rời khỏi chức Bộ Trưởng Quốc Phòng. Tướng Mattis lo ngại việc rút quân Mỹ ra hỏi chiến trường Syria có thể khiến cho tổ chức Islamic State sống dậy. Ông Trump tức giận nói rằng ông đã sa thải tướng Mattis chỉ vì ông này không làm đủ mạnh, cứng rắn như ông muốn tại vùng Trung Đông.

Cuối cùng, tức quá, bà Pelosi đứng dậy, chỉ vào mặt Tổng thống Trump rồi nói: “Tất cả mọi nẻo đường ông đi đều chỉ để phục vụ cho mục đích của Putin. Chính ông đem dâng Ukraine và Syria cho Nga.”.

Ông Trump lên tiếng chửi lại bà Pelosi: “Bà chỉ là một chính trị gia hạng tồi, không đáng để tôi nói chuyện.”.

Cuối cùng ông Steny Hoyer, nhân vật số hai trong đảng Dân Chủ phải kéo tay và Pelosi đứng dậy, và nói: “Cuộc thảo luận bây giờ trở nên vô dụng. Thôi chúng ta đi về.”.

Ông Trump hét lớn: “ Tôi sẽ nói chuyện với mấy người khi có kết quả thăm dò chính trị.”.

Khi bước ra khỏi Bạch Cung, bà Pelosi nói với các ký giả: “Tôi bỏ về, không họp nữa, vì đầu óc của ông Trump hầu như hoàn toàn tăm tối, không còn sáng suốt nữa.”. Vài giờ sau, ông Trump gửi ra trên Twitter tấm hình bà Pelosi đang đứng đưa tay chỉ trỏ ông, ám chỉ rằng bà Pelosi đang ở tâm trạng bấn loạn bất ổn. Không dè tấm hình đó được loan đi rất nhanh trên mạng xã hội với ý nghĩa là bà Pelosi đang thách thức ông Trump.

Trong tấm hình này, người ta còn trông thấy cả tướng Milley, với hai bàn tay nắm thật chặt, và đầu cúi xuống, như thể ông ta muốn chui xuống dưới đất để bớt xấu hổ. Đối với bà Pelosi, đây là dấu hiệu cho thấy tướng Milley quá yếu đuối, không dám can ngăn Tổng thống. Về sau, bà Pelosi còn nói rằng tôi không thể hiểu vì sao tướng Milley có thái độ như vậy. Lẽ ra ông là một nhân vật phi đảng phái lãnh đạo quân đội. Ông ta đâu phải là kẻ tôi đòi của Trump. Bà gằn giọng nói: “Lẽ ra tướng Milley phải có suy nghĩ, có ý kiến mới đúng. Đàng này ông ta chỉ cúi đầu lặng thinh.”.

Thực ra, tướng Milley đã bắt đầu đề phòng ông Trump. Tối hôm đó, ông điện thoại cho dân biểu Adam Smith, một dân biểu Dân Chủ ở Hoa Thịnh Đốn, đang giữ chức Chủ tịch Ủy Ban Quân Vụ tại Hạ Viện, ông này cũng có mặt trong buổi họp ở Bạch Cung. Tướng Milley hỏi thăm: “Tình hình căng thẳng trong phiên họp sáng nay thường hay xảy ra lắm hay sao?” Dân biểu Adam Smith cho rằng tướng Milley đã bắt đầu hoài nghi về ông Trump. Có thể Tổng thống là một kẻ gian manh, mưu lược, hay ông ta là một người quá dễ dãi?. Ngay từ ngày đầu nhận chức Tham Mưu Trưởng tướng Milley đã ý thức được ông Trump không phải là một Tư Lệnh Tối Cao của quân đội như bình thường. Ông ta là một người rất khó làm việc chung.

Khoảng xế chiều ngày 1 tháng Sáu năm 2020, tướng Milley đã thất bại trong cuộc trắc nghiệm quan trọng nhất của đời binh nghiệp: đó là chuyến đi bộ một đoạn đường ngắn từ Bạch Cung qua công viên Lafayette, chỉ vài phút sau khi một cuộc biểu tình xuống đường của nhóm người hô hào “Black Lives Matter” bị dẹp tan bằng vũ lực. Trong bộ quân phục oai hùng, tướng Milley đã bước ngay sau Tổng thống Trump, với cả một phái đoàn cố vấn hùng hậu của ông Trump. Tấm hình này mang ý nghĩa rằng chính phủ sẽ đối phó bằng vũ lực rất mạnh đối với những kẻ xuống đường phản đối sau khi xảy ra vụ cảnh sát giết chết anh George Floyd. Tấm hình này mang tính chất phản tác dụng, bêu xấu hành động vũ phu của chính phủ đối với những người đi biểu tình phản đối hành vi cảnh sát đánh chết người Da Đen. Đa số người đi biểu tình đều có thái độ ôn hòa, mặc dù có xảy ra một số vụ đập phá cửa hàng, hôi của, bạo động trên đường phố, và một đám cháy nhỏ ở nhà thờ St. John’s trước cửa Bạch Cung.

Vào buổi sáng trước khi có tấm hình chụp ở công viên Lafayette: Ông Trump đi bộ cùng đoàn tùy tùng, và tướng Milley trong bộ quân phục tác chiến, đã xảy ra một cuộc xung đột giữa ông Trump với tướng Milley, Bộ trưởng Tư Pháp William Barr, và Bộ Trưởng Quốc Phòng về vấn đề ông Trump đòi phải dùng vũ lực để dẹp biểu tình trên đường phố. Ông Trump nói với các phụ tá: “Chúng ta không thể tỏ ra yếu hèn.”. Tổng thống muốn vận dụng đạo luật Chống Nổi Loạn- Insurrection Act 1807 để dùng quân đội đập tan biểu tình. Ông muốn sử dụng 10,000 binh lính để giữ trật tự trên đường phố, và Sư Đoàn 82 Nhảy Dù được yêu cầu tăng viện để trấn áp biểu tình. Ông cũng đòi tướng Milley phải đích thân đảm nhiệm công tác trấn áp biểu tình. Khi tướng Milley và các phụ tá khác phản đối đòi hỏi này, và nói với ông Trump rằng chỉ cần sử dụng lực lượng Vệ Binh Quốc Gia - National Guards - cũng đủ rồi. Ông Trump nổi nóng, hét lớn lên: “Tất cả mấy ông đều là một lũ vô dụng- fucking losers- không làm được gì cả.”.”. Quay mặt về phía tướng Milley, ông Trump còn nói thêm: “Bộ các ông không dám bắn bọn biểu tình hay sao? Chỉ cần bắn què chân chúng nó, hay bắn chỗ nào cũng được để chúng nó sợ.”.

Cuối cùng, ông Trump bị thuyết phục không gửi quân đội đàn áp người dân Mỹ. Ông Barr là nhân vật dân sự đứng đầu ngành công lực có trách nhiệm điều động Lực Lượng Vệ Binh Quốc Gia đến phụ giúp các Sở cảnh sát địa phương. Vài giờ sau, tướng Milley, ông Esper và một số viên chức cao cấp khác được lệnh trở lại Bạch Cung ngay lập tức, và họ phải cùng đi bộ với ông Trump ngang công viên Lafayette. Trên đường đi, mùi lựu đạn cay vẫn còn ngửi thấy trong không trung, và tướng Milley nhận ra rằng ông không nên mặc bộ đồ lính tác chiến đi bộ như thế này. Ông tìm cách lặng lẽ rút lui, đi về phía chiếc xe Chevy Suburban của ông chờ sẵn bên ngoài. Tuy nhiên, việc làm sai lầm về chính trị đã xảy ra rồi, không thể cứu vãn được nữa. Không ai thèm để ý, hay nhớ đến việc ông không còn có mặt ở đó vào lúc ông Trump cầm cuốn Kinh Thánh dơ cao lên cho mọi người xem trước của ngôi nhà thờ bị hư hại. Mọi người đã trông thấy tướng Milley đi sóng đôi với Tổng thống trong bộ đồ tác chiến. Hình ảnh này được trực tiếp chiếu trên truyền hình cho dân chúng xem. Hình ảnh đó xem ra là dấu hiệu cho thấy nước Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của ông Trump cuối cùng đã tự tuyên chiến với chính mình. Tướng Milley hiểu rằng đây là một tính toán sai lầm, và nó sẽ ám ảnh ông suốt đời. Ông tự nhủ với lòng mình: “Đây là thời điểm gọi là con đường đi đến Damascus- ám chỉ bước ngoặt quan trọng- trong đời ông. Mình phải làm gì để cứu chữa nó đây?”

Trong những ngày sau vụ đi bộ với Tổng thống ngang công viên Lafayette, tướng Milley ngồi trong phòng làm việc ở Ngũ Giác Đài viết đi viết lại lá thư xin từ chức. Có bản nháp viết thật ngắn, có bản nháp viết khá dài. Bản nháp mà ông ưa nhất viết như sau:

“Tôi rất tiếc phải báo tin cho Ngài biết tôi muốn xin từ chức Tham Mưu Trưởng Liên Quân. Cảm ơn Tổng thống đã bổ nhiệm tôi vào chức vụ sĩ quan cao cấp. Những sự kiện xảy ra trong vài tuần lễ vừa qua khiến tôi phải tự vấn lương tâm, và tôi không còn có thể trung thành làm nhiệm vụ Ngài giao phó trong trách nhiệm của một Tham Mưu Trưởng. Tôi tin rằng Ngài đã làm một tai hại rất lớn, không thể sửa chữa được cho đất nước của tôi. Tôi tin rằng Ngài đã tìm mọi cách để chính trị hóa quân đội Hoa Kỳ. Trước đây, tôi nghĩ rằng tôi có thể thay đổi được điều đó. Nhưng rồi tôi nhận ra rằng tôi không thể làm được, và tôi phải bước sang một bên để cho người khác thay tôi làm việc này.”.

Điều thứ hai là Ngài đã sử dụng quân đội để gây ra sự sợ hãi trong đầu óc của người dân- và chúng ta đang tìm cách che chở cho người dân Mỹ. Tôi không thể đứng yên để nhìn, và đồng lòng tham dự vào việc tấn công người dân Mỹ bằng miệng, hay bằng cách khác. Nhân dân Mỹ tin tưởng vào quân đội nước họ, và họ tin tưởng vào chúng tôi trong việc bảo vệ họ chống lại quân thù, ở ngoại quốc, hay trong nội địa, và quân đội của chúng ta chỉ làm việc bảo vệ nhân dân Mỹ mà thôi. Chúng ta sẽ không quay lưng để chống lại nhân dân Mỹ.

Điều thứ ba là Tôi đã tuyên thệ trung thành với Hiến Pháp Hoa Kỳ, và trong bản Hiến Pháp đó đã ghi rằng con người ta sinh ra, đàn ông cũng như đàn bà, đều bình đẳng với nhau, và không cần biết bạn là loại người nào Da Trắng, Da Đen hay Á châu, Da Đỏ, bất kể màu da của bạn, bất kể bạn là người phái tính nào, trực tính, hay đồng tính, hay ở giữa hai loại phái tính này. Bất kể bạn theo Thiên Chúa Giáo, Cơ Đốc Giáo, Hồ Giáo, hay Do Thái Giáo hay chọn không theo một tôn giáo nào cả. Tất cả những điều này không có gì là quan trọng cả. Bất kể bạn xuất thân từ nước nào, tên họ của bạn là gì, đều không quan trọng. Điều quan trọng hơn cả bạn là người Mỹ. Tất cả chúng ta đều là người Mỹ. Chúng ta cùng đứng chung dưới lá cờ ba màu Trắng, Xanh và Đỏ- đó là màu của lá cờ mà cha mẹ tôi đã từng chiến đấu cho nó trong Thế Chiến Thứ Hai. Lá cờ này mang ý nghĩa rất lớn đối với thế giới. Rõ ràng là đối với tôi ông đã không có cùng một suy nghĩ về ý nghĩa của lá cờ ba màu . Rõ ràng đối với tôi, ông đã không trân trọng những giá trị tinh thần cao quý mà tôi cam kết phục vụ.

Và sau cùng, niềm tin sâu xa trong lòng tôi nghĩ rằng ông đang phá hoại trật tự quốc tế, và gây ra nhiều thiệt hại cho đất nước chúng ta ở nước ngoài. Đó là nơi Thế hệ Vĩ Đại trước đây đã từng phải đổ máu để thiết lập sự ổn định cho những nơi này hồi năm 1945. Giữa thời gian từ 1914 đến 1945 có tới 150 triệu người bị giết hại khi cuộc chiến tranh diễn ra. Họ bị thảm sát vì những tên độc tài, và những chế độ chuyên chế. Thế hệ vĩ đại đó, giống như nhiều thế hệ khác đã chiến đấu chống lại chống lại Chủ Nghĩa Phát Xít và chủ nghĩa cực đoan. Đến nay, theo nhận xét của tôi rõ ràng là ông không hiểu về trật tự thế giới đó. Ông không hiểu vì sao đã xảy ra các cuộc chiến tranh trước đây. Thực tế cho thấy chính ông lại đồng ý, thỏa thuận với những nguyên tắc và trước đây chúng ta phải chiến đấu chống lại nó. Và tôi không thể nào đồng lõa với việc làm của ông. Tôi vô cùng ân hận phải viết ra lá thư từ nhiệm của tôi.

Lá thư trên đây được đề ngày 8 tháng Sáu, một tuần lễ sau cuộc đi bộ đến công viên Lafayette, song tướng Milley vẫn không chắc là mình có nên đưa đơn từ chức hay không. Ông tức giận chờ đợi trong lúc ông thăm dò ý kiến của những người ông quen thân. Ông liên lạc với tướng Dunford, và những vị tướng đàn anh trong quân đội, chẳng hạn như tướng James Dubik, một vị tướng Bộ Binh hồi hưu, chuyên gia về vấn đề đạo đức trong quân đội. Ông cũng liên lạc với các nhân vật trong giới chính khách, gồm những Dân Biểu, Nghị Sĩ trong Quốc Hội, và các viên chức cao cấp trong chính quyền của Tổng thống Bush và Obama. Phần lớn họ đều khuyên ông một câu giống như ông Robert Gates, Cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng và cựu Giám đốc CIA. Ông Gates nói: “Hãy làm cách nào để ông ta đuổi ông. Đừng làm đơn xin từ chức.”.

Ông Gates nhớ lại về lời khuyên ông nói với tướng Milley: “Tôi có cảm tưởng rằng ông Mark đã mau chóng nhận ra bản chất con người của ông Trump.. Rất nhiều lần từ trước ngày 1 tháng Sáu, ông ấy nói cho tôi biết những ý kiến điên khùng ở Bạch Cung xuất phát từ ông Tổng thống. Những ý kiến về việc nên dùng quân đội hay không trong việc ổn định trật tự trên đường phố, việc rút quân ngay tức khắc ra khỏi Afghanistan, rút quân ra khỏi Nam Hàn. Những chuyện vớ vẩn đó cứ xảy ra hoài, nhiều lần lắm.”.

Ngoài tướng Milley, còn có nhiều viên chức cao cấp khác vấn kế ông Gates. Trong hai năm đầu ông Trump làm Tổng thống, có một số người trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia đích thân đến tận tư gia của ông Gates ở tiểu bang Washington để xin ý kiến. Mỗi khi có khách đến xin cố vấn, ông Gates thường mời khách uống rượu, và cho ăn cá hồi nướng - salmon, sau đó ông giúp họ giải quyết những câu hỏi hóc búa liên quan đến ông Trump. Những câu hỏi ông thường gặp như: “Làm cách nào tôi có thể bước thật khéo giữa hai lằn ranh? Hay làm sao tôi thể tránh gây tổn hại cho đất nước?” Ông giúp họ giải quyết những tình huống khó khăn này. Ông cũng khuyên họ rằng việc xin từ chức không hẳn là điều hay, bởi vì giải pháp đó cũng giống như khẩu súng chỉ bắn ra được một lần rồi thôi.

Sau vụ đi bộ với ông Trump đến công viên Lafayette, ông khuyên hai ông Milley và Esper hãy tiếp tục ở lại Ngũ Giác Đài bất chấp thái độ bốc đồng, điên khùng của ông Tổng thống. Ông giải thích: “Nếu ông xin từ chức, đó sẽ là câu chuyện xảy ra trong một ngày rồi thôi. Nếu ông bị sa thải, điều đó có nghĩa là ông đã dám can đảm giữ vững lập trường đúng đắn của mình.”. Ông Gates khuyên ông Milley rằng ông còn một lá bài khác rất quan trọng, nên ông cần phải ở lại để đóng trọn vai trò của mình. Ông nói: “Ông cần phải giữ các vị tư lệnh khác ở nguyên vị trí, và nói rõ với Bạch Cung rằng nếu ông ra đi, tất cả các vị tư lệnh đó cũng sẽ bỏ đi theo. Ông nên cho Bạch Cung biết nếu ông xin nghỉ, không phải chỉ là một mình tướng Mark Milley ra đi, mà toàn bộ các vị tư lệnh sẽ cùng ra đi.”.

Đối với công chúng, việc đi cùng với ông Trump đến công viên Lafayette là một tai họa xảy ra cho tướng Milley. Một vài vị tướng hồi hưu đã lên án nặng nề về việc này. Họ giải thích rằng ông là lãnh đạo của một tập thể quân đội đa dạng, với hơn hai trăm ngàn quân nhân Da Đen, ông không thể xuất hiện trong bối cảnh một cuộc biểu tình đòi hỏi công lý chủng tộc. Thậm chí tướng Mattis còn đưa ra lời tuyên bố phản đối tấm hình chụp ông Trump đi cạnh vị tướng Tham Mưu Trưởng mặc quân phục tác chiến để dọa đám biểu tình. Tướng Mattis ít khi nào đưa ra lời chỉ trích ông Trump một cách công khai. Tờ báo Washington Post cho biết tướng Mattis nổi giận khi thấy tướng Milley mặc quân phục tác chiến đi tuần qua công viên với ông Trump.

Bất kể hai vị tướng có những bất đồng ra sao. Cả hai tướng Mattis và Milley đều biết rằng tấm hình này là bằng chứng cho thấy bi kịch sẽ xảy ra, và không thể tránh được. Trong suốt nhiệm kỳ làm Tổng thống, ông Trump tìm đủ mọi cách để thay đổi vai trò của quân đội trong đời sống của người Mỹ. Trong cuộc vận động tranh cử hồi năm 2016, ông Trump tuyên bố ông ủng hộ việc sử dụng biện pháp đánh đập, và nhiều biện pháp hành hạ khác mà giới quân sự xem là tội phạm chiến tranh. Vào năm 2018, ngay trước khi có bầu cử giữa kỳ, ông Trump ra lệnh gửi xuống vùng biên giới phía nam hàng ngàn binh lính để ngăn chặn một cuộc “xâm lăng giả tạo” của đoàn xe chở người di dân tiến vào nước Mỹ. Năm 2019, với âm mưu làm giảm uy tín của hệ thống công lý trong quân đội, ông Trump ký quyết định tha bổng người quân nhân đứng chụp bên cạnh xác chết một người Iraq bị bắt làm tù binh.

Nhiều người coi việc ông Trump sử dụng quân đội để giải quyết vụ di dân tràn qua biên giới là dấu hiệu báo trước ông ta có thể dùng quân đội để gây áp lực trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Giáo sư Peter Feaver dạy môn quan hệ giữa dân sự và quân sự cho các tướng lãnh Mỹ ở trường đại học Duke University đưa ra nhận xét như trên. Ông cũng góp ý với tướng Milley không nên từ chức vì vụ ông đi bộ đến công viên Lafayette với ông Trump trong bộ quân phục. Ông chỉ nên đưa ra lời xin lỗi vì mình đã sai lầm, không nên xin từ chức, bởi vì quân đội không có truyền thống từ chức để phản đối.

Tướng Milley quyết định đứng ra xin lỗi trong bài diễn văn đọc ở Trường Đại Học Quân Sự mà ông sẽ nói chuyện, một tuần lễ sau vụ chụp hình ông đi bộ với ông Trump đến công viên Lafayette. Giáo sư Feaver khuyên tướng Milley nên nói rõ đó là lỗi lầm của cá nhân ông, không nên đổ thừa qua ông Trump. Theo giáo sư Feaver thì Tổng thống có quyền làm một hành vi chính trị bất ngờ, gây sốc. Đó là quyền của ông ta trong vai trò của một Tổng Thống.

Tướng Milley bình thản đưa ra lời xin lỗi: “Lẽ ra tôi không nên có mặt ở đó. Sự hiện diện của tôi gây ra hiểu lầm cho rằng quân đội can dự vào tình hình chính trị trong nước.”. Ông nói thêm: “Đó là một lỗi lầm tôi cần phải học hỏi thêm để tránh sai phạm về sau.”.

Cùng lúc đó, tướng Milley suy nghĩ mãi về việc này, và cuối cùng ông quyết định ông sẽ không bỏ cuộc, không xin từ chức. Ông nói với cộng sự viên của ông: “Tôi sẽ không xin từ chức. Tôi sẽ chiến đấu, ngăn cản ông ta.”. Thử thách sắp tới của ông là ông sẽ tìm mọi cách để ngăn chặn không cho ông Trump gây thêm thiệt hại cho đất nước, trong lúc ông vẫn tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ của một Tướng Tham Mưu Trưởng liên quân. Tuy nhiên, Hiến Pháp không đưa ra một hướng dẫn, kim chỉ nam nào để giúp Tướng Tham Mưu Trưởng khi có một ông Tổng thống lỗ mãng, ngang ngược- rogue như ông Trump. Từ ngày lập ra chức vụ Tham Mưu Trưởng năm 1949 đến nay chưa hề có trường hợp nào xảy ra. Hay ít ra tính từ ngày ông Richard Nixon làm Tổng thống vào năm 1974 đến nay, các vị tướng Tham Mưu Trưởng chưa bao giờ gặp tình huống khó khăn đến như vậy. Tướng Milley tâm sự với các phụ tá: “Nếu họ muốn đưa tôi ra Tòa Án Quân Sự, họ cứ việc làm. Phần tôi, tôi sẽ chống lại ông ta ngay từ trong chống ra.”.


Lời xin lỗi của tướng Milley được loan báo công khai cũng như trong chốn riêng tư. Với cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra, và thái độ căng thẳng, nóng nảy của ông Trump, vị tướng Tham Mưu Trưởng liên quân muốn nhắn gửi đến những người trong đảng Dân Chủ rằng ông cương quyết sẽ không tuân lệnh Tổng thống huy động quân đội tham gia vào những cuộc chiến tranh phi lý, hay can dự vào tình hình chính trị trong nước. Ông gọi điện thoại nói chuyện với TNS Chuck Schummer và bà Dân biểu Nancy Pelosi để giải bày tâm sự. Ông muốn nói rõ cho mọi người biết rằng ông không có ý định tham dự vào những trò chơi, những âm mưu do ông Trump đặt ra. Ông Bob Bauer, trước đây làm cố vấn cho Tổng thống Obama, bây giờ đang làm việc trong ban vận động tranh cử của ông Joe Biden cũng nhận được điện thoại phân trần của tướng Milley. Ông Bauer nói: “Quả thực tướng Milley hết sức bực mình về vụ đi bộ cùng ông Trump qua công viên Lafayette. Ông đã ngỏ lời xin lỗi với mọi người, rõ ràng là ông bị sa lầy trong vụ này.”.

Tuy nhiên ở Quốc Hội, nhiều người vẫn còn hoài nghi tướng Milley, trong đó có cả bà Nancy Pelosi. Đối với họ việc đi với ông Trump đến công viên Lafayette chứng tỏ rằng tướng Milley là một kẻ cuồng Trump chính cống, không thể chối cãi được. Dân biểu Adam Smith, Chủ tịch Ủy ban Quân Vụ ở Hạ Viện nói: “Rất nhiều bạn đồng viện của tôi bên phía Dân Chủ hiểu lầm tướng Milley, nhất là sau ngày 1 tháng Sáu, là ngày ông mặc quân phục đi cùng với ông Trump. Họ lo ngại tướng Milley sẽ tiếp tay với ông Trump sử dụng quân đội can thiệp vào tình hình chính trị. Tôi phải bảo đảm với các dân biểu Dân Chủ rằng tướng Milley sẽ không bao giờ làm chuyện dại dột đó.”.

Nhưng bà Pelosi, và một số dân biểu khác, vẫn không tin tưởng vào tướng Milley bởi vì một vụ khác xảy ra hồi đầu năm. Ông Trump đã ra lệnh giết tướng tư lệnh quân đội Iran, tên là Qassem Suleimani mà không hề báo trước cho các vị lãnh đạo bên quốc hội, bà Pelosi hay ông Smith. Họ tin rằng tường Milley có thái độ trịch thượng, không tôn trọng Quốc Hội. Về phần tướng Milley, ông cảm thấy mình không thể cãi lời ông Trump, không phải báo tin cho Quốc Hội. Ông Trump căm ghét Hạ Viện vì ông bị Hạ Viện luận tội đòi truất phế ông. Dân biểu Smith thông cảm với hoàn cảnh của tướng Milley, ông nói: “Né tránh đụng chạm với ông Trump là một việc rất khó cho tướng Milley.”. Nhưng bà Pelosi thi không chấp nhận tha thứ cho ông Milley.

Cuộc đối đầu giữa Ngũ Giác Đài và Tổng thống Trump sẽ tiếp tục trong bao lâu? Trong những tháng sau đó, mỗi sáng thức dậy, tướng Milley đều tự hỏi liệu hôm nay mình có bị Tổng thống sa thải hay không? Vợ ông nói rằng ông đã không phân trần rõ ràng khi ông ngỏ lời xin lỗi.

Ông Esper cũng ở trong tâm trạng có thể bị sa thải. Hai ngày sau khi đi cùng với ông Trump đến công viên Lafayette, ông Bộ trưởng Quốc Phòng đến phòng báo chí của Ngũ Giác Đài ngỏ lời xin lỗi với công chúng. Ông còn tiết lộ rằng chính ông đã lên tiếng chống lại ông Trump bằng cách viện dẫn đạo luật Chống Nổi Loạn- Insurrection Act quy định về việc sử dụng quân đội vào việc dẹp loạn. Ông Esper giải tích rằng quân đội chỉ được dùng trong trường hợp bất khả kháng mà thôi. Ông Trump nổi nóng và nạt ông Esper ngay tại Văn Phòng Tổng thống vì lời phản đối của ông Esper.

Ngày hôm sau, ông Mark Meadow, Chánh văn Phòng của Tổng thống đã gọi điện thoại cho ông Bộ Trưởng Quốc Phòng ở nhà riêng ba lần để thuyết phục ông đừng viện dẫn Luật Insurrection Act phản đối Tổng thống. Với thái độ độc tài của ông Trump, ông Esper nghĩ rằng ông cần phải ở lại chức vụ Bộ trưởng Quốc Phòng để có thể ngăn cản ông Trump không thể làm chuyện rồ dại. Theo luật, ngoài Tổng thống ra, chỉ có ông Bộ trưởng Quốc Phòng mới có thể biệt phái quân đội. Do đó, ông cần phải ở lại chức vụ này để không trao toàn quyền quyết định cho ông Robert O’Brien, hay ông Ric Grenell hai cố vấn an ninh, tình báo sau cùng của ông Trump.

Tướng Milley và ông Esper cùng nghĩ rằng họ cần phải ở lại trong suốt mùa hè để canh chừng ông Trump, không cho ông sử dụng quân đội trái phép. Họ hăm dọa sẽ sử dụng luật Insurrection Act để ngăn cản việc huy động quân đội vào hoạt động chính trị. Cả hai ông đều ở tâm trạng không biết khi nào mình sẽ bị ông Trump sa thải. Nhưng họ biết rằng họ có nhiệm vụ phải tôn trọng Hiến Pháp Hoa Kỳ nên họ không được phép ra đi.

Tướng Milley cất lá thư xin từ chức vào ngăn tủ, và phác họa một kế hoạch khác, tìm cách tiếp tục làm việc trong những tháng sắp tới. Ông lập ra bốn mục tiêu cần thực hiện. Trước hết là phải đảm bảo ông Trump sẽ không gây ra một cuộc chiến tranh không cần thiết ở ngoại quốc. Thứ hai là phải ngăn chặn không cho sử dụng quân đội vào việc chống lại ý nguyện của nhân dân Mỹ, với mục đích để ông Trump giữ được quyền bính. Thứ ba là phải giữ gìn cho quân bảo vệ được thanh danh, và uy tín của quân đội. Và thứ tư là phải bảo vệ uy tín của chính bản thân mình, trong vai trò một Tổng Tham Mưu Trưởng. Tướng Milley thường xuyên duyệt lại bốn chỉ tiêu do mình đặt ra những tháng sau đó.

Từ tháng Sáu, tướng Milley đã hiểu rằng ông có nhiệm vụ ngăn ngừa ông Trump kể cả sau ngày Bầu Cử 3 tháng Mười Một. Ông biết chắc rằng ngày Bầu Cử mới chỉ là ngày khởi đầu, không phải là ngày sau cùng, ông cần chuẩn bị đối phó với những thử thách do ông Trump gây ra. Những thử thách đó khiến ông lo âu rất nhiều. Mới một tuần lễ trước ngày đi bộ cùng ông đến công viên Lafayette, ông Trump đã viết ra một Twitter đầy thách thức, khiến ông lo ngại. Ông Trump cảnh cáo rằng: “Cuộc tranh cử Tổng thống năm 2022 sẽ là cuộc Bầu Cử Gian Lận lớn nhất trong lịch sử.”

Khoảng chiều ngày thứ Hai 9 tháng 11, nỗi lo sợ của tướng Milley sẽ có chuyện không hay xảy ra cho nước Mỹ sau cuộc bầu cử Tổng thống trở thành hiện thực. Đây là một hiện tượng chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử Hoa Kỳ. Các hãng tin đều cho rằng ông Biden đã thắng trong cuộc bầu cử, trong lúc đó, ông Trump cương quyết từ chối không chấp nhận kết quả bầu cử. Ông nói ông đã bị đánh cắp hàng triệu lá phiếu. Việc chuyển giao quyền hành trong hòa bình, một truyền thống cơ bản trong thể chế Dân chủ cấp tiến của Mỹ, đang bị đem ra thử thách. Tối hôm đó, khoảng gần 9 giờ, đang ngồi ở bàn ăn của gia đình, ông chủ tịch liên quân Hoa Kỳ nhận được điện thoại của Ngoại trưởng Mike Pompeo. Ngoại trừ quan hệ đặc biệt với Phó Tổng thống Mike Pence ra, ông Pompeo là người luôn luôn tỏ ra là một nhân vật hoàn toàn trung thành với ông Trump, vậy mà ông Pompeo đã phải điện thoại với tướng Milley để nói với ông: “Chúng ta cần phải ngồi xuống nói chuyện với nhau. Ông có rảnh không? Tôi sang gặp ông ông một lát nhé.”. Lúc đó, tướng Milley đang ở nhà riêng của ông, một căn nhà gạch đỏ trong Quarters Six của Ngũ Giác Đài.

Tướng Milley mời ông Pompeo sang ngay. Vừa ngồi xuống bàn trong nhà bếp, ông Pompeo đi thẳng vào chủ đề: “Nhiều chuyện điên khùng vừa mới xảy ra ở Bạch Cung cũng như ở Ngũ giác Đài.”. Ông Pompeo cho biết chỉ vài giờ sau khi kết quả bầu cử được công bố ông Biden thắng cử, và cũng là ngày làm việc đầu tiên sau khi có kết quả bầu cử, Tổng thống Trump sa thải Bộ trưởng Quốc Phòng Esper, thay thế ông này bằng ông Christopher Miller, một nhân vật cấp trung trong ngành chống khủng bố, trước đây làm trong Hội Đồng An Ninh Quốc gia. Ông Miller kéo nguyên một nhóm phụ tá, những kẻ tuân theo ý đồ chính trị của ông Trump, đến Ngũ Giác Đài, chuẩn bị sử dụng quân đội để làm đảo ngược kết quả bầu cử.

Đối với tướng Milley, đây là điều bất thường, và là một điềm gở cho đất nước. Ngay từ đầu, ông hiểu rằng để nắm được quyền bính, người ta sẽ sử dụng quân đội. Tướng Milley nghiên cứu rất nhiều về các thủ đoạn làm đảo chính xảy ra trong lịch sử. Những vụ đảo chính đó thường bắt đầu bằng cách thu tóm vào tay “bộ ba trung tâm quyền bính” gồm có quân đội, cảnh sát, và lực lượng vũ trang trong nước.

Ngay khi nghe tin ông Esper bị sa thải, tướng Milley chạy vội lên lầu, vào văn phòng Bộ trưởng, nói với ông Esper: “Đây là chuyện bố láo. Nếu ông bị đuổi tôi cũng xin từ chức theo.”. Ông Esper vội vàng ngăn cản:”Không được! Chỉ còn có một mình ông. Ông phải ở lại để còn liệu đường đối phó chứ.”.. Tướng Milley đồng với đề nghị của ông Esper.

Trong những tuần lễ theo sau, tướng Milley thường xuyên cho triệu tập phiên họp cấp lãnh đạo trong bộ Tổng Tham Mưu để nhắc nhở mọi người nên cảnh giác đề phòng những mưu đồ chính trị nguy hiểm xuất phát từ Bạch Cung đưa ra sau khi ông Esper không còn làm Bộ trưởng Quốc Phòng. Ông đem câu nói của Benjamin Franklin ra để nhắc nhở mọi người hãy đoàn kết với nhau để bảo vệ đất nước. Ông nói với các cộng sự viên rằng nếu cần ông và các vị tướng lãnh trong Bộ Tổng Tham Mứu có thể cùng nhau vượt qua sông Potomac đến Bạch Cung để cùng nhau xin từ chức đồng loạt, với mục đích ngăn ngừa tổng thống Trump sử dụng quân đội để duy trì quyền lực một cách bất hợp pháp.

Ngay khi ông Christopher Miller đến Bạch Cung nhận chức Bộ trưởng Quốc Phòng, tướng Milley gặp ông quyền Bộ trưởng Quốc Phòng mới, và nói: “Đề nghị chúng ta làm việc theo thứ tự, việc nào cần phải làm trước hết thì làm.”. Tướng Milley nói tiếp: “Tôi xin nhắc để ông rõ ông là một trong hai người ở Hoa Kỳ có khả năng sử dụng vũ khí nguyên tử.”. Trước đó, ở Trung Tâm Chống Khủng Bố người ta đã đồn rằng ông Miller có thể được chọn để thay thế ông Esper. Theo viên chức làm việc ở Ngũ Giác Đài thì đây là điều hết sức vô lý, bởi vì ông Miller là một người không có sáng kiến, không có chủ thuyết riêng, ông ta chỉ là người biết nương theo chiều gió để có cơ hội thăng quan tiến chức. Nếu ông Miller nắm chức Bộ Trưởng Quốc Phòng, ông ta sẽ ủy thác việc điều khiển bộ quốc phòng cho ba nhân vật phụ tá là ông Kash Patel, chánh văn phòng mới của ông Miller, ông Ezra Cohen, Thứ trưởng Quốc Phòng, đặc trách về tình báo, an ninh, và người thứ ba là tướng hồi hưu Anthony Tata, một cái máy nói, đại diện cho ông Miller nói chuyện trên đài Fox. Tướng Tata sẽ trở thành người đứng đầu về chính sách của Ngũ Giác Đài.

Bộ ba phụ tá cho ông Miller là những người từng bị nhiều tai tiếng. Tướng Tata nổi tiếng vì ông ta từng gọi Tổng thống Obama là “lãnh tụ khủng bố.”. Ông còn tố cáo một cựu giám đốc CIA âm mưu ám sát Tổng thống Trump. Patel, trước đây làm phụ tá cho dân biểu Devin Nunes, một Dân Biểu Cộng Hòa cao cấp trong Ủy ban Tình báo Hạ Viện. Ông Patel là người đẻ ra thuyết âm mưu nói rằng chính Ukraine, không phải Nga, là nước đã can thiệp vào bầu cử ở Mỹ. Ông John Bolton và ông Charles Kupperman, làm việc trong Hội Đồng An Ninh phản đối việc cho phép Patel làm việc trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia. Nhưng đề nghị của họ không được để ý đến vì Patel là người do chính ông Trump bổ nhiệm. Trong vụ ông Trump bị truất phế vì gây áp lực viện trợ quân sự ở Ukraine làm lợi cho mục đích chính trị riêng của mình, Patel đứng ra bênh vực ông Trump hết mình. Patel cho rằng đó là những lời cáo buộc bịa đặt, hoàn toàn không hề có. Cuối cùng Patel được cử sang giúp tướng Grenell phụ trách ngành tình báo.

Ông Cohen trước đây làm việc trong Cơ Quan Tình Báo Quốc Phòng dưới quyền tướng Michael Flynn. Lúc đầu ông Cohen cũng được tuyển vào làm trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, nhưng sau khi tướng Michael Flynn bị mất chức, thì ông Cohen cũng bị đẩy ra ngoài. Khi có những nỗ lực tuyển Cohen trở lại làm việc trong Bạch Cung, một phụ tá cũ của ông John Bolton cực lực phản đối. Ông ta nói: “Chúng ta không thể cho một kẻ độc hại như bệnh ung thư lọt vào Bạch Cung. Ezra là cái nhọt ung thư.”. Qua mùa Xuân năm 2020, ông Cohen được bổ nhiệm vào làm trong Ngũ Giác Đài, phụ trách về tình báo.

Lần đầu tiên tướng Milley nếm mùi cay đắng do việc bổ nhiệm những cố vấn mới vào làm trong Ngũ Giác Đài là vụ sáu biệt kích trong đội Navy SEAL đi giải cứu một người Mỹ bị bắt giữ làm con tin ở Nigeria. Vụ giải cứu này suýt nữa phải hủy bỏ vì thiếu phối hợp. Chính phủ Nigeria không chịu chấp thuận cho thực hiện. Chính Patel là người gây ra sự hiểu lầm giữa hai nước. Nhưng cơ quan CIA từ chối không áp dụng biện pháp kỷ luật đối với Patel. Ông Pompeo cho rằng Patel và các cộng sự viên làm việc cẩu thả, tắc trách.

Sau khi ông Esper bị cách chức, tướng Milley cho gọi Patel và Cohen, mỗi người phải đến gặp riêng ông. Ông nghiêm khắc cảnh cáo: “Tôi không cần biết các anh âm mưu gì đi chăng nữa. Nhưng tôi cảnh cáo để các anh biết kể từ 12 giờ trưa ngày 20 tháng Giêng, sẽ có một Tổng thống tên là Joe Biden. Các anh hãy liệu hồn, đừng dại làm điều gì bất hợp pháp, sẽ phải ngồi ngồi tù rất lâu.”. Sau này, cả Cohen lẫn Patel đều nói họ vào gặp tướng Miley trong tinh thần thân thiện thoải mái, không hề có lời cảnh cáo gì cả. Tướng Milley thì nói với các phụ tá của ông rằng ông đã lên tiếng cảnh cáo hai nhân vật này. Ông nói với họ: “Đừng làm điều gì sai trái, đừng mưu toan làm bậy. Tôi đánh hơi thấy rồi. Tôi trông thấy rõ, nhiều người khác cũng trông thấy nữa.Và nên nhớ rằng quân đội không bao giờ chịu tham gia vào cái trò bẩn thỉu này.”.

Ít lâu sau, kế hoạch hành động của nhóm mới do ông Trump bổ nhiệm đến Ngũ Giác Đài bắt đầu lộ diện. Họ thực hiện lời cam kết của ông Trump đưa ra hồi tranh cử năm 2016: Rút quân Mỹ ra khỏi những cuộc chiến tranh “bất tận” ở ngoại quốc. Hai ngày sau khi ông Esper bị sa thải, trong một phiên họp, Patel đưa một mảnh giấy nhỏ đến tướng Milley. Đó là một lệnh, có chữ ký của Tổng thống Trump bằng cây viết Sharpie đậm nét. Lệnh này buộc phải rút hết 4500 lính Mỹ ra khỏi Afghanistan trước ngày 15 tháng Giêng, lệnh này cũng buộc phải đem hết số lính gần 1000 người ra khỏi Somalia trước ngày 31 tháng 12. Nhóm quân nhân này làm công tác chống khủng bố ở Somalia.

Tướng Milley ngạc nhiên, hỏi Patel: “Ở đâu mà anh có lệnh này?”

Patel nói ông ta vừa ở vừa Bạch Cung đến đây.

Tướng Milley hỏi tiếp: “Ông có khuyên Tổng thống làm việc này không?”. Ông Patel trả lời: “Không! Tôi không đề nghị việc này.”.

Tướng Milley phân trần: “Như vậy ai đã khuyên Tổng thống làm quyết định? Theo luật, tôi phải là người cố vấn cho Tổng thống về những quyết định liên quan đến quân đội. Tại sao tôi lại không được hỏi ý kiến?”

Nói xong, ông quyết định mặc bộ quân phục vào người và đi thẳng đến Bạch Cung. Tại đây ông vào một số phụ tá khác vào họp với ông Robert O’Brien, cố vấn an ninh quốc gia.

Vừa bắt đầu họp, tướng Milley trình làng lệnh rút quân của Tổng thống mà Patel vừa đưa cho ông xem. Ông hỏi: “Lệnh này do ai đưa ra?”

Ông O’Brien trả lời: “Tôi không biết. Trông không giống như một văn thư của Bạch Cung.”

Ông Keith Kellogg, một ông tướng hồi hưu làm cố vấn cho Phó Tổng thống Mike Pence đòi cho xem tài liệu. Xem xong, ông nói: “Đây không phải là lệnh của Tổng Thống. Hình thức văn thư này không đúng kiểu văn thư của Tổng thống. Ai đó đã làm sai rồi.”.

Tướng Milley nói với tướng Kellogg: “Anh Keith, bộ anh nói đùa hả. Có ai đó dám mạo nhận chữ ký của Tổng thống để làm lệnh này hay sao?

Thực ra mệnh lệnh này không phải là lệnh giả. Đây là kết quả của một kế hoạch táo bạo, vô kỷ luật của một nhóm cố vấn trong Bạch Cung dưới quyền chỉ đạo của Johnny McEntee, một cố vấn nhân sự, bạn thân của ông Trump từ hơn 30 năm nay, hết lòng ủng hộ, phò tá Tổng thống. Người thảo ra lệnh này là Douglas Macgregor, một đại tá hồi hưu, từng xuất hiện trong show truyền hình trước đây của ông Trump. Sau đó, lệnh này được đưa thẳng đến bàn của Tổng thống, qua mặt hội đồng an ninh quốc gia.

Đại tá Macgregor thường xuất hiện trên đài Fox, liên tục đòi rút hết quân ra khỏi Afghanistan, và ông tố cáo các cố vấn của Tổng thống tìm cách ngăn cản việc rút quân này. Ông Macgregor từng nói với bình luận gia Tucker Carlson hồi tháng Giêng rằng: “Họ thường viện dẫn lý do cho rằng nếu Tổng thống ra lệnh rút quân ra khỏi đây, sẽ có nhiều việc xấu xảy ra.”.

Vào ngày ông Esper bị sa thải, ông McEntee mời ông Macgregor đến văn phòng, đề nghị sẽ bổ nhiệm ông làm cố vấn cho ông Bộ trưởng mới, đồng thời trao cho ông bản viết tay bốn điều ông Trump từng hứa sẽ làm:

Rút quân ra khỏi Afghanistan
Rút quân ra khỏi Iraq và Syria
Đem tất cả binh lính Hoa Kỳ ở Đức về nước
Rút hết quân Mỹ ra khỏi Phi châu.

Khi lệnh rút quân ra khỏi Afghanistan được khám phá, các cố vấn của Tổng thống tìm cách thuyết phục ông thay đổi quyết định này. Ông Pompeo nhắc nhở ông ta rằng ông đã chấp thuận kế hoạch rút quân trong vài tháng tới. Cuối cùng thì ông O’Brien nói: “Lệnh rút quân ra khỏi Afghanistan xem như vô hiệu, không áp dụng vào lúc này.”.

Một thỏa thuận được đề nghị là sẽ rút quân ra khỏi Afghanistan, chỉ còn giữ lại 2,500 lính vào giữa tháng Giêng. Kế hoạch đó đã bị ông Esper và tướng Milley phản đối. Ngoài ra, lính Mỹ cũng phải rút khỏi Iraq, chỉ còn giữ lại 3,000 binh sĩ ở lại. Bộ Ngoại Giao có một giờ đồng hồ để thông báo quyết định rút quân cho lãnh đạo các nước liên hệ trước khi lệnh rút quân được công bố.

Có hai ác mộng ám ảnh mãi trong tâm trí của tướng Milley. Thứ nhất là ông Trump có thể phát động một cuộc khủng hoảng ở ngoại quốc, chẳng hạn như gây chiến với Iran, đánh lạc hướng sự chú tâm của mọi người ở trong nước, để thừa cơ thâu tóm quyền lực. Vụ thứ hai là ông Trump sẽ đạo diễn làm một cuộc khủng hoảng chính trị ở trong nước để biện minh cho việc ông biệt phái quân đội xuống đường phố dẹp loạn. Ông làm như vậy để không phải trao quyền tổng thống cho người mới. Tướng Milley sợ rằng ông Trump sẽ bắt chước Hitler ngày xưa, tố cáo bầu cử gian lận, và tạo ra cuộc khủng hoảng chính trị để không giao quyền cho Tổng thống mới, giống như Hitler ngày xưa dựng ra khủng hoảng để lập nên chế độ Đức Quốc Xã- gọi là Reichstag Moment. Hồi năm 1933, Hitler đã nắm lấy cơ hội có một vụ hỏa hoạn ở Quốc Hội Đức, để xông ra nắm quyền cai trị cả nước. Bây giờ, tướng Milley lo sợ ông Trump sẽ ban bố tình trạng khẩn trương, áp dụng thiết quân luật với lý do bầu cử gian lận.

Khoảng cuối tháng Mười Một, trong lúc ông Trump gia tăng những lời tố cáo có gian lận trong kỳ bầu cử, song tướng Milley và ông Pompeo cộng tác chặt chẽ với nhau. Điều này chính Bộ Trưởng Ngoại Giao Pompeo đã tiết lộ với ông William Barr, Bộ trưởng Tư Pháp trong bữa ăn tối ngày 1 tháng Mười Hai. Lúc đó, ông Barr vừa mới chấm dứt ủng hộ ông Trump, ông công khai nói với hãng thông tấn Associated Press rằng không có bằng chứng gian lận bầu cử xảy ra nhiều đến nỗi cần phải thay đổi kết quả bầu cử. Ông Barr nhớ lại hôm đó hai ông đã ăn tối với nhau tại một nhà hàng Ý trong khu thương mại ở Virginia. Ông nói hôm đó nhiều biến cố quan trọng xảy ra. Ông Pompeo tiết lộ với ông Barr về kế hoạch bí mật của ông với tướng Milley nhằm ngăn chặn tai họa có thể xảy ra cho đất nước trước ngày tổng thống mới làm lễ nhậm chức. Hai ông gọi điện thoại hàng ngày với chánh văn phòng Mark Meadow để theo dõi tình hình, Họ gọi đó là “kế hoạch hạ cánh an toàn.”

Tướng Milley nói với các phụ tá của ông: “Việc làm của chúng tôi là tìm cách hạ cánh an toàn, thực hiện cuộc chuyển giao quyền hành trong hòa bình vào ngày 20 tháng Giêng.”. Ông nói thêm: “Đó là nhiệm vụ chúng ta phải làm cho đất nước. Nhưng hiện nay đang có vấn đề lớn xảy ra là cả hai máy của phi cơ đều bị hỏng, và hộp số hạ cánh bị kẹt. Vì thế chúng ta đang ở tình trạng nguy cấp.”.

Đối với công luận, ông Pompeo tiếp tục đóng vai trò của một người tuyệt đối ủng hộ ông Trump. Sau ngày ông bí mật gặp tướng Milley nói về những “hiện tượng điên khùng” đang xảy ra trong Bạch Cung, khi ra ngoài, ông vẫn nói: “Sẽ có sự chuyển giao quyền hành hòa bình - với chính phủ thứ hai của ông Trump- Second Trump Administration. Nhưng trong hậu trường, ông Pompeo chấp nhận rằng cuộc bầu cử đã ngã ngũ, và ông sẽ không đồng ý làm cái việc thay đổi kết quả bầu cử. Một viên chức cao cấp trong Bộ Ngoại Giao nói: “Ông Bộ trưởng hoàn toàn chống lại với kế hoạch thay đổi kết quả bầu cử. Ông Pompeo lâm, vào thế rất khó xử. Ông phải cố duy trì không để bị sa thải, và theo dõi đến cùng kết quả cay đắng này.”.

Cả hai ông Milley và Pompeo đều bất mãn với nhóm người ông Trump mới bổ nhiệm gửi đến Ngũ Giác Đài làm việc sau khi sa thải ông Esper. Hồi trước ông Pompeo và ông Esper cùng học với nhau ở Học Viện Quân Sự West Point.

Tính đến đầu tháng Mười Hai, tướng Milley tin chắc rằng ông Pompeo thật sự cộng tác với ông trong kế hoạch hạ cánh an toàn. Sau cuộc điện thoại thường lệ vào 8 giờ sáng, tướng Milley tin rằng ông Pompeo sẽ cùng ông giữ đúng cam kết sẽ thực hiện cuộc chuyển giao quyền hành từ ông Trump sang ông Biden một cách hòa bình. Nhưng ông không chắc về những suy nghĩ tính toán trong đầu của ông Mark Meadow. Liệu ông Chánh Văn Phòng này có âm mưu bắt cóc, làm không tặc không cho máy bay hạ cánh an toàn?

Trong lúc đợi chờ trong hồi hộp, tướng Milley hay gọi điện thoại cho ông Pat Cipollone, Cố Vấn ở Bạch Cung. Ông này là người hết lòng tin tưởng vào nhóm bảo thủ, và trung thành tuyệt đối với ông Trump. Sau khi nói chuyện với ông Cipollone, tướng Milley tin rằng ông cố vấn này là người sáng suốt, tỉnh táo, sẽ không làm chuyện điên khùng. Tướng Milley theo dõi rất sát tình hình diễn biến ở Bạch Cung.

Tướng Milley cũng liên lạc với nhóm người bên phía Dân Chủ, thân cận với ông Biden. Ông bảo đảm họ sẽ không cho phép sử dụng quân đội để duy trì quyền lực cho ông Trump một cách trái phép. Một trong những nhân vật Dân Chủ tướng Milley thường hay liên lạc là bà Susan Rice, trước đây làm trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia dưới thời Tổng thống Obama. Ông cũng liên lạc với Thượng Nghị Sĩ Angus King, một vị dân cử độc lập ở tiểu bang Maine. Ông King nói với các bạn đồng viện rằng: “Tôi có dịp nói chuyện với một nhân vật quan trọng về vấn đề người ta có thể sử dụng quân đội trái phép để duy trì quyền lực. Điều đó chắc chắn sẽ không xảy ra vì tướng Milley là một người đứng đắn, lương thiện đầy đủ tư cách để ngăn cản việc làm điên rồ này.”.

Tướng Milley có thêm lý do để hoài nghi tai họa cho đất nước có thể sẽ xảy ra, và ông bị áp lực rất nặng khi phải đối phó với những biến cố này. Vào cuối tháng Mười Một, ông Trump tha bổng cho tướng Michael Flynn. Ông Flynn bị ở từ vì đã nói láo với cơ quan FBI về vấn đề có tiếp xúc với người Nga hay không. Ngay sau khi được tha bổng, tướng Flynn đề nghị với ông Trump một số giải pháp để thay đổi kết quả bầu cử. Ông có thể ban hành lệnh thiết quân luật, bổ nhiệm một cố vấn đặc biệt, và cho phép quân đội “làm lại cuộc bầu cử” ở những tiểu bang có cuộc tranh đua khít khao - swing states. Ngày 18 tháng Mười Hai, ông Trump tổ chức một bữa tiệc ngay trong Văn Phòng Tổng Thống để đãi tướng Flynn và những người phủ nhận kết quả bầu cử. Tại đây, lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ, ông Tổng thống tỏ ý muốn dùng quân đội để thay đổi kết quả bầu cử. Họ mang theo bản thảo kế hoạch hành động. Trong đó, Tổng thống ra lệnh cho Bộ trưởng Quốc Phòng Christopher Miller đi “ tịch thu, thu thập, tồn trữ, và phân tích” những máy bầu cử và đưa ra kết quả phân tích sau 60 ngày làm việc tịch thu này, mặc dù lúc đó đã xảy ra sau ngày 20 tháng Giêng, là ngày Tổng thống đắc cử làm lễ nhậm chức. Tối khuya hôm đó, ông Trump gửi ra một đoạn văn viết trên Twitter, ông kêu gọi những người ủng hộ ông hãy kéo đến thử đô để giúp ông duy trì quyền bính của một Tổng thống. Ông viết lúc 1 giờ 42 phút sáng: “Chúng ta sẽ kéo đến thủ đô Hoa Thịnh Đốn làm một cuộc biểu tình phản đối thật lớn. Bà con cùng rủ nhau đến thật đông, sẽ quậy phá tưng bừng.”.

Mối lo sợ của tướng Milley là sẽ có một cuộc đảo chính xảy ra. Điều này quả thực không còn xa vời nữa. Nó đang từ từ hiện ra.

Trong lúc ông Trump bị “nhóm tay sai điên khùng” vận động ra lệnh quân đội can thiệp vào tình hình chính trị trong nước, tướng Milley và các bạn đồng sự của ông lại lo rằng ông Trump có thể bất ngờ ra lệnh tấn công Iran. Trong suốt thời gian làm Tổng thống, ông bị nhóm cố vấn diều hâu xúi giục ông làm một màn tấn công Iran, đầy tính chất dương oai, kịch tính. Bọn chúng lại đem ý kiến này ra khi thấy ông Trump có tri63n vọng bị thua trong kỳ bầu cử. Hồi đầu năm 2020, khi Phó Tổng thống Mike Pence chủ trương áp dụng đường lối cứng rắn với Iran, tướng Milley hỏi ông Pence tại sao ông chủ trương việc này. Ông Pence trả lời rằng “Vì Iran là một nước của ác quỷ.”. Tướng Milley nhớ lại câu trả lời của ông: “Thưa Phó Tổng thống, trên thế giới này có rất nhiều nước ác quỷ, chẳng lẽ chúng ta phải đánh tất cả chúng nó hay sao?”.

Tướng Milley cảm thấy lo ngại hơn khi trước ngày bầu cử, ông nghe một nhân viên cao cấp trong Bạch Cung nói với ông Trump rằng nếu ông bị thất cử ông nên ra tay đánh chương trình chế tạo vũ khí nguyên tử của Iran. Lúc đó, tướng Milley than với cộng sự viên: “Mấy cha nội này đang bàn với nhau chuyện bậy bạ gì đây?”. Bây giờ sự lo sợ xảy ra chiến tranh với Iran hình như có thể xảy ra.

Ông Robert O’Brien, cố vấn an ninh quốc gia là một nhân vật cổ vũ hết mình cho việc sử dụng những biện pháp cứng rắn, táo bạo. Trong cuốn hồi ký, ông Esper từng viết: Chính O’Brien đã nói với ông Trump: “Thưa Tổng thống, chúng ta nên đánh cho chúng nó những đòn thật mạnh, thật đau. “. Sau này, ông O’Brien cải chính rằng ông không hề nói với ông Trump đề nghị này.

Trong tuần lễ ông Esper bị sa thải, tướng Milley được lệnh vào Bạch Cung để trình bày cho Tổng thống những chọn lựa có thể làm nếu muốn tấn công Iran. Tại đây, tướng Milley thật sự thấy rõ sự yếu kém, dốt nát của Miller, ông Bộ trưởng Quốc Phòng mới được ông Trump bổ nhiệm để thay thế ông Esper.

Tướng Milley trình bày cho Tổng thống Trump những giải pháp có thể làm. Tướng Milley cho rằng những điều ông trình bày là vô ích, bởi vì ông Trump cứ đòi tấn công vào nội địa nước Iran, vào địa điểm chế tạo vũ khí nguyên tử. Tướng Milley giải thích rằng không nên làm như vậy. Bởi vì điều này có nghĩa là Hoa Kỳ ra tay đánh trước, và chúng ta là kẻ gây ra cuộc chiến tranh. Làm như vậy chúng ta có thể bị lôi ra tòa án quốc tế ở The Hague về tội phạm chiến tranh.

Thự ra, trong lòng ông Trump không muốn xảy ra một cuộc chiến tranh toàn diện với Iran. Ông ta chỉ muốn làm một màn trình diễn nhiều hơn. Lúc nào ông Trump cũng hô hào cần phải đánh vào cơ sở sản xuất vũ khí nguyên tử của Iran.

Điều đáng sợ nhất là có thể Iran tìm cách khiêu khích ông Trump vì biết rõ ông Trump đang ở tâm trạng rối trí, có triển vọng bị thất cử. Ông Adam Smith, Dân biểu đảng Dân Chủ đang là Chủ tịch Ủy ban Quân sự ở Hạ Viên nêu lên mối lo ngại này.

Một trong những người có tình muốn ông Trump khai chiến với Iran trước ngày ông Biden tuyên thệ nhậm chức là ông Benjamin Netanyahu, Thủ tướng Do Thái. Vào ngày 18 tháng Mười Hai, đúng ngày tướng Michael Flynn bàn với ông Trump về việc ban hành lệnh thiết quân luật. Tướng Milley phải đích thân đến nhà của ông Netanyahu khuyên ông nên rút lại ý kiến yêu cầu ông Trump ra lệnh đánh Iran. Tướng Milley nói với Thủ tướng Do Thái rằng nếu ông tiếp tục đề nghị ông Trump đánh Iran, chúng ta sẽ có một cuộc chiến tranh hết sức tồi tệ, phi pháp.

Hai ngày sau, vào d8u1ng ngày 20 tháng Mười Hai, lực lượng du kích do Iran bảo trợ ở Iraq liên tiếp bắn hàng chục trái hỏa tiễn vào Sứ Quán Mỹ ở Baghdad. Ông Trump phản pháo bằng cách hăm dọa rằng Hoa Kỳ sẽ trả đũa rất nặng nếu có một người Mỹ nào bị giết chết. Vụ bắn hỏa tiễn vào Sứ Quán Mỹ kỳ này là một trận tấn công lớn nhất vào khu Green Zone trong mười năm qua. Đó chính là sự khiêu khích của Iran khiến ông hết sức lo ngại.

Trong khoảng thời gian gần nghỉ lễ, căng thẳng với Iran càng tăng thêm khi nước này làm lễ tưởng niệm một năm ngày tướng Soleimani bị giết. Giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei cảnh cáo rằng kẻ nào ra lệnh giết tướng Soleimani sẽ phải bị trừng trị. Chiều Chủ Nhật 3 tháng Giêng, ông Trump họp với ông Pompeo, tướng Milley và ông O’Brien của Hội Đồng An Ninh Quốc gia để nghe báo cáo về phúc trình của Cơ Quan Nguyên Tử Năng Quốc Tế. Cuối cùng phiên họp đưa ra kết luận là không nên đánh Iran vào giai đoạn cuối của nhiệm kỳ của ông Trump. Lúc đó, ông Trump còn đang để hết tâm trí vào việc thay đổi kết quả bầu cử.

Vào lúc cuối phiên họp với các cố vấn cao cấp trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, ông Trump kéo ông Bộ trưởng Quốc Phòng Miller sang một bên và hỏi nhỏ xem ông đã sẵn sàng cho cuộc phản đối vào ngày 6 tháng Giêng chưa. Tướng Milley nghe ông Trump nói với ông Miller: “Đây không phải là chuyện to lớn lắm đâu. Ông chuẩn bị sẵn đủ người đấy chứ. Nhớ rằng ông cần phải giữ an ninh cho những người ủng hộ tôi. Giữ cho họ được an toàn đấy nhé.”. Ông Miller cam kết sẽ làm đúng như ý của ông Trump. Đó là lần sau cùng tướng Milley gặp ông Trump.

Ngày 6 tháng Giêng, tướng Milley đang ở văn phòng làm việc tại Ngũ Giác Đài, và có cuộc họp với bà Christine Wormuth, người trưởng nhóm tiếp thu Bộ Quốc Phòng trong chính quyền Biden. Kể từ sau ngày bầu cử, tại phòng làm việc, tướng Milley đặt bốn máy TV, để theo dõi tin tức của bốn đài khác nhau: Đài CNN, đài Fox News, cũng như hai đài nhỏ ủng hộ ông Trump, đó là đài Newsmax và đài One America News Network. Hai đài nhỏ này chuyên tung tin giả, tin bóp méo sự thực về bầu cử. Tướng Milley nói đùa với bà Christine về việc ông theo dõi tin tức cùng một lúc trên bốn đài khác nhau: “Bà phải biết đối thủ đang nghĩ gì, và định làm gì.”.

Ngày hôm đó, tướng Milley và bà Wormuth dự tính sẽ thảo luận về kế hoạch của Ngũ Giác Đài liên quan đến việc rút quân lính Mỹ ra khỏi Afghanistan, cũng như kế hoạch chính ngừa COVID-19 quy mô trên toàn quốc. Nhưng họ hốt hoảng khi trông thấy những gì đang xảy ra ở trụ sở Quốc Hội, được trực tiếp truyền hình. Tướng Milley bèn cho tổ chức cuộc họp khẩn cấp với Bộ trưởng Quốc Phòng Miller và ông Ryan McCarthy, Bộ Trưởng Lục Quân. Theo tướng Milley họ chưa kịp hạ cánh an toàn thì may bay đã bị rơi, và đang bốc cháy.

Tướng Milley đến văn phòng Bộ trưởng Quốc Phòng lúc 2 giờ 30 trưa và họ thảo luận về việc gửi Vệ Binh Quốc Gia -National Guards đến thủ đô Hoa Thịnh Đốn, huy động các đơn vị Vệ Binh Quốc Gia trực thuộc liên bang và tiểu bang ở những vùng phụ cận. Họ đặt lực lượng dưới sự chỉ huy của Bộ Tư Pháp. Ông Miller ký lệnh thi hành lúc 3 giờ 04 gửi Vệ Binh Quốc Gia đến Hoa Thịnh Đốn.

Nhưng lúc đó, sự can thiệp đã quá trễ để ngăn chặn sự sỉ nhục đối với một trong ba rường cột của chế độ Dân Chủ. Quốc Hội Mỹ đã bị phá tan hoang do một nhóm côn đồ làm loạn. Bọn chúng là những kẻ phủ nhận kết quả bầu cử, thành phần vũ trang của nhóm Da Trắng cực đoan, nhóm bịa đặt thuyết âm mưu, và những kẻ cuồng Trump. Tướng Milley lo âu suy nghĩ phải chăng đây chính là “cuộc bạo động, phá rối” bắt chước Hitler ngày xưa, để tạo ra cái gọi là “Reichstag Moment”. Chúng bày ra cuộc khủng hoảng, để nhảy ra làm đảo chính, cướp chính quyền trong tay người khác. Cuộc khủng hoảng sẽ giúp Tổng thống Trump ban hành thiết quân luật, và ông tiếp tục nắm giữ quyền hành.

Các nhà lãnh đạo trong quốc hội đã được lực lượng bảo vệ an ninh đưa đến địa điểm an toàn trong trại lính Fort McNair. Họ gọi điện thoại đến Ngũ Giác Đài yêu cầu biệt phái quân đội ngay lập tức đến Quốc Hội để cứu nguy các vị dân cử. Bà Nancy Pelosi và ông Chuck Summer không tin tưởng vào Bộ trưởng Quốc Phòng Miller: Họ hoài nghi không hiểu ông Bộ trưởng mới do ông Trump bổ nhiệm đứng về phe nào? Tướng Milley bảo đảm với các nhà lãnh đạo đảng Dân Chủ rằng quân đội sẽ được vận dụng để giải quyết cuộc khủng hoảng này, chắc chắn họ sẽ không rơi vào cái bẫy của ông Trump. Ông nói với hai người: Vệ Binh Quốc Gia đang trên đường đi đến Quốc Hội.

Lúc bấy giờ đã 3 giờ ba mươi, và các nhà lãnh đạo quốc hội bực mình tại sao việc huy động quân đội mất nhiều thời gian quá. Họ cũng nói chuyện với Phó Tổng thống Mike Pence. Chính ông là người đề nghị nên gọi thẳng cho Ngũ Giác Đài. Ông nói chuyện được với ông Miller, khi đó, tướng Milley cũng đang ở đó. Ông Pence ra lệnh: “Các ông phải giải tỏa điện Capitol ngay tức khắc.”.

Mặc dù chính ông Pence là người gọi điện thoại để xin bảo vệ điện Capitol, nhưng sau này ông Chánh Văn Phòng Mark Meadows lại giả vờ nói rằng chính ông Trump là người làm việc này. Ông ta điện thoại nói với tường Milley yêu cầu: “Chúng ta phải loại bỏ lời miêu tả nói rằng Phó Tổng Thống đã làm tất cả những quyết định này. Chúng ta cần miêu tả để cho thấy Tổng thống vẫn đang trực tiếp nắm quyền lãnh đạo.”. Sau này, tướng Milley bác bỏ luận điệu của ông Meadows. Trong lúc đó, phát ngôn viên của Meadows lại bác bỏ lời nói của tướng Milley, đưa ra lời bình phẩm: “Tất cả đều là trò chơi chính trị, chính trị, và chính trị.”.

Cuối cùng Vệ Binh Quốc Gia đến trụ sở Quốc Hội khoảng 5 giờ 40 chiều tối. Tướng Milley cho rằng đó là “tốc độ nhảy vọt.”, nhưng không đủ nhanh để cứu một số thành viên trong Quốc Hội. Sau này, họ sẽ bị quốc hội vặn hỏi, và điều tra trong nhiều tháng.Khoảng 7 giờ tối, hàng rào an ninh đã được dựng lên tại trụ sở Quốc Hội. Nhân viên an ninh của hai cơ quan FBI và ATF đi khám xét khắp mọi ngóc ngách của điện Capitol để xem có kẻ làm loạn nào ẩn náu trong đó hay không.

Tối hôm đó,trong lúc chờ đợi Quốc Hội chính thức phê chuẩn kết quả bầu cử, ông Trump bị thất cử. Tướng Milley mới gọi điện thoại cho người của phía ông Biden. Ông báo cho họ biết ông đã nói chuyện bằng điện thoại với ông Meadows, ông Pat Cipollone ở Bạch Cung, và ông cũng liên lạc với ông Pence và các vi lãnh đạo bên quốc hội qua điện thoại. Nhưng ông không hề nhận được điện thoại từ vị Tổng tư lệnh quân đội là ông Trump vào cái ngày điện Capitol bị lực lượng thù nghịch xông vào đánh phá, lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh năm 1812. Theo tướng Milley, ông Trump cảm thấy vừa “xấu hổ” vừa mang mặc cảm “đồng lõa” với bọn côn đồ làm loạn.

Sau này, thỉnh thoảng tướng Milley nhớ lại cái ngày tồi tệ đó. Tướng Milley là người say mê đọc lịch sử. Ông nhớ lại câu chuyện về trận đánh Waterloo, tướng Duke of Wellington đã thắng Napoleon trong đường tơ kẽ tóc. Ông Trump và những kẻ tay sai của ông ta đã thất bại trong âm mưu của họ, một phần vì họ không hiểu được rằng tướng Milley, và các vị tướng khác của Mỹ chưa bao giờ chịu làm tay sai của ông Trump, và sẽ không bao giờ họ chấp nhận làm kẻ tôi đòi cho ông Trump. Tuy nhiên, vụ tấn công vào Quốc Hội Mỹ về kết quả bầu cử cho thấy rằng hệ thống chính trị của chúng ta có những nhược điểm nổi bật. Tướng Milley nói: “Bọn nổi loạn đã có thể làm lay chuyển tận gốc rễ một nước Cộng Hòa. Bạn hãy tưởng tượng xem giả sử như bọn gây rối này là những tay khéo léo, tài giỏi, nhiều khả năng hơn thì kết quả sẽ như thế nào?”

Nguyễn Minh Tâm dịch theo THE NEW YORKER ngày 18/8/2022

Giao Chi San Jose. giaochi12@gmail.com (408) 316 8393

Không có nhận xét nào: