(hình minh hoạ)
Thưa quý đạo hữu và thân hữu,
Xin có vài lời giới thiệu về Sư Pháp Hạnh: Trước tu theo Thiên Thai tông. Khoảng năm 1993, Sư quy y với HT Viên Minh sau khi tham vấn và được HT cho biết: "Bản nguyên các pháp là Đạo". Hiện nay Sư đang sống ẩn cư tại Huế.
Kính chuyển.- PAD
THU SUÔNG
Thu suông hái nhánh gầy
Cõng trên vai hai bờ Nguyên Nghĩa
Trùng khơi một lời mây
NHÁNH CHIỀU NGHIÊNG
Xanh rêu đóa bạch hồng
Vàng hương vàng thu đông
Cổ am mờ sương tuyết
Nhánh chiều nghiêng bên sông
LINH QUỲNH
Hương ngàn hạ quỳnh nhung vàng nửa đóa
Đêm lam hương gầy lạnh úa trăng non
Một vầng thơ như lụa trải xuống hồn
Màu nhụy ngọc quỳnh hương ngời hạ nguyệt
MỘT DẤU SƠ NGUYÊN
Đặt lại dấu chân bên bờ cũ
Nét hoang nguyên khung dấu cõi đêm vàng
Bóng trăng gầy nửa mảnh ẩn hồn hoang
Còn nửa mảnh bên gờ treo nhiên tịch
Khoảng năm 1995, Sư có viết một đoạn ngắn về Thiền Vipassana.
VÀI NÉT VIPASSANA
Vipassana là tuệ giác soi chiếu minh bạch mọi trạng thái sinh diệt trên thân và tâm, là trực giác hiện tiền, không phân tích trên mọi khái niệm có trước.
Vipassana thoát ra khỏi hệ thống suy luận của lý trí vì lý luận tức đã rơi vào khái niệm, không còn là Vipassana nữa.
Vipassana là sự trực nhận của tự tri và thẩm thấu. Đối tượng của Vipassana là Paramattha (Đệ nhất nghĩa đế) chứ không phải pannati (khái niệm tục đế, Như Quán vô thường là Thấy được thực tánh vô thường (paramattha) chứ không hiểu qua ngôn ngữ hay ý niệm (pannati) về vô thường.
Khi ngồi biết rõ đang ngồi (niệm thân), khi khổ biết rõ đang khổ (niệm thọ), khi tham biết rõ đang tham (niệm tâm), khi có sự vận hành sinh diệt của 5 triền cái, 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới, 7 giác chi v.v... biết rõ quá trình diễn biến như vậy (niệm pháp).
Vipassana là nguyên lý linh động từ cõi sống chứ không phải là khô cứng rập khuôn. Tuệ Vipassana (Vipassana - nana) không phải là kết quả của một phương pháp, nó không đến một cách đột ngột phi thường, mà chỉ là sự bắt gặp tự nhiên bản nguyên của sự sống bình thường.
Như khi sân, thấy rõ trạng thái sân đúng mức mà không chồng thêm bất cứ một quan niệm nào của lý trí hay đạo đức lên trạng thái đang vận hành ấy , ngay lúc đó chính là Tuệ Vipassana.
Vipassana chỉ quét sạch mọi lỗi lầm trong tương giao của đời sống, để đời sống tự nó được quân bình, hài hòa và thanh thoát, chứ không phải là phương tiện vươn đến một lý tưởng nào khác.
Nói tóm lại Vipassana chính là lẽ sống đích thực của mọi người.
Sau này Sư có ghi lại một vài ý tưởng sau:
- Thiền là một thuật ngữ buông bỏ mọi khát vọng vô bờ của tâm trí; trong lúc đó tôn giáo đem ra dạy và ôm nhiều khát vọng để trở thành gì đó và tâm trí bị nhiễm vào cái tinh khôn ma mãnh.
- Sự bao dung của thiền là chẳng có gì để bao dung vì bao dung là còn tên gọi, đó là rác rưởi của bao dung. Lúc nào bao dung tự nó chẳng là gì, lúc đó bao dung xuất hiện trong ánh sáng minh triết của chân lý thiền.
- Thiền là kết quả chứ không phải nguyên nhân để thực tập làm theo. Trong khi đó tâm trí thì tạo nhân keo bẩn, nhỏ mọn, tỵ hiềm, ganh ghét mà lại muốn đạt được kết quả Niết Bàn tối thượng. Thật là hoang đường của một tâm trí điên loạn.
- Nếu có một trường thiền thì chẳng nên dạy điều gì vì thiền không phải để đem ra dạy mà chỉ đem ra sống với bao dung, yêu thương và tha thứ. Cùng với tạo hóa, đó là trường dạy thiền đúng nghĩa.
- Thiền không có một tông môn nào dạy nó và thực tập nó. Nếu có thực tập thì nên thực tập yêu thương, bao dung, tha thứ vì tâm trí loài người và các loài khác cần loại thiền này, không cần những thứ khác để khoe khoang và mong đạt được. Đó chính là giải thoát tâm trí ra khỏi những buộc ràng của tam giới.
- Vũ trụ thì bao la, tâm trí con người thì hạn hẹp, chỉ thích những thứ vụn vặt, băng bẩn và là đầu nguồn của mọi khổ đau suy thoái.
- Thiền và cuộc sống có liên quan mật thiết với nhau vì Thiền là Sống và Sống là Thiền, không tách rời với nhau như sóng và nước vậy.
Pháp Hạnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét