Nơi Bình Yên Nhất
Bao năm hội nhập cõi người ta
Trải nghiệm lắm lần mới ngộ ra
Nhóm hội có muôn trò bát nháo
Đền chùa còn vạn thói ta bà
Nhân quần lúc nhúc phường gian ác
Trần thế loi nhoi đám qủy ma
Khắp chốn rập rình đầy cạm bẫy
Nơi bình yên nhất chính là nhà
Nhất Hùng
SOI LẠI BÓNG MÌNH
Ngày tôi đi
đâu cần biết lúc nào
Đâu cần thiết
phải sâm soan lời giã biệt
Chỉ riêng mình
soi lại bóng mình thôi
Tôi thuộc loại lang
treo bằng cấp dưới đất
ấp ủ thơ trong lòng
Tôi là dân chơi
đến với đời
không chiếu trên, chiếu dưới
Tôi xếp tôi
ngồi ở chiếu vòng tròn
Làm bầu gánh bao năm
Họp mặt nào cũng mong
ghế dành cho hội viên ngồi trước
Còn tôi vui làm chủ tịch đứng
Tôi chia trái tim mình
ra làm bốn
Ba ngăn đầu tuổi trẻ
dành cho quê hương
Ngăn thứ tư
tuổi già còn lại
tôi cũng chia ra làm bốn
Ba trên bốn ngăn này
tôi gởi nốt về quê hương
Thế sao mà
khi đưa lên bàn cân
con tim còn kêu nặng
vẫn đòi chia?
TRANG CHÂU
22/06/202
************************
BÓNG NGƯỜI TRONG HÀNH LANG
Trang Châu
“Vì chậm trể giấy tờ ở Bộ Nội Vụ nên khi tôi qua đến thành phố của xứ tuyết này, niên khóa ở đại học Bách Khoa đã khai giảng được một tháng. Người quen, mà ba má tôi nhờ thuê giữ trước cho tôi một phòng nhỏ ở gần khu đại học, khi đón tôi ở phi trường mới cho tôi hay người chủ nhà đã cho sinh viên khác thuê vì đúng ngày hẹn tôi không có mặt để ký hợp đồng. Đã trễ niên học lại thêm chưa có chỗ ở chắc chắn nên đầu óc tôi khá căng thẳng . Tôi không mấy thoải mái được cho ở tạm nhà người quen của ba má tôi. Họ cho tôi ở một phòng ở tầng dưới nhà họ, nhà lại nằm xa khu đại học. Tôi phải dậy sớm, đổi hai chuyến buýt mới đến được trường. Nên ngoài việc phải bù đầu vào cập nhật bài vở của tháng trước, tôi còn phải dành thì giờ mua hai tờ nhật báo, đọc mục rao vặt, xem quanh khu đại học còn phòng nào trống để tìm thuê.
Sau cả tuần theo dõi, tìm kiếm, tôi thấy ở cuối con đường băng ngang lưng khu đại học còn một phòng cho thuê, tuy khá xa trường nhưng chỉ phải đi một chuyến buýt.Tôi gọi điện thoại lấy hẹn.Người gác dan, tên Luc, cho tôi một cái hẹn để gặp ông chủ nhà. Đúng hẹn tôi gặp ông André, chủ nhà, một người đàn ông đứng tuổi, lịch thiệp khiến tôi có cảm tình ngay. Ông André đưa tôi lên lầu trên xem phòng.Lên hết cầu thang gặp ngay phòng đầu tiên, là phòng ông André đăng báo cho mướn. Đi một khúc hành lang đến phòng thứ hai. Ông André nói phòng này dành cho con gái ông, hiện đang ở xa, thỉnh thoảng về thăm . Ở khoảng giữa hai phòng là một phòng toa lét nhỏ. Tôi hơi ngạc nhiên phòng cho thuê khá khang trang mà giá lại rẻ hơn so căn phòng ba má tôi nhờ giữ trước đây.Tôi ký giấy mướn và chọn ngày dọn đến.Ra về tôi vui vì có được chỗ trọ tương đối dễ đi đến trường để yên tâm lo việc học. Tôi đón chiếc buýt chạy ngang lưng khu đại học đi thử, đi để tính xem mỗi bận đến trường mất bao nhiêu phút. Chiếc buýt ngừng sau lưng khu đại học ở trạm thứ năm. Mất 30 phút.Thời gian như thế sẽ vừa cho giờ đi đến trường hàng ngày suốt niên học của tôi.
Tôi chọn dọn đến ngày đầu tháng cho tiện việc trả tiền thuê hàng tháng. Dọn đến tôi mới biết ông André không ở ngôi nhà tôi thuê phòng. Vợ chồng ông và một người con trai ở một nơi khác. Ông chỉ đến nhà ban ngày vào một trong hai ngày cuối tuần.Anh Luc, người gác dan, là một thanh niên trẻ, ở một vuông nhà nhỏ phía sau ngôi nhà lớn. Ônh André ăn nói nhỏ nhẹ,tính ân cần. Có lần ông ngỏ ý, nếu tôi muốn, buổi sáng tôi có thể ngồi uống cà phê ở phòng ăn thay vì uống ở trong phòng tôi.Khi có dịp gặp ông vào buổi sáng cuối tuần bao giờ ông cũng chào tôi bằng câu:
-Đêm qua cậu có ngủ ngon không?
Và lần nào cũng thế, tôi trả lời cám ơn và nói ngủ ngon. Nhưng thật tình khá nhiều đêm tôi trằn trọc.Tôi ra đi du học mà lòng rối bời vì tình hình bất ổn ở quê nhà. Gần cuối năm 1974, tin chiến sự ngày một bất lợi cho miền Nam. Ngoài lo lắng cho gia đình tôi, tôi còn lo lắng cho Cúc và gia đình nàng.Cúc là người yêu của tôi, vừa mới khăng khít nhau được hơn một năm. Mà vì tương lai sự nghiệp tôi đi du học với lời hứa hẹn, sau khi tốt nghiệp, sẽ về nước hỏi cưới nàng. Hình ảnh tôi mang theo trong mắt, trong tim là hình ảnh Cúc đứng dưới giàn hoa bí trong vườn nhà tôi, tay đưa ngang trán che chút nắng chiều còn đọng lại, mỉm cười nhìn tôi như chờ đợi sau khi tôi vụng về dứt lời tỏ tình.Nơi nụ cười hồn nhiên, dịu hiền ấy, nơi đôi môi tươi thắm ấy, tôi đã gởi nụ hôn nồng nàn nhất đời mình. Hương vị nụ hôn kia, giờ đây ngồi trong căn phòng nhỏ hẹp, vắng vẻ này tôi vẫn còn nghe thơm ấm ở đầu môi.
Tết năm đó gia đình tôi chuyễn ngân thêm cho tôi khá nhiều tiền. Trong thư ba tôi dặn tôi gấp gấp gởi giấy bảo lãnh về cho gia đình phòng hờ cần đến khi có biến.Tôi cũng gởi thư cho Cúc dặn dò nàng gởi thư cho anh Kim, anh nàng đang du học ở Hoa Kỳ làm giấy bảo lãnh cho gia đình nàng. Nhưng ngày 30 tháng 4 năm 1975 ập đến quá nhanh. Mọi liên lạc bị cắt đứt. Trợ cấp học bổng của tôi cũng bị cúp. Tôi ngày đêm như ngồi trên đống lửa. Chỉ còn biết cầu nguyện cho mọi người được an lành dưới chế độ mới. Tôi gởi ba lá thư cho gia đình, hai lá cho Cúc.
Không thấy bên nào hồi âm. Mãi đến sáu tháng sau tôi mới nhận được lá thư đầu tiên của ba tôi, vỏn vẹn có mấy dòng:” Đất nước thống nhất rồi, cả nhà bình yên. Con lo học và ráng tự túc”.
Nhận được thư nhà tôi vừa mừng vừa lo, mừng vì gia đình bình yên, lo vì biết từ nay tôi phải vừa kiếm sống vừa học. Số tiền gia đình tôi chuyển ngân trước đây chỉ có thể giúp tôi sống được một năm nếu tôi chỉ lo học mà không kiếm việc làm thêm. Rất may mắn tôi nhận được một công việc bán thời gian ở một phòng thí nghiệm. Nếu biết chắt chiu tôi sẽ đủ sống và tiếp tục học cho đến lúc ra trường.
Tôi vẫn không được tin tức gì về Cúc dù đã gởi thêm ba lá thư nữa về địa chỉ nhà nàng. Mãi đến đầu năm sau tôi mới nhận được thư Cúc.Cũng chỉ sơ lượt mầy dòng:”Anh yên tâm, đất nước thống nhất rồi.Gia đình em về quê góp tay sản xuất.Ba má em tính gởi em đến ở với anh Kim để đi học cho gần”. Ngoài phong bì có tên nhưng không có địa chỉ người gởi. Đọc câu cuối của Cúc tôi hiểu đó là câu mật báo gia đình nàng chuẩn bị cho nàng vượt biển.Tôi sống trong hy vọng lẫn phập phòng lo sợ cho ngày mai khi nghĩ đến dự định vượt biển của Cúc.
Làm trong phòng thí nghiệm tôi quen Daniel, anh học trên tôi một lớp. Khi biết chỗ ở của tôi một hôm Daniel bất ngờ hỏi tôi:
-Anh ở chỗ đó có nghe thấy gì lạ không?
Tôi trả lời không rồi thắc mắc với Daniel về câu hỏi của anh.
-Tôi nghe nói nhà đó có ma.
-Có ma?
-Ừ,từ khi cô con gái ông chủ nhà đó bị giết. Nghe nói cô ta hiện về hoài.Tôi có thằng bạn năm ngoái thuê ở đó, ở chưa được một tháng , bị quấy nhiễu, sợ quá phải dọn đi.
-Cô gái bị giết cách đây bao lâu?
-Hơn hai năm rồi.
-Bằng gì và ở đâu?
-Bằng súng, ở ngay trước nhà cô.
-Có bắt được thủ phạm không?
-Chưa.Cũng chưa có nghi phạm nào bị câu lưu để điều tra.
Cái tin Daniel cho biết nơi tôi đang ở có ma khiến tôi lấy làm lạ.Tôi ở đó hơn cả năm rồi mà có thấy gì khác thường đâu. Kể ra một đôi lần trong giấc ngủ chập chờn tôi có nghe vài ba tiếng động nhỏ ở phòng toa lét nhưng không hề thắc mắc. Có thể vì tâm trí tôi quá lo lắng chuyện bên nhà nên không chú ý gì khác. Từ khi nghe Daniel nói nhà tôi đang trọ có ma tôi đâm ra tò mò. Ý định đầu tiên của tôi là hỏi ông André, nhưng sau đó nghĩ lại tôi thấy hỏi như thế đường đột quá, không khéo làm mất lòng ông ấy. Ít nhất chính tôi phải có lý do để tin nhà có ma trước khi hỏi.Rồi tôi tự hỏi tôi có sợ ma không. Nói không sợ e không thật. Nhưng tôi rất muốn, dù hội hộp, có dịp thấy ma để tin là có ma thật.
Một đêm, trong giấc ngủ chập chờn, tôi nghe tiếng động ở phòng toa lét. Tôi tỉnh giấc, rời giường ngủ,bước khẽ tới mở hé cửa phòng mình.Cửa phòng toa lét đóng kín nhưng bên trong tôi nghe một giọng đàn bà hát nho nhỏ:”Que sera sera,what will be will be..”.Một bài hát xưa rất nổi tiếng của nữ danh ca Doris Day. Rồi một bóng trắng, không rõ mặt, thoát ra từ cửa phòng toa lét,xoay lưng đi về phía phòng mà ông André nói dành cho con gái ông. Bóng trắng đi xuyên qua cửa phòng và mất dạng. Tôi nghe tim mình đập mạnh nhưng đầu óc tôi tỉnh táo.Tôi có hồi hộp nhưng không sợ.
Tôi quyết định hỏi ông André để tìm hiểu thêm hiện tượng. Một sáng chúa nhật, dậy muộn, vừa rời phòng xuống cầu thang, tôi gặp ông André cũng vừa mới tới. Vẫn lời hỏi thăm thường lệ của ông. Tôi chào lại ông rồi nói với vẻ mặt đăm chiêu:
-Tối hôm qua tôi nghe thấy một sự lạ.
Đang đi ông André khựng bước, mặt hơi tái đi. Ông không hỏi tôi sự lạ gì mà lại hỏi:
-Cậu nghe thấy mấy lần rồi?
-Dạ hai, cách nhau một tháng.
-Cậu có cảm thấy ái ngại không?
-Dạ không, nhưng tôi mong được biết rỏ chuyện hơn.
-Ý của tôi là muốn biết những gì cậu nghe thấy có ảnh hưởng tới việc cậu ở đây không?
-Dạ không, tôi không có ý định thay đổi chỗ ở.
-Vậy tốt, mời cậu ra bàn ăn uống cà phê với tôi, ta sẽ nói chuyện tiếp. Vâng, con gái tôi hay hiện về nhà, nó nhớ phòng của nó.
Chờ cho tôi hớp xong hai ngụm cà phê, ông André mới cất tiếng, giọng từ tốn nhưng trầm buồn:
-Con gái tôi bị giết khi mới mười tám tuổi. Cho đến nay ban điều tra vẫn chưa tìm ra thủ phạm hay bắt giữ một nghi phạm nào. Vũ khí sát nhân cũng không tìm thấy.Họ chỉ có được đầu đạn đã phá nát mặt con gái tôi.Nó bị bắn ngay trước nhà mà người trong nhà lẫn hàng xóm không nghe tiếng súng. Hôm đó nó đi dự tiệc mừng sinh nhật của một cô bạn về, đậu xe trước nhà, vừa ra khỏi xe thì bị bắn.Ban điều tra nghi kẻ sát nhân đã dùng vũ khí có hãm thanh và phục sẳn đâu đó.Sự kiện tên sát nhân không bắn vào ngực hay bụng nạn nhân mà bắn vào mặt thể hiện sự hận thù cao độ. Ban điều tra nghiêng về một nguyên do tình cảm đã gây nên án mạng. Con gái tôi là đứa con ngoan, chăm học. Nó không có bạn trai, hay ít ra nó chưa cho tôi thấy nó có bạn trai. Con gái tôi tên Julie. Nay cậu biết chuyện mà vẫn không ái ngại, vẫn chọn tiếp tục ở lại thì tôi rất vui. Con gái tôi, bây giờ nó là gì đi nữa, tôi vẫn tin cái tâm nó tốt.
Thời gian tiếp theo, sau lần tâm sự của ông André, tôi tập dần cho tôi thói quen thôi không để ý đến tiếng động trong phòng toa lét nữa. Tôi nghĩ bóng ma đó không quấy phá, hăm dọa gì tôi.Nói như ông André nghĩ, con ông về vì nhớ phòng mình, thế thôi.
Thời tiết đang giữa hè, khí trời có ngày khá oi bức. Cái quạt máy nhỏ trong phòng, mở hết tốc lực cũng chỉ mang cho tôi một chút hơi mát. Ba đêm liền tôi nằm mơ thấy mình ngồi câu bên một bờ hồ nằm sát một sườn đồi thoai thoải. Chỗ tôi ngồi câu nằm dưới chân một cầu vồng cạn, bên kia cầu là một con suối khá rộng dốc nước, luồng qua vòm cầu, đổ vào hồ nằm phía bên nay cầu. Hôm thứ bảy ông André đến, tôi gặp ông, tả lại cái hồ, ngọn đồi và chiếc cầu vồng cạn rồi hỏi ông có biết tên hồ hay tên ngọn đồi không, và nếu có thì ở đâu, bao xa. Ông André nhìn tôi ngạc nhiên:
-Tôi nghĩ đó là hồ Sơn Thủy, lái xe chừng một tiếng là tới.
Rồi ông hạ giọng nói tiếp:
-Con Julie cũng hay đi câu cá. Đồ câu của nó tôi còn giữ trong kho. Cậu muốn đến đó câu cho biết thì lấy đồ câu của nó mà dùng. Hồ đó đặc biệt có cá chép, câu với mồi bắp chứ không bằng mồi giun như các thứ cá khác.
Nói xong, không cần biết tôi nhận lời hay thoái thác, ông André ra kho lục đem vào một hộp đồ câu và một cần câu.Rồi ông lấy giấy vẽ bảng chỉ đường đi đến hồ Sơn Thủy, chỉ chỗ vào mua giun và bắp hột nếu tôi muốn câu cá chép. Tôi chưa kịp trả lời là tôi không thể tới đó để câu, dù rất muốn, vì tôi không có xe hơi, thì ông André đã hỏi:
-Cậu có bằng lái xe không?
-Dạ có.
-Lấy xe của con Julie trong nhà xe mà lái, tôi cho mượn.Tôi giữ xe nó, để đó, làm kỷ niệm. Chìa khóa đây.
Quang cảnh hồ Sơn Thủy y hệt như tôi nhìn thấy trong ba giấc mơ.Nằm sát ở chân cầu vồng cạn có một tảng đá bằng, vuông vuông, khá tiện cho một hay hai người đứng hay ngồi câu.Tôi lách đám cỏ tới chiếm chỗ đó. Bây giờ khoảng hai giờ trưa. Chỉ có hai người ngồi câu dầm ở cái bến có một khúc cầu gỗ bắc ra. Nắng gay gắt nhưng có gió thoảng nên khí trời cũng dễ chịu. Tôi muốn câu cá chép nên lấy mấy hột bắp móc kín cả lưỡi câu rồi nhắm khoảng giữa mặt hồ, nơi tiếp giáp với dòng nước từ khe suối đổ ra, quăng mồi xong, ngồi đợi. Ông André cho biết muốn câu cá chép phải kiên nhẫn, có khi phải chờ cả tiếng cá mới cắn câu.Nhưng tôi không kiên nhẫn mấy, cứ mười lăm, hai mươi phút không thấy động tỉnh, tôi lại kéo mồi lên quăng đi nơi khác.
Lần quăng cuối, vừa tung mồi thì một làn gió mạnh, bất thình lình thổi thốc từ lưng tôi ra phía trước, đẩy con mồi bay xa hơn chỗ tôi nhắm một chút. Một lát sau, cũng không thấy động tỉnh gì, tôi kéo mồi lên thì thấy khá nặng ở đầu cần. Nhưng tôi không nghĩ là cá cắn vì không nghe cá vùng vẫy.Tôi tiếp tục kéo, cho đến khi gần tới bờ thì thấy hiện ra một chùm rong lớn. Kéo chùm rong lên bờ, vừa mới bứt vất vài sợi, tôi khiếp hãi khi thấy lộ ra một khẩu súng ngắn có gắn ống hãm thanh dính đầy bùn.Tôi hoang mang tột độ. Sao lại có ba giấc mơ để đưa đến sự xuất hiện của khẩu súng này? Chợt nhớ đến cô gái tên Julie, tôi lạnh người khi nghĩ mình là người cô ấy chọn để giúp tìm kiếm hung thủ đã giết cô. Nhưng sao lại là tôi? Sao không phải là cha cô? Có phải tại tôi biết cô hiện về mà can đảm tiếp tục ở nên cô có cảm tình? Có phải cô không chọn cha cô vì ông bỏ cô đi ở nơi khác ? Và bây giờ tôi phải làm sao đây với khẩu súng “câu” được?
Phải đem nộp cho sở cảnh sát để họ điều tra. Có thể đây là ý muốn của cô Julie. Nghĩ như thế tôi lấy lại được bình tỉnh. Tôi cắt giây câu, xách nguyên chùm rong cho vào túi plastíc.
Viên cảnh sát tiếp tôi ban đầu cũng ngẩn ngơ rồi hoài nghi trước câu chuyện tôi “câu” được khẩu súng , tiếp sau đó biết thêm tôi đang ở trọ nhà của cô gái bị giết mà hồ sơ điều tra vẫn ở tình trạng mở. Tôi bỗng nhiên trở nên một đối tượng để họ chất vấn. Chỉ sau khi biết chắc tôi là một sinh viên du học mới sang họ mới tin lời tôi. Họ cám ơn và để tôi ra về sau khi ghi hết chi tiết về tôi. Tôi chỉ xin họ đừng tiết lộ danh tánh tôi nếu cuộc điều tra có kết quả.
Báo chí và truyền hình của tỉnh bang dồn dập tin tức và hình ảnh về một thảm trạng mà thế giới vừa ngỡ ngàng nghe đến: Thảm trạng thuyền nhân. Tôi cũng lo lắng theo dõi và chờ đợi. Lo lắng cho gia đình, chờ đợi tin của Cúc. Thảm cảnh chìm ghe và nạn hải tặc làm tôi bồn chồn, ăn ngủ không yên. Một đài truyền hình tổ chức một buổi trực tuyến kéo dài 24 tiếng để gây quỹ giúp thành lập trại tị nạn đón thuyền nhân vào tỉnh bang. Tấm lòng nhân ái của người dân bản xứ khiến tôi xúc động đến nghẹn ngào. Tôi tích cực tham gia vào công việc tiếp đón và cứu trợ cùng với chút hy vọng mong manh biết thêm tin tức người thân của mình qua tiếp xúc với đồng bào tị nạn.
Một buổi sáng, mở cửa phòng, tôi thấy một chùm hoa cúc ai đặt ngay lối ra. Tôi run run cầm chùm hoa lên, những cánh hoa đã vàng héo. Ngoài anh gác dan Luc, người mà hoạ hoằn tôi mới gặp để chỉ đưa tay chào, đâu còn ai trong nhà này. Ông André thường cuối tuần mới tới. Hôm nay thứ ba. Dạo quanh vườn cũng không thấy nơi nào có trồng hoa cúc. Tôi vụt nghĩ người đem đặt hoa có lẽ là Julie, để báo tin trước, và với cánh hoa héo, có thể là một tin không vui. Thời gian tôi lo lắng không kéo dài vì trưa ngày hôm sau tôi nhận được điện tín của gia đình nàng:”Em Cúc đã sum họp với anh Phú.” Phú là viên đại úy, bạn của chú của Cúc, đã tử trận trong cuộc triệt thoái cao nguyên. Đọc qua dòng điện tín,tôi khịu người muốn xỉu, nước mắt ràn rụa. Như vậy Cúc đã chết trên đường vượt biển! Đắm ghe hay bị hải tặc giết? Với tôi bây giờ lý do cái chết đâu còn quan trọng, chỉ biết Cúc của tôi đã không đến được bờ tự do. Uớc mong, chờ đợi một lá thư hay một điện tín của Cúc từ một trại tị nạn nào đó mà tôi ngày đêm trông ngóng sẽ không bao giờ có nữa! Tối hôm đó và còn bao nhiêu đêm khác, tôi đã ngồi hàng giờ nhìn ảnh Cúc, nước mắt chan hòa…
Sáu tháng sau lần tôi đến sở cảnh sát để nộp khẩu súng có hãm thanh, ban điều tra mở cuộc họp báo để thông báo bắt được thủ phạm giết cô Julie. Lý do hành động của hung thủ là để trả thù, anh ta cho đã bị Julie làm nhục trước đám đông khi bị Julie tát vào mặt trong đêm lửa trại của buổi họp mặt sinh viên liên tỉnh. Theo lời khai của hung thủ, y chỉ sơ ý chạm vào ngực Julie
trong khi nhảy một vũ điệu tập thể. Tay sát thủ này ở một tỉnh bang khác. Ban điều tra chỉ tiết ộ nhờ tìm thấy vũ khí giết người nên lần ra được thủ phạm vụ án mạng. Ngay tối hôm đó tôi bị thức giấc vì tiếng động trong phòng toa lét.Tôi lại rời giường ngủ, hé cửa phòng, nhìn ra hành lang. Bên trong phòng toa lét có tiếng hát nho nhỏ:”C’est ma vie, c’est ma vie, je n’y peux rien, c’est elle qui m’a choisi…”. Cũng một bài hát xưa nổi tiếng của Adamo. Rồi một cái bóng, không phải bóng trắng, mà là một bóng hồng, thoát ra đi dọc hành lang và biến qua cửa phòng của cô gái con ông André.
Sáng hôm sau, mở cửa phòng, tôi thấy một đóa hồng tươi nằm ngay cửa. Không còn nghi ngờ gì nữa, người gởi hoa cho tôi là Julie, hoa gởi như một lời cám ơn. Tôi còn năm cuối là ra trường.
Dự tính ra trường, trở về nước hỏi cưới Cúc chỉ còn là mây khói; chờ đợi tin Cúc từ một trại tị nạn để tìm cách sum họp với nàng bây giờ là ảo tưởng. Sự nghiệp sắp thành nhưng hạnh phúc ước mơ tan biến.
Một sáng cuối tuần đầu thu, ông André ghé nhà, tay ôm một bó hoa. Ông mở cửa vào phòng của Julie. Chừng mười lăm phút sau ông trở ra. Ngang phòng tôi ông dừng lại, đúng lúc tôi cũng vừa từ phòng bước ra. Tôi chào ông, chờ đợi một câu hỏi.
-Chắc con Julie thôi không làm ông thức giấc nữa?
-Dạ, cũng hơn bốn tháng nay tôi ngủ yên.
-Tôi nghĩ Julie đã đổi chỗ ở. Tôi nghĩ nó đã quyết định đi xa, thật xa. Có thể nó sẽ không về lại nhà nữa.
-Sao ông nghĩ vậy?
-Tôi không thấy con gấu trắng để cạnh gối trên giường ngủ của nó nữa. Julie ngủ, lúc nào cũng ôm con gấu của nó. Nay nó mang con gấu đi tôi nghĩ nó muốn đổi chỗ ở. Tôi tin nó đã được toại nguyện. Nó không còn muốn vương víu gì đến người trần chúng ta nữa. Hôm nay sinh nhật ngày mất của nó, tôi đi thăm con tôi. Mộ nó ở nghĩa địa Dốc Tuyết, cũng gần đây thôi, nằm cuối
dãy B, cái bia màu xanh dương.
Đến khoảng trưa tự nhiên tôi nảy ra ý định đi thăm mộ Julie. Ý muốn gần như một thôi thúc khó hiểu. Chiếc buýt ngừng ở trạm dưới chân Dốc Tuyết.Trời hôm đó nắng dịu. Tôi ghé tiệm hoa mua một bó hoa cúc, lòng thầm nhủ vừa viếng mộ Julie vừa tưởng nhớ Cúc. Vào nghĩa địa tôi tìm dãy B, đi gần đến cuối đường thì nhận ra một bia mộ màu xanh dương. Đến nơi thấy một cô gái đứng trước mộ có vẻ như đang chờ ai. Tôi cất lời:
-Chào cô, tôi đến viếng mộ cô Julie Latendresse. Cô là…
Cô gái, tay che nắng, quay nhìn tôi, mỉm cười trả lời:
-Em là bạn thân của Julie.
Tôi sửng sờ trước dung nhan cô bạn của Julie. Dù là người da trắng, cô gái có nét hao hao giống Cúc, giọng nói cũng hao hao giọng Cúc. Bàn tay che nắng, nụ cười mỉm sao giống hình ảnh Cúc hôm tôi tỏ tình với nàng. Tôi bạo dạn tự giới thiệu:
-Tôi là Vinh, sinh viên du học, tôi đang trọ ở nhà của Julie. Xin lỗi, quý danh cô là…
-Em tên Marguerite*”
Câu chuyện tình huyền bí của người đàn ông tên Vinh kể đến đây bất ngờ chấm dứt vì thình lình nhà bị cúp điện. Buổi họp mặt phải tan hàng sớm. Tôi không có dịp nghe anh Vinh kể tiếp câu chuyện về đời anh. Hay là anh kể một lần đó rồi thôi. Tôi chỉ nghe biết thêm, về sau ông André cho thuê luôn căn phòng dành cho con gái ông trước kia, người thuê không ai khác hơn là cô
Marguerite. Sau khi ra trường anh Vinh cưới cô Marguerite làm vợ. Một thời gian sau đó họ
mua luôn ngôi nhà của ông André và sống với nhau rất hạnh phúc.
TRANG CHÂU
Montréal 23/03/2021
*Marguerite= hoa Cúc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét