Lăng Đức Thượng công Lê Văn Duyệt (Nguồn: Internet)
Khi dì Út của tôi về làm dâu ở làng Bình Hòa, bà ngoại tôi dặn: “Bình Hòa là tỉnh lỵ của tỉnh Gia Định, con người đàng hoàng lịch sự, con phải nhớ luôn giữ lễ nghĩa!”.Sáu mươi năm qua, dì tôi vẫn còn sống ở đó nhưng cái tên Gia Định đã không còn là địa danh chính thức và cái tên Bình Hòa chỉ còn trong trí nhớ của người cố cựu sống lâu đời ở đây. Dì tôi bảo, bây giờ lên xe taxi yêu cầu: “Về ngã tư Bình Hòa”, không phải tài xế nào cũng biết ngã tư này nằm ở đâu. Đó là ngã tư nơi giao nhau giữa hai đường Nơ Trang Long – Lê Quang Định (trước 1975 là Nguyễn Văn Học – Lê Quang Định) ở quận Bình Thạnh.
<!>
Thời xưa, người ta còn gọi ngã tư Bình Hòa là “Ngã Tư thầy Sóc” (gọi trại tên của ông Nguyễn Văn Sách, làm chức Thị lang thời vua Tự Đức, khi Pháp chiếm Nam Kỳ không ra làm việc cho Tây, ở nhà mở phòng khám đông y lấy tên Thảo Xuân Đường). Thầy Sóc là người nhà của ông bang biện Chỏi, một người có uy tín ở làng Bình Hòa xưa
.
Các giáo viên trường nữ công Gia Định (Nguồn: Gia đình ông Tư Trường)
Quanh Ngã Tư Bình Hòa vẫn còn ba quán ăn lâu năm là quán cơm tấm bao tử Đông Hoa Xuân, quán mì Minh Sanh trên đường Nơ Trang Long và quán hủ tíu Đạt Phong trên đường Phan Văn Trị. Cả ba quán còn giữ được hương vị không khác nhiều lắm so với năm sáu chục năm trước. Mấy ông Việt kiều gốc Gia Định mỗi lần về chơi đều rủ nhau ra ăn đủ ba quán, để nhớ lại thời tuổi trẻ của mình. Họ nhắc đến trường Vẽ Gia Định, trường Nữ công Gia Định. Họ tự hào vì Bình Hòa là quê của bà Lê Thị Ngọc, chủ chuỗi nhà hàng Đức Thành Hưng tới chín cái cạnh tranh ngon lành với hệ thống tiệm nước của ngườii Hoa từ thập niên 1930. Bình Hòa cũng là quê của họa sĩ Nguyễn Văn Minh, người thực hiện bức sơn mài cực lớn “Bình Ngô đại cáo” trong Dinh Độc Lập. Là quê của hai chị em họa sĩ tranh lụa nổi tiếng Tố Oanh, Tố Phượng. Cụ Vương Hồng Sển cũng đã chọn vùng đất này làm quê hương.
Thập niên 1940, ngã tư Bình Hòa tuy nhỏ nhưng rất nhộn nhịp nhờ có ga xe điện. Chung quanh ga có nhiều tiệm nước bán bánh bao, bán cà phê, xíu mại. Ngoài ra còn có tiệm hớt tóc, tiệm may, tiệm sửa xe đạp… và nhiều hàng rong. Buổi sáng có xe ngựa chở hàng bông, chở cá từ miệt Bà Điểm-Hóc Môn, Thông Tây- Gò Vấp xuống chợ Bà Chiểu bỏ mối.
Dì Út đang sống hẻm Ba Cây Sao số 104 Nơ Trang Long (lúc đó đường có tên: route Fédérale numéro 1- đường Liên bang số 1). Dì kể cho đến năm 1961, khi về làm dâu nhà ông Tư Trường là con ông bang biện Chỏi, còn thấy dấu vết đường xe điện chôn dưới đất ngay ngã tư này. Chung quanh đó còn nhiều cây me, cây thị xanh um. Ngay góc ngã tư có cái bót cảnh sát (nhà ga xe điện cũ).
Học sinh trường Mỹ thuật Gia Định thập niên 1960 (ảnh đăng trên nguyệt san Trẻ)
Ba chồng dì Út, ông Tư Trường là một người lúc sinh tiền luôn được người dân quanh ngã tư Bình Hòa quý mến, thỉnh thoảng vẫn được nhắc trong những ngày giỗ chạp. Nhà khá giả, ông mỗi ngày tự lái chiếc xe hơi hiệu Traction đen to đùng đi làm ở Tòa Hành Chánh tỉnh Gia Định – dân quanh vùng quen gọi là Tòa Bố. Ông là thư ký Ty Hành chánh, là thành viên của ủy ban Vệ sinh tỉnh lo việc cấp giấy phép kinh doanh trong tỉnh Gia Định. Dân làm ăn buôn bán đều cậy nhờ ông khi cần mở tiệm, mở cơ sở buôn bán. Tuy có quyền thế ít nhiều, tính ông hào sảng, chỉ ham săn bắn. Năm nào cũng vậy, đến Tết là có người được ông giúp đỡ trong năm tìm đến để biếu quà. Hôm nào có ở nhà, ông ra đứng trước cửa, la mắng xa xả người mang quà đến: “Tui đã nói rồi, tui không lấy, mà còn mang đến!” rồi bắt mang quà cáp về. Có người đợi một lát khi ông ra sau nhà thì đem bỏ đại vô con hẻm sát vách. Nói cho cùng, đây là những món quà Tết thông thường như lạp xưởng, vịt lạp, gà vịt sống, bánh pía, trà… chứ không phải cao lương mỹ vị gì, nhưng tính ông Trường là vậy. Cũng có người mang đến khi ông đi vắng, một trong hai bà vợ của ông thương tình nhận giúp là thế nào cũng bị ông la như tắt bếp.
Đến tuổi gần sáu mươi, ông Tư Trường đổi chiếc Traction lấy chiếc xe Jeep để đi săn cùng đám bạn. Nhóm săn của ông, đa số làm nhà nước, có người sống trong ngôi biệt thự cổ họ Lê số 237 Nơ Trang Long (đã bị đập hoàn toàn năm 2018) vác súng đi săn miệt An Lộc, Bình Long, Sông Bé… Thỉnh thoảng hàng xóm lại thấy chiếc Jeep phủ đầy bụi đỏ của ông trở về, lấp ló đôi chân thú săn được. Về nhà, vợ con ông đem xả thịt, cho hàng xóm một mớ, mớ còn lại xào lăn, cuốn lá lốt, nấu súp cho cả nhà ăn hay xẻ khô để ông nhậu với bạn. Tuy vậy, phụ nữ trong nhà có mấy lần khuyên ông đừng đi săn nữa, vì “ăn của rừng rưng rưng nước mắt” nhưng ông mê quá không bỏ được.
Tòa Bố Gia Định. Sau 1954 là Tòa Hành chánh tỉnh Gia Định (Nguồn: Internet)
Bình Hòa là chốn êm đềm nhưng nằm trên con đường lưu thông quan trọng từ Bắc xuống Nam tỉnh Gia Định nên có khi đứng giữa các cuộc giao tranh trước 1975. Tết Mậu Thân năm 1968, dì Út lúc đã ra riêng, từ Phú Nhuận ẵm con gái về thăm nhà ba má chồng thì xảy ra chiến sự, có lệnh giới nghiêm. Mấy người dân chạy từ cầu Băng Ky xuống tới đó sợ quá ùa vô nhà, xin chui xuống gầm hai bộ ván gõ để tránh đạn lạc. Mấy đứa nhỏ trong nhà cũng chui xuống ván, chỉ có ba chồng của dì tỉnh bơ đi lại trong nhà. Ông Tư Trường qua lại quát mấy đứa nhỏ, chui vô gầm ván mà còn để… mông ló ra ngoài. Khi tiếng súng im, dì Út ra ngoài ngồi bên cái bàn chỗ cửa thông ra sân sau, dỗ cho con ăn vừa lo cho mấy đứa con đang ở nhà, thì một viên đạn từ trên trời nhểu xuống ngay trước mặt dì, chỉ cách một tấc. Dì xanh mặt, quyết định về nhà ngay. Cô em chồng dùng xe Honda chở hai mẹ con dì Út chạy luồn trong các con hẻm, từ Bình Hòa qua xóm Gà, về ngã tư Phú Nhuận rồi liều mạng chạy băng qua đường Võ Di Nguy vắng ngắt để vô hẻm nhà dì trên đường Nguyễn Minh Chiếu. Xong cô em vội vã quay xe, lại luồn mấy hẻm về nhà. May mà không ai bị việc gì.
Năm 1972, khi thằng Tý cháu nội mới sinh vài tuần, ông Tư Trường bảo: “Tui đi săn kiếm con nai ăn đầy tháng thằng Tý!”. Ông rủ hai người con trai nhưng không ai chịu đi cùng. Cuối cùng, ông cùng mấy người bạn leo lên xe Jeep lên đường, rồi cả xe và người mất tích luôn trên cánh rừng nào đó ở miệt Bình Long, cho đến giờ là gần nửa thế kỷ.
Một ngôi nhà trong dòng họ Nguyễn ở Ngã Tư Bình Hòa (Ảnh: tác giả PCL)
Khu Ngã Tư Bình Hòa đến nay vẫn còn mấy căn nhà cổ. Nhà ông Sang, chuẩn tướng Không quân thời trước, nằm ngay mặt tiền đường Nơ Trang Long, ló ra trên hàng rào xi măng là mái ngói xưa rêu phong, nghe nói bên trong cũng đã hư hao nhiều. Nhà ông Tư Trường nhờ xây lại tường, tu sửa thường xuyên nên vẫn còn vững chắc, vẫn còn dãy nhà ngang phía sau nhưng sân đã thu hẹp lại vì cất thêm nhà ở cho con cháu trong họ. Nhà ông Mười Hai sâu trong hẻm Ba Cây Sao, có một cổng ngó ra nghĩa trang gia đình họ Nguyễn còn nguyên trong khu vườn đầy tiếng chim và tiếng gà rúc (ông Vương Hồng Sển viết trong sách là có lần đi ngang nghĩa trang này, có thấy trồng một loại bông vàng mà ông tưởng là bông điên điển). Còn nhà bà Năm Hồ vẫn giữ được cái sân rộng, ngôi nhà gỗ ba gian bên trái vẫn còn và phía bên phải là ngôi nhà mới xây khang trang. Cái sân nhà này khá đẹp, không có gì thay đổi sau hơn nửa thế kỷ tồn tại.
Ngã tư Bình Hòa đi về hướng Thủ Đức khoảng hơn trăm mét sẽ tới Ngã Năm Bình Hòa. Trong cuốn Văn thi sĩ tiền chiến, nhà văn Nguyễn Vỹ kể sau khi di cư vào Nam năm 1954, nhà viết kịch Vi Huyền Đắc cùng gia đình sống trong căn nhà tĩnh mịch, giữa một cảnh trí nên thơ ở Ngã Năm Bình Hoà mà ông đặt tên là Hoàng Mai Hiên. Nhà chỉ hai vợ chồng và một u già. Ông Vi Huyền Đắc dịch truyện Tàu cho vài tờ báo, vợ làm cô giáo đi dạy ở trường tiểu học Đa kao. Họ bỏ lại ngôi biệt thự ở bến Hạ Lý ngoài Hải Phòng để sống đơn sơ như vậy.
Tác giả và ngôi nhà số 237 Nơ Trang Long, nay đã đập hoàn toàn (Ảnh: Nguyễn Đình)
Ngã năm Bình Hòa là nơi có năm trục lộ đi ra nhiều ngã, trong đó có quốc lộ số 1 đi đến các tỉnh miền Đông và miền Trung. Ngôi nhà họa sĩ Nguyễn Hoàng Hoanh nằm trong hẻm nhỏ gần đó, khiêm tốn như gia chủ, người từng được giải thưởng Hội họa Quốc gia năm 1970 với bức tranh Khởi Nghĩa.
Vài người quanh khu Bình Hòa còn nhắc lại chuyện đánh Pháp trong khu Đồng Ông Cộ gần đó, câu chuyện huyền hoặc về hồn ma cô Ba Trâm, một thiếu nữ chết oan ức sau trường Vẽ Gia Định thập niên 1920, thỉnh thoảng xõa tóc đứng xin quá giang xe ngựa rồi trả tiền giấy sau biến thành lá tre, chuyện học trò trường Vẽ bãi khóa trong thập niên 1930 vì bất đồng với cô giáo Lê Thị Lựu… Đất xưa, dù không quá cổ kính nhưng cũng đủ thấm đậm những chuyện huyền hoặc của thời Tả quân cai trị, thời xe ngựa lóc cóc đưa người sành điệu lên Bà Chiểu ăn cơm và nghe hát đờn ca tài tử ở quán Đức Thành Hưng hồi thập niên 1940.
Với tôi, Ngã Tư Bình Hòa là một vùng đất sang trọng, với khá nhiều nhà xưa từ thập niên 1930 nằm giữa vườn cây xanh um, vẫn giữ được chất Gia Định xưa mà người ở lâu trên thành phố này mới đủ tinh tế nhận ra trong giọng nói, hương vị tô mì hoành thánh và mấy món ăn quen thuộc Nam bộ trong mâm cơm cúng ngày giỗ Tết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét