Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 28 tháng 7, 2021

BI KỊCH LÀNG TÀO - ÔNG SỦNG - Thái Sinh

 

Tin anh Hoa hâm thắt cổ tự tử sau khi ba chị vợ bỏ đi làm chấn động dư luận làng Tào. Không ít người tỏ ra tiếc thương cho người đàn ông đã cưu mang những phận người khốn khổ. Vài người trách anh, ở cái thời gạo châu củi quế mà nhặt về những ba cô vợ, để suốt ngày quẩn quanh lo chuyện cơm nước, nên lúc nào mặt cũng vàng bủng như cẳng chân lội bùn lâu ngày bị nhiễm phèn. Họ tặc lưỡi: Người ta bảo Hoa hâm chẳng sai…Trách thì trách vậy, nhưng người làng Tào ai cũng đến đưa tiễn anh ra đồng. Ba chị vợ không ai có mặt, họ chẳng có lỗi trong cái chết của anh, mọi người không trách họ, bởi họ bị anh đuổi đi chứ mấy ai biết nguyên nhân vì sao anh lại đuổi họ. 
<!>
Quan chức làng Tào đều đến dự đám tang, chỉ vắng lão Tư Lâm, anh Tẹo và cậu Dúng là những người từng gian díu với những chị vợ của anh.
Ông Sủng đứng bên quan tài một lúc lâu, nói lẩm bẩm câu gì chỉ mình ông hiểu, bất chợt ông cười khục khục trong cổ, nước mắt chảy giàn giụa, không biết ông khóc thương anh Hoa hay ông khóc cho thân phận của mình?
Cuộc đời ông Sủng có rất nhiều bí ẩn, không ai biết ông lại có sự hấp dẫn đối với đàn bà đến thế, mà năm người đàn bà tự nguyện đến làm vợ ông, trong đó có hai chị em sinh đôi là bà Vui và bà Vẻ, họ đều là những phụ nữ xinh đẹp và giỏi giang ở làng Tào. Bà vợ thứ năm kém ông đến 40 tuổi người Thanh Đa. Nghe mọi người kể, sau mùa lụt, đồng đất làng Thanh Đa bên dòng sông Đáy rộng mênh mông những bãi bồi không làm xuể, huyện mới phân cho làng Tào cả trăm mẫu đất để trồng ngô, khoai. 

Tôi đôi lần theo mẹ sang Thanh Đa ăn giỗ, vì ông nội tôi thời trẻ dạy học lấy vợ  ở bên ấy, anh trai tôi từng làm con nuôi cho một gia đình bên đó mà tôi không nhớ tên. Do sống bên ngoài đê, nên năm nào Thanh Đa cũng ngập lụt, vào mùa lũ lớn, những gia đình ngoài đó có họ hàng với gia đình tôi đều đến tá túc vài ngày, hay dựng lều trên đê tránh lụt. Nhà nào cũng vượt đất đắp cao bằng ngọn tre, sau khi ăn tết xong mọi người thuê thợ đấu đến đắp đất quanh nhà. Vì thế, những cái ao quanh nhà sâu hun hút, sau mùa lụt đất lại bồi lưng ao. 

Trong số thợ đấu có ông Sủng, ông dò theo một đàn cá từ sông Hồng lạc vào sông Đáy, đêm ấy ông ngủ nhờ một gia đình có cô con gái sau này là vợ thứ năm của ông. Bố cô gái kém ông chục tuổi cũng là người đánh bắt cá giỏi không kém, hai người uống rượu hàn huyên với nhau cả đêm. Sáng ra ông ấy bảo: Hay ông ở lại đây giúp tôi đánh đất đắp nền nhà, mùa này cá rút ra sông Hồng, chỉ những đàn cá bé mới ở lại sông Đáy…

Thế là ông nhận lời, trở thành thợ đấu đất bất đắc dĩ, thực tình ông chủ giữ ông Sủng ở lại để nghe ông kể chuyện đánh bắt cá như thế nào. Sau gần một tháng làm thuê, cô con gái út của chủ nhà phải lòng ông. Mặc dù biết ông Sủng nhiều tuổi hơn cả bố mình, nhưng cô nhất quyết xin làm vợ ông, bất chấp mọi lời can ngăn của mọi người trong gia đình và làng xóm. Nhiều người hỏi sao ông có tài chinh phục trái tim phụ nữ đến như vậy, ông cười bảo: Cái số tôi nó khổ thế, các bà ấy tự đến rồi sẽ tự đi thôi... 

Đúng như điều ông nói, các bà vợ sau một thời gian ở với ông đều lần lượt bỏ đi, người đến trước bỏ đi trước. Khi không còn bà vợ nào ở với ông nữa, ông Sủng mới bán ngôi nhà chia đều cho các bà vợ, như thể trả công cho họ trong những năm tháng họ sống với ông, cuối cùng ông mượn mảnh đất trồng chuối của người em dưới chân đê dựng căn lều để ở đến tận bây giờ. 

Đêm nào ông cũng lần mò đánh cá dọc sông Đáy hay ngoài đầm Vông. Chính thế, nên ông biết rất nhiều bí mật của làng Tào khi bóng tối buông xuống. Chuyện cậu Dúng và chị Nga sau khi lên tỉnh nhận bằng khen do có thành tích bắt giặc lái máy bay Mỹ về “liên hoan” dưới chân đê, chuyện anh Tẹo và chị Mùi ngã xe, chuyện mẹ tôi dẫn chị Miền đi lang thang trong đêm về nhà… 

Vốn là đứa trẻ tò mò những chuyện không đâu, một hôm tôi đến căn lều của ông sau khi lách qua những khóm chuối lá rộng như cánh phản bước vào căn lều lợp bằng rất nhiều lớp lá chuối khô, vách cũng buộc rất nhiều tàu lá chuối, giường của ông cũng là cái ổ lá chuối dày đến nửa mét, giống như cái nệm lò so ấm áp về mùa đông, mát mẻ về mùa hạ. Tuy nhiên, những ngày rét nhất, chiếc nệm lá chuối đó trở nên lạnh giá giữa vườn chuối, ông phải lên điếm canh đê đốt lửa sưởi. Vì ông biết, nếu đốt lửa sưởi trong căn lều lá chuối chỉ sơ sẩy một chút lửa bén vào những tàu lá chuối khô đã mủn nát thì cái “lâu đài” của ông sẽ thành tro bụi trong chốc lát.
Khi tôi đến, ông đang ngồi trước cửa lều vá lại mảnh lưới đã rách nát, quanh đấy rất nhiều dụng cụ đánh cá, những ống nứa đánh lươn xếp thành đống quanh lều và dưới các bụi chuối. Thấy tôi ông chả ra vồn vã hay bực bội vì một thằng ranh con lại muốn nhòm ngó vào cuộc đời ông. 

Tôi tò mò mở chiếc vại chứa những con giun chết làm mồi đánh lươn thối khắm xộc vào mũi khiến tôi suýt nôn, ông cười bảo:
- Này cậu bé, mùi thối là sự kinh tởm đối với con người, nhưng lại hấp dẫn với lũ cá tôm. Cũng giống như cái chết của loài này sẽ cống hiến sự sống cho kẻ khác, không có gì là vô ích cả…

Hỏi ông vì sao tôi nhiều lần theo anh Hoa hâm ra đầm Vông câu cá, anh Hoa câu được những con cá to, còn tôi chỉ câu được những con mài mại hay những con mè ranh và những con diếc to bằng hai ngón tay. Ông cười bảo:
- Câu cá có nhiều bí quyết, đánh cá cũng nhiều bí quyết, mỗi người có một bí quyết riêng mà họ tích lũy được trong suốt cuộc đời làm nghề, không ai giống ai…
Rồi ông kể những mẻ lưới đánh được đàn cá mấy chục cân, những con ba ba bằng cái mâm ăn cơm mắc vào lưới mà ông phải đánh vật với nó cả tiếng đồng hồ mới lôi lên khỏi mặt nước. Tôi hỏi ông những đêm đánh cá có bao giờ gặp ma không? Ông lắc đầu:
- Toàn chuyện nhảm, tao sống hơn bảy mươi năm trên cõi đời này, chưa một lần nhìn thấy ma bao giờ. Ờ, cũng nhiều lần nhìn thấy, đó là lũ ma người. Ma người kinh sợ hơn ma quỷ rất nhiều…
Nói rồi ông chui vào trong lều tối âm âm lôi ra một cút rượu rót ra chiếc chén bằng mắt trâu màu da lươn uống một chén rồi lại một chén nữa, ngẫm nghĩ một lúc lâu ông mới hỏi:
- Tao nghe đợt này nhà mày và bác Nhuận đi xây dựng vùng kinh tế mới trên Tây Bắc à?
Tôi gật đầu xác nhận. Im lặng một lúc ông mới bảo:
- Mà cũng nên đi, sống ở đây ngột ngạt lắm rồi. Tiếc là tao đã già, nay sống mai chết không biết thế nào, chứ không thì cũng đi đấy. Nghĩ mà thương cho lão Nhuận, lão ấy trở nên trắng tay, khuynh ra bại sản vì sự khốn nạn của lũ ấy…
Nghe ông nói những lời gan ruột, chắc nghĩ tôi là thằng nhãi nhép hay một đứa trẻ đáng tin cậy nên ông mới kể cho tôi nghe chuyện kẻ bắt trộm lợn của hợp tác xã đêm ba mươi tết năm nào do phiên bác Nhuận trực, bác phải bán mảnh vườn ngoài đê lấy tiền đền con lợn chín mươi cân cho hợp tác xã. Người bắt trộm lợn đêm ấy chính là Trần Quanh Dương cùng với một số kẻ làng Phùng Thương ông Sủng đã nhìn thấy sau khi đi đánh cá đêm trở về. 
Tôi không hiểu vì sao đến giờ ông mới nói ra chuyện ấy, chắc ông nghĩ tôi là đứa trẻ hỉ mũi chưa sạch nếu tôi có nói lại với người khác thì chẳng ai tin đứa trẻ và lão già khố rách áo ôm không một mảnh đất cắm dùi ở cái làng Tào này.
Khi đó tôi mới hiểu, vụ mất trộm lợn đêm ba mươi tết Trần Quang Dương không tổ chức điều tra ngay mà để tận ra giêng mới triệu tập bác Nhuận lên xã lập biên bản và lấy lời khai.
Kể lại chuyện đó với bác Nhuận và bố tôi, ông đang hút thuốc lào bật đứng dậy đập chiếc điếu cày đánh chát vào cột nhà, khiến chiếc điếu vỡ tan tành, nước điếu bắn tung tóe khai mù, ông gằn giọng: 
- Một lũ khốn nạn!
Nói rồi ông hầm hầm lên ủy ban xã rút đơn đi xây dựng vùng kinh tế mới, chờ đợt sau. Chuyện Trần Quang Dương bắt trộm lợn của hợp tác xã chả mấy chốc lan ra khắp làng Tào. Tôi và ông Sủng được gọi lên xã lấy lời khai, ông Sủng ốm quá không đi được. Tôi nói lại những gì đã được nghe ông Sủng kể, Trần Quang Dương véo tai tôi một cái rõ đau rồi đá đít tiễn tôi ra cửa:
- Chả lẽ tao lại tát cho mày nảy đom đóm mắt chừa cái thói đưa tin thất thiệt. Cút về ngay, mới nứt mắt đã đơm đặt chuyện người lớn…
Chiều ấy tôi ra bãi chuối kể lại chuyện Trần Quang Dương gọi tôi lên xã tra xét vì sao lại kể chuyện ông ta bắt trộm lợn của hợp tác xã cho mọi người nghe. Ông Sủng cười như mếu:
- Thế là mày hại tao rồi. Thôi, cũng chả sao, lũ chúng nó muốn làm gì tao thì làm, cũng để người dân làng Tào biết một phần sự thật về chúng. Lũ khốn nạn mang bộ mặt giả nhân giả nghĩa…
Sau đó mấy hôm, một sáng trở dậy tôi nghe mẹ tôi hốt hoảng chạy từ ngoài ngõ về bảo với bố tôi:
- Ông Sủng chả hiểu đun nấu thế nào, lại để lửa bén vào lều chết cháy đêm qua rồi. 
Bố tôi bật dậy chạy bổ ra cửa lao về phía bãi chuối ngoài chân đê, ở đấy có rất nhiều người đang chạy đi, chạy lại nhốn nháo. Tôi lóc cóc chạy theo ông, bất chợt ông giật lấy con dao của ai đó đang cầm trên tay chém loạn xạ vào các cây chuối với sự giận dữ chưa từng thấy như con thú bị thương:
- Tại sao ông lại chết trong lúc này khi sự thật chưa được làm sáng tỏ. Ông tự đốt hay kẻ nào đốt căn lều này, những cây chuối sao mày cứ câm như hến thế?
Ông Tường từ đâu lao vào ôm lấy bố tôi, giằng con dao vứt ra xa:
- Tôi xin ông, có miệng thì lắp, có cắp thì đậy, tai vách mạch rừng, những cây chuối này làm gì nên tội. Nào mọi người cùng xúm tay vào đưa ông Sủng ra khỏi đống tro than để làm ma cho ông ấy…
Mọi người khiêng ông Sủng ra khỏi cái ổ lá chuối khô đã cháy thành than, thân hình ông co quắp, mặt mũi biến dạng không còn nhận ra hình thù gì nữa. Bố tôi ngồi bệt xuống mặt đất đen đúa khóc không thành tiếng:
- Ông Sủng ơi, sao ông lại chết khổ chết sở như thế này, khi sự thật và những bí ẩn của làng Tào chưa được ông nói ra. Sống khôn thác thiêng ông phù hộ, độ trì cho người dân trong làng Tào được sống an lành…
 (Trích Chuyện Làng Tào)

Thái Sinh

Không có nhận xét nào: