Tác giả Võ Đào Phương Trâm
Căn phòng gia tiên đục ngầu màu đỏ quạch của ánh đèn thờ treo trên trần nhà cao hơn 4 thước bằng gỗ gụ. Màu trầm mặc lạnh âm âm lồng trong màu rượu đỏ làm cho gian nhà trở nên nặng màu u ám đến lạnh người.Căn phòng gia tộc họ Trần đã được xây cất hơn trăm năm nay, được người đời này truyền sang người đời khác nhưng ít ai được đặt chân đến, trừ khi có chuyện gì hệ trọng. Hằng ngày, căn phòng luôn được khoá trái, chiều đến thì có người được bà Hội đồng Dần phân công vô mở đèn thờ. Ánh sáng đỏ u tịch phát ra từ căn phòng nằm lẫn giữa những tàng cây cổ thụ toát lên sự liêu trai mà ít ai dám đi ngang nơi này khi Trời bắt đầu chiều xuống.
Mợ hai Uyển, vợ của cậu hai Nguyên quỳ trên chiếc gối bọc vải hoa lót dưới nền gạch tàu sạch sẽ mát lạnh. Tay mợ chấp thẳng, mắt nhắm nghiền, miệng lẩm bẩm. Dáng vẻ cung kính cầu khẩn đầy tin tưởng. Hình như mợ hai đã vào căn phòng này từ lúc trời vừa chạng vạng tối, hơn mấy giờ đồng hồ trôi qua mà vẫn chưa thấy mợ ra ngoài. Ba ngày nay, hôm nào mợ cũng ghé vào căn phòng gia tiên và ngồi cầu khẩn đến khi trời tối mịt.
Tiếng bước chân chậm rãi, lộp cộp của chiếc guốc gỗ trải dọc từ ngoài hàng hiên căn phòng, rồi dừng lại cạnh mợ hai Uyển, một giọng đàn bà lạnh lùng cất lên:
– Ráng cầu khẩn cho thành tâm, ông bà gia tiên sẽ cho con có được con trai để nối dõi tông đường.
– Dạ mẹ!
Bà hội đồng buông một câu ngắn gọn như mệnh lệnh, nửa động viên, nửa như đe dọa, bà lận lại miếng trầu đỏ choét trong miệng, nhai tỏm tẻm rồi quay lưng bước ra ngoài, để lại sau lưng nỗi lo lắng sợ sệt khuất sâu trong lòng mắt mợ hai Uyển.
Vậy là sau hai năm về làm dâu gia tộc họ Trần, mợ hai Uyển đã hai lần sinh nở, lần đầu vì sức khỏe yếu nên thai chết non, lần này bà hội đồng bắt mợ phải đi đứng, nghỉ ngơi cho cẩn thận vì bà mong có cháu trai nối dõi tông đường. Làm dâu trong chốn hào môn giàu có lại còn danh tiếng lẫy lừng một huyện nên những khó khăn, trách nhiệm đè nặng lên vai của người dâu lớn là điều không thể tránh khỏi. Trái với gia thế danh gia vọng tộc của bên chồng, mợ Uyển xuất thân từ gia đình không mấy khá giả. Ngày gả Uyển về nhà chồng, ông giáo Khương lộ rõ vẻ bần thần chứ không vui vẻ như người ta nghĩ vì ông biết đặt chân vào gia đình phú hộ thì phận làm dâu sẽ đầy ắp gian truân.
Một ngày tháng sáu âm lịch, mợ hai Uyển chuyển dạ, bà hội đồng lăn xăn triệu tập đám gia nô trong nhà đông đủ, đứng túc trực bên giường mợ Uyển.
Những cơn đau quằn xé, cuồn cuộn như đảo lộn cả tử cung khiến cho da mặt mợ hai xanh như tàu chuối, mồ hôi ướt đẫm, bệt vào tóc, chảy xuống cổ ròng ròng, nét mặt bà hội đồng căng theo từng nhịp thở của đứa con dâu đang cố gồng mình trong cơn chuyển dạ, miệng lẩm bẩm khấn vái liên hồi, mợ Uyển bậm môi đến tứa máu để không thốt ra tiếng rên la khi cơn đau ngoài sức tưởng tượng vẫn đổ dồn liên tục, chạy dọc vào từng mạch máu, luồn trong thớ thịt, khi mợ hai thét lên một tiếng là lúc đứa trẻ sơ sinh đã trồi được cái đầu đỏ hỏn ra ngoài, những cơn thở dồn dập bắt đầu giảm dần khi bà mụ đưa được đứa trẻ sơ sinh ra khỏi cửa mình người mẹ.
Lúc này, tay chân mợ Uyển như không còn cảm giác vì mệt mỏi rũ rượi, mợ nghe hơi thở nhẹ dần và trong đầu bừng lên luồng ánh sáng ấm áp khi nghe tiếng khóc trong vắt của đứa bé cất lên.
– Con trai hay con gái?
Tiếng bà hội đồng Dần tra hỏi gấp rút:
– Dạ, bẩm bà hội đồng, con gái.
Nhìn đứa trẻ đang khóc oe oe trên tay bà mụ, gương mặt bà hội đồng bỗng dưng biến sắc, đôi mắt bà thoáng qua đứa bé một cách sắc lạnh, nét mặt bà đanh lại rồi bà đánh tay cái xạch quay đi trong ánh mắt thương cảm của đám gia nô, nhưng bà vẫn không quên quay qua phân việc bằng giọng điệu quyền hành bực dọc:
– Tụi thằng Nương, con Gấm về lo cơm nước cho ông, con Mén mày về cho chó ăn, tụi nó đói kêu gào cả lũ kia kìa. tụi bây còn đứng đó làm cái gì?
Đám gia nô lẳng lặng đi theo, không đứa nào dám chần chừ ở lại, dù là thân phận người ăn kẻ ở nhưng cũng không tránh khỏi xót thương khi thấy tình cảnh một người đàn bà vừa sinh nở đã phải bị hất hủi ngay khi đứa trẻ mới chào đời.
Ánh mắt mợ hai Uyển nhìn theo bóng bà hội đồng và đám người làm cho đến khi khuất dạng, hai giọt nước mắt trong trẻo chảy tràn xuống đôi gò má nhợt nhạt nghe nóng hổi. Mợ hai khẽ ôm đứa nhỏ vào lòng từ tay người mụ, sau khi tắm rửa và quấn khăn thật chặt, mợ áp mặt mình vào gương mặt đỏ hỏn và làn da nóng ấm mỏng tang, nhìn đứa trẻ với đôi mắt còn nhắm nghiền, đôi môi chúm chím đang khát sữa, mợ bật lên tiếng nấc, nhưng tiếng khóc cũng không trọn vẹn vì mợ phải cố nuốt nước mắt vào trong, mợ hiểu ở ngôi nhà này, nếu không thể sinh được con trai thì thân phận không khác nào một người hầu kẻ hạ.
******
Ông hội đồng trong bộ đồ bà ba trắng ngồi ngã mình trên chiếc ghế dựa gỗ hương được đan từng thanh nhỏ rất công phu, cái ghế vừa để ngã lưng, vừa có thể điều chỉnh nâng lên hạ xuống để thư giãn và ngồi đọc sách, cái ghế gỗ đỏ chạm cẩn xà cừ tinh xảo chỉ có những gia đình giàu có mới sở hữu được. Bên cạnh là bà hội đồng đang ngồi tỏm tẻm nhai trầu trên chiếc ghế gõ đắt tiền. Con Mén đứng cạnh nhẹ nhàng quạt mát.
– Rồi ông tính sao?!
Ông hội đồng im lặng một hồi sau khi nghe bà hội đồng lên tiếng hỏi, rồi ông từ tốn, chậm rãi:
– Bà cứ thu xếp sao cho đặng thì làm.
– Ừm, hỏi ông một tiếng rồi tui mới biết đường lo.
– Nhưng thằng hai nó có biết chưa?
– Bây giờ thì chưa, bàn bạc với ông rồi tôi mới nói cho nó biết. Nhưng ông lo cái gì, cha mẹ đặt đâu, con phải ngồi đó.
– Ừm! Bà cứ lo liệu. Sao cho ổn thỏa là được.
Ông hội đồng rít một hơi thuốc từ ống điếu đồng, giọng trầm lặng và đặt sự tin tưởng vào khả năng sắp xếp điều hành của vợ.
Sau khi sinh được vài hôm, mợ hai Uyển phải tự xuống gian bếp lo cơm nước cho mình, nhà có người hầu kẻ hạ nhưng bà hội đồng không cho ai đem cơm lên phòng của mợ, bà nói để mợ tự đi cho mau lành vết thương, ra ngoài cho có khí trời mới chắc da chắc thịt, nằm hoài một chỗ thì sau này sẽ bủn bủn beo beo. Căn phòng mợ hai cách gian bếp cũng vài chục mét vì gia trang rộng lớn. Vết thương nơi sinh nở còn mới, chưa lành mà mỗi ngày mợ hai phải đi bộ qua mấy căn phòng nên thường xuyên chảy máu, mợ hai phải cắn răng chịu đựng mà không dám có một lời than. Mỗi lần đau đớn và buồn bã thì mợ ôm đứa nhỏ vào lòng, nghe hơi ấm từ đứa con thơ, nhìn nó bú sữa rồi ngủ ngon để quên đi những hẩm hiu đang vây bủa bên mình.
Chiều nay, mợ Uyển cho đứa bé bú sữa xong rồi đặt con nhỏ nằm xuống ngủ, mợ mang đôi dép vào định ra ngoài gian bếp để lấy đồ ăn thì thấy con Mén từ xa đi đến, tay xách một cái cà mên đi lại. Nó bước vào phòng, đặt cái cà mên xuống bàn rồi nói giọng buồn buồn:
– Mợ hai, con đem cơm cho mợ, mợ ăn cho nóng.
Mợ Uyển ngạc nhiên khi hôm nay con bé gia nô lại đem cơm cho mợ vì đã lâu rồi, bà hội đồng bắt mợ phải tự vô bếp lấy cơm chứ không cho kẻ hầu người hạ nào léo hánh đến chỗ gian phòng, việc gì mợ cũng phải tự tay làm chứ không có ai phụ giúp.
– Ai kêu con đem cơm cho mợ vậy?
Mợ Uyển hỏi con Mén bằng giọng ngạc nhiên.
– Dạ, bà hội đồng kêu con đem cơm cho mợ.
Nghe đến đó, mợ Uyển nhìn qua cái cà mên cơm rồi nhìn về phía con Mén, thấy mặt nó cứ buồn buồn.
– Sao hôm nay bà hội đồng lại kêu con mang cơm cho mợ? Nhà có chuyện gì hả con?
– Dạ, con cũng không biết, chỉ thấy bà kêu con đem cơm qua cho mợ nên con đem. Mợ ăn cơm đi, để lâu nó nguội.
– Con để đó đi, lát nữa mợ ăn.
Mợ Uyển buông một tiếng thở dài, bữa cơm ngon đột nhiên được bà hội đồng đem đến không là niềm vui mừng mà trở nên mông lung một cách khó lý giải lẫn lo âu trong lòng mợ Uyển.
Tiếng guốc gỗ lộp cộp vang lên ở phía hàng ba sân gạch tàu, đến khi bóng bà hội đồng xuất hiện trước cánh cửa phòng với bộ bà ba trắng, bà bước vào phòng mợ Uyển, đảo mắt nhìn quanh, mợ hai vội đi nhanh lại cúi đầu kính lễ.
– Mày đưa cơm rồi thì đi về mà làm công chuyện, còn đứng đó làm gì?
Bà hội đồng cất giọng đanh lạnh và cái nhíu mài đầy khó chịu khi thấy con Mén còn đứng cạnh mép bàn trong phòng mợ Uyển. Nó cúi người vâng dạ vài tiếng rồi nhanh chóng đi nhanh ra ngoài.
Bà hội đồng chậm rãi ngồi xuống ghế, đưa tay lận lại miếng trầu trong miệng:
– Hôm nay mẹ tới đây để nói với con một chuyện. Cũng chuyện nhỏ thôi mà. Cứ ngồi xuống mà nghe.
– Dạ, mẹ có chuyện gì cần dạy. Con xin nghe.
Bà hội đồng khẽ lắc đầu, bàn tay xoay xoay chiếc vòng cẩm thạch cẩn đầu rồng bằng vàng đặc:
– Mẹ cưới vợ hai cho cậu.
– Dạ, mẹ nói sao ạ?!
Mợ Uyển cất giọng run run.
– Mẹ cưới vợ hai cho cậu.
Ngừng một lúc, bà hội đồng nói tiếp:
– Cậu phải có con trai nối dõi tông đường. Gia tộc này phải có người thờ cúng.
– Dạ, nhưng…
– Con đã sinh nở hai lần, lần đầu con gái bị chết non, lần sau cũng là con gái, mụ đỡ nói với mẹ là sức con yếu lắm, chỉ sinh lần này nữa thôi chứ lần sau mà có mang thì chưa biết có giữ được cái thai không. Thôi con cứ nghỉ ngơi mà lo cho cháu nội của mẹ, còn chuyện sinh con trai cho cậu hai thì để người khác thay con.
Giọng bà hội đồng từ tốn, nhẹ nhàng mà nghe như hàng trăm ngàn mũi dao đâm cắt vào da thịt. Mợ Uyển cúi gằm mặt, cố ngăn những giọt nước mắt trào ra, những ngón tay xanh xao gầy gò bám víu vào vạt áo đến nhàu nhĩ. Môi mợ Uyển run run, những lời nói thốt ra nghe yếu ớt:
– Dạ, con hiểu. Con xin lỗi mẹ vì đã không sinh được con trai cho dòng tộc. Tội này là của con. Con không dám trách mẹ, trách gì cậu hai. Con chỉ cầu xin mẹ vẫn nhìn nhận con gái con là cháu nội của mẹ, con đội ơn mẹ trăm ngàn lần.
Bà hội đồng mắt ngó lơ, tay vẫn xoay xoay miếng trầu trong miệng:
– Ừm, con hiểu chuyện là được rồi. Con Thanh vẫn là cháu nội, có ai hất hủi nó đâu mà con nói xa nói gần như vậy.
Chẳng đợi mợ Uyển trả lời, bà hội đồng đứng dậy bước ra về, không quên để lại một câu nhắn gửi:
– 16 âm lịch tháng sau cậu hai lập phòng nhì. Con là vợ lớn cũng phải có mặt để vợ hai nó chào hỏi cho phải phép.
Tiếng guốc gỗ lộp cộp bước ra cửa phòng, xa dần và tắt hẳn, bên tai mợ Uyển vẫn còn mông lung những lời dặn dò của người mẹ chồng, nước mắt bắt đầu ràn rụa trên gương mặt Uyển, rơi lã chã nghe mặn đắng, cay xè, mợ ngồi bệt xuống ghế như người mất hồn. Không lẽ cậu hai lại bỏ mặc mợ chỉ vì mợ không sinh được con trai cho cậu, lẽ nào cậu đành đoạn như vậy? Lẽ nào cậu không còn chung thủy và thương mợ như ngày đầu cậu gặp mợ, cậu hứa hẹn với mợ bao nhiêu điều, bằng mọi giá phải cưới được mợ dù gia đình mợ không tương xứng. Bao nhiêu điều đẹp đẽ, bao nhiêu lòng tin mợ trao gửi cho cậu hai bây giờ chỉ để đổi lại, ngày 16 âm lịch nhìn cậu làm lễ cưới với một người con gái khác, ngay trước mặt mợ vì mợ không sinh được con trai cho cậu…
Mợ Uyển đổ gục xuống bàn, bật lên tiếng khóc nức nở, tiếng khóc của sự dồn nén trong tận cùng nỗi đau đớn, tuyệt vọng của một người vợ cô độc, bị bỏ rơi.
Mợ gục khóc trên bàn không biết đã bao lâu, đến khi tiếng khóc của đứa con gái nhỏ vang lên, mợ Uyển mới giật mình, mợ quệt dòng nước mắt ràn rụa rồi chạy nhanh về phía chiếc giường, bế đứa con nhỏ lên tay, ấp cái gò má bầu bĩnh hồng hào vào bầu ngực nóng của mình, nhìn đôi mắt trong trẻo và ngón tay bé bỏng của con gái, mợ Uyển nghe những nỗi đau như được giãn ra.
******
Sáng sớm ngày 16 âm lịch, gia đình nhà ông hội đồng Trần Khanh nhộn nhịp và tấp nập người ra kẻ vào, chiếc cổng hoa rồng phượng được khâu kết từ nhiều loại trái cây và những thanh lá dừa nhìn vô cùng kỳ công đẹp mắt, hai chiếc đèn lồng đỏ treo đầu cổng và tấm bảng lễ đặt ngay giữa gian nhà thông báo ngày nạp thiếp cho cậu hai Nguyên. Lẽ ra, theo phong tục thì vợ lẽ sẽ không cần tổ chức lễ cưới xin nhưng vì mợ ba là con một gia đình bá hộ giàu có trong làng nên gia đình ông hội đồng vẫn cưới hỏi long trọng đàng hoàng để đón người dâu thứ.
Trong ngôi nhà ba gian rộng lớn, ông bà hội đồng ngồi trên chiếc ghế gỗ lim chạm khắc rồng phụng, bên cạnh là mợ Uyển, phía trước mặt là chiếc bàn gỗ dài có đầy đủ sính lễ của ngày cưới hỏi, một bình trà bằng sứ trắng đặt cạnh bình hoa lay ơn thơm nức mũi, chiếc bàn được phủ một mảnh vải lụa đỏ có cặp rồng phụng thêu tay, không gian bề thế và giàu có của một gia đình danh gia vọng tộc nức tiếng trong ngày hôn lễ càng trở nên xa hoa gấp bội bởi sự trang hoàng lộng lẫy từ những nghệ nhân nổi tiếng trong vùng và đội ngũ gia nô hùng hậu.
Cậu hai Nguyên nắm tay mợ Quỳnh bước ra phía trước bàn thờ gia tiên, trong bộ áo dài khăn đóng màu trắng tinh tươm, mợ ba vận bộ áo dài đỏ thêu hoa, gương mặt điểm trang kỹ lưỡng hiện lên vẻ đẹp đài các sang trọng của bậc trâm anh thế phiệt nhà giàu.
Mợ Uyển khẽ nhìn lướt qua nhân dạng của mợ ba bằng ánh mắt của một người đàn bà đang quan sát một người phụ nữ sắp tới đây sẽ là người san sẻ tình yêu thương, là người đầu ấp tay gối với chồng mình. Cảm giác nửa buồn tủi, nửa trách hờn nhen nhúm trong lòng mợ Uyển một cách đầy bất lực.
Cậu hai và mợ Quỳnh bước đến phía ông bà hội đồng, dâng lên ly rượu màu đỏ tía, gương mặt ông bà hội đồng hớn hở với nụ cười mãn nguyện, lộ rõ những đường nhăn từ đuôi mắt, cái miệng ăn trầu với hàm răng đỏ choét của bà hội đồng cười toe toét để đáp lễ họ hàng và phía sui gia, ông hội đồng khẽ gật gù còn bà hội đồng thì nở nụ cười tươi rói nhận ly rượu lễ từ phía người con dâu gia đình giàu có.
Khi bước qua chỗ mợ Uyển, cậu hai vội nhìn xuống để né tránh ánh mắt của mợ Uyển đang nhìn vào cậu, trái lại, mợ ba đặt cái nhìn đầy sắc sảo pha chút khiêu khích, đối đầu khi đưa ly rượu mừng cho mợ Uyển. Nhận ly rượu từ tay người vợ thứ, mợ Uyển im lặng rồi đặt xuống bàn, mợ khẽ mỉm cười, một nụ cười trên gương mặt thanh thoát pha nét u buồn của một người phụ nữ từng nổi tiếng đẹp nhất làng Bình Thủy.
******
Buổi tối trong căn phòng lờ mờ ánh sáng của chiếc đèn dầu, mợ Uyển thay lại cái tả lót cho con, khi đang loay hoay vỗ cho đứa nhỏ ngủ thì mợ nghe tiếng nói quen thuộc của cậu hai Nguyên:
– Con nhỏ ngủ chưa mình?
Mợ Uyển quay qua thì thấy cậu hai đang đứng cạnh bên giường từ lúc nào. Mợ im lặng một chút rồi cất giọng buồn buồn:
– Con ngủ rồi. Mình qua đây có gì không?
Cậu hai Nguyên trầm ngâm, ánh mắt nhìn mợ Uyển đầy thống thiết:
– Anh qua thăm mình, anh xin lỗi vì đã không nói với mình về chuyện mợ ba.
Mợ Uyển quay mặt sang chỗ khác, giọng mợ run run:
– Mẹ cho em biết rồi. Mình đừng có bận tâm, em không dám trách mình, là do em không sinh được con trai cho mình có người nối dõi nên em phải chịu.
Cậu hai Nguyên nắm lấy tay mợ Uyển, giọng thành tâm:
– Anh thương mình, nhưng anh không cãi được cha mẹ, vì gia tộc nhà này đã có từ lâu đời, nhiều lúc anh thấy bất lực, anh thấy mình vô dụng nhưng không biết phải làm sao!
Cậu hai Nguyên cúi đầu nhìn xuống, gương mặt ánh lên vẻ buồn thảm.
– Đàn ông năm thê bảy thiếp cũng là lẽ thường. Chỉ mong mình vẫn thương con gái chứ đừng hất hủi nó là em mừng rồi, còn em, mình đừng có bận lòng.
Giọng Uyển chùn xuống, hai Nguyên nắm chặt tay vợ trấn an trong sự xúc động:
– Mình là người anh thương thật lòng. Anh vẫn thương con Thanh, nó là con của mình mà.
Im lặng một lát, cậu Nguyên nhẹ giọng:
– Để anh qua thăm con.
Nói dứt lời thì cậu Nguyên nhẹ nhàng bước lại phía chiếc giường nhỏ trải tấm chiếu bông, cậu lặng lẽ nhìn đứa trẻ đang ngủ ngon lành, cậu khẽ mỉm cười, ánh mắt cậu ánh lên niềm hạnh phúc khi thấy vẻ đẹp trong trẻo tinh khôi trên gương mặt trẻ thơ, vẻ đẹp có nét hiền ngoan thoát nhìn giống như mợ Uyển.
– Mình về phòng đi.
– Ừm, thôi anh về, mình để ý sức khoẻ. Có gì thì gọi mấy đứa người ở làm dùm. Mình mới sinh, đừng có làm gì nặng.
Mợ Uyển im lặng, khẽ gật đầu. Mợ khẽ nhìn theo bóng Cậu hai chậm rãi quay đi giữa bóng chiều bàng bạc.
Mợ ba Quỳnh về làm dâu nhà bà hội đồng chưa bao lâu nhưng đã ra dáng vẻ đường hoàng bởi mợ ý thức được lý do mợ bước chân được vào gia đình danh gia vọng tộc. Mợ hiểu bà hội đồng muốn mượn cái cớ mợ hai không sinh được con trai để đẩy cái danh vợ lớn của mợ Uyển ra khỏi dòng tộc bởi bà hội đồng chưa bao giờ muốn kết thông gia với một gia đình không tương xứng nhưng ngày đó, cậu hai vì quá mê đắm vẻ đẹp của mợ Uyển nên một mực cưới cho được mợ về làm vợ, vì thương con, ông bà phải cố chấp nhận đón mợ Uyển về. Nay bà tìm được con dâu môn đăng hộ đối nên vui mừng ra mặt. Chính vì hiểu được cái ý của bà hội đồng mà mợ ba ngày càng ra vẻ phu nhân chính thất, dù là vợ lẽ nhưng cách đối đáp, cư xử với gia nô và cha mẹ chồng không có chút gì e dè luồn cúi. Nhưng được cái, mợ ba Quỳnh cũng là người khéo léo nên chưa gây điều gì xích mích với ai dù là với kẻ ăn người ở trong nhà.
Chỉ có điều, mợ hai Uyển thì thường hay xuống nhà bếp phụ việc với đám gia nô vì mợ hai vốn không được ông bà hội đồng cưng chiều, một phần vì mợ xuất thân từ gia đình nghèo khó nên cũng đồng cảm với người làm, mợ không quen ngồi không để người ta hầu hạ. Ngược lại, mợ ba Quỳnh là con nhà khuê môn, tiểu thư giàu có từ trong trứng nước nên chưa từng động chạm việc nhà, có lẽ vì vậy mà đám người ăn kẻ ở trong gia đình vẫn gần gũi, thân thiết với mợ hai hơn.
Thỉnh thoảng, mợ hai và mợ ba cũng gặp mặt nhau trong những bữa cơm có cả gia đình, bình thường mợ ba thì hay trong phòng đọc sách, mợ hai thì bận chăm con nhỏ nên hai người cũng ít có dịp gặp gỡ, nói chuyện cùng nhau. Mà nếu có thì chắc cũng gượng gạo vài câu cho có lệ chứ đàn bà chung một tấm chồng thì có mấy ai yêu thương, quý mến nhau bằng tình thật.
Buổi chiều, khi trời vừa chạng vạng, mợ Uyển đang ngồi chơi cùng với bé Thanh trước hàng ba thì thấy thấp thoáng bóng mợ ba đang đi về phía mình.
Khi đứng trước mặt mợ Uyển, mợ ba nở một nụ cười, mợ Uyển cảm nhận nét đẹp đến lung lay lòng người từ gương mặt kiều diễm của một người con gái vương giả.
– Mợ hai! Em nói chuyện với mợ được không?
– Được, mợ có chuyện gì?
Mợ hai Uyển cất giọng nhẹ nhàng.
– Em về làm vợ lẽ của cậu hai, mợ có nghĩ gì không?
Mợ Quỳnh cất giọng chậm rãi, ánh mắt vẫn nhìn thẳng vào mặt mợ hai đầy dò xét.
– Tôi không làm tròn được bổn phận thì mợ về làm thay cho tôi, tôi phải cảm ơn mợ.
Mợ ba im lặng một hồi.
– Ngày trước, em nghe người trong làng nói mợ đẹp đến nỗi cậu hai, con trai của gia tộc họ Trần bỏ hết lời can ngăn, mai mối của gia đình để cưới được mợ. Trong khi em cũng là người xinh đẹp, bao nhiêu người dạm hỏi, để mắt tới em nhưng cậu hai lại không chọn em mà chọn chị.
Giọng mợ ba vẫn chậm rãi nhưng đâu đó chứa đựng chút sự ghen tỵ của đàn bà.
– Thì bây giờ cậu đã cưới mợ rồi.
– Là ông bà hội đồng cưới em về chứ không phải cậu.
Mợ ba bất chợt lớn giọng đầy vẻ ấm ức. Mợ Uyển vẫn im lặng không trả lời.
– Cậu vẫn chỉ nghĩ đến mợ, cậu thương mợ chứ không thương em. Cậu cưới em vì ông bà hội đồng bắt ép thôi chứ cậu có yêu đương gì.
Trước giọng điệu ghen tức và hờn giận của mợ Quỳnh, mợ hai dịu giọng:
– Từ từ cậu hai sẽ thương mợ.
– Từ từ là đến khi nào?
Mợ Uyển vẫn im lặng, mợ Quỳnh vẫn tiếp tục đổ cơn tức giận lên thân phận vốn đã quen cam chịu của người vợ lớn.
– Nếu còn chị ở đây, cậu sẽ chẳng bao giờ dành tình cảm cho em.
Vừa nói dứt lời. Mợ ba quay ngoắt bỏ đi. Mợ Uyển nhìn theo cái dáng vẻ mỏng manh yểu điệu của mợ ba rồi bật một tiếng thở dài. Phận đàn bà, ai cũng có một nỗi khổ riêng.
******
6 tháng sau khi cưới mợ Quỳnh thì một ngày mùa hạ, khi cái nắng oi ả phủ một màu vàng cháy lên lớp lá khô nghe đành hanh, rệu rạo phía sân nhà, thì con Mén từ ngoài đi nhanh vào phòng mợ hai Uyển, dáng vẻ ra chiều quan trọng:
– Mợ hai!
Mợ Uyển bỏ cái áo bông đang thêu giữa chừng xuống giường, ngẩng mặt nhìn về phía con Mén:
– Chuyện gì vậy con?
Con Mén lại gần, nói nhỏ:
– Mợ, con nghe nói mợ ba có thai rồi.
Mợ Uyển im lặng một hồi, con Mén dù còn nhỏ nhưng cũng kịp nhận ra nét u buồn hiện rõ trong đôi mắt mợ.
– Ừ!
– Cậu hai nhìn vậy mà cũng….
– Con đừng nói vậy. Mợ ba cũng là vợ mà con.
Mợ Uyển vội cắt ngang dòng suy nghĩ có phần oán trách của con Mén, dù biết mợ Quỳnh là vợ lẽ nhưng tâm lý của người ăn kẻ ở trong nhà, đâu đó vẫn mong mỏi một sự chung thủy của cậu hai dành cho mợ Uyển, họ mong cậu đừng xiêu lòng mà gần gũi bất cứ người phụ nữ nào khác ngoài mợ hai dù sự mong đợi đó nghe có phần mông lung, vô lý.
– Thôi, mợ đừng có buồn, vài năm nữa bé Thanh lớn thì mợ sẽ có người hủ hỉ. Mợ sẽ có niềm vui.
– Ừ, mợ không có buồn gì đâu. Con về lo công chuyện nhà đi, ở đây coi chừng ông bà hội đồng thấy sẽ rầy.
– Dạ mợ.
Những bóng nắng chiều le lói còn sót lại trên đầu rặng tre nhập nhoạng nhảy múa như những cảm xúc không tên hiện lên ào ạt trong tâm trí Uyển, ngập tràn một màu xám đặc, mắt Uyển một lần nữa lại nhòe đi khi những niềm tin, những hy vọng mỏng manh trong lòng Uyển đã không còn lý do để bám víu, để tôn thờ, hôm nay nó đã đổ vỡ khi tình yêu thương của Uyển bị chia đôi bởi một người đàn bà khác.
Căn phòng thờ cách phòng mợ Uyển một con đường phủ sỏi, nằm lẫn khuất sau những tàng cây. Vẫn là mảng màu đỏ ma quái hằn sâu vào tâm trí những người phụ nữ làm dâu tại gia tộc này. Căn phòng nặng nề và đầy ám ảnh đối với phụ nữ trong những ngày thai nghén.
Mợ Uyển nhìn ra phía ngoài cửa, hai bóng người lướt qua, đi về phía phòng thờ, mợ nhoài người nhìn kỹ thêm một chút thì thấy đó là bà hội đồng đi cùng mợ Quỳnh về hướng đó. Có lẽ mợ ba cũng đến đó cầu khẩn theo lệnh bà hội đồng như mợ hai ngày trước.
******
Hôm nay, mợ hai nghe tin mợ Quỳnh trở dạ lâm bồn, mọi người trong nhà cũng túc trực bên giường sinh, mợ hai nghĩ bụng: ”chắc bà hội đồng cũng ở đó, khấn vái và trông đợi”, hơn nữa mợ Quỳnh là con nhà giàu có, chắc bà hội đồng càng quan tâm nhiều hơn so với mợ hai ngày trước.
– Con trai hay con gái vậy mụ?!
Giọng bà hội đồng gấp rút, đầy quan trọng.
– Mừng cho bà hội đồng, lần này là con trai rồi.
Bà mụ ẵm trên tay đứa trẻ đỏ hỏn, đang khóc oe oe, nét mặt mừng rỡ vì biết bà hội đồng đã trông đợi cháu trai mấy đợt mà chưa có.
– Ôi trời ơi! cháu trai rồi. Tạ ơn trời phật. Vậy là gia tiên, tổ tông đã chứng giám cho lòng thành khẩn của con. Đã cho con trai con có người nối dõi tông đường rồi.
Bà hội đồng vội đỡ đứa trẻ trên tay bà mụ, gương mặt phấn khích hạnh phúc như thể bà đang ôm báu vật trong người. Miệng vẫn không ngừng vái tạ ơn trên.
Mợ ba khẽ nhoẻn miệng cười, những giọt mồ hôi đầm đìa trên mặt đã vội có người lau sạch. Bà hội đồng đặt đứa nhỏ vào lòng mợ ba, rồi nắm lấy tay mợ Quỳnh, giọng thương yêu:
– Con nghỉ ngơi cho khỏe, có cần gì thì nói tụi gia nô nó làm, đừng có động tay chân. Con đã sinh được con trai rồi thì danh phận con sẽ khác.
Bà hội đồng mỉm cười rời đi, mợ ba khẽ ôm lấy đứa trẻ vào lòng, gương mặt mợ ánh lên sự vui mừng mãn nguyện.
******
Kể từ khi mợ ba hạ sinh được con trai thì mợ ba nghiễm nhiên được xem như chánh thất trong gia đình mặc dù là vợ lẽ, nhưng mọi việc trong nhà, bà hội đồng đều giao cho mợ ba trông coi quán xuyến, những việc lao động nặng nhọc hay những chuyện thường ngày, mợ cũng không cần đụng móng tay, như điều hiển nhiên, khi đã được ông bà hội đồng cưng yêu tôn trọng thì mợ ba cũng không coi mợ Uyển ra gì, chỉ có điều vì cậu hai vẫn còn yêu thương mợ Uyển nên mợ ba chưa dám ra mặt lấn lướt thẳng thừng, đó cũng chính là sự nhẫn nhịn đầy rẫy lòng hờn ghen, đố kỵ, nhưng mợ Quỳnh vốn là người khéo léo nên dù có ghen ghét mợ hai như kẻ thù không đội trời chung thì trước mặt cậu Nguyên, mợ cũng vẫn ngọt ngào, răm rắp vâng vâng dạ dạ như thể lúc nào cũng tôn trọng, thân tình với mợ Uyển.
Về phía cậu hai, từ khi mợ ba sinh được con trai thì cậu cũng bớt đi sự xa cách khó gần, cậu cư xử cũng nhẹ nhàng hơn trước bởi dù sao, cậu cũng có con trai nối dõi tông đường để không phụ lòng gia tiên dòng tộc, dù không dành tình cảm yêu thương cho mợ ba nhưng cậu cũng ngầm có sự mang ơn.
Một ngày tháng 2 âm lịch, khi trời đã về khuya, gia trang họ Trần vắng lặng không một bóng người. Bất ngờ vang lên tiếng la hét thất thanh, tiếng kêu la xé toạc màn đêm tĩnh mịch. Mọi người trong gia đình ông hội đồng Trần thức dậy, họ chạy nhanh ra ngoài thì thấy lửa bốc lên ngùn ngụt ở phía căn phòng mợ ba Quỳnh. Mọi người vội lao vào tìm kiếm thau vại để dập lửa. Khi cậu Nguyên chạy đến thì thấy Quỳnh quần áo lem luốc khói bụi đang ôm cứng đứa con trai ngồi ở bên ngoài mỏm đá trước sân. Đám gia nô thì hì hục tìm nước dập lửa nhưng đám cháy quá lớn, nước đổ bao nhiêu cũng chỉ bằng thừa. Mọi sự cố gắng của đám người nhỏ bé với dụng cụ thô sơ không ngăn nổi được đám lửa đang bùng lên dữ dội, chỉ trong phút chốc, căn phòng mợ ba đã hóa đám tro tàn.
Lúc này, mợ Uyển cũng đã chạy đến, gương mặt thất thần. Mợ vội ngồi xuống cạnh mợ ba, nắm lấy tay mợ Quỳnh và đứa trẻ thì bất giác mợ Quỳnh hất mạnh tay mợ Uyển ra ngoài và ném ánh mắt hằn học, bỏng rang như ngọn lửa vào mặt mợ Uyển.
– Tránh ra.
Mợ ba quát lớn, ánh mắt vẫn đầy nét căm phẫn dồn về phía mợ hai. Lúc này, mợ Uyển bất chợt giật mình chưa kịp hiểu chuyện gì, nhưng mông lung trong bụng mợ nghĩ có lẽ mợ Quỳnh đang hoảng loạn thất thần nên quát tháo không còn bình tĩnh.
Ông bà hội đồng cũng vội vàng chạy đến, miệng la hét thất thanh.
Bà hội đồng ôm chầm lấy cậu Trình, cháu nội của bà, miệng vẫn lẩm bẩm cầu nguyện:
– Trời ơi, cháu tôi. Tạ ơn trời phật phù hộ cháu con bình an qua đại nạn.
Rồi bà quay qua, quát tháo lớn tiếng giữa đám người hỗn loạn:
– Ai?! Ai làm cháy nhà này vậy?!
Lúc này, cậu Nguyên vội chạy đến phía bà Hội đồng trấn an cho bà bình tĩnh:
– Mẹ bình tĩnh lại, ẵm thằng Trình về phòng để tránh khói bụi, để dập tắt đám cháy rồi tính sau.
Cậu Nguyên quay qua phía mợ ba Quỳnh đang ngồi bó gối thất thần, động viên an ủi:
– Mợ về phòng tôi nghỉ. Đừng có nghĩ quẩn không nên. Con Gấm, đưa mợ ba về phòng.
Con Gấm vội đến đỡ mợ Quỳnh đứng dậy, mợ cũng không dám cãi lời cậu hai nên lững thững theo nó về phòng cậu.
Lúc này, cậu hai mới đến gần chỗ mợ hai đang đứng im lặng lúc lâu, giọng cậu trầm xuống:
– Em về phòng nghỉ đi, ở đây để đám đàn ông lo liệu.
Mợ khẽ gật đầu rồi quay về phòng. Sau lưng, tiếng cháy lốp rốp, những tia lửa đỏ bắn lên tung tóe, lẫn trong đám khói đen ngòm vẫn bốc lên lừng lững, phủ một màu xám đặc trên mảnh đất gia trang biệt lập.
Sau hôm gia trang xảy ra hỏa hoạn, lòng mợ Uyển chợt ẩn hiện những nỗi bất an mà mợ không rõ nguồn gốc từ đâu, mợ ba thì cứ im lặng thẩn thờ, ra vào không nói một lời, cả ngày cứ ôm lấy cậu Trình như người mất trí. Từ hôm đó, cậu Nguyên phải túc trực ở bên cạnh mợ ba để theo dõi tình hình sức khỏe. Ông bà hội đồng thì ngày đêm hằn học khi thấy căn phòng mợ ba bị nạn vì sợ ảnh hưởng đến tính mạng cậu Trình, ông bà ra sức truy tìm kẻ đã gây ra vụ hỏa hoạn trong ngày hôm đó.
Buổi chiều, mợ Uyển đang dọn dẹp căn phòng thì từ ngoài đã có tiếng chân người dồn dập đi đến khẩn trương, vội vã, vừa đến cửa phòng, cậu Nam, người làm cho gia đình ông bà hội đồng đã lớn tiếng:
– Đưa mợ hai vô kho thóc.
Mợ Uyển chưa kịp định thần thì hai người đàn ông lực điền đã bước đến nắm lấy cánh tay mợ trói dẫn đi.
– Tại sao lại bắt tôi?
– Mợ còn giả bộ không biết? mợ là người đã phóng lửa đốt cháy phòng mợ ba mà còn giả bộ như vô tội. Mợ đến gặp ông bà hội đồng với mợ ba rồi sẽ biết.
Vừa dứt lời, những gã đàn ông đã kéo thốc mợ Uyển lôi đi, mặc cho tiếng bé Thanh chạy theo kêu la thảm thiết:
– Mẹ ơi Mẹ! mấy ông đừng bắt mẹ con, thả mẹ con ra đi (khóc nức nở).
Mợ Uyển cố quay đầu lại nhìn về phía bé Thanh đang khóc gào với theo, cánh tay mảnh khảnh của mợ hằn lên những lằn đỏ quạch vì bị đám đàn ông kéo mạnh, cảm giác đau đớn, sợ hãi và bất lực làm cho cơ thể mợ muốn nổ tung khi nghe tiếng khóc thảm thiết của đứa con gái nhỏ xoáy vào bên tai, xa dần, xa dần rồi mất hẳn.
Bọn đàn ông lôi mợ Uyển vào đến cửa nhà kho rồi ném mợ nằm sóng soài dưới đất. Mợ Uyển ngước ánh mắt mờ đục nhìn lên, sau lớp tóc xộc xệch rũ rượi, mợ thấy gương mặt sắc lạnh, đanh đá của bà hội đồng và mợ ba như muốn nuốt chửng mình.
– Mày khai ra mau, tại sao mày lại muốn đốt căn phòng của mợ ba?
Giọng bà hội đồng rít từng tiếng qua kẽ răng, nghe buốt đến tận xương tủy.
– Con không có đốt phòng mợ ba.
– Bây giờ mà mày còn chối nữa à? Vậy cái này là cái gì?
Bà hội đồng cúi xuống gần mặt mợ Uyển, bà đưa bàn tay đang cầm một chiếc khăn thêu tay có chữ “tặng con! Ngọc Uyển” rồi phất mạnh vào mặt Uyển.
– Cái khăn tay của mợ, tại sao nó lại nằm trong góc phòng tôi? Trong phòng mợ tại sao lại có mấy chai dầu lửa?
Mợ ba tiếp lời bà hội đồng bằng giọng oán hận, trấn áp.
– Tôi không biết, nhưng tôi không có làm chuyện đó.
Bà hội đồng giơ tay túm lấy chiếc roi mây dài ngoằn và quất liên hồi vào người mợ Uyển, những đường roi mây xé toạc lớp áo, hằn những lằn đỏ rực trên da thịt, mợ Quỳnh không bỏ qua cơ hội, trong cơn đau đớn quằn mình của mợ hai, mợ Quỳnh chậm rãi ngồi xuống, túm lấy tóc Uyển rồi kéo ghịt lên thật mạnh, giọng nói gằn từng tiếng:
– Để tôi coi, mợ đẹp cỡ nào mà cậu hai si mê mợ dữ vậy? Hôm nay, tôi sẽ cho cậu hai phải sợ hãi khi nhìn thấy mợ.
Nói dứt lời, Quỳnh cất giọng cười man dại, rồi ả không chần chừ cầm một lưỡi dao liếc thẳng hai đường vào mặt mợ Uyển, lúc này, mợ Uyển vội đưa tay lên đỡ lấy lưỡi dao thì bị bà hội đồng dằn tay lại, Uyển vùng vẫy trong sự bất lực bởi sức mạnh ghê gớm từ sự thù ghét và cơn ghen tuông kinh hãi đến từ lòng dạ của đàn bà, hai vết cắt sắc lẹm nghe lạnh buốt sống lưng, hằn vết dài trên gương mặt thanh tú của mợ Uyển, máu đổ ra đầy tràn trên mặt, nỗi đau đớn bỏng rát từ khắp thân thể dâng lên tột cùng như bão lũ, khiến mợ Uyển đổ nhoài người xuống nền đất lạnh và nằm bất động. Trong cơn đau đớn tê dại, mợ Uyển vẫn còn nghe mơ hồ bên tai, tiếng bà hội đồng nói với mợ ba:
– Khi nào nó tỉnh thì mẹ sẽ đuổi nó ra khỏi nơi này, nhưng con đừng nói gì với cậu hai, tuyệt đối không được nói gì về chuyện vết thương trên mặt của nó.
– Dạ, con nhớ rồi.
Tiếng bước chân lộp cộp vọng trên nền đất, từ từ xa dần rồi mất hẳn, chỉ còn lại bóng đêm tĩnh lặng và sự im lìm đến đáng sợ phủ trùm trong gian nhà kho chứa đầy thóc gạo, những vết thương vẫn rỉ máu loang lổ khắp nền đất từ trên mặt Uyển, đôi mắt lơ mơ, mợ lịm đi lúc nào không biết.
******
Ánh sáng lờ mờ len qua kẽ mắt vừa mở hé, những cơn đau buốt như tỉnh giấc cùng với mợ hai, mợ nghe gương mặt mình đau nhức, long lên tận óc, thân thể như không thể nhấc nổi bởi những vết roi lằn ngang lằn dọc vẫn còn tứa máu.
– Mợ hai, mợ tỉnh chưa?
Mợ Uyển nghe loáng thoáng tiếng nói thân quen của con Mén bên tai, Uyển khẽ gật đầu. Khi được con Mén đỡ Uyển ngồi dậy, nàng cảm nhận những cơn đau bủa vây khắp cơ thể, nhưng nó chưa đến tận cùng kinh khủng cho đến khi Uyển đưa tay lên mặt và nhận ra mình đã không còn gương mặt lành lặn như lúc trước, nàng đưa đôi tay ôm lấy gương mặt đau nhức rồi bất chợt gào khóc thảm thiết.
– Mợ, mợ ơi! Con xin mợ! mợ bình tĩnh lại, con sẽ đưa mợ ra khỏi nơi này, con đưa mợ về với gia đình, rồi mợ sẽ thoát khỏi nơi này. Mợ đừng khóc nữa, con không chịu nổi!
Con Mén ôm ghì lấy Uyển vào lòng, hình như lúc này, Uyển chẳng còn biết chuyện gì xảy ra, nàng cứ khóc một cách ngây dại, nước mắt hai người phụ nữ với hai phận đời khác nhau nhưng cùng chung nỗi thống khổ khi sinh ra trong một cuộc đời nghèo khó, ở cái xã hội trọng nam khinh nữ cay đắng đến nghiệt ngã này.
Cuối cùng thì Uyển cũng đã rời đi sau hơn 10 năm trời chịu đựng cuộc sống đọa đày tù ngục héo mòn cả tuổi thanh xuân, rồi trả lại những tháng năm khổ cực của nàng bằng những vết sẹo dài trên gương mặt sau một thời gian dài làm dâu gia đình phú hộ.
Ngày rời đi, Uyển một lần nữa đối mặt với nỗi đau tinh thần khác khi ông bà hội đồng bắt lại bé Thanh, mặc cho đứa trẻ gào khóc nhoài người cố chạy theo mẹ nhưng họ đã ngăn cản và bế thốc con bé vào nhà rồi đẩy Uyển đi nhanh ra khỏi cổng, khi cánh cổng bề thế khép lại, cũng là lúc Uyển rời khỏi nơi ngục tù hào môn giàu có, mang theo những tổn thương, đau đớn cả thể xác lẫn tâm hồn nhưng phận người bé nhỏ, Uyển không thể làm gì để thay đổi được đời mình bởi nàng chỉ là một người đàn bà rẻ rúng trong cái xã hội phong kiến nhẫn tâm này.
******
Ngồi trong căn phòng chính điện của gia đình với đủ mặt thành viên, cậu Nguyên không giấu nỗi sự tức giận:
– Ai? Ai gây ra những vết thương trên mặt của mợ hai?
Trước sự nóng giận của cậu hai, mọi người chỉ lẳng lặng không trả lời, ông hội đồng thì ngoảnh mặt sang nơi khác, bà hội đồng thì đưa tay ngoáy miếng trầu cho vô miệng, mợ ba thì ngồi trên tấm phảng gỗ, chẳng nói chẳng rằng. Cảm giác như bị thách thức đến cao độ, cậu Nguyên không dằn được cảm xúc, cậu nói lớn:
– Đúng! Sẽ chẳng ai tự nhận việc làm độc ác của mình đâu, nhưng đừng nghĩ im lặng sẽ che giấu được hành động của mình. Cây kim trong bọc, sớm muộn gì cũng sẽ lòi ra.
Dứt lời, cậu Nguyên tức giận bỏ đi, mợ ba im lặng cúi gằm mặt xuống, môi mím chặt, có lẽ, trong nỗi sợ sệt là trăm ngàn sự ghen tức đang bủa vây tâm trí mợ bởi mợ nhận ra, dù Uyển không còn hiện diện nơi đây thì lòng của cậu hai vẫn chưa bao giờ thôi nghĩ về mợ Uyển, dù Quỳnh có để lại hằn trăm vết sẹo trên mặt mợ hai thì cậu hai vẫn không hề từ bỏ hay xa lánh Uyển. Sự thất vọng, hụt hẫng hiện lên trong lòng Quỳnh khi cô nhìn thấy sự lo lắng mà cậu hai dành cho mợ Uyển, là thái độ tức giận, lạnh nhạt của cậu ném trả lại Quỳnh, càng làm cô đau khổ, có lẽ nỗi đau đớn này không thua gì những cơn đau từ da thịt mà Uyển đã phải chịu là bao.
********
Thời gian trôi qua, sức khỏe ông bà hội đồng ngày một yếu dần, sau khi trải qua bạo bệnh, ông Trần Khanh đã mất, bà hội đồng cũng nhiều bệnh tật trong người, ăn uống cũng khó khăn. Cuộc sống trong những năm tháng này với bà hội đồng dường như chỉ nằm một chỗ trên giường bệnh, chỉ có gia nô chăm sóc, thỉnh thoảng, mợ ba Quỳnh ghé qua thăm chứ không săn sóc thường xuyên vì mợ còn bận trông coi nhà cửa, ruộng vườn.
Một buổi chiều, mợ ba vào phòng bà hội đồng, trên tay cầm theo chén thuốc sắc sẵn, mợ nhẹ nhàng ngồi cạnh bà Dần, ánh mắt bà hội đồng dường như chẳng còn mở được, miệng cũng chẳng còn nói ra lời vì bệnh đã đến hồi chuyển nặng. Những ngón tay buông thỏng không còn cử động được nhiều, thuốc đút vào dường như chỉ muốn trào ra bởi bà nuốt cũng không được bao nhiêu. Biết bệnh tình của bà hội đồng thì thầy thuốc ở huyện không thể nào chữa khỏi, cậu hai Nguyên đã chuẩn bị xe lên tỉnh để mời thầy thuốc danh tiếng về chữa trị cho bà. Trong khi cậu hai đang chạy xe lên tỉnh thì mợ ba đã sắc thuốc mang vào.
– Mẹ uống thuốc cho mau khỏi bệnh.
Mợ ba nhẹ nhàng đỡ bà hội đồng ngồi dậy rồi bưng chén thuốc lại gần, mợ múc một muỗng đưa vào miệng cho bà uống thì lúc này, hai Thanh từ ngoài đi nhanh lại, cô giật chén thuốc trên tay mợ Quỳnh khiến mợ thoáng sự bất ngờ:
– Con làm gì vậy?
– Dì cho bà nội uống thuốc gì vậy?
Giọng nói của hai Thanh sắc lẻm và nghiêm nghị, không có vẻ gì của một đứa con gái tuổi cập kê.
– Con hỏi gì vậy? dì cho nội uống thuốc để chữa bệnh, con không thấy sao mà còn hỏi?
– Thuốc chữa bệnh? Thuốc chữa bệnh mà có lá trúc đào trong này là sao hả dì?
Mợ Quỳnh khựng lại vài giây trước câu chất vấn đột ngột của Thanh, rồi mợ vội đánh trống lãng, cố biện hộ cho qua chuyện:
– Con nói tầm bậy, đây là thuốc gia truyền của thầy Năm, thầy nổi tiếng chữa bệnh hay trong vùng, lá trúc đào ở đâu mà con nói vậy?
Thanh vẫn chậm rãi và bình tĩnh:
– Vậy hả dì? Vậy chắc con không biết thật rồi. À! mà dì nếm thử đi, thuốc uống mà, không bổ ngang thì cũng bổ dọc, dì nếm thử con coi.
– Dì có bệnh đâu mà nếm, thôi, nếu con không tin thì dì đem đi đổ vậy.
Vừa nói dứt lời thì mợ Quỳnh vội vàng đem chén thuốc ra phía trước cửa đổ cái ào xuống đất rồi nhanh chân đi ra khỏi khuôn viên căn phòng bà hội đồng đang nằm dưỡng bệnh.
Thanh nhìn theo dáng mợ ba đến khi khuất hẳn phía con đường lát sỏi, lúc này, cô mới khẽ khàng ngồi xuống cạnh bà Dần, hai Thanh nắm lấy bàn tay đã lạnh vì không còn sinh khí của người khỏe mạnh. Cô khẽ cúi người nói nhỏ vào tai bà:
– Nội, nội ráng chờ ba, ba đang đưa thầy thuốc ở tỉnh về chữa cho nội.
Đôi mắt bà hội đồng vẫn đờ đẫn vô hồn, không thể mở to, ngón tay bà khẽ cử động bằng chút sức lực còn sót lại.
Mặc dù đưa được thầy thuốc hay ở tỉnh về chữa trị bằng phương pháp tây y hiện đại nhưng vì tuổi cao, bệnh nặng, bà hội đồng cũng không thể qua khỏi sau vài ngày chữa trị, ngày bà mất, mắt bà bỗng mở to hơn mọi lần, cậu hai Nguyên dù có cố vuốt mắt cũng không thể giúp mắt bà nhắm lại, có lẽ vì những tội lỗi và nợ máu mà bà gây ra trong những ngày còn sống đã khiến bà không thể ra đi thanh thản. Lúc này, Thanh nắm lấy tay bà, áp mặt gần tai bà rồi khấn vái:
– Nội ra đi thanh thản, con sẽ nói với mẹ Uyển, con với mẹ không trách nội, con và mẹ vẫn thương nội vì nội đã sinh ra ba con, cho con một người cha rất tốt rồi.
Giọng hai Thanh run run, cô đưa tay vuốt mắt bà Dần, lúc này, mắt bà từ từ khép lại…
******
Căn phòng mợ Uyển ở cuối gian nhà rộng lớn, từ ngày mợ đi thì không còn ai ở nên mợ ba cho người khóa lại, bỏ không, căn phòng nằm sâu trong một góc gia trang, xung quanh nhiều cây cối che phủ. Hôm nay, Thanh ra sau nhà để lấy lúa khô cho bầy gà nhỏ, thường thì đây là việc của gia nô nhưng khi rảnh rỗi, Thanh cũng tự tay làm. Khi đi ngang qua căn phòng cũ đã bỏ trống hơn 10 năm, Thanh nhìn vào nhà, cô thấy có gì đó hơi là lạ, Thanh rón rén bước lại gần, khi đứng phía trước cánh cửa căn phòng, Thanh nghe có tiếng gì đó thì thào, cảm giác khiến Thanh tò mò, cô chậm rãi và hồi hộp bước lại gần phía cánh cửa, rồi chọn một góc khuất, cô đưa mắt qua khe hở nhìn vào bên trong thì bất ngờ khi thấy mợ Quỳnh đang ngồi cùng một người đàn ông lạ.
Thanh vội vàng di chuyển về phía tấm vách gần chỗ chiếc giường ở chỗ họ ngồi rồi ghé sát tai để nghe những tiếng thì thào.
– Cậu hai đã bao giờ yêu thương em đâu, ngay cả khi em đốt cháy căn phòng, mua chuộc gia nô để cho cậu nghi ngờ nó mà cậu cũng vẫn tin nó, cậu vẫn yêu nó. Em sống ở đây chỉ như cái bóng chứ làm gì đã có tình yêu gì với cậu.
Tiếng mợ Quỳnh nghe có vẻ trách hờn, gợi sự thương cảm từ phía người đàn ông lạ.
– Vậy thì em đến với anh, héo mòn tuổi xuân với cậu hai làm gì.
– Thôi, nhưng em đã có chồng, hơn nữa, gia tộc này giàu có, em đã có con trai nối dõi, bao nhiêu gia tài của họ, giờ em nắm hết rồi, trở mặt làm gì cho uổng.
– Ừ, em nghĩ cũng đúng, nhưng nếu cần tình yêu thì cứ đến với anh.
Giọng người đàn ông đẩy đưa, ngọt lịm rót vào tai mợ Quỳnh:
– À, còn thằng Trình, nó dạo này sao rồi?
– Nó vẫn khỏe! nhưng càng lớn, nó càng giống anh!
Mợ Quỳnh mỉm cười rồi ngã đầu vào người đàn ông lạ.
– Ừ, nhưng em phải khéo léo, đừng để cậu hai nghi ngờ, cậu này cũng gia trưởng lắm chứ chẳng chơi.
– Em biết rồi, anh đừng có lo, cũng nhờ thằng Trình mà gia tộc họ mới thoát được miệng đời, không thôi lại bị người ta rủa: “tuyệt tôn tuyệt tự”, mà gia đình họ, kể ra cũng ác thiệt.
Thanh nghe đến đó thì bủn rủn chân tay, sau khi định thần và bình tĩnh lại, cô nhẹ nhàng rời khỏi căn phòng bí mật đã bỏ trống nhiều năm.
*******
Ông Nguyên cặm cụi trong căn phòng làm việc, trên bàn là chiếc bàn tính gỗ, ông đang tính toán số lượng lúa thóc đợt này trong vùng nộp về và những khoản thu được từ lợi nhuận điền trạch, đất đai. Lúc này, Thanh nhẹ nhàng bước vào phòng ông, gõ cửa.
– Sưu thuế mùa này có ổn không ba?
Ông Nguyên ngước mặt nhìn về phía Thanh, khẽ gật đầu:
– Con đang học, sau lại ra đây?
– Con có chuyện muốn nói với Papa.
– Con ngồi đi, có chuyện gì mà vô tận đây tìm ba vậy?
Thanh chậm rãi bằng giọng trong trẻo:
– Con mới đi ra ngoài, coi tá điền đóng lúa, con thấy mùa này thời tiết ẩm ương, nông dân khổ quá, hay mình bớt sưu thuế cho họ được không ba?
– Con thấy vậy à?
– Con thấy vậy, thời tiết lúc này lúc khác, mà mùa nào mình cũng bắt nông dân nộp sưu thuế như nhau thì họ không còn gì mà ăn, hôm nọ con tình cờ đi ngang nhà một tá điền, thấy cả nhà ăn có mấy củ khoai luộc, con hỏi thì họ trả lời là thóc lúa đã nộp hết rồi. Con không biết tại sao từ xưa đến giờ, những người như gia đình mình lại sống sung sướng trên sự nghèo khổ của người khác hả ba?
Ông Nguyên im lặng một hồi rồi khẽ gật đầu:
– Được rồi, để ba coi lại, nếu nhà nào khó quá thì giảm cho họ một phần.
Lúc này, cậu Trình từ ngoài bước vô, giọng điệu phấn khích:
– Papa, con vừa kết thân được mấy người bạn thuộc gia đình thương gia, họ là tài phiệt đó ba, con muốn làm ăn với họ nhưng con đi chiếc xe cà tàng thì không xứng với họ, hay Papa cho con tiền mua chiếc Peugeot, đi cho sang với thiên hạ.
– Cậu ba còn nhỏ, lo mà ăn học.
– Chị là con gái thì biết cái gì, lo thêu thùa may vá, mai mốt còn đi lấy chồng.
Cậu Trình quen thói được cưng chiều và cách cư xử bề trên của mợ Quỳnh nên buông lời ngông nghênh không cả nể, nhất là với người chị có quá khứ kém may mắn hơn mình.
Ông Nguyên gằn giọng trước thái độ, lời ăn tiếng nói của cậu ba Trình:
– Con không được hỗn với chị hai.
– Ba mua chiếc đó cho con nha. Con trai ông hội đồng xứ nam kỳ mà không mua nổi cho con chiếc xe thì đám bạn nó coi thường con hết.
– Cậu đừng đua đòi nữa, cậu đang hưởng thụ trên sự nghèo khổ của người khác, cậu có biết không?
– Chị hai à, chị đừng dạy tôi nữa. Chị lo cho cái thân chị đi, không khéo sau này chị lại giống mẹ chị bây giờ.
– Im ngay.
Ông Nguyên đấm mạnh tay xuống bàn, quát lớn.
– Con xin lỗi ba. Con xin phép ra ngoài.
Hai Thanh từ tốn cất lời xin lỗi rồi nhanh chóng bước ra khỏi phòng làm việc của ông Nguyên.
– Con đi ra đi, còn đứng đó làm gì!
Ông Nguyên nghiêm nghị nhìn cậu Trình bằng ánh mắt và giọng nói khó chịu. Lúc này, cậu Trình đành bước theo ra nhưng dáng vẻ đầy hằn học, không vừa ý.
Khi vừa bước ra ngoài, cậu ba Trình gặp hai Thanh đang đứng xoay lưng về phía cánh cửa ở hàng ba, khuất sau một chậu mai lớn. Khi thấy cậu Trình đi đến, hai Thanh giơ tay chặn lại, rồi chậm rãi xoay người nhìn thẳng vào mặt cậu ba Trình:
– Cậu nghĩ cậu là ai mà xúc phạm mẹ tôi?
– Là cháu trai duy nhất của gia tộc Trần Khanh. Còn chị?! Chị nhìn lại thân phận mình đi.
Cậu ba Trình cất giọng ngạo nghễ, đưa bàn tay vuốt lại mái tóc của mình.
– Tôi thương cho cậu quá. Cậu ráng sống với sự ngông nghênh của mình thêm một thời gian nữa trước khi trở về đúng với cái thân phận của cậu.
Hai Thanh buông những lời sắc lạnh và nụ cười nhếch môi khó hiểu rồi bước đi thẳng về phía dãy nhà chánh điện, bỏ sau lưng vẻ mặt ấm ức của cậu ba Trình.
******
Một buổi tối, Ông Nguyên đang ngồi uống trà trên một cái bàn gỗ phía trước cửa phòng thì hai Thanh bước vào, gương mặt cô hiện lên nét khác lạ ngày thường.
– Ba đi theo con, con có chuyện này muốn cho ba biết.
– Chuyện gì mà đêm hôm vậy con?
– Ba cứ đi theo con.
Giọng hai Thanh quyết đoán, ông Nguyên có chút ngạc nhiên, rồi ông chậm rãi đứng dậy, đi cùng với hai Thanh. Hai cha con băng qua những con đường sỏi nhỏ, đi sâu vào phía cuối dãy nhà, họ dừng lại phía trước căn phòng đã bị khóa trái nhiều năm.
– Ba đứng đây đợi con.
– Có chuyện gì? Sao con lại đến đây?
– Ba hãy nhìn kỹ căn phòng này một lần cuối cùng.
Giọng Thanh run run nhưng đầy nghiêm túc.
– Tại sao là lần cuối cùng? Con sẽ làm gì với căn phòng này?
– Một lát nữa ba sẽ biết. Giờ thì ba cứ đứng ở đây đợi con.
Nói xong, hai Thanh chậm rãi bước thẳng về phía trước. Cô nhẹ nhàng ghé mắt nhìn qua khe cửa hẹp, khi đã tận mắt nhìn thấy cảnh mợ Quỳnh và người đàn ông lạ đùm túm nhau trên chiếc giường, không một mảnh vải che thân, Thanh từ tốn cúi xuống lấy những bình dầu hỏa đã đặt sẵn trong góc khuất rồi tưới xung quanh căn nhà, những đám cỏ dại ngập trong dầu loang chỉ chực chờ một đóm lửa nhỏ cũng có thể trở thành biển lửa. Sau khi tưới cạn những bình dầu hỏa, Thanh chậm rãi nhặt một khúc gỗ to cạnh đó, cô nhìn chằm chặp vào cánh cửa phòng bằng cặp mắt sáng rực rồi đập thẳng vào cánh cửa, cánh cửa gỗ cũ kỹ lâu ngày bị sức mạnh của lòng thù hận phá tan, nó bung thẳng vào bên trong. Lúc này, Thanh bình tĩnh bước qua cánh cửa, nhìn thẳng vào đôi gian phu dâm phụ, ánh mắt cô sắc lạnh rồi nở một nụ cười nửa miệng.
Nhận thấy hành động lạ lùng của Thanh, ông Nguyên vội vàng chạy đến, khi bước vào đến cửa, ông đã khựng lại khi nhìn thấy mợ Quỳnh đang dùng tay cầm mảnh áo che vội thân người trên chiếc giường cùng với người đàn ông lạ.
Mắt ông long lên giận dữ, đôi bàn tay nắm chặt. Ông rít từng tiếng qua kẽ răng:
– Đồ khốn nạn.
Ông tức giận định quay đi để không nhìn thấy cảnh tượng lừa dối nhơ nhuốc này thì hai Thanh đã giữ tay ông lại.
– Ba đứng lại đây để biết thêm nhiều điều nữa.
Lúc này, Thanh rút ra từ trong túi áo một hộp diêm, cô lạnh lùng quẹt một que diêm, ánh lửa lóe sáng, mùi dầu hỏa bao trùm căn phòng như chực chờ và thèm thuồng ngọn lửa đến đáng sợ.
Hai con người ngồi trên chiếc giường bỗng co ro thất thế đến đáng thương.
– 12 năm trước, dì nói mẹ tôi đốt phòng của dì thì bây giờ tôi sẽ đốt nơi hẹn hò của dì.
– Đừng, đừng có làm vậy, dì xin con.
Giọng mợ Quỳnh van lơn như sắp khóc.
– Vậy thì nói. Ai là người đã đốt căn phòng của dì 12 năm trước? Dì phải nói cho thật, chỉ cần nói sai thì dì và gã này sẽ cháy rụi trong căn phòng này. Những chuyện dì đã làm với mẹ tôi, tôi sẽ trả lại cho dì đầy đủ. Nói!
Thanh gằn giọng và quát lớn. Ánh mắt cô long lanh, phản chiếu trong ánh lửa đỏ rực. Đằng đằng sát khí.
– Là dì, là dì đốt.
– Ai là người đã rạch nát mặt mẹ tôi? Nói.
Mợ ba Quỳnh giọng run rẩy thất thần trước khẩu khí rắn rỏi mạnh mẽ đầy sự thù hận của cô gái trẻ.
– Là dì, vì dì hận ba con không thương dì nên dì đã làm như vậy.
Ông Nguyên rít lên một tiếng rồi ôm đầu thất vọng:
– Trời ơi, tại sao cô lại làm như vậy?
– Tại sao dì lại muốn giết bà hội đồng Dần?
– Vì dì muốn nắm quyền ở gia trang. Dì xin lỗi!
– Chưa hết đâu. Tội của dì chưa đến đó thôi đâu.
Thanh gằn giọng rồi hỏi tiếp:
– Cậu Trình là con của ai?
Lúc này mợ Quỳnh ấp úng vài giây rồi im lặng, Thanh hối thúc:
– Dì nói mau, lửa cháy nhanh lắm!
– Em xin lỗi mình, thằng Trình, nó…
Ông Nguyên lớn giọng nạt ngang:
– Thôi đủ rồi. Hai người đi ra khỏi đây ngay.
Ông Nguyên hằn học đau đớn rời khỏi khỏi căn phòng. Mợ ba thì gục đầu ngồi khóc trong sự sợ hãi và tủi nhục, người đàn ông bên cạnh loay hoay mặc lại áo quần, dáng vẻ không giấu được sự thất thần.
– Bước ra khỏi đây, trước khi căn phòng này biến thành tro bụi.
Thanh gằn từng tiếng, ánh mắt cô nhìn xoáy vào đôi nhân tình bằng sự thù hận và khinh miệt, trong tận cùng nỗi uất hận, hai Thanh vẫn mở cho mợ ba một con đường sống. Đối với cô, bao nhiêu đó cũng đã đủ để cô rửa nỗi hận cho mẹ Uyển, người đã mang nỗi đau đớn hơn mười mấy năm qua. Sâu trong tiềm thức, lòng hai Thanh trỗi dậy chút xót xa bởi một khi đã bước vào chốn gia trang này, phận đàn bà nào cũng thật đau đớn, thảm thương.
Sau khi đôi tình nhân vụng trộm đã mặc xong xiêm áo và nhanh chóng kéo nhau chạy thoát ra khỏi căn phòng cũ kỹ nồng nặc mùi chất đốt, hai Thanh bước ra khỏi căn phòng, cô đưa mắt nhìn lại một lần nữa căn phòng đầy ắp kỷ niệm của mẹ con cô ngày trước, nơi cô vừa sinh ra và lớn lên trong chuỗi ngày ngập ngụa nước mắt của người mẹ và những tháng ngày trầm luân khổ ải. Chiếc que diêm trên tay Thanh đã lụi tàn lúc nào không biết, mắt Thanh vẫn nhìn về hướng căn phòng.
Ông Nguyên bước đến phía hai Thanh, ông nắm lấy tay cô con gái nhỏ, hai Thanh gục đầu vào vai ông rồi run lên nức nở. Hai cái bóng chìm vào màn đêm đen đặc, mỗi lúc một xa căn phòng cũ kỹ, những nhành nguyệt quế hai bên con đường rải sỏi, trổ hoa từng chùm, trắng tinh khôi, lan tỏa một mùi hương dễ chịu, xoa dịu dần đi mùi dầu loang nồng nặc ở phía căn phòng bỏ trống.
******
Một buổi sáng tháng Chạp, nắng trong trẻo phủ trên những đám cỏ dại ven đường, tiết trời hanh hanh qua mùa gió chướng. Ông Nguyên đánh xe lên huyện để họp hội đồng, khi về, chiếc xe ghé ngang qua tiệm vải ở thị xã, ông bước xuống xe, đi vào một tiệm vải ở đầu đường để mua vài thước vải làm quà cho con gái, lần nào đi họp về, ông cũng ghé mua cái này cái nọ cho Thanh.
Đang đứng nhờ cô hàng vải tìm kiếm một loại vải lụa đắt tiền, ông Nguyên quay sang bên cạnh thì có một cảm giác là lạ trong lòng khi nhìn thấy một người phụ nữ với bộ đồ bà ba màu xám tro, dáng người thanh thoát, tóc búi gọn gàng, gương mặt che ngang bằng một mảnh vải. Theo phản xạ, ông bước đến gần rồi nhìn người phụ nữ vài giây, bất chợt ông nắm lấy tay người phụ nữ:
– Uyển!
Người đàn bà vội giật tay ra rồi quay mặt đi chỗ khác, bà nhanh chóng bước đi, gương mặt vẫn cúi gằm xuống đất, ông Nguyên vội vã bước theo, rồi như có linh cảm điều gì, ông mạnh dạn nắm lấy tay người phụ nữ kéo lại:
– Là em, là Uyển phải không?
– Không phải, ông lầm rồi.
Người phụ nữ lấy tay kéo chiếc khăn che mặt để không bị gió thổi bay, bà nói nhưng gương mặt thì cứ quay sang chỗ khác.
– Không! Là mình.
Ông Nguyên nhìn vào cặp mắt của người phụ nữ, dù thời gian có trôi qua và làm cho dung nhan con người ta thay đổi nhưng ánh mắt trong trẻo ươn ướt của người đàn bà nhiều năm về trước đã chinh phục trái tim ông đã cho ông Nguyên một câu trả lời mà ông tin là đúng. Ông Nguyên nắm lấy tay bà thật chặt dù người phụ nữ vẫn cố lấy tay ra khỏi tay ông, nhưng rồi sự phản đối dường như trở nên yếu ớt bởi trong lòng người phụ nữ cũng dâng lên những niềm xúc động. Ông Nguyên khẽ đưa tay vén lấy chiếc khăn che mặt của người đàn bà nhưng đã bị bà dằn lại:
– Đừng nhìn tôi.
– Uyển! Tha lỗi cho anh. Anh biết là mình! Anh không muốn mất mình lần nữa, mong lần này, mình cho anh được được lo lắng cho mình.
Buổi chiều nghiêng ngả nắng, cái nắng tháng Chạp đậu trên những đọt dừa cao lêu nghêu, nghe bình yên và nhẹ nhõm. Con đường thị xã hôm nay đông người qua lại trong mùa giáp Tết với mớ chợ chiều, chợt nghe đâu đó hương vị của sự đoàn viên, đong đưa lẫn trong tầm mắt.
******
Sau ngày gặp lại mợ Uyển, ông hội đồng Nguyên đã mua một mảnh đất rộng và cất một ngôi nhà tráng lệ cho người vợ lớn mà ông đã từng thương yêu hết mực bởi ông biết rằng Uyển sẽ không bao giờ dám đặt chân trở lại ngôi nhà đầy ám ảnh trong suốt cuộc đời bà. Sau khi gia trang khác được cất lên, ông đã dành thời gian để thường xuyên về đó sinh sống cùng bà hai Uyển trong suốt quãng đời còn lại. Mảnh đất gia tộc họ Trần ông giao lại cho hai Thanh kiểm soát. Nhờ sự thông minh khéo léo, tấm lòng nhân đức của mình, hai Thanh đã giúp ông trông coi điền trạch, thuế vụ đến nhân công, từ ngày hai Thanh cai quản, cơ ngơi gia tộc trở nên thịnh vượng, tá điền cũng đỡ được gánh nặng phần nào.
Bóng tối phủ trùm lên gia trang rộng lớn, những tàng cây đong đưa trong sự âm tịch từ những ngôi nhà gỗ tĩnh lặng, hai Thanh chậm rãi đi về phía căn phòng có đèn màu đỏ.
Hai Thanh đặt chân lên bậc thềm mát lạnh được lát bằng gạch Tàu, cô nhẹ nhàng mở cánh cửa phòng, tiếng chìa khóa va chạm vào cánh cửa nghe lộp cộp, ánh sáng đỏ quạch hắt vào lòng mắt khi cánh cửa được mở ra, tạo một cảm giác mù mờ u tối trong căn phòng bày biện những hình thờ. Hai Thanh đi lại phía trước bàn thờ gia tộc rộng lớn, được chạm khắc tinh xảo từ những mảnh xà cừ và vàng bọc bên trên tứ linh rồng phượng. Cô im lặng nhìn quanh căn phòng, ánh đèn bạch lạp lồng trong những khung gỗ đỏ vẫn cháy âm ỉ suốt hàng thế kỷ qua, nhìn tựa như màu máu.
Hai Thanh mở chiếc hộp gỗ, một mảnh vải màu vàng được cuộn tròn ngay ngắn hiện ra trước mắt hai Thanh, cái mùi nằng nặng và hăng hắc bốc lên khi cô bung mảnh vải ra trước mặt, mắt Thanh nhìn chằm chặp một cách bàng hoàng rồi chuyển sang sắc lạnh. Những vệt nâu đỏ như máu đã khô, kéo từng đường dọc thấm vào từng cái tên của những người đàn bà trên tấm vải lụa vàng, hai Thanh đọc qua một lượt, “Lê Ngọc Uyển” mắt cô nhòe đi khi thấy vệt màu nâu đặc kẻ dài lên tên họ của mẹ mình, có lẽ, đó chính là máu của mẹ cô sau đợt tra khảo kinh hãi hay máu trong ngày sinh nở. Hai Thanh đưa mắt nhìn bên dưới, “Nguyễn Lệ Quỳnh”, thật lạ khi dòng tên không bị gạch bằng cái chất màu nâu. Cô vội đọc lại thêm lần nữa những cái tên trên mảnh vải, khi dò đến tên bà hội đồng Dần, cô cũng không thấy vết gạch màu nâu.
Trong đầu Hai Thanh lờ mờ hình dung những điều tàn độc đã diễn ra hàng thế kỷ trên mảnh đất gia trang biệt lập, phải chăng, những người phụ nữ không sinh được con trai thì sẽ phải chết trẻ, bị đày đọa hoặc đuổi đi biệt dạng với những đòn tra tấn đầy vết tích để họ mãi mãi không thể nào có thể nhìn lại được cuộc đời, đó là cách mà gia tộc này dùng để trừng phạt những người đàn bà không thể góp công sinh được con trai để giúp họ Trần duy trì tông môn dòng dõi.
Hai Thanh chậm rãi cầm mảnh vải chứa đầy âm khí, cô nhìn vào nó một lần nữa rồi đưa tay vuốt lên dòng tên khô đặc vết máu của mẹ mình, giọng thì thào lạnh lẽo:
– Hãy kết thúc sự độc ác ở nơi này!
Mảnh vải bùng cháy trong đóm lửa khi hai Thanh đưa nó đến một ngọn đèn bạch lạp trong chiếc ly đồng, ngọn lửa lan dần, tỏa ra một màu đỏ rực trong gian nhà thờ u tịch, bóng lửa lùng bùng, run rẩy họa lên hình dạng hai Thanh cao to lừng lững, trùm phủ cả một góc nhà. Mảnh lửa cháy dần, cháy dần cho đến khi chiếc khăn chỉ còn là đám tro tàn rồi tắt hẳn!
VÕ ĐÀO PHƯƠNG TRÂM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét