Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 28 tháng 7, 2021

Vụ Tượng Đài Tái Chiếm Cổ Thành Quảng Trị: Nên tiếp tục hay nên ngưng? - Thanh Phong (Viễn Đông)

Mặt trước và sau của mô hình Tượng Đài Tái Chiếm Cổ Thành Quảng Trị.
(Hình của Ủy Ban Xây Dựng TDTCQT).
Trong những ngày qua chúng tôi nhận được một số câu hỏi của các bạn bè, người quen từ San Jose, North Carolina, Kansas hỏi về vụ xây dựng Tượng Đài Tái Chiếm Cổ Thành Quảng Trị. Hầu hết đều hỏi “Việc xây dựng Tượng Đài Tái Chiếm Quảng Trị đến đâu rồi?”, “Tại sao người ta làm việc vinh danh Quân Lực VNCH tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị là điều tốt mà sao lại chống?”, “Liệu Tượng Đài có tiếp tục được xây dựng hay bị giật sập?”
<!>
Trước các câu hỏi này, chúng tôi xin minh định, các câu trả lời và phân tích một số vấn đề liên quan đến việc xây dựng Tượng Đài Tái Chiếm Quảng Trị (TDTCQT) là ý kiến riêng cá nhân chúng tôi, với tư cách người ngoài cuộc góp ý xây dựng, không bênh vực Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài cũng như không bênh vực bên chống việc xây dựng, và cũng không phải quan điểm của báo Viễn Đông.

Trước hết, căn cứ theo hình vẽ Tượng Đài TCQT đã phổ biến thì dùng chữ “Tượng Đài” không đúng! Đài được hiểu là một công trình xây dựng bằng vật liệu vững chắc có chiều cao, đặc biệt trên đó phải có “Tượng” như Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ ở Westminster, Tượng Đài Vua Quang Trung trên đường Euclid, Tượng Đài Đức Thánh Trần trên đại lộ Bolsa, Tượng Đài Đức Thánh Trần trong Mile Square Park, v.v.. Trong khu Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ cũng đã xây hai công trình, một dành cho các vị Tướng, Tá tuẫn tiết, một dành cho các anh hùng tử sĩ VNCH tại Hoàng Sa. Cả hai không thể gọi là Tượng Đài mà là Bia Tưởng Niệm. Mô hình xây dựng do Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài Tái Chiếm Cổ Thành Quảng Trị hình thức cũng giống như hai Bia Tưởng Niệm vừa nêu. Do đó không thể gọi đó là “Tượng Đài.”

Việc xây dựng đến đâu rồi?

Việc xây dựng (Tượng Đài) hay (Bia Tưởng Niệm) nằm trong phần đất thuộc thành phố Westminster nên việc quyết định tiếp tục xây hay ngưng là do Hội Đồng Thành Phố Westminster. HDTP Westminster có 5 nghị viên, trong đó 4 là người Mỹ gốc Việt, ba trong số 5 nghị viên đã bỏ phiếu tạm ngưng nên việc xây dựng đang bế tắc.

Tại sao việc làm tốt đẹp như vậy mà lại có người chống?

Tại Nam California có hai tổ chức, một là Liên Hội Cựu Chiến Sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QL/VNCH), hai là Tập Thể Chiến Sĩ VNCH Trung Tâm Tây Nam Hoa Kỳ. Cả hai tổ chức này quy tụ hầu hết các cựu quân nhân thuộc các binh chủng Hải, Lục, Không Quân QL/VNCH và Cảnh Sát Quốc Gia. Cả hai tập thể này đều lên tiếng bằng văn bản, xác định không chống việc xây dựng Tượng Đài nhưng không đồng ý một vài thành phần nhân sự trong Ủy Ban Xây Dựng mà họ cho là có liên hệ với Việt Cộng hoặc bị xem là có lời nói xấc xược, không tôn trọng người cao niên và mạ lỵ QL/VNCH.

Việc xây dựng Tượng Đài Tái Chiếm Cổ Thành Quảng Trị có Lợi hay có Hại?

Lợi: Việc xây dựng một Tượng Đài hay một Bia Tưởng Niệm Chiến Sĩ QL/VNCH đã hy sinh vì tổ quốc đều là việc được mọi người công dân VNCH ủng hộ. Đó là việc có lợi cho ý định của ban tổ chức, cụ thể là đồng hương đã đóng góp số tiền vượt hơn số ngân khoản dự trù cho việc xây dựng.

Hại: Khu Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ là tài sản chung của cư dân Westminster gồm người bản xứ và các sắc dân. Trong khu này HDTP đã cho phép xây thêm hai Bia Tưởng Niệm Chiến Sĩ Hoàng Sa và các vị Tướng, Tá tuẫn tiết. Nay định xây thêm Tượng Đài hay Bia Tưởng Niệm Tái Chiếm Cổ Thành Quảng Trị trong khu đó nên trong nhiều buổi họp HDTP Westminster đã có người bản xứ lên tiếng phản đối, thậm chí họ nói thẳng “Khu Tượng Đài Việt Mỹ không chỉ dành riêng cho người Việt Nam.”

Đó là việc bất lợi thứ nhất.

Việc bất lợi thứ hai là, sau này nếu giả sử người Mỹ da màu họ nộp đơn xin xây Tượng Đài Tưởng Niệm ông George Floyd, rồi Cộng Đồng Đại Hàn nộp đơn xin xây Tượng Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Triều Tiên, Cộng Đồng Người Nhật nộp đơn xin xây Tượng Đài Tưởng Niệm Nạn Nhân chết vì hai quả bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki; người Mễ nộp đơn xin xây Tượng Đài Tưởng Niệm Miguel Hidalgo anh hùng dân tộc của họ thì liệu Hội Đồng Thành Phố Westminster có dám bỏ phiếu bác đơn của họ không?

Nếu bác đơn, HDTP sẽ bị kiện tội kỳ thị chủng tộc và với tội danh này, chắc chắn HDTP sẽ thua kiện và phải lấy tiền đóng thuế của dân để bồi thường. Còn nếu chấp thuận thì khu vực Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ sẽ trở nên khu gì? Có người bây giờ đã gọi đó là khu nghĩa trang!

Cái bất lợi thứ ba là khiến sau này khi có người Việt ra ứng cử một chức vụ gì đó tại khu vực Little Saigon, chắc chắn sẽ mất một số phiếu của cử tri người bản xứ và các sắc dân khác, mặc dù bây giờ họ chưa lên tiếng. Nhiều người lên mạng chỉ trích việc chống không cho xây dựng Tượng Đài và gán cho tội “giật sập Tượng Đài.” Tượng Đài đã xây đâu mà bị giật sập?

Cái hại thứ tư là gây sự chia rẽ giữa một số chiến hữu QL/VNCH vì cũng có một số quân nhân ở xa khu Little Saigon ủng hộ, Ngoài ra còn gây chia rẽ giữa các cựu quân nhân và đồng hương với một số thành viên HDTP Westminster mà lâu nay họ vốn ủng hộ.

Trận chiến thắng nào của QL/VNCH đáng vinh danh?

Trong cuộc chiến Quốc - Cộng vừa qua, các chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu anh dũng khắp bốn vùng chiến thuật với các chiến thắng lừng lẫy tại Pleime, Đức Cơ, Đồng Xoài, Bình Giả, nhưng chiến tích hào hùng nhất phải là trận chiến thắng An Lộc. Trận tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị vào Mùa Hè Đỏ Lửa cũng như lấy lại Huế vào dịp Mậu Thân là một sự hy sinh vô cùng lớn lao của các chiến sĩ QL/VNCH nhưng không thể so sánh với chiến thắng tại An Lộc, vì chúng ta đã để mất Huế, mất Quảng Trị vào tay giặc dù chỉ một thời gian; đó là lỗi của người lãnh đạo, của cấp chỉ huy. Để lấy lại được hai địa phương đó, chúng ta đã phải hy sinh hàng ngàn chiến sĩ ưu tú của QL/VNCH cũng như sinh mạng của 6 ngàn người dân vô tội tại cố đô Huế. Nếu không để mất Huế, mất Quảng Trị, liệu có phải hy sinh bao nhiêu chiến sĩ, bao nhiêu người dân lành như vậy không? Nên việc lấy lại Quảng Trị và Huế là việc đương nhiên phải làm, và người dân hai nơi đó cũng như toàn miền Nam lúc nào cũng nhớ ơn những người đã chiến đấu để bảo vệ phần đất của tổ quốc.

Như chúng tôi vừa nói, trận chiến An Lộc mới đúng là một chiến thắng lẫy lừng vào bậc nhất của QL/VNCH, vì An Lộc tuy là địa danh nhỏ bé nhưng là địa bàn chiến lược quan trọng của VNCH, là cửa ngõ tiến vào Saigon nên Việt Cộng cố chiếm An Lộc để làm thủ đô của cái gọi là Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Việt Nam. Chính Ngoại Trưởng của chánh phủ đó là bà Nguyễn Thị Bình, Trưởng Đoàn Đàm Phán của Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời đã huênh hoang tuyên bố tại Hội nghị Paris rằng “Chỉ trong 10 ngày nữa An Lộc sẽ là thủ đô của Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam VN” nhưng rồi Việt Cộng đã thảm bại dù được Liên Xô, Tàu Cộng chi viện dồi dào lương thực, vũ khí, đạn dược.

Với Sư Đoàn 5, Sư Đoàn7, 9, các Trung Đoàn Pháo Binh 28, 2, 4 tiểu đoàn pháo phòng không, 35,000 quân, hai Tiểu Đoàn xe tăng và mưa pháo của Cộng quân liên tục vào An Lộc. Trong khi quân phòng thủ của ta chỉ có Sư Đoàn 5 BB, Liên Đoàn 3 BDQ cùng lực lượng Địa Phương Quân, Nghĩa Quân, Cảnh Sát Quốc Gia trú phòng đã chống trả kịch liệt với Cộng quân. Sau đó quân trú phòng mới được tăng cường thêm Lữ Đoàn 1 Dù, Sư Đoàn 21, Sư Đoàn 9, 3 Trung đoàn BB 8,7,52 và Tiểu Đoàn 81 Biệt Cách Dù để chiến đấu khiến quân Việt Cộng phải tháo chạy, khoảng 2000 bộ đội tử thương và trên 5000 bị thương.

An Lộc đã hứng chịu hàng chục ngàn quả đại pháo, đã bị san bằng hầu như bình địa nhưng chiến sĩ QL/VNCH đã không để mất vào tay giặc. Trận chiến thắng An Lộc đã làm nên chiến tích sáng ngời của QL/VNCH khiến báo chí ngoại quốc và nhiều sử gia trên thế giới từng so sánh trận An Lộc không thua gì những trận đánh lừng danh trong quân sử thế giới như trận Verdun năm 1916 tại Pháp; trận Stalingrad ở Nga năm 1943 (báo Paris Match số 1206 năm 1972). Sử gia Thomas Fleming đánh giá trận An Lộc là chiến thắng vang dội nhất giống như trận Saratoga giữa Mỹ và Anh năm 1777 hay trận nội chiến Hoa Kỳ năm 1863.
Trận chiến thắng An Lộc đã đi vào lịch sử với hai câu thơ:

“An Lộc địa sử ghi chiến tích,
Biệt Cách Dù vị quốc vong thân”.

Hiện nay việc xây dựng Tượng Đài hay Bia Tưởng Niệm Tái Chiếm Cổ Thành Quảng Trị đang bị tạm đình hoãn nhưng Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài vẫn đang cố gắng để thực hiện. Ủy Ban đang ở vào thế kẹt, nếu không xây dựng được Tượng Đài hay Bia Tưởng Niệm, có thể những người đóng tiền ủng hộ sẽ đòi tiền lại. Nếu Ủy Ban không trả được có thể sẽ lại bị kiện, nên bằng mọi giá phải xây, dù chỉ là tấm Bia Tưởng Niệm, không phải là một Tượng Đài đồ sộ như nhiều người đang lầm tưởng.

Trả lời những câu hỏi này, một lần nữa cá nhân người viết minh xác, không ủng hộ cũng không chống việc xây dựng Tượng Đài hay Bia Tưởng Niệm Tái Chiếm Cổ Thành Quảng Trị, chỉ mong sao Hội Đồng Thành Phố Westminster sáng suốt để quyết định, đừng để lâm vào tình trạng khó xử và nhất là phải đối mặt với tòa án và làm lu mờ hình ảnh các cư dân người Mỹ gốc Việt ra tranh cử sau này.

THANH PHONG

Không có nhận xét nào: