Ảnh minh họa: Ông Michael Ryan, giám đốc đặc trách các vấn đề khẩn cấp của WHO, trong một cuộc họp báo tại Genève ngày 03/05/2020. REUTERS – Denis Balibouse « Biến thể virus Delta nguy hiểm như bệnh thủy đậu » và « gây triệu chứng nghiêm trọng hơn những biến thể trước ». Cùng lúc với việc công bố một nghiên cứu về độ nguy hiểm của biến thể Delta được tiến hành tại Massachusetts (Hoa Kỳ), ngày 30/07/2021, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) cũng cảnh báo phải hành động nhanh trước khi xuất hiện những biến thể khác, nguy hiểm hơn.
Theo AFP, những nhận định trên được nêu trong một tài liệu lưu hành nội bộ các Trung Tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) và dựa vào một nghiên cứu được tiến hành ở Provincetown, phía đông bang Massachusetts, nơi phát hiện gần 900 ca nhiễm Covid-19 sau lễ Quốc Khánh 04/07 dù có đến 3/4 số người tham gia sự kiện đã được tiêm chủng.
Nghiên cứu này tái khẳng định người được tiêm chủng vẫn có thể bị nhiễm biến thể Delta. Tuy nhiên, theo Celine Gounder, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm đại học New York khi trả lời AFP, « người bị nhiễm sẽ có những triệu chứng nhẹ hơn, thậm chí là không có và họ có thể lây bệnh cho người khác ».
Những người bị nhiễm biến thể Delta có lượng virus nhiều hơn trong mũi và họng. Biến thể Delta có tốc độ lây nhiễm như bệnh thủy đậu, có nghĩa là một người bị nhiễm có thể lây trung bình cho 8 người, nhưng vẫn chưa lây lan bằng bệnh sởi.
Trong bối cảnh biến thể Delta chiếm tỉ lệ cao trong số những ca nhiễm Covid-19 tại nhiều nước trên thế giới, bác sĩ Mike Ryan, phụ trách các tình huống khẩn cấp của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, trong cuộc họp ngày 30/07/2021 tại Genève, đã cảnh báo những biến thể mới sẽ xuất hiện nếu các nước phối hợp tiêm chủng :
« Virus trở nên hung hãn hơn, lan nhanh hơn. Điều này không thay đổi kế hoạch hành động của chúng ta nhưng buộc chúng ta phải triển khai hiệu quả nhiều hơn so với những gì chúng ta đã làm.
Không có nhiều giải pháp thần kỳ, cũng chẳng có thuốc tiên. Thuốc tiên duy nhất mà chúng ta có là vac-xin. Vấn đề là chúng ta lại không chia sẻ công bằng vac-xin trên thế giới và chúng ta đang tự bắn vào chân mình.
Nhìn từ góc độ này, biến thể Delta là một lời cảnh báo. Đó là dấu hiệu báo động virus đang biến hóa. Nhưng đó cũng là lời kêu gọi phải hành động trước khi xuất hiện nhiều biến thể nguy hiểm hơn ».
Washington ‘di tản’ hơn 200 người Afghanistan bằng máy bay đến Mỹ (VOA, 30-7-2021)
“Mỹ rút kinh nghiệm! Nhất là Biden, người Mỹ hiểu Taliban với Việt Cộng tương đồng về sự tàn bạo và hèn hạ nên mới di tản đồng minh có bài bản hơn lần trước.“
*Người miền Nam VN có giáo dục tốt chắc chắn không quên rằng quân cộng sản VN chính là quân khủng bố Taliban
.
Các cựu phiên dịch viên người Afghanistan xuống đường ở Kabul hồi tháng 6/2021, đề nghị Mỹ bảo vệ (di tản họ ra khỏi Afghanistan)
Mỹ vừa thực hiện chuyến bay đầu tiên sơ tán những người Afghanistan làm việc cùng với người Mỹ ở Afghanistan, đưa họ đến tái định cư ở Mỹ. Tổng thống Joe Biden chào mừng họ “về đến nhà”.
Một máy bay thương mại chở 221 người Afghanistan thuộc chương trình visa đặc biệt, bao gồm cả 57 trẻ em và 15 trẻ sơ sinh, hạ cánh ở sân bay Dulles, bang Virginia, ngay ngoại ô thủ đô Washington, DC.Họ là các cựu phiên dịch viên và những người khác lo sợ sự trả đũa từ Taliban ở Afghanistan vì đã làm việc với các binh sĩ và các cơ quan dân sự Mỹ. Đi cùng với họ là những người thân trong gia đình.
Tổng thống Biden gọi chuyến bay là “một mốc quan trọng khi chúng ta tiếp tục thực hiện lời hứa với hàng nghìn công dân Afghanistan, những người đã sát cánh cùng quân đội và các nhà ngoại giao Mỹ trong 20 năm qua ở Afghanistan”. Ông cũng bày tỏ rằng ông muốn vinh danh các cựu chiến binh, các nhà ngoại giao và những người khác ở Hoa Kỳ vì họ đã vận động cho người Afghanistan.”Trên hết, tôi muốn cảm ơn những người Afghanistan dũng cảm này đã sát cánh cùng Hoa Kỳ, và hôm nay, tôi vinh hạnh nói với họ ‘Chào mừng mọi người về đến nhà’”, ông Biden nói trong một tuyên bố.
Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đều đã ca ngợi những người Afghanistan này vì họ đã làm việc cùng với người Mỹ và nói rằng việc họ đến Mỹ thể hiện cam kết của chính phủ Mỹ đối với họ.
Các chuyến bay sơ tán như thế này cho thấy Mỹ không yên tâm về khả năng trụ lại của chính phủ và quân đội Afghanistan sau khi lực lượng chiến đấu cuối cùng của Mỹ rời khỏi đất nước đó trong những tuần tới.
Chính quyền Biden đặt tên cho hoạt động này là Chiến dịch Di tản Đồng minh. Chương trình này nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ các nhà lập pháp của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ cũng như từ các nhóm cựu chiến binh. Những người ủng hộ dẫn ra nhiều trường hợp lực lượng Taliban trả thù nhắm vào những người Afghanistan từng làm việc với người Mỹ hoặc với chính phủ Afghanistan.
Với số phiếu thuận áp đảo, quốc hội Mỹ hôm thứ Năm 29/7 thông qua đạo luật cho phép cấp thêm 8.000 visa và 500 triệu đô la tài trợ cho chương trình visa đặc biệt dành cho người Afghanistan.
Hồi đầu năm, ông Biden tuyên bố Mỹ sẽ rút toàn bộ quân khỏi Afghanistan vào ngày 11/9, tôn trọng thỏa thuận rút quân do cựu Tổng thống Donald Trump ký. Sau đó, ông cho biết hoạt động quân sự của Hoa Kỳ sẽ kết thúc vào ngày 31/8.
Những người Afghanistan vừa mới đến sẽ bổ sung vào con số 70.000 người khác đã tái định cư tại Hoa Kỳ từ năm 2008 theo chương trình visa đặc biệt.(AP)
Covid-19: Biến thể Delta lan rộng đến nhiều tỉnh thành Trung Quốc
Ảnh minh họa: Từ hạ tuần tháng 7/2021, Trung Quốc đã bị biến thể Delta của virus gây dịch Covid-19 đe dọa. © STR / AFP)/ China OUT
Nguy cơ Covid-19 tái phát tại Trung Quốc càng lúc càng nghiêm trọng. Thêm hai tỉnh của Trung Quốc phát hiện nhiều ca dương tính với virus corona do biến thể Delta gây nên. Sau Bắc Kinh và bốn tỉnh thành, hôm nay 31/07/2021 đến lượt Phúc Kiến và Trùng Khánh bị phong tỏa.
Hàng chục triệu người dân lại bị hạn chế đi lại và kiểm soát giấy tờ kể từ hôm nay do dịch Covid-19 tái phát và biến thể Delta lan rộng đến nhiều tỉnh. Chính quyền tỉnh Hồ Nam ra lệnh cách ly một triệu rưỡi dân cư địa khu Trương Gia Giới (Zhangjiajie) sau khi phát hiện một ổ dịch. Tại đây các khu giải trí đã bị cấm hoạt động từ hôm qua.
Thành phố Nam Kinh với hơn 9 triệu dân, cũng đóng cửa tất cả các địa điểm văn hóa và du lịch. Dân Trung Quốc lại phải đeo khẩu trang chống dịch và tại các thành phố lớn, trong đó có Bắc Kinh, khi đi ra ngoài, bắt buộc phải trình chứng nhận y tế.
Thông tín viên Stéphane Lagarde từ Bắc Kinh tường trình :
“Yêu cầu mọi người đeo khẩu trang, cảm ơn”. Một nhân viên bảo vệ nhắc nhở ngay tại cổng vào một trung tâm thương mại gần khu đại học Bắc Kinh. Từ khi phát hiện hai ca nhiễm Covid-19 ở phía bắc thủ đô Trung Quốc, các tổ dân phố áp dụng trở lại biện pháp kiểm soát như là đo thân nhiệt, kiểm tra mã số y tế trên điện thoại di động …
Một người bảo vệ nói với chúng tôi không biết khi nào các biện pháp này sẽ được nới lỏng, nhưng trước mắt anh ta phải thi hành lệnh của cấp trên. Từ hôm Thứ Năm vừa rồi các biện pháp này đã được áp dụng trở lại. Một nhà hàng gần đây đã phải đóng cửa sau khi một ca tiếp xúc đã vào ăn. Tất cả các thực khách đều bị cách ly.
Biện pháp cách ly được áp dụng ở diện rộng. Các doanh nghiệp nhà nước yêu cầu nhân viên không ra khỏi thủ đô Bắc Kinh. Từ nhiều tháng qua Bắc Kinh chưa từng phải áp dụng những biện pháp hạn chế này.
Hai ca dương tính được phát hiện ở thủ đô vừa trở về từ thành phố du lịch nổi tiếng Trương Gia Giới, ở tình Hồ Nam, miền trung Trung Quốc. Tại đấy, hôm qua, khách sạn, các rạp chiếu phim và tất cả địa điểm giải trí đều phải đóng cửa. Bảo tàng tại Tây An, nổi tiếng với những pho tượng lính bằng đất đang được giám sát.
Nhưng tình hình tại Nam Kinh căng thẳng hơn cả. Tính từ hôm 20 tháng 7 tới nay, thành phố này phát hiện hơn 180 ca nhiễm Covid-19. Hôm qua, các giới chức y tế Trung Quốc giải thích, virus đã thâm nhập vào Nam Kinh do nhân viên phục vụ quét dọn vệ sinh trên một chiếc máy bay của Nga. Đối với các giới chức y tế của thành phố, đây là vụ lây nhiễm ở quy mô lớn chưa từng thấy”.
Dịch bùng mạnh, các thành phố Trung Quốc chạy đua với thời gian
Các thành phố ở Trung Quốc đang chạy đua với thời gian để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, sau khi xuất hiện thêm nhiều ca nhiễm mới gần đây.
Theo hãng tin Reuters, thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô ghi nhận thêm 13 ca nhiễm virus corona mới vào ngày 29/7, nâng tổng số ca nhiễm tại thành phố này lên 184 người kể từ ngày 20/7. Các nhà chức trách tỉnh Giang Tô cho biết ngoài 13 ca nhiễm tại Nam Kinh, thành phố Dương Châu cũng ghi nhận 4 ca nhiễm.
Tính trên quy mô cả nước, Trung Quốc ghi nhận 64 ca nhiễm mới trong ngày 29/7, tăng so với 49 ca một ngày trước đó. Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết 21 trường hợp trong số các ca mắc mới là lây nhiễm trong cộng đồng, phần lớn ở tỉnh Giang Tô. Tuy nhiên số liệu của chính phủ công bố luôn là một dấu hỏi đối với cộng đồng thế giới, khi quốc gia này có lịch sử che giấu dịch bệnh.
Giới chức y tế Nam Kinh cho biết kết quả giải trình tự gen của 52 ca nhiễm liên quan đến đợt bùng phát dịch mới cho thấy tất cả họ đều nhiễm chủng Delta.
Tình hình đã nâng lên mức báo động khi các ca lây nhiễm từ sân bay quốc tế Lộc Khẩu đã lan sang ít nhất 15 thành phố khác ở Trung Quốc. Đây cũng là đợt bùng phát dịch sâu rộng nhất tại Trung Quốc sau đợt dịch ở Vũ Hán.
Nam Kinh, thành phố 9,3 triệu dân ở phía tây bắc Thượng Hải, đã yêu cầu hàng chục nghìn người ở trong nhà và tiến hành xét nghiệm trên quy mô lớn, trong khi các chuyên gia vẫn đang tìm kiếm nguồn gốc lây nhiễm virus.
Các hiệu thuốc đã được lệnh dừng bán thuốc giảm sốt và trị ho không kê đơn hai loại thuốc có khả năng giảm nhẹ hoặc che giấu các triệu chứng của COVID-19. Các khu dân cư trong thành phố cũng đã thắt chặt các quy tắc chống dịch bằng cách cấm các dịch vụ giao hàng.
Sở giao thông vận tải Giang Tô ngày 28/7 thông báo, các tài xế muốn rời khỏi Giang Tô cần phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính được thực hiện trong vòng 48 giờ. Cơ quan này cũng cho biết, 93 trạm kiểm soát đã được thiết lập trên đường cao tốc.
Thành phố Vu Hồ, tỉnh An Huy giáp Giang Tô quy định tài xế và hành khách sẽ phải được xét nghiệm ngay tại các trạm kiểm soát trên đường cao tốc nếu họ thiếu giấy tờ chứng minh xét nghiệm âm tính.
Sau chùm ca nhiễm tại sân bay ở Nam Kinh, Trương Gia Giới ở tỉnh Hồ Nam cũng là một “điểm nóng” COVID-19 mới ở Trung Quốc. Tính đến ngày 29/7, ít nhất 18 trường ca nhiễm trên khắp Trung Quốc được xác nhận có liên quan tới thành phố du lịch này.
Nhiều thành phố ở Trung Quốc ghi nhận số ca nhiễm tăng cao trong những ngày gần đây, trong đó một số ca dương tính từng có lịch sử đi lại tới Trương Gia Giới.
Trương Gia Giới đã yêu cầu đóng cửa tất cả các địa điểm du lịch, rạp chiếu phim, đồng thời cấm tụ tập đông người để ngăn dịch bùng phát. Các biện pháp được công bố sau khi những người mang mầm bệnh được phát hiện từng tham dự một sự kiện âm nhạc với 2.000 khán giả ở Trương Gia Giới vào ngày 22/7.
Tân thủ tướng Samoa xác nhận bãi bỏ dự án cảng biển do Trung Quốc hậu thuẫn
Tân Thủ tướng Samoa, bà Fiamē Naomi Mataʻafa, mới đây đã xác nhận bà sẽ hủy một dự án cảng biển do Trung Quốc hậu thuẫn.
Bà Mataafa khẳng định rằng bà sẽ chỉ phê duyệt các khoản đầu tư đem lại lợi ích rõ ràng cho Samoa, quốc đảo nhỏ bé tại Thái Bình Dương.
Tân Thủ tướng Samoa nói rằng sự quan tâm của Trung Quốc đối với vùng biển Thái Bình Dương ngày càng tăng lên khi Mỹ có dấu hiệu rời bỏ khu vực này.
Trao đổi với The Epoch Times qua email hôm 28/7, vài ngày sau khi chính thức nhậm chức thủ tướng Samoa, bà Mataafa cho hay: “Dường có sự quan tâm trở lại tại Thái Bình Dương, đó có thể là một điều tốt, nhưng không nhất định [là tốt]”.
Samoa là một quốc đảo nhỏ với chỉ khoảng 200.000 dân. Quốc đảo này hiện nay tự thấy rằng họ đang chịu tác động từ sự ganh đua địa chính trị bên ngoài khi Mỹ cùng đồng minh phản ứng với việc Trung Quốc ngày càng hung hăng tại vùng biển Thái Bình Dương vốn chưa xảy ra bất kỳ cuộc tranh chấp lớn nào kể từ Thế chiến II.
Với vị trí địa lý như vậy, bất kỳ sự liên quan nào của nước ngoài đối với cơ sở hạ tầng trọng yếu của Samoa, chẳng hạn như cảng biển và đường băng, đều là đặc biệt nhạy cảm. Vậy nên, đề xuất xây dựng một cầu tàu tại Vịnh Vaiusu do Trung Quốc cấp vốn đã trở thành chủ đề quan trọng trong các cuộc thảo luận chính trị trước bầu cử Samoa hồi tháng Tư và cũng là yếu tố quyết định đến thắng lợi sau cùng của ứng viên.
Cựu thủ tướng Samoa, Tuilaepa Sailele Malielegaoi – người cầm quyền tại quốc đảo Thái Bình Dương 22 năm, trong chiến dịch tranh cử đã hứa xây cảng biển tại Vịnh Vaiusu từ nguồn vốn 100 triệu USD do Trung Quốc cung cấp. Trước đó, một dự án tương tự đã không được Ngân hàng Phát triển châu Á duyệt cấp vốn.
Bà Mataafa là người phản đối dự án nêu trên và hồi tháng Năm sau khi đắc cử nhưng chưa chính thức tuyên thệ nhậm chức, bà đã nói với Reuters rằng bà sẽ hủy bỏ dự án cảng biển tại Vịnh Vaiusu. Bà cho rằng dự án này là quá lớn đối với một quốc gia nhỏ bé như Samoa vốn đã nợ Trung Quốc quá nhiều.
Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Samoa với khoảng 160 triệu USD, chiếm 40% nợ nước ngoài của quốc đảo Thái Bình Dương.
Trao đổi với Reuters hôm 28/7, bà Mataafa nói: “Chúng tôi đã nói rõ rằng thời điểm này dự án đó không phải là ưu tiên của chúng tôi và có những lĩnh vực khác chúng tôi quan tâm hơn”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 30/7 phát đi tuyên bố cho biết Bắc Kinh đã tiến hành các cuộc đối thoại sơ bộ với Samoa về tính khả thi của việc xây dựng cảng biển theo yêu cầu của chính quyền cũ của cựu thủ tướng Malielegaoi. Hai bên chưa chính thức ký bất kỳ thỏa thuận nào liên quan đến xây dựng cảng biển tại Vịnh Vaiusu.
Mặc dù tuyên bố hủy bỏ dự án cảng biển do Trung Quốc hậu thuẫn, nhưng bà Mataafa cũng nhấn mạnh Samoa không đóng cửa hoàn toàn mối quan hệ đối tác với Bắc Kinh.
Nữ thủ tướng đầu tiên của Samoa nói Trung Quốc là một đối tác lâu năm và chính phủ của bà sẽ đánh giá mối quan hệ này theo cách giống như họ đánh giá tất cả các mối quan hệ song phương khác.
“Tôi nghĩ rằng khi một chính quyền mới bước vào nhiệm sở, thì chúng tôi sẽ phải đánh giá mối quan hệ với Trung Quốc và đánh giá bất kỳ đối tác nào khác mà chúng tôi đang có”, bà Mataafa nói.
CDC: Cuộc chiến COVID đã thay đổi, cần đáp ứng mới với biến thể Delta
Reuters
Một phụ nữ mang khẩu trang tại New York theo khuyến cáo mới đây của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ vì biến thể Delta lây lan mạnh.
Cuộc chiến chống COVID đã thay đổi vì biến thể Delta lây nhiễm cao, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ tuyên bố và đưa ra một thông điệp rõ ràng, bắt buộc tiêm chủng đối với nhân viên y tế và yêu cầu trở lại mang khẩu trang.
Một tài liệu nội bộ của CDC nói biến thể Delta, vốn phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ và hiện chế ngự trên toàn thế giới, lây như bệnh trái rạ và lây hơn nhiều so với bệnh cảm thông thường hay bệnh cúm. Bệnh có thể được lây lan bởi cả những người đã được tiêm chủng và có thể gây bệnh nặng hơn so với các chủng virus corona trước đây.
Tài liệu nhan đề “Cải thiện thông tin xung quanh các ca đột phá vaccine và hiệu quả vaccine” nói biến thể này đòi hỏi chúng ta phải có một cách tiếp cận mới để giúp công chúng hiểu được sự nguy hiểm-trong đó cần làm rõ là những người chưa tiêm chủng có thể bị bệnh nặng hoặc tử vong cao gấp 10 lần so với những người đã tiêm chủng.
Tài liệu nhấn mạnh “Hãy nhìn nhận cuộc chiến đã thay đổi.”
Một danh sách những biện pháp phòng ngừa được khuyến nghị bao gồm bắt buộc nhân viên chăm sóc sức khỏe phải tiêm chủng để bảo vệ những người dễ bị tổn thương và bắt buộc mọi người phải mang khẩu trang trở lại.
CDC xác nhận tính xác thực của tài liệu mà Washington Post loan tin đầu tiên.
Dù những người đã tiêm chủng ít bị lây nhiễm, nhưng một khi họ bị “các ca nhiễm đột phá” từ Delta-khác với các biến thể trước đây-họ có thể giống như những người chưa tiêm chủng lây bệnh cho những người khác.
Giám đốc CDC, bà Rochelle Walensky, nói số lượng virus chứa đựng trong người nhiễm cao cho thấy nguy cơ lây nhiễm gia tăng và đề ra các quan ngại là những người đã tiêm chủng bị nhiễm biến thể Delta có thể làm lan truyền virus.
Hôm 30/7, CDC công bố dữ liệu của một cuộc nghiên cứu virus bùng phát tại Massachusetts, trong đó cho biết ba phần tư những người bị nhiễm ở đây đã tiêm chủng đầy đủ. Cuộc nghiên cứu này đóng một vai trò quan trọng trong quyết định của CDC trong việc khuyến cáo những người đã tiêm chủng mang khẩu trang, bà Walensky nói.
‘Virus trở nên thích ứng hơn’
Tại những nơi trên thế giới nơi số lượng lớn người dân chưa đươc tiêm chủng, biến thể Delta một lần nữa đã làm cho tỉ lệ tử vong và nhập viện gia tăng.
Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, nói hệ thống y tế tại nhiều nước hiện bị quá tải: “Những kết quả khó khăn mới đạt được hiện đang gặp nguy cơ hay sụp đổ,” ông nhấn mạnh tại một cuộc họp báo.
Chuyên gia khẩn cấp hàng đầu của WHO, ông Mike Ryan, nói vaccine dù sao vẫn còn hiệu nghiệm trong việc phòng ngừa bệnh nặng và tử vong: “Chúng ta đang chống lại cùng một virus nhưng là một virus đã trở nên thích ứng hơn.”
Ngay tại các nước giàu đi đầu về tiêm chủng, các ca nhiễm đã tăng cao. Dù là vaccine đến nay đã giữ cho tỉ lệ tử vong thấp hơn, nhưng phần lớn dân số vẫn còn dễ tổn thương, đặc biệt là những người từ chối tiêm chủng, một vấn đề đặc biệt tại Mỹ.
Gần một phần ba người trưởng thành tại Mỹ chưa tiêm chủng. Những khu vực có tỉ lệ tiêm chủng thấp đã chứng kiến số ca tăng mạnh trong những tuần gần đây, và nhà chức trách lo ngại là nhập viện và tử vong cũng cao.
Chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, bác sĩ Anthony Fauci, nói với Reuters là ông hy vọng các vaccine hiện mới chỉ được chấp thuận khẩn cấp có thể sẽ được chấp thuận đầy đủ vào tháng 8. Nếu được như vậy thì sẽ thuyết phục được thêm nhiều người đi tiêm chủng.
Tại Anh, nơi biến thể Delta làm lây nhiễm tăng mạnh trong những tháng gần đây dù nước này có một trong những chiến dịch tiêm chủng nhanh nhất thế giới, một ủy ban cố vấn chính phủ nói miễn dịch từ vaccine có thể phai nhạt theo thời gian, có nghĩa là những chiến dịch tiêm chủng có thể sẽ phải kéo dài trong nhiều năm.
Hôm 27/7, CDC, vốn mấy tháng trước khuyến cáo những người Mỹ đã tiêm chủng không cần mang khẩu trang, nay đã có lập trường ngược lại, nói rằng ngay cả những người tiêm chủng hoàn toàn nên mang khẩu trang trong những tình huống virus lây lan.
Vào ngày 29/7, Tổng thống Joe Biden thúc đẩy các chính quyền địa phương tặng 100 đô la cho những ai đi tiêm chủng và đặt qui định mới đòi hỏi nhân viên liên bang phải có bằng chứng tiêm chủng hay phải chịu xét nghiệm thường xuyên, mang khẩu trang bắt buộc và hạn chế du hành.
“Điều chính yếu không thay đổi (vì Delta) là khẩu trang sẽ vẫn được sử dụng và tại các nước nơi đã gỡ bỏ yêu cầu này sẽ phải tái áp dụng,” ông Carlo Federico Perno, người đứng đầu vi sinh học và chẩn đoán miễn nhiễm học tại Bệnh viện Bambino Gesù ở Rome, nói.
Các nước châu Á siết chặt các hạn chế
Tại châu Á, nhiều nước tránh được hậu quả tồi tệ tại các nước phương Tây trong năm 2020, nay đặc biệt chịu tác hại mạnh mẽ. Nhiều nước loan báo hạn chế mới vào ngày 30/7. Từ ngày thứ Hai 2/8, binh sĩ sẽ giúp cảnh sát thành phố Sydney lớn nhất của Úc kiểm tra để cách ly những người xét nghiệm dương tính.
Philippines loan báo kế hoạch đặt vùng thủ đô Manila, với hơn 13 triệu dân, trong tình trạng phong tỏa hai tuần.
Tại Nhật, số ca nhiễm tăng mạnh đã phủ bóng lên Thế vận hội. Chính phủ đề nghị tình trạng khẩn cấp cho đến cuối tháng 8 tại ba khu vực hành chánh gần Tokyo và vùng Osaka ở phía Tây.
“Lây nhiễm đang lan rộng. Tình hình cực kỳ nghiêm trọng,” Bộ trưởng Kinh tế Yasutoshi Nishimura nói và cảnh báo là lây nhiễm chưa đạt mức cao điểm.
Thái Lan tiếp tục vất vả chống đỡ Covid-19
Nguồn hình ảnh, Reuters
Chụp lại hình ảnh,
Xếp hàng tiêm vaccine AstraZeneca ở Bangkok ngày 26/7
Thái Lan hôm 31/7 thông báo số ca Covid-19 tiếp tục lập kỷ lục, với 178 trường hợp tử vong và 18.912 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua.
Theo quốc tịch, trong số tử vong có 174 người Thái Lan, hai người Trung Quốc và một người Campuchia và một Myanmar.
Bangkok tiếp tục có số người chết cao nhất, 64 người, tiếp theo là Samut Prakan (20).
Bangkok tiếp tục dẫn đầu về số ca Covid hàng ngày, ở mức 3,668, tiếp theo là Samut Sakhon (1,178).
Trong số các ca mới, 18.102 trường hợp là trong dân và 810 là tù nhân.
Trong 24 giờ qua, 10.750 bệnh nhân Covid-19 đã được xuất viện.
Kể từ ngày 1 tháng 4, khi đợt thứ ba của Covid-19 bắt đầu, Thái Lan ghi nhận 568.424 bệnh nhân Covid-19, 364.494 trong số đó đã hồi phục.
Kể từ khi đại dịch bắt đầu vào đầu năm ngoái, Thái Lan nói nước này đã có 597.287 trường hợp mắc bệnh Covid-19, trong đó có 391.920 trường hợp đã khỏi bệnh.
Số người chết là 4.763 người trong đợt thứ ba.
Nếu tính từ đầu dịch hồi đầu năm 2020, tổng cộng 4.857 người đã tử vong.
Từ ngày 28 tháng 2 đến ngày 30 tháng 7, tổng cộng 17.491.632 liều vaccine đã được tiêm trên cả nước.
13.640.175 trong số này là mũi đầu tiên và 3.851.453 là mũi thứ hai.
Theo dự báo của Bộ Y tế, Thái Lan có thể chứng kiến hơn 40.000 ca nhiễm mới và 500 ca tử vong mỗi ngày, đạt đỉnh điểm vào giữa tháng 9, nếu các quy định phong tỏa hiện tại không được tuân thủ.
Hôm 30/7 Thủ tướng Prayut Chan-o-cha nói ông “rất tiếc” về tổn thất và ông cảm thông với rất nhiều người đang phải chịu đựng đại dịch.
“Tôi thông cảm. Tôi xin lỗi. Tôi đang cố gắng giải quyết tất cả thách thức. Tôi sẽ cố gắng hết sức với tư cách là thủ tướng.”
“Nhưng sự hợp tác cũng cần thiết, để các vấn đề có thể được giải quyết. Tôi không thất vọng, nhưng tôi xin lỗi về tất cả những mất mát và tôi muốn nâng cao tinh thần của các quan chức. Đây là điều chúng ta cần làm cùng nhau, bởi vì chúng ta là người Thái Lan,” ông Prayut nói.
Các biện pháp phong tỏa
Lệnh giới nghiêm từ 9 giờ tối đến 4 giờ sáng và các hạn chế khác đã tiếp tục hiệu lực kể từ ngày 19 tháng 7 cho tới ít nhất 2/8 tại Bangkok, Nonthaburi, Samut Prakan, Samut Sakhon, Pathum Thani và Nakhon Pathom, cũng như các tỉnh cực nam Narathiwat, Pattani, Songkhla và Yala.
Các hạn chế bao gồm việc đóng cửa tất cả các cửa hàng trong trung tâm thương mại vào lúc 8 giờ tối ngoại trừ các nhà bán lẻ được coi là cần thiết, chẳng hạn như siêu thị, thiết bị y tế.
Lệnh cấm ăn uống tại các quán ăn vẫn tiếp tục, trong khi các nhà hàng, chợ ẩm thực và cửa hàng tiện lợi phải đóng cửa từ 8 giờ tối đến 4 giờ sáng.
Không có phương tiện giao thông công cộng nào hoạt động từ 9 giờ tối đến 4 giờ sáng.
Tiêm vaccine
Tới nay Thái Lan chỉ dùng ba loại vaccine là Sinovac, AstraZeneca và Sinopharm.
Tính tới 22/7, tổng cộng 15.388.939 liều vaccine được phân bổ toàn Thái Lan, trong đó có 7.933.854 liều Sinovac, 6.856.472 liều AstraZeneca và 598.613 liều Sinopharm.
Mãi tới ngày 24/7 Thái Lan cho hay sắp lần đầu tiên được nhận 1,5 triệu liều Pfizer do Mỹ tặng.
Hôm thứ Sáu (30/7), lô vaccine Pfizer-BoNTec đầu tiên, gồm 1,5 triệu liều, do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ đã hạ cánh xuống sân bay Suvarnabhumi, Bangkok.
Thái Lan sẽ nhận được tổng cộng 2,5 triệu liều Pfizer trong hai đợt, nhờ Mỹ tặng.
Hiệp hội các bệnh viên tư Thái Lan đã đặt mua 5 triệu liều Moderna nhưng chỉ hy vọng nhận được từ quý bốn năm nay.
Từ khoảng tháng Sáu 2021, ở thủ đô Bangkok, dân thủ đô – đủ điều kiện theo quy định – có thể tự đăng ký tiêm vaccine qua bốn mạng điện thoại: AIS, True, DTAC, và National Telecom.
Theo hướng dẫn, khi đặt cuộc hẹn qua phone, người dân sẽ có mã QR, rồi mang theo giấy tờ tùy thân, đến nơi tiêm vaccine duy nhất là Bang Sue Grand Station.
Lựa chọn thứ hai, là người dân Bangkok đăng ký online qua trang web Thai Ruam Jai. Hoặc họ đăng ký qua ứng dụng Pao Tang và thậm chí đăng ký ở các cửa hàng tiện lợi như Family Mart, 7-Eleven…
Nếu đăng ký bằng cách trên thì dân Bangkok có thể chọn giờ hẹn tại 25 địa điểm tiêm vaccine ở thủ đô như Central World, Siam Paragon…
Khi Thái Lan mở chương trình tiêm phòng từ tháng Sáu, ban đầu Thái ưu tiên cho người dân ở độ tuổi trên 60 – tổng cộng 11,7 triệu người.
Cộng thêm vào là 4,3 triệu dân có bệnh nền, ưu tiên những người mắc bệnh hô hấp mãn tính, bệnh tim, suy thận mãn tính, đột quỵ, béo phì, ung thư và tiểu đường.
Bắt đầu từ hôm 29/7, địa điểm tiêm Bang Sue Grand Station cho phép người trên 18 tuổi tới 59 tuổi được đặt cuộc hẹn để có thể tiêm từ 1/8 đến 31/8.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét